Francis
Fukuyama
Trần Ngọc Cư dịch
Ý nghĩa cuộc Bầu
cử Tổng thống 2016
“Ý nghĩa đích thực
của cuộc tuyển cử này là sau nhiều thập niên, thể chế dân chủ Mỹ rốt cuộc đang
đáp ứng trước tình trạng bất bình đẳng và bế tắc kinh tế ngày một nghiêm trọng
mà đại bộ phận dân chúng đang trải qua. Vấn đề giai cấp xã hội đang trở về vị trí
trung tâm của chính trị Mỹ, bất chấp các phân hóa khác – như chủng tộc, sắc dân
thiểu số, giới tính, khuynh hướng tính dục, địa lý – vốn khống chế chương trình
nghị sự trong các cuộc bầu cử gần đây.”
– Francis
Fukuyama
Hai năm trước,
tôi đã tranh luận trên tạp chí Foreign Affairs này rằng Mỹ đang lâm vào tình trạng
suy đồi chính trị. Hệ thống kiểm soát và quân bình quyền lực của hiến pháp nước
này, cùng với sự phân cực chính trị đảng phái và sự trỗi dậy của các nhóm lợi
ích giàu có về tài chính, đã kết hợp lại để tạo ra cái mà tôi gọi là “chế độ phủ
quyết” [vetocracy], một tình trạng trong đó các nhóm lợi ích dễ dàng ngăn chặn
Chính phủ thực hiện các công việc hơn là sử dụng Chính phủ để thúc đẩy lợi ich
chung. Các cuộc khủng hoảng ngân sách thường xuyên tái diễn, bộ máy thư lại gặp
nhiều ách tắc, và việc thiếu sáng kiến chính sách là những biểu hiện đặc trưng
của một hệ thống chính trị đang rối loạn.
Bề ngoài, cuộc bầu
cử Tổng thống 2016 có vẻ nêu bật phân tích này. Đảng Cộng hòa từng dương dương
tự đắc bỗng mất quyền kiểm soát tiến trình đề cử do sự soán đoạt quyền lực đầy
thù nghịch của Donald Trump và nội bộ đảng đang đầy rẫy mâu thuẫn gay gắt.
Trong khi đó, phía Dân chủ, Hillary Clinton, một nhân vật cực kỳ thân tín của đảng
đã gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ đáng ngạc nhiên đến từ Bernie Sanders, một ứng
viên 74 tuổi tự xưng là người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ (democratic
socialist). Bất luận vấn đề là gì đi nữa – từ vấn đề nhập cư đến cải cách tài
chánh đến mậu dịch đến vấn đề lợi tức đứng yên một chỗ – đông đảo cử tri của cả
hai bên lăng kính chính trị Mỹ đã đồng loạt đứng lên chống lại cái mà họ cho là
một giới quyền lực tham nhũng và cấu kết nhau; họ tập hợp chung quanh những
nhân vật cực đoan nằm ngoài hệ thống (radical outsiders) với hi vọng thể hiện một
cuộc thanh tẩy chính trị.
Nhưng trên thực
tế, cuộc vận động tranh cử đầy sóng gió năm nay đã cho thấy rằng dân chủ Mỹ
trong một số cung cách đang vận hành tốt đẹp hơn dự kiến. Dù ta có nghĩ gì về
cách lựa chọn của cử tri đi nữa, lần lượt từ bang này sang bang khác họ đã lũ
lượt đến các phòng phiếu và giành lấy quyền kiểm soát đường lối chính trị từ
tay các nhóm lợi ích và các đầu sỏ chính trị [oligarchs]. Jeb Bush, con trai và
là em ruột của hai vị Tổng thống Mỹ, một nhân vật từng được xem là lựa chọn tất
yếu của Đảng Cộng hòa, đã rút khỏi cuộc đua một cách nhục nhã vào tháng Hai năm
nay sau khi quyên góp hơn 130 triệu USD tiền vận động tranh cử (cùng với tiền
do Ủy ban Vận động Chính trị ưu tú của ông). Trong khi đó, Sanders tự hạn chế
mình trong những món tiền ủng hộ nhỏ bé và thề phanh thây mổ bụng giới tài phiệt
đang ủng hộ đối thủ chính trị của mình [tức bà Clinton], đã quyên góp thậm chí
nhiều hơn cả Bush và bám sát gót Clinton suốt cuộc tranh cử sơ bộ.
Ý nghĩa đích thực
của cuộc tuyển cử này là sau nhiều thập niên, thể chế dân chủ Mỹ rốt cuộc đang
đáp ứng trước tình trạng bất bình đẳng và bế tắc kinh tế ngày một nghiêm trọng
mà đại bộ phận dân chúng đang trải qua. Vấn đề giai cấp xã hội đang trở về vị
trí trung tâm của chính trị Mỹ, bất chấp các phân hóa khác – như chủng tộc, sắc
dân thiểu số, giới tính, khuynh hướng tính dục, địa lý – vốn khống chế chương
trình nghị sự trong các cuộc bầu cử gần đây.
