Phải chăng chủ nghĩa chuyên chế đang thắng thế?

Posted on
  • Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Biên dịch và hiệu đính: Lê Xuân Hùng
    Vào những năm 30 của thế kỷ trước, du khách trở về từ nước Ý của Mussolini, nước Nga của Stalin hay nước Đức của Hitler thường ca ngợi lòng nhiệt thành với lý tưởng chung mà họ được chứng kiến tại các quốc gia này. So với tinh thần đó, chế độ dân chủ ở đất nước họ dường như thật yếu đuối, bất lực và hèm kém.
    Các nền dân chủ hiện đại cũng đang trải qua một gian đoạn của lòng ghen tị và chán nản (từ phía người dân – ND) như thế. Đối thủ của họ – những nền chính trị chuyên chế lại đang rạng rỡ với niềm tự tin đến kiêu ngạo. Trong thập niên 1930, người phương Tây đến Nga để chiêm ngưỡng các ga tàu điện ngầm của Stalin tại Moscow; ngày nay họ đến Trung Quốc để lên những chuyến tàu cao tốc từ Bắc Kinh đến Thượng Hải.
    Và giống như những năm 1930, họ tự hỏi làm thế nào các chế độ độc đoán chỉ qua một đêm mà xây xong đường sắt cao tốc như vậy, trong khi các nền dân chủ phải tốn đến 40 năm mới có thể đi đến quyết định là họ thậm chí không thể bắt đầu những công việc này. Dấu ấn của Francis Fukuyama vào năm 1989 –  khi ông nói với người dân các nước phương Tây rằng chế độ dân chủ tự do là dạng thức cuối cùng mà tất cả các nền chính trị đều phấn đấu trở thành – lúc này không khác gì một di vật lạ lùng thuộc về một thời khắc đơn cực (unipolarity moment) đã lùi vào dĩ vãng.
    Lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, bước tiến của chủ nghĩa dân chủ hợp hiến (democratic constitutionalism) đã phải ngừng lại. Quân đội đã tiến hành đảo chính  ở Thái Lan, còn ở Miến Điện thì vẫn chưa rõ liệu các tướng lĩnh quân đội có cho phép chế độ dân chủ bén rẽ hay không. Với mỗi quốc gia châu Phi như Ghana, nơi mà các thể chế dân chủ dường như đã khá vững vàng, lại có một Mali, một Bờ Biển Ngà, hay một Zimbabwe, nơi mà nền dân chủ vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
    Tại châu Mỹ Latinh, chế độ dân chủ đã chắc rễ ở Chile, nhưng ở Mexico và Colombia, nó vẫn đang bị đe dọa bởi bạo lực, còn ở Argentina thì nó đang nỗ lực để trút bỏ di sản của chủ nghĩa Peron.[2] Tại Brazil, dường như việc hàng triệu người xuống đường biểu tình để phản đối nạn tham nhũng trong tháng sáu vừa qua không hề có tác động gì đến chủ nghĩa thân hữu (cronysim) trong chính quyền Brasilia. Tại khu vực Trung Đông, chế độ dân chủ đã có được chỗ dựa vững chắc tại Tunisia, nhưng hỗn loạn vẫn đang tiếp diễn ở Syria; tại Ai Cập, nền chính trị độc tài dân cử (plebiscitary authoritarianism)[3] đang thống trị; còn tại các nhà nước quân chủ (như Ả-rập Saudi – ND), chủ nghĩa chuyên chế (absolutism) đang trên đà tiến lên.
    Tại châu Âu, trong khi giới tinh hoa chính trị vẫn kiên định rằng liều thuốc cho những khó khăn của châu lục này là “tăng cường châu Âu hóa” thì một phần ba cử tri của họ lại tỏ ra không hề thiết tha với điều này. Từ Hungary đến Hà Lan, ở cả Pháp và Anh, phe cánh hữu chống châu Âu đang củng cố sức mạnh bằng chính sách phản đối Liên minh châu Âu nói chung, và chống nhập cư nói riêng. Tại Nga, thời khắc dân chủ trong những năm 1990 giờ đây chỉ xa vời như giai đoạn quân chủ lập hiến 1905 – 1914.
    Cái bắt tay gần đây giữa Vladimir Putin và Tập Cận Bình không chỉ nhằm ghi nhận một vụ mua bán khí đốt lớn; hơn thế nữa, nó báo trước sự trỗi dậy của một liên minh giữa các nhà nước độc tài, với dân số 1,6 tỉ người sống trên một dải không gian Á-Âu rộng lớn, trải dài từ biên giới với Ba Lan đến Thái Bình Dương, từ Bắc Cực đến biên giới giáp với Afghanistan.
    Khu vực này bao gồm cả những quốc gia phụ thuộc (client state) ương ngạnh như Bắc Triều Tiên và những chế độ chuyên chế gia trưởng (patriarchal despotism) như các nước cộng hòa Hồi giáo thuộc Liên Xô cũ. Nó cũng bao gồm những đất nước không dễ bảo như Gruzia, Armenia, và Moldova, nơi mà khát vọng độc lập và dân chủ của người dân đang bị những nhà lãnh đạo độc tài lên tiếng ngăn cản trong thời gian gần đây – một phần rút ra từ bài học mà Ukraine đang phải lãnh chịu.
