Lịch sử phát triển chủ nghĩa cá nhân trong thế kỷ 21

Posted on
  • Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Những tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân từ chỗ chỉ là tia sáng nhỏ, yếu ớt, thoáng hé lộ trong thời cổ đại Hy Lạp đã dần dần phát triển qua các thời kỳ Trung cổ, Phục hưng và trở thành một luồng tư tưởng mạnh mẽ, mang tính cách mạng trong thời đại ánh sáng (thế kỷ XVII - XVIII), làm khuynh đảo xã hội phương Tây truyền thống vốn từng bị ngự trị bởi hệ tư tưởng của chủ nghĩa tổng thể (holisme) .
    Tuy nhiên, sự bùng phát mạnh mẽ của chủ nghĩa cá nhân trong thời đại ánh sáng chủ yếu vẫn nằm ở khuôn khổ của cuộc cách mạng tư tưởng. Nói rõ hơn, nó vẫn nằm ở mặt lý luận hơn là đã thực hiện trong đời sống hiện thực, nghĩa là vẫn nằm trong giai đoạn trừu tượng, trong sự sôi nổi, sự cuồng nhiệt chủ yếu diễn ra ở khâu lý luận, học thuật của các triết gia kiệt xuất phương Tây. Đêcáctơ với việc phát hiện ra "Cogito" đã chứng minh rằng, "cái tôi tư duy" nói lên ý thức của cá nhân khi nắm bắt được chính mình, khi xác lập của mình bằng sức mạnh của tư duy. Lépnít với "thuyết đơn tử" đã chứng minh rằng, cá nhân con người luôn mang tính chất của một "đơn tử" (monadologie có gốc từ monade trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là một). Theo Lépnít, cá nhân con người là một thực thể bị quy định bởi tính đơn nhất trong một đơn tử người. Tính cá nhân ấy thể hiện ở những hành vi, năng lực, ở việc khẳng định cái tôi - "cái đơn tử" - là cái riêng, cái độc lập bên cạnh người khác. Với lý thuyết này, Lépnít đã góp phần cùng với Đêcáctơ tôn vinh cái chủ thể cá nhân của con người lên một vị trí đối trọng với cái "toàn thể", "cái xã hội" mà trước đó, trong xã hội truyền thống, nó luôn bị nhấn chím. Tiếp theo, những tư tưởng của phái Nivenlơ (phái Nivelleus - phái tuyên truyền chủ nghĩa cá nhân theo tư tưởng thực hiện quyền bình đẳng theo kiểu bình quân chủ nghĩa - N.H.H.), rồi của Lốccơ, Hốpxơ, Xpinôda,... đã đẩy những tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân phát triển một cách đột phá đến mức được đánh giá có tính cách mạng lớn lao, có vai trò không khác gì cuộc cách mạng Côpécníc, làm khuynh đảo xã hội phương Tây. Tuy vậy, đó mới chỉ là cuộc cách mạng trên lý thuyết là chính. Chỉ bước sang thế kỷ thứ XIX, những tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân của các triết gia, những nhà lý luận nổi tiếng đó mới bắt đầu thực hiện, áp dụng dần dần trong thực tế đời sống của các xã hội phương Tây.
