Xuất khẩu mô hình Trung Quốc

Posted on
  • Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • TS Đỗ Kim Thêm dịch 
    Francis Fukuyama
    Khi năm 2016 bắt đầu, một cuộc chạy đua lịch sử về các mô hình phát triển cạnh tranh nhau đang khởi diễn – đó là các chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế -, giữa một bên là Trung Quốc, và một bên kia là Mỹ và các nước phương Tây khác. Mặc dù cuộc thử thách này phần lớn đã che dấu công luận, nhưng kết quả cuả nó sẽ quyết định cho số phận của nhiều nước thuộc khu vực Âu Á trong nhiều thập niên tới.
    Hầu hết người phương Tây nhận thức rằng mức tăng trưởng ở Trung Quốc đã chậm lại một cách đáng kể, từ mỗi năm trên 10% trong nhiều thập niên gần đây xuống dưới 7% trong hiện tại (và có thể thấp hơn). Để ứng phó, các nhà lãnh đạo của nước này đã không ngồi yên, họ đang tìm cách đẩy nhanh sự chuyển hoá từ một mô hình tăng trưởng hướng về xuất khẩu, gây tác hại cho môi trường vì dựa vào chế biến công nghiệp nặng, chuyển sang mô hình dựa vào tiêu dùng và dịch vụ trong nội địa.
    Nhưng các kế hoạch của Trung Quốc cũng có một tầm vóc bên ngoài rộng lớn. Năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình công bố một sáng kiến quy mô được gọi là “Nhất Đới, Nhất Lộ” (một vành đai, một con đường), nó sẽ biến đổi các cốt lõi kinh tế cuả các nước Á-Âu. Thành tố chính của Một Vành Đai gồm có việc liên kết các đường sắt từ phía Tây Trung Quốc xuyên qua Trung Á và từ đó sang đến châu Âu, Trung Đông và Nam Á. Thành tố chính của Một Con Đường, mà nó được đặt tên một cách lạ kỳ, gồm các cảng và cơ sở vật chất để gia tăng đường biển từ Đông Á và kết nối các quốc gia này đến Một Vành Đai, tạo cho họ một cách để di chuyển hàng hóa bằng đường bộ, chứ không phải qua hai đại dương, như họ đang sử dụng hiện nay.
    Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc chỉ đạo, mà Mỹ đã từ chối tham gia hồi đầu năm nay, một phần được thiết kế để tài trợ cho dự án “Nhất Đới, Nhất Lộ“. Nhưng những nhu cầu đầu tư của dự án sẽ thu hẹp các nguồn lực của thể chế mới đề xuất này.
    Thật vậy, Nhất Đới, Nhất Lộ thể hiện về một sự khởi đầu đầy ấn tượng trong chính sách của Trung Quốc. Lần đầu tiên, Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu mô hình phát triển sang các nước khác. Tất nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tích cực hoạt động khắp châu Mỹ La tinh và vùng Sub-Sahara cuả châu Phi trong thập niên qua, họ đầu tư vào các thương phẩm và các ngành công nghiệp khai thác và các cơ sở hạ tầng cần thiết để đưa chúng nhập về Trung Quốc. Nhưng, Nhất Đới, Nhất Lộ lại khác hẳn, mục đích của nó là để phát triển năng lực công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng ở các nước bên ngoài Trung Quốc. Thay vì khai thác nguyên liệu, Trung Quốc đang tìm cách chuyển ngành công nghiệp nặng của mình sang các nước kém phát triển, làm cho các nước này thịnh vượng hơn và thúc đây nhu cầu đối với sản phẩm của Trung Quốc.
    Mô hình phát triển của Trung Quốc khác hằn với mô hình được phương Tây yêu chuộng hiện nay. Mô hình này dựa trên các khoản đầu tư lớn lao về cơ sở hạ tầng do nhà nước lãnh đạo – đường giao thông, cảng, điện, đường sắt, sân bay – tất cả để tạo điều kiện phát triển công nghiệp. Các nhà kinh tế học người Mỹ từ bỏ lập luận là cứ xây dựng và kết quả cuả chúng tất sẽ đến, do họ lo ngại về việc tham nhũng và cách tự quản trong khi nhà nước can thiệp quá mức. Ngược lại, trong những năm gần đây, chiến lược phát triển cuả Mỹ và châu Âu đã tập trung đầu tư lớn trong các chương trình y tế công cộng, gia tăng nữ quyền, hỗ trợ cho xã hội dân sự toàn cầu, và các biện pháp chống tham nhũng.
