Phát triển và dân chủ

Posted on
  • Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Bruce Bueno de Mesquita, George W. Downs
    Nguyên Trường dịch
    Giầu hơn nhưng không tự do hơn
    Hơn 25 năm trước, khi Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế, khởi đầu một giai đoạn phát triển như vũ bão, nhiều người ở phương Tây cho rằng cải cách chính trị nhất định sẽ diễn ra. Tự do hoá kinh tế, như người ta dự đoán, sẽ dẫn đến tự do hoá chính trị và cuối cùng là nền dân chủ.
    Dự đoán này không chỉ dành cho Trung Quốc. Cho đến gần đây, quan điểm chung vẫn là tự do hóa nhất định sẽ nhanh chóng đưa đến dân chủ. Lập luận đơn giản là: mở cửa kinh tế sẽ làm xuất hiện tầng lớp trung lưu có học và có đầu óc kinh doanh, tầng lớp này trước sau cũng sẽ đòi hỏi được kiểm soát số phận của chính mình. Cuối cùng thì ngay các chính phủ độc tài cũng phải nhượng bộ.
    Sự kiện là hầu như tất cả các nước giàu có nhất trên thế giới đều là các nước dân chủ, trong một thời gian dài được coi là bằng chứng không thể chối cãi của quá trình phát triển như thế. Tuy nhiên, lịch sử thời gian gần đây lại chứng tỏ vấn đề không đơn giản như vậy. Tình hình hiện nay cho thấy rằng mối liên hệ giữa phát triển kinh tế với điều được gọi là dân chủ tự do là tương đối yếu, thậm chí đang trở nên ngày một yếu hơn. Mặc dù trong các nước dân chủ thu nhập tính trên đầu người cao, góp phần tăng cường ổn định, nhưng số lượng các nước độc tài giàu có ngày một tăng lên lại chứng tỏ rằng bản thân sự giàu có không tự động dẫn đến một nền tự do chính trị rộng mở hơn. Các chế độ độc tài trên khắp thế giới đang chứng tỏ rằng họ có thể thụ hưởng thành quả của phát triển kinh tế mà vẫn tránh được áp lực buộc phải nới lỏng sự kiểm soát về chính trị. Rõ nhất là Nga và Trung Quốc. Mặc dù nên kinh tế Trung Quốc đã phát triển vượt bậc trong 25 năm qua, nhưng nền chính trị của họ thực chất vẫn còn giẫm chân tại chỗ. Tại Nga, tuy nền kinh tế đã khởi sắc nhưng Điện Kremlin lại siết chặt sự kiểm soát về chính trị.
    Sự song hành của hai xu hướng: phát triển kinh tế và thu hẹp tự do chính trị rất đáng được quan tâm. Nó cho thấy một sự kiện đáng lo ngại nhưng chưa được đánh giá đúng mức: phát triển kinh tế đáng lẽ là lực lượng thúc đẩy cải cách dân chủ trong các nước độc tài thì đôi khi lại được sử dụng để củng cố chế độ bạo quyền. Triệu Tử Dương, Thủ tướng Trung Quốc trong những năm 80 có thể đã đúng khi nói: “Chủ nghĩa xã hội không thể tránh được dân chủ”. Nhưng hiện có rất nhiều sự kiện chứng tỏ rằng các chính phủ độc tài và phi dân chủ thuộc mọi màu sắc có thể trì hoãn, không chịu thực thi dân chủ trong một thời gian dài. Trong nửa thế kỉ qua đã có nhiều nước trải qua thời kì phát triển kinh tế mạnh mẽ nhưng không thực hiện dân chủ hoá chính trị một cách tương ứng. Trong một số trường hợp khác, các nhà độc tài đã buộc phải thực hiện một vài cải cách chính trị nhưng vẫn tiếp tục cầm quyền và không chịu nới lỏng sự kiểm soát của họ.