Khoảng cách giàu
nghèo giữa tầng lớp chóp bu [giới tinh hoa]1 và phần còn lại của xã hội liên tục
gia tăng trong hai thế hệ vừa qua, nhưng mãi đến bây giờ nó mới nổi bật trên
sân khấu chính trị quốc gia. Vấn đề cần được giải thích không phải là nguyên
nhân tại sao các nhà chính trị dân túy [populists] có thể đạt được những thành
quả như lần này mà là tại sao họ phải đợi quá lâu mới làm được như vậy. Hơn nữa,
mặc dù nhận thức được rằng hệ thống chính trị Mỹ ít xơ cứng và ít lệ thuộc vào
giới tài phiệt hơn nhiều người lầm tưởng là một điều tích cực, nhưng những
phương thuốc vạn năng [nostrums] mà những nhà vận động dân túy đang rao bán là
gần như hoàn toàn vô bổ, và nếu đem ra áp dụng, chúng sẽ bóp nghẹt tăng trưởng
kinh tế, làm tồi tệ thêm căn bệnh xã hội, và khiến tình hình trở nên xấu hơn chứ
không tốt hơn. Vì thế hiện nay khi giới chóp bu bị cú sốc đánh bật ra khỏi tâm
thế kiêu căng tự mãn, thì đây cũng là lúc họ phải tìm ra những giải pháp hữu hiệu
hơn cho các vấn đề mà họ không thể từ chối hay làm ngơ thêm nữa.
CƠ SỞ XÃ HỘI CỦA
CHỦ NGHĨA DÂN TÚY
Trong những năm
gần đây, càng ngày càng khó chối cãi rằng lợi tức của hầu hết công dân Mỹ tiếp
tục bế tắc trong khi giới chóp bu thành công hơn bao giờ cả, tạo nên tình trạng
bất bình đẳng ngày một nghiêm trọng khắp xã hội Mỹ. Một số sự kiện cơ bản, như
phần tài sản quốc gia ngày một kếch sù nằm trong tay một phần trăm, nói đúng ra
một phần ngàn, dân số ở chóp bu càng ngày càng quá rõ ràng. Điều mới lạ trong
chu kỳ chính trị này là sự quan tâm của người dân bắt đầu chuyển hướng từ những
thái quá của giới đầu sỏ chính trị đến hoàn cảnh khốn khó của những thành phần
bị bỏ rơi đằng sau.
Hai cuốn sách xuất
bản gần đây – cuốn Coming Apart [Tan rã] của Charles Murray và cuốn Our Kids
[Con cái chúng ta] của Robert Putnam – đã trình bày thực trạng xã hội mới bằng
những chi tiết rất nhức nhối. Murray và Putnam nằm ở hai đầu đối nghịch của
lăng kính chính trị, một người có tư tưởng tự do bảo thủ chống lại sự can thiệp
của Chính phủ [conservative libertarian] và người kia có tư tưởng tự do bình đẳng
dòng chính [mainstream liberal], song những dữ liệu họ đưa ra gần như giống hệt
nhau. Lợi tức của giai cấp công nhân đã sa sút trong thế hệ qua, tuột dốc nhanh
chóng nhất ở người da trắng có trình độ trung học phổ thông hoặc thấp hơn. Đối
với nhóm này, khẩu hiệu của Trump “Làm cho nước Mỹ vĩ đại như trước!” [Make
America Great Again!] có ý nghĩa thật sự. Nhưng những căn bệnh mà họ mắc phải
còn trầm kha hơn và được biểu hiện trong những dữ liệu về tội phạm, sử dụng ma
túy, và gia đình có bố hay mẹ đơn thân [single-parent families].
Trở lại thập
niên 1980, lúc bấy giờ có một cuộc thảo luận khắp nước Mỹ về sự xuất hiện một
giai cấp hạ đẳng người Mỹ gốc châu Phi – nghĩa là, một khối người khiếm dụng và
thiếu kỹ năng làm việc; sự nghèo khó của họ hình như tự nhân rộng vì cái nghèo
của họ dẫn đến gia đình tan vỡ [broken families] không có khả năng truyền cho
nhau những loại mẫu mực xã hội và lối ứng xử cần thiết để cạnh tranh trong thị
trường công việc. Ngày nay, giai cấp công nhân da trắng cũng ở vào một hoàn cảnh
tương tự như giai cấp hạ đẳng da đen lúc bấy giờ.
Trong thời gian
dẫn đến cuộc bầu cử sơ bộ tại New Hampshire – một bang gần như có dân số da trắng
và vùng quê như bất cứ bang nào trên nước Mỹ – nhiều người có thể ngạc nhiên
khi biết rằng mối quan tâm hàng đầu của cử tri tại đó là nạn nghiện heroin.
Trên thực tế, nạn nghiện thuốc phiện và methamphetamine đã lan tràn trong các cộng
đồng da trắng ở vùng quê tại các bang như Indiana và Kentucky chẳng khác gì nạn
nghiện cocaine trong các khu phố nghèo cách đây một thế hệ. Một nghiên cứu gần
đây của hai nhà kinh tế Anne Case và Angus Deaton cho thấy rằng tử suất của đàn
ông da trắng trung niên không phải gốc châu Mỹ La tinh tại Hoa Kỳ đã gia tăng
giữa những năm 1999 và 2013, thậm chí khi tử suất của hầu như mọi nhóm dân số
khác và tại các quốc gia giàu có khác đã giảm sút. Nguyên nhân của sự gia tăng
này có vẻ là tự sát, ma túy, và rượu – gần nửa triệu người đã chết vì nghiện ngập
trên con số đã dự kiến. Và tỉ số tội phạm trong nhóm này cũng tăng cực nhanh.
Rốt cuộc, thể chế
dân chủ Mỹ đang có dấu hiệu đáp ứng tình trạng bế tắc kinh tế của tuyệt đại đa
số dân chúng.
