Dân chủ hóa 4: Trường hợp Mỹ

Posted on
  • Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018
  • by
  • nguyenminh
  • in
  • Nhãn:
  • Minh Anh dịch
    Tương tự như Anh, ở Mỹ, các thiết chế dân chủ (tham gia) đã tồn tại từ trước, dù bị chi phối bởi giới địa chủ, tinh hoa. Từ lâu, nguyên tắc giải trình trách nhiệm đã là một phần của truyền thống chính trị trong 13 bang thuộc địa và là nền tảng biện minh cho cuộc chiến giành độc lập từ Anh. Các hội đồng dân cử (quốc hội bang) dần có quyền lực lớn hơn so với các thống đốc (bang) do Anh bổ nhiệm – đến mức mà ở các bang như Massachusetts, New Jersey, North Carolina, và Pennsylvania, các hội đồng thể hiện sức mạnh của mình trong việc từ chối trả lương cho các thống đốc trong nhiều năm. Do đó, cũng như Anh, khuân khổ của các thiết chế dân chủ đã ra đời trước khi quá trình công nghiệp hóa diễn ra vào thế kỉ XIX.
    Khác biệt chính với Anh là con đường đi đến nền dân chủ hiện đại của Mỹ diễn ra trong điều kiện nước Mỹ mới hình thành.
    -       Và vì vậy mà, thứ nhất, Mỹ không có một cảm quan được phát triển tốt về bản sắc dân tộc (Mỹ). Thay vào đó, bản sắc khu vực hay bang vẫn chi phối. Chẳng hạn, một công dân ở Virginia trước tiên sẽ xem họ như một người Virginian, sau đó mới như một người Mỹ.
    -       Thứ hai, có những sự chia rẽ về kinh tế xã hội trong nửa đầu thế kỉ XVIII, mà đầu tiên, là di sản của quan hệ kinh tế trọng thương với Anh trước cuộc chiến giành độc lập, và sau đó được tăng cường hơn nữa do sự mở rộng về phía Tây, cũng như việc giới thiệu nền sản suất (công – nông nghiệp) sợi ở phía Nam. Vào năm 1860, những sự chia rẽ này đã phát triển thành ba khu vực xã hội khác nhau: sản xuất sợi ở phía Nam; sản xuất lương thực ở phía Tây; và công nghiệp hóa nhanh chóng phía Đông – Bắc. Những sự chia rẽ về kinh tế xã hội này ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển dân dủ ở Mỹ, khiến cho tiến trình này trở nên đầy bạo lực.

    Bản sắc dân tộc không hoàn chỉnh của Mỹ
    Sau cuộc chiến giành độc lập từ Anh, các thuộc địa cũ (13 bang) tạo nên một liên minh lỏng lẻo giữa các bang. Những năm đầu tiên của nền cộng hòa tập trung chủ yếu vào việc xây dựng một sự thống nhất về chính trị từ các thuộc địa rất khác nhau trước đó, với phe “liên bang” tập trung ở khu vực Đông – Bắc có khuynh hướng thương mại hơn, chống lại phe “chống liên bang” tập trung ở khu vực nông nghiệp phía Nam (sở hữu nô lệ).
    Thực vậy, nhiều học giả nhận xét rằng, không giống như Anh, bản sắc quốc gia Mỹ tương đối không hoàn chỉnh ở thời điểm độc lập. Nhìn chung, trong những năm đầu của nền cộng hòa, chủ nghĩa địa phương và bẳn sắc địa phương chi phối. Tuy nhiên, nếu nói rằng bản sắc quốc gia Mỹ hoàn toàn không tồn tại ở đầu thế kỉ XIX thì không hẳn đúng. Như Russell Arben Fox nhận xét, sẽ sai lầm khi xem cuộc tranh cãi giữa những người liên bang và chống liên bang trong những năm sau độc lập là cuộc tranh cãi giữa “những người theo chủ trương quốc gia” và “những người theo chủ trương địa phương”. Đúng hơn, đó là cuộc tranh luận giữa các khái niệm khác nhau về “dân tộc, quốc gia”.
    Trong khi, tầm nhìn quốc gia của những người chống liên bang bắt nguồn từ tuyên bố của George Mason cho rằng việc duy trì “sự gắn chặt của công dân với luật của họ, tự do của họ, và quê hương của họ (bang) sẽ góp phần gắn chặt người người Mỹ lại với nhau hơn bất cứ ý tưởng, tổ chức chính trị nào (chung - liên bang nào)”. Thì trái lại, quan điểm của những người liên bang lại nhấn mạnh đến sự cần thiết phải hình thành một dân tộc Mỹ với một nhà nước và một hệ thống chính trị chung (liên bang).