    Giai đoạn đầu thế kỷ XIX, phạm trù "cá nhân" trừu tượng, chung chung đã được cụ thể hóa dần dần. Hình ảnh anh chàng cá nhân được mô tả mơ hồ trong cuộc sống phiêu lưu, tự do của nó không chỉ còn thấy trong sách báo, mà đã có cuộc sống thực sự ngoài đời. Những cá nhân sống và hành động của các cá nhân ấy đã xuất hiện hàng loạt trong xã hội phương Tây. Những người này cố gắng giải phóng mình trong nhiều lĩnh vực của đời sống khỏi những thói quen, luật lệ truyền thống, giáo điều, cổ hủ. Họ cố gắng tạo dựng cho mình một cuộc sống mới bằng cách tạo dựng cho mình những cái riêng, sự độc lập, sự tự chủ với gia đình, với nhà nước, với xã hội. A.Tốcquơvin (A.Tocqueville) chính là người đầu tiên đã phát hiện ra thực trạng này ở xã hội phương Tây và ông cũng là người sớm nhận thức được rằng, tình trạng đó (xu hướng sống cho cá nhân, cho các quyền cá nhân) sẽ là một xu hướng không thể đảo ngược. Xu hướng này sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai của các xã hội hiện đại. Trong tác phẩm Bàn về nền dân chủ ở Mỹ (De la démecratie en Amérique, xuất bản năm 1835), ông đã viết: "Chủ nghĩa cá nhân là một tình cảm chín chắn và hiền lành, cho phép mỗi công dân tách mình ra khỏi đám đông của đồng loại và rút lui để sống với gia đình, bạn bè. Kết quả là sau khi đã tạo cho mình một xã hội nhỏ như vậy để phục vụ cho mình, cá nhân sẵn sàng phó mặc cái xã hội lớn cho chính nó... Chủ nghĩa cá nhân có nguồn gốc dân chủ và nó sẽ phát triển mạnh".
    Về phương diện xã hội học, có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ những tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân là một hiện tượng phổ biến, có quy mô toàn thể châu Âu và đến nửa đầu thế kỷ XIX, những tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân đã được tiếp nhận và thực hiện một cách rộng rãi; nó không còn là đặc quyền của một số ít người được ưu đãi như trước, mà đã trở thành một phong trào sống của nhiều tầng lớp thanh niên trong xã hội phương Tây, đặc biệt là các chàng trai trẻ thuộc tầng lớp tư sản, trí thức tàhnh thị. Bộ phận này chính là những người đi đầu trong lối sống độc lập, tự chủ, tìm mọi cách thoát khỏi chủ nghĩa gia trưởng (paternalisme) truyền thống; họ tạo cho mình một cuộc sống riêng, tự do, không muốn có sự áp đặt, ràng buộc, thậm chí cả sự bảo trợ của họ hàng, gia đình. Tư tưởng phấn đấu cho cuộc sống "sống cho chính mình và trước hết theo ý mình", nhất là cho một cuộc sống riêng tư về phương diện tình cảm cá nhân, được hầu khắp giới trẻ ở mọi thành phần, đẳng cấp trong xã hội ca tụng, đón nhận. Thực tế này đã được nhiều tiểu thuyết gia nổi tiếng phản ánh rất sinh động, rất điển hình trong những tác phẩm của mình; chẳng hạn như nhân vật Duyliên Soren (Zulien Sorel) của Stanđan (Stendhal), Rátinhắc (Rastingac) của Bandắc (Balzac)... Những thực trạng này đã phản ánh một cuộc cách mạng về lối sống theo tinh thần của chủ nghĩa cá nhân tự do, dân chủ, chống lại lối sống bó buộc, bị đè nén theo tư tưởng gia trưởng, cũng như các luật lệ, phép tắc cực đoan của nhà nước, của xã hội. ở phương Tây, đến giai đoạn này, vấn đề mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã được đặt ra một cách gay cấn, gấp gáp nhất và luôn là vấn đề sôi động, mang tính thời sự trong đời sống xã hội, làm cho các nhà lý luận phải nghiên cứu, tìm hiểu và đề cập đến một cách đầy nhiệt huyết. Trong tác phẩm Lịch sử văn minh châu Âu (Histoire de la civilisation en Europe), viết năm 1828, nhà lý luận kiêm giáo sư lịch sử Guidốt (Guizot) đã đưa ra một câu hỏi nổi tiếng: "Xã hội được tạo ra để phục vụ cho cá nhân hay cá nhân được tạo ra để phục vụ xã hội?" - và ông trả lời - "Điều cốt tử chính là sự phát triển của đời sống cá nhân và thân phận con người không phải chủ yếu là xã hội" .
