Mặc
dù việc kiểm phiếu chưa kết thúc, nhưng câu chuyện NLD (Liên minh Dân chủ Toàn
quốc) thắng cử là câu chuyện chắc chắn. Đây là một sự kiện trọng đại trong lịch
sử của Myanmar, cho dù cuối cùng thì phe quân đội có để cho NLD lên cầm quyền
hay không. Ít ra thì cuộc bầu cử cũng đã được diễn ra và được công nhận rộng
rãi là cuộc bầu cử tự do, theo nghĩa không có những chiêu trò gian lận làm ảnh
hưởng lớn đến kết quả bầu cử, và dĩ nhiên, việc đảng NLD thắng gần như tuyệt đối
trên các ghế được đem ra bầu như vậy là việc quá ấn tượng.
Hai
vế này cho thấy đảng USDP (Liên minh Đoàn kết và Phát triển) của phe quân đội
cũng đã chơi “fair” ván bài mà họ chấp nhận chơi. Ở mặt khác nó cũng cho thấy rằng
mặc cho các thành tựu gần đây mà giới lãnh đạo USDP đạt được trong lĩnh vực mở
cửa và phát triển kinh tế, quần chúng Myanmar cũng vẫn kỳ vọng một sự thay đổi
thực sự chứ không phải câu chuyện bình mới rượu cũ của USDP, và vì vậy họ đặt
niềm tin vào NLD cũng như cá nhân bà Suu Kyi.
Chiến
thắng của NLD được coi là một bước tiến về dân chủ ở Myanmar, tuy nhiên trước
khi có những chuyện này, Myanmar đã có 2 nền tảng quan trọng của dân chủ. Đó là
việc có nhiều đảng phái được công nhận (dù có được bầu cử dân chủ hay không),
và người Myanmar cũng đã quen với văn hóa chính trị dân chủ. Sự kiện lần này đặt
thêm một dấu mốc quan trọng nữa, nhưng nó không chỉ nằm ở chỗ NLD thắng, mà nó
còn nằm ở chỗ USDP và lực lượng quân sự chấp nhận ván cờ bầu cử tự do, và chấp
nhận kết quả của ván cờ này (ít nhất là theo những gì họ nói cho đến giờ).
Cũng
có nhiều người đặt câu hỏi về việc liệu NLD có làm tốt vai trò lãnh đạo nền
kinh tế. Điều này làm tôi nhớ câu nói của triết gia John Dalberg-Acton rằng
"tự do không phải là phương pháp để đạt được mục tiêu chính trị tốt hơn, bản
thân nó chính là mục tiêu chính trị cao nhất". Vì thế cũng không nên đặt vấn
đề là việc NLD lên cầm quyền là để phát triển kinh tế, và họ phải làm tốt hơn
những gì USDP đã làm trong giai đoạn vừa qua. Thậm chí họ có thể làm tệ hơn
trong một nhiệm kỳ, và có thể trong kỳ bầu cử sau họ sẽ thua, nhưng cái được là
người dân Myanmar và nền chính trị đã chấp nhận sử dụng cơ chế bầu cử dân chủ để
tìm ra người lãnh đạo theo ý mình. Đó mới là điều quan trọng nhất, hoặc nói như
John Dalberg-Acton, đó mới là mục tiêu cao nhất.
Dân
chủ hóa từ trên xuống
Những
diễn biến hiện nay làm người ta dễ quên con đường đã qua. Con đường này mang nặng
dấu ấn của ông Than Shwe, người đã lãnh đạo chính quyền quân sự trong gần 20
năm, sau đó thực hiện cuộc cải cách chính trị vào năm 2011 để dựng nên một
chính quyền mang màu sắc dân sự do ông Thein Sein làm tổng thống, còn bản thân
ông lui vào hậu trường.
Tại
sao Than Shwe lại thực hiện cuộc cải cách chính trị mà dấu mốc bản lề là vào
năm 2011 khi ông chính thức rút vào hậu trường? Than Shwe luôn được ghi nhận là
một nhà độc tài tàn bạo và kẻ thù của tiến trình dân chủ ở Myanmar. Ông chỉ đạo
hai cuộc đàn áp đẫm máu phong trào đấu tranh dân chủ, một lần vào năm 1988 và một
lần vào năm 2007 (cách mạng cà sa). Vì các “thành tích” đàn áp trong suốt những
năm lãnh đạo của mình, ông bị xếp hạng thứ 4 trong danh sách các nhà độc tài tệ
hại nhất thế giới bởi Parade Magazine năm 2009.
Thế
nhưng vào năm 2003, khi ông tròn 70 tuổi, thì chính quyền của ông đã soạn ra “lộ
trình 7 bước đến dân chủ”. Năm 2008, hiến pháp mới do chính quyền của ông soạn
được thông qua. Năm 2009, ông Than Shwe đã nói về cuộc bầu cử diễn ra sau đó
vào năm 2010 rằng “tôi sẽ trở thành một công dân bình thường, một người bình
thường, và các cộng sự của tôi cũng vậy vì chính quyền sẽ là một chính quyền
dân sự”. Và ông đã làm đúng như thế, khi vào năm 2011 một chính quyền mang màu
sắc dân sự được dựng lên (mặc dù họ đều từng xuất thân từ quân đội).
