Biên dịch: Ngô Trần Thanh Hiền | Hiệu
đính: Lê Hồng Hiệp
Một kết quả tổng tuyển cử như vào tháng 5/2011 sớm hay muộn cũng
sẽ xảy ra. Đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party – PAP) giành được
trung bình 60,1% số phiếu trên toàn quốc và mất sáu ghế – kết quả tồi tệ nhất
kể từ khi Singapore giành độc lập năm 1965. Sự thống trị gần như áp đảo của PAP
trong các cuộc bầu cử trước đó đã không thể duy trì được về lâu dài. Nó từng
xảy ra do thế hệ lớn lên cùng nền độc lập của Singapore đã chứng kiến tiêu chuẩn
sống tăng lên đáng kể từ một mức thấp. Cuối cùng, những cải thiện giảm tốc
và trở nên kém rõ nét hơn. Một thế hệ mới với những trải nghiệm sống khác sẽ
bầu theo một tập hợp những cân nhắc mới hoàn toàn so với thế hệ ông bà cha mẹ.
Có những nhân tố ngắn hạn đặc biệt xung quanh (cuộc bầu cử) tháng 5/2011 khiến
tình hình kém thuận lợi hơn cho PAP, như quyết định của Chủ tịch Đảng Công
nhân (Workers’ Party) Low Thia Khiang chuyển ra khỏi đơn vị bầu cử một đại diện
Hougang và ra tranh cử tại đơn vị bầu cử đa đại diện (Group Representation Constituency
– GRC)[1] Aljunied, và sự không hài lòng nói chung với những chính sách nhất
định của chính phủ. Dù vậy, cuối cùng, việc để mất một đơn vị bầu cử đa đại
diện vào tay phe đối lập sớm muộn cũng sẽ xảy ra.
Do đó, câu hỏi quan trọng hơn là: Từ đây chúng ta sẽ đi tới đâu?
Câu trả lời phụ thuộc vào lựa chọn của PAP – phản ứng của nó trước những hoàn
cảnh biến đổi – cũng như phụ thuộc vào các cử tri. Có vô số những yếu tố khó
lường. Tuy nhiên, tôi chắc chắn một điều. Nếu, cuối cùng Singapore quyết định
tiến tới hệ thống lưỡng đảng, thì chúng ta chắc chắn sẽ hướng tới sự tầm
thường. Chúng ta sẽ mất đi hào quang và trở thành chỉ một chấm đỏ nhỏ bé buồn
tẻ (trên bản đồ) nếu chúng ta tự nhủ: “Nhìn xem, để ý làm gì. Hãy là một thành
phố bình thường thôi. Tại sao chúng ta nên cố gắng để tốt hơn các thành phố
hoặc quốc gia khác?” Tôi sẽ rất lấy làm tiếc nếu Singapore tụt dốc theo con
đường đó.
Vào ngày 22/08/2012, tôi nhận được một thiệp cảm ơn từ một người
dân Singapore tên là James Ow- Yeong Keen Hoy. Từ nét chữ thảo thanh mảnh của
ông, tôi đoán ít nhất ông cũng đã 50. Người trẻ ngày nay thích đánh máy hơn, và
khi họ viết, đơn giản là họ không viết đẹp như vậy. Ông viết “Gia đình tôi biết
ơn sâu sắc và đã hưởng lợi từ sự lãnh đạo cừ khôi và những đóng góp vững chắc
của Ông giúp quốc gia chúng ta đạt được hoà bình, hạnh phúc, tiến bộ, thịnh
vượng, đoàn kết và anh ninh trong suốt những năm qua. Xin gửi lời cảm ơn chân
thành tới Ông. Cho phép chúng tôi vinh hạnh chúc Ông có được sự bình yên, niềm
vui, trí tuệ, trường thọ và tất cả những gì tốt đep nhất trong những năm sắp
tới. Và mong đất nước yêu dấu của chúng ta sẽ luôn được ban phước lành và bảo
vệ. Tạ ơn chúa”.
Tôi trích dẫn tấm thiệp này một cách chi tiết để nhấn mạnh sự
chuyển dịch lớn về ý thức từ thế hệ già, bao gồm người viết thiệp này, những
người đồng niên và những người cao tuổi hơn, cho tới một thế hệ trẻ hơn nghiễm
nhiên tận hưởng sự sung túc của Singapore. Những người như ông Ow-Yeong đã
chứng kiến Singapore phát triển từ những năm 1960 bấp bênh, khi gian khổ và
nghèo đói vẫn còn là quy luật hơn là ngoại lệ, tới Singapore sống động và mang
tính quốc tế, cung cấp những công việc lương tốt cho dân số có trình độ học vấn
cao. Nhiều người già Singapore cũng đang chuyển từ những túp lều lụp xụp tới
những căn hộ cao tầng với tiện nghi hiện đại và khu vực phụ cận an toàn. Họ có
hiểu biết tốt về những yêu cầu cấp thiết của quốc gia – cần làm những gì để tới
được đây và cần những gì để duy trì thành công – cũng như tính dễ tổn thương
của nó. Những cử tri trẻ không cùng chung quan điểm này. Được sinh ra ở
Singapore khi đã đạt nhiều thành tựu, họ nhìn quanh – một hệ thống đang hoạt
động tạo ra sự ổn định và của cải – và họ hỏi: “Phép màu ở đâu?”
Trong những lần bầu cử liên tục qua vài thập kỷ, PAP đã đảm bảo
giành hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn các ghế trong Quốc hội bởi vì những
người thuộc thế hệ già chiếm đa số cử tri. Khi tôi là thủ tướng từ năm 1959 tới
năm 1990, tình hình là nước dâng thuyền dâng. Người dân Singapore đã đưa PAP
trở lại cầm quyền lần này tới lần khác với tuyệt đại đa số. Điều này cũng xảy
ra sau khi Goh Chok Tong kế nhiệm tôi trong thời gian từ 1990 đến 2004. Nhưng
cuối cùng, thuỷ triều đạt đỉnh, và rất khó để vượt đỉnh theo cách khiến cử tri
đánh giá cao. Những người Singapore già hơn tiếp tục ủng hộ chúng tôi bởi vì họ
lưu giữ ký ức của những năm về trước, và hiểu rằng việc quản trị tốt cũng quan
trọng sau khi nền kinh tế đã trưởng thành – nếu không nói là còn quan trọng
hơn. Những cử tri trẻ không hiểu điều đó, bởi vì họ tin rằng những gì chúng ta
đạt được đã chắc chắn rồi.
Động lực nhân khẩu học cũng đóng vai trò quan trọng. Trong tổng
tuyển cử 2001, tổng tuyển cử cuối cùng dưới thời Goh Chok Tong, PAP thắng áp
đảo, đạt 75% phiếu bầu và chỉ bị mất 2 ghế. Trong số những cử tri năm đó, những
người sinh trước Độc lập nhiều hơn hẳn những người sinh sau Độc lập với tỉ lệ
2:1. Năm 2011, tỉ lệ này đã bị đảo ngược. Những người sinh sau 1965 và trước đó
chia theo ti lệ 51:49. Số phiếu của PAP giảm xuống còn 60% và phe đối lập thắng
sáu ghế.
Tất nhiên, người ta cần xem xét những hoàn cảnh trực tiếp trong
mỗi cuộc bầu cử. Những điều này bỗng trở nên rất quan trọng trong hai cuộc bầu
cử ở trên. Năm 2001, vụ tấn công khủng bố 11/9 xảy ra và bầu không khí bất định
toàn cầu có thể đã khiến một số cử tri gắn bó với đảng nào có lịch sử thực hiện
những nguyện vọng của cử tri. Năm 2011, có ít nhất hai nhân tố gây phương hại
đáng kể cho PAP.
Đầu tiên là thực tế người đứng đầu Đảng Công nhân Low Thia Khiang
đã tạo ra cho luật sư kinh doanh quốc tế Chen Show Mao hình ảnh một ứng viên
sáng giá. Ông ta có vẻ là một người tài năng. Low quyết định tham gia tranh cử
tại Aljunied GRC, cùng với Chen và chủ tịch đảng Sylvia Lim. Thông điệp ngụ ý
gửi tới cử tri thật rõ ràng: “Chúng tôi đang đặt tất cả trứng vào một rổ. Hãy
để chúng tôi giành được một GRC”. Và họ đã giành được một GRC.
Tuy nhiên, Chen hoá ra lại không quá xuất sắc. Ở Quốc hội, ông ta
đọc những bài diễn văn chuẩn bị sẵn, với lời văn được viết ra từ trước, nhưng
trong những vòng hỏi đáp tiếp theo, ông ta trở nên bừa phứa. Nó chỉ đơn giản là
không giúp gì cho ông ấy. Nếu ông ta có đầu óc nhạy bén, suy nghĩ thấu đáo các
vấn đề, ông ấy nhất định đã làm rất tốt việc che giấu nó trong hoạt động của
mình. Đây không chỉ là quan điểm của tôi. Những nhà báo đưa tin chính trị, và
cử tri ngồi ở khu vực dành cho công chúng trong Quốc hội có thể cũng cùng chung
cảm nhận. Sức nặng trong kỳ vọng của công chúng đối với ông, do ông ta có lý
lịch khá ấn tượng, có lẽ cũng góp phần vào sự thất vọng.
Nhân tố còn lại có ảnh hưởng đáng kể tới kết quả bầu cử 2011 là sự
không hài lòng đối với số lượng lớn người nước ngoài. Không may thay, lựa chọn
của chúng ta trong vấn đề này trở nên rất hạn chế bởi vì chúng ta không sinh
nở. Nếu chúng ta không nhận người nhập cư và công nhân nước ngoài, đất nước này
sẽ sụp đổ. Chính phủ đang điều tiết dòng nhập cư tới một mức độ gây ra ít sự
khó chịu hơn. Nhưng sự không hài lòng sẽ còn tiếp tục, bởi vì thậm chí khi
những công ty vận tải có tăng thêm dịch vụ xe bus và tàu điện, thì mỗi ngày
hành khách phải chịu đựng một chuyến đi đông nghẹt là một ngày bực bội đối với
anh ta.
Tuy nhiên, cách nghĩ đúng đắn về những xu hướng lớn, là gạt những
nhân tố ngắn hạn này qua một bên. Bạn phải hỏi bản thân, nếu bạn nhấc những
nhân tố này ra khỏi phương trình vào đợt bầu cử tiếp theo hoặc sau đó, mọi sự
liệu có trở lại bình thường như trước 2011 không? Tôi tin rằng câu trả lời là
dứt khoát không. Vấn đề ở đây không phải là một ứng viên nhất định hoặc một
quyết sách của chính phủ nhất định không được ưa thích. Nó là khát vọng thầm
kín của những cử tri trẻ tuổi mong có nhiều cạnh tranh chính trị hơn nữa.
Những gì xảy ra từ đây sẽ được xác định, ít nhất một phần, dựa
trên hành động của PAP và đảng đối lập. Liệu đảng đối lập có đáp ứng kỳ vọng mà
họ nỗ lực xây dựng cho chính mình và trở thành Đảng đối lập ở một nước thuộc
thế giới thứ nhất hay không? Liệu họ có thể thuyết phục đủ những người giỏi –
bằng với số những đại biểu thành viên nội các của PAP – cùng gia nhập? Tôi nghi
ngờ điều này. Rất ít những người thành công trong kinh doanh hoặc học thuật
hoặc những nghề chuyên môn sẵn lòng ngồi ở hàng ghế đối lập bốn hoặc năm nhiệm
kỳ trước khi họ (có thể) thành lập chính phủ. Nếu muốn tham gia chính trị, tốt
hơn cả là bạn nên gia nhập PAP. Đó là một tổ chức sẵn có với thành tích đã được
chứng minh.
PAP cũng không ngồi yên một chỗ. Đảng tiếp tục tiến cử những con
người trẻ tuổi, khả tín và nghiêm túc, những người sẽ vươn tới một thế hệ cử
tri mới và nỗ lực giành niềm tin của họ. Năm 2011 chúng tôi giới thiệu một
trong những ứng viên nổi bật nhất, người đã tiếp tục thành công và được giao chức.
Heng Swee Keat, giờ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, là thư ký riêng tốt nhất tôi từng
có. Đáng tiếc duy nhất là anh ấy hơi nhỏ con, điều tạo nên sự khác biệt trong
một cuộc tuần hành. Nhưng anh ta là một trong những bộ óc giỏi nhất trong số
những cán bộ tôi từng làm việc cùng. Có những người khác chúng tôi giới thiệu
giờ cũng ở trong Nội các: Chan Chun Sing, Tan Chuan-Jin và Lawrence Wong. Chúng
tôi nói với cử tri: “Đây là phẩm chất của những người chúng tôi vận động gia
nhập Đảng. Chúng tôi không chờ đợi tới chết”. Liệu phe đối lập có thể sản sinh
ra thế hệ trẻ giống các bộ trưởng của PAP, chưa nói đến những nhân vật giống
Thủ tướng Lý Hiển Long hoặc Phó thủ tướng Teo Chee Hean và Tharman
Shanmugaratnam?
Tuy nhiên, có lẽ cuối cùng những người Singapore trẻ tuổi, bất
chấp nỗ lực nhiệt thành của PAP, sẽ không chỉ muốn nhiều cạnh tranh chính trị
hơn, mà còn cả một hệ thống lưỡng đảng đầy đủ. Họ có quyền chọn lựa. Sau rốt,
mỗi thế hệ Singapore quyết định cho chính họ loại hình nhà nước họ muốn xây
dựng và muốn tổ chức xã hội thế nào. Nhưng tôi hi vọng những người trẻ sẽ không
ra quyết định một cách nhẹ dạ và sẽ cân nhắc thận trọng những mất mát họ có thể
chịu đựng. Chính họ sẽ phải sống với hệ quả, chứ không phải tôi, hoặc những
người cùng thế hệ với tôi. Chúng tôi sẽ không còn khi hệ quả bắt đầu phát tác.
Vấn đề lớn nhất với hệ thống lưỡng đảng là một khi nó đã hình
thành, những người giỏi nhất sẽ chọn không tham dự vào chính trị. Được bầu sẽ
là một canh bạc. Những chiến dịch tranh cử sẽ có xu hướng trở nên vô văn hoá,
thậm chí ác hiểm một cách không cần thiết. Nếu bạn có tài và đang làm tốt công
việc của mình, tại sao bạn lại mạo hiểm – không chỉ lợi ích của chính mình mà
còn của gia đình – bằng việc ra tranh cử? Bạn có lẽ sẽ thích tránh xa phiền
phức và tận hưởng cuộc sống thoải mái của mình.
Tất nhiên, một nhiệm vụ khó khăn của chúng tôi là thuyết phục được
những người giỏi nhất và tận tuỵ nhất đứng ra tranh cử tại mỗi cuộc tổng tuyển
cử. Bởi vì đất nước đang phát triển tốt, việc tìm kiếm những người sẵn sàng từ
bỏ những công việc hoàn hảo ngoài chính trị trở nên rất khó khăn. Sẽ còn khó
hơn nhiều nếu chúng ta trở thành một hệ thống lưỡng đảng. Nó không chỉ có nghĩa
là đội A của chúng ta sẽ bị sẻ đôi, hoặc chúng ta sẽ có một đội A nắm quyền một
nửa thời gian, và đội B nắm quyền một nửa thời gian còn lại. Không, kết quả còn
tệ hơn nhiều một trong hai viễn cảnh trên. Chỉ đơn giản là đội A – và có khả
năng là cả đội B – sẽ thấy chán chường với chính trị và tập trung theo đuổi
những điều khác. Bạn sẽ có đội ngũ C, D hoặc E bước vào thay thế.
Nếu chúng tôi không chắc chắn làm sao cho, giả dụ như, Lim Kim San
thắng cử, thì tôi sẽ rất khó thuyết phục anh ta tham gia làm chính trị. Một khi
nó trở thành một tình huống bất định có thể thế này hay thế khác, phản ứng
thông thường là để người khác làm việc đó. Nhưng trong trường hợp này, chúng
tôi đã đặt anh ta vào chiếc ghế nơi chúng tôi có thể nói với sự tự tin rằng anh
ấy sẽ thắng cử. Và sẽ là một mất mát lớn cho Singapore nếu anh ta không gia
nhập (chính trị). Đây là người đã gây dựng nên Ban Nhà ở và Phát triển Bất động
sản (Housing and Development Board – HDB), cơ quan phụ trách nhà công, mà nếu
không có nó đất nước này đã rất khác. Nếu Singapore cho phép những người tầm
thường quản lý chính phủ, nó sẽ chìm nghỉm và trở thành một thành phố tầm
thường.
Nếu bạn nhìn vào những quốc gia khác đã vận hành hệ thống lưỡng
đảng, bạn sẽ đi tới cùng một kết luận. Ở Anh, nếu bạn nhìn vào danh sách tốt
nghiệp loại ưu của Oxford hoặc Cambridge và dò lại sự nghiệp của họ, bạn sẽ
thấy những người này cuối cùng không đi vào chính trị mà làm ở ngân hàng, tài
chính và các ngành nghề chuyên môn khác. Những thành viên nội các trong Quốc
hội thường không phải những người từ nhóm xuất sắc nhất. Họ không phải
xuất thân từ những luật sư hay bác sĩ giải phẫu giỏi nhất. Động lực tương tự
cũng tồn tại ở Mỹ. Giám đốc điều hành của một công ty thuộc bảng danh sách
Fortune 500 có cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều, và vị trí này một cách tự nhiên sẽ
thu hút nhiều ứng viên có năng lực hơn là những người ganh đua trở thành tổng
thống Mỹ. Nhưng sự khác biệt giữa Singapore và các quốc gia kia – Mỹ và Anh –
là họ sẽ tiếp tục phát triển bất chấp chính phủ ở mức trung bình, nhưng chúng
ta thì không. Đây là một đất nước nhỏ bé không có tài nguyên thiên nhiên và ở
giữa một khu vực biến động về mặt lịch sử. Ở đây yêu cầu một sự lãnh đạo đặc
biệt.
Thậm chí như tình hình hiện tại, chúng ta đáng tiếc đã làm cho hệ
thống giảm thu hút đối với những người tài giỏi nhất bằng việc giảm lương bộ
trưởng. Nếu tôi là một Bộ trưởng Nội các tại thời điểm sự thay đổi được đưa ra
thảo luận, tôi sẽ vẫn kiên định với công việc. Nhưng thế hệ các bộ trưởng trẻ
hơn quyết định đi theo xu hướng. Sự thực là không đất nước nào trên thế giới
này trả lương cho bộ trưởng cao như chúng ta. Nhưng đúng là không có một hòn
đảo nào phát triển như Singapore: lấp lánh, sạch sẽ, an toàn, không tham nhũng
và tỉ lệ tội phạm thấp. Bạn có thể đi dạo phố hoặc chạy bộ thể dục buổi tối.
Phụ nữ sẽ không bị cướp giật ban đêm. Cảnh sát không nhận hối lộ, và nếu họ
được đút lót, sẽ có hệ luỵ chờ người đút lót. Chẳng có gì là ngẫu nhiên. Cần
phải xây dựng một hệ sinh thái đòi hỏi những bộ trưởng được trả lương cao.
Với mỗi lần lương bị giảm, sự hi sinh của một bộ trưởng – từ bỏ
nghề nghiệp chuyên môn hoặc công việc ngân hàng – trở nên lớn hơn. Một vài
người cuối cùng sẽ tự nhủ: “Tôi không ngại làm trong nửa nhiệm kỳ, hai năm
rưỡi, như một hình thức công ích quốc gia. Nhưng làm thêm nữa thì, câu trả lời
sẽ là không, xin cảm ơn, không”. Kết quả cuối cùng sẽ là một chính phủ kiểu cửa
xoay người ra kẻ vào, mà tất yếu sẽ dẫn tới việc thiếu sự hiểu biết sâu sắc về
vấn đề hoặc động lực để nghĩ về vấn đề với tầm nhìn dài hạn.
Singapore sẽ vẫn tồn tại trong 100 năm nữa không? Tôi không chắc
lắm. Mỹ, Trung Quốc, Anh, Australia – những nước này sẽ vẫn tồn tại trong 100
năm tới. Nhưng Singapore chưa bao giờ là một quốc gia cho tới gần đây. Thế hệ
những người Singapore trước đây đã phải xây dựng nơi này từ con số không – và
chúng tôi đã làm việc đó thật tốt. Khi tôi dẫn dắt đất nước, tôi làm những gì
có thể để củng cố những thành quả của chúng ta. Goh Chok Tong cũng vậy. Và bây
giờ, dưới thời Lý Hiển Long và cộng sự, đất nước này sẽ còn phát triển tốt đẹp
trong ít nhất 10 đến 15 năm tới. Nhưng sau đó, hành trình mà chúng ta đi sẽ phụ
thuộc vào sự lựa chọn của thế hệ trẻ Singapore. Dù những sự lựa chọn đó có là
gì đi nữa, tôi tuyệt đối chắc rằng nếu Singapore có một chính phủ yếu kém thì
chúng ta coi như xong. Đất nước này sẽ chìm nghỉm vào hư vô.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2014/07/01/ly-quang-dieu-ve-chinh-tri-singapore/