Sự Thịnh Vượng Của Đất Nuớc: Lý Thuyết Của Adam Smith Và Thực Tế Tại Việt Nam

Posted on
  • Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Đỗ Kim Thêm
    VẦN ĐỀ
    Sự thịnh vượng của Việt Nam là một ưu tư của mọi người Việt mà câu trả lời đơn giản và quen thuộc là dân có giàu thì nước mới mạnh. Nhưng phải nghĩ và làm gì để đạt mục tiêu này là một vấn đề phức tạp, vì việc tái cấu trúc kinh tế hiện nay đang có ba khó khăn chính là định hướng xã hội chủ nghiã, khả năng của chính quyền và sự đồng thuận của toàn dân.
    Trong chiều hướng trao đổi các luận điểm này thì phương cách vận hành của nền kinh tế thị trường tại các nước phương Tây có thể đem lại một khởi điểm lý thuyết nào cho suy luận cũng là chủ đề cần tìm hiểu. Để đóng góp vào việc thảo luận chung, tiểu luận sau đây sẽ giới thiệu sơ lược tác phẩm An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations của Adam Smith làm một lý thuyết nền tảng cho việc so sánh với thực trạng kinh tế Việt Nam.
    LÝ THUYẾT CỦA ADAM SMITH
    Tác giả
    Adam Smith (1723-1790) học tại các Đại học Glasgow (1737-40) và Oxford (1740-46) và là giáo sư Luận lý và Đạo đức học tại Đại học Glasgow (1751-63). Với hai danh tác The Theory of Moral Sentiments (1759) và An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (1776) ông được hậu thế tôn vinh là người khai sinh khoa học kinh tế.
    Tác phẩm
    The Wealth of Nations giải thích sự thịnh vượng của đất nước bằng cách xác định mối quan hệ giửa khối lượng hàng hoá cung ứng và mãi lực của người tiêu thụ. Mối quan hệ này có hai yếu tố là năng suất lao động và phân công lao động, mà cụ thể là tỷ lệ giửa những người đang làm việc và thất nghiệp. Yếu tố thứ nhất quan trọng và dể xác định hơn vì mức tiêu thụ của người thất nghiệp khó kiểm chứng.
    Tác phẩm ra đời và được bán sạch trong vòng sáu tháng, sau đó được tái bản vào năm 1778, 1784, 1786 và 1789. Sách được dịch sang tiếng Pháp (1778), Đan Mạch (1779) tiếng Ý (1779) tiếng Đức (1794) đem lại thành công thương mại cho nhà xuất bản. Cho đến nay sách được in lại nhiều lần và dịch nhiều thứ tiếng khác trên thế giới và trở thành tác phẩm kinh điển bậc nhất cho khoa học kinh tế. Sách có năm quyển với một bố cục mạch lac.
    BỐ CỤC
    Quyển một
    Smith tìm hiểu nguyên nhân gia tăng năng suất mà phân công lao động và khuynh hướng trao đổi trong xã hội là yếu tố then chốt hơn là năng khiếu cá nhân. Mở rộng thị trường làm cho phân công lao động phát triển hơn, nhưng nếu tiền tệ là dụng cụ trao đối thì sự phân biệt giửa thực giá và giá trao đổi là vấn đề cần làm rõ.
    Con người sống trong xã hội lệ thuộc nhau qua phân công lao động và trao đổi hàng hoá. Ai cũng muốn làm những gì mà mình cho là hay nhất, nhưng nổ lực lại tiết kiệm nhất, chỉ trao đổi khi có lợi nhất để hưởng thành quả cao nhất. Giá trị trao đổi được đặt ra khi hai mặt hàng tương xứng nhau, nhất là khi con người làm chủ phương tiện sản xuất và thỉnh thoảng mới có nhu cầu để trao đổi các mặt hàng đơn giản. Khi xã hội tiên tiến thì trao đổi có phần phức tạp hơn, nên cần đến hai yếu tố khác để xác định.
    Thứ nhất vì trong xã hội có giai cấp nên công nhân không nắm tư liệu sản xuất và giá trị hàng hoá do ba yếu tố là lao động, tư bản và đất đai tạo thành. Trao đổi hàng hoá sẽ giúp cho doanh nghiệp giải quyết các vấn đề tiền lương, doanh lợi và hưu bổng. Thứ hai là giá trị sản xuất và trao đổi tùy thuộc vào mức độ cung và cầu trên thị trường. Cung nhiều thì giá bán sẽ hạ và ngược lại. Thị trường càng biến động tự do sẽ càng phát triển cao độ. Cạnh tranh ráo riết sẽ tạo được quân bình giữa cung và cầu và giá thị trường sẽ tiến gần đến giá tự nhiên.
    Từ những luận điểm này Smith triển khai các ý niệm về tiền lương, doanh lợi và hưu bổng. Cơ chế thị trường tự do sẽ đem lại giá bán thấp, lương công nhân cao và nhiều doanh lợi cho doanh nghiệp. Quyền lợi của công nhân và người tiêu thụ là quan trọng vì họ là thành phần đa số trong xã hội, trong khi doanh nghiệp chỉ lo hạ lương công nhân, tăng giá bán để tăng doanh thu.
    Quyển hai
    Smith lý giải mối quan hệ giửa giao lưu hàng hoá và tăng trưởng kinh tế. Sự hình thành, phát triển và phương cách đầu tư tư bản ảnh hưởng đến vấn đề nhân dụng hơn khối lượng tiền tệ. Phú cường của đất nước do nhiều yếu tố tạo thành mà mối quan hệ giửa giới lao động và những thành phần không sản xuất là chính, nhưng các khái niệm tiêu thụ, tiết kiệm và đầu tư, tư bản lưu động và cố định, thu nhập thuần và gộp, lao động có giá trị sản xuất và không có giá trị sản xuất cần phân biệt. Cuối cùng, vai trò tiền tệ chỉ là phương tiện trao đổi.
    Lao động có ý nghiã khi sản xuất tăng thêm giá trị cho mặt hàng, nhờ thế có thể mua bán được. Có những hình thức lao động không có giá trị sản xuất, nhưng cũng cần thiết thí dụ như người phát thư, đem lại thoải mái như ca sĩ và tối cần thiết như chánh án. Loại lao động này cũng có cái giá của nó nhưng giá trị sử dụng lại giới hạn. Khi nào tư bản đầu tư tạo nên doanh lợi thì lao động mới gọi là có yếu tố sản xuất, và tư bản càng chuyển động thì tư bản khác mới có thể được huy động.
    Tùy theo phương cách đầu tư mà tư bản đem lại hiệu năng khác nhau và cùng một khối lượng tư bản, nhưng tùy theo lĩnh vực đầu tư lại kết quả có giá trị cách biệt. Theo Smith, nên đầu tư vào buôn sỉ hơn là lẻ, đầu tư nhiều hơn vào công nghiệp chế biến và nhiều nhất vào nông nghiệp. Kinh tế nông nghiệp sinh lợi nhiều nhất vì đất đai được sử dụng, điền chủ thu được hoa lợi và nông dân có thu hoạch. Nhưng quan điểm này ít được quan tâm vì là một vấn đề lịch sử: cách biệt rỏ rệt giửa thành phố và nông thôn và ưu thế xã hội của giới thương nghiệp và nhà sản xuất công nghiệp so với nông dân và điền chủ.
    Quyển ba
    Smith trình bày mối quan hệ giửa thành thị và nông thôn, dù dị biệt nhưng cả hai bổ sung nhau và lập thành một thị trường chung để cùng hưởng lợi. Khi đất đai được canh tác, thủ công phát triển, thương mại thành hình thì giao thương với các nơi khác được mở rộng. Nông nghiệp càng phát triển thì thị dân giàu có sẽ có khuynh hướng về nông thôn định cư và đầu tư vào nông nghiệp, vì vừa sinh lợi và vừa sống an nhàn.
    Thời phong kiến tạo một trật tự mới cho xã hội, giới điền chủ ngự trị tại nông thôn, hưởng nhiều đặc quyền và quan tâm khai thác canh nông, nhưng luật thừa kế còn cản trở việc phân chia và mua bán đất đai. Lối sống thành thị thu hút nông dân đến tìm việc vì vừa có nhiều tiền và tiện nghi lại được hưởng nhiều tự do và luật pháp bảo vệ. Do đó, nhiều thành phố sầm uất thành hình, sự sung túc làm cho thị dân mua nhiều nông phẩm, thương giới đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp và giúp nông thôn phát triển. Tuy thế, bộ mặt nông thôn không thay đổi triệt để, vì các ảnh hưởng này khó lường được.
