Lí và nghịch lí của dân chủ

Posted on
  • Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Bàn Tân Định
    Có một thời, người ta từng tin rằng Thế chiến thứ nhất sẽ là một cuộc chiến để chấm dứt tất cả các cuộc chiến ('the war to end all wars'), và cuộc chiến sẽ làm cho các nền dân chủ ổn định hơn.  Theo một quan điểm lạc quan tương tự, Franklin D. Roosevelt, cựu Tổng thổng Mỹ, cũng ví von rằng Thế chiến thứ hai sẽ là con thuyền đưa thế giới đến bến bờ dân chủ; sẽ chấm dứt những hành động đơn phương, những liên minh riêng biệt (theo bè nhóm); và sẽ làm cho các thế lực thế giới trở nên cân đối hơn [1].
    Nhưng những tiên đoán, những kỳ vọng trên đều không trở thành sự thật, hay có trở thành, nhưng không hoàn toàn như người ta mong muốn.  Thay vì những viễn ảnh tốt đẹp mà các nhà lãnh đạo chính trị thế giới phát họa ra, người ta thấy Thế chiến thứ nhất sản sinh ra chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa fascist, và làm đảo ngược quá trình dân chủ hóa hàng thế kỷ trước đây.  Thế chiến thứ hai cho ra đời chiến tranh lạnh trên một bình diện toàn cầu.
    Ngày nay, cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, và theo sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản ở Đông Âu và Liên Xô cũ, người ta lại lạc quan cho rằng một làn sóng dân chủ sẽ xảy ra trên thế giới.  Có người còn lạc quan tuyên bố rằng lịch sử đã đến thời kỳ kết cuộc, rằng "Quá trình tiến hóa về ý thức hệ và phổ cập hóa tự do dân chủ Tây phương là hình thức chính phủ cuối cùng của nhân loại" [2].  Trong những năm giữa đến cuối thập niên 80s, người ta tiên đoán rằng một làn sóng dân chủ sẽ lan tràn sang các quốc gia Châu Mỹ Latin, Châu Á, và cả Trung Đông.  Có người còn đi xa hơn, tiên đoán rằng chế độ cộng sản ở Việt Nam sẽ sụp đổ, và Việt Nam sẽ trở thành một nước dân chủ.  Nhưng những gì xảy ra trong thực tế trong thời gian qua và gần đây cho thấy đó chỉ là những ảo tưởng, những lạc quan tếu.  Thay vào một cuộc xung đột dựa vào ý thức hệ như thời chiến tranh lạnh, ngày nay thế giới đang lâm vào nhiều cuộc xung đột giữa các sắc tộc mà văn hóa và văn minh là lằn ranh chia rẻ giữa các dân tộc này.  Thay vào một thế giới lưỡng cực (với hai thế lực siêu cường như ngày xưa), ngày nay người ta thấy một thế giới đa cực, mỗi vùng chịu ảnh hưởng của một thế lực chính trị và quân sự.  Thành ra, trong cái thế giới bi quan này, chúng ta thử xét lại quá trình và vai trò của dân chủ trong việc giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới. 
    Trong chiều hướng này, cuốn sách bàn luận về dân chủ của Samuel P. Huntington, "The third wave: democratization in the late twentieth century," rất đáng được đọc và tham khảo [3].  Nói đến Huntington, người ta nghĩ ngay đến một nhà khoa học chính trị hàng đầu trong thế kỷ 20, tác giả của một số bài chính trị luận và sách gây ra tranh cãi sôi nổi trên trường quốc tế, kể cả quyển "The clash of civilizations" mà người viết bài này đã có lần giới thiệu.  Huntington là giáo sư chính trị học thuộc Trường Đại học Harvard (Mỹ), và đồng thời là cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược John M. Olin.  Ngoài sự nghiệp khoa bảng, Huntington còn phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council) dưới quyền của một đồng nghiệp cũ là Zbigniew Brzezinski, trong Chính phủ của Tổng thống Jimmy Carter.  Huntington còn là thầy cũ của nhiều nhà nghiên cứu chính trị học và quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, kể cả Giáo sư Francis Fukuyama, tác giả của cuốn sách chính trị luận nổi tiếng, "The end of history and the last man".  Do đó, thiết tưởng những gì Huntington bàn luận cũng đáng để chúng ta để ý đến.
    Trong quyển sách quan trọng này, Huntington nghiên cứu quá trình chuyển tiếp từ các chế độ phi dân chủ sang chế độ dân chủ của 35 quốc gia chủ yếu ở Châu Mỹ Latin và Châu Á trong thập niên 1970s và 1980s.  Theo phân tích của Huntington, có ba làn sóng dân chủ xảy ra trong lịch sử cận đại: làn sóng thứ nhất xảy ra vào thời kỳ 1828 - 1926; làn sóng thứ hai từ 1943 - 1962; và làn sóng thứ ba xảy ra từ thập niên 1970s trở đi.  Qua phân tích này, Huntington ghi nhận một số điều kiện cần và đủ để cho các nước phi dân chủ có thể chuyển thành dân chủ.  Ngoài ra, theo cách làm việc tiêu biểu của Mỹ, tác giả còn nêu lên một số cơ hội và đe dọa cho các nền dân chủ mới.  Bài viết này sẽ tóm lược một số ý chính trong quyển sách và một số nhận xét cá nhân. 