Tuy vậy, thực tế
ngày càng đen tối này, hiếm khi được các tầng lớp chóp bu ghi nhận – hay không
mảy may ghi nhận vì trong cùng thời kỳ nói trên, chính bản thân tầng lớp này lại
rất thành công. Những người chí ít có trình độ đại học thấy mình khấm khá hơn
nhiều trong những thập niên qua. Tỉ số li dị và gia đình có bố hay mẹ đơn thân
đã giảm bớt trong nhóm này, tội phạm trong các khu láng giềng của họ liên tục
xuống thấp, các đô thị được phục hồi cho giới trẻ chuyên nghiệp sống ở ngoại ô,
và các công nghệ như Internet và mạng xã hội đã thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau
trong xã hội cũng như các hình thức tham gia cộng đồng. Đối với nhóm này, sự
giám sát và chăm sóc con cái quá đáng [helicopter parents] chứ không phải nạn bỏ
bê con cái [latchkey children] mới là vấn đề
THẤT BẠI CỦA
CHÍNH TRỊ MỸ
Căn cứ vào phạm
vi to lớn của các chuyển biến xã hội đã và đang diễn ra, câu hỏi đích thực
không phải là lý do tại sao ở Hoa Kỳ có chủ nghĩa dân túy trong cuộc bầu cử
2016, mà là tại sao xu thế này không diễn ra thật sớm hơn. Và ở đây thật sự có
vấn đề đại diện người dân trong các định chế chính trị Mỹ: cả hai chính đảng đã
không phục vụ tốt nhóm người đang sa sút kinh tế.
Trong những thập
niên gần đây, Đảng Cộng hòa là một liên minh không mấy thoải mái giữa giới tinh
hoa doanh nghiệp và giới bảo thủ xã hội, bên doanh nghiệp cung cấp tiền bạc và
bên kia cung cấp phiếu bầu trong các cuộc tuyển cử sơ bộ. Giới tinh hoa doanh
nghiệp, mà đại diện là trang xã luận của tờ The Wall Street Journal, là những
người trên nguyên tắc cổ vũ chủ nghĩa tự do kinh tế: thị trường tự do, tự do mậu
dịch, và chính sách nhập cư cởi mở. Chính các đảng viên Cộng hòa đã cung cấp
phiếu để thông qua các đạo luật thương mại như Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ
[the North American Free Trade Agreement] và quyền thúc đẩy mậu dịch gần đây
[the trade promotion authority] (được biết nhiều hơn bằng từ “fast track” [đường
lối cấp tốc]). Những người hậu thuẫn doanh nghiệp phía Cộng hòa rõ ràng hưởng
nhiều lợi lộc nhờ việc nhập khẩu lao động có kỹ năng cũng như lao động phổ
thông từ nước ngoài, và một hệ thống thương mại toàn cầu cho phép họ xuất khẩu
và đầu tư khắp thế giới. Phe Cộng hòa cũng thúc đẩy việc gỡ bỏ hệ thống các luật
lệ điều tiết ngân hàng của thời kỳ Khủng hoảng Kinh tế 1930; hành động này đã dẫn
đến tình trạng tan chảy nợ thứ cấp [the subprime meltdown] và cuộc khủng hoảng
tài chánh 2008. Còn về mặt ý thức hệ, phe Cộng hòa luôn luôn cam kết giảm thuế
cho giới nhà giàu, làm suy yếu quyền lực của các công đoàn, và cắt giảm các dịch
vụ xã hội có lợi cho người nghèo.
Chương trình nghị
sự này trực tiếp đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân. Những nguyên nhân
gây ra sự tuột dốc của giai cấp công nhân là phức tạp, có liên quan tới những
chuyển đổi công nghệ cũng như những yếu tố chịu tác động của chính sách công.
Tuy thế, ta không thể chối cãi rằng những thay đổi có lợi cho kinh tế thị trường
mà giới chóp bu Cộng hòa ra sức cổ vũ trong những thập niên qua đã tạo sức ép đẩy
lợi tức của giai cấp công nhân xuống thấp, vừa bằng cách buộc giới công nhân Mỹ
phải trực tiếp đối đầu với sự cạnh tranh công nghệ và toàn cầu thô bạo hơn, vừa
bằng cách cắt giảm các chế độ bảo hộ và lợi ích xã hội còn sót lại từ thời New
Deal [Tân chính sách kinh tế xã hội]. (Những nước như Đức và Hà Lan, nhờ có nhiều
nỗ lực hơn Mỹ trong việc bảo hộ công nhân của họ, đã không chứng kiến sự nghiêm
trọng tương tự về bất bình đẳng kinh tế.) Vì vậy, ta không nên ngạc nhiên khi
thấy rằng cuộc đấu tranh lớn nhất và đầy cảm tính nhất trong cuộc bầu cử năm
nay chính là cuộc đấu tranh diễn ra trong nội bộ Đảng Cộng hoà, khi giới công
nhân cơ sở của đảng bày tỏ một lựa chọn rõ ràng dành cho các chính sách kinh tế
mang tính quốc gia chủ nghĩa hơn.