Nhiều
người cho rằng ông Than Shwe thực hiện cuộc đổi mới chính trị là vì bị áp lực.
Điều đó đúng một phần, nhưng nó khó giải thích câu chuyện ông cho soạn ra “lộ
trình 7 bước đến dân chủ” từ năm 2003. Cũng khó nói tuổi tác khiến ông nghĩ lại,
vì cách lãnh đạo của ông vẫn cứng rắn, thể hiện ở việc đàn áp năm 2007. Vì thế
không thể nói khác được rằng cuộc đổi mới này thực sự là cuộc đổi mới từ trên
xuống, từng bước, và có kế hoạch chặt chẽ.
Vai
trò của ông Thein Sein cũng không hề nhỏ. Trước khi nhậm chức tổng thống, ông
đã được coi là một người khá ôn hòa. Ngay sau khi trở thành tổng thống thì ông
đã ngay lập tức thực hiện nhiều cuộc cải cách mạnh mẽ, trong đó có việc “thoát
Trung”, điển hình là việc hủy bỏ dự án xây thủy điện Myitsone theo tiếng gọi của
người dân nước ông. Ông cũng thả hàng nghìn tù nhân chính trị, bình thường hóa
quan hệ với đảng NLD, làm thân với phương Tây, và hàng loạt các động thái thay
đổi mạnh mẽ khác.
Ông
cũng là người mà, nếu chúng ta còn nhớ, vào đầu năm 2014 lên tiếng về việc có
thể thay đổi hiến pháp năm 2008, theo đó cho phép “bất cứ công dân nào” cũng có
thể trở thành tổng thống. Hiến pháp 2008 được viết ra bao gồm nhiều nội dung bảo
vệ cho phe quân sự, trong đó bao gồm cả một nội dung viết ra chỉ nhắm vào bà
Suu Kyi, đó là cấm công dân Myanmar có thành viên trong gia đình là người quốc
tịch khác trở thành tổng thống. Nó cũng quy định phe quân đội nghiễm nhiên có
25% số ghế trong Quốc hội mà không qua bầu cử, và 75% số phiếu thì không thay đổi
được hiến pháp. Đó là lá chắn hiến pháp để bảo vệ phe quân đội. Phát ngôn này của
ông Thein Sein, một người xuất thân từ phe quân đội, và là đương kim tổng thống,
là một phát ngôn đáng kinh ngạc và thể hiện tư tưởng đặc biệt cấp tiến và thái
độ thân thiện với bà Suu Kyi.
Tới
lần này, ngay trước cuộc bầu cử diễn ra, ông Thein Sein cũng khẳng định sẽ chấp
nhận kết quả bầu cử. Cuộc bầu cử cũng diễn ra theo cách mà ngay cả phe đối lập
là đảng NLD cũng thừa nhận là tự do. Vì thế, cho đến giờ, phải thừa nhận là ông
Thein Sein đóng vai trò rất quan trọng.
Vai
trò tiếp diễn của quân đội trong nền chính trị
Nhiều
người đang đặt dấu hỏi liệu phe quân đội sẽ làm gì tiếp theo. Nghi ngờ là có cơ
sở vì ít nhất vào năm 1988 họ cũng đã sổ toẹt kết quả cuộc bầu cử dân chủ thời
đó. Tuy nhiên, lần này, có ít lý do để tin chuyện tương tự sẽ lặp lại. Khả năng
lớn là ông Thein Sein sẽ rời nhiệm sở và ông có quyền rời nhiệm sở trong thế ngẩng
cao đầu. Thế nhưng sau đó việc quân đội có để yên cho NLD lãnh đạo đất nước
trong nhiệm kỳ này không thì vẫn là một câu hỏi mở.
Ai
cũng biết phe quân đội nắm tối thiểu 25% số phiếu, và với 75% số phiếu thì
không thay đổi được hiến pháp. Với hiến pháp hiện tại thì thứ nhất là bà Suu
Kyi không thể làm tổng thống bởi một quy định trong hiến pháp mà phe quân đội đặt
ra chỉ để áp dụng cho trường hợp của bà, và thứ 2 là 3 bộ cực kỳ quan trọng đối
với sự ổn định của nền chính trị Myanmar đều nằm trong tay quân đội – bộ quốc
phòng, nội vụ, và biên giới.
Vì
thế vai trò của quân đội vẫn hết sức trọng yếu trong nền chính trị Myanmar, và
dĩ nhiên bà Suu Kyi cũng như NLD không ảo tưởng gì về chuyện này. Để giữ được ổn
định và phát triển, họ phải tìm kiếm sự đồng thuận từ quân đội. Điều này làm
cho nền chính trị Myanmar sẽ còn tiếp tục ở trạng thái bấp bênh trong một thời
gian dài. Có nhiều người cho rằng nếu cuộc chuyển giao quyền lực thuận buồm
xuôi gió, quân đội Myanmar sẽ dần trở thành lực lượng chính trị giống như vai
trò của quân đội Thái Lan trong nền chính trị nước này, tức là họ sẽ đứng một
bên để yên cho chính phủ làm, nhưng sẵn sàng “can thiệp” trong những giai đoạn
họ cho là “khủng hoảng”.
