Xa lánh chế độ tự do: dân Nga nghĩ gì, muốn gì?

Posted on
  • Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Richard Pipes
    Trần Ngọc Cư dịch
    Khi Liên bang Xôviết tan rã năm 1991, rất nhiều người đã kỳ vọng rằng nước Nga, sau khi rũ bỏ chủ nghĩa cộng sản, sẽ cương quyết đi theo đường lối thân phương Tây: dân chủ hoá thể chế chính trị, cho người dân được hưởng những quyền dân sự bất khả xâm phạm và trở lại với cộng đồng quốc tế. Đó là những hứa hẹn mà Tổng thống Boris Yeltsin đưa ra khi ông lên nắm quyền. Nhưng sau mười mấy năm nay, những kỳ vọng này vẫn chưa trở thành hiện thực. Kể từ khi cựu đại tá KGB Vladimir Putin nhậm chức tổng thống vào năm 2000, những cơ chế dân chủ của Nga dần dà bị bóp nghẹt, dân quyền bị hạn chế và sự hợp tác với cộng đồng quốc tế không mấy được đảm bảo.
    Làm sao lý giải được những khuynh hướng nằm ngoài sự mong muốn này? Dữ liệu từ những cuộc thăm dò ý kiến thuộc nhiều nguồn khác nhau dẫn đến một câu trả lời phức tạp hơn những gì người ta trông thấy. Mặc dầu những hành động của Putin và những người cộng sự với ông đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách nhưng người ta vẫn thấy được nhiều bằng chứng là, người dân Nga không cảm thấy bị thương tổn vì những hành động phản dân chủ, phản tự do của chính quyền hiện nay mà thực ra, họ còn ủng hộ những biện pháp đó. Những chứng liệu này cũng cho biết chưa đến 1/10 dân Nga quan tâm đến quyền tự do dân chủ và các quyền dân sự. 

    Như đã thấy trước 
    Trước khi nghiên cứu những điều người Nga ngày nay suy nghĩ và nói ra, thiết tưởng cũng cần nhìn lại lịch sử nước Nga. Dù nước Nga vốn có tiếng là đất nước của những biến động không lường đoán đuợc nhưng thực chất đó là một quốc gia khá thủ cựu, với não trạng và lề thói ứng xử nếu có thay đổi chăng thì cũng chỉ thay thổi chậm chạp qua thời gian, bất luận chế độ nào đang nắm quyền hành. 
    Cách đây 75 năm, 80% dân số Nga làm nghề nông và sống trong các làng mạc nằm rải rác và phần lớn hoạt động theo nền kinh tế tự túc. (Cả nước chỉ có hai thành phố chính – Moscow và St. Petersburg – mà chính ở những thành phố này, số lượng nông dân lưu trú chiếm một tỉ lệ đáng kể.) Sự gắn bó giữa các tầng lớp trong xã hội mà người phương Tây coi là chuyện bình thường ở quốc gia của họ lại phát triển một cách yếu ớt trong một xã hội mà đại bộ phận là nông dân: Nước Nga lúc bấy giờ chưa hẳn là một xã hội đúng nghĩa của nó, mà chỉ là một tập hợp rời rạc hàng chục ngàn khu dân cư riêng biệt ở vùng quê. 
    Tình cảm dân tộc, vì thế, cũng phát triển một cách èo uột, ngoại trừ những thời kỳ có nạn ngoại xâm. Mãi đến gần đây, nông dân vẫn có khuynh hướng tự nhận là tín đồ Chính thống giáo hơn là người Nga. Chính phủ Sa hoàng thời trước 1917, một chính phủ sẵn sàng trừng trị mọi mưu toan của thần dân muốn nhúng tay vào chính sự, là một thế lực hoàn toàn lãnh đạm, thờ ơ với vận mệnh dân chúng: chính phủ thu sưu thuế và bắt lính nhưng chẳng giúp đỡ lại gì cho dân. Mãi đến năm 1861, đại đa số dân Nga là nông nô, phục tùng theo mệnh lệnh của nhà nước hay của địa chủ. Như thế, trên pháp lý, người nông dân có thể bị chủ đánh đập, có thể bị lưu đày, có thể bị sung vào quân đội, nhưng họ không được khiếu kiện với chính chuyền vì bị bạc đãi. Nhân quyền là một ý niệm hoàn toàn xa lạ đối với họ. 