Về phần mình,
các đảng viên Dân chủ có truyền thống tự coi mình là những kẻ tranh đấu cho quyền
lợi người dân bình thường và vẫn còn khả năng dựa vào một cơ sở đang thu nhỏ gồm
những thành viên công đoàn để kiếm phiếu. Nhưng họ cũng làm cho khối cử tri này
thất vọng. Kể từ khi “đường lối thứ ba” [third way, cánh giữa, centrism] của
Bill Clinton xuất hiện, giới chóp bu trong Đảng Dân chủ theo đuổi sự đồng thuận
hậu-Reagan về lợi ích của mậu dịch tự do và chính sách nhập cư. Họ đồng lõa với
Cộng hòa trong việc tháo bỏ những luật lệ điều tiết ngân hàng trong thập niên
1990 và ra sức mua chuộc thay vì hậu thuẫn phong trào công đoàn trong việc chống
lại các hiệp định thương mại.
Nhưng vấn đề
quan trọng hơn đối với Đảng Dân chủ là đảng này đã nhận loại chính trị căn cước
[identity politics] làm giá trị cốt lõi. Đảng đã thắng các cuộc tuyển cử gần
đây bằng các huy động một liên minh gồm nhiều bộ phận dân chúng: phụ nữ, người
Mỹ gốc châu Phi, giới trẻ chuyên nghiệp sống ở ngoại ô, người đồng tính luyến
ái, và các nhà tranh đấu bảo vệ môi trường. Duy chỉ có một nhóm mà đảng này mất
hẳn quan hệ là chính cái giai cấp công nhân vốn là rường cột trong liên minh
New Deal của Franklin Roosevelt. Giai cấp công nhân da trắng bắt đầu bầu cho Cộng
hòa trong thập niên 1980 trên các vấn đề văn hóa như chủ nghĩa yêu nước, quyền
giữ súng, phá thai, và tôn giáo. Clinton giành lại hậu thuẫn của họ đủ để được
đắc cử hai lần trong thập niên 1990 (mỗi lần đều chiếm đa số phiếu), nhưng kể từ
đó, giai cấp công nhân da trắng là khối cử tri đáng tin cậy hơn của Đảng Cộng
hòa, mặc dù các chính sách kinh tế của giới chóp bu Cộng hòa xung khắc với lợi
ích kinh tế của họ. Đó là lý do tại sao, trong một cuộc thăm dò của Đại học
Quinnipiac vào tháng Tư, 80 phần trăm cử tri ủng hộ Trump được hỏi ý kiến nói rằng
họ cảm thấy “Chính phủ đã đi quá xa trong việc trợ giúp các nhóm thiểu số,” và
85 phần trăm đồng ý rằng “nước Mỹ đã mất bản sắc của mình.”
Việc Đảng Dân chủ
quá quan tâm đến bản sắc các nhóm thiểu số giải thích một trong những bí ẩn lớn
của chính trị Mỹ đương đại – đó là lý do tại sao người da trắng thuộc giai cấp
công nhân, đặc biệt tại các bang miền Nam hưởng được một số dịch vụ xã hội hạn
chế, đã lũ lượt đi theo ngọn cờ của Đảng Cộng hòa mặc dù họ nằm trong thành phần
thừa hưởng nhiều lợi ích nhất từ những chương trình xã hội mà Đảng Cộng hòa chống
đối, chẳng hạn Đạo luật Cung cấp Y tế Giá rẻ của Obama [còn gọi Obamacare]. Một
trong những lý do là, theo cảm thức của họ, Obamacare được thiết kế để phục vụ
những người không phải là họ – một phần vì Đảng Dân chủ đã mất khả năng truyền
thông với khối cử tri này (khác hẳn với thập niên 1930, khi người da trắng ở
vùng quê là hậu thuẫn chủ yếu đối với những nỗ lực nhà nước phúc lợi của Đảng
Dân chủ như Tennessee Valley Authority [một cơ quan liên bang chủ quản việc
khai thác điện lực, đê điều, chống lũ lụt dọc dòng sông Tennessee, DG.]).
MỘT THỜI ĐẠI ĐÃ
CÁO CHUNG?
Những tuyên bố
chính sách của Trump là lúng túng và mâu thuẫn, phát xuất từ cửa miệng một nhân
vật kiêu căng tự đắc biết lợi dụng phương tiện truyền thông mà không có một ý
thức hệ nòng cốt rõ ràng. Nhưng chủ đề phổ biến giúp ông thu hút rất nhiều cử
tri Cộng hòa trong các cuộc bầu sơ bộ là một chủ đề mà ở một mức độ nào đó ông
đã chia sẻ với Sanders: một chương trình nghị sự kinh tế theo chủ nghĩa quốc
gia được thiết kế để bảo vệ và phục hồi công ăn việc làm cho người lao động Mỹ.
Điều này vừa giải thích việc ông chống đối người nhập cư – không những nhập cư
bất hợp pháp mà cả những người lao động có kỹ năng đi vào nước Mỹ bằng thị thực
H1B – vừa giải thích việc ông lên án các công ty Mỹ đưa hãng xưởng ra nước
ngoài để tiết kiệm chi phí lao động. Trump không những chỉ trích Trung Quốc vì
can thiệp vào thị trường ngoại hối mà còn chỉ trích các nước bạn như Nhật Bản
và Hàn Quốc vì làm suy yếu cơ sở sản xuất của Hoa Kỳ. Và hẳn nhiên ông kiên quyết
chống lại các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa mậu dịch hơn nữa, như Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương tại châu Á (TTP) và Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu
tư xuyên Đại Tây Dương với châu Âu.
