Chủ nghĩa dân túy, quá khứ và hiện tại

Posted on
  • Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Shlomo Ben-Ami,
    Phạm Nguyên Trường chuyển ngữ
    Dường như, hiện nay, gần như không có chế độ dân chủ phương Tây nào được miễn dịch với chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Trong khi thuật hùng biện của những người dân túy dường như đã đạt tới đỉnh điểm, với những hậu quả sâu rộng - đáng chú ý nhất là cuộc bỏ phiếu ở Vương quốc Anh về việc ra khỏi Liên minh châu Âu - thực tế là khuynh hướng cho rằng người bản địa ưu việt hơn người nhập cư, mà chủ nghĩa dân túy là người đại diện đã làm điêu đứng nền chính trị dân chủ từ khá lâu rồi.
    Phong trào dân túy có xu hướng tập trung việc vu vạ. Cố đạo Charles Coughlin, linh mục Công giáo ở Detroit - trong những những năm 1930, đã từng cổ vũ cương lĩnh phát xít dành cho nước Mỹ - luôn luôn tìm cách đào tận gốc, trốc tận rễ thủ phạm gây ra những vấn đề của xã hội. Tương tự như thế, những người dân túy cánh hữu hiện nay cũng hăng hái đánh nhằm bật “giới quyền uy” và “tinh hoa”.
    Ở châu Âu, nó có nghĩa là vu vạ cho EU về tất cả những thứ không như ý. Giải quyết nguồn gốc phức tạp của những thách thức về kinh tế và xã hội hiện nay – ví dụ, Anh và Pháp bị đau khổ vì hiện tượng đặc quyền đặc lợi cha truyền con nối và hệ thống giai cấp bất di bất dịch - khó hơn gấp nhiều lần những lời chỉ trích EU, coi tổ chức này như là một người khổng lồ đầy tội lỗi.
    Ngoài vu vạ, ý thức hệ dân túy dựa chủ yếu vào tình cảm luyến tiếc quá khứ. Phần lớn những vụ biến động hiện nay ở châu Âu làm người ta nhớ lại thái độ phủ nhận Cách mạng Pháp của Edmund Burke vào năm 1790, ông ta coi đây là sản phẩm của một niềm tin sai lầm vào những tư tưởng coi thường sự gắn bó của nhân người đối với lịch sử và truyền thống.
    Đối với những người ủng hộ việc Anh ra khỏi EU, thế giới không biên giới mà EU – bằng việc cam kết với toàn cầu hóa – là người đại diện cho tư tưởng phá hủy quốc gia-dân tộc. Mà theo họ thì quốc gia-dân tộc bảo vệ quyền lợi của họ tốt hơn là EU. Trong chiến dịch trưng cầu dân ý, họ nhắc nhở người ta về quá khứ, khi công việc được bảo đảm, hàng xóm là những người quen và an ninh cũng được giữ vững. Đối với họ, cái quá khứ như thế đã bao giờ thực sự tồn tại hay không không phải là vấn đề.
    Gần đây nhất, khi các chế độ dân chủ châu Âu bị phong trào chính trị cấp tiến đánh bại - trong những năm 1930 – những kẻ mị dân đã dựa vào sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu lớp dưới, những người sợ bị tước đoạt và bị những lực lượng kinh tế không thể kiểm soát được đẩy vào tình trạng nghèo đói. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đồng euro đã kéo dài khá lâu, và tình trạng thắt lưng buộc bụng sau đó, hiện nay, những người dân túy đã lợi dụng những lo ngại tương tự và một lần nữa, lại chủ yếu là những người công nhân lớn tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
    Tất nhiên, không chỉ châu Âu bị cuốn vào chủ nghĩa dân túy. Hoa Kỳ, nơi mà Donald Trump được đảng Cộng hòa đề cử làm ứng viên, cũng đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Trump đưa vẽ đời sống ở Mỹ hiện nay thành một bức tranh xám xịt, và vu vạ cho toàn cầu hóa (đặc biệt là người nhập cư) và những nhà lãnh đạo “quyền uy”, những người đã thúc đẩy tòan cầu hóa nhằm chống lại những người công nhân bình thường ở Mỹ. Khẩu hiệu của ông ta: “Một lần nữa, hãy làm cho Mỹ trở thành vĩ đại”, là màn trình diễn cao nhất của tình cảm dân túy, luyến tiếc quá khứ sai lầm.
    Hơn nữa, hệt như những người Anh muốn nước này rút khỏi châu Âu, Trump muốn rút Mỹ khỏi các hiệp ước quốc tế mà nó là thành viên, nếu không phải là trụ cột. Ông đã đề nghị rời bỏ NATO và tuyên bố rằng các nước đồng minh của Mỹ phải trả tiền, nếu muốn được Mỹ bảo vệ. Ông ta còn tung ra một loạt bài đả kích tự do thương mại và thậm chí là đả kích cả Liên Hiệp Quốc nữa.
