G. John Ikenberry
Trần Ngọc Cư dịch
Walter Russell Mead vẽ một
bức tranh nhiễu loạn về tình trạng khó xử của Hoa Kỳ trong lãnh vực địa chính
trị. Theo quan điểm của ông, một liên minh ngày càng đáng sợ của các cường quốc
phi tự do –Trung Quốc, Iran, và Nga – đang quyết tâm phá hoại sự dàn xếp sau
Chiến tranh Lạnh và trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo vốn đứng đằng sau sự dàn xếp
ấy. Khắp khu vực Á Âu, ông lý luận, nhóm quốc gia thù hận này đang ra sức xây dựng
các vùng ảnh hưởng nhằm đe dọa các nền tảng của vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và
trật tự toàn cầu. Vì vậy, Hoa Kỳ cần phải xét lại thái độ lạc quan của mình, gồm
sự cả tin phát sinh sau Chiến tranh Lạnh cho rằng các quốc gia đang trỗi dậy
bên ngoài phương Tây có thể được thuyết phục gia nhập khối này và chơi theo luật
lệ của nó. Theo Mead, đã đến lúc phải đối đầu với những đe dọa từ những kẻ thù
địa chính trị ngày càng nguy hiểm này.
Nhưng chủ nghĩa báo động
[alarmism] của Mead đặt cơ sở trên một nhận thức sai lầm vô cùng to lớn về thực
tế quyền lực hiện đại. Đó là một nhận thức sai lầm về logic và đặc tính của trật
tự thế giới hiện hữu, vốn ổn định và có sức bành trướng hơn cách Mead mô tả; nhận
thức này đã khiến ông đánh giá quá cao khả năng của “trục sâu mọt” [the axis of
weevils] trong việc phá hoại trật tự tự do. Và đó là một nhận thức sai lầm về
Trung Quốc và Nga, vốn không phải là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại
trên qui mô lớn, mà bất quá chỉ là những kẻ phá đám bán thời gian [part-time
spoilers]; hai nước này cũng nghi ngờ lẫn nhau như họ đang nghi ngờ thế giới
bên ngoài. Đúng là, họ tìm cơ hội để chống lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của
Hoa Kỳ, và gần đây, cũng như trong quá khứ, họ đã cố đẩy lùi vai trò này của Mỹ,
đặc biệt khi họ bị đối đầu ngay trong khu vực láng giềng của mình. Nhưng ngay cả
những xung đột này cũng được nuôi dưỡng bởi sự yếu kém chứ không bởi sức mạnh của
lãnh đạo và chế độ của họ. Những nước này không có một thương hiệu hấp dẫn nào
đối với thế giới. Và khi cần theo đuổi những lợi ích quan trọng hàng đầu của
mình, Nga và, đặc biệt là, Trung Quốc lại sẵn sàng hội nhập sâu đậm vào nền
kinh tế thế giới và các định chế điều hành nó.
Mead còn mô tả sai lạc đặc
tính cốt lõi của chính sách đối ngoại Mỹ. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt,
Mead lý luận, Hoa Kỳ đã bỏ qua những vấn đề địa chính trị liên quan đến lãnh thổ
và các vùng ảnh hưởng và thay vào đó đã quá lạc quan khi tập trung vào việc xây
dựng trật tự toàn cầu. Nhưng đây là một phân tích sai lạc, bằng cách chẻ đôi vấn
đề thành hai phần tương khắc. Hoa Kỳ không tập trung vào những vấn đề liên quan
đến trật tự toàn cầu, như kiểm soát vũ khí và mậu dịch, chỉ vì họ cho rằng xung
đột địa chính trị đã chấm dứt vĩnh viễn; sở dĩ họ theo đuổi những nỗ lực này
chính vì họ muốn quản lý sự cạnh tranh giữa các đại cường. Nỗ lực xây dựng trật
tự toàn cầu không đặt cơ sở trên sự cáo chung của địa chính trị; mục đích của
nó là làm thế nào để giải quyết các vấn đề to lớn trong lãnh vực địa chính trị.
Thật vậy, việc xây dựng
một trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo không bắt đầu với sự cáo chung của Chiến
tranh Lạnh; chính nó đã giành thắng lợi trong Chiến tranh Lạnh cho phương Tây.
Trong gần 70 năm kể từ Thế chiến II chấm dứt, Washington đã theo đuổi những nỗ
lực bền bỉ trong việc xây dựng một hệ thống rộng lớn gồm những định chế đa
phương, những liên minh, những thỏa ước mậu dịch, và những đối tác chính trị. Dự
án này đã giúp thu hút nhiều nước vào quĩ đạo của Hoa Kỳ. Nó đã giúp tăng cường
các qui phạm và luật lệ toàn cầu, làm suy giảm tính chính đáng của các vùng ảnh
hưởng kiểu thế kỷ 19, chặn đứng các mưu đồ thống trị khu vực và chiếm đoạt lãnh
thổ [của chủ nghĩa thực dân]. Và dự án này đã mang lại cho Hoa Kỳ những tiềm
năng, những đối tác, và những nguyên tắc để đối đầu với những đại cường phá hoại
và theo chủ nghĩa xét lại ngày nay, như đang diễn ra. Các liên minh, các đối
tác, chủ nghĩa đa phương, thể chế dân chủ – đây chính là những công cụ trong
vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, và chúng đang thắng, chứ không phải đang thua,
trong những cuộc đấu tranh về địa chính trị và trật tự thế giới của thế kỷ 21.
