BÙI VĂN NAM SƠN
Hình tượng "học giả",
như ta đã biết, được Kant sử dụng nhiều lần trong luận văn nổi tiếng "Khai
minh là gì?" để nói đến việc sử dụng lý trí một cách công khai trong đời sống
xã hội. Viên chức phải tuân lệnh trong công việc, xét từ vai trò xã hội nhất định.
Nhưng đồng thời, "với tư cách học giả", họ còn có quyền công khai sử
dụng ngòi bút, xét từ quan điểm công dân thế giới. Đó là cách nói khác về
"tư cách người trí thức" theo nghĩa rộng, chỉ những ai được thụ hưởng
nền giáo dục đại học và "có năng lực diễn đạt ý kiến dưới hình thức văn bản".
Vì thế, môi trường đại học là nơi thể hiện quyền tự do này một cách tập trung
và đậm đặc nhất. Với quan niệm ấy, Kant mở một chương mới cho tinh thần đại học
hiện đại, sẽ được định chế hóa chỉ hơn một thập kỷ sau đó: sự ra đời của mô
hình đại học Humbold (1810). Tuy nhiên, "tự do học thuật" ở phương
Tây không phải là chuyện tình cờ, trái lại, có lịch sử rất lâu dài. Tuy trải
qua nhiều thăng trầm, nó là một dòng chảy bất tận và bất diệt, như một cuộc đua
tiếp sức. Những cá nhân kiệt xuất tiếp nối nhau mang ngọn lửa thiêng, soi đường
sinh lộ cho cả một nền văn minh.
TỪ "TỰ DO TRƯỜNG
PHÁI" ...
Với sự du nhập Kitô giáo
như là tôn giáo chính thống vào các thế kỷ đầu công nguyên, phương Tây đứng trước
thử thách chưa từng có trước sự xung đột giữa hai truyền thống lớn: truyền thống
nhân bản, thế tục của Hy-La cổ đại và truyền thống tín ngưỡng siêu nhiên Do
thái-Kitô giáo. Nhiều tín điều cơ bản có vẻ đi ngược, nếu không muốn nói là vượt
khỏi trực quan và lý trí thông thường (sáng thế từ hư vô, Đức Mẹ đồng trinh,
tam vị nhất thể v.v…), đòi phải được lý giải hợp tình hợp lý, thỏa mãn trí óc và
con tim. Sớm nhìn nhận nhu cầu điều hòa ấy, và hơn thế, chấp nhận giải quyết nó
một cách sòng phẳng là dấu son đầu tiên. Thế là, bên cạnh các tu viện, nhiều định
chế học thuật độc lập ra đời. Ta không khỏi kinh ngạc nếu theo dõi kỹ chất lượng
và cung cách tranh luận của thời kỳ này. Nhưng, được như vậy là nhờ đặc điểm chủ
yếu của "tự do trường phái" (libertas scholastica) suốt thời trung cổ
từ thế kỷ 12-15: đó là đặc quyền tự quản mang tính hiệp hội nghề nghiệp, gồm
quyền thành lập, kết nạp và khai trừ thành viên, cũng như tự do bầu chọn người
đại diện. Những quyền tự do này được bảo trợ bởi Giáo hoàng, và sau đó là bởi
các ông vua. Sự thống nhất giữa chính trị và tôn giáo tất nhiên chưa mang lại
những quyền tự do học thuật theo nghĩa ngày nay. Nhưng, các đại học không cảm
thấy mình mất tự do, bởi chính chúng góp phần định hình sự thống nhất ấy.
... ĐẾN "TỰ DO KHOA
HỌC"
Từ thế kỷ 17, bắt đầu cất
lên nhiều tiếng nói đòi tự do tư tưởng, tiền thân của tự do khoa học ngày nay.
Các tác giả như Spinoza, Putendorf, Collins hay Gundling đòi hỏi "tự do
triết học" (libertas philosophandi), thoát khỏi sự khống chế của thần học,
việc định chế hóa đầu tiên theo hướng này là đại học cải cách ở Halle (Đức) năm
1694. Tiếp theo, tự do nghiên cứu và giảng dạy trong tinh thần khai minh của thế
kỷ Ánh sáng có cơ sở pháp lý vững chắc trong điều lệ của phân khoa triết, đại học
Göttingen (Đức) năm 1737.
Trong "văn hóa sinh
viên", nền tự do học thuật dành nhiều đặc quyền hợp pháp cho đời sống của
sinh viên chính thức: ăn mặc tùy thích, để râu đủ kiểu, kể cả ăn chơi, đập phá,
vượt khỏi các quy tắc luân lý thông thường! "Ôi, thời vàng son của đời
sinh viên: tự do, tự do, tất cả là tự do!", một từ điển ghi nhận với nhiều
tiếc nuối vào năm 1749.