    Quyển bốn
    Smith thảo luận hệ thống mậu dịch và sản xuất nông nghiệp với hai lý thuyết là trọng thương do các thương nhân cổ vũ và trọng nông do giới điền chủ hổ trợ. Hai lý thuyết này đề ra mục tiêu chung là chính sách kinh tế phải nhằm làm nâng cao lợi tức của dân chúng và tăng các khoản thu cho nhà nước.
    Thuyết trọng thương có định kiến sai lạc và gây hậu quả tai hại. Quan điểm sai lạc vì cho rằng sự giàu có của đất nước chỉ thuần túy là vấn đề gia tăng khối lượng tiến tệ, đặc biệt coi trọng quý kim và thúc đẩy phát triển mậu dịch. Chính sách cấm nhập khẩu, tăng quan thuế biểu và hổ trợ xuất khẩu qua biện pháp trợ giá hoặc lập liên minh xuất khẩu gây thiệt hại cho thị trường nội địa. Theo Smith, giàu có của đất nước là do số lượng hàng được bán ra trên thị trường, thành quả này tùy thuộc vào năng suất lao động và khối lượng nhân công khả dụng. Giới thủ công và thương nhân cũng được kể chung vào thành phần tạo nên giá trị sản phẩm. Tầm vóc của thị trường do mức độ tư bản đầu tư quyết định.
    Muốn thịnh vượng, chính quyền nên tạo ra một hệ thống kinh tế tự do, cần giới hạn nhiệm vụ vào ba mục tiêu chủ yếu là quốc phòng, bảo vệ trật tự xã hội và tạo các cơ sở tiện ích công cộng, nhưng không để bị các nhóm lơị ích gây ảnh hưởng vì những chính sách phản tác dụng.
    Quyển năm
    Smith phân tích vai trò của nhà nước theo quan điểm kinh tế. Về công chi nhà nước nên giới hạn vào các mục tiêu quốc phòng, tư pháp, giáo dục và hổ trợ mậu dịch. Về công thu, Smith phân loại các nguồn thu và đề xuất cách quản lý công sản, đặc biệt là giải quyết nợ công.
    Mỗi xã hội có một hình thức nhà nước nhất định. Dù trong hình thức nào, nhà nước cũng phải nhận vai trò quốc phòng và công chi, quy định mọi phân công lao động và mậu dịch. Để xây dựng hạ tầng cơ sở nhà nước có quyền thu lệ phí sử dụng để trang trải kinh phí và tài trợ hệ thống tiểu học cho gia đình công nhân. Nhà nước phải điều tiết mức quân bình cung cầu và quy định tiền lương phải tương xứng với khả năng. Chính quyền cần dân chúng vì là người lính trong thời chiến và là người sản xuất trong thời bình. Cụ thể nhất là chính quyền phải đem lại giấc ngủ bình yên cho mọi người.
    Về nguyên tắc thuế vụ, Smith đề ra tiêu chí công bình và hữu ích. Thuế phải bình đẳng (mọi người đóng thuế tuỳ theo thu nhập), an toàn (người đóng thuế hiểu rõ các loại thuế mình phải đóng qua luật lệ công minh), không tổn hại (người chịu thuế không bị thiệt hại quá mức khi đóng thuế) hiệu năng (thuế thực sự cần thiết cho công qủy, sở thuế không cồng kềnh và tốn kém, người dân có cảm tưởng được khích lệ đóng thuế hơn là tìm cách trốn thuế).
    Nợ công là một hiện tượng phổ biến tại các nước tiên tiến vì lý do các nhà tư bản lo thủ lợi, chính quyền gây chiến tranh và không ai biết cách làm giảm nợ. Smith cho là các nước châu Âu gặp phải vấn đề này và sẽ đi đến suy thoái, về trường kỳ phải có những chính sách giảm nợ công, nhưng trong ngắn hạn tăng thuế là giải pháp.
    Với một cách hành văn trong sáng ông đem đến cho người đọc một lối diễn giảng mới lạ về cách vận hành của nền kinh tế thị trường mà nội dung một số luận đề chính được tóm lược sau đây:
    NỘI DUNG
    Homo oeconomicus
    Tư lợi của con người là yếu tố then chốt trong các hoạt động kinh tế. Thí dụ của Smith được hậu thế truyền tụng là những người bán thịt, chế ruợu hay làm bánh mì không phải chỉ có ý tốt phục vụ xã hội mà họ sản xuất vì quyền lợi riêng mà mặc cả và trao đổi là một nghệ thuật để thuyết phục. Người làm ra sản phẩm muốn bán giá trị cung ứng và chứng tỏ rằng mình biết tự lo qua sản xuất hữu ích cho người khác.
    Ích kỷ là một đề tài tranh luận sôi nổi vào thế kỷ XVIII tại Anh. Theo Smith khó giảm bớt khuynh hướng chạy theo tư lợi của con người, nhưng nên tìm sự đồng thuận với người khác, mà tiêu chí là sự đồng thuận của người thứ ba, ý kiến của một người dự khán trung dung. Động cơ chính của ích kỷ là làm cho mức độ sử dụng được tăng lên một cách tối ưu với một phương tiện hữu hạn, nên không coi đó là có ý xấu. Sinh lợi kinh tế sẽ đem lại phú cường cho đất nước, nhưng không thể chỉ giải thích bằng tư lợi, vì một người dành tiền tiết kiệm cho tuổi già, dùng tiền đầu tư để mua nhà, giúp thân nhân hay từ thiện sẽ đem lại những lợi ích khác nhau cho xã hội; không ai có hai trạng thái đối nghịch khi quyết định, hoặc là do vị kỷ hoặc vị tha. Ngược lại, theo Marx, nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận và tạo ra bất công.
    Trong đạo đức, Smith đề ra nguyên tắc thiện cảm, con người có khả năng tự đặt mình vào hoàn cảnh và cũng chia sẽ những cảm xúc của người khác. Trong kinh tế cũng tương tự, vì đó là khuynh hướng tự nhiên của con người khi biết suy nghĩ, diễn đạt, mặc cả và thuyết phục để trao đổi thương mại.
    Kinh tế tăng trưởng không chỉ do ích kỷ, cảm thông mà còn do cạnh tranh. Chính cạnh tranh tác động làm cho cá nhân thay đổi thái độ tiêu thụ mà qua đó kinh tế phát triển. Ngoài cạnh tranh giửa các nhà sản xuất thì tin tức giửa nhà cung ứng và người tiêu thụ làm cho thị trường cạnh tranh ráo riết hơn. Trong thực tế chính quyền không thể tạo ra một hệ thống thông tin toàn hảo để mỗi người có cơ hội trình bày và thuyết phục người khác về công việc hay sản phẩm của mình. Vì thế nên một số nhà sản xuất toa rập nhau giảm giá lương, tăng giá bán, phân chia khu vực thị trường và gây áp lực chính quyền cấm nhập khẩu, tăng quan thuế biểu để bảo vệ quyền lợi trước các cạnh tranh ngoại quốc. Thị trường tự do cần một hệ thống thông tin toàn diện và cạnh tranh triệt để giúp mọi người có quyền sử dụng quyền của mình trong bình đẳng và tôn trọng đối tác, nhưng tự do cạnh tranh (laissez-faire) trong kinh tế và tự do ngoại thương (laissez-passer) là quan trọng nhất.
    Laissez-faire
    Smith đưa ra ba tiền đề chủ yếu: Một là một tình trạng hài hoà lý tưởng tiền định cho toàn xã hội là không tưởng, chúng ta phải chấp nhận có tranh chấp quyền lợi và để giải quyết, nhà nước tạo ra một cơ chế bảo vệ hữu hiệu để đem lại trật tự chung và công bình theo sự phát triển của quy luật khách quan.
    Hai là tự do kinh tế mới tạo điều kiện phát triển cá nhân để làm cơ sở phát triển xã hội. Khuynh hướng chung của các nhà tư bản là muốn đầu tư trong nước cho an toàn hơn ở ngoại quốc, nhưng khi họ chạy theo tư lợi, thì kết quả cuối cùng là sẽ mang lợi chung cho xã hội.