NGƯỜI KHỔNG LỒ QUÂN TỬ
Năm 1904, nhà nghiên cứu
địa lý Anh Halford Mackinder đã viết rằng đại cường nào kiểm soát được vùng
trung châu của khu vực Á Âu thì sẽ thống lĩnh luôn “Đảo Thế giới này” và nhờ đó
thống lĩnh toàn thế giới. Trong quan điểm của Mead, khu vực Á Âu đã tái xuất hiện
như một giải thưởng vĩ đại trong lãnh vực địa chính trị. Khắp những vùng xa xôi
của siêu lục địa này, ông lý luận, Trung Quốc, Iran, và Nga đang tìm cách thiết
lập vùng ảnh hưởng của mình và thách đố các lợi ích của Mỹ, dần dà nhưng không
ngớt toan tính thống trị khu vực Á Âu và vì thế đe dọa Hoa Kỳ và phần còn lại của
thế giới.
Viễn kiến này không nắm
bắt được một thực tế sâu sắc hơn. Trong các vấn đề địa chính trị (chưa nói đến
các lãnh vực dân số, chính trị và tư tưởng), Hoa Kỳ có một lợi thế quyết định
so với Trung Quốc,Iran, và Nga. Mặc dù rõ ràng là Hoa Kỳ không còn ở điểm đỉnh
bá quyền mà họ chiếm giữ trong thời kỳ đơn cực [the unipolar era], quyền lực Mỹ
vẫn còn là vô địch. Sự giàu có và các lợi thế công nghệ của Hoa Kỳ vẫn còn nằm
ngoài tầm với của Trung Quốc và Nga, đừng nói chi đếnIran. Kinh tế Mỹ đang phục
hồi, được các nguồn khí đốt thiên nhiên khổng lồ mới khai thác tiếp sức, cho
phép Hoa Kỳ duy trì một sự hiện diện quân sự toàn cầu và các cam kết an ninh
đáng tin cậy.
Thật vậy, Washington thừa
hưởng một khả năng độc đáo trong việc chinh phục bạn bè và ảnh hưởng lên các quốc
gia. Theo một nghiên cứu do nhà chính trị học Brett Ashley Leeds hướng dẫn, Hoa
Kỳ có đối tác quân sự với hơn 60 nước, trong khi Nga đếm được tám đồng minh
chính thức và Trung Quốc chỉ vỏn vẹn có một mà thôi (Bắc Triều Tiên). Như một
nhà ngoại giao Anh đã nói với tôi cách đây dăm bảy năm, “Trung Quốc không tỏ ra
muốn lập các liên minh.” Nhưng Hoa Kỳ muốn làm điều này, và các liên minh này
đã mang đến hai mối lợi cùng một lúc: không những chúng cung cấp một bệ phóng
cho quyền lực toàn cầu của Mỹ, mà còn phân phối gánh nặng duy trì an ninh với
các đồng minh. Các tiềm năng quân sự tích lũy trong hệ thống liên minh do Mỹ
lãnh đạo này đã vượt hẳn lên trên bất cứ sức mạnh nào mà Trung Quốc hoặc Nga có
thể tạo ra trong nhiều thập kỷ tới.
Lại còn có vấn đề vũ khí
hạt nhân. Những vũ khí này, cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga đều có (và Iran đang
theo đuổi), sẽ giúp cho Hoa Kỳ theo hai cách sau đây. Một, nhờ cái logic hai
bên chắc chắn có thể hủy diệt lẫn nhau [mutual assured destruction], sự thủ đắc
vũ khí hạt nhân sẽ cực kỳ giảm bớt khả năng đưa đến chiến tranh giữa các đại cường.
Các đại loạn thuộc loại này đã từng tạo cơ hội cho các đại cường trong quá khứ,
kể cả Hoa Kỳ trong Thế chiến II, củng cố trật tự quốc tế của mình. Nhưng thời đại
hạt nhân đã cướp mất của Trung Quốc và Nga cơ hội này. Hai, vũ khí hạt nhân
cũng làm cho Trung Quốc và Nga cảm thấy an toàn hơn, giúp họ yên chí rằng Hoa Kỳ
sẽ không bao giờ xâm lăng họ. Đó là điều tốt, vì nó giảm bớt khả năng họ sẽ
dùng đến những nước cờ tuyệt vọng, phát sinh từ bất ổn, có nguy cơ đưa đến chiến
tranh và phá hoại trật tự tự do.