Tất cả điều này
hoàn toàn có vẻ dị giáo [heresy] đối với bất cứ ai đã lấy lớp cơ bản về lý thuyết
thương mại cấp đại học, trong đó các mô hình, từ mô hình Ricardo về lợi thế
tương đối đến lý thuyết Heckscher-Ohlin về việc cung cấp các yếu tố sản xuất, đều
nói rằng mậu dịch tự do mang lại lợi ích cho mọi đối tác thương mại [a
win-win], làm tăng lợi tức tổng thể trong từng nước. Trên thực tế, sản lượng
toàn cầu đã gia tăng đột biến trong hai thế hệ vừa qua, trong khi thương mại và
đầu tư trên thế giới được tự do hóa theo khuôn khổ rộng lớn của Hiệp định chung
về Thuế quan và Thương mại và sau đó là Tổ chức Thương mại Thế giới, gia tăng bốn
lần từ năm 1970 đến 2008. Quá trình toàn cầu hóa đã đưa hàng trăm triệu người
ra khỏi cảnh đói nghèo tại những nước như Trung Quốc và Ấn Độ và tạo ra những
khối lượng tài sản không đo lường nổi tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sự đồng
thuận về các lợi ích của việc tự do hóa kinh tế, được giới chóp bu trong cả hai
chính đảng chia sẻ, không tránh được chỉ trích. Tiềm ẩn trong tất cả các mô
hình mậu dịch hiện nay là cái kết luận cho rằng việc tự do hóa thương mại, mặc
dù gia tăng lợi tức toàn bộ, nhưng sẽ có những hậu quả có tiềm năng xung khắc
trong việc phân phối lợi tức – nói cách khác, nó sẽ tạo ra kẻ thắng người thua.
Một nghiên cứu gần đây ước tính rằng sự cạnh tranh do hàng nhập khẩu từ Trung
Quốc đã khiến từ 2 triệu đến 2,4 triều người Mỹ mất việc từ năm 1999 đến 2011.
Phản ứng có chuẩn
mực từ các nhà kinh tế mậu dịch là tranh luận rằng những thành quả từ thương mại
thừa sức đền bù cho những người bị thiệt hại, một cách lý tưởng là thông qua việc
dạy nghề để trang bị cho họ những kỹ năng mới. Và do đó, mỗi một đạo luật
thương mại quan trọng mà Quốc hội thông qua đã được kèm theo một loạt biện pháp
tái dạy nghề [worker-retraining measures], cũng như đưa vào các điều lệ mới cho
phép người công nhân có đủ thời gian thích nghi.
Tuy nhiên, trên
thực tế, sự thích nghi này thường không trở thành hiện thực. Chính phủ Mỹ đã điều
hành 47 chương trình tái dạy nghề không được phối hợp (về sau gộp lại khoảng một
chục chương trình); ngoài ra, còn có vô số chương trình dạy nghề cấp tiểu bang.
Nói chung, những chương trình này không đưa được đa số công nhân vào các công
việc có kỹ năng cao hơn. Một phần là do thất bại trong việc thực hiện, nhưng
còn do thất bác từ trong quan niệm: không ai biết được loại chương trình dạy
nghề nào có khả năng chuyển đổi một công nhân dây chuyền (assembly-line worker)
55 tuổi thành một người viết chương trình điện toán [a computer programmer] hay
một chuyên viên thiết kế website (website designer). Lý thuyết mậu dịch tiêu
chuẩn (standard trade theory) cũng không xét đến khía cạnh kinh tế chính trị của
việc đầu tư. Vốn [tư bản] là yếu tố sản xuất luôn luôn có những lợi thế cho
hành động tập thể hơn lao động, vì nó dễ tập trung hơn và dễ phối hợp hơn. Đây
là một trong những lý luận mà trước đây người ta đưa ra để bênh vực cho sự hiện
hữu của phong trào công đoàn, một phong trào đã bị xói mòn nghiêm trọng tại Mỹ
kể từ thập niên 1980. Và những lợi thế của vốn tăng theo mức độ cơ động cao của
nó trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay. Lao động cũng trở nên cơ động hơn [như
xuất khẩu lao động], nhưng tính cơ động của nó bị hạn chế hơn vốn rất nhiều. Những
lợi thế mặc cả của các công đoàn nhanh chóng bị làm suy yếu bởi các công ty có
thể đe dọa dời nhà máy đến một bang có luật bảo vệ quyền không gia nhập công
đoàn (a right-to-work state) hoặc dời đến một nước khác.
Hệ thống chính
trị Mỹ sẽ không được chỉnh sửa nếu sự giận dữ của dân chúng không được đáp ứng
bằng các chính sách hữu hiệu.
Mức chênh lệch về
chi phí lao động giữa Hoa Kỳ và nhiều nước đang phát triển lớn đến nỗi khó tưởng
tượng ra một loại chính sách nào nhiên hậu có thể bảo vệ được số công việc kỹ
năng thấp [lao động phổ thông] tại Mỹ. Thậm chí cả Trump cũng không tin được rằng
giày dép và áo quần cần phải tiếp tục được sản xuất tại Mỹ. Mọi nước công nghiệp
hóa trên thế giới, kể cả những nước có quyết tâm hơn trong việc bảo vệ các cơ sở
sản xuất như Đức và Nhật Bản, đều chứng kiến một sự suy giảm tương đối trong
khu vực sản xuất vài thập niên qua. Thậm chí ngay cả bản thân Trung Quốc cũng bắt
đầu mất công việc vì tự động hóa hoặc vì các nhà sản xuất rẻ hơn tại những nơi
như Bangladesh và Việt Nam.