    Tại sao tự do dân chủ lại lẽo đẽo theo sau phát triển kinh tế với một khoảng cách xa như vậy? Các chính phủ chuyên chế đã ngày một khôn ngoan hơn, vấn đề là như thế. Mặc dù các lí thuyết gia về phát triển vẫn có lí khi cho rằng lợi tức tính theo đầu người tăng lên sẽ dẫn đến việc dân chúng đòi hỏi quyền được tham gia chính trị, nhưng họ không đánh giá hết khả năng của các chính phủ độc tài trong việc chặn đứng những đòi hỏi như thế. Các chế độ độc tài ngày càng khôn khéo hơn trong việc tránh những rắc rối chính trị kèm theo phát triển kinh tế, và xu hướng hiện nay là sự phát triển đang góp phần làm tăng thêm, chứ không giảm thiểu khả năng sống còn của các chế độ độc tài này.
    Sự kiện này đã bị các cơ quan phát triển và chính phủ Bush bỏ qua. Washington đã hùng hồn tuyên bố rằng toàn cầu hoá và mở rộng kinh tế thị trường nhất định sẽ dẫn tới sự toàn thắng của nền dân chủ theo kiểu phương Tây. Chính quyền Bush giải thích các trường hợp ngược lại một cách rất tù mù. Nhưng rõ ràng là Washington phải suy nghĩ lại kế hoạch thăng tiến dân chủ của họ. Ngoài ra, các cơ quan trợ giúp, như Ngân hàng Thế giới, cũng phải xem xét lại các điều kiện đi kèm các khoản trợ giúp tín dụng. Ít nhất trong tương lai gần, thúc đẩy tự do kinh tế không tự nó tạo ra hiệu quả chính trị đáng kể.

    Cái bẫy của phát triển
    Các nhà độc tài có lí do để coi phát triển kinh tế là một con dao hai lưỡi: đối với họ, nó vừa là công cụ lại vừa là một cái bẫy. Một mặt, bằng cách tăng cường nguồn lực (nguồn thu qua thuế khoá tăng lên) và cải thiện khả năng ứng phó của chính phủ (ví dụ như trước nạn suy thoái kinh tế hay thiên tai), các nhà độc tài có nhiều khả năng sống sót hơn. Ngắn hạn mà nói, phát triển kinh tế làm cho các công dân cảm thấy hài lòng với chính phủ, họ không đòi thay đổi chế độ nữa.
    Nhưng về lâu dài, sự phát triển kinh tế có thể là mối đe doạ đối với các chính phủ độc tài vì nó tạo ra các nhà hoạt động chính trị đối lập. Có hai lí do: kinh tế phát triển thì bổng lộc của những người thắng cuộc trong trò chơi chính trị cũng tăng lên, số người có đủ thì giờ, học vấn và tiền bạc để tham gia vào hoạt động chính trị cũng ngày một nhiều thêm. Hai sự thay đổi đó sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hoá, tạo cho nó động lực để cuối cùng phá vỡ nguyên trạng, hình thành phong trào dân chủ tự do đủ sức cạnh tranh.
    Cho đến nay nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên viên về phát triển đều cho rằng phát triển kinh tế nhất định sẽ kéo theo, dù có chậm hơn một chút, dân chủ hoá về chính trị, và các chính quyền độc tài khó mà ngăn chặn được quá trình này (khi họ còn cam kết theo đuổi phát triển kinh tế). Nhà nghiên cứu chính trị và xã hội học nổi tiếng Seymour Martin Lipset là người đầu tiên đưa ra quan điểm như thế, ông cho rằng phát triển kinh tế sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hoá vì nó tạo ra một tầng lớp trung lưu có học vấn đông đảo. Mặc dù vậy, Lipset đã nhắc nhở người đọc rằng quá trình này không dứt khoát phải xảy ra: tuy nó đã xảy ra ở Tây Âu, sự thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng đáng tiếc là từ khi Lipset công bố những kết quả nghiên cứu của mình, lời cảnh báo của ông hầu như đã bị lãng quên.