    Những mục tiêu này cuả phương Tây là đáng ca ngợi, không một quốc gia nào đã từng đạt thịnh vượng mà bằng cách là chỉ có đầu tư trong các lĩnh vực này. Y tế công cộng là điều kiện nền tảng quan trọng cho sự tăng trưởng bền vững; nhưng nếu một bệnh viện thiếu cung ứng điện và nước sạch, hoặc không có đường giao thông tốt dẫn đến bịnh viện, nó sẽ không đem lại thành quả tốt. Chiến lược dựa trên cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã làm việc khá tốt trong nội địa của Trung Quốc, và là một thành phần quan trọng của chiến lược mà các nước Đông Á khác theo đuổi, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và Singapore.
    Vấn đề quan trọng cho tương lai của chính trị toàn cầu là rất rõ: mô hình của ai sẽ chiếm ưu thế? Nếu Nhất Đới, Nhất Lộ đáp ứng các mong đợi của các nhà quy hoạch Trung Quốc, toàn bộ khu vực Á-Âu, từ Indonesia đến Ba Lan sẽ được biến đổi trong thế hệ tới. Mô hình của Trung Quốc sẽ nở rộ bên ngoài Trung Quốc, nâng cao thu nhập và do đó nhu cầu về các sản phẩm cuả Trung Quốc sẽ thay thế các thị trường đang bị trì trệ trong các nơi khác trên thế giới. Các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cũng sẽ được chuyển tới các nơi khác của thế giới. Thay vì là nằm ở ngoại vi của nền kinh tế toàn cầu, Trung Á sẽ là trung tâm. Và hình thức của chính quyền độc tài của Trung Quốc sẽ đạt được uy tín to lớn, có ngụ ý tác động tiêu cực lớn cho nền dân chủ trên toàn thế giới.
    Nhưng có những lý do quan trọng để đặt vấn đề liệu là dự án Nhất Đới, Nhất Lộ thành công chăng. Cho đến nay, tăng trưởng do cơ sở hạ tầng làm chủ đạo đã hoạt động hữu hiệu ở Trung Quốc, vì chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát môi trường chính trị cuả mình. Đây sẽ không phải là trường hợp áp dụng cho nước ngoài, nơi bất ổn, xung đột, và tham nhũng sẽ can thiệp vào trong các kế hoạch của Trung Quốc.
    Thật vậy, Trung Quốc đã tự lo đối đầu với các bên có liên quan đầy bất mãn, giới lập pháp có khuynh hướng dân tộc, và đồng minh khó tin cậy ở những nơi như Ecuador và Venezuela, nơi mà Trung Quốc đã có đầu tư khổng lồ. Trung Quốc đã lo đối xử với người Hồi giáo không chịu khuất phục ở tỉnh Tân Cương, mà chủ yếu là qua sự từ chối và đàn áp; chiến thuật tương tự này sẽ không áp dụng được ở Pakistan hay Kazakhstan.
    Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ và các chính phủ phương Tây khác nên ngồi tự mãn và chờ cho Trung Quốc thất bại. Chiến lược phát triển hạ tầng quy mô có thể đã đạt đến một giới hạn bên trong Trung Quốc, và nó có thể không hoạt động được ở nước ngoài, nhưng nó vẫn là quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu.
    Mỹ thường xây dựng các đập nước khổng lồ và các mạng lưới giao thông từ trong những năm 1950 và 1960, cho đến khi các dự án thành lỗi thời. Hiện nay, Mỹ tương đối ít có cung ứng cho nước đang phát triển trong lĩnh vực này. Sáng kiến Power Africa của Tổng thống Barack Obama là một trong những ý kiến tốt, nhưng nó đã trì trệ để được khởi động; nỗ lực xây dựng các cảng Fort Liberté ở Haiti đã là một thất bại.
    Mỹ nên trở thành một thành viên sáng lập của AIIB; Mỹ chưa có thể tham gia và hướng Trung Quốc về phía tuân thủ hơn với tiêu chuẩn về môi trường, an toàn, và lao động quốc tế. Đồng thời, Mỹ và các nước phương Tây khác cần tự hỏi tại sao xây dựng cơ sở hạ tầng đã trở nên quá khó khăn không chỉ ở các nước đang phát triển nhưng ở trong nước. Nếu không làm được việc này, chúng ta có nguy cơ phải nhượng tương lai của khu vực Á Âu và các nơi quan trọng khác của thế giới cho Trung Quốc và cho mô hình phát triển của Trung Quốc.
    ***
    Francis Fukuyama là chuyên gia cao cấp tại Đại học Stanford, Giám Đốc Center on Democracy, Development and the Rule of Law. Sách mới nhất của ông là “Political Order and Political Decay”.
    Nguồn: http://phiatruoc.info/xuat-khau-mo-hinh-trung-quoc/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org