Tuy nhiên, kinh
nghiệm của một nước như Đức cho thấy rằng con đường mà Hoa Kỳ đi theo không phải
là con đường tất yếu. Giới ưu tú doanh nghiệp Đức không bao giờ tìm cách làm
suy yếu sức mạnh của công đoàn; mãi đến ngày nay, mức lương công nhân được định
khắp mọi khu vực kinh tế Đức thông qua các cuộc thương thuyết được Chính phủ bảo
trợ giữa các công ty và các công đoàn. Do đó, chi phí lao động Đức cao hơn chi
phí lao động Mỹ khoảng 25 phần trăm. Tuy vậy, Đức vẫn là nước xuất khẩu đứng thứ
ba trên thế giới, và số công nhân trong khu vực sản xuất, dù có sút giảm, vẫn
luôn luôn cao hơn Hoa Kỳ. Khác với Pháp và Ý, Đức không tìm cách bảo hộ công ăn
việc làm hiện nay bằng một rừng luật lệ; theo những cải tổ năm 2010 trong
chương trình nghị sự của Thủ tướng Gerhard Schroder, các công ty có thể sa thải
số công nhân thặng dư dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nước này đã đầu tư rất nhiều vào
việc cải tiến kỹ năng của giai cấp công nhân thông qua chương trình tập sự và
các can thiệp tích cực vào thị trường lao động. Đức cũng tìm cách bảo vệ chuỗi
tiến trình sản xuất và phân phối một sản phẩm [supply chain] của quốc gia khỏi
bị liên tục đưa ra nước ngoài, bằng cách kết nối các công ty nhỏ và trung bình
nổi tiếng [fabled Mittelstand] với các đại công ty.
Tại Hoa Kỳ, trái
lại, các nhà kinh tế và các nhà nghiên cứu có uy tín trong dân chúng coi việc
chuyển đổi từ một nền kinh tế sản xuất sang một nền kinh tế dịch vụ hậu công
nghiệp là tất yếu, thậm chí là một điều được hoan nghênh và cần làm gấp. Họ
nghĩ rằng cũng như những người làm roi ngựa ngày xưa [không còn được sử dụng
khi xe hơi ra đời], những công nhân trong ngành sản xuất ngày nay phải tự học lại
nghề mới, trở thành những người lao động tri thức [knowledge workers] trong một
nền kinh tế mới mẻ, linh hoạt, có cơ sở sản xuất ở nước ngoài, và làm việc bán
thời gian. Tuy nhiên, mặc dù thỉnh thoảng có những cử chỉ tượng trưng, cả hai
chính đảng đều không nghiêm chỉnh chấp nhận chương trình nghị sự tái huấn luyện
công nhân là một nỗ lực trung tâm của tiến trình thích nghi cần thiết. Cả hai đảng
cũng không đầu tư vào các chương trình xã hội nhằm giảm sốc cho giai cấp công
nhân khi họ cố gắng thích nghi. Vì vậy, người công nhân da trắng, cũng như người
Mỹ gốc châu Phi trong những thập niên trước đó, phải tự lo liệu cho chính mình.
Lẽ ra thập niên
đầu tiên của thế kỷ này có thể đã diễn ra rất khác. Trung Quốc ngày nay không
còn dùng thủ đoạn tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu; có chăng, gần đây họ đã bắt đầu
trợ giá cho đồng Nhân dân tệ để chặn đứng không cho vốn bay ra nước ngoài.
Nhưng chắc chắn là họ đã dùng thủ đoạn tiền tệ trong những năm sau cuộc khủng
hoảng tài chính châu Á 1997-98 và cuộc suy sụp thị trường dot-com năm 2000-2001.
Để đáp trả lại thủ đoạn này, việc Washington đe dọa, hoặc thực sự áp đặt thuế
quan chống hàng nhập khẩu Trung Quốc vào thời điểm đó lẽ ra có thể khả thi. Một
hành động như thế có thể kéo theo nhiều rủi ro: giá tiêu thụ có thể lên cao, và
lãi suất sẽ tăng nếu Trung Quốc phản ứng lại bằng cách không mua công khố phiếu
của Mỹ. Nhưng khả năng này đã không được giới chóp bu Mỹ xét đến một cách
nghiêm chỉnh vì sợ rằng nó sẽ bắt đầu một cuộc tuột dốc vào chế độ bảo hộ mậu dịch.
Do đó hơn hai triệu công việc đã bị mất đi trong thập niên sau đó.
MỘT ĐƯỜNG LỐI TIẾN
TỚI PHÍA TRƯỚC?