    Các nhà lí thuyết về dân chủ học trên thế giới vẫn còn đang tranh luận gay gắt một vấn đề căn bản: môi trường nào là thuận lợi nhất cho quá trình dân chủ hóa?  Có hai trường phái trong câu trả lời: "thủ công" và "tiền đề".  Nhóm theo trường phái Thủ công lí giải rằng dân chủ hóa chủ yếu là một sản phẩm của lãnh đạo chính trị.  Tức là, dân chủ chỉ hình thành khi có người lãnh đạo có ý chí và quyết tâm làm một cuộc cách mạng chính trị cho dân chủ.  Những nhà lí thuyết theo trường phái Tiền đề thì khẳng định rằng một số điều kiện kinh tế, văn hóa, và xã hội là những tiền đề cần thiết cho sự thành công của quá trình dân chủ hóa, nhưng họ chưa liệt kê cụ thể những điều kiện này là gì.  Tuy nhiên, rõ ràng, cả hai thuyết thủ công và tiền đề, nhất là các điều kiện kinh tế, đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình dân chủ hóa.  Những nguyên tố căn bản bao gồm: một nền kinh tế phát triển tương đối cao, và sự phổ biến của những cái mà chúng ta có thể tạm gọi là giá trị văn hóa Tây phương, kể cả Ki-tô giáo. 
    Hiện nay, hầu như tất cả các nước không sản xuất dầu, có thu nhập cao (ngoại trừ Singapore), đều là những nước theo thể chế dân chủ.  Tương tự, tất cả các nước Tây phương, hay chịu ảnh hưởng của Tây phương (với trường hợp ngoại lệ của Cuba), đều là các nước đã dân chủ hóa.  Ngược lại, các nước phi dân chủ hiện nay là những nước mà điều kiện thích hợp cho dân chủ hóa còn thấp.  Điều này không có nghĩa rằng hai điều kiện này (kinh tế khá và văn hóa Tây phương) là những điều kiện tiên quyết cho dân chủ hóa.  Ấn Độ là một ví dụ: kinh tế không phát triển cao, và không phải là xã hội Ki-tô giáo.  Hầu hết các nước phi dân chủ còn lại đều hoặc là nghèo, hoặc có văn hóa phi-Tây phương, hoặc cả hai.  Dân chủ hóa ở các nước này không phải là không có thể xảy ra, nhưng khả năng xảy ra thì rất kém.  Thêm vào đó là các nước phi Tây phương đang trải qua một quá trình văn hóa về nguồn, đang định hình bản sắc dân tộc trong thế giới mới.  Và trong quá trình này, họ càng ngày càng kháng cự lại những giá trị văn hóa mà các nước Tây phương đang muốn xuất khẩu.
    Phát triển kinh tế có thể làm thay đổi văn hóa một quốc gia, và tạo một cái đà quan trọng cho dân chủ hóa.  Nếu giả thiết này đúng, nó sẽ có ảnh hưởng đến các xã hội Hồi giáo, Phật giáo, Chính thống giáo, và Khổng giáo.  Nhưng ngoại trừ Đông Á (nơi mà nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh), các vùng khác còn lại trên thế giới đều có mức độ phát triển thấp và tụt hậu.  Kinh nghiệm về quá trình chuyển tiếp sang thể chế dân chủ ở các nước Châu Mỹ Latin cho thấy quá trình dân chủ hóa ở các nước có văn hóa phi Tây phương sẽ gặp nhiều trở ngại hơn và khó khăn hơn là người ta lạc quan.
    Lịch sử luôn mở ra hai biện chứng đối nghịch theo định luật Newton: bất cứ một phong trào chính trị nào sau khi được phát triển lại lâm vào tình trạng bị mất đà và sản sinh ra một lực lượng đối nghịch.  Mỗi làn sóng dân chủ trong thế kỷ 20 đều được theo sau bằng một làn sóng phản dân chủ, mà trong đó, một số (không phải tất cả) nền dân chủ mới quay trở lại thể chế độc đoán (authoritarianism).  Có vài bằng chứng cho thấy các nước "trở cờ" này có thể tập hợp lực lượng và làm xói mòn làn sóng dân chủ trong thế kỷ 21.  Có thể nói không ngoa rằng sự mở rộng thể chế dân chủ trên thế giới kể từ năm 1974 là nhờ vào những can thiệp quân sự, mà trong đó với các nước dân chủ "giải phóng" các nước không dân chủ bằng chiến tranh.  (Như Mỹ dùng vũ lực áp đặt nền dân chủ lên Panama chẳng hạn).  Và cũng như trong chiến tranh, một khi lực lượng quân đội tiến quá nhanh, quá xa, thì lực lượng bị trải mỏng, do đó sẽ có nguy cơ bị tấn công ngược lại.  Một số nhà lí luận dân chủ đang lo ngại rằng một xu hướng như thế đang xảy ra trong làn sóng dân chủ trong thế kỷ 21.
