Huyền thoại về mô thức độc tài

Posted on
  • Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Michael McFaul, Kathryn Stoner-Weiss
    Trần Ngọc Cư dịch

    Tóm tắtDư luận thông thường cho rằng việc Vladimir Putin đàn áp dân chủ đã mang lại ổn định và phồn thịnh cho nước Nga - cung ứng thêm một mô hình mới, theo đó một chế độ độc tài theo kinh tế thị trường đã thành công. Nhưng mối tương quan giữa chế độ chuyên quyền và sự phát triển kinh tế lại rất giả tạo. Chế độ độc tài tại Nga thật ra có hậu quả tiêu cực. Bất cứ thành tựu nào có được dưới triều Putin chắc đã có thể là những thành quả to lớn hơn nếu chúng được thực hiện dưới một chế độ dân chủ.
    Lối giải thích thông thường cho việc Vladimir Putin được hậu thuẫn của nhân dân thật là đơn giản, dễ hiểu. Vào thập niên 1990, dưới sự lãnh đạo của Boris Yeltsin, vị Tổng thống đầu tiên của nước Nga thời hậu Xôviết, nhà nước không cai trị, kinh tế suy thoái và dân chúng khổ sở. Kể từ năm 2000, dưới quyền của Putin, trật tự được lập lại, kinh tế phất lên và người dân Nga trung bình có cuộc sống khá hơn bao giờ hết. Tự do chính trị đi xuống, nhưng phát triển kinh tế đi lên. Theo luận cứ này, mặc dù Putin có thể đã đẩy lùi những bước tiến dân chủ, nhưng đây là những hi sinh cần thiết cho mục tiêu cao cả là ổn định và phát triển. 
    Lối lý giải này có chỗ mạnh là tính giản đơn và đủ sức thuyết phục đại đa số dân Nga. Chỉ số chấp thuận quyền lãnh đạo của Putin mấp mé 80 phần trăm và gần 1/3 dân số muốn ông giữ chức Tổng thống suốt đời. Phấn khởi vì được dân chúng tôn sùng, Putin ra tín hiệu là ông sẽ tích cực tham gia việc điều hành đất nước trong một cương vị nào đó sau khi rời ghế Tổng thống trong năm nay. Có lẽ ông sẽ nắm chức Thủ tướng bên cạnh một Tổng thống bù nhìn hay thậm chí trở lại cương vị Tổng thống sau một thời gian. Hiện nay, để phản bác lại luận cứ - thịnh hành sau khi Liên Xô sụp đổ - cho rằng thắng lợi của chế độ dân chủ tự do là điều tất yếu và đặt dấu chấm sau cùng cho lịch sử, nhiều nhà lãnh đạo độc tài trên thế giới dùng thành công và khả năng của Putin tại Nga để chứng minh rằng chế độ chuyên quyền có một tương lai, rằng Putin cũng như Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đã tạo được một mô hình mà theo đó một chế độ độc tài đi theo kinh tế thị trường nhất định thành công, và mô hình này có thể được sao chép lại khắp thế giới.
    Nhưng cách tường thuật thông thường này không đúng, vì nó gần như dựa hoàn toàn vào một tương quan giả tạo giữa độc tài và phát triển. Chế độ dân chủ Nga vào những năm 1990 đã xuất hiện đồng thời với sự tan rã cuả bộ máy nhà nước và sự tuột dốc của nền kinh tế, chứ nó không tạo ra hai tình trạng này. Theo chiều ngược lại, chế độ độc tài tại Nga dưới sự lãnh đạo của Putin đã tái xuất trùng hợp với sự phát triển kinh tế, chứ không phải là nguyên nhân (đóng góp chủ yếu cho sự phát triển này chính là giá dầu hỏa gia tăng và sự hồi phục kinh tế từ thời kỳ quá độ trong tiến trình chia tay chủ nghĩa cộng sản). Chẳng có bằng chứng gì để có thể nói rằng hành động độc tài của Putin trong những năm qua đã đưa đến việc điều hành quốc gia hữu hiệu hơn chế độ dân chủ đầy rối ren của thập niên 1990. Thật ra nói ngược lại thì sẽ gần với thực tế hơn: nếu xét ảnh hưởng của việc Putin tập trung quyền lực đến việc điều hành đất nước và phát triển kinh tế, người ta thấy có nhiều hệ quả tiêu cực. Bất cứ thành quả nào dưới triều Putin đều đã có thể là một thành quả to lớn hơn nếu như có dân chủ.

    Từ dân chủ trở lại độc tài 
    Tiến trình dân chủ hóa đã khởi động trước khi nước Nga độc lập. Trong nhiều năm trước khi Liên Xô sụp đổ, Mikhail Gorbachev đã bắt đầu đưa ra những cải tổ quan trọng, bao gồm những cuộc tuyển cử có nhiều ứng viên tranh nhau để vào các chức vụ ở cấp quốc gia và địa phương, tính đa nguyên trong các phương tiện truyền thông (ngay cả khi thuộc quyền sở hữu của nhà nước), và tự do thành lập các nhóm chính trị và công dân. Sau năm 1991, Nga bắt đầu triển khai tất cả những yếu tố cơ bản của một chế độ dân chủ thông qua lá phiếu. Đã có những cuộc bầu cử với nhiều ứng viên cạnh tranh nhau vào quốc hội, chức vụ Tổng thống và thống đốc vùng. Đảng phái chính trị đủ mọi màu sắc, kể cả phe đối lập gồm các nhóm cộng sản và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, được hoạt động tự do, cũng như các tổ chức phi chính phủ (NGO). Các cơ quan truyền thông bằng điện tử hay báo giấy không do nhà nước kiểm soát gia tăng gấp bội. Phe đối lập chính trị ồn ào sinh động đến nỗi Yeltsin hai lần đối diện với nguy cơ bị nhóm cộng sản truy tố trước Hạ viện Nga (Duma). Sự phân hóa sâu sắc giữa các quan chức nhà nước, thống đốc vùng, các đầu sỏ chính trị và các cơ quan truyền thông đã làm cho cuộc bầu cử quốc hội năm 1999 trở thành một cuộc tranh đua gay gắt nhất trong lịch sử nước Nga. 