    Do đó cảm quan ban đầu về một bản sắc dân tộc Mỹ là không hoàn chỉnh – theo nghĩa, tiến trình kết hợp cảm quan về một bản sắc quốc gia Mỹ với việc tạo ra một nhà nước thống nhất tập trung không được phát triển đầy đủ. Dù có ít nghi ngờ rằng người Mỹ đã phát triển một cảm quan về một sự ràng buộc chung, với ý tưởng cho rằng như một tập thể họ nắm chủ quyền (tối cao), song điều còn thiếu chính là việc cho rằng chủ quyền đó phải được chứa trong một nhà nước thống nhất, thay vì trong một tập hợp các chính quyền bang (như lúc đó). Như Liah Greenfield viết, sự khẳng định về “một bản sắc Mỹ” ban đầu không đi cùng với “cảm quan của người Mỹ về việc tạo thành một thể thống nhất (về chính trị)”, mà vấn đề về bản sắc quốc gia Mỹ và đi cùng với nó là một nhà nước tập trung thống nhất, phải đợi cho đến cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865) mới được giải quyết.

    Một chủ nghĩa liên bang Mỹ?
    Ngoài bản chất không hoàn chỉnh của bản sắc quốc gia Mỹ, cũng tồn tại những khác biệt quan trọng về kinh tế xã hội giữa các khu vực khác nhau của đất nước. Như Barrington Moore khẳng định, sự khác biệt chính là khuynh hướng khu vực, tức sự đối đầu giữ miền Nam sản xuất sợi, với miền Bắc sản xuất công nghiệp, và miền Tây sản xuất lương thực. Tuy nhiên, nếu coi hoàn cảnh kinh tế xã hội này ở Mỹ trước nội chiến là kiểu tổ chức phong kiến thì không chính xác.
    Thực vậy, không như Anh hay Pháp, cuộc đấu tranh giữa quý tộc đất đai và vua không tồn tại ở Mỹ; sản xuất nông nghiệp theo hướng thương mại luôn là một phần quan trọng trong nền sản xuất ở miền Nam từ thời kì của các đồn điền thuốc lá đầu tiên ở Virginian. Hơn nữa, xã hội Mỹ chưa bao giờ có một tầng lớp nông dân lớn có thể so sánh với các xã hội nông nghiệp ở châu Âu và châu Á.
    Tuy nhiên, một cuộc nội chiến đầy bạo lực đã nảy sinh từ quá trình công nghiệp hóa đất nước say này. Barrington Moore cho rằng Nội chiến Mỹ không thể được hiểu chỉ đơn giản như một cuộc chiến giữa giai cấp thương mại chống lại giai cấp địa chủ phong kiến tiền thương mại, như từng xảy ra ở nơi khác. Đúng hơn, ông cho rằng, Nội chiến Mỹ, một trong những cuộc xung đột đẫm máy nhất trong lịch sử hiện đại, trong thực tế là cuộc cách mạng tư bản, với chủ nghĩa tư bản công nghiệp (đang lớn mạnh) chiến thắng trước nền nông nghiệp miền Nam, mà thực chất cũng chỉ là một dạng chủ nghĩa tư bản khác; với sự khác biệt là dù miền Nam có “nền văn minh tư bản”, song nó không có “một giai cấp tư sản”.
    Thay vì “thách thức ý niệm về nguyên trạng dựa trên dòng dõi, như giai cấp tư sản châu Âu từng làm khi họ thách thức quyền cai trị của giới quý tộc, các chủ đồn điền miền Nam cũng tìm cách chiến đấu để bảo vệ các đặc lợi kế thừa của họ”. Các đặc lợi này dựa trên ý niệm về sự cao hơn về chủng tộc và chế độ sở hữu nô lệ. Theo nhiều cách, điều này tương tự với những thôi thúc thương mại của quý tộc Pháp, những người dù tham gia vào thị trường, song chưa bao giờ từ bỏ ý tưởng về các đặc lợi quý tộc.
    Những sự khác biệt này trở nên sâu sắc hơn với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản công nghiệp ở miền Bắc. Về mặt chính trị, những sự khác biệt này được thể hiện trong cuộc tranh cãi về tỉ lệ thuế quan (xuất khẩu) trong giai đoạn 1820-1861. Một mặt, Thượng nghị sĩ Henry Clay và Đảng Whig của ông, đại diện cho giới công nghiệp phía Bắc, cho rằng thuế cao chống lại hàng sợi nhập khẩu từ Anh sẽ giúp bảo vệ “nền công nghiệp non trẻ” ở phía Bắc. Các Đạo luật về thuế trong khoảng thời gian 1828 -1832 ủng hộ quan điểm này, khiến cho miền Nam tức giận.