    Ba là cơ chế thị trường không phải là một loại trò chơi được ăn cả ngã về không, mà là cơ hội thắng thua được phân chia không đồng đều, giá trị sử dụng tương đối và tạo nên mức thu nhập chênh lệch. Sự phát triển tiền lương, doanh lợi và hưu bổng là những dẫn chứng cho vấn đề này. Quyền lợi đối nghịch giửa nhà tư bản đầu tư và công nhân, giửa nhà sản xuất và người tiêu thụ cho thấy luôn có xung đột xã hội.
    Làm sao đem lại sự hài hoà trước những đối kháng thường trực này? Để giải quyết, Rousseau đề nghị phải nâng cao giáo dục nhằm tạo khả năng và ý thức chung sống; theo Marx phải đấu tranh nhằm xoá bỏ giai cấp thù địch, xã hội sẽ không còn tư bản và điạ chủ thống trị, công nhân sẽ hưởng giá trị lao động trọn vẹn. Smith cho là một nguyên tắc chung sống chỉ đạt được khi tất cả mọi người cùng tôn trọng luật lệ trong một sân chơi tự do mà tinh thần khách quan trong hành động và hợp tác nhằm giải quyết những quyền lợi đối nghịch là chính. Smith tìm cách giải thích tư lợi là động cơ thúc đẩy, nhưng không ca ngợi theo đuổi tư lợi là lý tưởng trong đạo đức cũng như kinh tế. Smith không cổ vũ tự do tuyệt đối theo nghiã laissez-faire, một lý tưởng mà Mill đã đề xuất trong Principle of Political Economy, vì chỉ có một sân chơi tự do và bàn tay vô hình điều khiển là điều kiện tiên quyết.
    Bàn tay vô hình
    Không phải Smith mà Montesquieu là người đầu tiên tìm ra khái niệm bàn tay vô hình trong tác phẩm De l´esprit des lois. Montesquieu cho rằng tham vọng chính trị của từng cá nhân sẽ tác động cho thể chế qua sức mạnh điều tiết của bàn tay này. Từ đó Smith áp dụng lý giải này trong kinh tế và đạo đức.
    Trong kinh tế, Smith không coi bàn tay vô hình là một trật tự siêu hình hay một cơ chế tự động, mà là một sự điều tiết thông minh và hợp lý trong xã hội, một sự vận hành của một cơ chế có chức năng tự tổ chức điều khiển trong tiến trình sản xuất, đặc biệt nhất là về cung và cầu và không cần chính quyền can thiệp. Bàn tay vô hình không có phép lạ đem lại phúc lợi xã hội, mà cần có chính quyền tác động làm cho hữu hiệu hơn. Smith xem nhiệm vụ chính của nhà nước là quy định và áp dụng các quyền tự do cơ bản cho toàn dân, bảo vệ dân chúng trước ngoại xâm qua quốc phòng, chống những bất công xã hội bằng giám sát tư pháp và nâng cao dân trí qua phát triển giáo dục.
    Về đạo đức, ông triển khai ý niệm này trong tác phẩm The Theory of Moral Sentiments. Khi cá nhân kết ước đều phải trả bằng một giá, cả hai thoả mãn được nhu cầu của mình, đó không phải là thiện tâm bố thí của nhà giàu, một cơ chế không cần kiểm soát của chính quyền và quy luật thị trường. Hiệu năng của bàn tay vô hình là sự đãi lọc qua thời gian và là một hình thức phân phối lợi tức gián tiếp.
    Dù đề cao bàn tay vô hình, nhưng ông cho là kiến thức và khả năng của chính quyền là chủ yếu và chính sách theo đuổi phải khách quan và thuần lý, vì mỗi quyết định đều có hậu quả đến phân phối công bình xã hội.
    Phân phối công bình
    Nền kinh tế tư bản tạo cách biệt giàu nghèo và xung đột xã hội mà các đề tài luôn tranh cải là: Phân chia phúc lợi xã hội dựa trên trao đổi hay phân phối? Người dân có quyền đòi hỏi chính quyền phân phối theo khả năng hay nhu cầu? Chính quyền bảo vệ quyền tư hữu của người dân ở mức độ nào? tương đối hay tuyệt đối?
    Khi Mandeville cho là không thể giải quyết nghèo đói được tận gốc vì là một thực tại xã hội không thể tránh thì Smith nghĩ rằng nước giàu hơn khi đa số thành phần trong xã hội khá hơn, cụ thể là người phát thư và công nhân lao động vừa có thể mua hàng giá rẻ và được lương cao. Không phải chỉ đóng góp của thiểu số nhà giàu mà đa số mới tác động tăng trưởng.
    Vần đề công bình chỉ có thể đặt ra trong khuôn khổ của một xã hội tự do mà mỗi cá nhân hành động trong trách nhiệm. Mỗi người không những tự do kết ước mà còn sẳn sàng bồi thường các thiệt hại gây ra. Công bình trong phân phối là một vấn đề nền tảng và đòi hỏi sự thông minh trong thực hiện nhiều hơn là ý thức một nghiã vụ đaọ đức. Luật pháp ổn cố là điều kiện để duy trì trật tự xã hội và tinh thần đoàn kết đem lại việc chung sống hài hoà. Từ đó, vấn đề công bình phân phối, theo nhu cầu hay khả năng, mới đặt ra. Smith phê bình luật thừa kế thời phong kiến gây bất công và đòi hỏi thực thi công bình nhiều hơn trong việc phân chia gia sản. Đặc điểm của xã hội văn minh là người làm quá nhiều mà lại hưởng quá ít, nên bất công còn kéo dài và gây bất ổn xã hội.
    Không phải lúc nào các quyết định kinh tế thuần lý cũng đem lại công bình. Tăng lương cho công nhân làm giá thành sản phẩm cao hơn, mặt hàng không có triển vọng xuất khẩu, đất nước nghèo hơn, cuối cùng vấn đề công bình không giải quyết được. Tranh luận này được Hume lý giải trước Smith.
    Hume đề ra một mô hình quân bình ngoại thương mà các nước giàu sẽ không sợ bị các nước nghèo cạnh tranh phá giá vì tác dụng của nguyên tắc bình thông nhau. Có mối quan hệ giửa khối lượng tiền tệ và mức độ giá cả các mặt hàng trong một nước trong một thời kỳ nhất định. Gia tăng khối lượng tiền tệ làm tăng giá lương, hàng sẽ khó xuất cảng hơn, nhưng bù lại tiền nhiều sẽ có cơ hội đầu tư tại các nước nghèo nơi mà giá nhân công và nguyên vật liệu rẻ. Nhưng qua thời gian thì đầu tư sẽ có tác dụng là giá lương và giá hàng tại các nước nghèo cũng đắt đỏ như nước giàu. Không phải gia tăng khối lượng tiền tệ hay tăng lương, mà chính phân công lao động quốc gia và quốc tế là giải pháp. Để tiếp tục duy trì ưu thế ngoại thương, nước giàu nên tập trung vào các phương thức sản xuất nặng về tư bản và kỷ thuật trong khi nước nghèo tiếp tục theo đuổi các phương thức sản xuất thâm dụng nhân công.
    Smith tán đồng lập luận này và minh chứng là ba yếu tố chính đem lại cường thịnh của đất nước là phân công lao động, canh tân kỷ thuật và tự do cạnh tranh. Cùng một khối lượng công nhân và một loại trang thiết bị, nếu biết sử dụng hợp lý thì doanh nghiệp sẽ sản xuất được nhiều mặt hàng hơn, dù lương công nhân tăng, nhưng giá bán hạ hơn, nên bán được nhiều hơn và doanh nghiệp sẽ tăng doanh thu. Lương công nhân cao mà mặt hàng có giá thành rẻ là một hiện tượng nghịch lý nhưng lại là một thực tế cho những nước giàu, có trình độ kỷ thuật cao, biết phân công lao động và ngoại thương phát triển mạnh. Gia tăng năng suất sẽ giải quyết vấn đề công bình trong từng doanh nghiệp và là cơ hội thực hiện công bình xã hội trong trường kỳ. Do đó, cần rà soát lại những giải pháp ngắn hạn chỉ phục vụ cho thương giới và các nhóm lợi ích. Smith xác nhận là nước giàu có thể mất đi một số ưu thế ngoại thương khi bị canh tranh với các nước nghèo, nhưng không vì lý do là một nước giàu mà nước khác phải nghèo, vì có quá nhiều yếu tố can thiệp, nhưng giá trị sản phẩm là chính.