    Vài vấn đề của dân chủ hóa
    Nếu lịch sử là một bài học thì một điều không còn nghi ngờ gì nữa là trong những năm sắp đến, càng có nhiều nước sẽ trở thành dân chủ.  Những nước đã dân chủ hóa sẽ đóng vai trò quảng bá dân chủ và nhân quyền, và yểm trợ thành phần dân chủ ở những nước còn dựa vào chuyên chế chính trị.  Tuy nhiên, trong thời gian hiện tại, thì các nước dân chủ cần phải yểm trợ để củng cố những nước mà dân chủ hóa mới đã vừa hình thành.  Một quan điểm mà các lí thuyết gia về chính trị quốc tế thường bày tỏ là không nên xây dựng thêm các nền dân chủ mới, mà cần phải dành ưu tiên cho việc hoàn tất và chuyển tiếp dân chủ ở các nước mà quá trình dân chủ hóa đang tiến hành, đặc biệt là ở Nga, Ukraine, Nam Phi, và Mễ Tây Cơ.
    Những khó khăn mà các nền dân chủ mới gặp phải bao gồm vấn đề thừa hưởng những trở ngại do chế độ chuyên quyền để lại, cũng như những vấn đề cá biệt của các xã hội đang trong quá trình dân chủ hóa.  Thể chế dân chủ là một giải pháp cho vấn đề bạo quyền, nhưng quá trình dân chủ hóa tự nó có thể tạo nên hay làm cho trầm trọng hơn những vấn đề khác mà thể chế dân chủ phải vật lộn với.  Có ba vấn đề chính:
    Thứ nhất là vấn đề bầu cử.  Trong bầu cử, người làm chính trị phải cạnh tranh để kiếm lá phiếu, và cách thức dễ dàng nhất để kiếm phiếu là kêu gọi và tranh thủ sự ủng hộ của người cùng sắc tộc, cùng tôn giáo, hay cùng quê hương.  Dân chủ hóa, do đó, [một cách gián tiếp] khuyến khích chủ nghĩa công xã và xung đột dân tộc. Tuy nhiên cũng có nơi, người ta có qui định để tối thiểu hóa những xung đột như thế.  Chẳng hạn như ở Nam Phi, lãnh tụ các đảng chính trị lớn đồng ý trước với nhau về những qui định về kết quả của bầu cử.  Kết quả là một sự chuyển tiếp từ chế độ Apartheid sang dân chủ một cách hòa bình, nhưng trường hợp Nam Phi chưa hẳn là một ví dụ tốt về quá trình dân chủ hóa.  Ở các nước thuộc khối Liên Xô cũ và Nam Tư, ngược lại, lần bầu cử đầu tiên đem lại quyền lực cho các đảng phái theo chủ nghĩa quốc gia, và gần như làm tan rã các nước này.  Tương tự, ở Bosnia, cử tri làm ngơ bỏ qua các đảng phái đa tôn giáo: người Serbs bầu cho các đảng phái của họ; người Croats bầu cho đảng phái người Croats; người theo Hồi giáo dồn phiếu cho các ứng cử viên thuộc đảng phái Hồi giáo.  Người cử tri tự nhận dạng qua gia đình, tín ngưỡng, huyết thống.  Do đó, ngoại trừ trường hợp mà luật lệ bầu cử được soạn thảo kỹ càng, các chính trị gia không có lựa chọn nào khác là phải ?về nguồn? để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng.  Ở các nước phi Tây phương, quá trình dân chủ hóa còn cho ra đời một nghịch lí dân chủ: nó tạo cơ hội cho các nhóm theo chủ nghĩa quốc gia và tôn giáo trở thành chống Tây phương và phản dân chủ.
    Thứ hai là dân chủ có thể gây ra chiến tranh xuyên quốc gia.  Trong một nghiên cứu mới đây, hai nhà chính trị học Mỹ trình bày dữ kiện cho thấy trong giai đoạn chuyển tiếp sang thể chế dân chủ, nhà nước có khuynh hướng trở nên hung hăng, thích gây hấn và dễ gây chiến tranh.  Các nước như Nga làm một bước nhảy vọt từ chế độ chuyên quyền sang chế độ dân chủ có xác suất gây chiến gấp hai lần các nước còn trong chế độ chuyên chế [4,5].  Xu hướng gây chiến này trong các nền dân chủ mới xuất phát từ ý muốn lôi cuốn sự ủng hộ của cộng đồng sắc tộc mà các chính trị gia được bầu lên.
    Thứ ba là trong quá trình dân chủ hóa, những qui chế hành động do nhà nước áp đặt cho quần chúng được tháo gỡ, và vì thế sẽ tạo nên tình trạng nhập nhằng, không rõ ràng, các tiêu chuẩn và giá trị đạo đức sẽ trở nên lẫn lộn.  Dân chủ hóa cũng là quá trình làm cho quyền lực của nhà nước yếu đi, và vì thế quyền lực của nhà nước sẽ bị chất vấn, và có thể gây nên một tình trạng phi luân lí, và môi trường "laisser-faire" (để mặc do tư nhân điều hành).  Do đó, người ta không ngạc nhiên khi thấy quá trình dân chủ hóa cũng đồng thời sản sinh ra những hiện tượng xã hội tiêu cực như tội phạm, ma túy, và ngay cả phân tán nền tảng gia đình, và thậm chí hỗn loạn.