    Có thể nói, bước sang thế kỷ XIX, ở châu Âu, quá trình cá nhân hóa trong đời sống xã hội đã phát triển đến một độ chín muồi và đã trở thành một trào lưu lan truyền ra khắp thế giới ở những mức độ, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Vấn đề độc lập, tự do, dân chủ của cá nhân con người không còn là vấn đề của xã hội châu Âu nữa, mà đã trở thành vấn đề của mọi người trên khắp hành tinh. Thành quả này là quá trình phát triển gian khổ, lâu dài, qua nhiều thế kỷ, nhiều thời đại, nhưng tác động mạnh mẽ nhất, gần gũi nhất chính là thành quả của những nhà triết học, chính trị, lý luận trong thời đại ánh sáng - những người đấu tranh cho các quyền con người (nhân quyền). Đó cũng là hệ quả phát triển của chủ nghĩa tư bản với sự ra đời của nền dân chủ tư sản (đặc biệt ở Anh và Pháp), với sự chiến thắng của những giá trị của chủ nghĩa nhân văn.
    Danh từ "Chủ nghĩa cá nhân" (individualisme) đến thời kỳ này mới chính thức xuất hiện và trở thành một khái niệm quan trọng, phổ biến trong đời sống học thuật cũng như cuộc sống đời thường ở châu Âu (theo các nhà nghiên cứu phương Tây, danh từ "Individualdsme" xuất hiện trong khoảng thời gian từ 1820 đến 1830). Có thể nói, sự ra đời và phổ biến của từ "chủ nghĩa cá nhân" đã làm nên một chỉ báo khách quan quý giá nhất, là một dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử phát triển nhân loại nói chung và sự phát triển của cá nhân con người nói riêng.
    Khái niệm "chủ nghĩa cá nhân" ở thời kỳ này có nội dung nói về quyền tự do, dân chủ cho mỗi cá nhân với tư cách những cái cơ bản về quyền của một con người, của mỗi cá nhân sống trong xã hội. Nội dung này của "chủ nghĩa cá nhân" đã được luận chứng xuất sắc bởi một loạt những triết gia, những nhà lý luận tiêu biểu, như A.Tốcquơvin, B.Côngstăng (Bengamin Constnat), F.Batiát (Frédéric Bastiat), Gi.S.Min (John Stuart Mill), H.Xpenxơ (Herbert Spencer),...
    Trong nhiều trang viết, A. Tốcquơvin đã đưa ra những lời chuẩn đoán đầy sức thuyết phục về sự vươn lên không thể thay đổi được, về sự phát triển những "cá nhân dân chủ" trong xã hội phương Tây. Theo ông, việc đòi quyền dân chủ, thực hiện quyền dân chủ cho mỗi cá nhân sẽ trở thành một hiện thực rộng lớn và là đích phấn đấu ngày càng mãnh liệt của những con người trong xã hội tương lai; nó chính là sự tiếp tục một cách rốt ráo hơn những tư tưởng của cuộc cách mạng dân chủ tư sản ra đời vào cuối thế kỷ XVIII và trở thành xu hướng của tư tưởng sống chủ đạo của mọi "đám đông dân chúng". Ông còn cho rằng, những tư tưởng dân chủ này là những khát vọng bình đẳng, tự do, dân chủ của đông đảo mọi tầng lớp dân chúng trong xã hội. Rằng, quá trình cá nhân hóa luôn xuất phát từ những hoạt động ngấm ngầm dưới đáy sâu thẳm của mỗi cá nhân và nó bùng phát lên khi có hoàn cảnh, điều kiện thuận lợi mà không một thế lực, sức mạnh nào có thể kiềm chế, ngăn chặn được. Rằng, vấn đề dân chủ, vấn đề tự do của cá nhân con người sẽ là một vấn đề sôi động nhất của các xã hội hiện đại.