    Ukraine là nơi diễn ra cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa những nền dân chủ bạc nhược của phương Tây và những “quần đảo chuyên chế” đang trỗi dậy ở phương Đông. Nếu như Ukraine không được phép lựa chọn con đường dân chủ cho chính mình, một số quốc gia có đường biên giới với Nga cũng sẽ bị ngăn chặn nếu muốn tiến vào con đường này – đặc biệt là những nước có các nhóm thiểu số nói tiếng Nga.

    Sự cạnh tranh giữa chủ nghĩa chuyên chế và dân chủ
    Người ta nói rằng xung đột giữa chủ nghĩa chuyên chế và chế độ dân chủ không phải là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, vì những chế độ độc tài ngày nay không có một hệ tư tưởng bành trướng như chủ nghĩa cộng sản. Điều đó không đúng. Chủ nghĩa cộng sản với tư cách là một hệ thống kinh tế có thể đã hết thời, nhưng với tư cách là một mô hình thống trị của nhà nước đối với xã hội, thì nó vẫn còn sống khỏe ở cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lẫn nhà nước cảnh sát của Putin.
    Chủ nghĩa độc tài mới này cũng chẳng thiếu một chiến lược phát triển kinh tế. Mục tiêu của nó là một phương thức hiện đại hóa quen thuộc: bảo đảm những lợi ích của hội nhập toàn cầu mà không phải hy sinh quyền thống trị về mặt chính trị và tư tưởng trong nước. Mô hình kinh tế của nó là chủ nghĩa tư bản có sự can thiệp của nhà nước (price-fixing state capitalism). Thay vì chế độ pháp quyền, hệ thống pháp lý của nó lại chịu sự điều hành bằng mệnh lệnh (thường là những mệnh lệnh biến chất). Hệ luân lý của nó từ chối thuyết đạo đức phổ quát (moral universalism), và khẳng định rằng các nền văn minh của Trung Hoa và Nga là những hệ thống luân lý hoàn chỉnh và khép kín. Thế nên việc truy tố những người đồng tính luyến ái không phải là những hành vi thái quá nhất thời, mà thuộc về bản chất lý tưởng muốn ngăn chặn chủ nghĩa cá nhân từ phương Tây của họ.
    Dù tầm nhìn chiến lược của Nga và Trung Quốc xuất phát từ những kinh nghiệm lịch sử khác nhau, nhưng những thông điệp mà họ rút ra từ lịch sử đất nước mình lại khá tương đồng. Cả hai đều ghi nhớ những mối sỉ nhục mà phương Tây gây ra cho đất nước họ. Cả hai đều thẳng thừng chối bỏ mô hình chính trị dân chủ tự do. Cả hai đều quả quyết rằng kinh nghiệm về những cuộc cách mạng và nội chiến trong thế kỷ hai mươi đòi hỏi họ phải có một chế độ trung ương tập quyền và trị vì với một “bàn tay sắt”.
    Những biến thể của phương thức hiện đại hóa theo chủ nghĩa chuyên chế tại Trung Quốc và Nga sử dụng những nguồn lực khác nhau, và cả hai vẫn là những đối thủ cạnh tranh xét về chiến lược địa chính trị (geostrategic) – một nước đang trỗi dậy, còn nước kia thì đang cố ngăn cản sự tụt dốc của mình – nhưng trong trung hạn, cả hai bên đều có những lý do thích hợp liên kết lợi ích với nhau. Sự tương đồng về lợi ích (giữa hai nước này – ND) khá là nổi bật  – cả hai bỏ phiếu như nhau trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đều truy tố những người bất đồng chính kiến trong nước, và cùng nhau ủng hộ chế độ độc tài cuồng sát tại Syria. Chia sẻ sự phẫn uất đối với trật tự thế giới do Hoa Kỳ thống trị, Trung Quốc và Nga đã nói chung một giọng kể từ ngày người Mỹ ném bom đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade (thủ đô Nam Tư cũ, nay là thủ đô Serbia – ND) vào năm 1999.
    Những chế độ độc tài mới nổi này chỉ ra cho giới tinh hoa của châu Phi và đại lục Á-Âu một con đường khác với phương Tây để phát triển trong thời hiện đại: tăng trưởng nhưng không có dân chủ và tiến bộ mà không cần tự do. Đó là bản nhạc mê hồn mà một vài nhân vật trong giới tinh hoa chính trị – đặc biệt là những tên tham quan (kleptocrat) – tại Á, Phi, và Mỹ Latinh luôn sẵn sàng lắng nghe.