    Tương tự như thế, quyền tư hữu và công lý cũng chậm phát triển, đến với nước Nga tương đối muộn và không hoàn chỉnh. Trong khi tại Anh từ thế kỷ XIII, đất đai đã được coi như một thứ hàng hoá có thể mua bán (commodity) thì ở Nga, tất cả đất đai đều thuộc quyền sở hữu của Sa hoàng mãi cho đến giữa thế kỷ XVIII, khi quyền sở hữu đất bắt đầu được ban cho giới quý tộc. Đại đa số nông dân sống trong công xã (communes) mà đất đai ở đây mang danh nghĩa là đất làng và đuợc phân phối lại định kỳ cho các hộ tuỳ theo sự thay đổi nhân khẩu trong gia đình. Mãi đến năm 1864, một ngành tư pháp hữu hiệu của Nga mới bắt đầu xuất hiện. Nhưng ngay cả khi đó, trên một phạm vi rộng lớn, những hành vi bị quy kết là tội chính trị đều được xử lý bằng những thủ tục hành chính độc đoán hơn là bằng toà án. 
    Những yếu tố này - thiếu vắng sự gắn bó xã hội và quốc gia, mù tịt về dân quyền, không có ý niệm đích thực về tư hữu và nền tư pháp vô hiệu lực – đã khiến người dân Nga mong mỏi chính sách cai trị cứng rắn của Sa hoàng. Vì thiếu sự liên đới xã hội theo chiều ngang, họ phải nhờ nhà nước che chở để họ khỏi gây tổn hại lẫn nhau. Dân Nga muốn người cai trị vừa mạnh vừa nghiêm khắc, tính cách đó được diễn tả bằng từ “groznyi” trong tiếng Nga có nghĩa là “đáng khiếp phục” (mà người ta thường dịch sai là “ghê gớm”), một thuộc từ được áp dụng cho Nga hoàng Ivan IV. Kinh nghiệm lịch sử đã dạy cho người Nga đồng hoá một chính quyền yếu với tình trạng vô chính phủ và vô pháp luật – và ở đây, dân chủ được coi như là yếu. 
    Di sản văn hoá của nước Nga là như thế, dẫn đến kết quả nhiên hậu là làm cho người dân Nga, ngay cả trong thời hiện đại, trở thành một dân tộc ít được xã-hội-hoá hay chính-trị-hoá nhất châu Âu. Hai lần trong cùng một thế kỷ - năm 1917 và năm 1991 – chính phủ của họ sụp đổ chỉ trong một sớm một chiều, trong khi người dân có vẻ như thờ ơ, lãnh đạm với chính số phận của mình. Trong cả hai trường hợp, chính phủ đã đánh mất quyền hiện hữu trước mắt dân Nga bởi vì chính phủ không còn “đáng khiếp phục”.

    Chối bỏ dân quyền
    Qua các cuộc thăm dò ý kiến, người ta có thể định được tâm trạng hiện nay của dân Nga. Cơ quan thăm dò hàng đầu là Trung tâm Nghiên cứu Công luận Toàn liên bang Nga (VTSIOM và VTSIOM-A), đặt trụ sở tại Moscow, do Jurii Levada điều hành. Những phân tích triệt để của cơ quan này về thái độ của dân chúng trên một loạt chủ đề khác nhau đã cung cấp những kiến thức vô giá về não trạng của dân Nga. Việc thăm dò ý kiến cũng được xúc tiến bởi Viện Nghiên cứu Những vấn đề Xã hội phức tạp của Viện hàn lâm Khoa học Nga (IKSI) và trung tâm Validata, cơ quan nghiên cứu về thị trường và công luận do Maria Volkenstein đứng đầu. Kết quả của những cuộc thăm dò dư luận này thường xuất hiên trên nhật báo Izvestiia của Nga. 