Vị trí địa lý còn tăng
cường các lợi thế khác của Hoa Kỳ. Là đại cường duy nhất không bị các đại cường
khác vây quanh, Hoa Kỳ tỏ ra ít đe dọa đối với các quốc gia khác và nhờ đó có
thể trỗi dậy nhanh chóng trong thế kỷ trước mà không kích nổ một cuộc chiến
tranh. Sau Chiến tranh Lạnh, trong giai đoạn Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất trên
thế giới, các cường quốc toàn cầu khác, ở bên kia đại dương, thậm chí đã không
toan tính quân bình lực lượng với Mỹ. Trên thực tế, vị trí địa lý cô lập của
Hoa Kỳ đã khiến các quốc gia khác lo ngại bị bỏ rơi hơn là bị khống chế. Các đồng
minh của Mỹ tại châu Âu, châu Á, và Trung Đông đã tìm cách lôi kéo Hoa Kỳ vào
việc đóng một vai trò to lớn hơn trong khu vực của mình. Việc này đưa đến cái
mà Geir Lundestad gọi là “một đế quốc do mời gọi”.
Lợi thế địa lý của Hoa Kỳ
được phơi bày trọn vẹn tại châu Á. Hầu hết mọi quốc gia tại đây đều coi Trung
Quốc là một mối nguy tiềm năng lớn hơn Hoa Kỳ – vì Trung Quốc nằm sát bên cạnh,
nếu không phải một lý do khác. Ngoài Hoa Kỳ ra, mọi cường quốc chính trên thế
giới đều sống trong một khu láng giềng địa chính trị chen chúc, tại đó những
chuyển dịch quyền lực thường xuyên kích động các nỗ lực đối trọng [provoke
counterbalancing] – kể cả giữa họ với nhau. Trung Quốc hiện đang phát hiện động
lực tương tác này khi các quốc gia láng giềng phản ứng lại sự trỗi dậy của
Trung Quốc bằng cách hiện đại hóa quân đội và tăng cường các liên minh của
mình. Nga biết điều này từ nhiều thập kỷ nay, và gần đây nhất đã đối diện thực
tế tại Ukraine, một quốc gia trong những năm gần đây đã gia tăng chi tiêu quân
sự và theo đuổi các quan hệ gần gũi hơn với EU.
Tính cô lập địa lý còn
cho Hoa Kỳ lý do để cổ vũ các nguyên tắc phổ quát cho phép họ tiếp cận nhiều
khu vực khác nhau trên thế giới. Từ lâu, Hoa Kỳ vốn là nước theo đuổi chính
sách mở cửa và nguyên tắc dân tộc tự quyết, đồng thời chống lại chủ nghĩa thực
dân – vì lý tưởng thì ít, mà vì những lý do thực tiễn thì nhiều, trong nỗ lực
biến châu Âu, châu Á, và Trung Đông thành những khu vực cởi mở đối với thương mại
và ngoại giao. Vào những năm cuối của thập niên 1930, câu hỏi chủ yếu đối với
Hoa Kỳ là, Mỹ sẽ cần đến một không gian địa chính trị, hay “đại địa bàn” rộng lớn
bao nhiêu để tồn tại như một đại cường trong một thế giới gồm những đế quốc, những
khối liên minh khu vực, và những vùng ảnh hưởng. Thế chiến II đã cho một câu trả
lời rõ ràng: sự phồn thịnh và an ninh của nước Mỹ tuỳ vào khả năng tiếp cận với
mọi khu vực. Và trong những thập niên tiếp theo, với một vài ngoại lệ nghiêm trọng
và gây tổn thất, như Chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã theo đuổi những nguyên tắc
hậu đế quốc [postimperial principles].
Chính trong những năm hậu
chiến này, địa chính trị và nỗ lực xây dựng trật tự thế giới đã hòa nhập vào
nhau. Một khuôn khổ quốc tế tự do là câu trả lời mà các chính khách tài ba như
Dean Acheson, George Kennan, và George Marshall đã đưa ra trước sự thách thức của
chủ nghĩa bành trướng Xô-viết. Hệ thống mà họ xây dựng đã gia tăng sức mạnh và
làm giàu cho Hoa Kỳ và các đồng minh, gây tổn thất cho các địch thủ phi tự do
[illiberal opponents] của nó. Hệ thống này còn ổn định được kinh tế thế giới và
thiết lập các cơ chế để đối phó với các vấn đề toàn cầu. Sự cáo chung của Chiến
tranh Lạnh không hề thay đổi cái logic từng chống đỡ dự án này.
May mắn là, những nguyên
tắc tự do mà Washington thúc đẩy có sức thu hút gần như phổ quát, vì chúng có
xu thế là rất phù hợp với các lực hiện đại hóa của việc tăng trưởng kinh tế và
phát triển xã hội. Như sử gia Charles Maier viết, Hoa Kỳ đã cỡi được cơn sóng
hiện đại hóa của thế kỷ 20. Nhưng một số học giả lại tranh luận rằng sự phù hợp
giữa dự án của Mỹ và các lực hiện đại hóa đã giảm bớt trong những năm gần đây.
Theo quan niệm này, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đánh dấu một bước ngoặt lịch
sử thế giới, theo đó Hoa Kỳ đã đánh mất vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy
phát triển kinh tế.
Nhưng thậm chí nếu điều
này có thực sự xảy ra đi nữa, người ta vẫn không suy diễn rằng Trung Quốc và
Nga đã thay thế Hoa Kỳ cầm cờ đi tiên phong trong mặt trận kinh tế toàn cầu.