Một cao điểm mới của
khái niệm tự do trong sinh viên là thời kỳ Đại Cách mạng Pháp (1789). Lần đầu
tiên có sự pha trộn, rồi hòa quyện giữa ý thức đặc quyền của tầng lớp ưu tú với
ý thức tự do chính trị của quảng đại quần chúng cách mạng. Một ngọn lửa khai
phóng bùng lên năm 1798 với tác phẩm cuối đời của Immanuel Kant: "Sự tranh
chấp giữa các chuyên khoa".
NHƯ CÁI THANG CẦN HAI
THANH CHỐNG
Vào thời Kant, đại học gồm
ba chuyên khoa trụ cột: thần học, luật học và y học. Thần học lo chuyện "hạnh
phúc vĩnh hằng" của kiếp người; luật học lo chuyện hạnh phúc dân sự của mọi
thành viên xã hội; và y học lo hạnh phúc thể xác của mỗi người. Được gọi là ba
chuyên khoa "cao cấp", vì được nhà nước bảo trợ và quản lý, dựa vào
ba văn bản "thiên kinh địa nghĩa": Kinh thánh, Bộ luật quốc gia và Bộ
Điều lệnh y học. Chính thống hóa ba bộ môn này, nhà nước thực thi quyền lực của
mình.
Ở phía ngược lại là các
chuyên khoa "cấp thấp" (!), trong ngôn ngữ của Kant, là "chuyên
khoa triết học". Chuyên khoa này không thu hẹp trong môn triết theo nghĩa
đen, mà bao gồm cả văn chương, khoa học và kinh tế. Chúng độc lập với lợi ích của
nhà nước, mà chỉ dựa vào lý tính của con người. Chúng không nhất thiết đối lập
với quyền lực nhà nước, trái lại, là phi quyền lực, một tiền thân sáng giá của
quan niệm về tổ chức xã hội dân sự ngày nay. Chúng có bản tính khác với quyền lực,
vì luôn thách thức "những ranh giới của quyền lực từ bên trong"
(Derrida). Là bộ phận của đại học, nhưng chuyên khoa này bao trùm mọi lĩnh vực
của đời sống hàn lâm nhờ vào quyền sử dụng lý tính phê phán một cách công khai
và vô điều kiện. Giữ một chỗ, đồng thời không giữ chỗ nào trong hệ thống đại học
là nghịch lý đầy sức sống cho bản thân đại học.
Sự "tranh chấp giữa
các chuyên khoa" không phải là xung đột kiểu chiến tranh mà là hợp pháp. Nếu
các chuyên khoa "cao cấp" giữ cánh phải của chiếc thang tri thức để củng
cố hệ thống, thì chuyên khoa "triết học" giữ cánh trái của chiếc
thang như là trách vụ phản biện. Khi lý tính đưa ra phán đoán công khai, nó giữ
cho chiếc thang vững chắc, an toàn. Có chiếc thang nào chỉ có đơn độc một thanh
chắn? Chỗ độc đáo của Kant: chuyên khoa triết học không vỗ ngực sẽ mang lại chân
lý. Nó chỉ yêu chân lý và, quan trọng hơn, tạo nên "điều kiện khả thể"
cho việc đi tìm chân lý. Xin nghe Kant nói: "Trong đại học phải có một
chuyên khoa giảng dạy độc lập với mệnh lệnh của nhà nước. Nó không ra lệnh,
nhưng có quyền tự do phán đoán về tất cả những gì liên quan đến mối quan tâm
khoa học là đi tìm chân lý".
Quả là một con đường dài
và gian khổ từ cái chết của Socrates, từ tự do trường phái thời trung cổ đến tự
do học thuật ngày nay, để nó được trịnh trọng ghi vào hiến pháp của các nước văn
minh (chẳng hạn, đó là điều 5 trong Luật cơ bản của CHLB Đức).
Chiếc thang đã được bắt,
và các thế hệ sau Kant sẽ tiếp tục leo lên từng nấc một. Không ít gian nan,
nhưng dù sao đã có chỗ đặt chân. Đại học Humboldt - chỉ hơn một thập kỷ sau -
như vừa nói, là thành tựu rực rỡ từ một lời di chúc..
Nguồn:
http://vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/van-hoa-hoc-duong40/tu-do-hoc-thuat-sinh-lo-cua-mot-nen-van-minh