    Những nguồn thông tin này đưa đến nhận định rằng người Nga hôm nay, cũng như tổ tiên của họ, cảm thấy xa lạ đối với nhà nước và xã hội nói chung. Lòng trung thành của họ được dành cho nguời thân và bạn bè, những người mà họ thường gọi là “ty” trong tiếng Nga (đối chọi với “vy” trịnh trọng hơn) và họ không mấy gắn bó với bất cứ cộng đồng nào lớn hơn phạm vi thân hữu. Niềm tin tưởng đặt vào kẻ lạ người dưng, vốn là cơ sở của văn minh phương Tây, vẫn còn thiếu vắng trên đất nước này.

    Dân Nga thường bộc lộ sự gắn bó với một “quê cha đất tổ” nhỏ bé của mình. Khi được hỏi: “Yếu tố nào giúp bạn liên hệ trực tiếp với ý niệm quốc gia?” trong một cuộc thăm dò ý kiến tổ chức năm 1999, 35% đã trả lời, “Nơi tôi sinh ra và lớn lên”, trong khi đó, chỉ có 19% chọn “quốc gia mà tôi đang sống” [1] . So với người phương Tây, người Nga phi-xã-hội (asocial) và phi-chính-trị (apolitical) hơn nhiều, họ có khuynh hướng rút vào thế giới riêng tư, nơi họ cảm thấy giữ được quyền kiểm soát. Họ mang tiếng là những kẻ sống “trong chiến hào”, bị kẻ thù vây bủa chung quanh [2] . So sánh thái độ của công dân đối với chính phủ tại các nước Nga, Mỹ, Anh, Đức và Thụy Điển, kết quả thăm dò ý kiến của trung tâm Validata kết luận rằng: người Mỹ và người Thụy Điển bày tỏ sự tin tưởng vào nhà nước cuả họ ở mức cao nhất, trong khi đó, người Nga “chẳng tin tưởng nhà nước chút nào” [3] . 
    Rất nhiều người Nga coi chế độ dân chủ là một trò bịp bợm. Cảm thức phổ biến trong dân chúng là, chế độ chính trị của Nga bị “tư hữu hoá” và bị một số đại gia có quyền lực thao túng. 78% những người trả lời trong một cuộc thăm dò dư luận năm 2003 cho rằng dân chủ chỉ là cái bình phong cho một chính phủ do những bè phái có tiền và có quyền kiểm soát. Chỉ 22% số người tham dự tỏ ra thiết tha đối với chế độ dân chủ, còn 53% dứt khoát không ưa thích chế độ đó [4] . Được hỏi trong một cuộc thăm dò khác, những cuộc tuyển cử đa đảng có lợi hay có hại? 52% số người trả lời cho rằng “có hại” và chỉ có 15% cho rằng “có lợi” [5] (5/91). Dân chúng cũng không mấy ưa các đảng phái chính trị và hầu hết người Nga chịu sống trong một quốc gia độc đảng. Theo một cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm Xã hội học thuộc Đại học Moscow, 82% dân Nga thấy rằng họ không có ảnh hưởng nào đến chính quyền trung ương; 78% cho rằng họ không có ảnh hưởng nào đến chính quyền địa phương [6] . 
    Đòi hỏi tăng cường tự do cá nhân và cải thiện dân quyền không thu hút sự hậu thuẫn của người dân. Khi yêu cầu phải lựa chọn giữa “tự do” và “trật tự”, 88% số người được thăm dò ý kiến tại tỉnh Voronezh nói rằng họ ưa thích trật tự hơn, cơ hồ họ không ý thức được rằng hai phạm trù này không loại trừ lẫn nhau và rằng trong các chế độ dân chủ phương Tây tự do và trật tự củng cố cho nhau. Chỉ có 11% trả lời rằng họ không chịu hi sinh tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do đi lại để đổi lấy sự ổn định. Trong khi đó, 29% sẵn sàng từ bỏ quyền tự do của mình mà không cần đòi hỏi một đền bù nào, bởi vì họ không thấy những tự do ấy có giá trị gì cả [7] . Một cuộc thăm dò vào mùa đông 2003-2004 do cơ quan nghiên cứu xã hội ROMIR Monitoring phát hiện rằng 76% dân Nga ủng hộ việc tái lập chế độ kiểm duyệt trên các phương tiện truyền thông đại chúng [8] . 