    Giá trị sản phẩm
    Smith phân biệt có hai loại giá cho sản phẩm là trao đổi và sử dụng. Giá trao đổi do tình hình cung cầu trên thị trường quyết định và giá của sản phẩm tuỳ theo thời gian và công sức cần thiết làm ra. Hai lý thuyết này bổ sung cho nhau.
    Smith lầm lẩn giửa giá trị sản phẩm và vấn đề phân phối khi ông không quan tâm đến khả năng doanh nghiệp áp lực giảm lương, ảnh hưởng phân phối và tăng giá bán giả tạo để sinh lợi. Không như Smith mô tả, hoa lợi của điền chủ, doanh lợi của doanh nghiệp và lương công nhân có tác động nhau trong việc định giá sản phẩm. Doanh nghiệp trong thời kỳ bộc phát không cần ép giá lương công nhân mà vẫn tăng doanh thu vì do thoả hiệp giá bán với các doanh nghiệp khác.
    Một sản phẩm là do kết hợp giửa ba yếu tố lao động, đất đai và tư bản. Từ đó, ông phân biệt lao động sản xuất và không sản xuất, tiêu thụ của tư nhân vả đầu tư của doanh nghiệp. Với tất cả những hình thức đầu tư khác nhau doanh nghiệp tạo nên giá trị. Trong khi Marx cho giá trị lao động của công nhân là quan trọng nhất trong tiến trình sản xuất và giá trị thặng dư chỉ do công nhân mang lại. Không như Smith, Marx gộp chung giá trị đóng góp của điền chủ và nhà tư bản trong các tư liệu sản xuất.
    Đầu tư không phải nhằm trả lương thấp cho công nhân và mua rẻ nguyên vật liệu mà là cạnh tranh về giá trị sản phẩm có hiệu năng hơn. Chiến lược loại bỏ đối thủ của doanh nghiệp nhắm hạ giá thành, nâng phẩm chất, bán giá rẻ, tăng mức cung và tạo sức cầu mà gia tăng năng suất, canh tân kỷ thuật và phát huy ưu thế cạnh tranh là yếu tố quyết định. Sự thịnh vượng của đất nước cũng cần những biện pháp tương tự, nhưng theo đuổi thuyết trọng thương không là giải pháp lý tưởng.
    Thuyết trọng thương
    Với hơn 230 trang sách trong quyển bốn Smith đưa việc phê phán thuyết trọng thương vào trọng điểm và khi bàn về cách vận hành của thị trường ông chỉ tóm tắt có mười trang.
    Ông khởi đầu bằng chuyện bình thường trong xã hội là trong cuộc chạy đua ai cũng muốn thắng, nhưng khi người chạy cản trở người khác không có cơ hội cùng chạy là một chuyện không công bình mà các khán giả phải phản đối và trọng tài phải can thiệp. Từ thí dụ này ông áp dụng vào sinh hoạt kinh tế.
    Hoạt động kinh tế cũng cần có quy luật vì đây là cuộc đua về sản xuất và phân phối sản phẩm cho xã hội. Ai tham gia vào tiến trình sản xuất để thoả mản nhu cầu xã hội, qua đóng góp đất đai, tư bản hay sức lao động, đều có quyền hưởng thành quả đóng góp. Sự phân phối thành quả này có trong từng nội bộ doanh nghiệp. Doanh nghiệp tìm cách thay đổi phương thức sản xuất do bí mật nghề nghiệp, bằng sáng chế mới để tạo độc quyền thị trường và tăng doanh thu. Họ có ưu thế xã hội hơn công nhân và người tiêu thụ. Do đó, có mâu thuẩn quyền lợi giửa doanh nghiệp và công nhân, giửa doanh nghiệp và các đối thủ trong nước hay ngoại quốc. Họ đề cao là thịnh vượng của đất nước do bán nhiều hơn mua, bán hàng mắc và mua hảng rẻ. Bằng lập luận này họ áp lực chính quyền và thu phục công luận tin thuyết trọng thương là quyền lợi chung của đất nước. Theo Smith họ chỉ bảo vệ quyền lợi riêng.
    Theo lý thuyết thì Smith cho là thị trường có ba giai đoạn khác nhau: tăng trưởng, đình trệ và suy thoái, tùy theo tình trạng phát triển mà sẽ có những hệ lụy khác nhau cho điền chủ, công nhân và nhà tư bản. Khi quyền lợi của điền chủ và công nhân phù hợp với quyền lợi công cộng, thì quyền lợi của nhà tư bản là ngược lại. Khi chủ tư bản lập luận tăng thu doanh lợi để phục vụ quyền lợi chung thì phải cần rà soát. Mở rộng thị trường có thể phục vụ công ích, nhưng giới hạn cạnh tranh thì chỉ phục vụ cho doanh nghiệp. Chính quyền phải cẩn trọng khi phân tích quyền lợi doanh nghiệp và đất nước khi theo đuổi chính sách trọng thương.
    Dù vậy, theo thực thực tế thì chính sách thuộc điạ Anh là kết quả một sự nội gián của thương giới với chính quyền chỉ gây thiệt hại cho người tiêu thụ. Các nước thuộc địa khi nhập và xuất khẩu hàng phải quan trung gian Anh, một mục tiêu đặt ra chỉ nhằm thoả mản nhu cầu mẩu quốc. Nhưng Smith chứng minh là chính sách thuộc điạ đem lại nhiều quyền lợi hơn là gây thiệt hại, vì mở ra nhiều thị trường mới và đóng góp vào sự phát triển sản xuất khi trao đổi với các nước thuộc địa. Khi Anh bảo vệ các thương thuyền trong các hoạt động mậu dịch viễn duyên và gây tác hại cho ngoại thương của Hà Lan tại các thuộc điạ, thì ông lập luận rằng độc quyền ngoại thương nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế và quốc phòng. Theo ông, khi hàng ngoại nhập rẻ phải đóng thuế quan cao để bằng với giá hàng nội điạ là tạo công bình, biện pháp này hợp lý. Khi các doanh nghiệp chiếm vai trò độc quyền kinh doanh trong ngắn hạn, thì không phạm nguyên tắc bình đẳng, vì nhu cầu cần thu lợi trong gia đoạn đầu tư ban đầu.
    The Wealth of Nations là căn bản lý thuyết kinh tế tác động sâu xa đến toàn bộ sinh hoạt thị trường và gây tranh luận liên tục trong chính giới và học giới tại các nước phương Tây. Mỗi lần có khủng hoảng tác phẩm này lại đưọc đem ra để thảo luận mà những ảnh hưỏng chính được tóm luợc sau đây.
    ẢNH HƯỞNG
    Thị trường sách
    Sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả dành cho Smith có nhiều lý do. Một là về cá nhân, sau khi tác phẩm Theory of Moral Sentiments ra đời vào năm 1759, Smith nổi danh như là một người tiên phong trong phong trào khái sáng tại Tô cách lan và châu Âu.
    Hai là về hình thức, Smith chứng tỏ có văn tài xuất sắc, dù là đề tài khô khan nhưng ông đã diển đạt bằng một văn phong cực kỳ trong sáng trong một bố cục mạch lạc nên thu hút người đọc không có kiến thức kinh tế. Văn giới châu Âu ca ngợi là sau De l’esprit des lois của Montesquieu chưa có danh phẩm nào có khả năng diển đạt được tư tưởng của nhân loại bằng tác phẩm này.
    Ba là về lý thuyết, nguyên tắc phân công lao động, phân biệt giửa các yếu tố sản xuất, các loại thu nhập và giao lưu hàng hoá đã được Cantillon, Hutcheson, Hume, Quesnay, Stueart và Turgot triển khai, nhưng Smith là người đầu tiên lý giải về cơ chế vận hành thị trường của nền kinh tế tự do một cách toàn diện qua một công trình nghiêm túc và quy mô. Các chủ đề của Smith được Ricardo, Malthus, Mill và Marx về sau đào sâu thêm thành các vấn đề mới như lợi điểm tương đối, dân số, tự do tuyệt đối trong kinh tế và bóc lột trong sản xuất công nghiệp.
    Bốn là về thực tế, lập luận của Smith phù hợp với tâm trạng chung của thời đại khi phê phán về sự can thiệp bất hợp lý của chính quyền vì chỉ phục vụ các nhóm lợi ích mà cuối cùng làm suy sụp đất nước. Ông chỉ trích thương giới và các nhà sản xuất bảo vệ quyền lợi bằng cách ngăn trở cạnh tranh trên thị trường, thay vì sử dụng tư bản để đầu tư vì có nhiều hình thức mới đem lại nhiều hiệu năng trong tăng trưởng.