Ngay cả Mead cũng không tranh luận rằng Trung Quốc, Iran, và Nga có thể cống hiến
cho thế giới một mô hình mới về tính hiện đại. Nếu những cường quốc phi tự do
này muốn thật sự đe dọa Washington và phần còn lại của thế giới tư bản tự do,
thì họ cần phải phát hiện được đợt sóng hiện đại hóa vĩ đại sắp đến và phải cỡi
lên nó. Họ không có khả năng làm điều này.
SỰ TRỖI DẬY CỦA DÂN CHỦ
Viễn kiến của Mead về một
cuộc đọ sức tại khu vực Á Âu giữa một bên là Hoa Kỳ và bên kia là Trung Quốc,
Iran, và Nga đã bỏ qua một chuyển đổi quyền lực sâu sắc hơn đang diễn ra: sự
vươn dậy ngày một lớn mạnh của thể chế dân chủ tư bản tự do. Đành rằng, nhiều
nước dân chủ tự do ở thời điểm này đang vật lộn với tăng trưởng kinh tế chậm chạp,
bất bình đẳng xã hội, và bất ổn chính trị. Nhưng sự bành trướng của thể chế dân
chủ tự do khắp thế giới, bắt đầu cuối thập niên 1970 và tăng tốc sau Chiến
tranh Lạnh đã nhanh chóng tăng cường địa vị của Hoa Kỳ và thắt vòng vây địa chiến
lược quanh Trung Quốc và Nga.
Người ta dễ dàng quên rằng
trước đây thể chế dân chủ hãy còn rất hiếm hoi. Mãi đến Thế kỷ 20, thể chế này
chỉ có ở phương Tây và một số nước châu Mỹ La tinh. Nhưng sau Thế chiến II, nó
bắt đầu vượt ra ngoài biên giới của những khu vực này, khi những quốc gia mới
được độc lập dựng nên chế độ tự trị. Trong những thập niên 1950, 1960, và đầu
thập niên 1970, các cuộc đảo chính quân sự và các nhà độc tài mới đã kềm hãm tiến
trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Nhưng vào cuối thập niên 1970, cái mà nhà
nghiên cứu chính trị Samuel Huntington gọi là “đợt sóng dân chủ hóa thứ ba” đã
tràn qua miền Nam châu Âu, Châu Mỹ La tinh, và Đông Á. Tiếp đến, Chiến tranh Lạnh
kết thúc, và một loạt gồm các quốc gia cộng sản trước đó tại Đông Âu được đưa
vào nếp sống dân chủ. Vào cuối thập niên 1990, 60 phần trăm toàn thể các nước
trên thế giới đã trở thành các quốc gia dân chủ.
Mặc dù có tình trạng
thoái trào diễn ra tại một số quốc gia, nhưng xu thế có ý nghĩa hơn lại là sự
xuất hiện một nhóm các cường quốc dân chủ bậc trung, gồm Australia, Brazil, Ấn
Độ, Indonesia, Mexico, Nam Hàn, và Thổ Nhĩ Kỳ. Những cường quốc dân chủ mới trỗi
dậy này đang đóng vai trò những thành viên có trách nhiệm [stakeholders] trong
hệ thống quốc tế: đẩy mạnh hợp tác đa phương, theo đuổi những quyền lợi và
trách nhiệm lớn hơn, và thể hiện ảnh hưởng của mình thông qua các phương tiện
hòa bình.
Những nước nói trên tăng
thêm trọng lượng địa chính trị của trật tự thế giới tự do. Như nhà nghiên cứu
chính trị Larry Diamond nhận xét, nếu Argentina, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam
Phi, và Thổ Nhĩ Kỳ lấy lại thế đứng kinh tế và tăng cường chế độ dân chủ của
mình, thì Nhóm G-20, trong đó có cả Hoa Kỳ và các nước châu Âu, “sẽ trở thành một
‘câu lạc bộ dân chủ’ hùng mạnh, chỉ có Nga, Trung Quốc, và Ả Rập Saudi còn bám
víu mà thôi.” Sự trỗi dậy của một tầng lớp trung lưu toàn cầu gồm các quốc gia
dân chủ sẽ biến Trung Quốc và Nga thành những kẻ đứng ngoài – chứ không phải là
những đối thủ chính đáng trong việc tranh giành vai trò lãnh đạo toàn cầu, như
Mead lo ngại.
Trên thực tế, sự trỗi dậy
của làn sóng dân chủ đã trở thành vấn đề nghiêm trọng cho cả Nga lẫn Trung Quốc.