    Tuy thế, Yeltsin vẫn chưa thể là một nhà dân chủ hoàn hảo: ông ta dùng vũ lực để nghiền nát quốc hội Nga năm 1993, áp đặt thô bạo một hiến pháp mới gia tăng quyền lực của Tổng thống và ngăn cản không cho một số đảng phái hoặc cá nhân tranh đua trong nhiều cuộc bầu cử ở cấp quốc gia hay cấp vùng. Ông ta cũng dấy lên hai cuộc chiến tại Chechnya. Hệ thống chính trị mà Yeltsin bàn giao cho Putin thiếu nhiều thuộc tính cơ bản của một chế độ dân chủ tự do. Tuy nhiên, dù có khuyết tật gì đi nữa, chế độ chính trị Nga dưới thời Yeltsin rõ ràng vẫn dân chủ hơn chế độ Nga hiện nay. Mặc dù về hình thức những định chế trong hệ thống chính trị Nga không thay đổi bao nhiêu dưới thời Putin, nhưng nội dung của một chế độ dân chủ thực sự đã bị xói mòn đáng kể. 
    Putin bắt đầu đẩy lùi chế độ dân chủ bằng việc can thiệp vào các cơ quan truyền thông độc lập. Khi ông lên cầm quyền, có ba mạng lưới truyền hình có tầm cỡ quốc gia và ảnh hưởng đến chính trị Nga là RTR, ORT và NTV. Ông đã thao túng cả ba. Hãng RTR do nhà nước sở hữu toàn bộ nên dễ điều khiển. Putin giành quyền kiểm soát ORT, một mạng lưới có khán giả nhiều nhất nước, bằng cách o ép khiến chủ nhân là tỉ phú Boris Berezovsky phải chạy ra nước ngoài. Vladimir Gusinsky, chủ nhân của NTV, cố gắng chống trả việc Putin giành quyền thao túng kênh truyền hình của ông. Nhưng rốt cuộc Gusinsky không những mất NTV mà còn mất luôn báo Segodnya và tạp chí Itogi khi công tố viên nhà nước cáo buộc ông những tội trạng thiếu cơ sở. Năm 2005, Anatoly Chubais, chủ tịch công ti điện lực RAO (Mạng lưới Năng lượng Thống nhất của Nga) và lãnh tụ của đảng có khuynh hướng tự do SPS (Liên hiệp các Lực lượng Hữu khuynh), bị ép buộc bàn giao một hãng truyền hình nhỏ do tư nhân kiểm soát, công ti REN-TV, cho các đầu sỏ chính trị thân cận với điện Cẩm Linh. Ngày nay điện Cẩm Linh kiểm soát tất cả các mạng lưới truyền hình quốc gia tầm cỡ.
    Gần đây hơn, điện Cẩm Linh đã thọc tay vào phương tiện truyền thông internet và báo giấy, lãnh vực trước đây vốn được để yên. Trong mấy năm vừa qua hầu hết các tờ báo chính, phát hành trên cả nước, đã bị bán cho các cá nhân hay công ti trung thành với điện Cẩm Linh, để lại tờ tuần báo Novaya Gazeta ở Moscow là tờ báo độc lập sau cùng có tầm cỡ quốc gia. Về lãnh vực truyền thanh, đài Ekho Moskvy vẫn còn là một nguồn tin tức độc lập, nhưng tương lai không có gì chắc chắn. Hiện nay, Nga đứng vào hàng thứ ba trên thế giới là một nơi rất nguy hiểm cho ký giả hành nghề, chỉ sau Iraq va Colombia. Tổ chức Ký giả Không Biên giới ghi nhận 21 nhà báo đã bị giết tại Nga kể từ năm 2000, trong đó có Anna Politkovskava, ký giả điều tra can đảm nhất của nước này, bị sát hại tháng 10 năm 2006. 
    Putin cũng làm suy giảm quyền tự trị của chính phủ cấp vùng. Ông thiết lập bảy khu vực siêu vùng (supraregional districts), đứng đầu phần lớn là những cựu tướng lãnh hay cựu viên chức KGB. Bảy siêu thống đốc mới này được ủy thác nhiệm vụ kiểm soát tất cả các cơ quan liên bang nằm trong địa phận của họ; nhiều cơ quan liên bang vốn đã triển khai quan hệ mật thiết với chính quyền cấp vùng trong thời đại Yeltsin. Những siêu thống đốc này cũng mở các cuộc điều tra nhắm vào những nhà lãnh đạo cấp vùng, qua đó làm giảm quyền tự trị của họ và hù doạ khiến họ phải khuất phục chính quyền liên bang. 
    Putin từng làm suy yếu Hội đồng Liên bang, tức thượng viện quốc hội Nga, bằng cách rút các thống đốc và lãnh đạo ngành lập pháp cấp vùng được bầu khỏi vị trí đáng nhẽ họ có trong thượng viện để thay bằng những đại biểu do Putin chỉ định. Những cuộc bầu cử cấp vùng cũng thường bị tổ chức gian lận nhằm trừng trị các nhà lãnh đạo dám chống lại uy quyền của Putin. Vào tháng 9 năm 2004, trong một đòn chí mạng đánh vào chế độ liên bang (federalism) của Nga, Putin tuyên bố ông sẽ bắt đầu chỉ định các thống đốc - với lý do để cho các thống đốc làm việc có trách nhiệm và hiệu quả hơn. Kể từ tháng 2 năm 2005 ở Nga không còn bầu cử cấp vùng cho người lãnh đạo hành pháp [tức thống đốc].