Có thể Trump đã
nắm bắt được một cái gì đó hiện thực trong xã hội Mỹ, nhưng ông là một công cụ
cực kỳ không phù hợp để lợi dụng thời cơ đổi mới mà những sóng gió của cuộc bầu
cử này biểu hiện. Không ai có thể xóa bỏ 50 năm tự do hóa mậu dịch bằng cách
đơn phương áp đặt thuế quan hay truy tố hình sự các công ty đa quốc Mỹ đã đưa
công ăn việc làm ra nước ngoài. Ở thời điểm này, kinh tế Hoa Kỳ đang kết nối
sâu sắc với kinh tế phần còn lại của thế giới đến nổi những nguy cơ của một cuộc
triệt thoái toàn cầu trở về lại chế độ bảo hộ thuế quan là rất hiện thực. Việc
Trump đề nghị xoá bỏ Obamacare sẽ ném hàng triệu người Mỹ thuộc giai cấp công
nhân ra khỏi bảo hiểm y tế, và việc ông đề nghị cắt giảm thuế sẽ cộng thêm hơn
10 ngàn tỉ USD vào thâm thủng ngân sách trong thập niên tới trong khi chỉ làm lợi
cho giới giàu có. Đúng là nước này đang cần đến lãnh đạo mạnh, nhưng bởi một
nhân vật muốn đổi mới cơ chế (an institutional reformer) có thể làm cho Chính
phủ hoạt động thật hữu hiệu, chứ không phải bởi một nhà chính trị mị dân đầy
ngã mạn (a personalistic demagogue) coi thường các luật lệ đã được củng cố.
Tuy nhiên, nếu
giới tinh hoa có quan tâm thật sự về tình trạng bất bình đẳng và về giai cấp
công nhân đang xuống dốc, họ cần phải duyệt xét lại một số lập trường cố hữu về
vấn đề nhập cư, thương mại, và đầu tư. Một thách đố tri thức là liệu chúng ta
có thể rút khỏi công cuộc toàn cầu hóa mà không hủy hoại cả kinh tế quốc gia lẫn
kinh tế toàn cầu hay không, chỉ vì chúng ta muốn đánh đổi một ít lợi tức tổng
thể của quốc gia để đem về tình trạng bình đẳng lợi tức lớn hơn ở trong nước.
Rõ ràng, một số
thay đổi là hữu hiệu hơn một số khác, trong đó ta phải đặt ưu tiên hàng đầu cho
vấn đề nhập cư trên danh mục khả thi về lý thuyết. Việc cải tổ toàn diện vấn đề
nhập cư đã được dự trù hơn một thập niên nay nhưng gặp phải thất bại vì hai lý
do. Một là, những kẻ chống đối bác bỏ “việc ân xá”, tức cho những người nhập cư
thiếu giấy tờ [undocumented immigrants] một con đường tiến tới địa vị công dân.
Nhưng lý do thứ hai liên quan tới việc thi hành luật: những người chỉ trích vạch
ra rằng những luật lệ hiện hữu đã không được thi hành và những hứa hẹn trước
đây về việc thi hành luật không được thể hiện.
Ý kiến cho rằng
Chính phủ có thể trục xuất 11 triệu người ra khỏi nước, trong đó nhiều người có
con là công dân Mỹ [vì sinh trên đất Mỹ, DG], gần như là điều bất khả thi. Vì
thế một dạng thức ân xá nào đó có thể là một điều tất yếu. Tuy nhiên, những người
chỉ trích vấn đề nhập cư có lý khi cho rằng Hoa Kỳ đã rất lỏng lẻo trong việc
thi hành luật. Giải quyết vấn đề này một cách đúng đắn không cần đến một bức
trường thành [giữa Mỹ và Mê-hi-cô], nhưng cần đến một hình thức như thẻ căn cước
sinh trắc quốc gia [national biometric ID card], mạnh mẽ đầu tư vào hệ thống
tòa án và cảnh sát, và, trên hết, có quyết tâm chính trị để trừng phạt những
công ty nào vi phạm luật lệ [trong vấn đề thuê mướn công nhân]. Việc tiến đến một
chính sách khắt khe hơn nhằm hạn chế số người nhập cư hợp pháp, trong đó có một
hình thức ân xá cho người nhập cư [bất hợp pháp] đang sống tại Mỹ để đổi lấy
các nỗ lực đích thực nhằm thực thi luật lệ mới và cứng rắn hơn, sẽ không có hậu
quả thảm hại về kinh tế. Khi nước Mỹ làm việc này trước đây, vào năm 1924,
trong một số phạm vi nào đó, con đường phía trước được chuẩn bị sẵn cho thời đại
hoàng kim của bình đẳng kinh tế xã hội Mỹ vào những thập niên 1940 và thập niên
1950.
Thật khó khăn
hơn để nhận ra con đường phía trước về thương mại và đầu tư, ngoài việc không
phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – vì việc này sẽ không cực kỳ
rủi ro. Thế giới đang ngày càng đầy dẫy những phần tử dân tộc chủ nghĩa về kinh
tế [economic nationalists], và một cuộc đảo ngược đường lối bởi Washington, một
chính quyền đã xây dựng và củng cố hệ thống quốc tế tự do hiện nay, rất có thể
nhanh chóng đưa đến một cơn sóng thần những đòn trả đũa. Có lẽ một nơi để bắt đầu
việc cải tổ là tìm cách thuyết phục các tập đoàn đa quốc của Mỹ, những công ty
đang ngồi trên 2 ngàn tỉ USD tiền mặt nằm ngoài nước Mỹ, đem tiền về đầu tư
trong nước. Mức thuế mà Hoa Kỳ đánh vào các tập đoàn kinh tế là mức thuế thuộc
loại cao nhất trong những nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (the
Organization for Economic Cooperation and Development); giảm mạnh những thuế
này đồng thời loại bỏ hằng hà sa số các loại trợ cấp và miễn trừ thuế (tax
subsidies and exemptions) mà các tập đoàn kinh tế đã và đang vận động cho chính
mình là một chính sách có thể nhận được hậu thuẫn từ hai đảng.