    Những vấn đề xung đột dân tộc, chiến tranh, và tình trạng suy đồi đạo đức xã hội, một phần lớn, xuất phát từ quá trình dân chủ hóa, nhưng một phần khác cũng do thể chế dân chủ mới phải thừa hưởng những ?tàn dư? của chế độ chuyên quyền trước đây.  Trong khi phải đương đầu với những vấn đề trên đây, các thể chế dân chủ mới còn phải đối đầu với vài đe dọa trong việc duy trì nền dân chủ.
    Trong thập niên 1960s và 1970s, làn sóng dân chủ thứ hai bị đe dọa từ hệ thống chính trị phía ngoài.  Ở một vài nước, phong trào Marxist - Leninist nổi dậy từ thành phần ở nông thôn gây đe dọa cho sự sống còn của nền dân chủ.  Những can thiệp quân sự lật đỗ các chế độ dân chủ ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Hàn, Pakistan, và một số nước ở Châu Mỹ Latin.  Những đe dọa này phản ánh tình trạng kém phát triển kinh tế ở các nước này.  Ở những nước này, số lượng dân sống ở nông thôn vẫn còn chiếm đa số, và nông thôn là địa bàn lí tưởng cho các phong trào cách mạng; ngược lại, thành phần trung lưu và trí thức vẫn còn yếu / nhỏ cảm thấy bị đe dọa, và trong trường hợp này, họ đồng ý cho thành phần quân sự lên nắm chính quyền. 
    Phần lớn những nước dân chủ hóa có nền kinh tế phát triển cao.  Chẳng hạn như năm 1965, ở Châu Mỹ Latin, 70% dân số sống ở nông thôn và 70% dân số mù chữ; ngày nay, con số đó đảo ngược: tỷ lệ đô thị hóa đã lên đến 70% và tỷ lệ dân chúng biết đọc biết viết lên đến 70%.  Trong tình hình này, sự đe dọa cho nền dân chủ ở thành thị với dân trí tương đối khá không phải xuất phát từ nông dân mà cũng chẳng phải từ nhóm quân đội, vì các nhóm này không còn chiếm đa số trong xã hội. Lịch sử dân chủ cho thấy những cuộc đảo chính thành công chỉ xảy ra ở những nước dân chủ có thu nhập thấp hay cực kỳ thấp, như Sudan, Nigeria, Haiti, v.v..  Các nhà chính trị học từng làm nhiều tính toán và cho thấy ở các nước có thu nhập bình quân đầu người từ $1000 đến $3000, đảo chính thường xảy ra và thành công; ngược lại, ở các nước có thu nhập trên $3000, đảo chính ít khi nào xảy ra, và khi xảy ra, cũng ít thành công [6].  Ngoài ra, những cuộc đảo chính chống lại dân chủ thường do các sĩ quân đội cấp tá với trình độ học vấn tương đối thấp , hơn là các tướng lãnh, lãnh đạo và chủ trương.  Nói chung, giới sĩ quan cao cấp, có trình độ học vấn khá nhận ra rằng can thiệp bằng quân sự không phải là giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề dân chủ.
    Nguy cơ mới
    Mối đe dọa cho các nền dân chủ trong thế kỷ 21 sẽ không xuất phát từ giới tướng lãnh cao cấp hay giới làm cách mạng, nhưng có thể xuất phát từ những người trực tiếp tham gia vào quá trình dân chủ hóa.  Những người có tiềm năng đe dọa này là các lãnh tụ chính trị đã thắng cử, nắm chính quyền, rồi thao túng các cơ chế dân chủ để cướp đi hay tiêu diệt nền dân chủ.  Trong quá khứ, khi một nền dân chủ sụp đổ do đảo chính hay cách mạng, sự chuyển tiếp sang một chế độ chuyên quyền thường ngắn và bi thảm.  Với làn sóng dân chủ thứ ba, vấn đề không phải là đảo chính, mà là sự xói mòn: sự suy yếu dần dần của nền dân chủ mà "tác giả" là những người được bầu lên lãnh đạo.
    Những đe dọa này thường xảy ra ở nhiều dạng.  Một là dưới dạng "khứ hồi đỏ", tức là những người cộng sản phục hồi quyền lực qua bầu cử dân chủ.  Hiện tượng này đã xảy ra ở Đông Âu và các nước trong liên bang Xô-viết cũ.  Thực vậy, ngoại trừ Tiệp, phần lớn chính quyền trong các nước khác trong khối này thường do các đảng viên đảng cộng sản, hay nguyên là lãnh đạo dưới thời cộng sản, cầm đầu.  Ở vài nước, các đảng cộng sản thường tái xuất hiện dưới những cái tên mang tính dân tộc, ái quốc, và chiếm đa số phiếu trong các kỳ bầu cử.  Tuy nhiên, điều khích lệ là hầu như những người cộng sản (hay từng là cộng sản) chấp nhận và tuân thủ theo các luật chơi dân chủ, và chính sách kinh tế của họ thường đặt nặng vào tự do thị trường và an sinh xã hội, tức là không theo loại hình kinh tế tập trung như thời xã hội chủ nghĩa.  Có thể tiên đoán rằng hiện tượng khứ hồi đo có thể, một lúc nào đó, trở nên một mối đe dọa cho các nền dân chủ trong các nước cộng sản cũ, như trường hợp ở Slovakia hiện nay, khi mà cộng sản bị mất chính quyền qua bầu cử, nhưng sau này lại quay trở lại nắm chính quyền cũng qua bầu cử dân chủ.  Nhưng hiện tượng này cũng có thể là dấu hiệu cho thấy những người cộng sản có khả năng chính trị vượt lên trên ý thức hệ chuyên quyền để trở thành những người dân chủ thật sự.