    Các đồ đệ của Lipset cũng thường bỏ qua một sự kiện là các chính thể độc tài không phải là những kẻ quan sát thụ động trước biến đổi chính trị; trong thực tế họ là những kẻ tạo ra luật chơi và có thể biến báo nó cho phù hợp với quyền lợi của mình. Các nhà độc tài có ưu thế hơn hẳn những công dân bình thường trong việc định hình các định chế và sự kiện chính trị. Họ đã chứng tỏ là những người có hiểu biết về lĩnh vực này hơn ta tưởng rất nhiều và đã khéo léo trì hoãn quá trình dân chủ hoá, trong khi tiếp tục phát triển kinh tế.

    Thủ thuật
    Để hiểu các chế độ độc tài vận dụng thủ thuật đó ra sao, ta cần xem xét khái niệm về phối hợp chiến lược (strategic coordination). Thuật ngữ “phối hợp chiến lược”, có xuất xứ từ môn chính trị học, có nghĩa là những hoạt động mà dân chúng phải tham gia nếu họ muốn tranh giành quyền lực chính trị trong một hoàn cảnh nhất định. Các hoạt động đó bao gồm truyền bá thông tin, kết nạp và tổ chức các thành viên đối lập, lựa chọn các nhà lãnh đạo, phát triển chiến lược khả thi để tăng cường sức mạnh của nhóm và tác động vào chính sách.
    Phối hợp chiến lược là quan điểm hữu ích vì nó giúp giải thích vì sao phát triển kinh tế thường được coi là động lực thúc đẩy quá trình dân chủ hoá. Quá trình này vận hành như sau: phát triển kinh tế đưa đến việc đô thị hoá và cải thiện về công nghệ cũng như hạ tầng cơ sở. Những sự cải thiện như vậy sẽ tạo thuận lợi cho việc truyền bá tin tức và kết nạp thành viên của các nhóm chính trị mới thành lập. Phát triển kinh tế còn dẫn đến việc tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, phe đối lập được hưởng lợi vì những cá nhân có học và uyên thâm chính là nguồn bổ sung cho lực lượng này. Nhưng phối hợp chiến lược cũng giúp giải thích đường lối mà các nhà độc tài dùng để phá vỡ hoặc giảm thiểu mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và dân chủ hoá. Nếu các nhà độc tài có thể ngăn chặn hoạt động phối hợp chiến lược của phe đối lập thì họ có thể làm giảm được viễn cảnh bị kẻ thù tống khứ ra khỏi vị trí của mình. Tuy vậy vẫn có một rắc rối: để được an toàn các nhà độc tài phải tạo ra nhiều rào cản, làm cho phe đối lập không thể phối hợp được, nhưng đồng thời không được tạo ra quá nhiều trở ngại cho việc phối hợp kinh tế bởi nếu kinh tế không phát triển thì sự ổn định của chế độ sẽ bị đe doạ.
    Đấy là một việc khó nhưng không phải là không thực hiện được. Dần dần, qua quá trình thử và sai, các chế độ độc tài đã khám phá ra rằng họ có thể đàn áp hoạt động của phe đối lập mà không tạo ra mối đe doạ đáng kể nào cho sự phát triển kinh tế, đó là nới một cách nhỏ giọt một số tiện ích công cộng (public goods) đóng vai trò quan trọng đối với việc phối hợp chính trị nhưng lại không quan trọng đối với việc phối hợp kinh tế. Bằng cách ngăn chặn các tiện ích này, các nhà độc tài đã tránh được quá trình tự do hoá về chính trị do phát triển kinh tế tạo ra.

    Chặn đứng một cuộc cách mạng
    Ví dụ về chiến lược kiểu này thì có nhiều. Xin xem xét một vài trường hợp diễn ra trong ba năm gần đây. Trung Quốc chặn đều đặn các bản tin Anh ngữ của Google và mới đây đã buộc Microsoft ngăn chặn những từ như Freedom và Democracy trên các phần mềm được các blogger sử dụng. Đó chỉ là những động thái gần đây nhất của một danh sách dài những hạn chế bao gồm từ việc thành lập đơn vị cảnh sát chuyên trách về Internet đến hạn chế số cổng Internet vào Trung Quốc. Trong khi đó tại Nga, Tổng thống V. Putin đặt tất cả các kênh truyền hình quốc gia dưới sự kiểm soát gắt gao của chính phủ. Tháng 10 năm 2003 chính ông đã giật dây vụ bắt giữ một trong những người phê phán ông ta sáng giá nhất là Mikhail Khodorkovsky.