    Sự suy đồi của mô hình chính trị Hoa Kỳ
    Đối mặt với sự hồi sinh của những chế độ độc tài, nước Mỹ lại làm một tấm gương xấu cho các nước đồng minh và các quốc gia thân hữu noi theo. Bộ máy pháp quyền của đất nước này từng được ngưỡng mộ trên khắp thế giới trong suốt hai thế kỷ. Giờ đây, trong tay các phe phái chính trị tại Washington và trong nội bộ hai đảng, nó chỉ gây ra tình trạng tê liệt. Những người nước ngoài hâm mộ nước Mỹ có thể chấp nhận thực tế rằng đồng tiền có tiếng nói trong chính trị tại Washington, vì tiền bạc luôn có tiếng nói trong bất cứ nền chính trị nào, nhưng họ không thể coi sự biện minh cuồng nhiệt về mặt tư tưởng cho quyền lực của đồng đô la tại Washington là điều bình thường. Lý luận của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ cho rằng đồng tiền trong chính trị cần được bảo vệ y như quyền tự do ngôn luận là một lý thuyết điên rồ trong mắt người dân của các quốc gia dân chủ tự do khác. Đối với những nền dân chủ khác ở phương Tây, tiền chỉ đơn giản là quyền lực chứ không thể thay thế ngôn luận, và nó cần phải được điều tiết để bảo đảm sự tự do của người dân.
    Khó có thể bảo vệ nền dân chủ tự do ở hải ngoại một cách hăng hái nếu như nó hoạt động kém đến vậy ngay trong nước. Suy nghĩ này khiến Chủ tịch Hội đồng về Quan hệ Ngoại giao (Council on Foreign Relations) Richard Haass phải tranh luận trong bài viết Foreign Policy Begins at Home (Chính sách đối ngoại bắt đầu từ trong nước) rằng nước Mỹ cần phải chỉnh đốn lại nội bộ trước khi tuyên truyền cho những giá trị và thể chế của nó ở nước ngoài. Những mục tiêu đối nội hợp với lý lẽ thường tình mà ông nêu ra trong bài viết – kiểm soát tài chính công, cải cách luật bầu cử và luật vận động tranh cử, đầu tư vào giáo dục – như một lời kêu gọi hành động, nhưng để thực hiện những mục tiêu rất cơ bản này trong hoàn cảnh mâu thuẫn đảng phái như hiện nay quả là một điều không tưởng. Một chế độ dân chủ chỉ có thể hoạt động nếu như đấu tranh chính trị trong nước được tiến hành bởi những đối thủ cạnh tranh (politics of adversaries); nhưng hiện tại thì Hiến pháp của Hoa Kỳ lại đang bị tê liệt bởi một nền chính trị của những kẻ thù (politics of enemies).
    Theo nhà chính trị học lỗi lạc của Học viện Công nghệ Massachussette (MIT), Barry Posen, vấn đề của nước Mỹ không phải là sự rối loạn chức năng của nền dân chủ (democratic dysfunction) trong đối nội, mà là sự quá đà trong đối ngoại. Trong cuốn sách mới của mình với tiêu đề Restraint (Tự kiềm chế), ông cho rằng nước Mỹ đã đâm đầu vào những cuộc chiến mà nó không nên gây ra và theo đuổi những mục tiêu mà nó không thể đạt được, như là nhân quyền, dân chủ và kiến thiết quốc gia (nation-building, ý chỉ nỗ lực kiến thiết các nhà nước theo mô hình dân chủ tự do của Mỹ ở nước ngoài – ND), nhằm mục đích thiết lập cái gọi là “bá quyền tự do” (liberal hegemony). Do đã đầu tư vào quốc phòng nhiều hơn tất cả các quốc gia thân hữu lẫn kẻ thù, nước Mỹ cho phép các đồng minh châu Âu được ngồi không hưởng lợi (free riding), và tạo điều kiện cho Israel “cậy thế làm càn” (chủ yếu thông qua việc xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine).
    Theo ông, nếu nước Mỹ có thể cắt giảm chi phí quốc phòng từ 7,5 % GDP như hiện nay xuống còn 2,5 %, nó có thể buộc các nước đồng minh phải tự bảo vệ mình và có thêm 75 tỉ đô la để tái thiết đất nước. Việc một nhà lý luận hiện thực chủ nghĩa bảo thủ đưa ra lời khuyên kiểu này quả là điều bất ngờ; nó cho thấy mức độ đồng tình giữa những người theo chủ nghĩa hiện thực và phe cấp tiến trong việc phê phán các khoản chi tiêu quân sự bị thổi phồng và sự kiêu ngạo của nước Mỹ tại hải ngoại. Cả hai cực tả – hữu trong hệ thống chính trị dường như đang tiến đến sự đồng thuận rằng “tự kiềm chế” phải là nguyên tắc tổ chức trong chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ.
    Tự kiềm chế có nghĩa là phải biết liệu cơm gắp mắm, và điều đó đồng nghĩa với việc phải hạn chế sử dụng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong phạm vi cần thiết để bảo vệ những lợi ích sống còn của quốc gia; không can dự vào các cuộc nội chiến hay những thảm họa nhân đạo ở các nước khác, dù điều đó có làm lương tâm day dứt đến mức nào; không khuyến khích ủng hộ dân chủ và nhân quyền ở những nơi mà các giá trị đó khó có thể bén rẽ; buộc các đồng minh như Nhật Bản, Israel và các nước châu Âu phải tự gánh thêm một phần ngân sách quốc phòng của họ; và từ bỏ tham vọng định đoạt trật tự công cộng và hàng hóa công toàn cầu (global public goods and public order).