    Những ý kiến thuộc loại này đã khiến cho Alexander Yakovlev, kiến trúc sư chính của chính sách perestroika do Mikhail Gorbachev chủ trương, phải lên tiếng than phiền về khuynh hướng ưa chuộng chế độ cai trị độc tài của đồng bào ông. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo Tài chính (Financial Times), ông nhận xét rằng: “Không một đảng thắng cử nào trong cuộc bầu cử Quốc hội (Duma) vào tháng 12 năm 2003 nhắc đến từ ‘tự do’ dù chỉ một lần thôi… Tất cả khẩu hiệu đều hô hào cấm đoán, bỏ tù và trừng trị” [9] .
    Ngành tư pháp bị người dân miệt thị là vừa tham nhũng vừa khúm núm trước nhà nước, nhất là kể từ khi Putin lên làm tổng thống. Tháng 8 năm 2003, tờ Thời báo Tài chính tường thuật rằng các doanh nghiệp hàng đầu của Nga đã thiết lập một hệ thống trọng tài để khỏi phải ra trước các toà án mà họ lên án là thiếu tính độc lập. Một doanh gia cho rằng phán quyết của toà án thường bị “lay chuyển bởi chính quyền điạ phương, bởi chính phủ, hay bởi các doanh nghiệp chịu chi cho các phán quyết đó. Ở Nga hiện nay, chúng tôi có một cụm từ mới: ‘những cuộc bán đấu giá tại toà án’… Ai chịu chi nhiều hơn, người đó thắng kiện’.”
    Thái độ của dân Nga đối với tư doanh và quyền sở hữu tài sản cũng không mấy tích cực. Tâm trạng phổ biến của người dân trong lãnh vực này biến thiên từ thờ ơ, lãnh đạm đến hoài nghi, đến đố kỵ thẳng thừng. 84% số người được thăm dò trong một cuộc trưng cầu ý kiến công bố vào tháng 1 năm 2004, chẳng hạn, đã nói rằng ở Nga người ta làm giàu được là nhờ móc ngoặc móc nối. Bốn trong năm người trả lời phỏng vấn cho rằng sự chênh lệch giàu nghèo ở Nga hiện nay là quá đáng và bất chính và hầu như mọi người đều qui trách nhiệm về nạn nghèo khổ khắp nước cho hệ thống kinh tế bất công [10] . 
    Chỉ khoảng một phần tư dân số Nga coi quyền tư hữu như một nhân quyền quan trọng [11] . Một nhà phân tích Nga gán nhãn quan này cho sự phân chia tài sản không đồng đều ở trong nước. Theo ước tính của ông ta, chỉ có 3,6 triệu công dân Nga có tài sản đáng bảo quản: “Ở Nga, quá ít người có cái một cái gì đáng giá cần phải giữ gìn. Vì lẽ này, quá nhiều người muốn tước đoạt tài sản của kẻ khác” [12] . Phù hợp với giải thích này, các dữ liệu do thăm dò dư luận cho biết hơn nửa dân số trong nước coi những hành vi như quỵt nợ và ăn cắp ở tiệm quán là điều “hoàn toàn chấp nhận được” [13] . 