Tại Đông Âu, các quốc gia và các chư hầu Xô-viết cũ đã theo thể chế dân chủ và
gia nhập phương Tây. Mặc dù các nước cờ của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại
Crimea là đáng lo ngại, nhưng chúng phản ánh thế yếu chứ không phải thế mạnh địa
chính trị của Nga. Trong hai thập kỷ vừa qua, phương Tây đã dần dần tiến tới gần
biên giới Nga. Năm 1999, Cộng hòa Séc, Hungary, và Ba Lan gia nhập NATO. Năm
2004 có thêm bảy thành viên của khối Xô-viết cũ nối đuôi những nước này để gia
nhập NATO, và năm 2009 Albania và Croatia cũng làm như thế. Trong khi đó, có
thêm sáu cộng hòa Xô-viết cũ đã đi theo con đường dẫn đến địa vị thành viên của
NATO bằng cách tham gia chương trình Đối tác vì Hòa bình của khối này. Mead chú
trọng quá nhiều vào những thành công của Putin tại Georgia, Armenia, và Crimea.
Tuy nhiên, dù Putin đang thắng vài trận nhỏ, ông lại đang thua một cuộc chiến.
Nga không ở trong thế đi lên; trái lại, Nga đang trải qua một trong những mất
mát địa chính trị lớn nhất so với bất cứ cường quốc quan trọng nào trong thời
hiện đại.
Thể chế dân chủ cũng
đang bao vây Trung Quốc. Vào giữa thập kỷ 1980, chỉ có Ấn Độ và Nhật Bản là những
nước dân chủ duy nhất tại châu Á, nhưng sau đó, Indonesia, Mongolia,
Philippines, Nam Hàn, Đài Loan, và Thái Lan đã gia nhập câu lạc bộ này. Gần đây
Myanma (còn gọi là Miến Điện) đã thực hiện những bước dè dặt tiến tới chế độ đa
đảng – việc này đã diễn ra đồng bộ với những quan hệ đang trở nên nồng ấm với
Hoa Kỳ, điều mà Trung Quốc không thể không để ý. Trung Quốc đang sống trong một
khu vực gồm tuyệt đại đa số láng giềng theo dân chủ.
Những chuyển đổi chính
trị nói trên đã đặt Trung Quốc và Nga vào thế thủ. Bây giờ xin xét đến các diễn
biến gần đây tại Ukraine. Những động thái kinh tế và chính trị trong đại bộ phận
nước này đang hướng về phương Tây một cách không khoan nhượng, một xu thế đang
làm Putin hoảng sợ. Ông chỉ còn trông cậy vào sức mạnh cơ bắp để o ép
Ukrainevào thế chống lại EU và ở lại trong quĩ đạo của Nga. Mặc dù Putin có thể
đủ sức kềm kẹp Crimea dưới quyền kiểm soát của mình, nhưng nắm tay bấu víu của
ông trên phần còn lại của Ukraine đang tuột dần. Như nhà ngoại giao EU, ông
Robert Cooper, đã nhận xét, Putin có thể cố gắng làm trì hoãn cái thời điểm
Ukraine “liên minh với EU, nhưng ông ta không thể chặn đứng được việc này.” Thật
vậy, thậm chí Putin không có khả năng thể hiện sự trì hoãn này, vì những nước cờ
khiêu khích của ông có thể chỉ thúc nhanh chuyển động của Ukraine hướng về châu
Âu.
Trung Quốc cũng đối diện
một nan đề tương tự tại Đài Loan. Các lãnh đạo Trung Quốc thực tâm tin rằng Đài
Loan là một phần của Trung Quốc, nhưng người Đài Loan không nghĩ như vậy. Cuộc
chuyển đổi dân chủ trên đảo này đã khiến những đòi hỏi độc lập quốc gia của người
dân trở nên vừa bức thiết vừa chính đáng hơn. Một thăm dò năm 2011 cho thấy rằng
nếu người Đài Loan có thể được trấn an là Trung Quốc sẽ không tấn công Đài
Loan, 80% dân chúng đảo này sẽ ủng hộ việc tuyên bố độc lập. Cũng như Nga,
Trung Quốc muốn duy trì quyền kiểm soát địa chính trị đối với các nước láng giềng.
Nhưng sự bành trướng của thể chế dân chủ đến mọi khu vực tại châu Á đã khiến Bắc
Kinh chỉ còn cách duy nhất là áp đặt ách thống trị lỗi thời [old-fashioned domination]
để đạt mục tiêu địa chiến trị của mình, và phương án này là rất tốn kém và tự
chuốc lấy thất bại.
Trong khi sự trỗi dậy của
các quốc gia dân chủ gây nhiều khó khăn cho Trung Quốc và Nga, thì sự thể này lại
giúp thế giới trở nên an toàn hơn trước mắt Hoa Kỳ. Hai cường quốc nói trên được
coi là đối thủ của Hoa Kỳ, nhưng sự cạnh tranh đã diễn ra trên một sân chơi rất
gập ghềnh đối với họ: Hoa Kỳ có nhiều nước bạn nhất, và cũng là những nước bạn
có khả năng nhất. Ngân sách quốc phòng của Washington và đồng minh của Mỹ chiếm
đến 75 phần trăm chi phí quân sự toàn cầu. Tiến trình dân chủ hóa [tại khu vực
Á Âu] đã nhốt Trung Quốc và Nga trong một chiếc hộp địa chính trị.