    Putin cũng thành công thực sự trong việc làm suy yếu quyền tự trị của quốc hội. Bắt đầu từ những cuộc bầu cử quốc hội tháng 12 năm 2003, Putin khai thác lợi thế từ việc kiểm soát các tài nguyên chính trị khác (như kênh truyền hình NTV và văn phòng các thống đốc vùng) để giành cho Đảng Nước Nga Đoàn kết của điện Cẩm Linh một đa số chắc nịch trong hạ viện Nga: Đảng Nước Nga Đoàn kết và các đồng minh của nó hiện kiểm soát 2/3 số ghế trong quốc hội. Hậu thuẫn dân chúng dành cho bản thân Putin có thể là vốn liếng lớn nhất của Đảng Nước Nga Đoàn kết trong các cuộc bầu cử. Nhưng việc các kênh truyền hình quốc gia thường xuyên nêu lên những những nét tích cực của lãnh đạo Đảng Nước Nga Đoàn kết và nhắm vào mặt tiêu cực của các đảng viên cộng sản, sự ủng hộ tài chánh ồ ạt từ các tay đầu sỏ chính trị Nga và sự hậu thuẫn gần như nhất trí của các lãnh đạo cấp vùng cũng giúp cho đảng của Putin thắng thế trong quốc hội. Sau đợt bầu cử tháng 12 năm 2003, lần đầu tiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đưa ra một bản tường trình phê phán các cuộc bầu cử quốc hội tại Nga. Bản tường trình nhấn mạnh: “Những cuộc bầu cử vào hạ viện Nga đã không đáp ứng được nhiều cam kết mà OSCE và Hội đồng châu Âu đưa ra cho các cuộc bầu cử dân chủ”. Năm 2007 chính phủ Nga không cho phép OSCE đưa vào một phái đoàn quan sát viên đủ lớn để theo dõi được hữu hiệu cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12. 
    Những đảng chính trị không liên kết với điện Cẩm Linh cũng bị thiệt hại. Các đảng độc lập có khuynh hướng tự do như Yabloko và SPS (Liên hiệp các Lực lượng Hữu khuynh) cũng như đảng độc lập lớn nhất bên cánh tả, tức Đảng Cộng sản Liên bang Nga, ngày nay đều đã yếu đi và phải hoạt động trong một môi trường bị hạn chế hơn nhiều so với thập niên 1990. Những đảng độc lập khác - gồm Đảng Cộng hòa và Liên hiệp Dân chủ Nhân dân (the Popular Democratic Union) cũng như những đảng trong Liên minh Một nước Nga khác (the Other Russia coalition) - thậm chí không được phép đăng ký tranh cử. Nhiều đảng phái chính trị và ứng viên độc lập bị cho là không hội đủ điều kiện để tham gia tranh cử ở cấp địa phương với những lý do chính trị trắng trợn. Những người có tiềm năng ủng hộ các đảng phái độc lập cũng bị đe dọa trừng phạt. Việc bỏ tù Mikhail Khodorkovsky, trước đây là người giàu nhất nước Nga và là chủ công ti dầu hỏa Yukos, đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ cho những nhà doanh nghiệp khác về cái giá phải trả khi tham gia chính trị đối lập. Trong khi đó, những đảng thân Cẩm Linh - gồm Nước Nga Đoàn kết, đảng lớn nhất tại hạ viện, và Nước Nga Công chính, một phát minh của điện Cẩm Linh - thường xuyên được các kênh truyền hình chiếu cố và được hưởng nhiều tiềm lực phong phú.
    Vào nhiệm kỳ thứ hai, Putin cho rằng các tổ chức phi chính phủ (NGO) có thể trở thành mối đe dọa đến quyền lực của ông. Vì thế ông ban hành một đạo luật đem lại cho nhà nước nhiều phương tiện để xách nhiễu, làm suy yếu và thậm chí đóng cửa những tổ chức NGO bị xem là mang quá nhiều màu sắc chính trị. Nhằm o ép những tổ chức độc lập qua một bên lề, điện Cẩm Linh đã hậu hĩ tài trợ các tổ chức NGO được nhà nước phát minh ra hoặc hoàn toàn trung thành với nhà nước. Khó tin nhất có lẽ là việc không còn được tụ tập đông người nơi công cộng. Vào mùa xuân năm 2007, một liên minh gồm các nhóm xã hội dân sự và một số đảng chính trị, dưới danh xưng Một Nước Nga khác (Other Russia) do nhà quán quân cờ tướng Garry Kasparov lãnh đạo, đã cố gắng tổ chức những buổi mít-tinh công khai tại Moscow và St. Petersburg. Cả hai cuộc mit-tinh đã bị hàng ngàn cảnh sát và lực lượng đặc biệt giải tán, có hàng trăm người bị bắt – đây là một vụ đàn áp có qui mô chưa từng thấy ở Nga trong vòng 20 năm qua. 

    Trong bài diễn văn thường niên đọc trước Quốc hội Liên bang vào tháng tư năm 2007, Putin có giọng điệu đa nghi của một người theo chủ nghĩa dân tộc khi ông cảnh báo về những âm mưu của phương Tây nhằm phá hoại chủ quyền của Nga. Ông quả quyết: “Hiện có một lượng tiền ngày càng nhiều du nhập từ nước ngoài được sử dụng để can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Không phải ai cũng ưa thích sự đi lên từ từ và vững chắc của đất nước ta. Một số người muốn quay lại quá khứ để cướp bóc nhân dân và nhà nước, để phá hoại tài nguyên thiên nhiên và nền độc lập kinh tế”. Do đó, điện Cẩm Linh đã tống cổ đoàn Chí nguyện Hoà bình của Mỹ (Peace Corps), đóng cửa phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu tại Chechnya và sau đó tại Moscow, tuyên bố người đại diện của tổ chức công đoàn AFL-CIO của Mỹ là thành phần không được chấp nhận (persona non grata), cho người đột nhập lục soát văn phòng của Tổ chức Soros và Viện Dân chủ Quốc gia, và ép buộc Internews Russia, một tổ chức phi chính phủ vốn có chủ trương bồi dưỡng tính chuyên nghiệp báo chí, phải đóng văn phòng sau khi cáo buộc giám đốc của tổ chức này tội biển thủ.
    Cùng với việc làm suy yếu những cơ chế kiểm soát quyền lực của Tổng thống, Putin và phe nhóm đã trì hoãn những cải tổ mà qua đó đáng lẽ có thể củng cố các ngành khác của chính phủ. Hệ thống tư pháp vẫn còn yếu. Khi có những vấn đề chính trị quan trọng cần giải quyết, toà án thường là một công cụ phục vụ quyền lực của tổng thống – như đã xảy ra trong vụ tranh giành kênh truyền hình NTV và trong việc truy tố nhà tỉ phú Khodorkovsky. Thậm chí toà án còn toan tính đến việc truất quyền hành nghề của một trong những luật sư biện hộ cho Khodorkovsky, đó là Karinna Moskalendo.