    Chính giới
    Ành hưởng của Smith với chính giới Anh khó xác định, dù tác phẩm này thoạt đầu đã gây tranh luận tại quốc hội. Những năm đầu tiên của nội các William Pitt đã thực hiện một số biện pháp đúng theo tinh thần của Smith đề ra: hạ thấp quan thuế biểu của trà nhập để làm cho việc buôn lậu trà không còn sinh lợi như trước (1784), liên hiệp kinh tế giửa Anh và Ái nhỉ lan (1785) nhưng đề án này thất bại, thoả hiệp mậu dịch với Pháp (1786), mà mục tiêu chính là hạ quan thuế biểu các mặt rượu nho và hàng dệt. Nhưng nội tình Anh gây khó khăn cho việc áp dụng chính sách tự do mậu dịch và xung đột quyền lợi với Hoa kỳ và Pháp cũng là lý do. Mãi đến hai thập niên đầu tiên của thế kỷ XIX thì tự do mậu dịch mới là trọng điểm trong chính sách kinh tế của Anh.
    Học giới
    Nền công nghiệp Anh đã hình thành và sản phẩm Anh chiếm lĩnh nhiều thị trường các nước châu Âu. Từ năm 1815 Anh đứng trước một nghịch lý là tăng quan thuế biểu ngũ cốc để chống nhập khẩu từ châu Âu, trong khi lại đề cao tự do ngoại thương. Giới điền chủ và công nghiệp tại các nước châu Âu áp lực chính phủ phải tìm biện pháp trả đủa. Tranh chấp trở nên gay gắt khi doanh giới tại Manchester lập liên minh chống lại vấn đề vào năm 1839 và cuối cùng chính quyền phải huỷ bỏ quan thuế biểu cho ngũ cốc vào năm 1846. Họ thành công khi thuyết phục rằng nhập khẩu rẻ ngũ cốc sẽ làm giảm giá thành thực phẩm và nâng cao mức sống toàn dân, trong khi duy trì quan thuế biểu loại này chỉ có lợi cho giới điền chủ. Ngược lại, giới điền chủ cho là chống việc nhập ngũ cốc rẻ nhằm bảo vệ quyền lợi cả nước, trong đó có cả thương giới và giới sản xuất, vì họ có cơ hội tăng doanh thu.
    Thực tế này cho thấy ai cũng áp dụng lập luận tự do mậu dịch của Smith để bảo vệ quyền lợi, nhưng quan điểm của Smith hợp lý hay mâu thuẩn? Đề tài này được học giới tranh luận vào đầu thế kỷ XIX được gọi chung là “vấn đề Smith“.
    Giới chống đối cho rằng lập luận của Smith là mâu thuẩn vì một người lo tư lợi không thể nào là một con người đạo đức và muốn dung hoà quyền lợi xã hội. Giới bào chửa cho Smith cho rằng đây là một phương pháp luận có ý thức và không mâu thuẩn. Trước một thực tại xã hội phức tạp, Smith không dùng cách quy nạp mà dùng suy diển để lập luận. Thay vì dùng một số lượng lớn và đủ loại các quan sát để đề ra quy luật tổng quát, Smith đặt ra một số tình huống độc lập để theo dỏi và tìm các lý giải về động lực khích lệ cho hoạt động kinh tế.
    Có nhiều lý giải khác dựa vào quá trình làm việc của Smith để biện hộ. Khi còn ở Tô Cách Lan ông thấm nhuần truyền thống đạo đức, nhưng khi sang Pháp khảo cứu ông bị ảnh hưởng những trào lưu tư tuởng theo vật chất của Pháp. Có người lại dựa vào mối quan hệ giửa hai tác phẩm của Smith để tìm ra mối tương đồng giửa hai quan điểm và kết luận rằng không có mâu thuấn mà là sự liên tục trong tiến trình tư duy.
    Sở dĩ có lập luận chống Smith chỉ vì có nhiều hiểu lầm trong giải thích. Thiện cảm trong đạo đức và kinh tế của Smith không hề đồng nghiã với bác ái. Không phải lúc nào thiện cảm, kể cả thiện cảm của người dự khán trung dung, cũng tác động tích cực đưa đến hành động kinh tế vì nguyên tắc tương xứng trong của mối quan hệ trên thị trường rất cần cho trao đổi, khía cạnh này cũng quan trọng như tư lợi.
    Đến cuối thế kỷ XIX các tranh luận trong học giới xoay quanh „vấn đề Smith“ không còn gây một âm vang nào đáng kể.
    Thế kỷ XX
    Lý thuyết của Smith có giá trị phổ quát tại các nước phương Tây khi nền kinh tế thị trường được định hình và phát triển. Sau đại suy thoái vào thập niên 1930 và các suy trầm khác thì cơ chế này gây được niềm tin chung là một phương sách hợp lý vì kinh tế vĩ mô ổn định, mức thất nghiệp và lạm phát thấp. Thực ra, không có chủ nghiã tư bản nào là được coi là thuần túy hay mẫu mực, mà tuỳ mỗi quốc gia sẽ có những đặc thù và các hình thức tại Hoa Kỳ, Đức, Pháp và Nhật Bản là thí dụ. Lý thuyết về tính đa dạng của chủ nghiã tư bản đã soi sáng nhiều dị biệt này. Quan điểm của Smith cũng được bổ sung qua nhiều học thuyết khác nhau, đáng kề nhất là suy luận về một trật tự tình cờ trong kinh tế của von Hayek gây ảnh hưởng mạnh tại Đức và Áo, nhưng cải biên gây ồn ào nhất là của Neoliberalism và dung hoà nhất là của Armartya Sen.
    Von Hayek
    Von Hayek đề cao vai trò bối cảnh xã hội trong việc tăng trưởng kinh tế và kết luận là thị trường là một diễn trình không thể lường trước. Thị trường không phải là một điạ điểm, một tình huống hay một thực thể tổng hợp mà chính là do tác động của nhiều tác nhân trong sự phân công lao động. Sự thành hình cuả thị trường là kết quả tình cờ của những diển biến, nhưng luôn bị phân tán và dựa vào những kiến thức trong phạm vi nhỏ hẹp địa phương. Thị trường gồm có hai yếu tố là giá cả và trao đổi. Do đó, thông tin thị trường vô cùng quan trọng và giá cả chỉ là những tín hiệu khởi đầu. Thị trường luôn thay đổi và cục bộ nên không thể nào là một trung tâm cho mọi sinh hoạt kinh tế.
    Neoliberalism
    Chiều hướng cực đoan của Neoliberalism là tuyệt đối tự do trong mọi hoạt động kinh tế sẽ mang hiệu năng và phúc lợi khi người tiêu thụ có quyết định tối hậu. Thị trường quyết đinh toàn bộ về giá cả, phương thức vận hành và hiệu năng; phải giảm thiểu các can thiệp của chính quyền ở mức tối đa.

    Học thuyết này ảnh hưởng mạnh tại Hoa Kỳ, Nhật và châu Âu trong chính sách công nghiệp và ngoại thương trong thập niên 1970 và 80. Dưới thời Reagan và Thatcher các biện pháp tư hữu hoá các doanh nghiệp hàng không, điện nước và viễn thông đã đem lại những thành tựu quan trọng. Các nước này gặp nhiều trào lưu chống đối của các tầng lớp thiên về công bình xã hội, nhất là khi phong trào tự do giao lưu tư bản tài chính và đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế tại các nước nghèo lên cao điểm.

    Dựa theo Neoliberalism mà Williamson đề ra một phương sách tăng trưởng kinh tế cho các nước châu Mỹ La Tinh vào năm 1990, về sau được goị chung là Washington Consensus. Theo chính sách này thì cơ thế thị trường tự do sẽ đem lại thịnh vượng, mà cụ thể là tự do mậu dịch, bảo vệ tác quyền trí tuệ, tự do giao lưu tư bản tài chính, quốc tế hoá các hoạt động thị trường tư bản tài chính, kiểm soát ngân sách, hổ trợ canh tân kỷ thuật và chuyển giao công nghệ để gia tăng hiệu năng cạnh tranh.