    Tại Venezuela, tháng 12 năm 2004 Tổng thống Hugo Chávez đã thông qua đạo luật cấm loan tải tin tức về các vụ biểu tình bạo động hay các vụ đàn áp của chính phủ và tước giấy phép của các phương tiện truyền thông đại chúng nếu vi phạm bất kì điều khoản nào trong một danh sách rất dài các qui định khá mập mờ. Còn tại Việt Nam, chính phủ đã và vẫn tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các tổ chức tôn giáo và chụp cho các nhà lãnh đạo các nhóm tôn giáo không chịu khuất phục sự kiểm soát của chính phủ (Công giáo, Tin lành Mennonite, và một vài nhóm Phật giáo) tội phản loạn.
    Đấy chính là sự ngăn chặn cái vẫn được gọi là các tiện ích phối hợp (coordination goods), nghĩa là những tiện ích công cộng có ảnh hưởng quyết định đối với khả năng phối hợp của những người đối lập nhưng lại không có ảnh hưởng nhiều đối với phát triển kinh tế. Tiện ích phối hợp khác với tiện ích công cộng nói chung như vận tải công cộng, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục tiểu học và quốc phòng, những lĩnh vực mà nếu bị hạn chế thì sẽ có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế và dư luận xã hội.
    Trong quá khứ, các chính thể chuyên chế tìm cách đàn áp cả hai loại tiện ích vì chúng có thể thúc đẩy dân chủ hoá; và vì vậy kinh tế không thể phát triển được. Trước năm 1980 nhiều nước ở châu Á và châu Phi đã hành động như thế, một số nước nghèo nhất hiện nay như Myanmar và Zimbabwe cũng vẫn còn làm theo cách đó. Nhưng gần đây các chính phủ ở Nga, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác đã phát hiện ra rằng chỉ cần ngăn chặn các tiện ích phối hợp là họ có thể tiếp tục cung cấp các dịch vụ cần thiết cho phát triển kinh tế mà vẫn giải toả được áp lực phải thay đổi về chính trị.
    Dĩ nhiên là việc có nhiều tiện ích công cộng đã có ảnh hưởng nhất định đối với các nhóm đối lập, giúp họ dễ dàng tổ chức và phối hợp hành động hơn. Nhưng có bốn loại tiện ích đóng vai trò quan trọng nhất đối với các hoạt động như thế. Đấy là các quyền chính trị, các quyền con người nói chung, quyền tự do báo chí và điều kiện tiếp cận giáo dục bậc cao.
    Trước hết là các quyền chính trị, bao gồm tự do ngôn luận, quyền lập hội và biểu tình một cách ôn hoà. Mặc dù các quyền chính trị phần lớn mang tính thụ động, theo nghĩa chúng ngăn chặn sự can thiệp của chính phủ chứ không buộc chính phủ phải hành động, nhưng đôi khi chúng cũng đòi hỏi chính phủ phải thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường những quyền này, đặc biệt khi các nhóm thiểu số phát biểu các ý kiến chưa được số đông biết tới.
    Các quyền con người nói chung bao gồm quyền không bị bắt giữ một cách vô cớ, quyền được đưa ra toà nếu bị bắt giữ, quyền không bị kì thị vì lí do tôn giáo, chủng tộc, giới tính, quyền không bị xâm hại về thể xác và quyền đi lại, kể cả ra nước ngoài.
    Tự do báo chí (và các phương tiện truyền thông khác) là điều kiện cực kì quan trọng đối với phong trào đối lập vì nó giúp phổ biến thông tin nhằm tập hợp các nhóm khác nhau xung quanh các mối quan tâm chung. Tương tự như các quyền chính trị, quyền tự do ngôn luận cũng có tính cách thụ động vì nó đòi chính phủ không được can thiệp. Nhưng nó cũng đòi hỏi những hành động tích cực, thí dụ cho phép sử dụng các tần số của sóng phát thanh hay truyền hình, cho phép tiếp cận với các phương tiện truyền thông cũng như dịch các văn bản chính thức của nhà nước sang tiếng các dân tộc thiểu số.