Iran không bị các nước
dân chủ bao vây, nhưng nó bị đe dọa bởi một phong trào đòi hỏi dân chủ đầy bất ổn
ở trong nước. Nghiêm trọng hơn nữa, Iran là thành viên yếu kém nhất trong trục
[xét lại] của Mead, với một nền kinh tế và một lực lượng quân sự nhỏ bé hơn nhiều
so với Hoa Kỳ và hai đại cường kia. Iran còn là mục tiêu của một chế độ trừng
phạt quốc tế mạnh mẽ nhất từ trước tới nay mà LHQ có thể huy động được, nhờ sự
giúp đỡ của Trung Quốc và Nga. Chính sách ngoại giao đối với Iran của chính quyền
Obama có thể thành công hoặc không thành công, nhưng một chính sách khác theo ý
Mead để ngăn chặn nước này thủ đắc vũ khí hạt nhân thì lại không rõ ràng. Đường
lối của Tổng thống Mỹ Barack Obama có ưu điểm là đưa ra một lộ trình theo đó
Tehran có thể chuyển đổi từ một cường quốc khu vực thù nghịch thành một thành
viên phi hạt nhân có tinh thần xây dựng của cộng đồng quốc tế – một nước có tiềm
năng thay đổi trò chơi địa chính trị mà Mead không đánh giá cao.
XÉT LẠI CHỦ NGHĨA XÉT LẠI
Không những Mead đánh
giá thấp sức mạnh của Hoa Kỳ và trật tự mà nó đã xây dựng; ông còn cường điệu mức
độ mà Trung Quốc và Nga đang ra sức chống lại hai đối tượng này. (Gác tham vọng
hạt nhân qua một bên, Iran trông giống một quốc gia đang thực sự kháng cự thì
ít mà vô vọng phản đối thì nhiều, vì thế ta không nên coi Iran có địa vị gần
như một cường quốc xét lại [a revisionist power].) Rõ ràng là, Trung Quốc
và Nga mong muốn bành trướng ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc đã đưa ra các
đòi hỏi hung hăng về chủ quyền trên biển và các đảo tranh chấp gần bờ, đồng thời
lao vào việc tăng cường sức mạnh vũ khí. Putin có viễn kiến khôi phục lại địa vị
bá quyền của Nga đối với “những nước lân cận”. Cả hai đại cường này đang hung
hăng giận dữ trước địa vị lãnh đạo của Hoa Kỳ và sẵn sàng chống lại nó khi họ
có thể.
Nhưng Trung Quốc và Nga
không hẳn là những cường quốc xét lại. Như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Israel, ông
Shlomo Ben-Ami, từng nói, chính sách đối ngoại của Putin “phản ánh sự căm phẫn
của Putin về việc Nga bị cho ra bên lề địa chính trị hơn là tiếng hò reo xung
trận của một đế quốc đang trỗi dậy.” Hẳn nhiên, Trung Quốc mới thực là một
cương quốc đang trỗi dậy, và điều này đã cám dỗ Trung Quốc vào một cuộc đọ sức
nguy hiểm với các đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á. Nhưng hiện nay, Trung Quốc
không ra sức phá vỡ những liên minh này của Mỹ hay lật đổ cái hệ thống quản trị
an ninh khu vực rộng lớn hơn, hiện thân trong các tổ chức như Hiệp hội các Quốc
gia Đông Nam Á (ASEAN) hay Thượng đỉnh Đông Á. Và thậm chí nếu Trung Quốc nuôi
tham vọng cuối cùng sẽ làm điều này đi nữa, các đối tác an ninh của Mỹ trong
khu vực ít ra cũng đang trở nên mạnh hơn, chứ không yếu hơn chút nào. Tối đa,
Trung Quốc và Nga chỉ là những kẻ phá đám. Họ không có những lợi ích – xin đừng
nói đến tư duy, khả năng, hay đồng minh – thúc đẩy họ lật đổ những luật lệ và định
chế toàn cầu đang có.
Trên thực tế, mặc dù
Trung Quốc và Nga phẫn nộ vì Hoa Kỳ đứng đầu hệ thống địa chính trị hiện nay,
nhưng họ chấp nhận cái logic chủ yếu của khuôn khổ này, và chấp nhận với lý do
chính đáng. Sự cởi mở cho phép họ tiếp cận thương mại, đầu tư, và công nghệ từ
các xã hội khác. Luật lệ cung cấp họ công cụ để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc
gia. Mặc dù có các tranh cãi về sáng kiến mới là “trách nhiệm bảo hộ” (một
nguyên tắc chỉ được áp dụng một cách có chọn lọc gần đây), trật tự thế giới hiện
nay vẫn tôn trọng các qui phạm lâu đời về chủ quyền quốc gia và nguyên tắc
không can thiệp vào nội bộ nước khác. Những nguyên tắc này của Hiệp ước
Westphalia vẫn là nền tảng của chính trị thế giới – vì thế Trung Quốc và Nga đã
ràng buộc lợi ích quốc gia mình với chúng (mặc dù Putin có chủ trương phục hồi
lãnh thổ đang gây ra tình trạng nhiễu loạn).
