Giới thiệu sách BÀN VỀ DÂN CHỦ

Posted on
  • Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Robert A. Dahl
    Phạm Nguyên Trường dịch
    Phạm Hồng Sơn hiệu đính
    Nhà xuất bản Giấy Vụn
    Chủ trương: Mở Miệng
    Liên lạc: nxbgiayvun@yahoo.com
    Bàn về dân chủ
    Tác phẩm của Robert A. Dahl
    Phạm Nguyên Trường dịch từ bản tiếng Anh:
    Robert A. Dahl. On Democracy: Yale University Press, 1998.
    Robert A. Dahl. On Democracy, second edition,
    with a New Preface and Two New Chapters by Ian Shapiro: Yale University Press, 2015.
    Có tham khảo bản dịch tiếng Nga: О демократии của A. C
    Богдановский nhà xuất bản M. Аспект Пресс, 2000. Tại địa chỉ
    http://www.scribd.com/doc/106062167/Robert-a-Dahl-on-Democracy-2000-In-Russian
    Phạm Hồng Sơn hiệu đính
    Giấy Vụn xuất bản lần thứ nhứt tại Huê Kỳ, 2015
    Bìa & trình bày: Kuzi
    ISBN 978-1516831272
    Bản quyền tiếng Việt © 2015, Giấy Vụn.

    LỜI GIỚI THIỆU CHO LẦN XUẤT BẢN THỨ HAI
    Robert Dahl mất ngày 5 tháng 2 năm 2014, ở tuổi 98. Ông có thể là nhà nghiên cứu chính trị học quan trọng nhất trong thế kỷ XX và chắc chắn ông là một trong những nhà xã hội học xuất sắc nhất. Ông được trao một loạt giải thưởng và bằng danh dự, trong đó có giải mang tên Johan Skytte – nhằm bổ khuyết cho việc trong khoa chính trị học không có giải Nobel – ông là người đầu tiên được trao giải này. Tác phẩm của Dahl được trích dẫn đến hàng chục ngàn lần. Nhiều người đứng đầu ngành học này từng là học trò của ông.
    Dahl sinh năm 1915 ở Inwood, bang Iowa; lớn lên ở Akaska, tốt nghiệp Đại học Washington vào năm 1936, bảo vệ luận án tiến sỹ ở Yale vào năm 1940, sau đó nhập ngũ. Ông phục vụ trong Ủy ban sản xuất quốc phòng và khi đeo lon trung úy, đã được trao tặng huân chương Ngôi sao Đồng vì có thành tích xuất sắc. Sau đó ông còn phục vụ trong chính quyền của tổng thống Roosevelt một thời gian ngắn và năm 1946 thì quay trở lại Yale. Ông giảng dạy suốt 40 năm và nghỉ hưu với chức danh Giáo sư thuộc đại học Yale vào năm 1986. Ông còn tích cực hoạt động học thuật trong suốt 20 năm sau đó.
    Bằng nhiều cách, Dahl đã tạo ra khoa chính trị học hiện đại. Chắc chắn là nghiên cứu chính trị của giới hàn lâm ít nhất cũng có từ thời Hy Lạp cổ đại. Dahl không phải là Plato, Aristotle hay Thomas Hobbes, nhưng ông đã đưa thêm được một điều gì đó mới mẻ vào tư duy tư biện bằng cách làm sáng tỏ giai thoại từng là được coi tính chất của môn học này suốt hàng ngàn năm qua: sử dụng một cách có hệ thống bằng chứng nhằm đánh giá một cách nghiêm khắc những tuyên bố của lý thuyết. Kể từ ngày ông đưa ra những công trình mang tính sáng tạo trong những năm 1950 và 1960, mấy thế hệ những người kế tục Dahl đã phát triển cả lý thuyết lẫn những phương pháp thực nghiệm theo nhiều hướng, mà đôi khi chính ông cũng cho rằng không thích hợp. Ít người phủ nhận rằng họ đứng trên vai Dahl.