    To lớn hơn không có nghĩa là tốt hơn 
    Nhiều người bênh vực cho Putin, gồm một số quan chức của điện Cẩm Linh, không còn giả vờ mô tả nước Nga như là một nền dân chủ “có quản lý” hay “có chủ quyền”. Thay vào đó, họ biện luận rằng sự thoái bộ của chế độ dân chủ tại Nga đã tăng cường khả năng của nhà nước trong việc chăm lo phúc lợi của người dân. Huyền thoại của chủ nghĩa Putin là, ngày nay dân Nga được an toàn hơn, ổn định hơn và nói chung có cuộc sống ấm no hơn thập niên 1990 – và thành quả này có được là do công lao của Putin. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2007, mục tiêu hàng đầu của “Kế hoạch Putin” (tài liệu vận động tranh cử chính của đảng Nước Nga Đoàn kết) là “mang lại trật tự”. 
    Thật ra, mặc dù thập niên 1990 là một giai đoạn bất ổn chính trị, kinh tế suy sụp và có những chuyển biến có tính chất cách mạng trong các định chế chính trị và kinh tế, nhưng nhà nước Nga lúc bấy giờ cũng vận hành tốt như nhà nước ngày nay, khi đất nước đã tương đối “ổn định” và kinh tế đang phát triển nhanh chóng. Ngay trong thời kinh tế thịnh vượng, chế độ độc tài cũng không hơn gì thời kỳ dân chủ trong việc cải tiến an toàn công cộng, y tế, hay tạo một môi trường ổn định về pháp lý và sở hữu tài sản.
    Nhà nước Nga dưới thời Putin chắc chắn đã phình to hơn trước kia. Số viên chức nhà nước tăng đến 1 triệu rưỡi người, tức tăng gấp đôi. Quân đội Nga thừa khả năng theo đuổi cuộc chiến ở Chechnya. Các bộ ngành mang tính đàn áp như cảnh sát, thuế vụ, tình báo được hưởng những ngân sách lớn hơn nhiều so với một thập niên trước đây. Trong vài lãnh vực, chẳng hạn việc trả tiền hưu trí hoặc trả lương công chức đúng hạn kỳ, xây dựng đường xá hay chi phí cho ngành giáo dục, nhà nước này đã làm tốt hơn thập niên 1990. Tuy vậy, với sự tăng trưởng về kích thước và tiềm lực của bộ máy công quyền, người ta không khỏi ngạc nhiên là nhà nước Nga vẫn còn hoạt động kém cỏi. Về vấn đề an toàn công cộng, y tế, nạn tham nhũng và mức độ an ninh của quyền sở hữu, dân Nga hiện nay chịu đựng nhiều cảnh tệ hại hơn mười năm về trước.
    Quyền được sống trong an ninh, lợi ích công cộng cơ bản nhất mà một nhà nước có thể cung ứng cho người dân, là một yếu tố chính trong huyền thoại của chủ thuyết Putin. Thực tế là, con số những vụ tấn công của bọn khủng bố đã gia tăng dưới thời Putin. Hai vụ tấn công khủng bố lớn nhất trong lịch sử Nga xảy ra dưới chế độ độc tài của Putin chứ không phải dưới thời dân chủ của Yeltsin. Đó là, vụ Nord-Ost xảy ra trong một nhà hát ở Moscow năm 2002 với khoảng 300 người chết và cuộc khủng hoảng do bọn khủng bố bắt con tin trong một trường học ở Beslan mà hậu quả là 500 người thiệt mạng. Con số thương vong cả về quân sự lẫn dân sự trong chiến tranh Chechnya lần thứ hai – bây giờ đã vào năm thứ tám -- cao hơn số thương vong trong chiến tranh Chechnya lần thứ nhất (1994-1996) một cách đáng kể. (Xung đột bên trong Chechnya có vẻ lắng dịu, nhưng xung đột toàn vùng thì đang lây lan.) Theo số liệu của cục Thống kê Nhà nước Liên bang Nga, số án mạng cũng gia tăng dưới thời Putin. Trong những năm “hỗn loạn” 1995-1999, trung bình mỗi năm có 30.200 vụ giết người; trong những năm “có kỷ cương” 2000-2004, con số đó là 32.200. Số người chết vì hỏa hoạn tại Nga ở vào khoảng 40 người một ngày, gấp chừng 10 lần con số trung bình tại Tây Âu. 
    Y tế cộng đồng cũng không được cải thiện trong 8 năm qua. Mặc dù điện Cẩm Linh có đầy tiền trong kho, nhưng việc chi tiêu cho ngành y tế từ năm 2000 đến 2005 trung bình chỉ chiếm 6% tổng sản lượng quốc gia (GDP), so với con số 6,4% từ năm 1996 đến 1999. Dân số Nga co lại kể từ năm 1990 vì số sinh giảm và số tử tăng, nhưng chiều đi xuống này trở nên tệ hại hơn kể từ năm 1998. Những bệnh không truyền nhiễm trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết (bệnh tim mạch chịu trách nhiệm cho 52% số người chết bệnh, gấp ba lần so với Mỹ). Chứng nghiện rượu hiện nay gây ra 18% số người chết bệnh trong độ tuổi từ 25 đến 54. Vào cuối thập niên 1990 trung bình mỗi năm một người Nga trưởng thành tiêu thụ 10,7 lít rượu (so với 8,6 lít ở Mỹ và 9,7 lít ở Anh); vào năm 2004 con số này tăng lên 14,5 lít. Khoảng 0,9% dân số Nga hiện đang nhiễm HIV. Nga hiện có tỉ số nhiễm HIV cao hơn bất cứ quốc gia nào nằm ngoài châu Phi, ít nhất một phần là kết quả của những chính sách ứng phó tai hại hoặc không phù hợp cộng với hệ thống y tế yếu kém, lỗi thời. Tuổi thọ trung bình của người Nga gia tăng từ năm 1995 đến 1998. Nhưng kể từ năm 1999, nó tụt xuống 59 tuổi ở nam giới và 72 tuổi ở nữ giới.
