LS Nguyễn Hữu Liêm
Bản chất hiến pháp của một
quốc gia thể hiện những bận tâm mà xã hội và chính trị phải đương đầu. Tùy vào
bối cảnh lịch sử, mỗi quốc gia phải kiến tạo hiến pháp để xây dựng những định
chế chính trị, xã hội và luật pháp thích nghi với hoàn cảnh của mình. Những
nguyên tắc hiến pháp là những khí cụ để giải quyết những mối bận tâm đó. Chúng
ta thử nhìn một vài thí dụ điển hình: Hiến pháp Hoa Kỳ 1787 được kiến tạo trên
hai mối bận tâm hàng đầu của các nhà lập hiến thời đó. Thứ nhất, vấn đề quốc
phòng và thương nghiệp. Khi mà dân thuộc địa Mỹ phải chịu luật lệ khắt khe và bất
công từ Anh quốc. Từ mối bận tâm này, nguyên tắc liên bang (federalism) ra đời.
Chế độ liên bang bảo đảm quyền tự do buôn bán giữa các tiểu bang, nhưng đồng thời
công nhận quyền tự trị của mười ba tiểu bang nguyên thủy. Thứ hai, tự do cá
nhân đối với sự lạm dụng quyền lực của chính quyền là nguyên nhân của nguyên tắc
phân quyền (seperation of powers). Vấn đề quyền hạn công dân vẫn chưa phải là mối
quan tâm hàng đầu cho đến hơn cả thập niên sau (1791), người Mỹ mới cộng thêm
những tu chính hiến pháp bảo vệ quyền công dân, gọi là “Bill of Righs”.
Trong khi đó hiến pháp Cộng
Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức) 1949 thể hiện mối kinh hoàng của giai đoạn lịch sử
độc tài Hitler và chiến tranh khủng khiếp của Đệ Nhị Thế Chiến cũng như mặc cảm
bị chiếm đóng của quân đội Đồng Minh và thảm trạng phân chia của đất nước. Những
mối bận tâm này là nguyên nhân của nguyên tắc dân quyền được đặt lên hàng đầu
và không thể được tu chính; cũng như sự nhấn mạnh đến tính chất tương quan của
chính quyền địa phương (lander governments) đối với chính quyền trung ương quôc
gia.
Hiến pháp Nhật Bản 1947,
dưới sự chiếm đóng của Mỹ, vì bận tâm đến nạn quân phiệt và tham vọng quân sự
viễn chinh, đã giảm thiểu tối đa vai trò quân đội (điều 9) đặt hoàn toàn dưới
thẩm quyền dân sự, và không cho sử dụng quân đội ngoài phạm vi lãnh thổ quốc
gia.
Hiến pháp Đệ tứ cộng hòa
Pháp 1958 thể hiện sự bất mãn với tình trạng bất nhất, thiếu hiệu năng của cơ
chế nghị viện, điển hình là từ vị khủng hoảng ở thuộc địa Algeria, đã kiến tạo
nguyên tắc trọng hành pháp với nhiều quyền năng cho phía hành pháp; trong khi
đó đánh nhẹ những nguyên tắc dân quyền vì dân Pháp đã nằm lòng và nội dụng hóa
Bản Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền 1789 trong đời sống chính trị của họ.
Hiến pháp của Cộng hoà
liên bang Sô Viết 1936 và 1977 bận tâm đến quyền lực chính quyền trung ương thể
hiện trên hai nguyên tắc thẩm quyền nhà nước Liên bang và “dân chủ trung ương”
(“democratic centralism”) (Điều 108 và 3). Cũng tương tự như thế, Hiến pháp của
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 1980 thể hiện mối bận tâm trung ương tập quyền
và đảng trị cũng có “Đảng Cộng sản Việt Nam,... là lực lượng, duy nhất lãnh đạo
nhà nước, lãnh đạo xã hội,” (Điều 4), và nguyên tắc “tập trung dân chủ.” (Điều
6).
Hiến pháp là một văn kiện
chính trị thể hiện tình cảm và ước vọng của quốc dân ở một thời điểm với những
vấn nạn quốc gia và xã hội liên hệ. Văn kiện này mang tính chất luật pháp để biểu
thị được chức năng hiệu quả hầu hiện thực hóa tình cảm và ước vọng đó. Lawrence
H. Tribe, một học giả luật Hiến pháp của đại học Harvard, Hoa Kỳ trong cuốn American
Constitutions Law (Luật Hiến Pháp Mỹ) có kể lại một hí họa diễn tả hai
chàng tiền phong đến xứ Mỹ từ Âu châu hai thế kỷ trước trên chuyến tàu lịch sử
May Flower. Cả hai người đang đứng trên boong tàu, nhìn về phía chân trời Mỹ
đang hiện ra. Một chàng nói, “Tự do tôn giáo là mục đích tức thời của tôi,
nhưng kế hoạch lâu dài của tôi là đầu tư về địa ốc.”(156) Tribe phân tích câu
nói trên tượng trưng cho cái nền tảng giá trị nhị nguyên (duality) trong lịch sử
hiến pháp, không những của Hoa Kỳ, mà ở khắp mọi nơi, mọi lúc. Bởi lịch sử,
Tribe nói tiếp, chứa đựng hai năng động khác biệt hẳn nhau: Thứ nhất, năng động
của khát vọng nhân bản của cá nhân, đạo đức và tự do; năng động thứ hai là của
những quan tâm về những vấn đề vụn vặt và thực tế như lãnh thổ, biên giới và định
chế chính trị và xã hội.(lỗ7) Những bận tâm, về hoàn cảnh và lịch sử, như đã
nói ở trên, đã thúc đẩy những nhà lập hiến thiết kế những nguyên tắc hiến pháp
như những guồng máy cai quản chiều hướng và vận tốc của con thuyền quốc gia
trên chuyến viễn hành vô định giữa đại dương bão tố.
Những nguyên tắc hiến
pháp nổi bật nhất trong các quốc gia theo mô hình chính trị dân chủ pháp trị của
Tây phương, đặc biệt nhất là Hoa Kỳ, gồm [1] Nguyên tắc xác định và phân quyền
[2] Nguyên tắc tư pháp ưu thế (judicial supremacy), [3] Nguyên tắc công dân quyền,
và [4] Nguyên tắc tu chính hiến pháp, để đương đầu với đổi thay. Dĩ nhiên, mỗi
quốc gia phải đương đầu với một hoàn cảnh địa lý, địa phương, lãnh thổ, dân tộc
riêng mà hiến pháp của họ phải đương đầu. Như hiến pháp Hoa Kỳ và Nga Xô thì có
nguyên tắc Liên Bang (federalism), hay hiến pháp Anh quốc và Nhật Bản thì có
nguyên tắc vương quyền biểu tượng.
NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH VÀ PHÂN QUYỀN
NGUYÊN TẮC XÁC ĐỊNH VÀ PHÂN QUYỀN
Căn bản tư tưởng được chấp
nhận sâu rộng nhất cho chính trị dân chủ là quyền lực quốc gia phải bắt nguồn từ
dân để phục vụ dân. Nhưng đây là một tư tưởng có tính chất khẩu hiệu biểu trưng
hơn là thực tế nếu quốc gia đó không có một cơ chế chính trị hữu hiệu, đặc biệt
là hiến pháp, để giới hạn sự lạm dụng của quyền lực nhà nước đối với tập thể
công dân. Chính cái thực tế mâu thuẫn giữa lý tưởng dân chủ và thực tế nô lệ đã
thúc đẩy những triết gia Âu châu các thế kỷ trước lên tiếng phác họa những cơ bản
lý thuyết cho sự kiến tạo một guồng máy chính trị đặt trên văn kiện hiến pháp.