    B. Côngstăng - nhà chính trị học, xã hội học người Pháp cùng thời với A. Tốcquơvin, người luôn đấu tranh và mong ước có một xã hội mà ở đó, cá nhân con người được tôn trọng về quyền độc lập, tự do của mình, đồng thời phê phán mạnh, gay gắt mô hình xã hội chuyên chế, khi bàn về chủ nghĩa cá nhân, đã nói nhiều đến "tính độc lập cá nhân", "sự tự do cá nhân". Ông cho rằng, "tính độc lập cá nhân" và "sự tự do cá nhân" là những giá trị mới tối cao nhằm cung cấp một ý nghĩa tích cực cho bản chất của xã hội tương lai. Trong Tập luận về văn học chính trị(Melamges de litterature et politique) viết năm 1829, ông nói rằng: "Bốn mươi năm nay, tôi đã bảo vệ một chân lý là đòi quyền tự do ở tất cả mọi mặt cho con người: trong tôn giáo, trong triết học, trong văn học, trong chính trị, trong công nghiệp... Tôi quan niệm tự do là sự chiến thắng của cá tính cá nhân, là sự chiến thắng những đám đông cứ bắt thiểu số phải phục tùng đa số".
    Khi tuyên truyền cho tinh thần về một chủ nghĩa cá nhân như vậy, để chống lại những cách hiểu sai lệch của các nhà triết học, lý luận khác, chủ yếu là những quan điểm của các nhà triết học, lý luận theo khuynh hướng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là quan điểm mang tính chất phê phán của P.Pruđông (P.Proudhon), nhà chính trị, xã hội học Pháp ¾ F. Batiát đã phân tích rõ rằng, chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn khác tính ích kỷ, vì về bản chất, nó tạo ra mối liên hệ xã hội và kêu gọi sự hợp tác tự nguyện của cá nhân theo đuổi các lợi ích của mình một cách chính đáng. Khi phê phán cách hiểu của một số nhà tư tưởng theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa coi chủ nghĩa cá nhân là một thói ích kỷ, xấu xa, là lối sống kiểu "nhà nào biết nhà nấy", không biết lo cho "nhà khác", cho xã hội, F. Batiát đã khẳng định rằng, đừng nên nghĩ là khi nói mỗi người hãy lo cho chính mình và cho mọi người là hai cái loại trừ nhau, là không thể dung hợp với nhau. Theo ông, cách hiểu như vậy là hoàn toàn sai lầm, bởi trên thực tế, khi con người luôn bị thúc đẩy về lợi ích riêng, họ vẫn lo xích lại gần những người khác, với đồng loại để hợp nhất sức mạnh của mình. Rằng, thực tế sinh động của cuộc sống là người này làm cho người kia, người này phục vụ người kia để tìm được, chiếm hữu được những lợi ích riêng tư chính đáng. Kết luận về vấn đề này, trong tác phẩm Những hài hòa về kinh tế (Harmonies économiques) viết năm 1851, ông viết: "Tóm lại, khi mỗi người lo cho mình thì mọi cố gắng của chủ nghĩa cá nhân đều được kích thích mạnh mẽ và tác động theo hướng mỗi người làm việc cho mọi người" . Trong những tác phẩm cuối đời, để lý giải rõ hơn về chủ nghĩa cá nhân, F.Batiát đã đưa ra lý thuyết về "chủ nghĩa cá nhân chiến đấu". Ở đây, ông đã phê phán, công kích rất mạnh mẽ những luận điểm ủng hộ xu hướng quốc hữu hóa, tập thể hóa kinh tế. Theo ông, việc thực hiện những khuynh hướng này sẽ kéo theo sự tước đoạt cá nhân cũng như những quyền sở hữu của họ. Ông cũng chống lại sự ép buộc những cá nhân thực hiện những đề án "công bằng tập thể", "công bằng xã hội" theo kiểu chủ nghĩa bình quân mà về thực chất, là một sự gian trá, ẩn náu tiềm tàng những hậu quả tiêu cực, phá hoại trách nhiệm cá nhân khi thủ tiêu quyền sở hữu của họ. Theo ông, hai cột trụ làm chỗ dựa cho sự phồn vinh của mọi người và sự hoàn tất của mỗi người đó là sự tôn trọng triệt để quyền sở hữu và bổn phận trách nhiệm cá nhân và đó cũng là những điều kiện để xã hội tự điều chỉnh theo hướng tích cực.