    Chương trình Milllenium Development Goals của Liên Hiệp Quốc, một viễn tượng tăng trưởng cho các nước nghèo trong thiên niên kỷ mới áp dụng mô hình này mà mục tiêu là kết hợp phương thức cơ chế kinh tế thị trường cùng với các biện pháp về gia tăng giáo dục, cải thiện y tế, xây dụng cơ chế hạ tầng và cải thiện hệ thống quản lý hành chánh công quyền trong một mô hình toàn diện. Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp quốc tế và vai trò nối kết của các mạng lưới của xã hội dân sự được nâng cao.
    Armartya Sen
    Dù tán đồng với Smith về hiệu năng của thị trường, nhưng Sen luận giải về sự thịnh vượng một cách dung hoà và toàn diện hơn qua tác phẩmDevelopment as Freedom.
    Kinh tế thị trường có hai chức năng giúp con người cải thiện vật chất và phát huy tự do. Một là cơ chế cần thiết đẽ cung ứng vật chất cho con người, nhưng thị trường phải vừa cổ vũ cho tăng trưởng và vừa bảo vệ nhân quyền. Cách tính gia tăng lợi tức theo đầu người chỉ là một khiá cạnh trong phúc lợi xã hội và tăng trưởng kinh tế phải được quan niệm toàn diện hơn. Hai là thị trường một môi trường tự do cho phép mọi người cùng tham gia để phát triển khả năng cá nhân và chấp nhận mọi sư dị biệt.
    Thịnh vượng cần có nhiều yếu tố khác cùng tác động: tăng trưởng kinh tế là mức huy động xã hội mà dân chúng cần có trình độ chuyên môn để tích cực tham gia và là sự kết hợp giửa một thể chế chính trị ổn cố, nhà nước pháp quyền trong nền văn hoá giáo dục nhân bản, mà gia tăng phúc lợi kinh tế là một thăng tiến khởi đầu. Theo ông, vai trò tự do báo chí và tinh thần phản biện công khai chính là điều kiện thực hành dân chủ tại các nước chậm tiến. Quan điểm của Sen được chấp nhận rộng rải dù là một lý tưởng khi so với thực tế lịch sử.
    Lịch sử cáo chung?
    Từ cuối thập niên 1980 chế độ chính trị tại Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ mang đến một mơ ước chung là tự do dân chủ sẽ là một mô hình cho toàn thế giới, lịch sử cáo chung và nhường bước cho mô hình chủ nghiã tư bản mà tăng trưởng kinh tế là một khả năng hiện thực và thế giới đang tiến dần về một nền văn minh đại đồng và hòa bình vĩnh cửu.
    Bối cảnh toàn cầu hóa đầy lạc quan và năng động, những thành tựu ngoạn mục của các ngành khoa học hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, đem các dân tộc gần nhau hơn bao giờ hết. Cách biệt địa lý không còn nữa nên cũng là động cơ thúc đẩy cho các công ty đa quốc đầu tư ào ạt trên bình diện toàn cầu và làm gia tăng cơ hội mậu dịch và xuất khẩu cho các nước chậm tiến. Đây là một điều kiện tiên quyết cho các nước nghèo hội nhập vào sinh hoạt chung của thế giới. Các hình thức viện trợ quốc tế gia tăng cũng tạo thêm phương tiện hữu hiệu làm cho tiến trình thay đổi này được nhanh hơn. Nhưng lịch sử vẫn tiếp tục với những thực tế khác hơn hy vọng.
    Thực tế phũ phàng
    Các biến động chính trị quốc tế từ cuối thế kỷ XX trở đi đã không biến những ước mơ thành hiện thực: Xung đột địa phương và bạo lực giữa các sắc tộc lan rộng, khủng bố nhân danh tôn giáo đe dọa an ninh toàn cầu đến mức độ đáng ngại mà 9/11 là khởi điểm. Kinh tế tại các quốc gia công nghiệp suy thoái nghiêm trọng, mô hình kinh tế thị trường không đem lại giải pháp trong khi tình hình chung ngày càng nguy kịch. Nợ công của các nước giàu là một thảm họa chung cho tương lai mà sự bất lực của chính quyền trong việc quản lý công sản là lý do. Triển vọng hội nhập vào kinh tế thế giới của các nước nghèo cũng trở nên mơ hồ vì cơ hội giao thương và đầu tư ngoại quốc lại sụt giảm. Tác hại hơn khi các chế độ độc tài làm cho tham nhũng, bất công và nghèo đói gia tăng, giá trị dân chủ không được phát huy, nhân quyền bị vi phạm có hệ thống, mọi tự do dân chủ cơ bản đều bị bóp nghẹt. Điểm bi quan nhất là thế giới hiện nay có chung vấn đề mới là biến đổi khí hậu, tài nguyện cạn kiệt, dân số gia tăng và giáo dục xuống cấp.
    Những thay đổi triệt để mọi giá trị này làm cho các lý thuyết về thịnh vượng cần luận giải theo một chiều hướng khác hơn Smith đề ra: tại sao tăng trưởng kinh tế mà thất nghiệp lại gia tăng và công nhân có việc làm mà cần thêm trợ cấp mới sống được, tại sao thị trường tư bản tài chính hoạt động độc lập trong khi chính quyền không thể kiểm soát các vi phạm và ngăn chận lòng tham vô đạo đức của giới đầu cơ và tại sao quyền lực bàn tay vô hình lại bất lực trước các mánh khoé để thủ lợi của giới tư bản.
    Tương lai kinh tế bất trắc làm công luận mất tin tưởng về cơ chế tự vận hành của nền kinh tế thị trường, khả năng cảnh báo của học giới và khả năng kiểm soát của chính quyền. Nhưng niềm tin này thực sự hoàn toàn tan biến khi suy thoái bùng nổ vào năm 2008.
    New Capitalism?
    Suy thoái sinh ra các vần đề mới cần thảo luận: Bản chất đích thực của chủ nghiã tư bản là gì và phục vụ cho ai? Khái niệm của Smith có còn giá trị phổ quát không? Kinh tế phương Tây cần có một mô hình mới không? Đây là trọng điểm của cuộc hội luận xoay quanh đề tài „New World, New Capitalism“ do Blair, Merkel và Sarkozy đầu tiên đề xuất và hàng loạt các thảo luận khác về sau. Khi đề cập về khái niệm của Smith trong các cuộc thảo luận này thì điều ngạc nhiên nhất là vẫn còn nhiều ngộ nhận.
    Thực ra, Smith không là người khai sinh ra chủ nghiã tư bản, vì trong suốt 1000 trang sách của The Wealth of Nations ông không hề đề cập từ capitalism và có lập luận bảo vệ cho chủ thuyết này. Ông cổ súy cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường nhưng tư bản tài chính không là yếu tố then chốt, mà chỉ là một đơn vị trong các yếu tố sản xuất. Thịnh vượng của đất nước không hoàn toàn dựa trên tư lợi, mà sự ổn cố thể chế và dị biệt về động lực sẽ khích lệ cho tăng trưởng.
    Smith không hề coi thị trường là một cơ chế hoàn toàn độc lập, có khả năng đem lại phúc lợi tối ưu cho đất nước mà không cần đến chính quyền hay đạo đức cá nhân và xã hội. Bảo vệ thành quả của thị trường không thể giới hạn trong hai phạm vi tôn trọng việc theo đuổi tư lợi và quyền tư hữu. Cơ chế thị trường phải được nhận định bao quát hơn là tự do trao đổi. Điển hình nhất là hệ thống trợ cấp thất nghiệp, an sinh xã hội và y tế giáo dục tại các nước công nghiệp phát triển là những thành quả do luật lệ và thể chế của nền kinh tế thị trường mang lại, mà không do tư lợi đơn phương quyết định. Nghèo đói và bất công xã hội vẫn là những thách thức còn lại của nền kinh tế thị trường dù đã tăng trưởng cao độ.
    Trong The Theory of Moral Sentiments ông đề cao vai trò của những giá trị tinh thần như khôn ngoan và cẩn trọng, đây là đức tính thuộc đạo đức cá nhân cần thiết để phát huy xã hội công bình. Tăng trưởng kinh tế cần có niềm tin về giá trị xã hội và kết ước cá nhân. Người dân tin vào sự thành tín và cẩn trọng của ngân hàng, nơi để gởi tiền tiết kiệm và lấy tiền ra khi cần thiết, nhưng quan trọng nhất là niềm tin chung về toàn bộ hoạt động ngân hàng. Niềm tin này không còn khi ngân hàng tham gia vào dịch vụ đầu tư vô cùng bất trắc mà chính ngân hàng không lường được nguy hiểm và chính quyền không có khả năng kiểm soát.