Vì vậy, ta không nên ngạc
nhiên là Trung Quốc và Nga đã hội nhập sâu sắc vào trật tự quốc tế hiện nay. Cả
hai đều là hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với quyền phủ
quyết, và cả hai đều tham gia tích cực vào Tổ chức Thương mại Thế giới, Quĩ Tiền
tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, và Nhóm G-20. Họ là những cường quốc địa chính
trị trong hệ thống, ngồi ở chiếu trên trong việc quản trị toàn cầu.
Trung Quốc, mặc dù trỗi
dậy nhanh chóng, nhưng không có một nghị trình toàn cầu đầy tham vọng nào cả; họ
vẫn tập trung vào công việc nội bộ, quyết duy trì chế độ đảng trị. Một số trí
thức và nhân vật chính trị, như Diêm Học Thông (Yan Xuetong) và Chu Thành Hổ
(Zhu Chenghu), thực sự theo đuổi một danh mục gồm các mục tiêu xét lại. Họ coi
hệ thống phương Tây như một mối đe dọa và đang chờ đợi cái ngày mà Trung Quốc
có thể tổ chức lại trật tự quốc tế. Nhưng những tiếng nói này không lọt vào tai
tầng lớp lãnh đạo chính trị ở chóp bu. Thật vậy, các lãnh đạo Trung Quốc không
còn muốn theo đuổi những hiệu triệu mà họ đưa ra trước đây về một cuộc thay đổi
sâu rộng. Năm 2007, tại một hội nghị Ủy ban Trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc
đã thay thế những đề xuất trước đó về một “trật tự kinh tế quốc tế mới” bằng lời
kêu gọi đòi hỏi những cải tổ khiêm tốn hơn tập trung vào công bằng và công lý.
Học giả Trung Quốc Vương Tập Tư (Wang Jisi) đã lý luận rằng động thái này là
“tinh tế nhưng quan trọng,” đưa định hướng của Trung Quốc tiến gần tới định hướng
của một nhà cải cách toàn cầu. Hiện nay Trung Quốc muốn giữ một vai trò lớn hơn
tại Quĩ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, muốn có một tiếng nói lớn hơn
trong những diễn đàn như G-20, và muốn thấy đồng Nhân dân tệ được sử dụng rộng
rãi trên toàn cầu. Đó không phải là nghị trình của một nước đang cố gắng xét lại
trật tự kinh tế.
Trung Quốc và Nga còn là
những thành viên có uy tín trong câu lạc bộ hạt nhân. Đặc điểm quan trọng nhất
của cuộc dàn xếp trong thời Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô (và sau này
với Nga) là nỗ lực chung của hai nước nhằm giới hạn vũ khí hạt nhân. Mặc dù
quan hệ Mỹ-Nga đã xấu đi từ đó, nhưng yếu tố hạt nhân trong dàn xếp này vẫn được
duy trì. Năm 2010, Moskva vàWashingtonđã ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến
công chiến lược mới nhất (New START), đòi hỏi hai bên cùng cắt giảm vũ khí hạt
nhân tầm xa.
Trước thập niên 1990,
Trung Quốc là kẻ đứng ngoài câu lạc bộ hạt nhân này. Mặc dù Bắc Kinh có một kho
vũ khí hạt nhân khiêm tốn, nhưng họ tự coi mình là một tiếng nói của thế giới
đang phát triển phi hạt nhân (the nonnuclear developing world) và lên tiếng chỉ
trích các hiệp ước kiểm soát vũ khí và cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Nhưng bằng
một thay đổi ngoạn mục, sau đó Trung Quốc đã quay qua ủng hộ một loạt hiệp định
về vũ khí hạt nhân, gồm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và Hiệp ước cấm
thử nghiệm vũ khí hạt nhân toàn diện. Trung Quốc đã khẳng định một lý thuyết
“không ra tay trước trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân”, duy trì một kho vũ khí
hạt nhân nhỏ, và đưa toàn bộ lực lượng hạt nhân của mình ra khỏi tình trạng báo
động. Trung Quốc còn đóng một vai trò tích cực trong Hội nghị thượng đỉnh về an
ninh hạt nhân, một sáng kiến do Obama đề xuất năm 2009, và Trung Quốc đã tham
gia “tiến trình P5”, một nỗ lực hợp tác [giữa năm hội viên thường trực của Hội
đồng Bảo an LHQ và cũng là năm cường quốc hạt nhân] để bảo đảm an toàn vũ khí hạt
nhân.
Qua một loạt vấn đề rộng
lớn, Trung Quốc và Nga đang hành xử như những đại cường có địa vị ổn định hơn
là những đại cường xét lại. Họ thường tìm cách tránh né các giải pháp đa
phương, nhưng thỉnh thoảng chính Hoa Kỳ và các cường quốc dân chủ khác cũng làm
như vậy. (Bắc Kinh đã phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển; nhưng Washington thì
chưa.) Và hiện nay, Trung Quốc và Nga đang sử dụng luật lệ và định chế toàn cầu
để thúc đẩy lợi ích của mình. Những xung đột với Hoa Kỳ xoay quanh việc Trung
Quốc và Nga muốn có tiếng nói mạnh hơn trong trật tự hiện hữu và tìm cách vận dụng
trật tự này sao cho phù hợp với nhu cầu của mình. Mặc dù hai cường quốc này muốn
tăng cường địa vị của mình trong hệ thống, nhưng hiện nay họ không tìm cách
thay thế hệ thống này.