Điều
này nếu thành công thì, xét cho cùng, sẽ là một kỳ tích và một bài học mới về
chuyển đổi chế độ trên thế giới. Từ một nền độc tài bị cả thế giới lên án sang
một nền dân chủ tự do và pháp quyền mà không phải trải qua các cuộc cách mạng đẫm
máu như chúng ta đã nhìn thấy ở nhiều nơi trên thế giới.
Những
thách thức lớn của NLD và Aung San Suu Kyi
Có
4 thách thức rất lớn. Thứ nhất, việc bà Suu Kyi không thể làm tổng thống tạo ra
những phức tạp không hề nhỏ. Dù một đại diện khác của NLD lên làm tổng thống,
và theo ý muốn của bà Suu Kyi, người đó chỉ là bù nhìn và bà sẽ là người ngồi
“trên tổng thống”, thì điều đó cũng không dễ dàng. Nó có thể tạo ra xung đột
ngay trong chính nội bộ đảng NLD. Không ai muốn mình là bù nhìn cả, nhất là về
mặt pháp luật không quy định như vậy.
Thứ
hai là cái bóng của bà Suu Kyi quá lớn và bà năm nay đã 70 tuổi. Cái bóng quá lớn
của bà cũng khiến cho các tài năng chính trị khác của NLD bị lu mờ. Nếu có bất
kỳ chuyện gì xảy ra với bà liên quan đến sức khỏe thì đó sẽ là một tổn thất cực
kỳ lớn của NLD. Và con người thì không ai bất tử. Bà Suu Kyi và đảng NLD chắc
chắn sẽ phải có kế hoạch thật tốt liên quan đến chuyện chuẩn bị nhân sự thế hệ
kế tiếp.
Thứ
ba là là câu chuyện phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Rất nhanh thôi sau
khi cầm quyền, hào quang có được trong giai đoạn đấu tranh dân chủ sẽ phải nhường
chỗ cho việc chứng minh các thành tựu từ việc quản lý có hiệu quả nền kinh tế
và xã hội nếu NLD muốn tiếp tục cầm quyền. Điều này nói thẳng ra là không dễ
dàng. Lech Walesa, nhà dân chủ lỗi lạc của Ba Lan (người cũng được nhận giải
Nobel Hòa Bình vào năm 1983), chẳng hạn, chỉ trụ được ở vai trò tổng thống có
đúng một nhiệm kỳ, sau đó cũng thua cuộc trong một cuộc bầu cử tự do.
Thứ
tư là NLD sẽ liên tục phải tìm kiếm sự đồng thuận từ quân đội nếu muốn duy trì
sự ổn định và phát triển. Dĩ nhiên các cuộc mặc cả liên tục này sẽ không dễ
dàng.
Chính
trị thực dụng và câu chuyện thoát Trung
Dưới
thời của tổng thống Thein Sein, Myanmar đã thực hiện một cuộc chuyển đổi ngoạn
mục về đường lối ngoại giao. Nó được kích hoạt vào đúng lúc nước Mỹ xoay trục về
chiến lược ngoại giao và hướng sang châu Á. Vì thế nó được phương Tây, nhất là
Mỹ, ủng hộ mạnh mẽ. Nó giúp USDP, một đảng do phe quân sự lập ra, nhanh chóng lấy
được vị thế và uy tín đối với phương Tây, cũng như sự hậu thuẫn cần thiết của
phương Tây để thực hiện cuộc chuyển đổi mềm về mô hình chính trị.
Đó
là chưa kể nó giúp Myanmar thoát khỏi một số phận bi thảm của một thuộc quốc
(vassal state) của Trung Quốc. Chưa có quốc gia nào giàu mạnh lên được với số
phận thuộc quốc của đế quốc này. Có lẽ lựa chọn của Myanmar cũng là bài học tốt
cho một vài nước Đông Nam Á có vẻ như đang vì vài mối lợi ích trước mắt mà
Trung Quốc bố thí mà tạm thời đánh mất mình như Campuchia chẳng hạn.
Vì
thế, một điểm mà chắc chắn giới quan sát và lãnh đạo các nước có lợi ích liên
quan mật thiết với Myanmar sẽ quan tâm là, dưới sự dẫn dắt của bà Suu Kyi và
NLD, Myanmar sẽ thực hành một nền chính trị thực dụng như thế nào, và câu chuyện
quan hệ của họ với Trung Quốc sẽ ra sao. Bà Suu Kyi đang tỏ ra nóng lòng để thực
hiện vai trò lãnh đạo, và chắc chắn, bà sẽ muốn tạo ra một con đường riêng chứ
không đơn giản là thực hiện tiếp những gì mà ông Thein Sein đang làm dang dở.