    Đồng thời với tình trạng xã hội Nga ngày càng trở nên kém an ninh và kém lành mạnh dưới thời Putin, vị trí của Nga trên trường quốc tế cũng đi xuống trong các lãnh vực như sức cạnh tranh kinh tế, tính thân thiện đối với doanh nghiệp, tính minh bạch và khả năng chống tham nhũng. Viện nghiên cứu INDEM của Nga ước tính nạn tham nhũng đã tăng vọt trong 6 năm qua. Năm 2006, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đã xếp Nga ở một vị trí tệ hại hơn bao giờ hết, đứng thứ 121 trong số 163 quốc gia về nạn tham nhũng, nằm giữa Philippines và Rwanda. Năm 2006 Nga đứng thứ 62 trong số 125 nước theo chỉ số cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đề ra, nghĩa là Nga đã tuột 9 nấc trong một năm. Theo chỉ số “dễ dàng cho doanh nghiệp” do Ngân hàng Thế giới đề ra, năm 2006 Nga đứng thứ 96 trong số 175 nước, cũng là vị thứ tệ nhất từ trước đến nay. 
    Quyền sở hữu tài sản cũng bị phá hoại. Putin và những người cộng sự của ông trong điện Cẩm Linh đã dùng quyền lực chính trị không bị kiềm toả của mình để phân phối lại một số tài sản có giá trị nhất tại Nga. Việc tịch thu và bán lại tài sản của công ti Yukos cho công ti dầu hỏa quốc doanh Rosneft là một vụ việc thô bạo nhất, không những giảm bớt giá trị của một công ti dầu hỏa có lợi nhuận nhất nước mà còn làm giảm nguồn đầu tư (cả từ ngoài nước lẫn trong nước) và khiến cho nhiều người ồ ạt rút vốn. Nhà nước cũng tạo sức ép, buộc các chủ nhân của công ti dầu hoả Nga Sibneft bán lại cổ phần của họ cho công ti quốc doanh Gazprom và buộc công ti Royal Dutch/Shell bán đa số cổ phần của nó trong dự án Shakhalin-2 (tại Siberia) cũng cho Gazprom. Những chuyển nhượng như thế đã biến đổi một khu vực năng lượng trước đây thuộc về tư nhân và làm ăn phát đạt thành một bộ phận kinh tế Nga do nhà nước kiểm soát và kém hiệu năng. Ba công ti sản xuất dầu hỏa còn trong tay tư nhân - Lukoil, TNK-BP và Surgutneftegaz - đều đang chịu nhiều mức độ o ép khác nhau để phải bán lại cho những kẻ trung thành với Putin. Dưới ngọn cờ của một chương trình có tên gọi “Những quán quân quốc gia” (National Champions), chế độ Putin đã áp dụng một chính sách tương tự cho các ngành công nghiệp như không gian, sản xuất xe hơi, chế tạo máy móc cỡ lớn. Nhà nước còn làm nản lòng giới đầu tư bằng cách thi hành những luật lệ về môi trường một cách độc đoán đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành dầu khí, không cho các đối tác nước ngoài tham dự tiến trình phát triển công trường sản xuất khí đốt Shtokman, và từ chối cấp thị thực cho một nhà đầu tư mua nhiều cổ phần nhất tại Nga, công dân Anh William Browder. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, hầu hết các chỉ số điều hành của Nga về các vấn đề như chế độ pháp trị và kiểm soát nạn tham nhũng chỉ ở số không hoặc âm dưới thời Putin. Những lãnh vực mà Nga có cải tiến trong mười năm qua, đặc biệt là phẩm chất các luật điều hành và hiệu năng của chính phủ, thật ra đã bắt đầu tăng tiến khá lâu trước khi thời đại Putin bắt đầu. 
    Nói tóm lại, các dữ liệu rõ ràng không bênh vực cho quan niệm thông thường rằng, bằng cách dựng lên chế độ độc tài Putin đã xây dựng được một nhà nước có kỷ cương và đầy đủ khả năng, một nhà nước đang ra tay giải quyết và khắc phục những vấn đề phát triển khá ghê gớm của Nga. Những thất bại này của Putin càng rõ nét hơn khi xét đến mức độ tăng trưởng kinh tế mạnh hàng năm kể từ 1999: ngay với tiền bạc dồi dào đi qua nền kinh tế, chính quyền Putin vẫn chưa có thành tích gì khá hơn và có khi còn tệ hơn chính quyền Yeltsin (trong những năm kinh tế suy thoái của thập niên 1990) trong việc cung ứng cho người dân các tiện ích và dịch vụ công cộng cơ bản. 

    Một con hổ Á – Âu? 
    Một biện minh thứ hai được dùng để bênh vực cho phương sách độc tài của Putin là những phương sách này đã dọn đường cho việc phát triển kinh tế ngoạn mục của Nga. Lúc Putin củng cố quyền lực cũng là lúc kinh tế tăng trưởng trung bình 6,7% một năm - một con số rất ấn tượng nếu đem so với giai đoạn khủng hoảng đầu thập niên 1990. Trong tám năm qua, nước Nga đã thấy được ngân sách thặng dư, trả sạch nợ nước ngoài và tích lũy được một số lượng tiền tệ mạnh lớn, với một mức lạm phát khiêm nhường. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài gia tăng nhanh chóng, mặc dù nguồn đầu tư ấy vẫn còn thấp nếu đem so với các thị trường khác vừa mới xuất hiện. Từ năm 2000, thu nhập khả dụng (disposable income) của dân chúng tăng 10% một năm, mức chi tiêu của người tiêu thụ tăng vọt, chỉ số thất nghiệp giảm từ 12% năm 1999 xuống 6% năm 2006. Theo một thống kê, số người nghèo giảm từ 41% năm 1999 xuống 14% năm 2006. Chưa bao giờ người Nga giàu như hiện nay. 