Rousseau của Pháp, giữa thế kỷ thứ XVIII, phải kêu lên, “Nhân loại sinh ra tự
do nhưng thật ra họ phải bị gông cùm khắp nơi”. Rousseau không thể giải thích
được tại sao nhưng ông ta cho rằng vấn đề có thể biện minh hóa bởi một lý thuyết
chính trị mới - đạo đức và biện minh của quyền hạn quốc gia phải có từ ý lực
toàn dân. Nhưng Rouseau không đi xa hơn về một thực thể cấu trúc cho lý tưởng
chính trị đó. Cuối thế kỷ thứ XVII, John Locke của Anh quốc đã nói như
Rousseau; nhưng còn đi xa hơn nữa, “Không có ai sinh ra tự do cả!”(158) Triết học
luật pháp của Locke, cũng như của Rousseau và Thomas Hobbes, đặt trên quan niệm
căn bản rằng luật pháp quốc gia là kết quả của những quyết định của ý lực quốc
dân. Nhưng chiếc cầu để bắc ngang được giữa ý lực quốc dân và định chế luật
pháp là vãn kiện hiến pháp - một nền tảng căn bản xác định vị trí lý tưởng và
giá trị tổng quát để nhà nước căn cứ khi hành xử quyền lực quốc gia. Hiến pháp,
theo Locke, là nơi quyền hạn tối cao của quốc gia (sovereignty) được xác định,
và phân quyền cho ba nhánh: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Locke nhấn mạnh quyền
lập pháp vì nhánh này được đặt căn bản quyền hạn trên nền tảng giá trị luật tự
do. Trong khi đó, Montesquieu của Pháp trong cuốn Tinh Thần Luật Pháp xuất
bản năm 1748 đặt trọng tâm của chính trị để giải quyết những vấn nạn công lý của
xã hội mà quốc gia là một cơ chế luật pháp. Tuy nhiên, Montesquieu ý thức được
cái hiểm họa của sự tập trung quyền hành vào trong tay một cá nhân, một cơ quan
hay một phân nhánh chính quyền. Muốn giảm thiểu mối hiểm họa này, Montesquieu
chủ trương nguyên tắc phân quyền chính trị của guồng máy nhà nước với chủ
trương liên hệ hỗ tương trên căn bản độc lập mà người Mỹ hệ thống hóa thành lý
thuyết chính trị quen thuộc “Kiểm Soát và Quân Bình” (check and balance); tự do
công dân có thể được bảo đảm bằng những định chế chính trị để phân tán quyền lực,
nhánh này kiểm soát nhánh kia và đòi hỏi một liên hệ hỗ tương cần thiết khi
hành xử quyền lực quốc gia có ảnh hưởng đến quyền lợi chung.
Cái liên hệ hỗ tương
nhưng độc lập được phác họa bởi James Madison trong The Federalist
Papersrằng quyền hạn của một chi nhánh đều được bắt nguồn và tùy thuộc vào
phân nhánh khác. Ví dụ trên phương diện hình luật, lập pháp làm luật, hành pháp
truy tố, tư pháp xử án.(159) Chánh án được bổ nhiệm bởi hành pháp (nhiều quốc
gia đòi hỏi lập pháp chấp thuận sự bổ nhiệm này). Tức nhiên là mỗi phân nhánh
phải được tách biệt và độc lập tuy nhiên trên sự hành xử chức năng mặc dù vai
trò và cấu trúc của quyền hạn phải nằm trong phạm trù liên hệ hỗ tương. Vấn đề
là mức độ độc lập và định chế hỗ tương nhằm bảo đảm chức năng hành sự để một
nhánh không thể áp chế phân nhánh kia đi theo ý lực của mình. Ví dụ điển hình
là chánh án tối cao pháp viện Hoa kỳ được bổ nhiệm suốt đời, được miễn tố từ
vai trò của mình, và hành pháp và lập pháp không được cắt lương bổng hay quyền
lợi của các chánh án này. Trường hợp Hoa Kỳ, vấn đề phân quyền không những chỉ ở
phương diện chiều ngang ở mức độ quốc gia với định chế "tam quyền phân lập"
- hành pháp, lập pháp, tư pháp - mà còn ở chiều dọc - Liên bang kiểm soát tiểu
bang, tiểu bang cai quản độc lập đối với liên bang.
Một số quốc gia khác,
nguyên tắc phân quyền chiều dọc còn có đến vị thế của vương quyền như Nhật Bản
- hoàn toàn biểu trưng, không mang ý niệm “Thiên Tử” sau Thế Chiến Thứ Hai khi
mà uy tín của nhà vua đã bị tiêu hao nặng nề bởi chính sách quân phiệt và xâm
lăng trong giai đoạn thế chiến thứ Hai đối với các nước Á châu và Thái Bình
Dương với những hậu quả tai hại; hay trường hợp Anh quốc khi vì Vua là Quốc Trưởng
nhưng chức năng thì chỉ có tính cách biểu trưng và lễ nghi.
Nguyên tắc phân quyền
hàng dọc bao gồm vị thế vương quyền là một nỗ lực để duy trì truyền thống và
tính cách biểu tượng của lịch sử; tuy nhiên, cái kết quả chính yếu của nguyên tắc
này là tước đoạt tất cả quyền hành từ vị vua và đem trao cho ba phân nhánh của
một chế độ dân chủ hiện đại. Do đó, một cái nhìn tổng hợp của các vấn đề phân
quyền là [1] Thiết lập cơ chế chính trị để chia sẻ và kiểm soát quyền lực hòng
bảo vệ thế quân bình cần thiết, tránh khỏi sự lạm dụng quyền lực từ một cá nhân
hay một phân nhánh của chính quyền, và [2] Sự phân phối chức năng để hiệu năng
hóa quyền hành và quản trị được bảo đảm hơn. Một thí dụ cho mục tiêu thứ hai
này là phía lập pháp sẽ không đáp ứng nổi nhu cầu hành pháp được trên hầu hết tất
cả các lãnh vực từ quân sự đến hình luật đến thuế má. Lập pháp cũng không thể
có tư thế lãnh đạo hiệu quả và hiệu năng như hành pháp; cũng như không mang bản
chất độc lập đối với dư luận công chúng, hay có giá trị lâu dài của vai trò tư
pháp. Hơn nữa, nếu lập pháp đóng vai trò hành pháp thì ai sẽ giám sát vấn đề
thi hành chính sách và luật pháp vì chính mình không thể giám thị mình với mức
độ ngay thẳng và năng động đúng mức được.
Định chế luật hiến pháp
Hoa Kỳ, còn có truyền thống “Tư Pháp Ưu Thế” (Judicial Supremacy). Định chế này
phát xuất từ quan niệm chính trị bao gồm hai phạm trù: [1] Đối với nguyên tắc
phân quyền, nó cho phép tư pháp đóng vai trò quyết định tối hậu để phán xét và
quyết định tính cách hợp hiến của hai phía lập pháp và hành pháp, và [2] Đối với
giá trị dân chủ, nó cho phép những định chế phản đa số, phản dân chủ đương thời
được làm chủ và quyết định hòng đạt được những mục tiêu lâu dài mà hiến pháp quốc
gia đã vạch ra. Thứ nhất, đây là quan niệm cho rằng tư pháp là một phân nhánh
“ít nguy hiểm nhất” theo quan niệm của Alexander Hamilton của Hoa Kỳ, vì tư
pháp không làm được luật, không có tự túc về ngân sách, không có sức mạnh tổ chức
hay vũ lực như phía hành pháp có quân đội. Tư pháp có bản chất độc lập, vô tư
và không bị áp lực quần chúng nhất thời. Vì thế, tư pháp đã dần dần được công
nhận đóng vai trò tối hậu về phán xét tính chất hợp hiến của hành vi nhà nước,
chính quyền. Ý niệm “tư pháp ưu thế” bắt nguồn từ thế kỷ XVII ở Anh quốc khi mà
tư pháp đóng vai trò quan trọng trong việc chế ngự lập pháp bằng cách tạo án lệ
mang bản chất làm luật từ phía các chánh án khi đối đầu với các vấn đề pháp lý
đang được tuyên xử. Tuy nhiên, cán cân phân quyền và biên giới xác định giữa
hai phía không được đánh dấu rõ ràng cho đến năm 1803 trong án lệnh Marbury V.