TIẾP TỤC NẰM TRONG HỆ THỐNG
Cuối cùng, thậm chí nếu
Trung Quốc và Nga có toan tính bác bỏ những điều cơ bản của trật tự toàn cầu hiện
nay, thì sự mạo hiểm này sẽ chỉ làm họ nản chí và chuốc lấy thất bại mà thôi.
Những cường quốc này không những sẽ chống lại một mình Hoa Kỳ, mà họ còn phải
đương đầu với một trật tự có tổ chức và kiên cố nhất toàn cầu mà thế giới chưa
từng biết đến trước đây, một trật tự được ngự trị bởi những quốc gia theo chế độ
tự do, tư bản, và dân chủ. Trật tự này được hậu thuẫn bởi một mạng lưới do Hoa
Kỳ lãnh đạo gồm các liên minh, các định chế, các mặc cả địa chính trị, các quốc
gia lệ thuộc, và các đối tác dân chủ. Trật tự này tỏ ra năng động và có sức
bành trướng, dễ dàng kết nạp những quốc gia đang trỗi dậy, bắt đầu bằng Nhật Bản
và Đức sau Thế chiến II. Trật tự này chứng tỏ có khả năng chấp nhận một lãnh đạo
chung [shared leadership], chẳng hạn như trong các diễn đàn như G-8 và G-20. Nó
cho phép các nước nằm ngoài phương Tây trao đổi thương mại và tăng trưởng kinh
tế, chia sẻ các lợi ích của việc hiện đại hóa. Nó đáp ứng nhu cầu của nhiều mô
hình chính trị và kinh tế khác nhau đến mức độ ta phải ngạc nhiên – dân chủ xã
hội (Tây Âu), tân tự do (Vương quốc Anh và Hoa Kỳ), và tư bản nhà nước (Đông
Á). Sự phồn thịnh của gần như mọi nước – và sự ổn định của chính phủ họ – trên
cơ bản dựa vào trật tự này.
Trong thời đại của trật
tự tự do, những vùng vẫy của các thế lực xét lại chỉ là công khó dã tràng. Thật
ra, Trung Quốc và Nga đều biết rõ điều này. Họ không có những viễn kiến tầm cỡ
để tìm ra một trật tự khác thay thế. Đối với những cường quốc này, các quan hệ
quốc tế chủ yếu nhắm vào việc tìm kiếm thương mại và tài nguyên, bảo vệ chủ quyền
của mình, và, nơi nào có thể, bá quyền khu vực. Họ chưa từng chứng tỏ có ý muốn
xây dựng trật tự riêng cho mình hay thậm chí chấp nhận đầy đủ trách nhiệm đối với
trật tự hiện nay và chưa từng đưa ra các viễn kiến thay thế về tiến bộ kinh tế
hay chính trị toàn cầu. Đó là một khuyết điểm nghiêm trọng, vì các trật tự quốc
tế thịnh và suy không chỉ vì quyền lực của quốc gia dẫn đầu; sự thành công của
chúng còn tùy thuộc vào việc chúng có được coi là có chính nghĩa hay không và
hoạt động cụ thể của chúng có giải quyết những vấn đề mà các quốc gia yếu cũng
như mạnh đều quan tâm hay không. Trong cuộc đấu tranh vì trật tự thế giới,
Trung Quốc và Nga (và chắc chắn Iran) giản dị là những kẻ đứng ngoài.
Trong tình huống này,
Hoa Kỳ không nên từ bỏ các nỗ lực tăng cường trật tự tự do. Thế giới mà người Mỹ
đang sống hôm nay là một thế giới mà họ phải hân hoan đón chào. Và đại chiến lược
[grand strategy] mà Washington phải theo đuổi chính là cái đại chiến lược mà họ
từng theo đuổi hàng chục năm nay: một dấn thân toàn cầu sâu đậm [deep global
engagement]. Đấy là một chiến lược theo đó Hoa Kỳ tự ràng buộc mình với các khu
vực trên thế giới thông qua thương mại, thông qua các liên minh quân sự, các định
chế đa phương, và chính sách ngoại giao. Đấy là một chiến lược theo đó Hoa Kỳ
thiết định được quyền lãnh đạo không những thông qua việc sử dụng quyền lực mà
còn thông qua các nỗ lực bền bỉ nhắm vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và
làm ra luật lệ. Chiến lược này đã tạo được một thế giới thân thiện đối với những
lợi ích của Mỹ, và thế giới trở nên thân thiện chính vì, như Tổng thống John F.
Kennedy từng nói, đó là một thế giới ‘trong đó kẻ yếu hưởng được an toàn và kẻ
mạnh tôn trọng công lý.”
G. John
Ikenberry là Giáo sư Chính trị học và Các Vấn đề Quốc
tế tại Đại học Princeton và là Giáo sư Thỉnh giảng tại Trường Balliol, Đại học
Oxford.
Nguồn:
http://www.procontra.asia/?p=4435