    Những tương quan giữa dân chủ đi cùng suy thoái kinh tế của thập niên 1990 và chế độ độc tài đi cùng phát triển kinh tế trong thập niên này đã đưa ra một lý do bào chữa có vẻ hùng hồn cho việc nhà nước cấm các đài truyền hình độc lập hoạt động, hủy bỏ các cuộc tranh cử thống đốc và loại trừ các nhóm nhân quyền lắm chuyện. Tuy nhiên, những tương quan này phần lớn là giả tạo.
    Quả thực thập niên 1990 là một thời kỳ kinh tế cực kỳ khó khăn. Sau khi nước Nga chính thức độc lập vào tháng 12 năm 1991, tổng sản lượng quốc nội (GDP) bị suy giảm trong 7 năm liền. Ngày nay người ta có thể đưa ra bằng chứng là những số liệu chính thức dùng để đo mức suy giảm GDP thời đó đã cường điệu mức độ khủng hoảng kinh tế thực sự. Chẳng hạn, thật ra trong thời kỳ này dân Nga đã mua sắm nhiều xe hơi và máy móc xử dụng trong nhà hơn trước, lượng điện tiêu thụ gia tăng, và tất cả các đô thị lớn của Nga rầm rộ phát triển ngành địa ốc. Nhưng đồng thời, mức đầu tư còn phẳng lặng, số người thất nghiệp phình lên, và tỉ lệ người nghèo nhảy lên trên 40% sau cuộc suy sụp tài chính tháng 8 năm 1998.
    Tuy nhiên, chế độ dân chủ chỉ gây một ảnh hưởng phụ đến những hậu quả kinh tế thời đó và có thể đã giúp xoay chuyển tình thế năm 1998. Một điều cần lưu ý là, suy thoái kinh tế đã xảy ra trước thời độc lập của nước Nga. Thật ra, nó là nguyên nhân chính đưa đến sự sụp đổ của chế độ Xô-viết. Cùng với việc Xô-viết sụp đổ, việc vẽ lại biên giới mới cho 15 tân quốc gia năm 1991 gây ra những đình đốn nghiêm trọng trong giao dịch. Qua nhiều tháng sau khi độc lập, nhà nước Nga thậm chí không kiểm soát được việc in ấn và phân phối giấy bạc riêng của mình. Không một thể chế chính trị nào, dù dân chủ hơn hay độc tài mạnh tay hơn, có thể thay đổi một cách đáng kể những hậu quả kinh tế tiêu cực do những lực tác động mang tính cơ cấu thời đó. 
    Tình trạng suy trầm kinh tế sau sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản không chỉ giới hạn tại Nga. Nó đến sau khi chế độ cộng sản sụp đổ tại mọi quốc gia trong vùng, bất luận quốc gia đó theo chế độ nào. Trong trường hợp nước Nga, Yeltsin thừa hưởng một nền kinh tế vốn đã rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có trong thời bình. Đối diện với điều kiện kinh tế hãi hùng, mọi chính phủ trong thời hậu cộng sản phải theo đuổi có chừng mực một chính sách nới lỏng giá cả và mậu dịch, bình ổn kinh tế vĩ mô và sau cùng là tư hữu hoá. Tốc độ và tính toàn diện của sự đổi mới kinh tế biến thiên theo từng quốc gia, nhưng ngay cả những nhà lãnh đạo chống đối chế độ tư bản mạnh nhất cũng thi hành một số đổi mới kiểu kinh tế thị trường. Trong thời kỳ quá độ này, toàn vùng đã kinh qua suy thoái kinh tế rồi mới phục hồi sau vài năm chấp nhận đổi mới. Kinh tế Nga cũng đi theo quĩ đạo chung này – và sẽ đi như thế dù dưới chế độ độc tài hay dân chủ. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga vào thập niên 1990 trầm trọng hơn so với mức trung bình của khu vực phần lớn vì di sản kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Nga tồi tệ hơn ở những nơi khác. 
    Sau khi chế độ Xô-viết sụp đổ, giới lãnh đạo Nga quả đã phải nghiêm túc lựa chọn những chính sách liên quan đến bản chất và tốc độ của sự tự do hóa giá cả và mậu dịch, tư hữu hóa, cải tổ tiền tệ và ngân sách. Mạng lưới phức tạp của những quyết định về chính sách này cuối cùng được giản lược thành một lựa chọn giữa “trị liệu bằng sốc” (thực hiện tất cả các chính sách nhanh chóng và cùng một lúc) và “đổi mới từ từ” (thực hiện từ từ cũng những chính sách ấy theo thứ tự trước sau). Từ 1992 đến 1998, chính sách kinh tế Nga đi theo hình chữ chi giữa hai thái cực này, một phần lớn bởi vì tầng lớp chóp bu của Nga và xã hội Nga không có cùng quan điểm về phương thức cải tổ kinh tế. 
    Vì các thể chế dân chủ Nga đã cho phép những cuộc tranh luận tư tưởng này diễn ra trên chính trường, cải tổ kinh tế bị khựng lại, khiến tốc độ tăng trưởng bị chậm lại trong một thời gian. Chẳng hạn, trong hai năm đầu sau khi Nga độc lập, hiến pháp vẫn cho Xô-viết Tối cao quyền kiểm soát Ngân hàng Trung ương, một dàn xếp có tính chất cơ chế gây ra chính sách tiền tệ lạm phát. Hiến pháp mới 1993 đã giải quyết vấn đề này bằng cách biến ngân hàng thành một cơ chế tự trị hơn, nhưng hiến pháp mới tái xác nhận vai trò chủ chốt của quốc hội trong việc duyệt ngân sách dẫn đến những thâm hụt ngân sách nghiêm trọng trong suốt thập niên 1990.
    Chính phủ Nga đã đắp điếm những thâm hụt này bằng cách bán công phiếu nhà nước và vay tiền nước ngoài. Những cách này có hiệu quả khi giá dầu hỏa cao, nhưng khi giá dầu hoả tuột dốc trong hai năm 1997-1998, hệ thống tài chính Nga cũng suy sụp. Vào tháng 8 năm 1998, chính phủ Nga thực sự bị phá sản. Việc làm đầu tiên của chính phủ là làm mất giá triệt để đồng rúp như một biện pháp để giảm nợ trong nước và sau đó thì đơn giản không trả được số nợ hàng tỉ đô la của chủ nợ trong và ngoài nước.