Madison Tối cao pháp viện Hoa Kỳ, mới vạch rõ chủ thuyết judicial review (quyền
duyệt xét của tư pháp), trong đó, chánh án Marshall sử dụng lời của giám mục
Anh Hoadly cả thể kỷ trước đó rằng, “Tư cách duyệt xét luật pháp thực ra mới
đóng vai trò làm luật, với tất cả những mục đích và chủ ý, chứ không phải kẻ
làm ra luật chính nó,” và tuyên án rằng, “tất cả luật làm nên bởi lập pháp và
hành pháp phải hợp hiến mà sự quyết định tối hậu của tính chất hợp hiến nằm ở
trong phạm vi quyền hạn của tư pháp.” Án lệ Mabury V. Madison này nói lên cái
thực tế của chính trị phân quyền của hiến pháp mà hơn thế kỷ sau một người Mỹ
Charles E. Hyphes có nói, “Tất cả chúng ta đều phải tôn trọng hiến pháp, nhưng
hiến pháp mang ý nghĩa, nội dung hay tác động nào tùy vào vị chánh án giải
thích mà thôi.”(160)
Chủ thuyết judicial
review được tồn tại vì nhờ phía tư pháp Hoa Kỳ đóng vai trò khiêm tốn
chỉ sử dụng khi cần thiết và với một nền tảng biện minh bằng lý luận pháp lý vững
chắc. Từ đó, chủ thuyết này là kết quả của niềm tin vào lý trí vì hơn ai hết,
tư pháp có thì giờ, tư cách để nhìn một bộ luật vượt lên trên những áp lực xã hội,
chính trị và văn hóa nhất thời hòng nhằm phục vụ một lý tưởng cao đẹp và lâu
dài hơn.
Phạm trù liên quan đến
nguyên tắc phân quyền trên cũng nằm trộn lẫn trong một chủ thuyết chính trị cao
hơn về vai trò của hiến pháp: Tất cả luật đều phải xây dựng trên nền móng hiến
pháp vì hiến pháp đại diện cho một lý tưởng lâu dài, nhân bản và căn bản hơn.
Điều này có nghĩa là hiến pháp mang thẩm quyền vô hiệu hóa những bộ luật dân chủ
đi ngược lại một lý tưởng lớn hơn mặc dù lý tưởng này có thể đã lỗi thời hay là
phản dân chủ. Đây là quan niệm nòng cốt để đề phòng hiểm họa quan trọng nhất của
chính trị dân chủ, cái mà Alexis de Toqueville gọi là tyrany of the
majority (Tính chuyên chế của Đa Số).(161) Nhưng chủ thuyết chính trị
này mâu thuẫn với tiền đề chính trị dân chủ căn bản rằng ý lực tổng thể của quốc
dân, tức là đa số trong chính trị dân chủ, là quyết định tối hậu. Vậy thì, tư
pháp, đứng trên vị thế chính thống nào để phán định rằng đa số là sai khi họ
làm luật trái với tinh thần hiến pháp?
Tại sao, ví dụ ở Hoa Kỳ,
thế hệ của thập niên 1990-2000 lại phải bị trói buộc bởi những quy tắc hiến
pháp đã được đặt ra cho họ hơn 200 năm trước? Câu trả lời nằm trong vấn đề giá
trị phổ quát được công nhận và kinh nghiệm lịch sử đối với những giá trị đó.
Khi công nhận hiến pháp là một thực thể giá trị có quyền hạn tối cao, căn bản
thì quốc dân phải chấp nhận tính bền vững lâu dài của nó. Nhưng nếu giá trị của
tập thể công dân, ý lực tổng thể - như Rousseau nói - đã đổi thay đến một mức độ
quan trọng, thì hiến pháp cũng có thể đổi thay - nhưng khó khăn hơn để bảo đảm
cái tính vững bền - hòng đáp ứng với giá trị mới. Bởi vậy, hiến pháp nào cũng
phải có phân định quy luật tu chính để giải quyết vấn nạn đổi thay này. Hiến
pháp là cơ chế quan trọng nhất để đương đầu với khủng hoảng và quản trị đổi
thay. Hiến pháp không những là một văn kiện tối cao và căn bản, nó còn là một
tuyên ngôn giá trị mà quốc gia phải dựa vào đó để tìm cho mình biện minh lịch sử
và quốc tế. Hiến pháp phải được bảo vệ như là một định hướng cho quốc dân trong
cơn bão tố của tình cảm và quyền lợi nhất thời .
NGUYÊN TẮC CÔNG DÂN QUYỀN
NGUYÊN TẮC CÔNG DÂN QUYỀN
Quyền công dân, hay dân
quyền, là những quyền hạn của công dân được quy định bởi hiến pháp để thỏa mãn
cái mà chánh án Mỹ Cardozo gọi là "nguyên tắc quyền hạn căn bản có gốc rễ
từ truyền thống và lương tri của con người,”(162) trước sự đe dọa của bạo lực
và lạm dụng quyền hành của nhà nước và chính quyền. Đi tìm một căn bản biện
minh cho dân quyền mới đầu gần như là một sự thừa thải. Tại sao cá nhân, với mỗi
ý lực riêng biệt, với tư cách là chủ nhân của quốc gia, giao quyền hạn tổng thể
cho nhà nước lại phải phân định những quyền hạn của họ, trên căn bản của mỗi
công dân như là một sự ban bố quyền lợi và cho phép từ phía quốc gia? Đây là một
luận đề có tính cách lý thuyết vì thực tế thì công dân tính ra đời sau khi quốc
gia tính đã được thiết kế. Khi chưa có cơ bản quốc gia, cá nhân chỉ mang được
những quyền hạn tự nhiên - nhưng quyền hạn tự nhiên đối với ai? Đối với láng giềng?
Với thiên nhiên? Tôn giáo? Chính mình? Thomas Paine, một lý thuyết gia cực đoan
của nhân quyền và dân quyền thời cách mạng Pháp 1787 xác định trong cuốn Quyền
Hạn Con Người (The Rights of Man) rằng cá nhân trong xã hội có
hai phạm trù quyền hạn: quyền tự nhiên (natural rights) và dân quyền (civil
rights). Paine giải thích:
Quyền tự nhiên có căn bản
trên sự hiện hữu của con người. Ví dụ như quyền tư duy, quyền tư tưởng, và những
quyền hạn theo đuổi đời sống và hạnh phúc cá nhân mà không có ảnh hưởng tiêu cực
đến quyền tự nhiên của người khác. Còn dân quyền thì được đặt căn bản trên tư
cách là một thành viên của xã hội. Mỗi quyền hạn trên phạm trù dân quyền đều đặt
nền móng trên quyền tự nhiên đã có sẵn nhưng sự hưởng đạt của nó không được bảo
đảm.(163)
Có nghĩa rằng, dân quyền
là những quyền hạn cá nhân mà tự mỗi chính họ không thể hoàn tất hay bảo đảm được,
ví dụ quyền chính trị, như bầu cử, chẳng hạn. Vì thế mỗi cá nhân, thể hiện quyền
hạn cá nhân, quy nạp sức mạnh tổng thể, để tái xác nhận một tầm mức quyền hạn
cao hơn, đặt căn bản trên tập thể - đó là công dân quyền. Câu hỏi được đặt ra ở
đây là cá nhân phải dựa trên căn bản quyền hạn nào để ủy thác quyền tập thể cho
quốc gia? Paine trả lời, trong dòng thác tư tưởng của Hobbes và Rousseau rằng,
tập thể công dân, tự chính họ thiết lập một cơ chế khế ước tổng thể để ủy thác
quyền lực cho quốc gia. Nếu thế thì tại sao hiến pháp lại phải minh định quyền
của họ vì họ, công dân và tập thể chung, chưa ủy giao phạm trù dân quyền cho quốc
gia? Đây là tiền đề chính trị hiến pháp căn bản và khó giải quyết nhất. Hiến
pháp của Hoa Kỳ phải đương đầu với vấn nạn này trên một bối cảnh khác trong tu
chính số Mười vào năm 1791: "Quyền hạn không được ủy thác cho chính quyền
Liên bang bởi hiến pháp, cũng không bị ngăn cấm bởi hiến pháp Liên bang khi ủy
thác cho các Tiểu bang, đều được hành xử bởi các Tiểu bang, hay bởi quốc dân.
