Abraham F. Lowenthal & Sergio Bitar
Huỳnh Phan dịch
Gần 5 năm trước, các cuộc biểu tình
quần chúng [1] đã quét chế độ chuyên quyền Hosni Mubarak ra khỏi quyền lực ở Ai
Cập [2]. Hầu hết các nhà quan sát trong và ngoài Ai Cập đều tin rằng,
nước này đang trên đường đi đến một tương lai dân chủ; thậm chí một số còn
tuyên bố rằng dân chủ đã đến. Nhưng cuộc bầu cử Mohamed Morsi và Đảng Tự do và
Công lý của Nhóm Anh Em Hồi giáo (Muslim Brotherhood) đã dẫn đến phân cực và
bạo lực, và vào năm 2013, sau nhiều cuộc biểu tình, Tướng Abdel Fattah el-Sisi
đã giành lấy quyền [3] trong một cuộc đảo chính quân sự. Kể từ đó, chế độ Sisi
đã giết chết hơn 1000 dân thường, bỏ tù hàng chục ngàn người khác, xiết chặt
phương tiện truyền thông và xã hội dân sự.
Tunisia ở cạnh bên, trong tình trạng
tốt hơn [4]. Làn sóng nổi dậy Ả Rập bắt đầu ở đó vào năm 2010, và chính phủ dân
chủ mà cuộc cách mạng Tunisia mở ra đến nay vẫn còn tồn tại. Nó đã thành công ở
một trong những nhiệm vụ quyết định của cuộc chuyển đổi: đồng ý một hiến pháp
mới, một thành tựu được Ủy ban Nobel công nhận khi trao giải Nobel Hòa bình cho
bốn tổ chức xã hội dân sự tích cực trong cuộc chuyển đổi của Tunisia. Nhưng nền
dân chủ của Tunisia vẫn còn mong manh, bị đe dọa bởi bạo lực chính trị, đàn áp
bất đồng chính kiến, và vi phạm nhân quyền. Cũng vậy, ở Cuba cuối cùng đã có
những hy vọng về một tương lai dân chủ, khi các nhà cai trị độc tài già cỗi bắt
đầu bước vào cải cách. Và ở Myanmar (còn được gọi là Miến Điện), việc chuyển
đổi chậm không đều từ nền cai trị quân sự sang nền quản trị toàn diện đang diễn
ra, nhưng vẫn còn đầy khó khăn.
Điều gì quyết định để các nỗ lực lúc
chuyển đổi dân chủ sẽ thành công? Kinh nghiệm đã có cho ta một số hiểu biết.
Chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn sâu rộng với 12 cựu tổng thống và
một cựu thủ tướng từng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chuyển đổi dân
chủ thành công ở Brazil, Chile, Ghana, Indonesia, Mexico, Philippines, Ba Lan,
Nam Phi, và Tây Ban Nha. Một số từng là lãnh đạo trong các chế độ độc tài nhưng
vẫn giúp việc lèo lái đất nước về hướng nền dân chủ có hiệu quả. FW de Klerk,
trong cương vị tổng thống Nam Phi, đã đàm phán với Nelson Mandela và Đại hội
Dân tộc Phi (ANC) dẫn đến việc chấm dứt chủ trương apartheid (phân biệt chủng
tộc). BJ Habibie, Phó Tổng thống dưới quyền nhà cầm quyền độc tài lâu năm
Indonesia, Suharto, trở thành tổng thống sau khi Suharto từ chức [5] khi đối
mặt với các cuộc biểu tình lớn. Habibie sau đó đã thả các tù chính trị, hợp
pháp hoá công đoàn, chấm dứt kiểm duyệt báo chí, cho phép thành lập các đảng
chính trị mới, và cải tiến các quy định chính trị ở Indonesia, mở đường cho nền
dân chủ lập hiến.
Các nhà lãnh đạo khác từng nổi bật
trong phong trào đối lập đã mang đến sự kết thúc của nền cai trị độc tài và sau
đó giúp xây dựng nền dân chủ ổn định. Patricio Aylwin, lãnh đạo phe đối lập với
Tướng Augusto Pinochet, nhà độc tài cầm quyền lâu năm của Chile, trở thành tổng
thống dân cử đầu tiên của đất nước mình sau khi nền dân chủ khôi phục vào năm
1990. Tadeusz Mazowiecki, nhà trí thức công giáo và lãnh đạo Công đoàn Đoàn
kết, trở thành Thủ tướng đầu tiên của Ba Lan sau cộng sản.