    Dahl thường được coi là người sáng lập trường phái hành vi trong môn chính trị học. Đấy là do ông nhấn mạnh hành vi có thể quan sát được trong công trình mang tính lý thuyết về quyền lực và hành vi của giới tinh hoa thành thị trong tác phẩm Ai cai trị? (Who Governs?), tức là công trình nghiên cứu về quá trình ra quyết định ở New Haven. Nhưng sẽ là sai khi gắn Dahl với trường phái này hay bất kỳ trường phái phương pháp luận nào khác. Một số công trình của ông là có tính khái niệm, nhằm tìm hiểu những vấn đề như bản chất của quyền lực và chế độ dân chủ. Một số lại có tính thiết chế; ông nghiên cứu tính khả thi và hiệu quả của việc phân chia quyền lực, liệu chế độ dân chủ có thể tồn tại mà không có kinh tế thị trường và liệu những công ty có tính dân chủ có hiệu quả hay không. Một số vấn đề khác lại có tính chuẩn tắc, nhằm xác định hệ thống đại diện chính trị nào là tốt nhất, liệu việc ủy quyền cho các chuyên gia có phải là ý tưởng tốt hay không, và bất bình đẳng đến mức nào là thích hợp. Ông là học giả đã giải quyết những vấn đề lớn của thời đại mình và lựa chọn được những phương pháp phù hợp với nhiệm vụ.
    Một trong những cửa sổ giúp ta nhìn thấy quá trình nghiên cứu của ông là xem ông tham gia vào cuộc đối thoại kéo dài suốt cuộc đời với James Madison. Dahl rất tôn trọng thế hệ những người lập quốc. Luận cứ của Madison trên tờ Federalist số 10 cho rằng nhiều phe phái có thể làm cho chế độ dân chủ đứng vững được trên những khu vực rộng lớn có thể là lời tuyên bố sớm nhất của sự tách bạch mà Dahl dựa vào để xây dựng lý thuyết đa nguyên về chế độ dân chủ.
    Nhưng, như người tạo dựng lý thuyết định chế thì lại khác. Trong tác phẩm Một giới thiệu cho lý thuyết về dân chủ (A Preface to Democatic Theory), xuất bản năm 1956, Dahl đã đưa ra lời phê phán đanh thép việc phân chia quyền lực nói chung, phê phán việc tòa án tối cao Mỹ xem xét lại giá trị của những đạo luật do quốc hội ban hành, và phê phán hệ thống đại diện mà những người lập quốc sáng chế ra như là một phần của điều mà sau này trở thành cố gắng vô ích nhằm ngăn chặn cuộc nội chiến để giải quyềt vấn đề nô lệ.
    Nhận thấy rằng khẩu hiệu được nhắc đi nhắc lại của Madison “Phải dùng tham vọng chống lại tham vọng”, đăng trên tờ Federalist số 51, chỉ có giá trị về tu từ học chứ không chỉ ra được điều đó hoạt động như thế nào trên thực tế, Dahl khẳng định rằng các nhà lập quốc và những đệ tử của họ đã sai lầm khi nghĩ rằng trật tự hiến định của Mỹ chịu trách nhiệm cho sự sống còn của chế độ dân chủ Mỹ. Đúng hơn, tính chất đa nguyên của xã hội đã tạo điều kiện cho trật tự hiến định sống sót.
    Trong một bài báo tạo được nhiều ảnh hưởng, đăng năm 1957, Dahl tập trung vào việc tòa án tối cao Mỹ xem xét lại giá trị của những đạo luật do quốc hội ban hành; ông khẳng định rằng dữ liệu hiện có không đủ căn cứ để ủng hộ quan niệm chung cho rằng Tòa án Tối cao bảo vệ quyền của thiểu số. Trường phái thực nghiệm sau đó xuất hiện từ chính luận điểm của Dahl. Dù nhìn vào lịch sử nước Mỹ, nhìn vào so sánh giữa các nước hay vào các nền dân chủ từ chỗ chưa có cho đến lúc có, việc xem xét lại, đều thấy rằng Dahl đã đúng khi nói rằng gánh nặng đặt lên vai nền dân chủ chứ không phải tòa bảo hiến. Những nhà lãnh đạo độc tài coi thường các quan tòa và tòa án mà không trừng phạt, còn đưa thêm tòa án vào chế độ dân chủ cũng không có hiệu quả đáng kể trong việc bảo vệ quyền tự do dân sự hay quyền của các nhóm thiểu số. Thế mà lạ kỳ là chúng ta tiếp tục gây áp lực nhằm tạo ra hệ thống tòa án độc lập nhằm thực thi tuyên ngôn nhân quyền trong các chế độ dân chủ mới.