Trong khi đó, Tu chính án số Chín xác định rõ là những quyền hạn không được
minh định đều vẫn là của quốc dân (retained by the people). Tu chính án số Mười
chỉ làm sáng tỏ điều I, khoản 8 đối với enumerated powers (quyền hạn đã được
minh định) cũng như giới hạn quyền làm luật của quốc hội phải đặt căn bản trên
sự cần thiết và thích đáng (“necessary and proper”) mà thôi. Vì quan niệm cũng
như niềm tin vào tiền đề và giá trị của nguyên tắc ủy quyền trên mà các nhà lập
hiến Mỹ không minh xác dân quyền một cách rõ ràng cho đến mấy năm sau bằng một
loạt những tu chính án dân quyền (The Bill of Rights).
Một vấn đề nữa của
nguyên tắc pháp lý là “Những gì mà luật pháp không cấm là không bất hợp pháp.”
Điều này không có nghĩa là những gì không cấm là hợp pháp hay được tự do hành động.
(Ví dụ tự tử không phải là một quyền hạn hay là hợp pháp; nhưng nó chỉ không bất
hợp pháp mà thôi). Nguyên tắc pháp lý này tái xác nhận quyền hạn tối thượng của
công dân mà từ đó luật pháp được thiết kế. Hơn nữa, thực tế không cho phép luật
pháp liệt kê hết tất cả, ví dụ, những gì bạn có thể làm ở trong nhà bạn, mà chỉ
có thể liệt kê những gì bị cấm đoán mà thôi. Từ đó, trên nguyên tắc dân quyền của
hiến pháp, văn kiện này phải xác nhận cái tiền đề chính trị căn bản trên; nghĩa
là, những gì không được minh định là quyền hạn của quốc gia là quyền của công
dân.
Trong cuốn Reflections
On the Revolution in Europe (Suy Tưởng Vê Cuộc Cách Mạng Ở Ầu Châu),
xuất bản năm 1990, Ralf Dahrendorf viết thư cho một người bạn ở Ba Lan về cuộc
cách mạng 1989-1990 ở Đông Âu, Dahrendorf nói rằng sau hơn 40 năm xã hội chủ
nghĩa ở Đông Âu, về phương diện chính trị hiến pháp, Đông Âu không đạt được một
điều nào cả vì tất cả những quyền xã hội, ví dụ như quyền làm việc, đều không
mang thực chất pháp lý. Vì không có chánh án nào có thể ra lệnh cưỡng chế cái
quyền làm việc được; mặc dù, quyền có công ăn việc làm là một ưu tiên chính trị
kinh tế cần thiết. Ông quan niệm rằng quyền không làm việc có lẽ có lý hơn để bảo
vệ công dân khỏi sự lao động cưỡng bách.(164) Thực ra điều này hiến pháp Hoa Kỳ
đã có minh định rõ trong tu chính án số Tám năm 1865 hủy bỏ chế độ nô lệ và cưỡng
bách lao động.
Ngoài việc liệt kê những
quyền hạn có tính chất tích cực, hiến pháp phải đồng thời quân bình với những
quyền hạn có tính chất thụ động - như quyền tự do báo chí tích cực phải cân bằng
với quyền được miễn tiếp nhận truyền thông từ bất cứ của ai, chính quyền hay cá
nhân. Quyền này rất quan trọng nhất là trong các quốc gia mà chính quyền cưỡng
bách dân chúng phải học tập, lắng nghe tuyên truyền, và nhất là phải đọc những
khẩu hiểu lố lãng và vô nghĩa trên đường phố, thôn xóm, hay phải chịu loa phóng
thanh phát ra inh ỏi ở các nơi bất cứ giờ phút nào. Quyền không được cưỡng bách
lao động phải cân đối với quyền tự do lao động; quyền không phải là đảng viên của
một đảng phái chính trị đối với quyền tự do đảng phái; quyền tự do đi lại, hội
họp, phải quân bình bằng quyền tư riêng (privacy right) như trong những phát
triển gần đây của luật hiến pháp Hoa Kỳ. Hay là một nguyên tắc quân bình mới
hơn là quyền phá thai, nếu có, phải quân bình bằng quyền được sinh ra đời cho
các thai nhi. Hoặc thí dụ khác, hiến pháp Nigeria, Phi Châu 1960, điều 32 cân bằng
quyền tự do ngôn luận, ý kiến bằng quyền tiếp nhận tư tưởng và ngôn luận mà
không bị ngăn cản. Do đó, khi chính quyền duyệt một bài báo, một bản tin không
phải chỉ quyền ngôn luận của người làm báo bị đe dọa (quyền tích cực) mà quyền
được tiếp nhận, đọc, nghe (thụ động) cũng bị vi phạm. Kinh nghiệm của nhiều nền
dân chủ chưa trưởng thành cho thấy, như trường hợp của Negeria sau khi Anh quốc
trả độc lập, cần nhu cầu chi tiết hóa những định chế về truyền thông để bảo đảm
tự do ngôn luận cho quần chúng. Chính quyền ở các nước chậm tiến thường độc quyền
về vô tuyến truyền thanh và truyền hình, những tờ báo lớn bị đặt dưới ảnh hưởng
của nhà nước, và loại bỏ hết hệ thống báo chí và các phương tiện truyền thông
tư nhân. Đây chính là vấn nạn lớn cho chiều hướng củng cố dân chủ hiến pháp vì
có quyền mà không có thế và phương tiện để thực thi quyền đó thì chỉ là những
văn tự trừu tượng thiếu thực chất.
Chúng tôi không muốn nêu
hết tất cả những quyền hạn của công dân phải được minh định bởi hiến pháp.
Nhưng những nguyên tắc và lý luận trên chỉ nêu lên những điểm quan trọng trong
cái nhìn chính trị hiến pháp dưới con mắt pháp lý. Nói theo Charles Mcllwain
thì bản chất hiến pháp có một chức năng nổi bật nhất - đó là một giới hạn pháp
chế đối với chính quyền và nhà nước.(165) Nhưng quan niệm này phải được dàn xếp
ổn thỏa trên căn bản ý thức rằng chính quyền và quốc gia sinh ra bởi và từ dân
là sản phẩm tổ chức mang tính chất pháp chế mà chủ nhân của cơ chế này là quốc
dân. James Madison, một người đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo hiến
pháp Hoa Kỳ, lúc đầu đã phản đối mạnh mẽ việc bao gồm những quyền hạn công dân
trong văn kiện hiến pháp vì lẽ rằng như thế không cần thiết và hơn nữa, như đã
nói ở trên, hiến pháp không thể liệt kê hết tất cả những quyền hạn. Mà nếu đã
liệt kê thì phải chi tiết, dài dòng và không hoàn toàn. Khi đó, những quyền hạn
không được liệt ra có thể bị coi là không được tôn trọng và bảo vệ.(166) Nhưng
sau đó, Madison cũng phải ủng hộ sự minh định quyền hạn công dân bằng những Tu
Chính Án Dân Quyền (Bill of Rights) vì theo ông, thứ nhất, dù không hoàn toàn
liệt kê, những quyền căn bản của hiến pháp khi nêu ra sẽ tạo một nền tảng giá
trị đối diện với sức mạnh và bản chất lạm dụng của chính quyền. Thứ hai, sự
minh định này kiến tạo một giá trị giáo dục công dân ý thức được quyền hạn của
quốc dân và giới hạn của nhà nước. Hiến pháp chỉ là “mảnh giấy lộn” nếu giới
lãnh đạo nhà nước không ý thức và không có tinh thần tôn trọng; hay nếu văn hóa
và bối cảnh chính trị và xã hội chưa đủ tầm mức cho một cơ chế hiến pháp dân chủ
thực thi. Madison nói đến cái thảm trạng giấc mơ và sự quyến rũ quyền lực “là
cái năng lực cao độ nhất nhì trong những trái tim của con người mà “ít người có
thể vượt qua nếu có cơ hội để lạm dụng nó.”(167) Ông nói tiếp, “Trong sự kiến tạo
một chính quyền để con người quản trị con người, cái khó là ở chỗ: Trước hết,
chính quyền có khả năng cai trị; nhưng cái khó hơn là khả năng tự chế và tự giới
hạn bởi chính nó”.(168) Tự chế và tự giới hạn đòi hỏi truyền thống văn hóa và
chính trị mà trong đó, cái mà Alexis De Tocqueville gọi là civil society (cơ chế
dân sự) đã trưởng thành để tạo một đối lực khả thể cũng như tạo sự tương kính
và tin tưởng của các nhà lãnh đạo. Để từ đó, lịch sử chính trị quốc gia không
phải bị tan rã vì sự sụp đổ của một chế độ như trường hợp Nam Việt Nam năm 1963
tổng thống Ngô Đình Diệm đã tuyên bố: “Sau ta (nếu không có ta) là hồng thủy”.