Chúng tôi cũng đã phỏng vấn những
khuôn mặt cầu nối: những lãnh đạo vốn trải qua hai chế độ chuyên chế và dân
chủ, như Aleksander Kwasniewski, bộ trưởng trong chính phủ cộng sản Ba Lan đã
tham gia vào các cuộc thảo luận bàn tròn dẫn đến việc mở cửa dân chủ ở Ba Lan
[6]. Sau đó, trong cương vị tổng thống, ông đã xây dựng thể chế dân chủ của Ba
Lan. Fidel Ramos, một quan chức quân sự cấp cao Philippines dưới chế độ độc tài
Ferdinand Marcos, tham gia phe đối lập trong các cuộc biểu tình Sức mạnh Nhân
dân (People Power ) lớn vào năm 1986. Sau đó, ông giữ chức bộ trưởng quốc phòng
và tiếp đó là tổng thống thứ hai của nền dân chủ hậu Marcos.
Mặc dù các lực lượng xã hội, dân sự
và chính trị rộng lớn đóng vai trò quan trọng, các nhà lãnh đạo này là chìa
khóa cho cuộc chuyển đổi thành công ở đất nước họ. Họ đã giúp đưa đến sự chấm
dứt chế độ độc tài và xây dựng nền dân chủ lập hiến thay vào, thể chế hoá thông
qua các cuộc bầu cử thường xuyên, công bằng hợp lý, kết hợp với những ràng buộc
có ý nghĩa trên quyền hành pháp và các bảo đảm thực tế cho các quyền chính trị
thiết yếu và không một cuộc chuyển đổi nào trong số này đã bị đảo ngược. Dân
chủ vẫn là một công việc đang tiến triển ở một số nước này, nhưng các cuộc chuyển
đổi trên cơ bản đã thay đổi sự phân bố quyền lực và thực hành chính trị.
Tất nhiên, không có một
mô-hình-thích-hợp-cho-mọi-thứ cho sự thay đổi dân chủ. Tuy nhiên, các cuộc
chuyển đổi đã qua cho ra một số bài học áp dụng rộng rãi được. Các nhà cải cách
dân chủ phải sẵn sàng thoả hiệp khi họ đặt ưu tiên cho tiến bộ từng bước nhỏ
(incremental) lên trên các giải pháp toàn diện. Họ phải xây dựng các liên minh,
tìm cách với tới một số người trong chế độ mà họ tìm cách lật đổ, và vật lộn
với câu hỏi về công lý và trừng phạt. Và họ phải đặt quân đội dưới sự kiểm soát
dân sự. Những ai quan tâm đến việc xây dựng nền dân chủ từ đống đổ nát của chế
độ độc tài có thể cải thiện những điều khuyết nhược bằng cách làm theo các thực
hành tốt nhất này.
Chuẩn bị nền móng
Một cuộc chuyển đổi dân chủ thành
công bắt đầu trước khi các chính trị gia được bầu nắm quyền rất lâu. Phe đối
lập trước hết phải giành được đủ sự ủng hộ của công chúng trong việc thách thức
khả năng cai trị của chế độ và định vị chính họ như là một ứng viên cầm quyền
thích đáng. Lãnh đạo phe đối lập phải huy động các cuộc biểu tình, tố cáo việc
bỏ tù, tra tấn, trục xuất người bất đồng chính kiến; và làm xói mòn tính hợp
pháp của chế độ bên trong nước và trên trường quốc tế.
Điều này thường đòi hỏi phải tìm cách
thu hẹp những bất đồng sâu sắc trong phe đối lập về mục tiêu, lãnh đạo, chiến
lược, và chiến thuật. Hầu hết các nhà lãnh đạo chuyển đổi mà chúng tôi phỏng
vấn đã làm việc cần mẫn không kể giờ giấc để vượt qua những chia rẽ như thế và
xây dựng liên minh rộng lớn các lực lượng đối lập, tập hợp các đảng chính trị,
các phong trào xã hội, công nhân, sinh viên, các tổ chức tôn giáo, và các nhóm
lợi ích doanh nghiệp chủ chốt xung quanh một chương trình hành động chung. Ở Ba
Lan, Công đoàn Đoàn kết đã làm việc chặt chẽ với các tổ chức sinh viên, trí
thức, và các thành phần của Giáo Hội Công Giáo. Phong trào đối lập của Brazil
đã thuyết phục các nhà công nghiệp ở São Paulo ủng hộ mục tiêu của họ. Tại Tây
Ban Nha, các nhóm đối lập giải quyết phần lớn các khác biệt của họ trong các
cuộc đàm phán dẫn đến hiệp ước Moncloa năm 1977, trong đó họ đã đồng ý về cách
điều hành nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi.