    Có những tác phẩm có giá trị xuất phát từ lời phê phán những thiết chế của chế độ của Dahl, được trình bày trong cuốn Một giới thiệu cho lý thuyết về dân chủ và trong những tác phẩm khác của ông. Một hướng nghiên cứu tập trung vào những hậu quả của việc gia tăng những cơ quan có quyền phủ quyết trong cơ cấu của chính phủ. Các nhà khoa học đi theo xu hướng của Dahl đã chỉ ra rằng làm như thế không chỉ giữ mãi nguyên trạng mà còn làm cho vấn đề được giải quyết theo hướng có lợi cho những người có nhiều nguồn lực hơn. Bạn phải rất mạnh mới đẩy được con voi cứng đầu rời chỗ.
    Công trình của Dahl cũng làm phát sinh nhiều tác phẩm bàn về đại diện. Thái độ hoài nghi của ông đối với việc tạo dựng những nhóm thiểu số mạnh cũng có giá trị. Những người phê phán chế độ dân chủ theo lối liên minh và những kế hoạch được thiết kế để làm việc đó đã chỉ ra rằng việc đó có xu hướng làm cho họ tách ra, tạo ra sự chia rẽ và ác cảm mà những kế hoạch đó muốn cải thiện. Chính Dahl cũng lo lắng về mức độ đại diện quá cao của các bang nhỏ tại Thượng viện Mỹ, một trong những đặc điểm của Hiến pháp Mỹ, không thể nào sửa chữa được.
    Dahl nghiên cứu các chế độ dân chủ trên toàn thế giới, nhưng bao giờ ông cũng suy nghĩ về nước Mỹ, coi đó là điểm chuẩn để so sánh. Mặc dù ông rất không đồng ý với Madison về nhiều vấn đề, nhưng ông nghĩ rằng nhiều sai lầm của những nhà lập quốc xuất phát từ những thách thức của việc lần đầu tiên thiết lập chế độ dân chủ trên một vùng lãnh thổ rộng lớn – thiếu những bằng chứng và nhận thức được đúc kết mà chúng ta ngày nay đang có. Dahl đã lấy làm sung sướng khi phát hiện ra rằng kinh nghiệm chính trị của Madison sau thời kỳ xuất bản Federalist Papers đã giúp ông từ bỏ thái độ ác cảm đối với các đảng phái chính trị và cuối cùng là từ bỏ thái độ thù địch đối với chính quyền của đa số. Trong Lời bạt cho lần xuất bản thứ mười lăm tác phẩm Một giới thiệu cho lý thuyết về dân chủ, in năm 2006, ông nhận xét một cách cảm kích rằng năm 1833, tức là trước khi chết chỉ có ba năm, Madison đã tuyên bố rằng những người phê phán chính quyền của đa số “phải hoặc là tham gia vào hàng ngũ những môn đệ công khai của chế độ quý tộc, chính thể đầu sỏ hay quân chủ hay đang tìm kiếm xã hội không tưởng với sự đồng nhất hoàn toàn về lợi ích, ý kiến và tình cảm chưa từng có trong các cộng đồng văn minh”.
    Tác phầm Bàn về dân chủ (On Democracy) xuất bản năm 1998. Dahl coi tác phẩm này là bản hướng dẫn nhằm xây dựng những hệ thống dân chủ trong thế giới đương đại và phác họa ra những thách thức chính mà những hệ thống này đang gặp, một kiểu kiểm kê vào cuối thế kỷ. Thế kỷ XX là thế kỷ mà chế độ dân chủ đã lập nên những chiến thắng huy hoàng cũng như gặp phải những thất bại làm rúng động lòng người. Cuối cùng, quyền bầu cử đã trở thành phổ quát. Trong các chế độ dân chủ lâu đời, việc tước quyền bầu cử trên cơ sở sắc tộc và giới tính đã bị bãi bỏ, những kiến trúc sư của các chế độ dân chủ mới coi quyền phổ thông đầu phiếu của người trưởng thành là hiện tượng đương nhiên. Nhưng trong giai đoạn một phần ba giữa thế kỷ, chế độ dân chủ đã bị lâm vào thoái trào cùng với sự ngóc đầu dậy và những hậu quả thảm khốc do chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít gây ra.