NGUYÊN TẮC BỔN PHẬN CÔNG
DÂN
Dan Kemmis, một thị trưởng
của thành phố nhỏ Missoula, tiểu bang Montana, Hoa Kỳ, trong một buổi luận đàm
trong năm 1990 phát biểu, “Hiến pháp còn đóng vai trò và mang chức năng khác
hơn là pháp lý. Nó là một tác động mà trong đó con người tự họ kiến tạo cho
chính họ một xã hội.”(169) Kemmis nói tiếp, khi nhìn về quốc gia qua hiến pháp,
chúng ta phải từ bỏ hai thái cực mà một phía cái mà cựu tổng thống Mỹ Kennedy hỏi,
“Bạn đã làm gì cho quốc gia?”; còn phía kia thì chỉ đến trên tư thế vị kỷ của
cá nhân “quyền hành của tôi” (mu rights). Kemmis dựa trên tinh thần của
Rousseau và đề nghị, hiến pháp phải thể hiện được mệnh đề, “Dân tộc ta ước vọng
gì?” (What do we will as a people?)
Buổi luận đàm mà Kemmis
tham dự xuất pháp từ bối cảnh hiện đại Hoa Kỳ mà một số nhà xã hội học Mỹ cho rằng
sự thoái hóa của ý thức bổn phận công dân trong cao trào đòi dân quyền từ mọi
phía của dân Mỹ. Câu hỏi đặt ra từ số học giả này là, với đà này, liệu hiến
pháp Hoa Kỳ phải có những tu chính bao gồm những bổn phận công dân (Bill of
Duties) để cân bằng với tu chính quyền hạn (Bill of Rights). Nhìn lại lịch sử
Hoa Kỳ, sở dĩ hiến pháp Mỹ không nói đến Bill of Duties vì phạm trù bổn phận là
vấn đề đức hạnh công dân (civic virtue). Hiến pháp của Mỹ được kiến tạo để củng
cố nền tảng chính quyền liên bang khi mà xã hội công dân của người Mỹ đã có khả
năng tự quản. Hơn nữa, đức hạnh công dân, bao gồm ý thức trách nhiệm và bổn phận
đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia thuộc về lãnh vực tự giác và tự
nguyện. Nếu pháp chế hóa và cưỡng bách hóa phạm trù tự giác thì cái nền tảng đức
hạnh sẽ bị phá hủy. Cảm nhận của bổn phận, nếu pháp chế hóa và cưỡng bách hóa
phạm trù tự giác thì nền tảng đức hạnh sẽ trở nên một phản đề của tự do - như
Edmund Burke của Anh quốc viết sau cách mạng Pháp 1789 rằng nếu nhà nước cưỡng
chế bổn phận công dân thì công dân sẽ không còn là một hữu thể đức hạnh (“moral
being”) ý thức được thế đúng vào vai trò của mình đối với quốc gia và xã hội nữa.(170)
Hay nói theo Christopher P. Stone, Khoa trưởng Luật, Đại học Chicago thì, “cưỡng
bách bổn phận bằng luật pháp sẽ làm tàn lụn ý thức tự giác, tự phát của trách
nhiệm công dân.”(171) Nhưng thực tế thì sao? Mặc dù hiến pháp Hoa Kỳ không nêu
lên bổn phận công dân nhưng nó lại cho phép chính quyền làm luật, pháp chế hóa
và cưỡng bách nhiều trách nhiệm công dân như đóng thuế, quân dịch, chu cấp cho
phối ngẫu và con cái. Như thế thì dù thế nào đi nữa, quốc gia cũng phải cưỡng
chế trách nhiệm công dân. Vấn đề chỉ còn là mức độ và bản chất. Sự cưỡng chế
đòi hỏi quân bình đối với quyền hạn và nền tảng tự do cá nhân. Khẩu hiệu cách mạng
của dân Mỹ dưới thời còn thuộc địa Anh là sự chống đối bổn phận đóng thuế mà
không được đại diện. Do đó, công dân chấp nhận trách nhiệm đóng thuế trên những
điều kiện vừa phải, hợp lý, và dân chủ. Hiến pháp Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết
1936 liệt kê một số những bổn phận và trách nhiệm công dân như tuân chấp luật
pháp, kỷ luật lao động, chân thật chấp hành nhiệm vụ công cộng, chấp hành lề lối
và kỷ cương của cộng đồng xã hội (điều 129) bảo vệ tổ quốc (điều 133). Hiến
pháp này được tu chính vào năm 1977 với những điều khoản mới như điều 59: “Công
dân hành xử quyền hạn và tự do không thể tách rời khỏi sự thi hành nhiệm vụ và
trách nhiệm,” ngoài ra còn “phải chấp hành với tiêu chuẩn hành vi xã hội chủ
nghĩa...” Điều 59 này mang cái khuyết điểm nặng nhất: quyền hạn và tự do chỉ được
có như là sự ban phát và điều kiện hóa bởi bổn phận công dân. Đây là nguồn gốc
của căn bệnh độc tài vì nhà nước nhân dAnh quốc gia như là một thực thể tối
cao, tách rời, và ưu tiên hơn cá nhân để hành xử tập thể quốc dân như là một
khí cụ để phục vụ cái trừu tượng “quốc gia”, “tổ quốc” đó. Khuyết điểm kế tiếp
là sự công nhận một tiêu chuẩn “hành vi xã hội chủ nghĩa" nào đó để bắt buộc
dân chúng phải chấp hành. Đồng ý rằng tinh thần của điều 59 trên không có gì là
sai vì quyền hạn và bổn phận phải đi đôi với nhau nhưng khi hiến chế hóa hai phạm
trù công dân đó như là một "giấy phép tự do" hay là một điều kiện để
được đóng vai trò công dân thì hiến pháp mất đi cái nội dung mà quốc dân mong
muốn, ít nhất là trên quan niệm dân chủ Tây phương, rằng quốc gia là cơ chế để
phục vụ, là "kẻ đầy tớ" chứ không phải là "ông chủ" tối thượng
và tách biệt.
Một đề nghị cho vấn đề
này là hãy để một điều khoản hiến pháp tổng quát mang tinh thần trách nhiệm và
bổn phận công dân, ví dụ, "Quốc hội có quyền làm luật minh định bổn phận
và trách nhiệm công dân." Benjamin Barber của Đại học Rutgers của Hoa Kỳ đề
nghị, "Quyền hạn về sự sống (life), liberty (tự do), và mưu cầu hạnh phức
(pursuit of happiness) bắt buộc mỗi công dân tham dự vào tiến trình chính trị
dân chủ để bảo đảm được những quyền này,"(172) mà tiến trình chính trị dân
chủ này bao gồm bổn phận đóng thuế, quân dịch, bỏ phiếu.