Ngược lại, ở nơi nào mà phe đối lập
không đoàn kết được với nhau, triển vọng cho nền dân chủ bị thiệt hại. Tại
Venezuela, những chia rẽ nghiêm trọng về việc đối dầu với chính quyền đến mức
đã khiến phe đối lập không lợi dụng được đầy đủ việc quản lý kinh tế yếu kém
của chế độ cho đến nay.
Ở Serbia, Slobodan Milosevic đã có
thể cai trị một cách ngày càng độc tài sau khi lên nắm quyền vào năm 1989 một
phần nhờ vào sự bất lực của phe đối lập Serbia trong việc thể hiện một mặt trận
thống nhất. Ở Ukraine, cuộc Cách mạng Cam năm 2004-5 [7] lật ngược kết quả bầu
cử bị rất nhiều người coi như đã được sắp xếp. Nhưng những chia rẽ giữa các nhà
cải cách sau đó đã kềm giữ các tổ chức dân chủ và các quy định pháp luật tiến
triển xa hơn, dẫn đến một thập kỷ cầm quyền của thiểu số đầu sỏ và tham nhũng
chính trị.
Phong trào đối lập dân chủ cũng cần
phải xây dựng các cầu nối với những người trong quá khứ đã từng hợp tác với chế
độ nhưng bây giờ có thể sẵn sàng ủng hộ dân chủ hóa. Chú trọng vào những bất
bình trong quá khứ dễ gây phản tác dụng, thay vào đó các nhà cải cách dân chủ
nên luôn thể hiện một tầm nhìn tích cực và nhìn về phía trước về cuộc chuyển
đổi để chống lại nỗi sợ hãi phổ biến mà các chế độ độc tài tiêm cấy. Đồng thời,
họ nên tìm cách cách ly những người không chịu từ bỏ bạo lực hoặc những người
khăng khăng với những đòi hỏi về quyền tự chủ khu vực, dân tộc hay tông phái.
Nhưng đoàn kết phe đối lập vẫn chưa
đủ; lực lượng dân chủ cũng phải hiểu và khai thác sự chia rẽ trong chế độ hiện
hành. Để thuyết phục các phần tử trong chế độ cởi mở với thay đổi, các nhà cải
cách phải đề ra các bảo đảm đáng tin cậy rằng họ sẽ không tìm cách trả thù hoặc
tịch thu tài sản của người trong chế độ. Phong trào đối lập nên phấn đấu hết
sức để trở thành người đối thoại hữu hiệu đối với những người trong chế độ độc
đoán đang mong muốn một chiến lược thoát ra, trong khi cô lập những người vẫn
còn khư khư cố thủ. Ví dụ, chiến lược cốt lõi của nhà cải cách Fernando
Henrique Cardoso của Brazil [8] là dẫn dụ các phần tử trong quân đội vươn tới
việc tìm kiếm một lối thoát.
Đối lại, những ai đương quyền mà nhận
ra sự cần thiết phải từ bỏ chế độ độc tài phải tìm mọi cách để duy trì sự ủng
hộ của cử tri cốt lõi của họ trong khi đàm phán với các nhóm đối lập. Những lần
“rút lui vào rừng” mà de Klerk tổ chức cùng với các thành viên trong nội các
của ông vào năm 1989 và 1990 là một mô hình cho điều này. Trong những lần trao
đổi đó, ông đã xây dựng một sự đồng thuận bí mật trong nội các của ông cho các
bước đi đột biến mà ông sẽ tuyên bố: hợp pháp hóa ANC, trả tự do cho Mandela
cùng các tù chính trị khác, và mở các cuộc đàm phán chính thức.
Tiếp xúc trực tiếp giữa phe đối lập
và chế độ có thể diễn ra bí mật lúc đầu, nếu cần thiết, như đã xảy ra trong các
tiếp xúc ban đầu giữa các quan chức chính phủ và đại diện ANC, vốn được tổ chức
bên ngoài Nam Phi vào giữa những năm 1980. Các cuộc đối thoại không chính thức,
chẳng hạn như các cuộc thảo luận bàn tròn tại Ba Lan, có thể giúp các thành
viên của chế độ và phe dân chủ đối lập hiểu nhau, vượt qua những định kiến, và
xây dựng các mối quan hệ cộng tác. Như de Klerk nhận xét, “không thể nào giải
quyết xung đột nếu các bên có liên quan không nói chuyện với nhau… Để đàm phán
thành công, bạn cần phải đặt mình vào vị trí của bên kia. Ta phải suy nghĩ cặn
kẽ trường hợp của họ và xác định…. đòi hỏi tối thiểu [của bên kia] để bảo đảm
có sự tham gia mang tính hợp tác và xây dựng của họ trong quá trình đàm phán”.