    Vụ suy sụp tài chánh này cuối cùng đã chấm dứt cuộc tranh luận chính về chính sách kinh tế tại Nga. Vì những cơ chế dân chủ vẫn còn giá trị, chính phủ đi theo hướng tự do chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng tài chính phải rút lui, quốc hội đã buộc Yeltsin chỉ định một chính phủ nghiêng về cánh tả, do Thủ tướng Yevgeny Primakov đứng đầu. Phó thủ tướng đặc trách kinh tế trong chính phủ Primakov là một lãnh tụ Đảng Cộng sản. Ở vào vị trí cầm quyền lúc này, Primakov và chính phủ của ông phải theo đuổi những chính sách có trách nhiệm tài chính, nhất là vào lúc không còn ai chịu cho chính phủ Nga vay mượn. Như vậy những nhà “xã hội chủ nghĩa” này phải cắt xén việc chi tiêu của chính phủ và giảm bớt vai trò của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Cùng với việc hạ giá đồng rúp nhằm giảm bớt số lượng hàng nhập khẩu và thúc đẩy hàng xuất khẩu của Nga, chính sách khắc khổ ngân sách mới đã tạo những điều kiện thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế thật sự bắt đầu từ năm 1999. Như vậy kinh tế Nga đã bắt đầu phục hồi trước khi Putin lên cầm quyền và cũng trước khi chế độ độc tài của Putin bắt đầu đâm rễ. 
    Thoạt đầu trong vai trò Thủ tướng và sau đó trên cương vị Tổng thống, Putin bám sát chính sách tài chính lành mạnh mà trước đó Primakov đã đề ra. Sau cuộc bầu cử đầy tính cạnh tranh tháng 12 năm 1999, phe đổi mới trong quốc hội thậm chí đã thông qua được một đạo luật quân bình ngân sách đầu tiên trong lịch sử nước Nga thời hậu Xô-viết. Với sự cộng tác của quốc hội, chính phủ đầu tiên của Putin đã phủi lớp bụi thời gian, đem ra áp dụng một số cải tổ thông thoáng được soạn thảo nhiều năm trước dưới thời Yeltsin, trong đó có một thuế thu nhập đồng hạng 13%, một luật mới về đất đai (cho phép quyền sở hữu đất thương mại và đất định cư), một luật mới về ngành tư pháp, một chế độ mới ngăn chặn việc rửa tiền, một chế độ mới cho tự do hóa tiền tệ, và giảm thuế lợi tức (từ 35% xuống 24%). 
    Vận may thật sự của Putin đã đến dưới dạng giá dầu trên thế giới tăng. Khắp nơi, giá dầu bắt đầu leo thang năm 1998, tụt xuống chút ít từ năm 2000 đến 2002, và sau đó liên tục tăng, lên tới 100 Mỹ kim một thùng. Các kinh tế gia phải bàn cãi xem bao nhiêu phần trăm của tăng trưởng kinh tế Nga là kết quả trực tiếp của việc vật giá leo thang, nhưng đều đồng ý rằng ảnh hưởng của nó là rất lớn. Chính sách ngày càng độc tài tại Nga rõ ràng không phải là nguyên nhân khiến cho dầu khí - tài nguyên chính của Nga - lên giá. Nếu như có thì tương quan nhân quả đi theo chiều ngược lại: những thu nhập do năng lượng dầu khí mang về đã cho phép chế độ độc tài tái xuất trên đất Nga. Với lượng tiền trời cho khổng lồ từ dầu khí trong ngân khố của điện Cẩm Linh, Putin có thể đàn áp hoặc kết nạp các lực lượng chính trị độc lập. Điện Cẩm Linh không mấy lo sợ những hậu quả tiêu cực về mặt kinh tế khi ra lệnh tịch thu một công ti tầm cỡ như công ti dầu khí Yukos. Chính quyền Putin cũng có thừa tiềm lực để mua đứt hay đàn áp đối lập trong ngành truyền thông hay trong dân. 
    Nếu có một mối liên hệ nhân quả nào giữa chế độ độc tài và tăng trưởng kinh tế tại Nga, thì đó là một mối liên hệ tiêu cực. Chế độ ngày càng độc tài tại Nga trong mấy năm qua đã khiến nạn tham nhũng gia tăng và giảm sự an toàn trong quyền sở hữu tài sản. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Châu Âu Tái thiết và Phát triển, điều này sẽ cản trở việc phát triển về lâu dài. Sự chuyển nhượng tài sản đã biến một khu vực công nghiệp năng lượng tư nhân đang sinh lợi trở thành một khu vực quốc doanh và kém hiệu quả hơn. (Các hãng tư đã sản xuất đến 90% lượng dầu tại Nga năm 2004; hiện nay con số này là khoảng 60%.) Việc tái quốc hữu hoá đã làm suy giảm hiệu quả làm việc tại các công ti trước đây thuộc về tư nhân, hủy hoại giá trị của các công ti sinh lợi nhất trong nước, và làm khựng nguồn đầu tư, cả từ trong lẫn ngoài nước. Trước khi Khodorkovsky bị bắt, công ti dầu khí Yukos là công ti thành công và minh bạch nhất ở Nga, với trị giá thị trường 100 tỉ Mỹ kim theo thời giá hiện nay. Việc phân phối lại tài sản của Yukos không những làm giảm giá trị của những tài sản hàng tỉ Mỹ kim này mà còn làm đình đốn việc sản xuất dầu của công ti. Trị giá và mức sản xuất của công ti dầu khí Sibneft cũng sút giảm tương tự từ khi công ti này bị sáp nhập vào công ti quốc doanh Gazprom. Trong khi đó, những công ti như Gazprom, vốn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước kể từ ngày độc lập của Nga, vẫn tiếp tục thành tích hoạt động dưới mức kỳ vọng của thị trường với thành phần quản lý bị co kéo giữa những mục tiêu chính trị và nỗ lực gia tăng lợi nhuận tối đa. 