Thế còn tình yêu nước
thì sao? Hiến pháp Liên Xô 1977 có minh định bổn phận gìn giữ tài sản quốc gia,
bảo vệ quyền lợi nhà nước, làm gia tăng quyền lực và danh dự của tổ quốc, bổn
phận quốc phòng (điều 61 và 62). Điều 62 cũng nhấn mạnh rằng phản quốc là tội lớn
nhất chống lại nhân dân. Barber, như vừa mới được đề cập ở trên, nhấn mạnh đến
lãnh vực bổn phận và trách nhiệm công dân. Gần đây, nạn ô nhiễm môi sinh đã gây
nên ý thức trách nhiệm công dân mới đó là bổn phận bảo vệ môi sinh, ý thức và cảnh
giác đến những mối nguy hại đến môi trường. Nhưng, tôi đồng ý với Barber rằng
đây là vấn đề thuộc phạm trù giáo huấn và hình luật hơn là cưỡng bách trách nhiệm.
Đối với các quôc gia, nhất
là dưới chế độ Cộng sản như trường hợp Việt Nam sau 1975, Hiến pháp Cộng Hòa Xã
Hội Chú Nghĩa Việt Nam 1980, chương V, điều 54 có minh định "quyền của
công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân," và "nhà nước bảo đảm
các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với nhà nước
và xã hội." Các nghĩa vụ bao gồm học tập, nuôi, dạy con cái, làm tròn nhiệm
vụ "lực lượng xung kích trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội
và bảo vệ tổ quốc..." (Điều 60, 64, 66) Đặc biệt là điều 66 khi được thi
hành trong các dự án tập thể, dù cần thiết, nhưng vì quá sức, bất công và vô
lý, đã tạo những mầm mống bất mãn lớn để đến nỗi từ năm 1983 về sau nhà nước Việt
Nam đã hủy bỏ hầu hết các chương trình nghĩa vụ lao động. Đồng ý rằng nhu cầu
lao động tái thiết quốc gia sau chiến tranh rất cao, nhất là Việt Nam khi quốc
gia không có ngân sách phát triển, thiếu kỹ thuật, dân chúng thì thụ động phản
kháng, ù lỳ, nhưng mọi việc đều phải đúng mức, và vừa phải. (Như trường hợp dự
án đập Trấm ở Quảng Trị từ 1977 đến 1980, dân chúng từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam phải
đi lao động, tự túc ăn uống, làm việc trong điều kiện bất nhân quá độ còn hơn
nô lệ.)
Thực sự, vấn đề thi hành
điều khoản của hiến pháp về nghĩa vụ công dân là cái chìa khóa của những thảm
trạng ở trên. Cái muốn nhấn mạnh ở đây là nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận công
dân trên căn bản hiến định nên mang tính chất giáo dục hơn là cưỡng bách, đặt nặng
vai trò ý thức, tư duy hơn là điều kiện hóa như là cái giá phải trả để làm công
dân. Tôi là công dân của một nước có nghĩa là chủ nhân của quốc gia. Tôi không
phải trả giá nghĩa vụ để được ban phát quyền hạn hay tự do. Đó là điểm chính.
NHỮNG NGUYÊN TẮC TU
CHÍNH HIẾN PHÁP
Một định chế và thủ tục
quy tắc tu chính hiến pháp phải được minh định rõ ràng trong hiến pháp. Quyền
tu chính phải được xem như là quyền lập hiến. Mô hình tu chính của Hoa Kỳ tôi
nghĩ là thích hợp khi đòi 3/4 phiếu của hai viện quổc hội và 38 trên 50 tiểu
bang phê chuẩn hay là một hội nghị tu chính hiến pháp. Như thế quần chúng có
quyền ảnh hưởng nhưng không bầu cử trực tiếp. Tu chính có thể được nhưng khó
khăn. Phải có một thời gian để cho một dự khoản tu chính thông qua, nếu không
thì dự khoản đó phải chết. Một thái cực khác của mô hình tham dự từ quần chúng
là hiến pháp tiểu bang California trong đó các dự khoản tu chính (proposition)
được đề nạp bởi một túc số chử ký của cử tri (petition) theo luật định để rồi cử
tri sẽ trực tiếp bỏ phiếu cho tu chính đó. Mô hình này đã tạo nên vấn đề lạm dụng
trầm trọng. Kỳ bầu cử 1990, ở California cử tri phải chọn hơn 20 dự khoản tu
chính khác nhau, phức tạp, mâu thuẫn. Dĩ nhiên là mô hình California không thể
chấp nhận được ở mức độ quốc gia.
Động cơ và tiến trình tu
chính hiến pháp mang bản chất chính trị nhưng hiến pháp chính nó phải quy định
những nguyên tắc và thủ tục tu chính. Những quy định này phải được dung hòa giữa
hai mục tiêu: [1] Hiến pháp phải mang tính lâu dài, ổn định, bền vứng để kiến tạo
căn bản niềm tin, ước vọng và tiên đoán trên cả hai phương diện chính trị và
pháp luật; nhưng [2] Hiến pháp phải đương đầu và quản trị được đổi thay và tiến
bộ. Nếu hiến pháp không thể tu chính được vì những điều kiện quy tắc quá khó
khăn, thì chính nền tảng chính thống hiến pháp đó bị đe dọa bởi đảo chánh, cách
mạng, bạo động. Nhưng hiến pháp không thể như là mộ bộ luật thông thường khác để
có thể đổi thay quá dễ dàng hay có thể bị xua đuổi theo làn sóng xúc động nhất
thời của chính quyền hay của quần chúng.
Đối với các quốc gia
chưa được trưởng thành về chính trị hiến pháp thì những điều khoản quy định quyền
lực và nhiệm kỳ của giới hành pháp thường bị sửa đổi liên tục vì nhiều lý do:
Thứ nhất là bản chất tham vọng quyền hành cố hữu của các nhà lãnh đạo hành
pháp. Thứ hai, vì sự khó khăn đương đầu với những chính sách quốc gia mà thường
đòi hỏi hành pháp có quyền hành cao hơn. Thứ ba, vì nhu cầu trật tự và ổn định,
vì sự thiếu tự tin vào khả năng cai quản của các thế lực và phân nhánh chính trị
khác và sự thiếu trưởng thành của cơ chế xã hội dân sự. Trong khi đó thì các điều
khoản quy định quyền hạn công dân thì lại bị lạm dụng, bỏ quên vì phía dân sự
và tư pháp thường thì bất lực, thụ động hay bị khống chế bởi hành pháp.
Đối với chính trị hiến
pháp, từ đó, năng động và quy chế tu chính cũng quan trọng như lập hiến vì đây
sự thể hiện sự mưu đạt quyền lực rõ rệt và chính thống nhất trong thể chế dân
chủ.
Ngoài ra, hiến pháp còn
phải quy định quyền hạn mà hành pháp có thể sử dụng để tuyên bố và cai trị trên
căn bản tình trạng "thiết quân luật" trong các tình trạng khẩn cấp quốc
gia, cho phép hành pháp đình hoãn tạm thời các phạm trù hiến pháp (bắt giữ, cấm
hội họp, biểu tình...) để thực thi một số biện pháp tối cần trong tình trạng
nguy ngập mà quốc gia phải đối đầu. Tuy nhiên, đây là quyền hạn dễ bị lạm dụng
để hành pháp "tung hỏa mù" nhằm vi phạm hiến pháp, đàn áp chính trị
cho tham vọng chính trị hạn hẹp. Do đó, điều khoản này phải được phác họa kỹ lưỡng
trên nguyên tắc cân bằng và kiểm soát hỗ tương mà quốc hội phải đóng vai trò tối
quan trọng.
VẤN ĐỀ CHÍNH THỐNG VÀ BIỆN
MINH QUYỀN HẠN CƯỠNG CHẾ
Quốc gia, khi nói đến
giá trị thiêng liêng của tình cảm cá nhân, đã được gán định một ngôi vị cao cả.