    Hiện nay, luật kiểm soát ngân hàng thì quá ít hoặc áp dụng lỏng lẻo, nên dân chúng đòi hỏi chính quyền phải kiểm soát mạnh hơn và chiều hướng giải quyết khủng hoảng chỉ giới hạn trong phạm vi kiểm soát các giao lưu tư bản trên thị trường tài chính và hợp tác trên bình diện quốc tế. Do đó, thay vì tìm ra một khái niệm mới cho chủ nghiã tư bản trong thế kỷ XXI, các nước phương Tây cần luận giải và áp dụng lý thuyết của Smith cho phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
    THỰC TẾ TẠI VIỆT NAM
    Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình ngoài khuôn khổ suy luận của Smith và là một đặc thù có những thành tựu ban đầu.
    Sự nghiệp Đổi Mới không có thời kỳ khai sáng khởi đầu, mà chỉ do quyết định xé rào và đổi mới, một chiến thuật để sống còn hơn là một chiến lược phát triển trường kỳ. Dù mức huy động tiết kiệm quốc nội thấp, nhưng Việt Nam đã thu hút được tư bản khả dụng của các định chế quốc tế, doanh nghiệp ngoại quốc và Việt kiều để đầu tư. Dung lượng kiều hối của năm 2012 là 10 tỷ, một thí dụ đầy ấn tượng. Muốn có số doanh thu này Việt Nam cần đến một dung lượng đầu tư khoảng 150 tỷ, một doanh số ảo tưởng trong bối cảnh suy thoái hiện nay, nhưng 10 tỷ này là một thực tại hạnh phúc, một hình thức viện trợ mà Việt Nam không có nghiã vụ hoàn trả và bằng gấp ba lần dung lượng xuất khẩu nông sản. Giáo dục lạc hướng nên không có canh tân kỷ thuật và phong trào công nghiệp hoá, nhưng Việt Nam phát uy ưu thế ngoại thương với sản phẩm gia công và xuất khẩu nông lâm và thủy hải sản.
    Dù vận hành theo nền kinh tế thị trường, nhưng định hướng của chính sách nông nghiệp, công nghiệp, doanh nghiệp, nợ công và nhân dụng đem lại một thực tế khác hơn Smith mong đợi.
    Nông nghiệp
    Sản lượng xuất khẩu 7,3 triệu tấn gạo của năm 2012 đem lại doanh thu 3,3 tỷ, một kỷ lục của chính sách nông nghiệp, nhưng không làm cho nông dân hãnh diện và có đời sống sung túc hơn. Dù năng xuất tăng do kỷ thuật mới, vì vật giá cao lại chỉ bán cho thương lái và nhận được 22,3% thu nhập trong chuổi giá trị, lợi nhuận tương đương 316.215 đồng/ người/tháng, trong khi ngưỡng nghèo hiện nay là 400.000 đồng, nên nông dân không thể mua sản phẩm công nghiệp nhiều hơn và tạo thành một thị trường công nông cộng sinh và cộng hưởng như Smith tiên đoán. Nông dân dù là thành phần làm ra nông phẩm nhưng lại không hưởng thành quả tương xứng, một bất công trong phân phối phúc lợi xã hội.
    Theo Smith, đầu tư vào kinh tế nông nghiệp sinh lợi nhiều nhất và mối quan hệ trao đổi giửa thành thị và nông thôn bổ sung nhau để lập thành một thị trường chung. Điều này vẫn đúng cho Việt Nam. Do định hướng là đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân mà do nhà nước đại diện chủ sỏ hữu, một khái niệm ngược với tinh thần tôn trọng quyền tư hữu. Những biện pháp công nghiệp hoá, thành thị hoá và an ninh quốc phòng không nhằm bảo vệ tư lợi của nông dân. Các biện pháp chống lạm phát và an ninh lương thực làm nông dân không bán được nông phẩm theo đúng giá cạnh tranh và các biện pháp thu mua chỉ phục vụ cho quyền lợi công ty bảo vệ thực vật, phân bón và xuất khẩu lương thực.
    Đời sống nông dân sẽ còn cơ cực nhiều hơn nửa, vì hiện nay không có những cải cách thiết thực và Hiệp Hội Nông Dân lại không thể phản ảnh trung thực nguyện vọng vì là một cơ sở ngoại vi của chế độ. Bi quan nhất là giới trẻ nông thôn không có tương lai vì không theo đuổi học vấn, một phần do chi phí quá mắc và phần khác do thiếu bối cảnh khích lệ. Việc này tác hại sự phát triển thị trường nhân dụng đang đòi hỏi nhiều kỷ năng hơn.
    Công nghiệp
    Công nghiệp chiếm 40% trong nền kinh tế và công nghiệp gia công chế biến phát triển cao độ nhằm phục vụ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Dung lượng xuất khẩu tăng 18,3% trong năm 2012 đạt 114,3 tỷ là một thành tích cho chính sách công nghiệp, nhưng đời sống công nhân chưa cải thiện so với thành tích này mà giá lương nhân công rẻ là lý do. Mãi lực thấp nên công nhân không thể tác động cho thị trường thương phẩm nội địa tăng trưởng. Hiện nay, hiệu ứng suy thoái tại các nước phương Tây làm việc mở rộng ngoại thương khó khăn, cạnh tranh khu vực lại ráo riết và chuẩn mực sản phẩm trở thành vấn đề ưu tiên. Đấu tư quốc tế đang sút giảm hơn 15% và trong chiều hướng này công nghiệp không thể tăng trưởng.
    Smith cho là đầu tư công nghiệp nhằm phát triển thị trường nội địa để đời sống công nhân khá hơn. Giải pháp thực tế nhất cho Việt Nam là tôn trọng quyền lợi công nhân, tăng lương tối thiểu và cải thiện các biện pháp an sinh xã hội. Nhưng như Smith đã thấy, ưu thế xã hội của nhà sản xuất trong mối quan hệ lao động bao giờ cũng làm công nhận bị thua thiệt và bất công sẽ kéo dài khi mà luật lao động không là một giải pháp thích hợp.
    Còn một chuyển hướng nào khác khả dĩ tối ưu cho công nhân không? Gia tăng năng lực cạnh tranh là quan tâm của Smith và cũng là giải pháp thứ nhất được đề nghị. Thay vì tiếp tục gia công, công nhân cần cung ứng những sản phẩm có giá trị cao, nhưng giải pháp này không thực hiện được khi giáo dục đang xuống cấp và thành tựu cải cách giáo dục được tính bằng thế hệ.
    Giải pháp thứ hai hy vọng rằng công nghiệp thông tin là một tiềm năng có thể phát huy. Dù giới trẻ Việt Nam cực kỳ thông minh trong lĩnh vực này, nhưng như Smith cho biết, năng khiếu không quan trọng bằng khởi động chính sách thích hợp. Ấn Độ vẫn còn dẫn đầu lĩnh vực này trong các nước đang phát triển mà ưu thế của Ấn Độ trong quá khứ là các doanh giới quốc tế đánh giá đúng tiềm năng và đầu tư tối đa vào việc huấn nghệ cộng thêm với chính sách hổ trợ đặc biệt của chính quyền. Hiện nay hai điều kiện này không có tại Việt Nam, nên triển vọng là mơ hồ. Dù đóng góp to lớn cho thành tựu kinh tế, nhưng công nhân cũng cùng chung số phận như nông dân và cũng không có một viễn tượng tốt đẹp hơn.
    Doanh nghiệp
    Bàn tay vô hình theo Smith chỉ hoạt động hữu hiệu trên doanh trường khi chính trường tạo ra một sân chơi tự do để phát huy năng lực cạnh tranh cho doanh giới. Chủ trương định hướng tin rằng kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo vì có khả năng điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô cũng như ngân hàng thương mại nhà nước có đủ năng lực cạnh tranh, một niềm tin son sắt qua thời gian. Quản lý sai lầm của Vina, Vinashin, Vinalines và ACB gây thua lổ trầm trọng là thí dụ tương phản và tạo nhiều phản ứng trong công luận nhưng không tạo chuyển biến về cải cách.