    Tiềm năng đe dọa thứ hai là những đảng phái được đắc cử nhờ vào đường lối hay ý thức hệ phản dân chủ.  Điều này đã xảy ra ở các nước Hồi giáo, nơi mà những nhóm Hồi giáo cực đoan lợi dụng cơ chế bầu cử để nắm lấy chính quyền.  Năm 1992, ở Algeria, nhóm quân sự hủy bỏ cuộc bầu cử vì họ thấy đảng Islamic Salvation Front chắc chắn sẽ thắng cử.  Vấn đề này cũng xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà đảng theo Hồi giáo, Wefare Party, không những được nhiều phiếu mà còn chiếm đại đa số trong kỳ bầu cử quốc hội vừa qua.  Câu hỏi được đặt ra là thắng lợi của các đảng phái như thế có phải là lí do chính đáng để đình chỉ quá trình dân chủ hóa hay không?  Câu trả lời là không.  Chưa có bằng chứng nào cho thấy các nhóm cực đoan này nắm chính quyền qua quá trình dân chủ hành xử như khi họ chiếm chính quyền qua cách mạng đảo chính (như ở Iran) hay qua dàn xếp (như ở Sudan).  Thêm vào đó là có lí do kinh tế thúc đẩy họ phải hành xử một cách ôn hòa để thu hút đầu tư và viện trợ từ phương Tây.  Ngoài ra, một khi các nhóm cực đoan trở thành quá khích trong nền dân chủ, một giải pháp kiểu Pinochet vẫn có thể đem ra ứng dụng.  Nhóm quân sự ở Algeria có thể đã can thiệp như Pinochet từng can thiệp vào chính quyền khi thấy đường lối của chính phủ của Allende di chuyển sang cánh tả quá nhiều. Pháp, Mỹ, và Tây phương nói chung đã từng làm hại cho nền dân chủ khi họ không cản trở và không can thiệp khi nhóm quân sự ở Algeria nắm lấy chính quyền.
    Mối đe dọa thứ ba và cũng là mối đe dọa nguy hiểm nhất là sự tự tin, thậm chí kiêu căng, của tổ chức hành pháp, nhất là khi một lãnh tụ có quá nhiều quyền hành trong tay, sẵn sàng đình chỉ hoạt động của tổ chức lập pháp, và cai trị bằng sắc lệnh.  Điều này đã xảy ra ở Nga, Balarus, một số nước trong khối Liên Xô cũ, và ngay cả ở Châu Mỹ Latin, nơi mà người ta thường mệnh danh là những nền "dân chủ chuyên chế" (authoritarian democracy), "dân chủ ủy quyền" (delegative democracy), "Người hùng giới hạn" (bounded strongman), hay "Lãnh đạo bằng thỏa thuận" (Caudillos by consent).  Ở Á Căn Đình và Venezuela, tổng thống cai trị chủ yếu bằng lệnh.  Năm 1995, tổng thống Colombia, khi bị tố cáo có dính dáng vào việc buôn bán á phiện, ông ta bèn đặt nước này vào tình trạng khẩn cấp và cai trị bằng lệnh trong vòng ba tháng sau đó.  Trong một trường hợp cực đoan khác, ở Peru, tổng thống Fujimori làm đảo chính nắm lấy chính quyền, đóng cửa cơ quan lập pháp, tư pháp và các đảng phái chính trị, bỏ tù chính trị gia và các nhà trí thức, kiểm duyệt truyền thông, và giảm thiểu nhân quyền.  Tuy nhiên, sau này Fujimori cũng dùng quyền chuyên chế này để vô hiệu hóa ảnh hưởng của nhóm khủng bố Sendero Luminoso (Shining Path), phục hồi trật tự xã hội, ổn định trị giá đồng tiền, khuyến khích đầu tư từ ngoại quốc, biến nước này có nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong vùng, và cuối cùng ông được đắc cử với đại đa số phiếu.  Trong một trường hợp tương tự, tổng thống Menem của Á Căn Đình cũng tái đắc cử qua những chính sách và đường lối phi dân chủ, thậm chí phản dân chủ.  Câu hỏi ở đây là có phải việc thực hiện những biện pháp phi dân chủ này cung cấp một phương tiện để chính phủ đạt được những mục tiêu mà họ không đạt được qua phương tiện dân chủ?  Ngay sau khi Fujimori cướp chính quyền, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, James Baker, nói "Anh không thể cứu vớt nền dân chủ bằng cách triệt phá nó," nhưng có lẽ Fujimori chỉ làm như thế!