    Tinh thần kinh doanh của người Nga cũng yếu ớt, bởi vì họ tha thiết với an sinh hơn là theo đuổi tham vọng cá nhân. Chẳng hạn, khi trả lời câu hỏi: “Bạn có chấp nhận chức vụ điều khiển một xí nghiệp không?”, chỉ có 9% chịu nhận, trong khi 63% “dứt khoát là không, dù với điều kiện nào” [14] . Chừng 60% dân Nga bày tỏ ước muốn một mức thu nhập dù thấp nhưng được đảm bảo, trong khi chỉ 6% sẵn sàng chấp nhận những rủi ro của tự do kinh doanh [15] . Càng ngày càng có nhiều người Nga mong muốn chính phủ can thiệp nhiều hơn vào đời sống kinh tế của quốc gia [16] . Vào năm 1999, 72% cho biết họ muốn giới hạn sự xuất phát của kinh tế tư doanh[17] . Điểm lạc quan duy nhất là thế hệ trẻ có khuynh hướng ủng hộ khu vực tư doanh và việc làm giàu theo đường lối tư bản hơn là người già [18] .

    Tâm trạng mâu thuẫn
    Nước Nga là quốc gia có cái nhìn mâu thuẫn về chính mình. Khi được hỏi họ cảm thấy thế nào về chính họ và đất nước họ mà không đối chiếu với các quốc gia khác, gương mặt người Nga rạng rỡ tự hào. Họ nhắc đến “lịch sử sinh động, văn hoá phong phú, tình bằng hữu, tính chân thật, cởi mở, những tình cảm nồng nàn, và sự bình tĩnh”. Họ đặc biệt thích khoe khoang về chiến thắng của họ trong Thế chiến II và sự dẫn đầu của họ trong việc thám hiểm không gian. Họ tự coi mình là dân tộc có khả năng to lớn nhất để làm bạn với bất cứ quốc gia nào trên thế giới [19] .
    Nhưng hình ảnh này thay đổi triệt để khi được hỏi họ nghĩ gì về chính mình trong tương quan với các quốc gia khác. Theo kết quả thăm dò dư luận của trung tâm Validata, người Nga bị một mặc cảm tự ti mãn tính: họ có lòng tự tin thấp nhất trong năm nước được nghiên cứu (Mỹ có lòng tự tin cao nhất). Nhận xét này đưa đến một giải thích đầy tính thuyết phục về các khuynh hướng mới nảy sinh trong nền chính trị tại Nga: bị hụt hẫng vì mất bản sắc quốc gia sau năm 1991, nước Nga đang phấn đấu để tạo ra một bản sắc mới dựa trên sự pha trộn gồm ba chủ nghĩa: Sa hoàng, cộng sản và Stalin [20] . Làm cho nhân dân gắn bó với một chính quyền mạnh là điểm chủ yếu của nổ lực này. Và một “chính phủ mạnh” có nghĩa là có một sức mạnh quân sự khiến người nước ngoài phải kính phục hay sợ hãi.
    Nhiều người Nga vẫn còn thấy họ bị các thế lực thù địch bao vây. Trong một cuộc thăm dò, khi được hỏi, “Nước Nga có kẻ thù không?”, 2/3 đã trả lời là “có”, họ nêu tên các thế lực sau đây (theo thứ tự là mối đe doạ từ lớn đến nhỏ mà họ cảm nhận): “giới công nghiệp-tài chính ở phương Tây”, Hoa Kỳ, NATO, các “đầu sỏ chính trị” và các chủ ngân hàng Nga, các nhà hoạt động dân chủ, và các phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhiều quan sát viên Nga giải thích rằng nhân dân cần có kẻ thù bởi vì kẻ thù cung ứng suối nguồn duy nhất cho tình đoàn kết quốc gia; họ lý giải rằng lý tưởng tự do đã chứng tỏ không thể làm thứ “xi măng” tâm lý nhằm tạo sự đoàn kết đó [21] . 