    Bài phát biểu mới đây của Tổng thống Obama tại Học viện Quân sự West Point cho thấy rằng ông đang lắng nghe lời kêu gọi của học thuyết tự kiềm chế. Về tư tưởng, ông vẫn tin vào nghĩa vụ ủng hộ nhân quyền và dân chủ ở hải ngoại, nhưng trọng tâm thật sự trong chính sách đối ngoại của ông lại là rút quân về nước, hạn chế tình trạng sa lầy ở nước ngoài, và tập trung vào kiến thiết quốc gia trong chính nước Mỹ. Dù nó là chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo hay chỉ là chủ nghĩa biệt lập (isolationism) trá hình, sự đồng thuận ngày càng gia tăng xoay quanh đức tính tự kiềm chế thể hiện tâm trạng của các thành viên của cả phe bảo thủ lẫn cấp tiếp, rằng nước Mỹ đã không còn đủ sức để định đoạt trật tự thế giới như xưa nữa. Cụ thể hơn, nước này đã không còn tự coi mình là nền dân chủ tiên phong cho một trật tự thế giới đang trên đà tiến lên của các nền dân chủ nữa.

    “Cuộc cách mạng thứ tư”
    Đây chính là bối cảnh u ám được tổng biên tập John Micklethwait và thư ký tòa soạn Adrian Wooldrigde của tờ The Economist dùng làm nền cho cuốn sách The Fourth Revolution (Cuộc Cách Mạng Thứ Tư), một ghi chép về sự phát triển của nhà nước qua năm thế kỷ và cuộc đấu tranh hiện nay giữa chế độ dân chủ và các nền độc tài đối thủ của nó. Mục tiêu công kích chính của họ là sự kém cỏi của nhà nước hiện đại:
    Sự quá tải của nhà nước hiện đại là một mối đe dọa với chế độ dân chủ: con thủy quái (Leviathan, theo tên tác phẩm kinh điển về nhà nước của Hobbes – ND) càng đảm nhận nhiều trách nhiệm bao nhiêu thì nó càng hoạt động tệ đi và khiến người dân giận dữ bấy nhiêu, và điều đó chỉ khiến người dân đòi hỏi thêm sự trợ giúp từ nhà nước.
    Cách duy nhất để chế độ dân chủ tự do đương đầu được với thách thức của chủ nghĩa độc tài từ bên ngoài và sự bất mãn đang ngày một gia tăng ở trong nước, theo họ, là nhà nước phải trở nên gọn nhẹ hơn, làm ít việc hơn nhưng với hiệu quả cao hơn.
    The Fourth Revolution có tất cả những điểm mạnh – và một vài điểm yếu của chính tờ The Economist. Điểm mạnh là sự tò mò bất tận và nhiệt huyết đối với cải cách, còn điểm yếu chính là sự vội vã quá đà của nó. Chỉ trong gần năm mươi trang giấy, hai tác giả lái độc giả phóng qua ba cuộc cách mạng trong lịch sử nhà nước hiện đại: nhà nước chuyên chế (absolutist) được tạo ra vào năm 1650 với nhà tư tưởng chính là Thomas Hobbes; nhà nước lập hiến tự do (liberal constitutional) với John Stuart Mill là người phát ngôn tiêu biểu nhất; và nhà nước phúc lợi hiện đại, mà theo họ được tạo ra bởi hai nhà lý luận xã hội chủ nghĩa người Anh, hội viên Hội Fabian[4] là Beatrice và Sydney Webb.
    Ronald Reagan và Margaret Thatcher lên nắm quyền với lời hứa sẽ tiến hành một cuộc cách mạng thứ tư nhằm thuần hóa con quái vật nhà nước, nhưng họ đã không thể xóa bỏ được nhà nước phúc lợi. Quy mô của nhà nước, xét theo số lượng công chức hay tỉ lệ thu nhập quốc nội mà chính phủ tiêu tốn, tiếp tục tăng lên trong thời gian cầm quyền của họ. Những chính trị gia bảo thủ phát hiện ra rằng họ khó có thể thay đổi được những hy vọng và quyền lợi đang được cung cấp bởi các nhà nước hiện đại.  Nhiều đảng viên đảng Cộng hòa theo phong trào Tiệc trà (Tea Party Republican) sẵn sàng từ bỏ phương thuốc vạn năng của chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) trong nháy mắt, nếu lý tưởng đó dẫn đến việc cắt giảm mức bảo hiểm y tế và an sinh xã hội của chính họ.
    Phải chăng các chính trị gia đương thời của cả hai đảng đang tiến hành những biện pháp để giúp cho nhà nước trở nên công chính và hiệu quả hơn? Tuy Micklethwait và Wooldrigde có tìm được ở đâu đó một vài người hùng của nền dân chủ, phần lớn là thị trưởng các thành phố lớn, những người đang cố gắng giúp chính quyền trở nên hiệu quả hơn; nhưng nhìn chung thì các tác giả đã vẽ nên một bức tranh khá nghiêm trọng về sự rối loạn chức năng của nền dân chủ ở cấp độ quốc gia. Khi phe bảo thủ thắng cử, lợi ích của các doanh nghiệp lên ngôi. Khi phe cấp tiến giành lại quyền lực, họ thường chỉ thành công trong việc làm cho Nhà nước trở nên độc đoán hơn. Khi phe bảo thủ trở lại nắm quyền, họ lại tiến hành cắt giảm. Cứ như vậy, một tiến trình chính trị luân phiên được duy trì, mặc cho nhà nước tiếp tục trì trệ, và tệ nhất là khiến nó can thiệp ngày càng sâu hơn vào đời sống người dân. Cả hai phe trong nền chính trị dân chủ hiện đại đều tự nhận mình là người bảo vệ quyền tự do của người dân, nhưng cả hai cuối cùng chỉ tiếp sức cho quyền kiểm soát của nhà nước đối với xã hội.
    Bị hành hạ bởi sự luân phiên chính trị ngày càng trở nên vô nghĩa này, nhà nước tự do đang ngày càng ít tự do hơn và ngày càng thiếu khả năng điều tiết những lợi ích mà lẽ ra phải thuộc quyền hạn quản lý của nó. Các đặc quyền làm biến dạng hệ thống thuế và trợ cấp đến nỗi nó đã không còn khả năng phân phối công bằng. Không những không thể giảm thiểu tình trạng bất công, nhà nước hiện đại đang làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Theo quan sát của Micklethwait và Wooldridge, “Nếu các bạn gộp các khoản chi tiêu và thuế, bao gồm tất cả những khoản khấu trừ thuế, vào với nhau, chính phủ hóa ra tiêu phí nhiều tiền bạc vào 5% trên cùng hơn là vào 5% dưới cùng trong bảng phân bố thu nhập, xét về tổng thể”.
    Dù phê phán nhà nước Leviathan, hai tác giả này lại không thể chấp nhận ảo vọng muốn phá hủy nó của những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân. Nhà nước hùng mạnh hóa ra lại là phát minh cực kỳ quan trọng của phương Tây. Đế chế Trung Hoa cũng từng có một nhà nước Leviathan, nhưng nhà nước đó duy trì trật tự nhưng đồng thời cũng bóp nghẹt sự sáng tạo của người dân. Nhà nước của phương Tây độc đáo ở chỗ nó duy trì một trật tự với sức mạnh cưỡng chế nhưng không kìm hãm sự sáng tạo của cá nhân. Thành tựu nổi bật của phương Tây, ngọn nguồn của tất cả các thành tựu khác, chính là nền quản trị được giới hạn bởi các quyền cá nhân, trong đó quyền lực của nhà nước bị kiểm soát bởi ngành tư pháp độc lập, tự do báo chí, nghị viện, và chế độ pháp quyền.

    Mô  hình nào ưu việt hơn?
    Trong nỗ lực kiếm tìm con đường để tái lập nhà nước tự do, Micklethwait và Wooldrigde hối thúc các nhà lãnh đạo dân chủ phương Tây học hỏi từ những đối thủ độc tài chủ nghĩa của mình. Thế nên họ lao đến Singapore để tìm hiểu xem người của Lý Quang Diệu đã cắt giảm các chế độ và giảm bớt thuế má mà vẫn đảm bảo được an sinh cho người nghèo như thế nào. Thay vì tìm đến Học viện Kenedy của Harvard hay Học viện Hành chính Quốc gia của Pháp (École National d’Administration), họ bay đến Học viện Cán bộ Phố Đông của Trung Quốc (China Executive Leadership Academy in Pudong) để tìm hiểu xem Đảng Cộng sản đã áp dụng truyền thống khoa cử để tạo ra một bộ máy công chức hiệu quả và trọng dụng nhân tài như thế nào.
    Việc Singapore và Thượng Hải được điều hành tốt hơn Detroit hay Los Angeles không phải là điều mới lạ. Vấn đề là liệu quản trị theo chủ nghĩa độc tài có bền vững trong bối cảnh tầng lớp trung lưu đòi quyền công dân, hay liệu hình thức quản trị đó có khả năng đối phó những cú sốc mạnh, như là sự giảm tốc của nền kinh tế trong dài hạn mà đang được dự báo là sẽ xảy ra với Trung Quốc, hay không.
    Chế độ độc tài rất kiêu ngạo nhưng cũng lại rất mỏng manh: nó phải kiểm soát tất cả, nếu không thì sớm muộn nó sẽ chẳng kiểm soát được gì. Niềm an ủi đối với chế độ dân chủ chính là khả năng thích nghi của nó. Sinh lực của nền dân chủ bắt nguồn từ chính sự bất mãn của người dân. Sự bất mãn của dân chúng dẫn đến sự thay đổi chế độ chính trị một cách hòa bình, và cũng tương tự như thay đổi các chế độ, các xã hội tự do có thể đào thải những phương án phát triển thất bại.
    Khả năng thích nghi của chế độ dân chủ sẽ được kiểm định, đặc biệt là tại Ấn Độ, nơi mà Narenda Modi vừa mới nhận được sự ủng hộ của đa số dân chúng để tiến hành cải cách nhà nước biến chất của dòng họ Gandhi. Câu hỏi mấu chốt lúc này là liệu chế độ dân chủ có thể cạnh tranh với con đường hiện đại hóa theo chủ nghĩa chuyên chế của Trung Quốc hay không. Tập Cận Bình hiện đang tiến hành một chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc, đồng thời nỗ lực giảm bớt gánh nặng của quản lý nhà nước đối với nền kinh tế. Giữa ông và Modi, ai sẽ là người thành công hơn?
    Micklethwait và Wooldridge cố gắng cưỡng lại hào quang của của phương thức hiện đại hóa theo chủ nghĩa chuyên chế, nhưng cũng giống như những nhà sáng lập theo chủ nghĩa thị trường tự do (free-market liberal) của tờ The Economist vào những năm 1840, họ kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng thứ tư nhằm trở về với chính phủ tối thiểu của thời đại Victoria. Họ muốn tất cả các nền dân chủ đơn giản hóa hệ thống thuế của mình, loại trừ các lỗ hổng, giảm bớt gánh nặng thuế má, tiếp sức cho các mạng lưới từ thiện và các gia đình để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhà nước phúc lợi. Họ muốn giải phóng thị trường khỏi những quy định phiền nhiễu và gia trưởng, để thị trường có thể tự do tiến hành công việc phá hủy mang tính sáng tạo (creative destruction – khái niệm được đưa ra bởi nhà kinh tế học người Áo, Joseph Schumpeter – ND) của mình. Tuy nhiên, họ đồng thời cũng muốn điều tiết chủ nghĩa tư bản để kiểm soát sức mạnh của đồng tiền trong chính trị. Họ có một định hướng khá rõ ràng, dù cho chi tiết của bản kế hoạch đó vẫn còn mơ hồ.
    Người hùng của họ chính là lãnh tụ của đảng Tự do, William Ewart Gladstone, người từng bốn lần giữ chức Thủ tướng Anh. Gladstone đã tiến hành giảm thuế và giúp kích thích tăng trưởng bằng việc “tiết kiệm cả những lát pho mát và những mẩu nến”.“Chủ nghĩa tự do tinh giản chính phủ” (lean government liberalism) của ông là một sự hợp tác mang nhiều mâu thuẫn nhưng cũng rất hiệu quả giữa các doanh nghiệp tư nhân và một nhà nước cải cách. Các doanh nghiệp tư nhân đã xây dựng các các ga đường sắt – những thánh đường của thời đại Victoria – trong khi nhà nước cung cấp một trật tự công cộng ít tốn kém, bao gồm cải cách vệ sinh nhằm cải thiện đời sống cho giai cấp công nhân, cải cách quyền bầu cử để họ có thể tham gia vào chính trị, và duy trì lực lượng cảnh sát tuần tra (bobby on the beat) để giữ gìn trật tự.
    Ai mà cưỡng lại được sức hút của tính tằn tiện, tình yêu đối với đổi mới và sáng tạo, và tinh thần quốc tế chủ nghĩa cao cả của Gladstone? Tuy nhiên, không rõ là liệu Gladstone có thể đưa ra một hướng dẫn có giá trị nào cho các nhà nước đương đại hay không. Các nhà nước này  đang phải chịu áp lực từ các nhu cầu về dịch vụ y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hưu trí mà Gladstone chưa từng dám mơ tới chứ đừng nói là cho phép; và ông cũng không phải đối mặt với những vấn đề dài hạn như là biến đổi khí hậu.
    Chưa có cơ sở nào để khẳng định “đổi mới phương thức quản trị” (governance innovation) – thứ đồ trang sức mà Micklethwait và Wooldridge, thông qua việc quan sát tiến trình các nhà cải cách giúp tăng cường hiệu quả cho chính phủ ở Chicago, Sacramento, Singapore và Stockholm, đã tìm kiếm xuyên suốt ba châu lục – có làm nên trò trống gì hay không. Nhà nước tự do không thiếu các kỹ thuật quản lý hiện đại, phần mềm tốt, hay các kế hoạch khác nhau để cải thiện “giao diện” giữa công chức và công chúng. Bằng việc tập trung vào vấn đề cách tân chính quyền, Micklethwait và Wooldridge lập luận rằng nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước chính là vấn đề mấu chốt. Nhưng điều chúng ta cần là một sự thay đổi mang tính căn bản và truyền thống hơn: một sự trở về với chính chế độ dân chủ hợp hiến, với các tòa án và các cơ quan quản lý không bị thao túng bởi sức mạnh của tiền bạc hay ảnh hưởng của những kẻ có quyền thế trong xã hội; với các cơ quan lập pháp nghiêm túc, chứ không phải các gánh xiếc như hiện nay; với một ngành hành pháp có khả năng chịu trách nhiệm trước công luận và hợp tác hành động khi có một sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội; với các vị Tổng thống biết hành xử như những lãnh đạo thực sự, chứ không phải như những diễn viên hài.
    Micklethwait và Wooldrigde muốn buộc nhà nước tự do phải thắt lưng buộc bụng một cách quá đà. Họ chẩn đoán được các triệu chứng bệnh tật của nhà nước, nhưng phương pháp của họ, nếu được áp dụng như một liều thuốc chính sách, có thể sẽ chỉ “chữa lợn lành thành lợn què”. Vấn đề cần phải được nhìn nhận theo một hướng khác. Kích thước quá khổ của nhà nước hiện đại được tạo ra một phần bởi di sản của các cam kết trong quá khứ chưa được xem xét lại trong hoàn cảnh những yêu cầu chiến lược mới, như trong trường hợp của quân đội Hoa Kỳ. Ở một số quốc gia, tình trạng này được tạo ra bởi các công đoàn đầy thế lực của công chức nhà nước vẫn đang kiểm soát nguồn ngân sách dành cho nhân sự; hoặc ở một số nước khác, do tầng lớp tinh hoa dân tuyển kền kền đã để cho các khoản thu nhập quốc dân chảy vào túi mình. Tuy vậy, ở các nhà nước tự do khác, các chính phủ thanh liêm và quản trị hiệu quả lại đang gặp rất nhiều khó khăn vì không có đủ nguồn lực để cung cấp cho người dân những dịch vụ quý báu và cần thiết.

    Cách giảm bất bình đẳng và phục hồi nhà nước tự do
    Như vậy, Micklethwait và Wooldrigde không cung cấp được cho chúng ta một phân tích thực tế về các vấn đề liên quan đến nguồn lực của nhà nước hiện đại – cụ thể là tình trạng khủng hoảng tài chính công mà các quốc gia gặp phải khi nhu cầu đối với các dịch vụ phúc lợi tăng lên mà nguồn thu ngân sách lại đình trệ hoặc đi xuống. Nhà kinh tế học từng được giải Nobel Joseph Stiglitz mới đây đã đưa ra một phân tích có tính bút chiến nhưng rất thuyết phục trong một sách trắng được ông viết cho viện Roosevelt. Stiglitz lập luận rằng tình trạng khủng hoảng tài chính công của nhà nước tự do bắt nguồn từ ba hiện tượng có liên hệ mật thiết với nhau: bất bình đẳng thu nhập đang ngày một gia tăng, quyền lực của tiền bạc trong chính trị, và nạn trốn thuế một cách có hệ thống của các đại gia và các tập đoàn quốc tế.
    Theo Stiglitz, bất bình đẳng gia tăng sẽ kìm hãm nhu cầu thực tế (effective demand). Các xã hội bất bình đẳng tích lũy của cải trong tay nhóm thu nhập cao nhất thay vì kích thích tiêu dùng và tăng cường đầu tư trong tầng lớp trung lưu. Bất bình đẳng kìm hãm nhu cầu và dẫn đến việc các tập đoàn cứ giữ khư khư một kho tiền mà không muốn đầu tư hay tiêu xài. Khi mà người giàu trốn thuế một cách ngày càng tinh vi hơn, toàn bộ gánh nặng chi phí duy trì nhà nước tự do bị đổ lên đôi vai của tầng lớp trung lưu. Sự bất bình đẳng quá mức (hyperinequality) đang bóp nghẹt nhu cầu và làm kiệt quệ nhà nước tự do.
    Stiglitz đưa ra một gói giải pháp toàn diện. Ông đề nghị chính phủ đặt ra một mức thuế thu nhập 40% đối với những người nắm trong tay 25% trên cùng của thu nhập quốc dân; mức thuế 20% đối với những người nắm 25% tiếp theo, và khấu trừ thuế cho tất cả những người thuộc 50% dưới cùng. Cơ cấu thuế này sẽ giải quyết được vấn đề nợ công. Ông cũng đề xuất một “giải pháp kết hợp giữa các ưu đãi thuế và đầu tư”, theo đó chính phủ sẽ đặt ra mức 15% đối với thuế thu nhập doanh nghiệp và 5% đối với thuế giá trị gia tăng. Cuối cùng, một khoản thuế tiêu thụ carbon với mức chưa xác định sẽ thúc đẩy những sáng kiến năng lượng sạch và hướng xã hội Mỹ đến với lối sống tiêu thụ ít carbon.
    Cơ cấu thuế mới này sẽ nâng nguồn thu của nhà nước trên thu nhập quốc dân lên mức 26%. Theo tính toán của ông, những biện pháp này sẽ giải quyết được khủng hoảng tài chính công của nhà nước tự do, điều hòa tình trạng bất bình đẳng thu nhập và kích thích tăng trưởng, bởi vì nhà nước sẽ sử dụng những tài sản mà hiện nay đang bị khóa kín trong các tài khoản của các tập đoàn – một số trong đó đang nằm ở các ngân hàng nước ngoài – và trong các tài khoản tiết kiệm cá nhân.
    Mặc dù một số người sẽ coi biện pháp của Stiglitz là một hình thức sung công, trong khi những người khác có thể sẽ hoài nghi rằng ông đang muốn hệ thống thuế phải thực hiện một điều bất khả thi, phân tích của ông đã xác định được vấn đề của nhà nước hiện đại một cách rõ ràng hơn so với các biên tập viên của The Economist. Về cơ bản, nhà nước tự do lâm vào khủng hoảng bởi vì các thể chế điều tiết kinh tế, pháp luật và chính trị của nó đã bị chiếm đoạt hoặc đang bị vây hãm bởi các lợi ích mà lẽ ra phải bị nó kiểm soát. Tuy không có tham vọng thực thi một chế độ công bằng phân phối (distributive equality), nhà nước tự do luôn có nghĩa vụ phải ngăn chặn sức mạnh của những khoản tiền lớn (big money) khỏi bóp nghẹt cạnh tranh và làm biến chất hệ thống chính trị. Đây là nhiệm vụ mà ngày nay nó cần phải đấu tranh để thực hiện và khôi phục nguyên trạng nếu muốn lấy lại niềm tin và sự ủng hộ của đại đa số dân chúng.
    Đây không phải là một thách thức mới. Bất bình đẳng thu nhập đã nhiều lần đe dọa nhấn chìm bình đẳng trong chính trị, điều kiện tiên quyết để nhà nước có thể hoạt động một cách công bằng. Mỗi lần như vậy, trong thời đại Tiến bộ,[5] trong Chính sách Kinh tế mới của Roosevelt hay vào buổi bình minh của các nhà nước phúc lợi tại châu Âu, những vệ sĩ của nhà nước tự do đã đương đầu với thử thách và khôi phục vị trí của nhà nước như là người bảo vệ trật tự và quyền tự do cho xã hội thị trường (market society). Micklethwait và Wooldridge đã nói đúng một điều, đó là thiên tài của phương Tây nằm trong việc phát minh ra một chính quyền với quyền lực hạn chế, tôn trọng các quyền công dân và được xây dựng dựa trên sự tin tưởng có điều kiện của những người dân thường. Chính các thể chế mạnh mẽ và trường tồn này đã, đang, và sẽ tiếp tục tạo nên bản sắc của chúng ta, nếu như chúng ta khôi phục lại được nguồn sinh lực pháp quyền cho chúng.
    *Ghi chú: Các tiểu mục do Nghiencuuquocte.net tự đặt
    ———————-
    [1] Đây là bài điểm bốn cuốn sách:
    1. Foreign Policy Begins at Home: The Case for Putting America’s House in Order by Richard N. Haass, Basic Books, 195 pp., $15.99 (paper);
    2. Restraint: A New Foundation for US Grand Strategy by Barry R. Posen, Cornell University Press, 234 pp., $29.95;
    3. The Fourth Revolution: The Global Race to Reinvent the State by John Micklethwait and Adrian Wooldridge, Penguin, 305 pp., $27.95; và
    4. Reforming Taxation to Promote Growth and Equity, a white paper by Joseph Stiglitz Roosevelt Institute, 28 pp., May 28, 2014; available at rooseveltinstitute.org
    [2] Chủ nghĩa Peron (Peronism): một phong trào chính trị dân túy và mang hơi hướng phát xít ở Argentina, theo tên cựu Tổng thống, nhà độc tài quân sự Juan Domingo Peron – ND.
    [3] Plebiscitary: (thuộc về) trưng cầu dân ý (tiếng Latin plebis scitum – đạo luật của hội đồng bình dân). Plebiscitary authoritarianism chỉ một nền chính trị độc tài dựa trên sự ủng hộ của đa số dân chúng – ND.
    [4] Hội Fabian là một tổ chức xã hội chủ nghĩa lâu đời ở Anh Quốc, được thành lập từ năm 1884, mà mục đích là để đề bạt những lý tưởng Xã hội chủ nghĩa qua chủ trương tiệm tiến (Gradualism) và cải tổ dần dần (Reformism). Hội này đã đặt nền móng cho Công đảng Anh và ảnh hưởng tới chính sách của nhiều nước mà hình thành sau sự phi thực dân hóa của đế quốc Anh, chả hạn Ấn Độ và Singapore (theo Wikipedia) – ND.
    [5] Thời đại Tiến bộ (Progressive Era) trong lịch sử Hoa Kỳ: thời kỳ có nhiều phong trào và cải cách lớn trong kinh tế – chính trị – xã hội của nước Mỹ, kéo dài từ 1890 đến thập niên 1920 – ND.
    Nguồn:http://nghiencuuquocte.org/2015/01/07/phai-chang-chu-nghia-chuyen-che-dang-thang-the/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org