    Sau cùng, nhiều chính phủ dân chủ mới không ngần ngại giảm bớt quyền chính trị và dân sự của quần chúng.  Tự do truyền thông bị hạn chế, báo chí, đài truyền hình, và đài phát thanh bị chính phủ kiểm duyệt hay kiểm soát.  Người đối lập chính trị bị quấy rầy, làm khó làm dễ.  Những yêu sách chính đáng của người thiểu số bị khước từ.  Nhiều khi, người thiểu số bị đàn áp tàn bạo, như đã xảy ra ở Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Dương, và Trung Quốc.
    Một xu hướng chung trong làn sóng dân chủ thứ ba là các nước này không hoàn toàn dân chủ.  Trong một phân tích do tổ chức Freedom House (Mỹ) thực hiện năm 1995, các nhà nghiên cứu ghi nhận 114 nước có thể chế dân chủ.  Nhưng trong số này, có đến 37 nước (hay một phần ba) là có "tự do chừng mực" (partly free) bởi vì chính phủ ở các nước này giới hạn tự do chính trị và nhân quyền.  Trong một nghiên cứu tương tự được tiến hành vào năm 1993, nhà nghiên cứu Larry Diamond cho thấy trong các nước ở Châu Mỹ Latin, chỉ có 4 nước là hoàn toàn dân chủ, 3 nước theo thể chế chuyên quyền, và phần còn lại 15 nước là dân chủ nửa vời.  Trong những năm cuối thế kỷ 20, trong số 22 nước đó đó có 11 nước trở thành kém dân chủ hơn, 5 trở thành dân chủ hơn, và 6 không thay đổi vị trí, so với thập niên 80 [7].  Thành ra, sự phân phối các nước trong trục số từ phi dân chủ đến dân chủ theo dạng hình cái chuông: một số lớn các nước theo thể chế dân chủ nửa vời, nằm phần chính giữa, giữa hai cực Trung Quốc và Đan Mạch. 
    Lựa chọn khác?
    Winston Churchill, cựu thủ tướng Anh, từng nhận xét rằng dân chủ là một hình thức chính phủ tồi nhất, nhưng ngoài nó ra, không có hình thức nào khá hơn. Nếu quả thật không có hình thức chính phủ nào thay thế thì điều gì sẽ xảy ra?  Trong các nước đã phát triển, giàu có, đa số quần chúng trở nên xa lánh chính trị, ghét những chuyện thế sự, cực kỳ hoài nghi những nhà chính trị, và nhất là không tin tưởng người khác.  Những thái độ này có lẽ phản ánh sự vắng mặt của một hệ thống chính quyền khác với dân chủ, hay một ý thức hệ khác có khả năng cạnh tranh với ý chủ nghĩa tư bản.  Nếu sự lựa chọn là giữa một chính phủ tồi nhất và vô chính phủ, người dân có thể chọn lựa vô chính phủ.
    Tình thế này có thể xảy ra trong làn sóng dân chủ thứ ba hay không?  Có một nền dân chủ nào khác khá hơn hay không?  Ở một mức độ, câu trả lời là không. Trên thế giới, tôn trọng các ý tưởng và thủ tục dân chủ là một điều cần thiết.  Tính hợp pháp của chính phủ tùy thuộc vào chừng mực mà ý muốn của người dân, những người đã ủng hộ (hay không ủng hộ) chính phủ trong lần bầu cử.  Song, đó không phải là một trường hợp đại chúng cho toàn thế giới, vì có ít nhất là hai hệ thống chính trị khác với dân chủ đã được đề cập hay đề nghị cho các nước trong thời kỳ hậu cộng sản.  Một là thể chế Hồi giáo, một hệ thống chính trị dựa vào kinh Koran và luật Sharia.  Tuy nhiên, cơ cấu và tổ chức các cơ sở chính trị trong hệ thống chính trị Hồi giáo vẫn chưa được rõ ràng, và thường thường nằm dưới dạng quân chủ chuyên chế (như ở Saudi Arabia) hay bán tôn giáo (như trường hợp của Iran).  Nhưng chưa có một quốc gia tổ chức chính phủ theo mô hình Hồi giáo nào đã thành công trong kinh tế hay đạt được một sự ổn định chính trị để làm gương cho các nước khác noi theo.  Thành ra, mô hình tổ chức chính phủ Hồi giáo không hấp dẫn được ngay cả những nước theo Hồi giáo!