    Cuối cùng, việc số đông có điều kiện tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao là cực kì quan trọng vì nhờ đó quần chúng học được nghệ thuật truyền thông, nghệ thuật tổ chức và hoạt động chính trị. Một nền giáo dục bậc cao còn giúp hình thành một đội ngũ đông đảo những nhà lãnh đạo đối lập tiềm năng, và đấy chính là các đối thủ của chính phủ đương thời.
    Một số chính quyền độc tài tuyên bố rằng họ không cho dân tiếp cận với nền giáo dục bậc cao (và các tiện ích phối hợp khác) vì giá quá cao. Trên thực tế, các tiện ích phối hợp không đắt hơn các tiện ích công cộng khác, nhiều khi còn rẻ hơn, thí dụ như chi phí cho quốc phòng hay giao thông công cộng. Các chính phủ hạn chế những tiện ích đó chỉ với mục đích làm cho các hoạt động phối hợp trở thành tốn kém hơn chứ không phải để tiết kiệm tiền. Thực ra, hạn chế một số tiện ích còn tốn kém hơn là cho phép chúng hoạt động, đấy là khi chính phủ sử dụng nguồn lực vào việc đàn áp các phong trào đối lập, ngăn chặn các phương tiện truyền thông hay thực hiện việc tuyên truyền cho chính mình.

    Bí quyết bảo đảm thành công (cho độc tài)
    Gần đây, để tìm hiểu xem các nhà cầm quyền độc tài và phi dân chủ đã dùng những biện pháp gì để vừa bảo đảm được phát triển kinh tế vừa ngăn chặn được dân chủ, chúng tôi đã khảo sát việc cung cấp các tiện ích công cộng tại 150 quốc gia từ năm 1970 đến năm 1999. Công trình nghiên cứu đã đưa ra bốn kết luận đặc biệt đáng chú ý sau đây.
    Thứ nhất, đàn áp các tiện ích phối hợp là chiến lược tồn tại rất hữu hiệu; khảo sát này chứng tỏ rằng cung cấp các tiện ích phối hợp giảm thiểu một cách đáng kể triển vọng sống còn của các chế độ đương quyền. Trong khi đó việc cung cấp các tiện ích khác không những không ảnh hưởng đến khả năng sống còn mà có khi còn làm tăng khả năng này. Chế độ chuyên chế nào cho phép tự do báo chí và đảm bảo quyền công dân thì khả năng nắm quyền thêm một năm nữa giảm từ 15 đến 20%: một con số thống kê trần trụi cho phép giải thích sự đàn áp chính trị và đàn áp các phương tiện truyền thông ở tất cả các nước đang phát triển.
    Thứ hai, kết quả nghiên cứu đã chứng tỏ rằng hiện nay các nhà độc tài đàn áp các tiện ích phối hợp một cách nhất quán hơn so với việc đàn áp các tiện ích khác. Khắp thế giới, có vẻ như các chế độ độc tài từ Bắc Kinh tới Mạc Tư Khoa hay Caracas đều nhận thức được mối hiểm nguy của các tiện ích phối hợp và tìm mọi cách để tránh không cung cấp cho dân chúng các tiện ích này. Mặt khác, đa số các lãnh tụ độc tài có vẻ như đã nhận ra rằng một số tiện ích công cộng, thí dụ như giáo dục tiểu học, giao thông công cộng và chăm sóc sức khoẻ là những tiện ích vô hại, không đáng sợ. Fidel Castro không gặp bắt kì rắc rối chính trị nào khi ông ta cố gắng cải thiện hệ thống y tế ở Cu Ba, Kim Jong Il cũng không gặp nguy hiểm gì khi chính phủ của ông ta cam kết nâng số người biết đọc biết viết ở Bắc Triều Tiên lên mức 95%. Nhưng cả hai chính phủ này đều đàn áp các tiện ích phối hợp một cách gắt gao.