Một sáng kiến
khác là mở một chiến dịch rộng lớn để xây dựng lại cơ sở hạ tầng Mỹ. Hội Kỹ Sư
Cầu Đường Hoa Kỳ ước tính sẽ mất đến 3600 tỉ USD để nâng cấp hoàn chỉnh cơ sở hạ
tầng Mỹ trước năm 2020. Hoa Kỳ có thể vay 1000 tỉ USD trong khi lãi suất thấp
và sử dụng nó để tài trợ một sáng kiến cơ sở hạ tầng vĩ đại có khả năng tạo ra
những số lượng công việc khổng lồ đồng thời gia tăng năng suất về lâu về dài.
Hillary đề nghị chi tiêu 275 tỉ USD, nhưng con số này là quá khiêm nhường.
Những nỗ lực để
đạt được cả hai mục tiêu nói trên sẽ vấp phải các rối loạn chức năng thông thường
của hệ thống chính trị Mỹ, trong đó chế độ phủ quyết [vetocracy] luôn cản trở cả
cải tổ thuế vụ lẫn đầu tư cơ sở hạ tầng. Hệ thống chính trị Mỹ tạo điều kiện
quá dễ dàng cho các nhóm lợi ích có tổ chức chặt chẽ chặn đứng các dự luật và
“chiếm đoạt” các sáng kiến mới vì mục đích vị kỷ của mình. Vì thế, việc sửa đổi
hệ thống này để giảm bớt các chặng phủ quyết [veto points] và hợp lý hóa tiến
trình làm quyết sách sẽ là một phần chương trình nghị sự của việc cải tổ. Những
thay đổi cần thiết gồm có việc loại bỏ thủ thuật senatorial hold [một thượng
nghị sĩ có quyền phản đối và trì hoãn việc thông qua một dự luật tại Thương viện]
và thủ thuật filibuster [việc nói câu giờ để cản trở tiến trình của một dự luật
tại Quốc hội]. Thay vào đó, phải giao việc chuẩn chi ngân sách và việc soạn thảo
các dự luật phức tạp cho những nhóm nhỏ hơn và chuyên môn hơn, những nhóm có khả
năng đưa ra trước Quốc hội các gói dự luật được viết khúc chiết [coherent
packages] để biểu quyết từ trên xuống hoặc từ dưới lên.
Đây là lý do tại
sao sự trỗi dậy bất ngờ của Trump và Sanders có thể báo hiệu một vận hội lớn
trong nỗ lực cải tổ chính trị. Mặc dù có những sai lầm trong chương trình tranh
cử, nhưng Trump mạnh dạn tách khỏi tính chính thống của Đảng Cộng hòa vốn đã thắng
thế từ thời Reagan, một đường lối chính thống chủ trương giảm thuế, tạo các lưới
an toàn nhỏ, có lợi cho các tập đoàn kinh tế hơn là cho người lao động. Trong một
cung cách tương tự, Sanders đã huy động được sức quật ngược từ cánh Tả, một sức
bật rõ ràng đã thiếu sót kể từ cuộc bầu cử 2008.
“Chủ nghĩa dân
túy” là cái nhãn hiệu mà giới chóp bu [giới tinh hoa] chính trị gán cho những
chính sách được giới bình dân ủng hộ mà họ không ưa thích. Tất nhiên, ta cũng
không có lý do buộc cử tri đảng Dân chủ phải luôn luôn lựa chọn khôn ngoan, nhất
là trong một thời đại mà công cuộc toàn cầu hóa làm cho các lựa chọn chính sách
trở nên quá phức tạp. Nhưng giới chóp bu cũng không luôn luôn lựa chọn đúng đắn,
và việc họ gạt bỏ các lựa chọn của giới bình dân thường che đậy sự trâng tráo
trong lập trường của họ. Các cuộc vận động quần chúng vốn không xấu mà cũng
không tốt; chúng có thể làm ra những điều kỳ vĩ, như trong Thời Tiến bộ [the
Progressive Era của Theodore Roosevelt] và Chính sách New Deal [Chính sách Tân
kinh tế xã hội của Franklin D. Roosevelt], nhưng chúng cũng có thể gây ra những
thảm họa, như tại châu Âu trong thập niên 1930. Trên thực tế, hệ thống chính trị
Mỹ đang suy tàn khá nghiêm trọng và sẽ không được chấn chỉnh trừ phi sự phẫn nộ
của dân chúng được đáp ứng bởi một giới lãnh đạo thông tuệ và những chính sách
hữu hiệu. Chưa phải là lúc quá muộn để điều này không thể diễn ra.
FRANCIS FUKUYAMA
là một nhà Nghiên cứu Cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli (FSI)
và là Giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển, và Pháp trị của FSI tại Đại học
Stanford.
F. F.
Dịch giả gửi BVN.
Dịch giả gửi BVN.
Ghi chú của dịch
giả:
(1) Elites: thường
được dịch là “giới tinh hoa” hay “tầng lớp ưu tú” có khi một cách sai lầm để chỉ
cả giới lãnh đạo ngu dốt độc tài, thiếu sự kính trọng từ người dân. Để giữ một
ý nghĩa trung lập, chúng tôi xin dịch từ này là “giới chóp bu” và chỉ dịch là
“tinh hoa” hay “ưu tú” khi thấy phù hợp.
Nguồn: http://boxitvn.blogspot.fr/2016/07/chinh-tri-my-suy-tan-hay-oi-moi.html