    Có lẽ bằng cách so sánh với các nước trong vùng, ta sẽ có được bằng chứng rõ nhất cho thấy chế độ độc tài của Putin có hại hơn là có lợi cho nền kinh tế Nga. Đáng chú ý nhất là dù với nguồn tài nguyên năng lượng khổng lồ của Nga, mức phát triển kinh tế dưới thời Putin còn thấp hơn mức trung bình của thời hậu Xô-viết. Vào năm 2000, năm Putin đắc cử Tổng thống, kinh tế Nga phát triển nhanh thứ hai trong các nước thuộc Xô-viết cũ, chỉ sau nước có nhiều khí đốt Turkmenistan. Tuy vậy, vào năm 2005, Nga tụt xuống hàng thứ 13, chỉ hơn Ukraine và Kyrgyzstan, hai nuớc đang hồi phục sau “các cuộc cách mạng màu”. Từ năm 1999 đến 2006, Nga xếp hạng 9 trong 15 quốc gia hậu Xô-viết về mức phát triển kinh tế bình quân. Tương tự, mức đầu tư ở Nga, chiếm 18% tổng sản phẩm nội địa, dù hiện nay mạnh hơn hẳn trước kia, vẫn còn nằm xa dưới mức trung bình so với các nước dân chủ ở trong vùng.
    Ta chỉ có thể tự hỏi, liệu Nga sẽ phát triển nhanh chóng như thế nào với một chế độ dân chủ hơn. Nếu tăng cường các định chế đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của nhà nước - như một đảng đối lập chân chính, một ngành truyền thông độc lập thực sự, một tòa án không chịu sự kiểm soát của điện Cẩm Linh - nước Nga đã có thể chế ngự được nạn tham nhũng, bảo vệ được quyền tư hữu và khuyến khích được đầu tư và tăng trưởng nhiều hơn. Hiện nay kinh tế Nga đang phát triển tốt, nhưng là bất chấp chế độ độc tài, chứ không phải là nhờ có nó. 

    Mô hình Angola 
    Quan chức điện Cẩm Linh và nhân viên giao tế công cộng của họ thường dùng Trung Quốc làm mẫu: một nước độc tài có vẻ đang hiện đại hoá với mức tăng trưởng trên 10% một năm trong ba thập niên liền. Trung Quốc - không cần tranh cãi - còn là một cường quốc thế giới, và đây là một thuộc tính khác của Trung Quốc mà lãnh đạo Nga ngưỡng mộ và muốn bắt chước. Nếu Trung Quốc được dùng làm ví dụ mẫu A (Exhibit A) cho một mô hình độc tài mới thành công, thì điện Cẩm Linh muốn biến Nga thành ví dụ mẫu B (Exhibit B). 
    Lấy Trung Quốc làm mẫu thay vì lấy Mỹ, Đức hay thậm chí Bồ Đào Nha, tức là Nga đã hạ chỉ tiêu phát triển xuống thấp hơn so với một thập niên trước. Trung Quốc vẫn còn là một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp với tổng sản phẩm nội địa tính theo đầu người dưới 2000 Mỹ kim (khoảng 1/3 của Nga và 1/15 của Đức). Nhưng dùng Trung Quốc để so sánh là có vấn đề, vì khắp thế giới việc duy trì được mức độ phát triển cao và bền vững dưới một thể chế độc tài là một ngoại lệ, chứ không phải qui luật. Cho mỗi một Trung Quốc lại có một thảm hoạ phát triển dưới chế độ độc tài như Cộng hòa Dân chủ Angola; cho mỗi một thành công theo kiểu độc tài như Singapore lại có một thất bại vang dội như Miến Điện; cho Nam Triều Tiên thì có Bắc Triều Tiên. Trong cuộc chạy đua phát triển kinh tế trong thế giới đang phát triển, các nước độc tài có thể là cả thỏ lẫn ốc sên, còn các nước có dân chủ là rùa - chậm hơn nhưng chắc hơn. Tính trung bình, trong vài thập niên qua, các nước độc tài và các nước dân chủ trong thế giới đang phát triển đã có tốc độ phát triển giống nhau. 
    Putin và phe nhóm của ông đã vạch ra kế hoạch nhằm tránh việc phải trao quyền lực lại cho một phe nhóm khác trong năm nay. Tài uốn éo của họ nhằm giữ quyền đứng đầu nhà nước có vẻ thành công hơn nỗ lực cải thiện bộ máy công quyền hay tăng tốc độ phát triển kinh tế. Giá năng lượng và nhiên liệu trên thế giới vẫn giữ kinh tế Nga tăng trưởng trong tương lai tới. Nhưng sự thống trị độc tài được giữ lại sẽ không đóng góp được gì cho sự phát triển này. Việc tiếp tục chính sách cai trị tồi này sẽ trở thành một lực kéo trì hoãn phát triển kinh tế về lâu về dài. Hiện nay người dân Nga đúng là giàu hơn trước, nhưng họ hoàn toàn có thể giàu hơn thậm chí nhanh hơn nhiều dưới thể chế dân chủ. 
    Điện Cẩm Linh bàn tính khả năng tạo ra một Trung Quốc thứ hai, nhưng con đường phát triển của Nga có nguy cơ giống con đường của Angola hơn - một nước lệ thuộc vào dầu hoả, hiện đang phát triển nhờ giá dầu lên cao, nhưng cũng đã từng suy sụp trong quá khứ khi giá dầu xuống thấp, và có một tầng lớp lãnh đạo chú tâm duy trì quyền lực để thao túng lợi tức do dầu hỏa và tiền cho mướn các tài nguyên khác mang lại hơn là cung cấp tài sản và dịch vụ công cộng cho dân chúng đang khốn khổ. Đáng tiếc là, như Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos đã chứng minh bằng 30 năm cầm quyền: ngay cả các chế độ độc tài tồi cũng có thể tồn tại lâu, rất lâu. 
    Michael McFaul là hội viên của Viện nghiên cứu Hoover, giáo sư khoa chính trị và giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển và Pháp trị tại Đại học Stanford. Kathryn Stoner-Weiss là phụ tá giám đốc Ban Nghiên cứu và là học giả thâm niên trong Ban Nghiên cứu tại Trung tâm Dân chủ, Phát triển và Pháp trị tại Đại học Stanford.

    Bản tiếng Việt © 2008 talawas
    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12549&rb=0402


     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org