    Nghiên cứu này cũng khẳng định rằng, nơi nào mà các tiện ích phối hợp càng bị đàn áp thì nơi đó khoảng cách giữa tự do dân chủ và phát triển kinh tế càng lớn. Dĩ nhiên là một số chế độ phi dân chủ thành công hơn một số khác trong việc đàn áp các tiện ích phối hợp. Kết quả khảo sát cũng cho thấy chế độ nào không đàn áp được các tiện ích phối hợp thì xác suất để nó trở thành chế độ dân chủ hiện đại cũng cao hơn.
    Hơn nữa, khảo sát còn chỉ ra rằng, trừ phi thu nhập bình quân đầu người đã quá cao, có thể đạt và giữ được phát triển kinh tế ở mức cao ngay cả khi chính phủ tiếp tục đàn áp các tiện ích phối hợp (Trung Quốc, Nga, Việt Nam). Và nếu các xu hướng này diễn ra đồng thời, nghĩa là phát triển kinh tế đi kèm với đàn áp tiện ích phối hợp, khả năng sống sót của chế độ sẽ tăng và xác suất dân chủ hoá sẽ giảm (ít nhất cũng từ năm đến mười năm). Vì số liệu có hạn, không cho phép xác định liệu về lâu dài phát triển kinh tế có buộc các chế độ đi theo hướng dân chủ hay không, nhưng rõ ràng là, ít nhất trong ngắn hạn, phát triển kinh tế sẽ giúp ổn định chế độ (độc tài) chứ không phải làm nó suy yếu. Vì vậy tốt nhất không nên coi Trung Quốc là ngoại lệ của qui luật phát triển sẽ kéo theo tự do, mà nên lấy Trung Quốc làm ví dụ điển hình cho thấy quy luật này thường không đúng.

    Ai lừa ai?
    Khoảng cách ngày một rộng giữa phát triển và dân chủ có thể đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách trong chính quyền Bush và các nước tự do dân chủ có ảnh hưởng khác, những người đang cảm thấy thất vọng khi quan sát bước đi quá chậm chạp trong thế giới đang phát triển và hi vọng đẩy nhanh quá trình này, ba bài học lớn sau đây.
    Thứ nhất và rõ nhất là các nhà hoạch định chính sách phải thừa nhận rằng thăng tiến kinh tế trong thế giới đang phát triển không phải là biện pháp thúc đẩy dân chủ hữu hiệu như họ từng tin tưởng xưa nay. Các chính thể độc tài đã học được từ kinh nghiệm tập thể của họ rằng mặc dù phát triển có khả năng nguy hiểm cho họ, nhưng hoàn toàn có thể giảm thiểu mối nguy này ở mức rất đáng kể. Bằng cách hạn chế các tiện ích phối hợp, các nhà độc tài có thể có tất cả: một đám các nhà môi giới quyền lực và lãnh đạo quân sự rất hài lòng vì được hưởng lợi từ phát triển kinh tế; có thêm nguồn lực để xử lí các cú sốc chính trị và kinh tế, trong khi đối lập thì vừa yếu lại vừa kém nhuệ khí.
    Bài học quan trọng thứ hai cho các nhà hoạch định chính sách liên quan đến những điều kiện kèm theo các khoản trợ cấp và tín dụng cho những nước đang phát triển. Thí dụ, khi cấp tín dụng cho một nước đang phát triển, Ngân hàng Thế giới yêu cầu chính phủ nước đó đầu tư vào hạ tầng cơ sở, y tế, giáo dục, vì tin rằng các khoản đầu tư đó sẽ dẫn đến phát triển kinh tế, và đến lượt nó lại dẫn đến tầng lớp trung lưu đông đảo và cuối cùng là dân chủ. Nhưng kì vọng đó hoá ra là không thực tế. Các khoản đầu tư đó có vẻ như sẽ kéo dài chứ không rút ngắn sự ngự trị của các chính thể phản tự do. Viện trợ quốc tế, như đang được phân phối hiện nay, góp phần củng cố chứ không làm suy yếu các lãnh tụ phi dân chủ.