    Một nhà triết học khác của phương Tây là Giôn Stiuớt Min, người Anh, thuộc trường phái thực chứng, cũng tích cực ủng hộ chủ nghĩa cá nhân bằng tư tưởng cổ vũ sự độc lập, dân chủ tự dọ cho mỗi cá nhân. Ông cũng là một đại biểu phê phán mạnh mẽ những người đã hiểu sai về chủ nghĩa cá nhân. Theo ông, để thực hiện đúng đắn điều này, cần phải làm cho mọi người hiểu rõ sự cần thiết phải làm cho mọi người hiểu rõ sự cần thiết phải làm cho các quan hệ xã hội ¾ cá nhân trở nên cân bằng để trên cơ sở đó, thực hiện những điều có lợi chính đáng cho cá nhân, để cá nhân đạt được quyền tự do tối ưu của mình nhưng lại không cản trở tính độc lập và quyền tự do của người khác. Cũng giống như những triết gia, những nhà lý luận phương Tây ủng hộ việc thực thi quyền con người trong đời sống xã hội, Min đã phê phán kịch liệt những xã hội được xây dựng trên nền độc tài chuyên chế. Ông cảnh báo rằng, nhân loại cần phải nhạy bén đề phòng và chống lại mọi mối đe dọa thường bị bỏ qua nhưng thực tế đã đè lên quyền tự do thông thường của cá nhân - đó là "bạo lực của đa số", "quyền lực của đám đông", "sức nặng của ý kiến tập thể", "chế độ độc tài của các tập tục", ...Tất cả những thứ đó, theo ông, cũng nguy hiểm như sự xâm phạm của các chính phủ, nhà nước quan liêu, độc tài, chuyên chế và do vậy, cần phải cụ thể hóa các giới hạn đối với ý kiến của tập thể khi can thiệp vào sự độc lập, tự do hay những quyền chính đáng khác của cá nhân. Điều này cũng cần thiết chẳng kém gì việc chống lại những chế độ độc tài, chuyên chế. Ông cho rằng, "nhân loại có lợi hơn khi để cho mọi người được sống như anh ta mong muốn so với việc bắt buộc anh ta phải sống theo những điềumà người khác cho là tốt đẹp" . Với quan niệm này, ông đã trở thành người đầu tiên trong số những nhà lý luận lên tiếng cảnh báo về sự nguy hại, về tính chất tiêu cực của sự đàn áp có tính xã hội học - những cái nhân danh nhóm, số đông, tập thể để đè nén, thủ tiêu cái cá nhân nhưng lại được che dấu dưới những khẩu hiệu bình đẳng, dân chủ.