Trong suốt quá trình này, các nhà cải cách phải gây sức ép lên chế độ và chấp
nhận liều lĩnh để đạt được tiến bộ liên tục, ngay cả khi tiến bộ đó chỉ từ từ
và từng chút một. Họ phải sẵn sàng để thực hiện các thỏa hiệp, ngay cả khi các
thỏa hiệp này khiến vài mục tiêu có tính sống còn chỉ đạt được một phần và làm
một số người ủng hộ quan trọng thất vọng. Từ bỏ vị thế tối đa thường đòi hỏi sự
can đảm chính trị hơn là bám chặt vào những nguyên tắc hấp dẫn nhưng không thực
tế. Làm nên sự chuyển đổi không phải là một nhiệm vụ cho kẻ giáo điều.
Chẳng hạn ở Ghana, John Kufuor, lãnh
tụ của Đảng Yêu nước Mới, không chấp nhận việc đảng ông tẩy chay cuộc bầu cử
năm 1992, cho rằng đảng nên tham gia vào cuộc bầu cử năm 1996, dù có thể bị
thua. Chiến thắng của Kufuor sau đó trong cuộc bầu cử năm 2000 đã dẫn đến việc
chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua lá phiếu, một mô hình tiếp tục trong
15 năm. Và ở Mexico, Ernesto Zedillo, dù là một thành viên nổi bật của Đảng
Cách mạng (PRI) cầm quyền lâu năm, đã ủng hộ những cải cách từng chút một [9]
trong thủ tục bầu cử đàm phán được với phe đối lập tại một thời điểm mà PRI,
sau bảy thập niên cầm quyền, dường như khó có khả năng nhượng lại quyền kiểm
soát. Sau đó, khi là tổng thống, ông đã đồng ý với các thay đổi sâu xa hơn,
liên quan đến tài chính cho vận động tranh cử và ủng hộ cải cách về củng cố các
cơ quan chức bầu cử đã giúp mở đường cho việc chuyển giao quyền lực chưa từng
có từ PRI sang phe đối lập vào năm 2000.
Những nguy hiểm nằm trong việc không
chấp nhận thỏa hiệp là rõ ràng trong trường hợp Ai Cập. Trong thời ngự trị ngắn
ngủi của Anh em Hồi Giáo (Muslim Brotherhood), nhóm này nhấn mạnh vào một
chương trình hành động Hồi giáo khi họ soạn thảo hiến pháp mới, và điều này xa
lạ với phần lớn dân chúng. Tại Chile, các thành viên cực tả của phe đối lập ủng
hộ “mọi hình thức đấu tranh,” kể cả bạo lực, chống lại chế độ Pinochet. Đến năm
1986, đa số những người trong phong trào đối lập hiểu rằng, họ không thể lật đổ
chế độ độc tài bằng vũ lực và việc liên kết với nhóm cực tả làm họ bị hoen ố.
Thay vào đó họ quay trở lại việc đấu tranh hòa bình và cam kết xây dựng một “tổ
quốc cho mọi người”. Cách tiếp cận này đã giúp phe đối lập thắng Augusto
Pinochet trong cuộc trưng cầu ý dân năm 1988, một cuộc bỏ phiếu mà nhiều người
trong phe đối lập lúc đầu muốn tẩy chay.
Chính quyền dân sự và an ninh
Lật đổ chế độ độc đoán là một chuyện;
quản trị đất nước lại là chuyện rất khác. Các nhà lãnh đạo cuộc chuyển đổi
thường xuyên phải đối mặt với áp lực phải dọn sạch toàn bộ bộ máy và làm lại từ
đầu, nhưng họ nên cưỡng lại điều đó: quản trị đòi hỏi tầm nhìn, nhân sự, và các
kỹ năng vốn khá khác biệt với những thứ cần khi ở thế đối lập. Một khi phe đối
lập nắm quyền, bước quan trọng nhất là chấm dứt bạo lực và lập lại trật tự
trong khi bảo đảm rằng tất cả các lực lượng an ninh phải hoạt động trong phạm
vi pháp luật. Các cuộc phỏng vấn của chúng tôi cung cấp những ghi nhận hấp dẫn
về các thách thức kéo dài do mối quan hệ dân sự-quân sự đặt ra. Các nhà cải
cách phải đưa tất cả các cơ quan an ninh dưới sự kiểm soát dân sự dân chủ càng
sớm càng tốt, đồng thời với việc công nhận và tôn trọng vai trò hợp pháp của
các cơ quan này, cung cấp cho họ đủ tài nguyên và bảo vệ các lãnh đạo của họ
không bị trả thù không phân biệt vì sự đàn áp trong quá khứ.
