CHẾ ĐỘ VÀ TÍNH CHÍNH DANH

Posted on
  • Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • DÂN CHