Fareed
Zakaria
Phạm Hồng
Sơn dịch
Xung đột sắc
tộc và chiến tranh
Vào ngày 08
tháng 12 năm 1996 Jack Lang[1] đã
gây ra một cú hích đầy kịch tính cho Belgrade. Chính trị gia nổi tiếng người
Pháp, cựu bộ trưởng văn hóa, trước đó đã bị phấn khích bởi các cuộc biểu tình của
sinh viên đang lôi cuốn hàng chục ngàn người chống lại Slobodan Milosevic[2],
và như thế một con người mang tên Lang và nhiều trí thức phương Tây đã nhận lấy
trách nhiệm đối với cuộc chiến tại vùng Balkan. Lang muốn đem lại sự hỗ trợ
tinh thần cho phe đối lập trong Liên bang Nam Tư. Nhưng các lãnh đạo của phong
trào đối lập đã tiếp ông ta trong văn phòng của họ – khoa triết học- chỉ để đá
ông ta ra ngoài và tuyên bố ông ta là “kẻ thù của người Serbia,” và lệnh cho
ông ta phải rời khỏi nước này. Hóa ra là các sinh viên chống lại Milosevic
không phải vì tội khởi động cuộc chiến, mà vì đã thất bại trong cuộc chiến.
Sự bối rối của
Lang làm nổi bật hai suy diễn thông thường, và thường là nhầm lẫn, khi cho rằng
sức mạnh của dân chủ là sức mạnh của sự hài hòa sắc tộc và của hòa bình. Nhưng
cả hai đều không nhất thiết là đúng. Các chế độ dân chủ tự do trưởng thành luôn
có khả năng dung nạp các chia rẽ sắc tộc mà không có bạo lực hoặc khủng bố và sống
hòa bình với các nền dân chủ tự do khác. Nhưng nếu thiếu nền tảng của chủ nghĩa
tự do hiến định, việc đưa thiết chế dân chủ vào một xã hội đang bị chia rẽ
trong thực tế đã kích động chủ nghĩa dân tộc, xung đột sắc tộc và thậm chí cả
chiến tranh. Một loạt các cuộc bầu cử được tổ chức tới tấp ngay sau khi chủ
nghĩa cộng sản sụp đổ tại Liên bang Xô Viết và Liên bang Nam Tư cũ đã mang lại
chiến thắng cho các nhóm ly khai dân tộc chủ nghĩa và dẫn đến sự tan rã của các
quốc gia đó. Tự thân các cuộc bầu cử này không phải là xấu, bởi vì các quốc gia
đó đã bị ràng buộc với nhau bằng bạo lực. Nhưng quá trình giải thể vội vã, thiếu
những cơ chế bảo hiểm, những định chế hoặc quyền lực chính trị dành cho các
nhóm sắc tộc thiểu số trong các quốc gia mới, đã gây ra những vòng xoắn nổi loạn,
đàn áp và tại những nơi như Bosnia, Azerbaijan hay Georgia, đã gây ra chiến
tranh.
Bầu cử là
thiết chế đòi hỏi các chính trị gia phải cạnh tranh để lấy phiếu cử tri. Các xã
hội thiếu một truyền thống chắc chắn về hội nhập hay về các nhóm đa sắc tộc
chính là nơi dễ nhất để tổ chức lực lượng ủng hộ dựa trên đường lối có tính chủng
tộc, sắc tộc hay tôn giáo. Khi một nhóm dân tộc nắm được quyền, nó có xu hướng
loại bỏ các nhóm dân tộc khác. Khi đó gần như không thể có sự thỏa hiệp; bởi vì
người ta có thể thương lượng về các vấn đề vật chất như nhà ở, bệnh viện hay đồ
cứu trợ, nhưng làm sao có thể phá vỡ sự bất đồng về một tôn giáo của quốc gia?
Các cuộc cạnh tranh chính trị, vốn đã gây ra chia rẽ, có thể nhanh chóng suy
thoái thành bạo lực. Các phong trào đối lập, các nhóm khởi nghĩa vũ trang và
các cuộc đảo chính tại châu Phi vẫn thường bị hướng vào việc chống lại các chế
độ dựa trên sắc tộc, rất nhiều trong số đó đã nắm quyền thông qua bầu cử. Nghiên
cứu sự sụp đổ của các nền dân chủ tại châu Phi và châu Á những năm 1960, hai học
giả đã kết luận rằng dân chủ “là cái khó có thể sống được trong môi trường căng
thẳng về xu hướng sắc tộc.” Các nghiên cứu gần đây, đặc biệt là về châu Phi và
Trung Á, cũng khẳng định thêm cho nhận định bi quan này. Donald Horowitz – một
chuyên gia uy tín về xung đột sắc tộc, đã kết luận: “Đối diện với bản báo cáo
khá u buồn…về những thất bại cụ thể của dân chủ trong các xã hội bị chia rẽ…người
ta cảm thấy muốn bỏ cuộc. Đâu là lợi ích của bầu cử nếu tất cả chỉ mang lại kết
cục là đưa một chính quyền bị-Bemba-khống-chế để thay cho một chính quyền bị-Nyanja-khống-chế
tại Zambia, cả hai đều hẹp hòi như nhau; hoặc đưa một chế độ miền nam thay cho
một chế độ miền bắc tại Benin, trong khi không chế độ nào chịu thu nhận nửa bên
kia vào bộ máy nhà nước?”[3]
Suốt thập
niên qua, một trong những tranh luận sôi nổi nhất của các học giả chuyên về
quan hệ quốc tế là vấn đề “hòa bình mang tính dân chủ” (democratic peace) – với
sự xác nhận là không có hai quốc gia dân chủ hiện đại nào gây chiến tranh với
nhau. Cuộc tranh luận làm dấy lên các câu hỏi thú vị có tầm quan trọng về thực
tiễn (Cuộc nội chiến của Mỹ có giá trị gì không? Vũ khí hạt nhân có đem lại sự
biện minh tốt hơn cho hòa bình không?) và thậm chí các số liệu thống kê còn dẫn
đến những bất đồng đáng quan tâm. Như học giả David Spiro đã chỉ ra, dựa trên một
số lượng nhỏ các nền dân chủ và các cuộc chiến trong suốt hai trăm năm qua, cơ
may để lý giải cho việc không có chiến tranh giữa các quốc gia dân chủ thật quá
mong manh. Chưa có thành viên nào của gia đình dân chủ đã thắng được trong trò
chơi may rủi và chỉ có ít trường hợp đem lại lý giải cho mối tương quan đầy ấn
tượng đó. Nhưng ngay cả khi các số liệu thống kê là chính xác, thì cái gì giải
thích được những trường hợp đó? Kant, người đề xuất khái niệm hòa bình mang
tính dân chủ, đã lập luận rằng trong các quốc gia dân chủ, người phải trả giá
cho chiến tranh – nghĩa là công chúng – cũng là người quyết định, do vậy,
điều dễ hiểu là họ sẽ phải thận trọng. Nhưng nhận định đó chỉ gợi ý rằng các chế
độ dân chủ hiếu hòa hơn các nhà nước khác. Trên thực tế, các chế độ dân chủ lại
tỏ ra hiếu chiến hơn, tham gia chiến tranh nhiều hơn và với mức độ mãnh liệt
hơn so với phần lớn các nhà nước khác. Như vậy, chỉ trong các nền dân chủ khác[4],
hòa bình mới được giữ vững.
Khi ngẫm kỹ
nguyên nhân nằm ở phía sau mối tương quan giữa hòa bình và dân chủ, ta sẽ thấy
rõ một vấn đề: hòa bình mang tính dân chủ đúng ra là hòa bình của tự do. Khi đặt
bút viết vào thế kỷ 18, Kant tin rằng các chế độ dân chủ đều là bạo ngược, do
đó ông đã loại bỏ chúng ra khỏi quan niệm của ông về chính quyền «cộng hòa” –
những chính quyền sống trong một khu vực hòa bình. Chủ nghĩa cộng hòa
(republicanism), theo Kant, là sự chia tách giữa các quyền lực, sự kiểm soát và
giữ cân bằng, chế độ pháp trị, bảo vệ quyền cá nhân và một mức độ đại diện nào
đó trong chính quyền (dù không có gì liên quan tới phổ thông đầu phiếu). Cách
giải thích khác của Kant về “hòa bình vĩnh viễn” giữa các nền cộng hòa đều gắn
liền mật thiết với đặc tính hiến định và tự do của chúng: một sự tôn trọng lẫn
nhau đối với quyền của các công dân khác, một hệ thống kiểm soát và giữ cân bằng
để đảm bảo không có bất cứ một nhà lãnh đạo nào có thể kéo đất nước vào chiến
tranh, cùng với các chính sách tự do kinh tế cổ điển, quan trọng nhất là chính
sách thương mại tự do – cái sẽ tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau và đến lượt nó lại
khiến cho chiến tranh trở nên quá tốn kém và sự hợp tác trở thành hữu ích.
Michael Doyle, học giả hàng đầu về vấn đề này đã khẳng định trong cuốn
sách Ways of War and Peace (Những nẻo đường chiến tranh và
hòa bình, xuất bản năm 1997) rằng một khi thiếu chủ nghĩa tự do hiến định,
bản thân nền dân chủ sẽ không có những phẩm chất kiến tạo hòa bình:
Kant không
tin vào chế độ dân chủ dựa trên sự cai trị của một đa số không bị trói buộc, và
lập luận của ông không hề ủng hộ quan điểm nói rằng tất cả các thực thể chính
trị tham dự – tức là các nền dân chủ – đều yêu hòa bình, dù là theo nghĩa chung
cho tất cả hay giữa các nền dân chủ hữu hảo với nhau. Nhiều thực thế chính trị
tham dự là những chế độ phi-tự do. Hai nghìn năm trước thời hiện đại, sự cai trị
của toàn dân (tức nền dân chủ thời cổ đại, N.D) đã luôn đi cùng với tính xâm lược
(theo nhận xét của Thucydides[5])
hoặc với thắng lợi của đế quốc (theo nhận xét của Machiavelli[6])…Sự
lựa chọn có tính quyết định của các cử tri trung gian rất có thể bao hàm cả
chính sách “thanh lọc sắc tộc” nhằm chống lại các thực thể chính trị khác trong
nền dân chủ.
Sự phân biệt
giữa các nền dân chủ tự do và phi tự do đã rọi sáng vào một mối tương quan có
tính thống kê đáng chú ý khác. Các nhà chính trị học Jack Snyder và Edward
Mansfield, bằng các số liệu ấn tượng, đã chỉ ra rằng trong 200 năm vừa qua các
nhà nước đang dân chủ hóa đã tham gia chiến tranh nhiều hơn một cách đáng kể so
với các chế độ độc đoán bền vững hoặc các nền dân chủ tự do. Tại các nước thiếu
nền tảng của chủ nghĩa tự do hiến định, sự trỗi dậy của dân chủ thường kéo theo
chủ nghĩa dân tộc quá khích và tinh thần hiếu chiến. Khi hệ thống chính trị được
mở cửa, các nhóm khác nhau với những lợi ích xung khắc nhau sẽ tiếp cận được
quyền lực và thúc ép những nhu cầu của họ. Các thủ lĩnh chính trị và quân sự,
thường là những tay chân rường cột của thể chế độc đoán cũ, sẽ nhận thức được rằng
để chiến thắng thì cần phải tập hợp được đám đông quần chúng bằng động cơ dân tộc.
Hệ quả bất biến luôn là những lời hiệu triệu hùng hồn và các chính sách hung
hăng, những cái thường lôi các quốc gia vào sự đối đầu và chiến tranh. Rất nhiều
ví dụ để minh họa cho tình trạng vừa nói, từ Napoleon III của Pháp, Wilhelmine
của Đức và Taisho của Nhật Bản đến những trường hợp đang phô bày trên báo chí
ngày nay như Armenia, Azerbaijan và Serbia của Milosevic. Hóa ra, hòa bình mang
tính dân chủ có rất ít mối liên quan với chế độ dân chủ.
Con đường Mỹ
Một học giả
Mỹ gần đây đã tới Kazakstan, theo một chương trình do chính phủ Mỹ tài trợ, để
giúp quốc hội mới ở nước này soạn thảo luật về bầu cử. Đối tác của ông ta, một
thành viên cao cấp của quốc hội Kazakstan, đã gạt bỏ nhiều đề xuất do chuyên
gia Mỹ phác thảo và nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi muốn quốc hội của chúng tôi cũng
tương tự như quốc hội của các ngài.” Vị chuyên gia Mỹ đã hoảng hốt và nhớ lại
“Tôi đã cố để nói cái gì đó khác với ba từ vừa nảy ra trong đầu tôi lúc đó:
“Không, không thể!” Cách nhìn này không phải là hiếm gặp. Người Mỹ trong các
công việc về dân chủ thường có xu hướng nhìn hệ thống của họ như một cỗ máy khó
điều khiển mà các nước khác không nên dùng. Nhưng thực tế, việc thừa nhận một số
nét của khung hiến pháp Mỹ có thể cải thiện được nhiều vấn đề gắn liền với chế
độ dân chủ phi tự do. Triết lý nằm phía sau Hiến pháp Mỹ, tức là nỗi sợ về quyền
lực bị tích lũy, đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự như vào năm 1789. Như
những gì đang diễn ra, Kazakstan cần phải có một quốc hội mạnh mẽ như Quốc hội
Mỹ để chế ngự sự thèm khát vô độ của tổng thống nước này.
Điều kỳ quặc
là Hoa Kỳ lại rất hay ủng hộ cho các cuộc bầu cử và nền dân chủ trưng cầu dân ý
ở nước ngoài. Đặc điểm của hệ thống Mỹ không phải là ở chỗ nó dân chủ như thế
nào mà là phi dân chủ như thế nào, bằng cách thực hiện nhiều loại kiềm chế đối
với các khối đa số cử tri. Trong ba nhánh quyền lực nhà nước, có một nhánh – có
thể coi là cao nhất – được điều hành bởi chín người (nam và nữ) không thông qua
bầu cử, với nhiệm kỳ suốt đời (tức Tòa án Tối cao – ND). Thượng viện của nó lại
là thượng viện ít có tính đại diện nhất thế giới, không kể tới trường hợp đặc
biệt duy nhất là Viện Quý tộc (House of Lords, tức Thượng viện Anh – ND) – một
cơ quan không có quyền lực. (Mỗi bang đều gửi 2 thượng nghị sỹ đến Washington
không tính đến dân số lớn nhỏ – California với 30 triệu dân cũng có số đại diện
tại Thượng viện như Arizona với 3,7 triệu dân – nghĩa là các thượng nghị sỹ đại
diện cho 16% dân số toàn quốc cũng có thể ngăn cản được một dự án luật.) Tương
tự, trong các cơ quan lập pháp trên khắp Hoa Kỳ, điều gây ngạc nhiên không phải
là quyền lực của đa số mà là quyền của thiểu số. Để kiểm soát kỹ hơn quyền lực
quốc gia, chính quyền ở các bang và các địa phương đều mạnh và luôn đấu tranh một
cách mạnh mẽ chống mọi sự can thiệp của liên bang vào lĩnh vực riêng của mình.
Các doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức phi chính phủ – mà Tocqueville gọi là
các hiệp hội trung gian (intermediate associations), cũng tạo thành một tầng lớp
(stratum) khác trong lòng của xã hội.
Hệ thống Mỹ
được xây dựng trên một quan niệm bi quan không úp mở về bản chất loài người,
quan niệm cho rằng những người có quyền lực là không thể tin được. Madison đã nổi
danh khi viết: “Nếu con người là thánh thần, thì không cần phải có chính quyền.”
Một mô hình khác của sự lãnh đạo kiểu dân chủ đã có trong lịch sử phương Tây là
dựa trên tinh thần cuộc Cách mạng Pháp. Mô hình Pháp đặt niềm tin vào lòng tốt
của loài người. Một khi nhân dân đã là nguồn gốc của quyền lực thì không nên hạn
chế nó, để cho nó đủ khả năng tạo ra một xã hội công bằng. (Cuộc Cách mạng
Pháp, như Lord Acton[7] đã
quan sát, không nhằm vào việc hạn chế quyền lực tối cao mà là phá bỏ mọi quyền
lực trung gian trên đường đi của nó.) Đa phần các quốc gia không phải là phương
Tây đều chấp nhận mô hình Pháp – đặc biệt là bởi vì giới ưu tú trong chính trị
thích thú với viễn tượng trang bị quyền lực cho nhà nước vì điều đó cũng đồng
nghĩa với việc trao quyền cho chính bản thân họ – phần lớn những nước này đều
đang rơi vào các cơn rối loạn, bạo quyền, hoặc cả hai. Điều này đúng ra phải dự
liệu được từ trước. Vì xét cho cùng, chính cuộc Cách mạng Pháp cũng đã phải trải
qua hai nền quân chủ, hai đế chế, một nền độc tài kiểu phát-xít và năm nền cộng
hòa.[8]
Dĩ nhiên các
nền văn hóa đang biến đổi và các xã hội khác nhau sẽ đòi hỏi những khuôn khổ
chính quyền khác nhau. Đây không phải là lời biện hộ cho việc chấp nhận hoàn
toàn con đường Mỹ mà đúng ra là lời mời gọi cho một quan niệm đa dạng hơn về thể
chế dân chủ tự do, một thể chế nhấn mạnh đến cả hai phần đã có trong cụm từ
(dân chủ và tự do – ND). Trước khi những chính sách mới có thể được thông qua
thì một nhiệm vụ đã được đặt ra: đó là việc nghiên cứu nhằm khôi phục truyền thống
của chủ nghĩa tự do hiến định – vấn đề cốt lõi đối với kinh nghiệm phương Tây
cũng như đối với sự hình thành và phát triển các chính quyền tốt (good
government) trên khắp thế giới. Tiến bộ về chính trị trong lịch sử phương Tây
là kết quả của sự thừa nhận ngày càng mạnh mẽ, trải qua hàng thế kỷ, như bản
Tuyên ngôn Độc lập (của Hoa Kỳ-ND) đã xác quyết, rằng con người có “một số quyền
không thể chuyển nhượng” và rằng “chính nhằm để bảo vệ cho những quyền đó mà
các chính quyền được thiết lập.” Như thế, nếu một nền dân chủ không bảo tồn được
tự do và luật pháp thì nền dân chủ đó chỉ còn là một niềm an ủi nhỏ nhoi.
Giải phóng
chính sách đối ngoại
Một đánh giá
đúng về chủ nghĩa tự do hiến định có nhiều hàm ý phong phú đối với chính sách đối
ngoại của Mỹ. Trước tiên, nó gợi ra một thái độ khiêm tốn nào đó. Trong khi rất
dễ áp đặt các cuộc bầu cử ở một quốc gia thì việc thúc đẩy chủ nghĩa tự do hiến
định cho đất nước đó là khó khăn hơn nhiều. Quá trình tự do hóa hay dân chủ hóa
đích thực là một quá trình lâu dài và tiệm tiến, trong đó mỗi cuộc bầu cử chỉ
là một bước. Thiếu sự chuẩn bị phù hợp, bầu cử có thể là một bước đi sai lầm.
Do nhận thức được vấn đề này nên các chính quyền hay các tổ chức phi chính phủ
đang gia tăng các biện pháp đa dạng để ủng hộ chủ nghĩa tự do hiến định trong
các nước đang phát triển. NED (The National Endowment for Democracy, Quỹ quốc
gia vì dân chủ) đang thúc đẩy thị trường tự do, phát triển các phong trào lao động
độc lập, và các đảng phái chính trị. Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (The
U.S. Agency for International Development) đang tài trợ cho các tổ chức tư pháp
độc lập. Nhưng rốt cục các cuộc bầu cử lại đang làm nhòa đi mọi thứ. Khi một quốc
gia tổ chức bầu cử, Washington và thế giới sẽ khoan dung rất nhiều đối với
chính quyền mới được tạo ra, như đã đối đãi với Yeltsin, Akayev và Menem. Trong
thời đại của hình ảnh và biểu tượng, các cuộc bầu cử là cái dễ dàng đưa được
lên màn ảnh. Nhưng cuộc sống của người dân sau các cuộc bầu cử lại là điều
không dễ đưa lên màn ảnh (Và làm sao có thể ghi hình được chế độ pháp trị?)
Ngược lại, sự
thiếu vắng các cuộc bầu cử tự do và công bằng nên được nhìn nhận là một khiếm
khuyết, chứ không phải là sự định nghĩa của bạo quyền. Bầu cử là một phẩm hạnh
công quan trọng của lãnh đạo quốc gia, nhưng không phải là phẩm hạnh duy nhất.
Các chính quyền cũng nên được đánh giá bằng thước đo liên quan đến chủ nghĩa tự
do hiến định. Các quyền tự do về kinh tế, dân sự và tôn giáo là cốt lõi của
tính tự trị và phẩm giá của con người. Nếu một chính quyền có sự hạn chế về dân
chủ nhưng liên tục mở rộng các quyền tự do này thì không nên dán cho nó cái
nhãn chế độ độc tài. Mặc dù có sự hạn chế về lựa chọn chính trị, nhưng các nước
như Singapore, Malaysia, Thailand đã tạo ra một môi trường tốt hơn cho đời sống,
tự do và hạnh phúc của công dân so với các chính thể độc tài như Iraq, Libya
hay các chế độ dân chủ phi tự do như Slovakia và Ghana. Và các áp lực từ chủ
nghĩa tư bản toàn cầu cũng có thể thúc đẩy quá trình tự do hóa nhiều hơn nữa.
Thị trường và đạo đức có thể cùng nhau họat động. Ngay cả Trung Quốc, một nước
vẫn còn là một chế độ đàn áp tàn bạo, cũng đã đem lại cho công dân của họ
nhiều tính tự quản và nhiều quyền tự do kinh tế hơn so với các thế hệ trước. Mặc
dù còn rất nhiều thứ phải làm để có thể gọi Trung Quốc là một chế độ độc đoán
đang tự do hóa (liberalizing autocracy), nhưng điều này không nên che khuất một
thực tế là đã có nhiều thứ thay đổi.
Cuối cùng,
chúng ta cần phải làm sống lại chủ nghĩa hiến định. Một hệ lụy của việc quá nhấn
mạnh vào dân chủ thuần túy là có rất ít nỗ lực dành cho việc xây dựng các bản
hiến pháp giàu suy tư cho các nước đang chuyển đổi. Chủ nghĩa hiến định, như được
hiểu bởi những người diễn giải vĩ đại nhất vào thế kỷ 18, như Montesquieu và
Madison, là một hệ thống phức tạp của các thiết chế kiểm soát và giữ cân bằng,
được thiết kế để ngăn chặn sự tích tụ quyền lực và lạm dụng chức vụ. Mục tiêu
này được thực hiện không chỉ bằng việc lập một danh sách các quyền con người mà
phải bằng việc xây dựng một hệ thống trong đó chính quyền không thể xâm phạm
các quyền đó. Nhiều nhóm người khác nhau phải được đưa vào hệ thống đó và đều
được trang bị quyền lực bởi vì, như Madison lý giải, “tham vọng phải được tạo
ra để chống lại tham vọng.” Hiến pháp cũng nhằm để thuần hóa các đam mê của
công chúng, để không chỉ tạo ra một chính quyền dân chủ mà còn là một chính quyền
có khả năng bàn bạc để quyết định. Rất đáng tiếc là vô số các loại tổ chức được
bổ nhiệm, cách bầu cử gián tiếp, những sự dàn xếp cấp liên bang, các cơ chế kiểm
soát và giữ cân bằng vốn là đặc trưng của nhiều bản hiến pháp chính thức hoặc
không chính thức ở châu Âu lại đang bị xem xét với sự ngờ vực. Cái được gọi là
« Hội chứng Weimar » (dựa theo tên của bản hiến pháp được xây dựng
khá đẹp đẽ của nước Đức trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới nhưng
đã không ngăn cản được chủ nghĩa phát-xít) đã gây cho người dân một thành kiến
là chỉ nhìn hiến pháp như những văn bản hành chính không thể tạo ra nhiều thay
đổi. (Như thể bất kỳ hệ thống chính trị nào ở Đức cũng có thể dễ dàng tránh được
thất bại về quân sự, cách mạng xã hội, Đại Suy thoái hay siêu lạm phát.) Các thủ
tục gây cản trở dân chủ trực tiếp vẫn được xem là không thành thật và chỉ nhằm
bịt miệng dân chúng[9].
Hiện nay, trên khắp thế giới, chúng ta đang thấy nhiều biến thể của cùng một chủ
đề dựa trên đa số. Nhưng cái rắc rối của những hệ thống «kẻ-thắng-được-tất-cả»
(winner-take-all systems) này chính là: trong hầu hết các nước đang tiến hành
dân chủ hóa, kẻ chiến thắng đang thật sự đoạt lấy tất cả.
Những bất
bình của dân chủ
Chúng ta hiện
đang sống trong thời đại dân chủ. Nhưng trong phần lớn lịch sử của loài người,
sự đe dọa đối với mạng sống, tự do và hạnh phúc của cá nhân lại đã đến từ quyền
lực tuyệt đối của các chế độ quân chủ, từ giáo điều của các giáo hội, từ sự khủng
bố của các chế độ độc tài và từ bàn tay sắt của chế độ toàn trị. Những tên độc
tài và một vài chế độ toàn trị rải rác vẫn còn ở đâu đó, nhưng chúng đang ngày
càng trở nên lỗi thời trong một thế giới của thị trường toàn cầu, của thông tin
và truyền thông. Ngày nay đã không còn phương án đáng tôn trọng nào để thay thế
cho dân chủ. Dân chủ đang là một phần của bộ trang phục thời thượng của tính hiện
đại. Do đó các vấn đề về lãnh đạo quốc gia trong thế kỷ 21 sẽ có thể là các vấn
đề nội tại của chế độ dân chủ. Điều này làm cho các vấn đề trở thành rất khó xử
lý vì chúng được bọc trong chiếc áo khoác của tính chính đáng (legitimacy).
Các chế độ
dân chủ phi tự do đang giành được tính chính đáng, và tiếp đó là sức mạnh, vì
thực tế là chúng có tính dân chủ một cách hợp lý. Đổi lại, mối nguy hiểm lớn nhất
mà nền dân chủ phi-tự do đang gây ra – khác với mối nguy hiểm dành cho chính
nhân dân của nó – là nó sẽ làm mất uy tín chính bản thân chế độ dân chủ tự do,
phủ một bóng đen lên cung cách lãnh đạo quốc gia kiểu dân chủ. Điều này đã từng
có tiền lệ. Mọi làn sóng dân chủ cho đến nay đều đã kéo theo sau chúng những bước
thụt lùi, trong đó hệ thống chính trị bị đánh giá là không thỏa đáng và các thủ
lĩnh đầy tham vọng cùng với những đám đông hiếu động lại phải tìm kiếm những hệ
thống thay thế khác. Như thời kỳ sau cùng của sự tỉnh ngộ ở châu Âu – trong những
năm giữa hai cuộc chiến, đã bị các nhà mỵ dân thâu tóm, nhiều người trong số họ
lúc đầu đã được lòng dân và thậm chí còn được nhân dân bầu lên. Ngày hôm nay, đối
diện với con vi-rút của chủ nghĩa phi tự do đang lan rộng, vai trò hữu ích nhất
mà cộng đồng quốc tế – và quan trọng nhất là Hoa Kỳ, có thể đảm nhiệm chính
là : thay cho việc tìm kiếm những vùng đất mới để dân chủ hóa hay những địa
điểm mới để tổ chức bầu cử, hãy củng cố dân chủ ở nơi nó đã bén rễ và thúc đẩy
sự phát triển từng bước của chủ nghĩa tự do hiến định ra khắp thế giới. Dân chủ
thiếu chủ nghĩa tự do hiến định không chỉ là không đầy đủ mà còn là nguy hiểm,
mang theo nó là sự xói mòn tự do, lạm dụng quyền lực, chia rẽ sắc tộc và cả chiến
tranh. Tám mươi năm trước, Woodrow Wilson đã đưa nước Mỹ vào thế kỷ 20 với một
lời mời gọi «làm cho thế giới an toàn vì dân chủ ». Và hôm nay, khi sắp bước
vào thế kỷ tiếp theo, nhiệm vụ của chúng ta là phải «làm cho nền dân chủ an
toàn vì thế giới ».
(Tháng
5/2009)
Nguyên tác: Fareed
Zakaria, “The Rise of Illiberal Democracy”, Foreign Affairs,
November 1997: http://www.fareedzakaria.com/articles/other/democracy.html
Ngoài những
chú thích của người hiệu đính, các chú thích của chính tác giả đều có ghi chữ
(F.Z.)
[1] Jack
Lang (sinh 1939): chính trị gia người Pháp, đảng viên đảng Xã hội Pháp
(Parti socialiste). Bộ trưởng Văn hóa Pháp (1981-1986, 1988-1992), bộ trưởng
Giáo dục Pháp (1992-93, 2000-2002).
[2] Slobodan
Milošević (1941-2006): lãnh tụ cộng sản người Serbia, Tổng thống
Serbia (1989-1997), sau đó là Tổng thống Nam tư (1997-2000). Từ chức Tổng thống
giữa lúc có phong trào biểu tình xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2000.
Ngày 31.3.2001, ông bị nhà cầm quyền Nam tư bắt giam vì tình nghi phạm tội tham
nhũng và lạm quyền. Ông cũng bị Tòa án Tội phạm Quốc tế về Nam Tư cũ
(International Criminal Tribunal for the former Yugoslavia) – một tiểu ban của
Liên Hiệp Quốc, kết tội diệt chủng, và bị đưa ra xét xử tại Tòa án Hague (La
Haye). Milošević tự bào chữa, nhưng phiên tòa kết thúc mà không có bản án vì
ông chết vì đau tim trong quá trình xét xử – kéo dài gần 5 năm.
[3] Alvin
Rabushka and Kenneth Shepsle, Politics in Plural Societies: A Theory of
Democratic Instability, Columbus: Charles E. Merill, pp. 62-92; Donald
Horowitz, “Democracy in Divided Societies,” in Larry Diamond and Mark F.
Plattner, eds., Nationalism, Ethnic Conflict and Democracy,
Baltimore: The Johns Hopkins University Press, 1994, pp. 35-55. (F.Z.)
[4] Tức
là những nền dân chủ dựa trên tự do hiến định.
[5] Thucydides (khỏang
460-395 trước công nguyên): nhà sử học Hy Lạp, tác giả của Lịch sử chiến
tranh vùng Peloponnese (History of the Peloponnesian War).
[6] Niccolò
Machiavelli (1469-1527): Chính khách, nhà văn người Ý, tác giả của tác
phẩm nổi tiếng The Prince (Quân vương), được xem như một
trong những người đặt nền móng cho triết học lịch sử và khoa học chính trị hiện
đại.
[7] John
Emerich Edward Dalberg-Acton, Đệ nhất Nam tước Acton,(1834-1902), thường
được biết với cái tên đơn giản là Huân tước Acton (Lord Acton) :
Xuất thân từ một gia đình theo Công giáo La Mã, Acton ngay từ lúc còn trẻ
đã có một tình yêu sâu xa đối với nghiên cứu sử học – với chức năng là một công
cụ phê bình. Trong lĩnh vực chính trị, ông là một nhà tự do (liberal) nhiệt
thành, là bạn thân và là người thường xuyên trao đổi thư từ với William
Gladstone (1809-1898) – lãnh tụ của Đảng Tự do (Liberal Party), bốn lần
làm Thủ tướng nước Anh. Acton cũng thường lui tới các trung tâm trí thức ở châu
Âu và ở Hoa Kỳ, và có nhiều người bạn rất nổi tiếng – trong đó có Alexis de
Tocqueville. Năm 1895, ông được Hòang gia Anh bổ nhiệm vào chức vụ giáo sư môn
Lịch sử hiện đại tại Đại học Cambridge. Bộ Lịch sử Hiện đại của trường
Cambridge (Cambridge Modern History) đã được dàn dựng theo kế hoạch
biên tập của ông, mặc dù ông qua đời trước khi bộ sách hòan thành. Acton viết
không nhiều, di sản về học thuật của Acton chủ yếu nằm trong các bài giảng ở đại
học, nhiều bài đã được sưu tập và xuất bản sau khi ông qua đời, nhưng thông qua
những bài viết và bài giảng của mình, Lord Acton gây ảnh hưởng lớn lao đến quan
niệm hiện đại về tự do. Kiên quyết bảo vệ quyền của cá nhân, ông cho rằng sự tập
trung quyền lực là có hại cho cả Giáo hội Công giáo lẫn nhà nước. Có một câu được
trích trong một lá thư của ông :« Quyền lực có xu hướng hư hỏng,
và quyền lực tuyệt đối thì hư hỏng một cách tuyệt đối » (Power tends to
corrupt, and absolute power corrupts absolutely), ngày nay đã trở thành một
câu cách ngôn quen thuộc trên tòan thế giới.
[8] Bernard
Lewis, “Why Turkey Is the Only Muslim Democracy,” Middle
East Quarterly, March 1994, pp. 47-48. (F.Z.)
[9] Có
một số trường phái chính trị đề cao dân chủ trực tiếp (trong đó có những người
mác-xít, là những người lên án gay gắt hình thức dân chủ đại diện). Nhưng theo
quan điểm của tác giả, các hình thức dân chủ trực tiếp (direct democracy) không
phải là hay, vì số đông thường là chỗ dựa để người được bầu
lên tước đọat quyền của tất cả. Hơn nữa số đông khi thiếu kiến thức về chính trị,
xã hội sẽ rất dễ bị mua chuộc bởi những chính trị gia xảo quyệt.
Nguồn:
http://www.talawas.org/?p=357