Để thực hiện việc này, cảnh sát và
các cơ quan tình báo trong nước nên được tách ra khỏi quân đội. Các nhà lãnh
đạo cần làm cho lực lượng cảnh sát nhận thức rõ về thái độ mới đối với người
dân nói chung bằng cách nhấn mạnh trách nhiệm của lực lượng an ninh là bảo vệ
thường dân chứ không phải là đàn áp họ, mà không làm giảm khả năng của lực
lượng này đối với việc triệt phá các nhóm bạo lực. Các nhà cải cách cần loại bỏ
các sĩ quan cao cấp đảm trách việc tra tấn và đàn áp thô bạo, đặt các chỉ huy
quân đội cấp cao thuộc thẩm quyền trực tiếp của Bộ trưởng quốc phòng dân sự, và
nhấn mạnh rằng các sĩ quan quân đội đang làm nhiệm vụ ngưng hoàn toàn việc dính
dáng vào chính trị.
Những bước đi đó kê ra dễ hơn là đưa
vào hành động, và việc thực hiện chúng đòi hỏi sự phán xét chính trị nhạy bén
và lòng can đảm. Trong một số trường hợp, những bước này có thể được giải quyết
sớm; trong những trường hợp khác, sẽ cần rất nhiều thời gian. Nhưng chúng cần
được đặt ưu tiên cao ngay từ đầu, cũng như duy trì cảnh giác. Như Habibie giải
thích, khi bàn luận về quan hệ dân sự-quân sự tại Indonesia, “Những người lãnh
đạo cuộc chuyển đổi… phải cho thấy, không phải bằng lời nói hay lời văn mà bằng
hành động, về tầm quan trọng của kiểm soát dân sự”. Các quan chức dân sự cấp
cao chịu trách nhiệm giám sát các lực lượng an ninh cần phải có kiến thức về
các vấn đề an ninh và được sự tôn trọng của những người ngang cấp trong quân
đội, cảnh sát, và các cơ quan tình báo. Điều này có thể khó khăn ở những nơi mà
phong trào dân chủ từng đụng độ mạnh bạo với các cơ quan an ninh, nơi ngờ vực
lẫn nhau vẫn còn kéo dài, và ở những nơi thiếu sự tôn trọng đối với chuyên gia
dân sự trong các vấn đề quân sự.
Các nhà lãnh đạo cuộc chuyển đổi cũng
phải cân bằng mong muốn cứu xét trách nhiệm của chế độ cũ với sự cần thiết phải
giữ gìn kỷ luật và tinh thần chiến đấu của các lực lượng an ninh. Họ phải vun
bồi việc chấp nhận hòa bình với nhau giữa các kẻ trước đây thù địch nhau gay
gắt – không phải là vấn đề dễ dàng. Chỉ khi đó người dân mới bắt đầu tin tưởng
vào nhà nước mà có nhiều người đã không chấp nhận vì, có thể hiểu được, cho là
bất hợp pháp và thù địch, và chỉ khi đó lực lượng an ninh mới hợp tác đầy đủ
với những công dân mà trước đây họ đã coi là phá hoại/ lật đổ.
Đặt các cơ quan an ninh dưới quyền
kiểm soát dân sự là một trong những thách thức kéo dài nhất mà các nền dân chủ
mới, phải đối mặt. Ưu thế [10] mà quân đội Ai Cập tiếp tục có được trên bất kỳ
tổ chức dân cử nào là nguyên nhân trung tâm của cuộc chuyển đổi dân chủ thất
bại của Ai Cập. Và ở nhiều nước khác nhau như Gambia, Myanmar và Thái Lan, việc
chính quyền dân sự thiếu thẩm quyền đối với lực lượng an ninh vẫn là trở ngại
quan trọng nhất đối với sự thành công của cuộc chuyển đổi dân chủ.
Thách thức về lập hiến
Đưa quân đội dưới sự kiểm soát dân sự
có thể giúp các nhà lãnh đạo chuyển đổi truyền tải niềm tin trong nước và tính
hợp pháp quốc tế. Vì thế, việc phát triển các thủ tục bầu cử phản ánh ý chí của
đa số và bảo đảm cho những người bị thất cử rằng những quan tâm cốt lõi của họ
sẽ được tôn trọng trong nền pháp trị (rule of law). Ở hầu hết các nước, việc
soạn thảo hiến pháp mới là cốt yếu, dù Indonesia giữ lại hiến pháp năm 1945 của
mình với một số điều có sửa đổi và Ba Lan chỉ chấp nhận toàn bộ bản hiến pháp
mới, nhiều năm sau khi chủ nghĩa cộng sản kết thúc.
Việc soạn thảo hiến pháp nên có đông
đảo thành phần tham gia và cố giải quyết những quan tâm chính yếu của các khu
vực chủ chốt, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải chấp nhận, ít ra là tạm
thời, các thủ tục hạn chế dân chủ. Hãy xét hệ thống bầu cử thiên lệch còn duy
trì ở Chile [11] trong 25 năm sau khi chế độ Pinochet kết thúc nhằm xoa dịu
quân đội và các nhóm bảo thủ hay việc trao chức vụ phó tổng thống cho lãnh tụ
đối lập ở Nam Phi. Xây dựng sự ủng hộ rộng rãi cho hiến pháp mới cũng có thể
còn đòi hỏi phải lồng ghép vào những khát vọng cao xa mà về sau cần phải được
hạ xuống hoặc phải thực hiện theo từng bước, chẳng hạn như các quy định đầy
tham vọng kinh tế xã hội trong Hiến pháp năm 1988 của Brazil, đòi hỏi quyền lao
động rộng rãi, cải cách ruộng đất, và chăm sóc y tế toàn dân.
Mặc dù lời lẽ chính xác của hiến pháp
là quan trọng, việc hiến pháp được thông qua như thế nào, khi nào và do ai có
thể quan trọng hơn. Những người soạn thảo hiến pháp phải đạt được sự đồng thuận
rộng rãi và bảo đảm rằng không quá dễ mà cũng không phải không có cách thực tế
nào để sửa đổi hiến pháp khi điều kiện cho phép.
Nhiều người chỉ trích công thức của
Aylwin rằng ủy ban sự thật ở Chile chỉ có thể cung cấp công lý “tới mức có thể
được” – nhưng cái có thể được lại được mở rộng năm này qua năm khác. Mục
đích chủ yếu nên làm là tạo ra sự chấp nhận rộng rãi các quy tắc cơ bản của
việc tham gia dân chủ. Như Thabo Mbeki [12], tổng thống thứ hai của Nam Phi hậu
apartheid nhận xét: “Điều quan trọng là bản hiến pháp do toàn thể người dân Nam
Phi sở hữu và do đó quá trình lập hiến pháp phải có tính bao gồm”. Quá trình
này phải bao gồm những người ủng hộ chế độ cũ, những người sẽ cần sự bảo đảm
rằng các quyền của họ sẽ được tôn trọng dưới nền pháp trị. Việc truy tố tập thể
không phân biệt các quan chức cũ là thiếu khôn ngoan. Thay vào đó, các nhà lãnh
đạo mới phải thiết lập các quy trình pháp lý minh bạch để tìm kiếm sự thật về
những lạm dụng trong quá khứ, đưa ra việc thừa nhận và có lẽ việc sửa chữa cho
các nạn nhân, và, nếu khả thi, đưa các thủ phạm chính ra trước công lý. Mặc dù
hòa giải hoàn toàn có thể là điều bất khả, khoan dung lẫn nhau là một mục tiêu
quan trọng. Thỏa hiệp, một lần nữa, là điều có tính sống còn.
Cân bằng hành động
Khi cuộc chuyển đổi dân chủ chựng
lại, công chúng thường đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo dân chủ – và đôi khi cho
chính nền dân chủ – do không đáp ứng kỳ vọng về kinh tế hoặc chính trị. Chính
quyền mới thường phải kế thừa các cách thức tham nhũng và sự kém hiệu quả đã ăn
sâu. Các phong trào từng đoàn kết nhau trong phản kháng chế độ độc tài có thể
bị phân mảnh. Các tổ chức xã hội dân sự đóng góp cho phong trào đối lập chống
độc tài đôi khi phân rã hoặc chuyển qua vị trí gây rối, đặc biệt là sau khi
nhiều nhà lãnh đạo tài năng nhất của họ đi vào chính phủ hay chính trị đảng
phái.
Xây dựng mối quan hệ có tính xây dựng
giữa chính phủ mới và phe đối lập mới là một thách thức kéo dài. Cạnh tranh
giữa chính phủ và phe đối lập là lành mạnh cho dân chủ, nhưng sự cản trở hoàn
toàn của phe đối lập hoặc sự đàn áp của chính phủ đối với mọi chỉ trích có thể
nhanh chóng tiêu diệt sự cạnh tranh đó. Tư pháp độc lập để giữ cho hành pháp có
trách nhiệm mà không ngăn chặn quá nhiều sáng kiến mới cùng với truyền thông tự
do và có trách nhiệm có thể giúp củng cố nền dân chủ bền vững.
Các đảng chính trị cũng đóng một vai
trò quan trọng chừng nào mà chúng không đơn thuần trở thành phương tiện của các
cá nhân nào đó và phe nhóm của họ. Các đảng dân chủ có chương trình hành động
và tổ chức tốt là phương tiện tốt nhất để thu hút mọi tầng lớp dân chúng, huy
động sức ép hiệu quả, tổ chức hậu thuẫn bền vững cho các chính sách, chuyển hướng
các nhu cầu công cộng, cũng như nhận diện và đề cử các nhà lãnh đạo có kỹ năng
cao. Sự phát triển của các đảng phái mạnh đòi hỏi chú ý kỹ càng đến các thủ tục
và các điều an toàn liên quan tới việc lựa chọn ứng cử viên, tài chính cho vận
động tranh cử và tiếp cận với truyền thông. Nhiều thách thức đang tiếp diễn đối
với việc quản trị dân chủ ở Ghana, Indonesia, và Philippines một phần là do các
đảng chính trị còn yếu kém.
Dù các cuộc chuyển đổi này thường do
các nguyên nhân chính trị hơn là kinh tế kích động, những thách thức kinh tế
sớm trở thành ưu tiên cho các chính phủ mới. Giảm nghèo và thất nghiệp có thể
xung đột với các cải cách kinh tế cần để thúc đẩy việc tăng trưởng dài hạn và
sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trước khi sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân bị xói mòn,
chính phủ cần thực hiện các biện pháp xã hội làm giảm nhẹ những khó khăn cho
những người dễ bị ảnh hưởng nhất phải chịu đựng, nhưng chính phủ cũng cần phải
thực hiện trách nhiệm tài chính. Các nhà lãnh đạo của mọi cuộc chuyển đổi mà
chúng tôi nghiên cứu đều áp dụng cách tiếp cận định hướng theo thị trường và
chính sách tiền tệ và tài chính kinh tế vĩ mô thận trọng, nhưng hầu hết đã làm
một cách rất thận trọng để tránh thổi bùng nỗi lo sợ của công chúng rằng lợi
ích công cộng đã bị bán rẻ cho những kẻ đặc quyền. Ngay cả những người lúc đầu
thù địch với thị trường tự do cũng chấp nhận rằng thị trường là cần thiết trong
một nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, cùng với các chính sách xã hội mạnh mẽ
vốn có thể tạo ra sự phát triển kinh tế công bằng hơn.
Như lịch sử gần đây về các can thiệp
của phương Tây ở Trung Đông cho thấy một cách dư thừa, dân chủ không phải là
một món hàng xuất khẩu. Nhưng diễn viên bên ngoài, chính phủ và phi chính phủ,
có thể trợ giúp có hiệu quả các cuộc chuyển đổi dân chủ nếu họ tôn trọng các
lực lượng bên trong và tham gia theo lời mời của họ. Đôi khi, họ có thể cung
cấp các điều kiện cần thiết cho việc đối thoại thầm lặng giữa các lãnh đạo đối
lập và giữa phe đối lập với đại diện của chế độ. Họ có thể đưa ra tư vấn về
nhiều vấn đề thực tiễn, từ cách tiến hành một chiến dịch tranh cử, tới cách sử
dụng hiệu quả phương tiện truyền thông, và cuối cùng là cách giám sát bầu cử.
Trừng phạt kinh tế có thể giúp kềm chế đàn áp, như họ đã làm ở Ba Lan và Nam
Phi. Và nước ngoài có thể cung cấp viện trợ và đầu tư để trợ giúp các cuộc
chuyển đổi dân chủ, như họ đã làm ở Ghana, Philippines và Ba Lan. Giúp đỡ kinh
tế của quốc tế trong quá trình chuyển đổi có thể tạo chỗ cho cải cách chính trị
khi thực hiện để đáp ứng các ưu tiên của địa phương và phối hợp với các nhà
hoạt động tại chỗ.
Tuy nhiên, can thiệp của quốc tế
không thể thay thế cho các sáng kiến trong nước. Các diễn viên bên ngoài có
nhiều khả năng tác động có hiệu quả khi họ biết lắng nghe, đề ra những câu hỏi
phát sinh từ kinh nghiệm trong những thách thức tương tự, và khuyến khích những
người tham gia tại chỗ xem xét vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.