Như người Việt thường nêu lên một khuôn mặt tôn giáo khi dùng những chữ "hồn
thiêng sông núi", "tổ quốc". Từ đó, quốc gia được mang vai trò
chính thống để kiến tạo những định chế quyền hành và quyền hạn cưỡng chế đối với
xã hội và cá nhân một cách tự nhiên, không bị chất vấn. Người dân phải có lúc
phải hỏi tại sao tôi bị cưỡng bách làm điều này hay bị đe dọa bị trừng phạt nếu
tôi không làm điều kia. Khi đặt câu hỏi là lúc cá nhân, với tư cách công dân,
mang pháp nhân là một ông chủ của cơ chế quốc gia, nhận lại vị trí đúng của
mình. Quốc gia, khi đã lột hết những huyền thoại lịch sử, những mầu sắc thiêng
liêng huyền bí, thì chỉ là một cơ chế pháp luật, một công ty, mà công dân là một
chủ nhân cổ phần, sử dụng quốc gia như là một khí cụ để thỏa mãn những nhu cầu
hiện hữu của mình mà thôi. Đây là ý thức căn bản và quan trọng nhất của công
dân trên việc phát triển hai phạm trù tư duy của quyền hạn và bổn phận. Từ đó
chính thống của luật pháp là sự tự chủ, tự quản mà tập thể quốc dân nắm được
cái giềng mối của ý chí và lý trí để phục vụ chính mình. Tôn trọng luật pháp
chính là sự tự trọng chính mình cũng như nhửng tương quan cần thiết giữa chính
mình và quốic gia.
Đối với quyền hạn cưỡng
chế cũng vậy. Không ai có quyền nắm giữ, hay sở hữu, cái quyền hạn cưỡng chế cả.
Nó là sự liên hệ giữa cá nhân và tập thể. Nó là bản chất của luật pháp mà quốc
dân tự giới hạn chính mình. Luật pháp đóng vai trò như một cơ chế lương tâm đối
với đời sống nội tại cá nhân cai quản được hành vi để thực hiện được một hiện hữu
thỏa mãn được những nhu cầu vật chất và tinh thần. Lòng yêu "Tổ quốc"
chính là tình vị kỷ - yêu chính mình. "Tổ quốc" như là một Thượng đế
đối với tình cảm nơi chốn và tập thể mà luật pháp là những điều luật, những
"thánh lệnh" của đời sống nội tâm tự giác, tự ý thức, tự xuất phát được
thể hiện ra thành một hệ thống định chế và văn kiện tự chế mình. Nhưng vấn đề
phải được nhìn dưới những hiện trạng thực tế: Xã hội là một tập thể đầy tranh
chấp vì cá nhân là những đơn vị khác biệt. Thêm vào đó, tất cả, từ cá nhân đến
tập thể, đều phải đương đầu với chuyển động và đổi thay. Bởi thế dù luật pháp có
được kiến tạo và thực thi trong một quốc gia có tiến trình chính trị dân chủ
cao và tiến bộ vẫn còn có hiện tượng vong thân pháp lý - luật pháp không thể hiện
được ý chí và nhu cầu của cá nhân. Cá nhân vẫn chấp hành luật pháp ở khắp mọi
nơi hoàn toàn không vì tự trọng hay kính nể luật pháp mà vì sợ sự trừng phạt của
luật pháp. Nhưng chính sự sợ trừng phạt cũng là một phần của tinh thần chấp nhận
giá trị cưỡng chế của luật pháp quốc gia. Cá nhân chính trực và vừa phải ở một
quốc gia và thời điểm nào đó đều công nhận rằng dù mình không chấp nhận được một
điều luật hay một bộ luật; tuy nhiên, không có cá nhân nào đều có thể không đồng
ý với hoàn toàn tất cả các luật lệ của xứ sở họ. Vấn đề chỉ là mức độ. Nếu một
công dân công nhận và chấp nhận vai trò luật pháp và phần lớn những điều lệ và
tinh thần của nó thì nền tảng biện minh cưỡng chế đã được thiết kế.
Từ một góc độ khác, biện
minh quyền hạn của luật pháp không phải chỉ thể hiện từ chính trị dân chủ.
Chúng ta đều biết rằng dân chủ chỉ là một định hướng lý tưởng chính trị để đạt
đến chứ không phải là một thực tế đã được định vị. Ngay cả ở những quốc gia Tây
Âu tiền tiến, quyền lực vẫn là một mục tiêu chính trị mà trong đó không có một
thực thể đa Số quốc dân nào nắm được cả. Vấn đề giai cấp, chủng tộc, quyền lợi
kinh tế, địa phương, trình độ vẫn là những yếu tố quan trọng hơn là tổng số cử
tri và tiến trình bầu cử. Câu hỏi, do đó, phải được nêu lên: Nếu trong một quốc
gia thiếu dân chủ, ví dụ bị cai trị bởi một chính quyền độc đoán (authoritarian
regime), luật pháp là sự thể hiện ý chí của vị lãnh tụ và khối hành pháp của
ông, thì biện minh quyền hạn của luật pháp sẽ được nhìn như thế nào?
Dầu sao dân chủ vẫn còn
là một thực tế chính trị mới mẻ, chưa được thể hiện tốt đẹp và chỉ có một thiểu
số quốc gia theo nó mà thôi. Từ đó, câu trả lời đầu tiên là, chính thể dân chủ
có thể có khả năng cung cấp giá trị biện minh của luật pháp cao và hiệu năng;
nhưng không vì thế mà kết luận rằng chỉ có chính trị dân chủ mới có được biện
minh cưỡng chế cho luật pháp. Chính trị cả ngàn năm nay ở Á Đông vẫn mang đủ biện
minh quyền lực cưỡng chế mà không cần dân chủ. Nếu tập thể quốc dân chấp nhận
chính thống của chính quyền, vị lãnh đạo (“thiên tử”), thì sự chấp nhận ấy là sự
đồng thuận. Mặc dầu sự đồng thuận này không tích cực nhưng đối với quốc dân Á
Đông trong các triều đại quân chủ, sự thụ động chấp nhận vẫn thường đi đôi với
sự thiếu vắng của năng động ước vọng chính trị. Ngay cả các phong trào cách mạng
lớn như "Phản Thanh Phục Minh" ở Trung Hoa ở cuối thế kỷ XIX, như
"Cần Vương" ở Việt Nam đầu bán thế kỷ XX đều không nhằm đáp ứng ước vọng
nào ngoài thiết lập lại cái nền tảng biện minh quyền lực của một cơ chế chính
trị độc tài chuyên chế chứ họ không vì một lý tưởng dân chủ. Cho nên, nếu một
cơ chế chính trị dù thiếu dân chủ, dù độc tài nhưng nếu thỏa mãn được những nhu
cầu hiện hữu của quốc dân về vật chất củng như về tinh thần trong bối cảnh thiếu
vắng một năng động vước vọng đi đôi với trật tự chính trị đó thì giá trị biện
minh lãnh đạo và quyền lực của cơ chế đó đã được chấp nhận. Trường hợp ở
Singapore, Đài Loan và Nam Hàn trong khoảng từ 1960-1990 đã cho thấy thực tế
này. Nhưng các quốc gia trên sẽ không thể kéo dài chính trị thiếu dân chủ được
khi mà cao trào và năng động ước vọng dân chủ đang dần dần lên cao từ phía các
quốc dân trên. Trường hợp chuyển mình ở Nam Việt Nam vào những năm đầu của thập
niên 1960-1970 và ở Nam Hàn vào thập niên 1980-1990 đã cho thây điêều đó.
Vấn đề lãnh đạo, nhất là
trên viễn kiến chính trị và luật pháp là hòa giải được thực tế cần thiết của
nhu cầu quốc gia đối với năng động ước vọng của quần chúng về ý thức dân chủ.
Không ai có thể ngăn cản được cao trào dân chủ ở thời đại này. Cái khó là chủ động
được năng lực quốc dân theo trình độ ý thức cũng như mức độ đời sống kinh tế.