    Đâu là giải pháp? Giống như lập luận của Smith về vai trò chính quyền, nhưng Keynes thuyết phục khác hơn: chính quyền can thiệp vào thời khủng hoảng nhằm tìm cách đưa nền kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng, mà cụ thể là tăng thêm sức cầu và đưa lao động đến tình trạng toàn dụng. Nhưng thực tế nhất là Frank Borman, lãnh đạo của tập đoàn Eastern Arilines, ông cho rằng kinh tế thị trường mà không có phá sản doanh nghiệp thì cũng giống như đạo Thiên Chúa mà không có địa ngục, một quy luật tất yếu nhưng lại không xảy ra cho các anh cả đỏ của chế độ.
    Hậu quả của định hướng là cho phép doanh nghiệp nhà nước phá sản nhưng không giải thể, một nghịch lý trong luật cạnh tranh, mà tiếp tục hoạt đông thì chỉ duy trì khủng hoảng và kiềm hãm tăng trưởng. Sân chơi tự do theo Smith phải bị ràng buộc bởi ý kiến của khán giả và quyết định tối hậu của trọng tài, nhưng định hướng cho phép cầu thủ vừa đá bóng vừa thổi còi trên sân; quyền lực của bàn tay vô hình lại bị tư bản thân tộc và các nhóm lợi ích khống chế toàn bộ; cá nhân vi phạm luật kinh tế mà không ai dám nêu tên để quy trách và thuộc về Đảng quyền, một bí mật nằm ngoài và trên sự tài phán của nhà nước pháp quyền, đặc thù này là do duy ý chí chính trị. Chiến thuật này không đem lại niềm tin về một chiến lược tăng trưởng cho tương lai.
    Nợ công
    Quản lý công sản sai lầm nhưng lại không giải quyết và dồn hệ lụy cho tương lai là lý giải của Smith về nợ công và điều này đúng cho Việt Nam, dù nguyên tắc bút toán tài chính công làm cho vấn đề ít trầm trọng hơn.
    Luật ngân sách định nghiã nợ công gồm có nợ của chính phủ và nợ bảo lãnh, khối lượng nợ này được ước tính là 66,8 tỷ và chiếm 55% tổng sản lượng. Số nợ của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại nhà nước hiện nay là 62,1 tỷ chiếm 51% tổng sản lượng, nhưng theo luật không được ghi là nợ công nên áp lực trả nợ giảm, dù trái với nguyên tắc của tài chính quốc tế.
    Giải pháp tăng thuế theo Smith không thể là phù hợp cho hoàn cảnh. Dân nghèo lại gánh chiụ món nợ khổng lồ do sai lầm của doanh nghiệp nhà nước không thể là tinh thần tương trợ để thuyết phục, vì chính Smith cho là đóng thuế phải hợp lý và hợp với sức chịu đựng. Nếu in tiền để trả nợ thì lạm phát gia tăng, cuối cùng người dân cũng chiụ hệ lụy tương tự.
    Dù hiện trạng nợ công áp lực chưa đủ mạnh, không ai có thể tiên đoán được chừng nào Việt Nam mới tuân thủ nguyên tắc quốc tế, biển nợ công có hiệu ứng lan toả như sóng thần, tìm cách nào để giảm nợ và trả nợ, nhưng triển vọng ngân sách chắc chắn là càng bị đè nặng hơn. Dù kịch bản nào xảy ra, thì thế hệ tương lai sẽ không thừa hưởng một di sản thuận lợi, môt vấn đề bất công giửa các thế hệ mà ít người quan tâm.
    Nhân dụng
    Phát huy hiệu năng nhân dụng của Smith và thâm dụng lao động giản đơn của Hume đề xuất là một giải pháp thiết thực; với một dân số trẻ trung và năng động Việt Nam có thể khai thác tiềm năng này để cung ứng nhân lực cho thị trường nội địa. Thực tế cho thấy bi quan hơn vì không có giải pháp.
    Đâu là lý do? Đề xuất một kế hoạch cho thị trường lao động cả nước là điều bất khả vì không ai nắm bắt được các chuyển biến phức tạp tại các thị trường điạ phương. Phối hợp các tiềm năng thành một định hướng khả thi đòi hỏi viễn kiến và quyết tâm chính trị, trong khi trung ương và điạ phương không nắm bắt được sự thao túng của ngưòi lạ và vấn đề chủ quyền thị trường, vì nhiều lý do khác lại không thể đặt ra để kiểm soát. Nghịch lý còn tiếp tục và sẽ đem lại bất ổn xã hội.
    Triển vọng mở ra khi xuất khẩu lao động là một cơ hội làm tăng dung lượng kiều hối, một ưu thế không thể tranh cải, nhưng có phải một chính sách nhân dụng tối ưu không khi bỏ ngỏ thị trường nội điạ, đó là một đề tài cần nghiên cứu cẩn trọng, mà Smith cũng không có lý giải cho đặc thù này. Những tác hại của người lạ trên thị trường thương phẩm nội địa hiện nay có thể đem lại bài học cho việc định hướng này.
    KẾT LUẬN
    Dù các giải pháp phân công lao động, canh tân kỷ thuật và tự do cạnh tranh vẫn có tính cẩm nang và thời sự cho sự vận hành nền kinh tế thị trường Việt Nam, nhưng The Wealth of Nations không soi sáng cho thành tựu Đổi Mới hay lý giải hiện trạng suy thoái và đem lại giải pháp cho mai sau.
    Mục đích của Smith là chỉ bàn về các điều kiện chung của thịnh vượng trong bối cảnh kinh tế châu Âu trước đây, do đó ông không có phương cách cụ thể để giải quyết các khó khăn nội tại của Việt Nam là luật pháp vô hiệu, giáo dục xuống cấp, tham nhũng hoành hành, môi sinh cạn kiệt và vô cảm lan rộng. Ngoài ra, Smith cũng không có tầm nhìn về các áp lực ngoại tại của các định chế quốc tế và doanh giới đầu tư, hiệu ứng suy trầm của các nước phương Tây, an ninh lãnh thổ và cạnh tranh khu vực. Chính sách định hướng không là suy luận của Smith, nhưng là lý do không đem lại tăng trưởng cao hơn và không thể phòng chống những tác động làm suy thoái, một hiện thực mà Milton Friedman đã thấy trong hoàn cảnh các nước phương Tây trước đây, nhưng lại đúng cho Việt Nam hôm nay: “Currently, opinion is free market, while practice is heavily socialist“ (Hiện nay theo lý thuyết là thị trường tự do mà thực hành lại quá nặng về xã hội chủ nghiã).
    Với mức tăng trưởng khiêm nhường là 5,03%, kềm chế được lạm pháp và thặng dư trong cán cân mậu dịch trên 284 triệu trong 2012, nhưng 2013 Việt Nam sẽ đối đầu với mức tăng trưởng giảm, lượng đầu tư kém, phá sản doanh nghiệp tăng, nợ xấu nhiều và đạo quân thất nghiệp đông. Trước hiện trạng này thì tương lai đất nước cần một giải pháp thuần Việt, một cải cách triệt để về tái cấu trúc kinh tế cho phù hợp với đòi hỏi của tình hình và cũng là một quyết tâm thay đổi ý chí chính trị được toàn dân ủng hộ.
    Con đường dẫn tới thịnh vượng còn nhiều chông gai và xa vời, nhưng đất nước và con người Việt Nam không thể chỉ suy đoán qua khía cạnh kinh tế thuần lý, vì còn có những yếu tố khác toàn diện hơn như Smith và Sen đề cập hay tình cờ hơn như Hayek lý giải. Kinh tế Việt Nam là một thực tế sinh động, phức tạp, đầy nghịch lý và nhiều phép lạ; người Việt can đảm, tự tin và lạc quan trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Hy vọng là lý thuyết của Smith còn nhiều sai lầm và Việt Nam sẽ đem lại một bài học mới cho các nhà lập thuyết về tăng trưởng. Thực ra không ai có đủ viễn kiến để tiên đoán chính xác viễn tượng kinh tế vì thông tin trái chiều, thống kê sai lạc, khả năng suy luận bị chuyên môn hóa và kể cả niềm tin chính trị, đây là chuyện quen thuộc trong nghiên cứu lý thuyết.
    Về giá trị của lý thuyết như Robert Cox nhận xét: “Theory is always for someone and for some purpose“, (lý thuyết luôn luôn chỉ dành cho một số người và cho một vài mục tiêu) tiểu luận về Smith không thể thoát khỏi giới hạn này và hy vọng là một đóng góp khiêm tốn trong cuộc thảo luận chung và cần ý kiến bổ sung.
    Nguồn: http://www.vietthuc.org/55599/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org