    Nhằm chặn đứng những mưu mô của bọn thù nghịch tưởng tượng này, 78% dân Nga đòi hỏi nước Nga phải giữ vai vế của một cường quốc. Nguyện vọng này được biểu hiện trong nhiều cách thế khác nhau. Vào năm 1999, khi được yêu cầu liệt kê 10 vĩ nhân lớn nhất của mọi thời đại và mọi quốc gia, người trả lời nêu tên chín người Nga. (Người nước ngoài duy nhất là Napoléon, thiết tưởng cũng chỉ vì ông ta bị thất trận trên đất Nga). Năm người đứng đầu trong danh sách là Peter Đại Đế, Lenin, Pushkin, Stalin và phi hành gia Iurii Gagarin [22] . Ngoài Pushkin ra, những nhân vật lịch sử này có một điểm chung là những thành công của họ đã làm cho nước Nga trở thành một cường quốc trên mặt đất và trong vũ trụ. Khi được hỏi tại sao họ khâm phục Stalin, người ta trả lời, “Vì ông có công dựng nước” [23] . 
    Nỗi luyến tiếc mà nhiều người dành cho Liên bang Xôviết phát xuất từ niềm tin là Liên Xô đã làm cho nước Nga trở thành một đại cường trên trường quốc tế, một tư thế mà nước này đã đánh mất. Khi được hỏi họ muốn các quốc gia khác nhìn nước họ như thế nào, 48% dân Nga trả lời “hùng mạnh, bất khuất, bất diệt, một đại cường trên thế giới”. Chỉ 22% muốn được người nước ngoài coi là “giàu có thịnh vượng”; 6% muốn được coi là “có giáo dục, văn minh, văn hoá”; 3% muốn được coi là “yêu chuộng hoà bình và thân thiện”; và chỉ 1% muốn coi là “biết tôn trọng pháp luật và có tinh thần dân chủ” [24] . Những tài liệu phát hiện này giúp giải thích tại sao có quá nhiều người Nga - đến 74% trong một cuộc thăm dò – ân hận về sự tan rã của Liên Xô [25] . Một cuộc thăm dò khác, thực hiện vào cuối năm 2000, hỏi người dân Nga, họ coi chế độ hiện nay hay chế độ trước đó là “chính đáng, được lòng dân, và là chế độ của họ”? Một phần ba số người trả lời đã dùng những thuộc từ này cho Liên Xô, một chế độ đã không còn tồn tài được chín năm. Chỉ có 12% coi chế độ hậu cộng sản là “chính đáng”, và chỉ 2% gọi nó là “chế độ của họ” [26] . Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi được hỏi trong một cuộc thăm dò vào tháng 10 năm 2003, liệu họ sẽ phản ứng như thế nào nếu phe cộng sản tổ chức một cuộc đảo chánh? 23% số người trả lời nói rằng họ sẽ tích cực ủng hộ cuộc đảo chánh đó, 19% sẽ hợp tác với quân nổi dậy, 27% sẽ cố gắng để sống còn, 16% sẽ di dân sang nước khác, và chỉ có 10% sẽ tích cực chống lại cuộc đảo chánh [27] .
    Phổ biến khắp nước Nga là thái độ thù nghịch với phương Tây, mà nhiều người vẫn còn coi là kẻ thù và có những giá trị quá xa lạ. Câu hỏi: “Bạn có cảm thấy mình là người châu Âu không?”, chỉ có 12% trả lời “Vâng, luôn luôn”, trong khi đó, có đến 56% trả lời “Thật chẳng bao giờ” [28] . Hoa Kỳ bị thù ghét một cách đặc biệt, phần lớn là vì nước này bị coi là kẻ tiếm ngôi bá quyền thế giới, một địa vị mà trước đây nước Nga có thời chia sẻ. Mọi động thái của Hoa Kỳ trên trường quốc tế hay trong việc thám hiểm vũ trụ đều bị các cơ quan truyền thông Nga giải thích là thêm một mưu mô củng cố sự thống trị của Washington. Khả năng chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ ở Iraq thoạt đầu cũng bị đem ra chế giễu (“Trong lịch sử quân sự, người ta chưa từng thấy có sự sợ hãi như thế và có việc nã súng loạn xạ điên khùng như thế” - một nhà báo đã viết như thế về quân Mỹ ở Iraq trên Izvestiia[29] . Khi chiến tranh kết thúc bằng một chiến thắng nhanh chóng và dứt khoát, báo chí Nga lại thêm một lần nữa khinh mạn Hoa Kỳ: thành quả có được là do hối mại quân đội Iraq chứ không phải do họ có sự can trường và chiến lược quân sự đúng đắn. 