Đây là một tiến trình chuyển hoá từ ưu tiên xã hội này đến ưu tiên xã hội khác.
John Rawls, củng trong cuốn A Theory of Justice (Một Lý Thuyết Vê Công
Lý), cho rằng trong hoàn cảnh kinh tế và đời sống vật chất khó khăn, ưu
tiên kinh tế đi trước ưu tiên tinh thần. Ông nói, nếu khi điều kiện đời sống vật
chất đã được phát triển khả quan, đòi hỏi về tự do và chính trị sẽ đi lên và vượt
qua ưu tiên vật chất.(173) Đây có lẽ là một điều kiện không mới lạ gì mà Đài
Loan, Singapore và Nam Hàn đã áp dụng, ở các quốc gia này, luật pháp vẫn được
tôn trọng và đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế quốc gia.
Sự thành công về kinh tế trong việc nâng cao đời sống vật chất của công dân đã
tạo nền tảng biện minh quyền hành và cưỡng bách cho cơ chế luật pháp ở các quốc
gia trên mặc dù cơ chế chính trị làm luật không thể hiện được tính dân chủ hiện
đại.
Tính chính thống của luật
pháp ở các quốc gia quân chủ và độc tài đặt căn bản trên sự chấp nhận của quốc
dân đối với vai trò và vị thế của vương quyền và lãnh đạo. Ở đó, ý chí quốc dân
là ý chí của vị lãnh đạo. Vị lãnh đạo đại diện và thể hiện ý chí tập thể xã hội
qua chính mình. Đây là điều mà Hegel ngụ ý rằng ở Á Đông, chỉ có một người là
được tự do; còn ở Tây phương mọi công dân đều được tự do. Ở Á Đông, chỉ có vị
vua là có tự do ý lực và kiến tạo luật pháp, thiết lập định chế hỗ tương cho
chính quyền và xã hội theo ý mính.(174) Ở Tây phương trong các quốc gia dân chủ,
mọi công dân đều có khả năng và có quyền ảnh hưởng đến việc trên. Á Đông, dưới
chế độ quân chủ chuyên quyền, nắm đầu dây đầu tiên của sự chuyển mình của ý thức
dân quyền, vẫn theo Hegel, còn Tây phương và chính trị dân chủ là đầu dây kia,
đại diện cho sự trưởng thành của ý thức đó trong dòng chuyển động của lịch sử để
tinh thần tạo hóa (Geist) (Đạo) hiện thực được ý lực tự do.(175)
Đầu mối của chính thống
không phải là hình thức cơ chế nhưng là trình độ ý thức của dân chúng. Trật tự
của xã hội Á Đông mang bản chất gia đình. Trong suốt gần thế kỷ qua, dân chúng
bắt đầu lớn dậy, ý thức được quyền hạn của mình qua sự ảnh hưởng của làn sóng
văn hóa chính trị Tây phương. Dân chúng Á Đông bắt đầu chất vấn cái trật tự sẵn
có và bắt đầu hành xử sự độc lập cá nhân để tìm lối thoát cho chính mình. Đời sống
chính trị quốc gia từ đó bắt đầu xáo động. Chính quyền thì chưa chấp nhận cũng
như không tương kính "con cái" nhân dân vừa "mới lớn, chưa trưởng
thành", "hỗn hào". Dân chúng thì muốn được quyền thật nhanh. Xung
đột và mâu thuẫn nãy sinh. Đây là nguồn gốc của những thảm họa chung cho Á Đông
khi mà chính trị dân chủ đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu và toàn diện, phi
không gian và vượt qua bản sắc văn hóa cũng như biên giới dân tộc.
Khi công dân bắt đầu đặt
câu hỏi về chính thống tính của lãnh đạo là lúc khởi đầu cái ý thức tự giác đối
với bổn phận luật pháp. Bởi vì nếu vương quyền quân chủ đã mất đi chiếc áo
"thiên tử' thì ai sẽ nhận lấy cái vị thế chủ quyền? Nếu quốc dân chưa có
khả năng để tự làm chủ chính mình thì chính trị chưa thể ổn định nếu cơ chế dân
chủ bị gán đặt quá vội vàng, quá tiến bộ. Giai đoạn chuyển mình đòi hỏi một bản
chất chính trị chuyển tiếp. Trách nhiệm của lãnh đạo trong giai đoạn này là khó
khăn nhất. Nó bao gồm cái khả năng duy trì thế chính thống của chính trị nửa
dân chủ, nửa độc tài đồng thời cân bằng được những khối năng động xã hội vừa ý
thức được tham vọng của mình và bất mãn với hiện trạng. Luật pháp, từ đó, đóng
vai trò tối quan trọng không những ở phạm trù cưỡng chế; nhưng quan trọng nhất
là chức năng giáo hóa quần chúng. Luật pháp phải duy trì được một khoảng trống
vừa phải để tiến trình chuyển hóa có thể đi nhanh và hoàn tất sớm. Plato của Hi
Lạp mấy ngàn năm trước đã nhấn mạnh đến vai trò của luật pháp, "Tốt nhất
là mọi cá nhân đều được quản trị bởi ý thức nội tại của chính mình. Nhựng nếu
điều đó chưa đạt được thì, một tiêu chuẩn ngoại tại phải được thiết lập và cưỡng
bách để hướng dẫn họ hòng tạo được sự đồng nhất và quân bằng cho xã hội.”(176)
Đây chính là chủ đích của luật pháp nhằm hỗ trợ cá nhân cũng như chính quyền nhằm
bồi đắp những công dân như nuôi nấng con cái mà con cái không được tự do cho đến
khi tự mỗi người là một công dân có khả năng cai trị bằng ý thức.” Abrabam
Lincoln của Hoa Kỳ ở thế kỷ trước cũng nhấn mạnh đến cái tiến trình “nội dung
hoá” những giá trị mà hiến pháp đã đặt ra. Tiến trình này là mục tiêu quan trọng
và cao cả nhất cho chính trị lãnh đạo.(177)
Cách mấy thế kỷ trước
Tây lịch, ở Trung Hoa, Khổng Tử đã nhấn mạnh đến niềm tin vào chính thống tính
của lãnh đạo. Khổng Tử đặt bốn vai trò quan trọng nhất cho nhà nước: (1) an
ninh, (2) phát triển, (3) an sinh và (4) ổn định quốc dân. Khổng Tử đặt tầm
quan trọng cao nhất ở vấn đế ổn định quốc dân khi một đệ tử hỏi, “Dân phải có đủ
để ăn; quốc gia phải có quân đội đủ mạnh; và chính trị phải nuôi được niềm tin ở
quốc dân.” Được hỏi tiếp nếu phải bỏ đi một thứ trên, Khổng Tử sẩn sàng bỏ quân
đội. Còn hai thứ - thực phẩm và niềm tin - Khổng Tử nói, “Ta nghĩ rằng dân có
thể thiếu ăn vì lúc nào cũng có đói kém, khó khăn; nhưng quốc gia không thể tồn
tại nếu dân chúng mất niềm tin vào lãnh đạo”(178) Cái niềm tin mà Khổng Tử nói
đến là tính chính thống của chính quyền và biện minh cưỡng chế của luật pháp.
Luật pháp là kết quả của những mâu thuẫn và xung đột trường cửu giữa cá nhân và
chính quyền. Nó là guồng máy tự quản, tự chế cho tập thể công dân đứng trước những
năng động ước vọng về kinh tế và tinh thần. Luật pháp còn tượng trưng cho nỗ lực
tự hướng dẫn của lương tâm và lý trí quốc dân. Nó là hoa quả của văn hóa, của lịch
sử; đồng thời, nó là hạt giống quyết định bản sắc của thế hệ kế tiếp.
(Trích Dân Chủ
Pháp Trị: Luật Pháp, Công Lý, Tự Do và Trật Tự Xã Hội)
Nguồn:
https://www.danluan.org/tin-tuc/20130301/nguyen-huu-liem-nhung-nguyen-tac-hien-phap-2