    Thế chiến II đánh dấu sự kết liễu của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu, mặc dù trong giai đoạn từ năm 1967 đến 1974 chế độ độc tài quân sự đã trở lại Hy Lạp, còn ở Tây Ban Nha thì tồn tại cho đến khi tướng Franco chết vào năm 1975. Mãi đến giữa những năm 1980, chủ nghĩa cộng sản mới bắt đầu sụp đổ. Chế độ dân chủ đã nhanh chóng được phục hồi ở nhiều nước Đông Âu (trừ Nam Tư) sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11 năm 1989, nhưng ở xa hơn về phía đông, tình hình không được sáng sủa như thế. Các nước cộng hòa châu Á thuộc Liên Xô cũ không tiến hành dân chủ hóa. Như Dahl nhận xét, chế độ dân chủ ở Nga, trong trường hợp tốt nhất, cũng còn rất mong manh – đánh giá mà chắc chắn là hôm nay ông vẫn cho là đúng. Năm 1989 chứng kiến cuộc đàn áp tàn bạo các lực lượng dân chủ ở Trung Quốc. Nhiều nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin vẫn là những nước độc tài.
    Nhưng, sau khi cân nhắc, Dahl rút ra kết luận rằng trong giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thế kỷ tình hình đối với dân chủ là thuận lợi. Dù đo bằng số lượng tuyệt đối hay bằng tỷ lệ dân cư thế giới thì ta cũng thấy rằng chưa bao giờ có nhiều người sống trong chế độ dân chủ đến như thế. Và mặc dù các chế độ phi dân chủ vẫn nhiều hơn các nước dân chủ (tỷ lệ sẽ nhanh chóng đảo ngược), Dahl đã xác định được 65 nước có chế độ dân chủ mà trước đây chưa từng có.
    Chắc chắn là Dahl không phải là người theo thuyết mục đích luận. Ông nhận xét rằng, mặc dù chế độ dân chủ có từ thời cổ đại, nhưng nó đã biến khỏi mặt đất suốt nhiều thế kỷ. Về nguyên tắc, chuyện này có thể xảy ra một lần nữa. Nhưng đối với ông, chuyện này dường như khó xảy ra vì địa vị gần như phổ quát của chế độ dân chủ, đấy là khi nguồn gốc của tính chính danh về chính trị trong thế giới đương đại – thể hiện trong sự kiện là phần lớn các nhà độc tài tuyên bố rằng chế độ của họ là độc tài của nhân dân và phần lớn các hệ thống độc tài tự tô vẽ mình thành chế độ dân chủ hay chế độ cộng hòa nhân dân. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là cuốn Bàn về dân chủ dành ít trang để bàn về sự biến mất của chế độ dân chủ. Hơn thế nữa, Dahl xác định được ba thách thức trong tương lai, đấy là các chế độ phi dân chủ có dân chủ hóa hay không, các chế độ dân chủ mới có củng cố được hay không, và các chế độ dân chủ lâu đời có “hoàn thiện và làm cho chế độ dân chủ của họ sâu sắc thêm” hay không.
    Đóng góp của tôi vào tác phẩm này xoay quanh ba thách thức vừa nói. Trong chương 16, tôi bàn hai thách thức đầu. Trong chương này, tôi bàn nói về những nền dân chủ đã và đang chiến đấu để sống còn trong giai đoạn từ khi Dahl chấp bút tác phẩm này, dưới ánh sáng của nền khoa học đang phát triển – nhiều tác phẩm trong số đó được định hình nhờ công trình nghiên cứu về chủ nghĩa đa nguyên của Dahl. Mặc dù chưa có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu về quá trình chuyển hóa sang dân chủ vì những lý do mà tôi đã đưa ra, chúng ta quả thực đã biết thêm về những điều kiện làm cho quá trình củng cố các chế độ dân chủ thu được thắng lợi. Tôi lý giải vì sao hiểu biết đó cho ta ít căn cứ để lạc quan về tương lai dân chủ của những cuộc cách mạng Mùa Xuân Arab, tức là những cuộc cách mạng bùng nổ hồi cuối năm 2010 hay về những chế độ dân chủ khác, tức là những chế độ dân chủ chưa có nền kinh tế đa dạng hóa. Mặc dù nhiều người chú ý tới vai trò của các thiết chế chính trị và nền văn hóa Hồi giáo của những nước này, trừ phi nền kinh tế của họ phát triển và đa dạng hóa, chế độ dân chủ ở đó khó có thể giữ được ổn định.