    Mô hình thứ hai có khả năng cạnh tranh với dân chủ là Chủ nghĩa độc đoán theo kiểu Á châu ("Asian authoritarianism").  Những thành công ngoạn mục về kinh tế của Nam Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, và Tân Gia Ba (Singapore) dưới sự cầm quyền của các chính phủ phi dân chủ, cùng với những kỷ lục phát triển kinh tế ở Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương, và quan trọng hơn hết, Trung Quốc, cũng dưới sự lãnh đạo của các chính phủ phi dân chủ.  Ngoại trừ Nhật Bản, chưa có một nước dân chủ nào trên thế giới đạt được một tỉ lệ tăng trưởng kinh tế 8% hoặc cao hơn dưới sự lãnh đạo của các chính phủ chuyên quyền ở Đông Nam Á châu.  Trường hợp thành đạt của những nước này, trước hết, là một chứng minh hùng hồn cho thấy dân chủ không phải là một mô hình chính trị lí tưởng duy nhất cho thế giới.  Các nước trong khối Liên Xô cũ rất ngưỡng mộ mô hình chính phủ chuyên quyền ở Đông Nam Á, và có thời nghĩ rằng họ sẽ áp dụng một thể chế tương tự.  Mô hình lãnh đạo của các nước Đông Nam Á đã được thai nghén từ giữa thập niên 1980s ở Trung Quốc, qua khái niệm "Chủ nghĩa độc đoán mới" ("New authoritarianism").  Các lí thuyết gia Trung Quốc muốn dùng học thuyết này thay thế cho lí thuyết của chủ nghĩa Mác-Lê, làm nền tảng cho việc từ bỏ chế độ cực quyền (totalitarianism), tiến đến một nền kinh tế thị trường, và duy trì  một hệ thống chính trị chuyên chế.  Gần đây nhất, những khái niệm tương tự cũng được Thủ tướng Mahathir (Mã Lai) và đáng chú ý hơn là  Lý Quang Diệu (Singapore) đề xuất một cách khá chi tiết.  Vài năm qua, người ta chứng kiến một cuộc vận động mà có thể gọi là "Chiến dịch văn hóa Tân Gia Ba" (Singaporean cultural offensive).  Người Tân Gia Ba lí giải rằng có nhiều khác biệt cơ bản giữa các tiêu chuẩn Á châu và Tây phương: người Á châu đánh giá cao cộng đồng, trật tự, kỹ luật, và kính trọng nhà chức trách; người Tây phương phóng túng, đặt nặng tự do cá nhân, và bất kính với nhà chức trách.  Lý Quang Diệu và đồng nghiệp của ông lí giải rằng tự do cá nhân và bất kính với nhà chức trách là lí do làm cho đạo đức bị suy đồi và tan rã xã hội ở các nước Tây phương; và muốn phòng ngừa những tình trạng đó trong xã hội Á châu, người Á châu phải cưỡng lại những áp lực của Tây phương về vấn đề nhân quyền và dân chủ.  Lý Quang Diệu và các nhà lãnh đạo khác ở Đông Nam Á lí luận rằng cái mà người dân Á châu mong muốn và cần không phải là một chính phủ dân chủ, mà là một chính phủ giỏi, một chính phủ có khả năng quản lí một nền kinh tế thịnh vượng, ổn định chính trị, duy trì trật tự xã hội, khuyến khích hoà hợp cộng đồng, và có khả năng quản lí hữu hiệu và trong sạch. 
    Sự tương phản giữa mô hình mà Lý Quang Diệu đề xuất và mô hình dân chủ theo kiểu Tây phương thường được biểu hiện qua những khác biệt giữa Tân Gia Ba và Đài Loan (Đài Loan theo mô hình dân chủ Tây phương), mà tờ New York Times đã có lần tóm tắc một cách tuyệt vời: "trong sạch và bần tiện" (clean and mean) một mặt, và "thô tục và tự do" (filthy and free) mặt khác.  Tân Gia Ba và Đài Loan là hai xã hội Trung Hoa thành công nhất trong 5000 năm lịch sử của văn minh Trung Hoa, và một trong hai xã hội này sẽ là mô hình tương lai cho Trung Quốc [8].
    Một số chính phủ độc đoán, như Tân Gia Ba chẳng hạn, đã thành công một cách ngoạn mục trong việc phát triển kinh tế, duy trì trật tự xã hội, và đem lại một cuộc sống thịnh vượng cho người dân.  Nhưng một số chính phủ độc đoán khác lại là những thảm họa: kinh tế tụt hậu, bạo động xã hội, tham nhũng lan tràn, và bất bình đẳng nghiêm trọng trong xã hội.  Nói chung các chính phủ chuyên chế gặp hai khó khăn sâu sắc và cố hữu.  Thứ nhất, các chính phủ này không có một cơ chế phản hồi (feedback mechanism), và do đó những dấu hiệu về một tai họa sắp xảy ra đều bị bỏ qua.  Nhà kinh tế học Amatya Sen (người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1998) nhận xét rằng một nước dân chủ như Ấn Độ chẳng hạn, dù không có tỉ lệ phát triển kinh tế cao như một Trung Quốc phi dân chủ, nhưng Ấn Độ sẽ không phải gặp một nạn chết đói như Trung Quốc từng trải qua [9].  Chính trị gia lo lắng tái đắc cử sẽ không dám để cho dân chúng thiếu ăn hay chết đói.  Thứ hai, lí luận cho rằng chính phủ chuyên chế là chính phủ giỏi hàm ý cho rằng những người nắm quyền cai trị trong các chính phủ này là những người tài giỏi, tốt.  Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng với thực tế.  Ngay cả những người khởi đầu sự nghiệp chính trị khao khát được làm điều tốt cho quần chúng, nhưng khi đã có quyền lực trong tay, họ bị cám dỗ bởi những đặc lợi cá nhân và trở nên tham nhũng.  Nói một cách ngắn gọn, mô hình chính phủ độc đoán được xây dựng trên thiện chí và bản tính của con người, nhưng là những thiện chí và bản tính thiếu thực tế. 