Thế giới đang thay đổi
Các diễn viên mới, công nghệ, áp lực
kinh tế, động lực địa chính trị đã làm thay đổi bối cảnh mà các cuộc chuyển đổi
dân chủ hiện nay sẽ diễn ra trong đó. Bây giờ bất cứ ai với một chiếc điện
thoại di động đều có thể châm ngòi cho các cuộc biểu tình quần chúng bằng cách
thu lại hành động bạo lực của cảnh sát. Truyền thông xã hội có thể nhanh chóng
định hình lại công luận và cho phép các nhà tổ chức tập hợp một số lượng lớn
người theo dõi. Nhưng các công nghệ mới này không thể thay cho công việc đầy
khó khăn là xây dựng các tổ chức. Như Cardoso, nhà cải cách Brazil sau trở
thành tổng thống, nhận xét, “Vấn đề ở chỗ, huy động để phá
bỏ thì rất dễ nhưng để xây dựng lại thì khó hơn rất nhiều. Các công nghệ mới tự
chúng không đủ để thực hiện bước tiến kế tiếp. Các tổ chức là cần thiết, cùng
với khả năng thông hiểu, xử lý, và thực hành quyền lãnh đạo được duy trì mọi
lúc”. Như Kufuor nêu: “Quần chúng không thể xây dựng
các tổ chức. Chính vì thế lãnh đạo là quan trọng”. Trong những năm
trước mắt, các phong trào xã hội và các tổ chức xã hội dân sự, tăng cường bởi
mạng kỹ thuật số, có lẽ sẽ gây sức ép các chế độ chuyên quyền thường xuyên hơn
và hiệu quả hơn so với trước đây. Tuy nhiên, những phong trào này không thể thay
thế các đảng chính trị và các nhà lãnh đạo. Chính những diễn viên này cuối cùng
phải xây dựng các tổ chức, xây dựng các liên minh bầu cử và quản trị, giành
được sự ủng hộ của công chúng, chuẩn bị và thực hiện các chính sách, khêu gợi
những hy sinh vì lợi ích chung, khêu gợi cho mọi người tin rằng dân chủ là có
thể thực hiện được, và quản trị một cách hiệu quả.
Thật khó để xây dựng nền dân chủ bền
vững và hoạt động trơn tru ở các nước vốn không có kinh nghiệm về chính quyền
của chính họ gần đây, nơi mà các tổ chức xã hội và dân sự mong manh, và nơi mà
các tổ chức nhà nước yếu kém không có khả năng cung cấp các dịch vụ và an ninh
đầy đủ. Dân chủ cũng có thể khó thiết lập ở những nước với sự chia rẽ sắc tộc,
tông phái, hoặc vùng miền mạnh mẽ. Và dù sao đi nữa các chính phủ dân chủ được
bầu một cách dân chủ không thể cai trị độc đoán bằng cách bỏ qua, làm suy yếu,
hoặc chỉ đồng ý trên đầu môi với những ràng buộc về lập pháp và tư pháp mà việc
quản trị dân chủ đòi hỏi. Tuy nhiên, chính tất cả các nước này lại cần có thay
đổi dân chủ cấp bách nhất. Ví dụ của Ghana, Indonesia, Philippines, Nam Phi, và
Tây Ban Nha cho thấy những thách thức này có thể đáp ứng được trong nhiều điều
kiện khác nhau, thậm chí ở các nước bị chia rẽ sâu sắc.
Ngày nay, hơn bao giờ hết có thể huy
động nhiều người trẻ có học thức hơn tham gia biểu tình cho dân chủ ở các quảng
trường công cộng, đặc biệt là ở những nơi việc làm hiếm hoi. Tuy nhiên, đưa họ
can dự trong việc xây dựng các đảng chính trị lâu bền và các tổ chức khác trên
cơ sở đang diễn tiến là thách thức lớn.
Dân chủ không xuất hiện trực tiếp
hoặc đương nhiên từ các đám đông trên đường phố. Việc xây dựng các nền dân chủ
đòi hỏi tầm nhìn, đàm phán và thỏa hiệp, nổ lực, kiên trì, kỹ năng, tài lãnh
đạo – và cơ may nào đó. Tuy nhiên, dù có tất cả mọi chướng ngại, nhiều cuộc
chuyển đổi dân chủ đã thành công trong quá khứ. Học tập và áp dụng những bài
học của những kinh nghiệm thành công đó có thể giúp loại bỏ các chế độ chuyên
quyền và hình thành các nền dân chủ bền vững thay thế.
***
ABRAHAM F. Lowenthal là Senior Fellow
tại Viện Brookings và là Giám đốc sáng lập Đối thoại Liên Mỹ. Sergio Bitar là
Chủ tịch Quỹ Chile vì Dân chủ và là Uỷ viên cao cấp tại Đối thoại Liên Mỹ. Ông
là nghị sĩ quốc hội Chile từ năm 1994 đến 2002.
Hai ông là đồng biên tập viên của quyển
Các cuộc chuyển đổi dân chủ: trò chuyện với các lãnh đạo thế giới (Johns
Hopkins University Press và IDEA International, 2015), bài viết này được chuyển
thể từ đó.
Nguồn:http://phiatruoc.info/di-toi-dan-chu-nhung-bai-hoc-tu-cac-cuoc-chuyen-doi-thanh-cong/