    Thách thức trước các chế độ dân chủ đã được củng cố là chủ đề của chương 17. Sau tác phẩm này, Dahl còn viết hai cuốn nữa: Hiến pháp Mỹ dân chủ đến mức nào? (How Democratic Is the American Constitution?), xuất bản năm 2002 và Bàn về bình đẳng chính trị (On Political Equality), xuất bản sau đó bốn năm. Trong cuốn đầu, ông khuếch trương phê phán những thiết chế của nước Mỹ, việc ông đã làm trong thời gian dài; ông khẳng định rằng những thiết chế này cần được cải cách theo hướng dân chủ hơn. Cụ thể là, ông nhấn mạnh rằng vai trò của Tòa Án Tối Cao phải giới hạn trong việc bảo vệ “những quyền căn bản, cần thiết đối với sự tồn tại của hệ thống chính trị dân chủ”. Tòa Án càng lạc ra khỏi vai trò được ủy quyền là củng cố dân chủ này, ông khẳng định, thì nó càng trở thành cơ quan lập pháp, không phải do dân cử nhưng lại ban hành luật lệ và chính sách “dưới vỏ bọc là giải thích Hiến pháp, hay thậm chí còn đáng ngờ hơn, là thần thánh hóa những cản trở và những dự định thường là không hiểu nổi của những người chấp bút Hiến pháp”. Dahl thừa nhận là có “bi quan ở mức độ nào đó” trước việc là có thể đưa Tòa Án vào khuôn phép như ông chủ trương hay không, nhưng ông nghĩ rằng đây là vấn đề cần phải bàn[1].
    Tác phẩm Bàn về bình đẳng chính trị (On Political Equality) đưa ra đánh giá buồn hơn về những nền dân chủ đã tiến hóa, đặc biệt là nước Mỹ, khi bất bình đẳng gia tăng một cách đầy kịch tính trong gần ba mươi năm trước khi ông chấp bút tác phẩm này. Thay vì đưa ra những câu hỏi về “làm sâu sắc thêm” chế độ dân chủ bằng cách chuyển nó vào những lĩnh vực khác của đời sống, nhất là trong kinh tế (mà ông đã, lần đầu tiên, đề xuất trong tác phẩm Một giới thiệu cho lý thuyết về dân chủ, xuất bản năm 1985), Dahl lại lo lắng rằng bất bình đẳng có thể góp phần làm cho dân chủ thụt lùi. Cũng như Madison từng sợ rằng mối quan tâm về tiền bạc mà Alexander Hamilton thúc đẩy trong những năm đầu 1790 sẽ phá hủy chế độ dân chủ non trẻ của nước Mỹ, Dahl cảm thấy nặng nề khi hỏi rằng liệu bất bình đẳng có làm xói mòn nền tảng của chế độ dân chủ hay không. Trong chương 17 tôi khẳng định rằng những lo lắng như thế là hoàn toàn có cơ sở. Nực cười là, theo quan điểm của Dahl về những lo lắng kéo dài về Tòa Án Tối Cao, tôi rút ra kết luận rằng không những không bảo vệ những quyền căn bản, cần thiết cho hoạt động của nền chính trị dân chủ, Tòa Án còn giúp đỡ và tiếp tay cho những mối quan tâm về tiền bạc. Trong lĩnh vực này, cũng như nhiều lĩnh vực khác, công trình nghiên cứu khoa học của Dahl đã đứng vững trước thách thức của thời gian.
    Ian Shapiro
    [1] Robert Dahl, How Democratic is American Constitution? (New Haven: Yale University Press, 2002), 153-154, 156.
    Nguồn:https://uyennguyen.net/2016/09/13/robert-a-dahlpham-nguyen-truong-dichpham-hong-son-hieu-dinh-ban-ve-dan-chu-voi-loi-gioi-thieu-va-2-chuong-moi-cua-ian-shapiro/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org