    Dân Tân Gia Ba có thể có lí do để tự hào về sự thành công của họ cũng như hệ thống chính phủ trong sạch của họ, một thành tựu vĩ đại nhất của Lý Quang Diệu.  Song, trong khi một chính phủ chuyên chế có thể là một chính phủ tài giỏi trong một thập niên, hay thậm chí cả một thế hệ, nó không thể  "và trong lịch sử chưa bao giờ"  là một chính phủ tài giỏi lâu dài.  Các chính phủ chuyên chế có thể vận hành rất tốt trong một thời gian ngắn, nhưng kinh nghiệm các nước Tây phương cho thấy chỉ có một chính phủ dân chủ mới có khả năng tồn tại và đem lại một hệ thống chính quyền tốt về lâu về dài.  Hệ thống chính phủ chuyên chế thiếu một cơ chế tự cải cách: tranh luận công cộng, tự do ngôn luận, biểu tình, đảng phái chính trị đối lập, và tranh cử.  Ngược lại, chế độ dân chủ được xây dựng trên nền tảng của những quan điểm thực tế về bản tính của con người, và thừa nhận rằng, như James Madison từng nói: "tham vọng phải được tạo ra để chống lại tham vọng" (ambition must be made to counteract ambition).  Nền tảng của thể chế dân chủ có lẽ được diễn đạt một cách ngắn gọn qua câu nói của Reinhold Niebuhr: "Khả năng tiếp thu công lí của con người làm cho dân chủ có thể tồn tại; nhưng khuynh hướng bất công của con người làm cho dân chủ trở nên cần thiết" [10]. 
    Chú thích:
    [1]  Xem sách "Public papers and addresses of Franklin D. Roosevelt", New York: Nhà xuất bản Russell and Russell, năm 1969. 
     [2]  Xem bài báo "The end of history" của Tiến sĩ Francis Fukuyama, đăng trên Tập san The National Interest, số 16, năm 1989.  Trích trang 4: "The end point of man's ideological evolution and the universalization of Western liberal democracy as the final form of human government."
    [3]  Sách "The third wave: Democratization in the late twentieth century" của Samuel P. Huntington, Oklahama: Nhà xuất bản Oklahama University Press, năm 1991, 366 trang.
    [4]  Một số tranh luận về lợi và hại của dân chủ được công bố trên Tập san International Security: bài "Politics and peace" của Henry S. farber, Joan Gowa, số 20, năm 1995, trang 123-146; "Kant or Cant: the myth of democratic peace" của Christpher Layne, số 19, năm 1994, trang 5-49; "The insignificance of liberal peace" của David Spiro, số 19, năm 1994, trang 50-86; "Correspondence: the democratic peace", số 19, năm 1995, trang 164-184; và cuốn "Grasping the democratic peace: principles for a post Cold war world" của Bruce M. Russett, Princeton: Nhà xuất bản Princeton University Press, năm 1993.
    [5]  Xem bài "Democratization and the danger of war" của Edward Mansfield và Jack Snyder, Tập san International Security, số 20, năm 1995, trang 5-6.
    [6]  Xem bài "Reforming civil-military relations" của Samuel P. Huntington, Tập san Journal of Democracy, số 6, năm 1995, trang 14-16.
    [7]  Xem bài "Democracy in Latin America: degrees, illusions, and directions for consolidations," của Larry Diamond, trong sách "Beyond sovereignty: collectively defending democracy in a world of sovereign states", Baltimore: Nhà xuất bản John Hopkins University Press, năm 1996.
    [8]  New York Times, số ra ngày 5 tháng Hai, năm 1995.  Trong một cuộc kiểm tra về tham nhũng trong 45 nước trên thế giới, các nhà nghiên cứu xếp hạng tham nhũng (1=trong sạch nhất, đến số cao: tham nhũng nhất), thì kết quả như sau: Tân Gia Ba được xếp hạng 3 (sau Tân Tây Lan và Đan Mạch) trong các nước trong sạch nhất, trong khi đó Hồng Kông được xếp hạng 17; Đài Loan, 25; trong khi đó, Trung Quốc là nước được xếp vào hạng 44, chỉ trước Nam Dương (hạng 45) là hai nước tham nhũng nhất thế giới. 
    [9]  Xem sách "Hunger and public action" của Jean Dreze và Amartya Sen, Oxford: Nhà xuất bản Claredon Press, năm 1989, trang 210-215.
    [10] Tạm dịch từ "Man's capacity for justice makes democracy possible; but man's inclination to injustice makes democracy necessary", trích trong quyển "Children of light and children of darkness: a vindication of democracy and a critique of its traditional defense" của Reinhold Niebuhr, New York: Nhà xuất bản Charles Scribners's Sons, năm 1950, trang xi.
    Nguồn:http://www.giaodiemonline.com/thuvien/doithoai/Btd_lydanchu.htm
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org