    Trong khi đó, miền Nam ủng hộ thuế thấp – bởi thuế cao có nghĩa rằng những người miền Nam sẽ phải trả nhiều hơn cho hàng hóa nhập khẩu, có thể bán ít sợi hơn ra nước ngoài (cụ thể tới Anh) đặc biệt sau khi Anh đáp trả bằng cách đánh thuế cao đối với các sản phẩm nông nghiệp nhập từ Mỹ và tìm cách mở rộng nhập khẩu sợi từ Ai Cập và Ấn Độ để thay thế sợi từ Mỹ. Người miền Nam phản kháng dữ dội với đạo luật thuế 1828 đến nỗi Thượng nghị sĩ  John C. Calhoun của bang South Carolina, trong nỗ lực “bãi bỏ” thuế liên bang đã kêu gọi ly khai vào năm 1832.
    Cuộc khủng hoảng Bãi Bỏ này đã khiến đảng Whig trì hoãn chính sách thuế cao trong 10 năm cho đến năm 1842. Song khi giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 1840 và 1842, họ tái thiết lập thuế cao. Tuy nhiên, những người dân chủ (đại diện cho miền Nam) lại chiến thắng vào năm 1844, với việc bầu James K. Polk làm tổng thống. Polk thành công trong việc thông qua Đạo luật Walker Tarif năm 1846 (bằng cách thống nhất miền Nam với miền Tây) để hạ thấp thuế quan. Và Mỹ vẫn giữ chính sách thuế thấp có lợi cho miền Nam này cho đến khi Nội chiến bắt đầu năm 1861.
    Khi khác biệt về kinh tế giữa miền Bắc và miền Nam tăng lên (với miền Tây ngày càng đứng về phía miền Bắc khi thực phẩm của nó được xuất khẩu cho dân số đang tăng lên ở miền Bắc do công nghiệp hóa), làm cho sự thỏa hiệp ngày càng khó đạt được. Đối với miền Nam để duy trì sản xuất sợi phục vụ thương mại, họ cần, trước tiên, tiếp cận với đất chưa khai phá khi đất hiện tại (do việc trồng trọt) trở nên ít màu mỡ hơn, và thứ hai, thuế thấp để mở rộng thị trường cho sợi miền Nam.
    Mặt khác, điều này đi đến xung đột trực tiếp với các lợi ích của miền Bắc, vốn tìm cách bảo vệ nền công nghiệp non trẻ thông qua duy trì thuế tương đối cao. Hơn nữa, khi các khu vực miền Tây sản xuất lương thực trở nên đông dân với các nông dân độc lập, các điền chủ miền Nam, những người “từng chào đón các nông dân miền Tây như liên minh của mình trong việc chống lại giới tài phiệt miền Bắc, đã đi đến xem việc mở rộng của các nông dân độc lập như một mối đe dọa cho việc sở hữu nô lệ và hệ thống riêng của họ”.
    Các chính trị gia miền Nam chống lại các Đạo luật cấp đất cho người di cư năm 1850, bác bỏ trao đất “miễn phí” bởi nó sẽ dẫn đến việc “bãi bỏ chế độ nô lệ” của họ. Trong cuộc bầu cử năm 1860, một liên minh chính trị mới hình thành giữa miền Bắc và miền Tây trong đó giới kinh doanh miền Bắc cam kết hỗ trợ các yêu cầu về đất đai của nông dân (miền Tây) để đổi lấy sự ủng hộ cho các biện pháp bảo hộ thương mại. Chính liên minh này khiến miền Nam phản ứng và là chất xúc tác chính cho Nội chiến Mỹ - kì cùng là xung đột giữa hai hệ thống kinh tế khác nhau, không tương thích với nhau về chế độ nô lệ.
    Những sự phân chia khu vực này đã để lại một dấu vết không thể gột sạch trong sự phát triển của hệ thống chinh trị Mỹ. Tuy nhiên, chính Nội chiến đã đưa đến sự đi lên của ý tưởng nhà nước – dân tộc ở Mỹ. Chắc chắn, những sự khác biệt về kinh tế xã hội, vốn thúc đẩy miền Bắc chống lại miền Nam, vẫn sẽ còn dai dẳng theo thời gian – tuy nhiên, sự hợp nhất về chính trị của nhà nước Mỹ kì cùng là hệ quả trực tiếp của bạo lực (từ sự khác biệt này) và mở đường cho sự củng cố của nền dân chủ Mỹ sau đó.
     (hết phần 4)
    Nguồn: John T. Ishiyama. Comparative Politics
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org