Vấn đề khắc phục quá khứ toàn trị

Posted on
  • Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Sergej Sergeevich Averincev
    Lại Nguyên Ân dịch

    Lời người dịch - Tin S.S. Averincev mất ở Vienna ngày 21.2 vừa qua đã không đến được hoặc đến quá chậm với những người Việt có quan tâm đến văn hóa, học thuật Nga. Sergej Sergeevich Averincev (1937 - 2004) là nhà ngữ văn, nhà văn hóa, dịch giả; ông là chuyên gia về Kinh Thánh (Bible), về văn hóa Ki Tô giáo; di sản trứ thuật của ông không lớn về số lượng nhưng nổi bật ở sự hiếm hoi và đặc sắc. Người ta thường nhắc đến các chuyên luận của ông như Plutarkh và môn tiểu sử cổ đại (1973), Thi pháp văn học Tiền Byzance (1977), đến những bài ông soạn cho các loại sách Bách khoa hoặc tham gia các công trình tập thể mà dư luận khoa học thường đánh giá rất cao.

    Để tưởng nhớ học giả S.S. Averincev, dưới đây tôi lược dịch tham luận của ông tại Hội thảo quốc tế (Moskva 15.5.2001) với chủ đề: "Khắc phục và định hướng mới cho sự nghĩ lại về quá khứ. Kinh nghiệm của Nga và Đức ở giao thời hai thế kỷ". Bài đăng ở tạp chí Nga "Novyj Mir", số tháng 9.2001. 

    "Khắc phục" quá khứ toàn trị [1] , – là nhiệm vụ mà về lý thuyết đang đặt ra trước tất cả các dân tộc đã có trải nghiệm toàn trị, mặc dù trên thực tế không phải tất cả.

    Một trong những bài học mà chúng tôi rút từ sự phân tích những điên rồ toàn trị là: Mọi hệ thống lập luận đều hóa điên rồ khi nó trở nên không thể phê bình đối với chính nó. Nhất là – đối với mọi dạng thức phê bình – vấn đề danh dự, cái nhìn tỉnh táo vào chính mình.

    1.

    Phải nhận rằng bản thân cái lệnh "khắc phục" quá khứ của mình, tức là phê phán một cách hệ thống hành vi ứng xử không phải của những thủ lĩnh này khác của dân tộc mà là của cả dân tộc này nói chung, trong ý thức về mình của dân tộc ấy, thì đây là hiện tượng hoàn toàn mới, chưa hề có gì tương tự trong toàn bộ lịch sử nhân loại.

    Khi Carl Jaspers xuất hiện năm 1946 với công trình lừng danh "Vấn đề tội lỗi" [2] , ông đã thực sự phác họa được cái nhiệm vụ mà đến tận nay vẫn chưa hề được bàn luận; tôi muốn nói không phải cái casus [3] riêng của nước Đức mà là chính cái cấu trúc logic của vấn đề cả một vệt quang phổ rộng những cấp độ khác nhau của tội lỗi tập thể.

    Tư tưởng cho rằng kẻ thực thi mệnh lệnh quân sự không trực tiếp gắn với công việc của đao phủ theo nghĩa hẹp, – vẫn là kẻ có tội trước nhân loại và trước bản thân nếu như phán quyết của dư luận xã hội thế giới và của lương tri y không thừa nhận cuộc chiến ấy là chính đáng, – tư tưởng này là xa lạ với các thế kỷ trước. Với tư cách kẻ nô dịch các dân tộc, "tiếm vương" Napoléon có thể là kẻ có tội, xét cả theo quan điểm của nền quân chủ truyền thống lẫn theo quan điểm tự do hơn; nhưng không thể phổ biến thật đúng điều này cho các chiến binh của "Grande Armée", và không phải ngẫu nhiên viên tướng Nga Bagration vào phút tử thương trên chiến trường Borodino còn kịp kêu lên lời ca tụng quân thù, – những lính tinh nhuệ Pháp đang quả cảm xông lên: "Bravo, bravo!" Sự khởi đầu thế chiến I đã kích thích kiểu diễn ngôn theo đó không chỉ giới thượng lưu cầm quyền phía đối phương mà toàn bộ nền văn minh gắn với giới ấy đều trở thành đối tượng tấn công có hệ thống, được thực hiện đôi khi bởi những khối óc ưu việt của các nước tham chiến, ví dụ trong đó có Thomas Mann phía Đức và Charles Péguy phía Pháp. Thomas Mann và Chesterton, vốn chẳng gần nhau mấy, bỗng gần nhau đến kỳ lạ khi chứng minh rằng chính nước Đức, hoặc ngược lại, chính nước Anh trong xung đột đã trình ra cái cao thượng của truyền thống văn hóa vốn có của mình, còn phía đối phương, – bao giờ cũng là nền văn minh kỹ nghệ chết người; điều này giống với cuộc cãi vã của những kẻ song trùng, nhại cử động của nhau trong gương, nhưng chẳng ai trong họ biết kẻ kia là thế nào. Sự hình thành các chế độ toàn trị đã tận dụng xu hướng này cho các nhu cầu của mình và khuếch đại nó: đối với diễn ngôn Quốc xã, tất cả những người chống đối về bản chất đều là “không phải con người" [4] ; đối với diễn ngôn Xô Viết, sẽ là vô cùng có tội về đạo đức, xét về nguyên tắc, mỗi người nước ngoài nào không đặc biệt nỗ lực để trở thành "người bạn của Liên Xô [5] ", và qua đó chuộc lại lỗi lầm. Tất cả những gì của mình đều được chủ nghĩa toàn trị bằng mọi cách thu hút vào để chịu trách nhiệm cho từng hành động của nó, và thật ra đây chính là tính toàn trị của nó, tức là về mặt xấu của nó cũng khác các dạng chuyên chế cổ xưa hơn vốn thỏa mãn với sự nhẫn nhịn phục tùng của những kẻ bị đàn áp và không đòi hỏi một sự đồng lõa làm ra vẻ tự nguyện dưới dạng mô phỏng các cuộc bầu cử, biểu tình đòi trừng phạt, v.v. Điều này tạo ra một văn cảnh đặc thù cho những kẻ kế tục. Vấn đề không phải là cần một mệnh lệnh ngoài thời gian mà ngược lại, cần hình thành nó trong trí nhớ chúng ta.

    2.

    Sẽ không mảy may làm hỏng, làm hại chút gì cho chính cái nguyên tắc làm cơ sở cho tư tưởng "khắc phục" quá khứ nếu chúng ta từ bỏ sự huyền thoại hóa, lý tưởng hóa cái hoàn cảnh mà tại đó, tức là thời điểm kết thúc thế chiến II, tư tưởng này đi vào thực tại chính trị. Sự huyền thoại hóa này càng khả thể thì lại càng xác nhận một cách đáng buồn cái câu hỏi dù sao cũng rất nổi tiếng do một số người Nga bất đồng chính kiến nêu ra vào lúc cáo chung hệ tư tưởng Xô Viết: Tại sao không lập tòa án Nürnberg để xử tội chế độ toàn trị cộng sản? Để đặt ra thật nghiêm túc câu hỏi như vậy, cần hoàn toàn quên đi cái thực tại kinh nghiệm của tòa án ấy và chỉ nhìn vào cái hệ hình pháp luật đạo đức trừu tuợng hóa nào đó. Lẽ đương nhiên là những tiền đề của tòa án Nürnberg đã được chuẩn bị bởi những phản tư đạo đức toàn thế giới, tham gia vào đó có cả "nước Đức khác" [6] , – nước Đức lưu vong và kháng chiến; thiếu phản tư ấy thì không thể có tòa án nọ. Nhưng để biến tiền đề thành thực tại, – thực tại không hoàn thành, như bất cứ thực tại nào, nhưng có quyền của thực tại, – lại cần phải có những nhân tố hoàn toàn khác. Thực dụng học [7] liên minh với các lý do đạo đức, vẫn cứ là thực dụng học. Thắng lợi quân sự của các nước liên minh (trong số này ta đừng quên có Liên bang Xô Viết thời Stalin đang ở đỉnh cao toàn trị) chỉ làm cho trở nên khả thể cả tòa án Nürnberg lẫn chương trình giải Quốc xã do chính quyền chiếm đóng thực hiện. Thực tại thực dụng ấy tất bao hàm những lối thoát[8] tiêu cực: chính bom Anh đã ném xuống các thành phố Đức, chính những cuộc đàn áp cư dân Đức lại bị một kẻ nổi lên chống lại, kẻ đó là Lev Kopelev từng bị đày đến GULAG, chính những vặt vãnh vô nghĩa lý đã hiện ra trong quá trình giải Quốc xã (ví dụ nhạc trưởng vĩ đại W. Furtwängler từng bị đình chỉ chức trách), ấy là chưa nói đến sự cai quản toàn trị của lực lượng chiếm đóng Xô Viết mà tiến trình có mặt của nó cũng là tiến trình thiết lập và tồn tại nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, – vấn đề "khắc phục" di sản của chính thể này được bàn tới trong tham luận của đồng nghiệp Manfred Bierwisch. Liệu có phải cái tính nửa vời, – mà báo cáo của đồng nghiệp Hans Mommsen nhận xét về giai đoạn đầu thời Adenauer, – đã bị quy định bởi phản xạ tâm lý khó tránh khỏi (không chỉ của những người quốc xã cực đoan) đối với những hành động kinh tởm của chính quyền chiếm đóng? Nhưng vì sao không chỉ bản thân cái quá khứ như nó vốn vậy mà còn cả những tiếp cận gầy đây đối với sự thanh toán quá khứ cũng gắt hơn, không chỉ có lý do đạo đức mà còn có những văn cảnh tình thế với các yếu tố thay thế nhau.

    Ở Liên Xô, một nước thắng trận khi đó, sự thể diễn ra hoàn toàn khác. Cái tình thế dẫn đến chỗ mà tiếng Đức gọi là “bước ngoặt" [9] , đã nảy sinh bởi cả một phức hợp những nguyên nhân nội tại. Tôi không khỏi lấy làm tiếc phải nhận xét rằng, dư luận xã hội phương Tây đương thời có lẽ đã quá coi mỗi nhượng bộ của Liên Xô thời Gorbachev như là hành vi thuần túy của lương tri tự do, được dẫn đạo bởi cái gọi là tư duy mới, sau đó dư luận ấy lại quá nhanh chóng ngoặt 1800, coi sự thể xảy ra như thất bại giản đơn, tương tự thất bại quân sự. Chừng như mới hôm qua người Nga chúng tôi còn được coi là có sáng kiến thiện chí chấm dứt "chiến tranh lạnh", còn hôm nay chúng tôi chuyển sang quy chế người thất bại cũng trong cuộc chiến tranh ấy. Nói cho nghiêm túc, thực tại không bao giờ có thể bị lược quy vào một ý niệm đơn dạng, màu hồng hoặc màu đen. Định tính cặn kẽ mọi lý do đã dự phần vào những gì đã xảy ra, từ những điều thực dụng nhất đến những điều phù hợp với lương tri, – là một đề tài độc lập và không thể đưa ra tại đây. Dẫu thế nào đi nữa cũng không thể không thấy vai trò của sự phản kháng về đạo đức chống chế độ toàn trị. Sự phản kháng ấy đạt tới một sức mạnh mà người ta không thể không tính đến để không bắt đầu một vòng xoắn mới của sự khủng bố không kiềm chế. Khủng bố là điều mà Gorbachev không muốn, nhưng ông ta cũng không mạnh đến mức có thể chiến thắng vô điều kiện. Kết cuộc là có sự thỏa hiệp giữa giới tinh hoa cấp cao Liên Xô và bộ phận đối lập của xã hội; sự thỏa hiệp mà điều kiện của nó chẳng xa xôi gì so với chương trình mà Solzhenitsyn đề ra trong "Thư gửi lãnh đạo Liên Xô": chúng tôi được giải phóng khỏi hệ tư tưởng toàn trị, nhưng dưới dạng trả giá bằng một cuộc giải phóng hòa bình, không đổ máu, và cấp chỉ huy cũ nhìn chung vẫn tại vị. Chúng tôi đã chấp nhận thỏa hiệp đó; cho đến tận bây giờ tôi vẫn không thấy một lựa chọn thay thế nào khác ngoại trừ tai biến đổ máu. Nhưng thỏa hiệp ấy lại đặt cho chúng ta câu hỏi về sự thay đổi giới tinh hoa cấp cao trong một văn cảnh đặc biệt: buộc phải tính rằng trật tự cũ không bị đánh bại bởi lực lượng bên ngoài hoặc bởi sự nổi dậy từ bên dưới, nó bị tháo dỡ bởi những đại diện của bản thân giới tinh hoa cấp cao của đảng. Một định lý đạo đức pháp lý cũ có nói: pacta sunt servanda, các thỏa ước phải được tuân thủ.

    Tôi tự cho phép được nhận xét rằng nếu như lương tri mỗi dân tộc Nga hay Đức cũng như dư luận xã hội thế giới đòi hỏi cả nước Đức lẫn nước Nga phải có sự luận bàn mới mẻ hơn về những tội lỗi của mình, thì trên đời lại có những nước mà không ai đòi hỏi điều đó, dù hòa bình hay tiếng nói lương tri. Một trong nhiều ví dụ là Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến nay vẫn không có nhượng bộ nhỏ nào trong việc phủ nhận sự kiện diệt chủng 1914-15 và những năm tiếp theo, làm biến mất một bộ phận lớn cư dân Armenia. Việc nhà nước Pháp chính thức thừa nhận sự kiện này gần đây đã gây phản ứng rất giận dữ từ phía Ankara. Thế giới còn lại thì im lặng, – người ta quá cần Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách đồng minh; câu hỏi về việc nước này gia nhập Cộng đồng châu Âu lại được đặt ra. Bên trong nước Thổ người ta vẫn làm thinh...

    Có lẽ không phải bất kỳ nền văn hóa nào cũng chấp nhận cái ý niệm, theo đó cả dân tộc cần phải suy tư về trách nhiệm tập thể của mình trước những sai lầm và tội lỗi trong quá khứ dân tộc mình, thú nhận những sai lầm và tội lỗi đó trước toàn thế giới. Tư tưởng đó hoặc là có hoặc là không. Nếu có, với tư cách là một tư tưởng đạo đức bất kỳ, nó có thể bị dồn ép hoặc áp chế nhất thời, nhưng vẫn tiếp tục ngấm ngầm sống. Rõ ràng tư tưởng này có sự liên hệ với việc đánh giá cao những bộc bạch và sám hối vốn trực tiếp hoặc gián tiếp bắt nguồn từ truyền thống Ki Tô giáo. Ở sự phân loại nổi tiếng có xuất xứ từ Ruth Benedict, toàn bộ điều nói trên được gọi là văn hóa lương tri. Ngược lại, các nền văn minh phương Đông theo truyền thống lại được xác định là văn hóa xấu hổ: nơi ấy người ta cần "giữ thể diện", muốn thế, cách tốt nhất là người ta đừng để lộ những bí mật khó coi của mình. Chủ nghĩa tự do hiện đại đôi khi tỏ ra ưa thích văn hóa xấu hổ hơn, như thể phòng ngừa những xúc cảm quá tiêu cực; nhưng rất rõ là tương lai của truyền thống tự do của châu Âu gắn với văn hóa lương tri. Đây là một hiện tượng riêng biệt. Cố nhiên, ngày nay ở các nước phương Đông chúng ta có thể gặp một số lượng đáng kể những người bảo vệ lẽ phải, sẵn sàng theo đuổi lẽ phải; nhưng tôi có lẽ không thể hình dung ra một Solzhenisyn Trung Hoa với cái mạnh mẽ, cái công khai ở mức như đồng sự người Nga, hiện diện trước toàn thế giới trong tư cách kẻ luận tội hăng say, gọi ra trong lời buộc tội của mình tất cả tội lỗi của Tổ quốc thân yêu nhất của mình! Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa được nghe nói đến một ý định nào nghĩ lại về việc bắn hạ những người Armenia, từ một tiểu thuyết gia hay nhà viết tiểu luận người Thổ, thậm chí thuộc phe đối lập. Chính cái điều đặc trưng cho Solzhenitsyn, như chúng ta biết, là tình cảm dân tộc đã đạt đến mức một dục vọng, chỉ làm tăng sự tương phản: thậm chí ngay đương thời điều đó cũng không ngăn cản được ông nói một cách hoàn toàn công nhiên về những điều sai sự thật được tạo ra dưới thời Stalin về quan hệ của các dân tộc bị đàn áp...

    Đương nhiên là chúng tôi với tư cách cá nhân cũng như với tư cách tập thể, đang thể hiện sự sẵn sàng suy nghĩ không phải về lương tri, mà là về chỗ làm sao cứu vớt thể diện. Nhưng chúng tôi không thể làm như thể cứ vậy mà tin (bona fide), như chưa hề có gì xảy ra; và sự bất khả nội tại này hợp nhất những người Nga chúng tôi với những người phương Tây. Cá nhân tôi không hề nghi ngờ gì rằng đây là chỗ thể hiện, dù qua sự khúc xạ thế tục hóa, tác động của di sản Ki Tô giáo chung đối với chúng ta.

    3.

    Chương trình “khắc phục" [10] hiện diện (một cách hoàn toàn tự nhiên và cần thiết) như là chương trình giáo dục lại quần chúng; bình diện này là cần để một trong những trò chơi tốn sức và phi thực của giới có học đừng bị xoay chuyển lại vào trong nhóm hẹp. Nhưng điều này lại khiến chương trình ấy trở nên gần gũi một cách nguy hiểm với chính cái chủ nghĩa toàn trị đang cần bị khắc phục, chính cái chủ nghĩa toàn trị đã từng đệ trình dự án toàn trị về việc giáo dục lại, như ở thời Liên Xô người ta vẫn nói, "cải tạo" bản chất người, xây dựng "con người mới". Với sự kính trọng chân thành của tôi đối với Carl Jaspers, sự kính trọng mà tôi đã bộc lộ ngay từ thời Xô Viết, phải nhận rằng tôi hiểu (tuy không tán thành) phản ứng nổi tiếng của Ernst Robert Curtius chính là nhằm chống lại cái tham vọng sư phạm hoạt động như là "ông thày Đức" [11] , kẻ rốt cuộc sẽ dạy dỗ mọi người và mọi thứ rồi sẽ đâu vào đó. Đúng là trải nghiệm chế độ toàn trị tạo ra sự dị ứng đặc biệt chống lại những chiến thuật thường quá đặc trưng cho những người đi dạy dỗ đại chúng, hay đề ra cho học trò những công thức để học thuộc lòng và lặp đi lặp lại.

    Học giả và nhà tư tưởng nổi tiếng Karl Kerényi có lúc đã nói rằng tinh thần trừu tượng đã mở cánh cửa cho chủ nghĩa Quốc xã, khi mà những người Do Thái như những diện mạo riêng được đánh tráo bằng phạm trù phi ngã "chất Do Thái"; "giết những người Do Thái" – câu này nghe thật khủng khiếp, còn "thủ tiêu chất Do Thái" – lại dường như là công thức của một thao tác logic. Tôi sợ rằng trong thực tiễn giáo dục chính trị của các thế hệ mới vẫn còn cái gì đó chưa thoát khỏi cái sơ đồ từng đóng vai trò nguy hại trong chính cái quá khứ mà chúng ta đang khắc phục.

    Tôi xin san sẻ hai ấn tượng của tôi ở Vienna. Ai cũng biết, sau Anschluβ [12] , phần lớn các synagoge [13] mang tính lịch sử ở Vienna đều bị phá. Do sự cộng tác của những tổ chức có thanh thế nhất của người Do Thái với giới truyền thông đại chúng, một chiến lược đã nảy sinh nhằm nhắc nhớ thảm họa ấy bằng những hành động như dựng bản sao nhất thời cỡ lớn mặt trước [14] của một trong những synagoge đã mất ngay bên trên căn nhà có người ở đã mọc lên ở chính chỗ ấy. Còn tòa nhà nguyên là nhà nguyện cũ ở cạnh cái gọi là bệnh viện cộng đồng, kích cỡ khá khiêm tốn thì bị tàn phá, hoang tàn; ở đây người ta từng lập làm trạm biến thế, bây giờ thì dùng làm nhà kho, – sự thực dụng này khiến chúng tôi, những người Nga, phải miễn cưỡng nhớ lại thực tiễn Xô Viết trong việc đối xử với những địa điểm "thực hành lễ bái tôn giáo". Tôi thấy casus cụ thể này như triệu chứng để thấy hành động tuyên truyền rầm rộ buộc người ta nhớ khái niệm "tuyên truyền hoành tráng" của thời toàn trị Xô Viết mà thủ đoạn tương tự bài trí sân khấu, tức là một thứ bản sao [15] công nhiên; ký ức có thực về những nạn nhân thực của thời đã qua lại được ưa thích hơn cái thời trung gian này của chúng ta. Tôi cho đây không phải vấn đề cục bộ của Vienna và chỉ vì thế tôi mới nhắc đến tình tiết trên. Ấn tượng thứ hai, – là biểu tình, tuyệt nhiên không ủng hộ Quốc xã, ngược lại, hoàn toàn "tả", dành cho các xung đột Arập -Israel gần nhất; các cậu nhỏ cô nhỏ bước đều theo nhịp lặp đi lặp lại mãi không thôi lời hô: "Eins, zwei, drei – Palestina frei!" [16] Tôi không hiểu được rằng cùng một người có thể đồng cảm vô điều kiện với những đau khổ của người Do Thái thời Shoa [17] , cảm được liên hệ lịch sử giữa những đau khổ ấy và sự ra đời nhà nước Israel, – đồng thời cũng hiểu được, một cách có đồng cảm, vấn đề của tình thế mà người Arập đang lâm vào. Tôi biết điều này do kinh nghiệm, nhờ mối quen thân của tôi với những bạn bè Israel. Nhưng chính kinh nghiệm ấy lại khiến tôi thấy những mẫn cảm nan giải về tai họa và thiếu thốn của cả hai phía đã không thể biểu thị được ở cái công thức quá tự tín nửa trẻ con: "Eins, zwei, drei!" [18] Và tôi cảm thấy lo âu mỗi khi gặp thấy ở thế hệ trẻ, lớn lên trong những điều kiện khác xa chế độ toàn trị, có vẻ như nghe được nhiều thứ, cả những điều không hay về người Do Thái, – tôi gặp thấy ở họ chính sự sẵn sàng, – một cách quá cả tin, không một mảy may cảm giác trách nhiệm cá nhân, – ủng hộ và đồng thanh la hét những "chân lý" do cơ chế trung gian gà cho, những "chân lý" mà đương thời vẫn được hệ thống toàn trị sử dụng rộng rãi, sau khi được chế tạo bởi Hitlerjugend [19] , bởi đoàn Komsomol [20] . Không phải ngẫu nhiên mệnh đề "hát đồng ca" trở thành biểu tượng ảm đạm trong thính giác nhân vật chính thiên truyện được M. Bulgakov viết từ 1925: Trái tim chó. Nếu ta đồng tình với sự phê phán của Bulgakov đối với chế độ toàn trị thời đầu Xô Viết, thì tai họa của nó có xuất xứ chính từ thiên hướng "hát đồng ca" thái quá. Vậy thì thiên hướng này có còn là nguy cơ sau khi kết thúc dạng cổ điển của chế độ toàn trị? Liệu chúng ta có thể yên lòng trước những lời hò hét đồng thanh ngày nay, ngoại trừ những tuyên ngôn gây bê bối của bọn Phát xít mới, những lời hò hét đồng thanh đó, xét về nghĩa câu, chẳng giống với những khẩu hiệu thời toàn trị và chẳng thấm nhuần cái political correctness [21] tự do chủ nghĩa đó sao? Tôi có nhận xét rằng kinh nghiệm thời Xô Viết tập cho người Nga chúng tôi cái lối đem sự bất tín riêng biệt để đối xử với niềm hy vọng vào political correctness; ở thời tồi tệ bài Do Thái cuối triều Stalin, khi giới tinh hoa Do Thái bị trừ diệt một cách hệ thống, trong những thứ gọi là thông báo chính trị, thính giả vẫn được thông tin theo chính thống, nhưng những điều được ngấm ngầm loan truyền lại là những thuyết rất điên rồ, kể cả sự "vu khống đẫm máu" về việc người Do Thái dùng máu trẻ em, cũng ngấm ngầm có những phương sách chung được sửa soạn, với quy mô sánh được với Shoa, – trong lúc ấy báo chí Xô Viết vẫn rất mẫu mực về political correctness, không nhắc gì đến người Do Thái [22] , càng không nhắc đến “chất dịch" [23] (?), chỉ nói đến "những kẻ thế giới chủ nghĩa hèn hạ [24] ". Ở thời chúng ta, những "mốt" trí tuệ đổi thay quá nhanh, từng thế hệ mới hiện diện trong sự xung đột về thế hệ với người lớp trước, vậy mà nội dung những tuyên ngôn đồng thanh vẫn thay nhau như thế. Tôi không muốn tiên liệu những viễn cảnh ảm đạm, nhưng tôi tin một điều: nếu Thượng Đế không ban phát, thì lại là – để nói bằng ngôn ngữ kinh điển của tư tưởng Đức, – cái ác triệt để [25] , cái sức mạnh hoàn toàn không chấp nhận được theo sự xét đoán đạo đức, và sẽ không khó để tìm cho nó một mặt nạ ngôn từ, chỉ bề ngoài là không giống các dạng chế độ toàn trị mà ta đã biết. Thói quen đầu óc khiến chúng ta nhớ ngay điều Heraklit đã nói: Không thể tắm hai lần ở cùng một dòng sông (Đương thời, nỗi sợ trước sự phục hồi nền chuyên chế Sa hoàng đã ngăn cản một người Nga tự do chủ nghĩa cỡ Kerensky nhận ra nền chuyên chính Lenin còn khủng khiếp hơn đang tiến đến). Bởi vậy, vị tất đã là sớm việc dựng bức tường ngăn để chống lại những nguy cơ khả thể tương lai từ những công thức có thiện ý được làm sẵn, được lặp lại theo kiểu đồng ca, từ trò quỷ biện political correctness và những chất liệu cùng loại. Chủ nghĩa tự do ngày nay quá ít tự do, quá thiếu mẫn cảm về những gì không được gói vào những khẩu hiệu thông tin trung gian. Tuy nhiên, mũi chủng ngừa duy nhất gây miễn dịch chống lại khả năng một chủ nghĩa toàn trị mới, dù sao vẫn là cảm quan trách nhiệm của bản thân về mỗi lời nói và hành động của mình, sau nữa là sự bất tín đối với các trò ám thị, thôi miên của các kiểu tác động đại chúng, đối với tinh thần trừu hóa mà Kerényi đã nói.

    4.

    Tôi thấy nguy cơ cho việc khắc phục quá khứ ở hai trạng thái không giống nhau nhưng thường bổ sung nhau: duy cảm [26] và vô sỉ [27] . Tôi lấy ví dụ một casus không Nga không Đức: sự bất đồng về việc thủ tiêu người Do Thái ở thị trấn Edvabno, Ba Lan, ngày 10.7.1941. Cho đến nay người ta vẫn cho việc này là do quân chiếm đóng Đức; Jan Thomas Gross giáo sư ở New York thì khẳng định cư dân Ba Lan người địa phương đã thực hiện vụ đó. Không phải dân Ba Lan, không phải chuyên gia về sử Ba Lan, tôi không có ý kiến gì về luận điểm của Gross, vốn có vẻ không cần chứng minh [28] . Điều làm tôi buồn là kết luận này lại được tiếp nhận hoặc với sự phẫn uất của tinh thần ái quốc, hoặc ngược lại, với sự vui sướng độc địa theo tinh thần thế hệ, như thể bác bỏ hình ảnh Ba Lan với tư cách đất nước của những người chịu đựng đau khổ. Sau tất cả những "khắc phục" chủ nghĩa quốc xã, có thể nào lại chia dân thành "những người tốt" và "những người xấu", hơn thế, lại chỉ có nhóm thứ nhất mới đáng được thương xót, đồng cảm? Nếu đó không phải chủ nghĩa phân biệt chủng tộc [29] thì thế nào là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc? Có thể chăng ở tội lỗi đã hoàn thành người ta không thấy những kẻ đã thực hiện nó nhưng lại thấy tất cả "xã hội Ba Lan"? Những người theo tư tưởng Hitler chẳng đã luận bàn như thế rồi sao?

    5.

    Sự phân cách giữa các dân tộc, những trở ngại cho việc khắc phục về đạo đức đối với quá khứ toàn trị, hiện đang ra sao? Theo tôi, chúng đang chia thành hai hướng ngược nhau. Một phía là khuynh hướng phản tự do, hiếu chiến thâm căn cố đế, mang tính cách biệt lập chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa. Phía bên kia là khuynh hướng chủ nghĩa tự do hiện đại, tự gánh lấy nhiệm vụ giáo dục lại các dân tộc, hoạt động tương tự bất cứ hệ tư tưởng nào khác, tự giảm thiểu về khẩu hiệu, về hành động thô bạo như khả năng duy nhất; điều này không phải là bảo vệ tự do lựa chọn của cá nhân mà chủ yếu là tước bỏ ý nghĩa của lựa chọn ấy. Còn về hành động thì thường là không chỉ không đẹp mà còn thô lỗ dại dột xét từ quan điểm thực dụng bởi vì chính chúng đem lại cơ hội lên tiếng thế nào cũng được cho phía chống đối. Năm 1996, các đại biểu của Green Peace [30] đến Nga để cổ động cho viêc giải trang bị hạt nhân nước Nga, đối tượng dù nhìn ở góc độ nào cũng là nghiêm túc, họ tuyên bố muốn lôi cuốn thanh niên về phía những công việc lương thiện, nhưng lại chẳng tìm được cách gì tốt hơn là tổ chức những cuộc nhảy múa tạp kỹ bất nhã, gần như khiêu dâm. Thế là bất kỳ người Nga tân dân tộc chủ nghĩa hoặc tân cộng sản chủ nghĩa nào lại có thời cơ để nói: người ta mua giới trẻ nước ta bằng cái cách bẩn thỉu đến thế đấy! Loại tình tiết này quá nhiều và tuyệt nhiên không phải chỉ ở Nga mới có. Đây không phải sự dung chấp [31] , sự khoan dung [32] đối với đời sống riêng tư cá nhân; đây là sự gắn nối nguyên cớ tư tưởng của một lối sống nhất định cho cả thế giới mà chẳng hề xem xét phân tích gì, và đó chính là biểu tượng có vẻ linh thiêng về giá trị của nền văn minh dân chủ. Người theo đạo Hindu tự thiêu để tỏ ý phản đối cuộc thi sắc đẹp mà chẳng hiểu sao bằng mọi giá lại cứ phải tổ chức ở Ấn Độ; không thể tán thưởng hành động của người Hindu ấy, nhưng có thể và cần phải hiểu ông ta. Nếu không có những lý do như thế, những người tân Cộng sản, tân Phát xít, tân Quốc xã, những người Hồi giáo cuồng tín đều không có các cơ hội. Đúng là một người dân chủ không thể cho phép mình biểu lộ sự căm ghét và khinh miệt đối với con người của đám đông, khi buộc phải nghe những kẻ đê tiện hô hào chống chủ nghĩa tự do, khi đi bỏ phiếu bầu tại các cuộc bầu cử, v.v. Cứ mỗi lần chúng ta lại phải tự hỏi: để sử dụng quyền dân chủ của mình, chúng ta rốt cuộc phải bầu cho bất cứ ai mà chúng ta chỉ được biết qua thông báo, – liệu điều ấy có gây bất lợi cho chúng ta?

    6.

    Gắn với tất cả những điều trên, ta có lý để nhớ rằng các chế độ toàn trị không giản đơn là sự nổi dậy của tiềm thức với các "mẫu gốc" [33] của nó; chúng chỉ còn có cơ hội lịch sử chừng nào còn những đáp án hoàn toàn sai lầm giả dối cho những câu hỏi hoàn toàn thực, nảy sinh bởi khủng hoảng của những bản sắc [34] xưa cũ. Sự cáo chung và sự ô danh gần đây của các chế độ toàn trị khiến chúng ta cảm thấy hoàn toàn rõ rệt tính thực tại của chính những câu hỏi. Chỉ sự cởi mở thông thoáng đối với các câu hỏi, chỉ cái ý thức đầy đủ về danh dự và cái tỉnh táo trong thái độ mới có thể thực sự tước đi cơ hội quay trở lại của các khuynh hướng toàn trị trong tương lai. Việc giáo dục danh dự trí thức không thể thay thế việc tập luyện những phản xạ sẵn sàng "đúng đắn" nhất đối với ngôn từ.


    © 2004 talawas


    [1]Vergangenheitsbewältgung
    [2]Die Schuldfrage
    [3]trường hợp
    [4]Untermenschen
    [5]Drugom Sovetskogo Sojuza
    [6]"das andere Deutschland"
    [7]pragmatic
    [8]excessus
    [9]die Wende
    [10]Überwältigung
    [11]Praeceptor Germaniae
    [12]Chính sách đưa nước Áo vào thành một phần của nước Đức do chính quyền Hitler thực hiện từ 1938
    [13]nhà nguyện Do Thái giáo
    [14]façade
    [15]simulacra
    [16]Một, hai, ba, tự do cho Palestina!
    [17]thảm họa
    [18]Một, hai, ba
    [19]Đoàn thanh niên Hitler.
    [20]Đoàn thanh niên Cộng sản Liên Xô
    [21]Đúng lập trường (chính thống) về chính trị
    [22]evrej
    [23]zhidov
    [24]prezrennykh kosmopolitakh
    [25]das radikale Böse
    [26]sentimentalisme
    [27]cynisme
    [28]Xem bài của Andrej Kolesnikov: Bài học Ba Lan // Izvestija, Moska 22/5/2001, trong đó các sự kiện được J.T. Gross đưa ra hoàn toàn không ngờ vực gì cả
    [29]racisme
    [30]Tổ chức Hoà bình Xanh
    [31]permissibility
    [32]tolerance
    [33]archetypes
    [34]identity

    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=2184&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org