    Người của công chúng 
    Tóm lại, những kết luận rút ra từ các cuộc thăm dò ý kiến của dân Nga không có gì khích lệ. Các nhà bình luận phương Tây nhìn một cách bi quan khi Putin dần dà và cố tình biến nước Nga thành quốc gia độc đảng. Nhưng họ không nhận ra điều bi quan hơn nữa là, đa số dân Nga chấp nhận hành động của ông ta. Chiến thắng của Putin trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2004 nhất định có phần nhờ sự bóp nghẹt đối lập của ông. Nhưng ông được dân chúng ưa thích chính là nhờ ông phục hồi lại mô thức chính quyền truyền thống của Nga: một quốc gia độc tài, trong đó, người dân trút bỏ được trách nhiệm về sinh hoạt chính trị và trong đó, hình bóng tưởng tượng về bọn thù nghịch nước ngoài được gợi lên để hun đúc một tình đoàn kết giả tạo. Nguyện vọng duy nhất của người dân mà Putin chưa thoả mãn được là phục hồi tư thế cường quốc quân sự vĩ đại cho nước Nga. Nhưng nếu việc ông đối phó với những đòi hỏi khác của công chúng đã mang lại một mô thức cai trị thì nguyện vọng bá quyền này cũng có thể được đáp ứng kịp thời. 
    Richard Pipes là Giáo sư danh dự khoa Lịch sử của Đại học Harvard. Ông từng là Giám đốc Vụ Đông Âu và Xô viết tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Chính phủ Mỹ trong những năm 1981-82

    Bản tiếng Việt © 2007 talawas 


    [1]Chelovek i vlast (Moscow, 1999), trang 17
    [2]Izvestiia, Aug. 21, 2003
    [3]Validata, Nations as Brands (Moscow, 2003), trang 20
    [4]Izvestiia, July 29, 2003
    [5]Vestnik Moskovskoi Shkoly Politicheskikh Issledovanii, no. 13, (1999), trang 91
    [6]Izvestiia, Nov. 14, 2003
    [7]Izvestiia, Dec. 22, 2003
    [8]Izvestiia, Jan. 14, 2004
    [9]Financial Times, Dec. 30, 2003
    [10]Izvestiia, Jan. 22, 2004
    [11]Chelovek i vlast' (Moscow, 1999); trang 10
    [12]Izvestiia, Nov. 12, 2003
    [13] Chelovek i vlast' (Moscow, 1999); trang 31
    [14]Vestnik Moskovskoi Shkoly Politicheskikh Issledovanii, no. 13 (1999), trang 119
    [15]Chelovek i vlast' (Moscow, 1999); trang 14
    [16]Izvestiia, Jan. 22, 2004
    [17] Chelovek i vlast' (Moscow, 1999); trang 4
    [18]Chelovek i vlast' (Moscow, 1999); trang 5
    [19]Izvestiia, Aug. 21, 2003, trang 3/64&67
    [20]Validata, Nations as Brands (Moscow, 2003), trang 14.
    [21]Chelovek i vlast', Appendix; trang 103; 12
    [22]Chelovek i vlast' (Moscow, 1999), trang 19.
    [23] Izvestiia, Aug. 21, 2003
    [24]Izvestiia, Nov. 14, 2003
    [25]Chelovek i vlast' (Moscow, 1999), trang 9.
    [26]Izvestiia, Nov. 21, 2000
    [27]Izvestiia, Nov. 8, 2003
    [28]Vestnik Moskovskoi Shkoly Politicheskikh Issledovanii, no. 10 (1998), trang 98
    [29]Izvestiia, April 10, 2003
    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11470&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org