    Như ở bất kì nơi nào khác, chủ nghĩa bảo hộ của Trump và tính tự đại dân tộc là do sự lo lắng của những người bị những lực đen tối, phi cá nhân của “thị trường” đánh trúng. Chuyển hướng về phía chủ nghĩa dân túy là cuộc nổi dậy nhằm chống lại dòng chính thống về mặt trí tuệ, mà hiện thân là giới tinh hoa chuyên nghiệp, theo tư tưởng quốc tế. Trong chiến dịch trưng cầu dân ý ở Anh về việc ra khỏi EU, từ “chuyên gia” đã trở thành lời lăng mạ.
    Nói thế không có nghĩa là thách thức giới quyền uy là hoàn toàn vô giá trị. Giới quyền uy không phải bao giờ cũng giữ mối dây liên hệ với nhân dân. Chủ nghĩa dân túy đôi khi có thể trở thành kênh hợp pháp để cho những cử tri bị thiệt thòi thể hiện cho người ta thấy những thất vọng của mình, và kêu gọi thay đổi đường lối. Và ở châu Âu, có rất nhiều lời oán trách chính đáng: thắt lưng buộc bụng, quá nhiều thanh niên thất nghiệp, thiếu dân chủ trong lòng EU, và bộ máy quan liêu quá tải ở Brussels.
    Nhưng, không những không tập trung vào các giải pháp thực tế, những người dân túy hiện nay lại thường hướng vào những bản năng thấp hèn nhất của người dân. Trong nhiều trường hợp, họ nhấn mạnh vào cảm xúc chứ không phải là sự kiện, khuấy động sợ hãi và lòng hận thù và dựa vào quan niệm cho rằng người bản xứ thì tài giỏi hơn người nhập cư. Và, trên thực tế, họ ít quan tâm đến việc giải quyết những bất bình về kinh tế, mà chỉ sử dụng những sự bất bình để lôi kéo người dân ủng hộ chương trình nghị sự sẽ kéo lùi sự cởi mở cả về xã hội lẫn văn hóa.
    Thể hiện rõ nhất là trong các cuộc tranh luận về nhập cư. Ở Mỹ, đề xuất của Trump về việc ngăn chặn, không để người Hồi giáo vào nước Mỹ và xây dựng bức tường để ngăn, không cho người ta vượt qua biên giới từ Mexico đã giành được ủng hộ. Tương tự như thế, ở châu Âu, các nhà lãnh đạo dân túy đã lợi dụng dòng người tị nạn chạy trốn khỏi những cuộc xung đột ở Trung Đông để thuyết phục nhân dân rằng các chính sách mà EU áp đặt đe dọa không chỉ sự an toàn của người châu Âu mà còn đe dọa cả nền văn hóa của họ.
    Sự kiện là, gần như tất cả các vùng ở Anh bỏ phiếu ủng hộ việc ra khỏi EU đều nhận được những khoản trợ cấp khổng lồ từ EU, ủng hộ cho cách giải thích như thế. Tình hình ở Đức cũng như thế. Mặc dù, việc cả triệu người nhập cư, chủ yếu là người Hồi giáo, vào năm ngoái đã không ảnh hưởng đến nền kinh tế - ở đây 100% người lao động vẫn có việc làm - nhiều người đang bác bỏ tầm nhìn của của thủ tướng Angela Merkel về một nước Đức mới, đa văn hóa.
    Nói đơn giản là, đối với nhiều người châu Âu, người nhập cư không phải là mối đe dọa lới đối với sinh kế của họ mà là thách thức đối với bản sắc dân tộc và bộ lạc của họ. Các nhà lãnh đạo phong trào dân túy, như Nigel Farage của đảng Độc lập ở Anh đã không lưỡng lự trong việc tận dụng sự lo lắng như thế về văn hóa, nó làm cho cử tri Anh cuối cùng sẽ bỏ phiếu chống lại chính quyền lợi của họ.
    Sự bất bình mà những người dân túy như Farage và Trump lợi dụng là có thật. Muốn duy trì các nguyên tắc về cởi mở và dân chủ, vốn là nền tảng của tiến bộ về xã hội và kinh tế, thì phải hiểu và phải giải quyết những bất bình đó. Nếu không, những người dân túy sẽ tiếp tục được dân chúng ủng hộ, với những hậu quả nghiêm trọng tiềm tàng, như vụ bỏ phiếu về việc Anh ra khỏi EU đã cho thấy.
    May mắn là, đã có những tiền lệ về việc giải thoát, không để những người dân túy thôn tính. Trong những năm 1930, khi châu Âu lọt vào tay hoặc là các bạo chúa hoặc là các nhà lãnh đạo dân chủ tầm thường, thì những đệ tử của Coughlin ở Mỹ và những người khác đã bị chính sách Kinh tế Mới của Tổng thống Franklin Roosevelt làm lu mờ. Và, một chính sách kinh tế mới – tìm cách sửa chữa sự thiếu dân chủ ở EU và đặt dấu chấm hết cho chính sách thắt lưng buộc bụng tự làm hại mình - chính là biện pháp cứu châu Âu trong giai đoạn hiện nay.
    Shlomo Ben-Ami, là cựu bộ trưởng ngoại giao Israeli và hiện là phó chủ tịch trung tâm hòa bình Toledo. Ông là tác giả cuốn Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli-Arab Tragedy
    Nguồn: http://phamnguyentruong.blogspot.com/2016/09/chu-nghia-dan-tuy-qua-khu-va-hien-tai.html
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org