    Đề cập đến mối quan hệ giữa cá nhân và nhà nước trong vấn đề thực hiện quyền tự do dân chủ của cá nhân ¾ một vấn đề rất nhạy cảm, tế nhị nhưng cũng rất gay gắt ở nhiều xã hội, trong tác phẩm Cá nhân chống lại nhà nước (L'individu contre L'Etat), viết năm 1884, H.Xpenxơ (Herbert spencer) đã chỉ rõ một thực tế đang tồn tại trong xã hội phương Tây ở thời đại ông là tình trạng quyền tự do con người còn xa mới được bảo đảm ngay ở cấp độ chính trị, vì một nguy cơ thường trực là những thế lực quyền hành và những nhà lý luận ủng hộ họ luôn đề cao "chủ nghĩa nhà nước" hay "thuyết hữu cơ" (organicissme) mà trên thực tế, theo ông, nhiều chính sách được đẻ ra từ đó đã đi ngược lại những quyền tự do, dân chủ của cá nhân. Ông cho rằng, "sự can thệp của nhà nước càng tăng thì trong các cộng đồng dân cư càng lan truyền quan niệm cho rằng mọi người đều phải làm cho nhà nước, còn nhà nước thì không làm gì cả". Nói rõ hơn về một nhà nước như vậy, ông cho rằng, nhà nước đó chẳng khác gì những nhà nước cổ xưa ¾ nhà nước không làm gì cho dân, chỉ có dân là phải làm việc, phải phục vụ nhà nước.
    Điểm lại tình hình thực hiện cuộc cách mạng về chủ nghĩa cá nhân trong thế kỷ XIX, nhiều người cho rằng, ở đó đã có những bước phát triển tích cực. Sự phổ biến và thực hiện những tư tưởng của chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn này đã không vấp phải sự cản trở của những tư tưởng truyền thống hay các thế lực tôn giáo như trước. Nhưng mặt khác, xã hội phương Tây hiện đại khi tiếp tục phát triển trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực đã đem đến những điều phức tạp mới, buộc chủ nghĩa cá nhân phải chống lại những áp lực mới, những thế lực mới mà nhiều khi, rất mơ hồ, của "nền văn minh đám đông", của những thế lực quan liêu, độc tài mới, những hậuquả mới của xã hội công nghệp, v. v.. Chính vì vậy, những nhà triết học, những nhà lý luận phương Tây quan tâm đến vấn đề quyền tự do, dân chủ của cá nhân (nhân quyền) đã đồng ý với nhận định của H,.Xpenxơ rằng, chủ nghĩa cá nhân tự do đã thắng trong một trận đánh, nhưng không phải là hoàn toàn thắng trong cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù đã thay đổi cả hình thức lẫn bản chất nhưng vẫn không biến mất.
    Bước vào xã hội hiện đại (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX) với nhiều đổi thay trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, đạo đức, lối sống, tôn giáo,... chủ nghĩa cá nhân cũng phát triển theo nhiều chiều, nhiều khía cạnh để phản ứng lại sự thay đổi đó. Chủ nghĩa cá nhân đã có những biến thể mới, nội dung mới, mục đích mới đến mức nhiều người đã đưa ra câu hỏi: nên ủng hộ hay chống lại chủ nghĩa cá nhân? Về vấn đề này, chúng tôi sẽ trở lại trong một dịp khác.
    Nguồn:http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/lich_su_phat_trien_chu_nghia_ca_nhan_trong_the_ky_21-7.html


    Holisme - Chủ nghĩa tổng thể, chủ nghĩa toàn thể, chủ nghĩa toàn luận: cá nhân con người hoàn toàn không có quyền độc lập, tự chủ nào hết mà hoàn toàn bị phụ thuộc, bị chi phối bởi cấu trúc tổng thể xã hội, bởi "cái toàn thể, cái "chúng ta", "cái xã hội".
    Alexis de Tocqueville. De la democratie en Amerique. Ed Flamarion, 1981, p. 86.
    F.Guizot. Histoire de la civilisation en Europe dequis la chute de L'Empire Romain Jusquà la Révolution Frâncis. Ed Hachette pluriel, 1985. p. 42.
    Dẫn theo: Alain Laurent, Histoire de individualdsme. Ed prese Universitaire de France, 1995, p. 68.
    Dẫn theo: Alain Laurent, Histoire de individualdsme. Ed prese Universitaire de France, 1995, p. 68.
    John Stuart Mill. De la liberté. Ed Flarmanion
    Herbert Spencer. L'individu contre L'Etat. Ed Hachêtt - Pruriedl, p.79.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org