    Vấn đề không phải là giảm bớt ưu tiên đối với phát triển kinh tế hoặc cung cấp các tiện ích công cộng thông thường. Vấn đề là phải mở rộng các điều kiện khi cung cấp tín dụng, bao gồm việc đòi các nước vay nợ phải đảm bảo cung cấp cho công dân nước họ các quyền công dân cơ bản, nhân quyền và tự do ngôn luận. Tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân bình thường phối hợp và thảo luận sẽ góp phần thúc đẩy tự do chính trị. Tương tự như thế, muốn nhận viện trợ quốc tế, các nhà độc tài phải cam kết thực thi các cải cách như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nền giáo dục bậc cao, nới rộng tự do báo chí, nới rộng quyền tự do hội họp.
    Đưa ra các điều kiện như vậy, các nhà tài trợ quốc tế không nên để mình bị đánh lạc hướng trong những cuộc tranh luận về việc liệu quyền con người nên được xác định theo các tiêu chí như nhà ở, thức ăn, chăm sóc sức khoẻ và các nhu cầu cơ bản khác của con người, hay nên được xác định theo quyền tự do cá nhân và bảo vệ quyền lợi của cả các nhóm thiểu số lẫn đa số. Các nhà độc tài thích chọn cách định nghĩa thứ nhất, vì nó đáp ứng được nhu cầu của chính họ. Các lí lẽ kiểu đó rõ ràng chỉ nhằm phục vụ quyền lợi của bản thân họ. Có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng tự do chính trị và việc bảo đảm các nhu cầu thiết yếu liên quan mật thiết với nhau; các xã hội tôn trọng những quyền tự do công dân chắc chắn cũng sẽ đảm bảo được cuộc sống cho hầu hết hoặc cho tất cả các công dân của họ.
    Bài học thứ ba liên quan đến các sự kiện gần đây ở Trung Cận Đông. Những cuộc bầu cử ở Iraq, việc rút quân Sirya và sau đó là bầu cử ở Lebanon, việc tuyên bố tổ chức bầu cử địa phương ở Saudi Arabia, việc tuyên bố tổ chức bầu cử tổng thống có nhiều ứng cử viên hơn ở Ai Cập có thể tạo cho người ta ấn tượng rằng một giai đoạn mới, giai đoạn dân chủ, đã bắt đầu trong khu vực. Nhưng sự thật không phải thế. Các nhà quan sát cần phải nhớ rằng chính sách đàn áp được các nhà độc tài Trung Cận Động sử dụng trong suốt 50 năm qua ở vẫn còn gần như nguyên giá trị ở Saudi Arabia, Ai Cập và Lebanon. Nhưng đấy không phải là lí do để thất vọng. Những người quan tâm đến việc đánh giá mức độ dân chủ trong khu vực cần phải chú ý đến các tiện ích phối hợp: thí dụ, các phương tiện truyền thông bị kiểm soát đến mức độ nào, việc tổ chức các cuộc biểu tình chống chính phủ có đơn giản (và có an toàn) không. Chính những quyền tự do này, chứ không phải là các cuộc bầu cử, sẽ tạo ra một nền dân chủ đích thực. Khi chưa có những quyền tự do đó thì Mĩ, Liên hiệp Châu Âu và các tổ chức tài trợ quốc tế khác phải tiếp tục tạo áp lực, đòi phải có thay đổi.
    Bruce Bueno de Mesquita là Chủ nhiệm (Chair) Khoa Chính trị học, trường Đại học Tổng hợp New York, và là cộng tác viên lâu năm tại viện Hoover. George W. Downs là giáo sư khoa chính trị học và Trưởng ban [Dean] Ngành Khoa học Xã hội, trường Đại học Tổng hợp New York.
    Nguồn:https://www.danluan.org/tin-tuc/20090301/phat-trien-va-dan-chu
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org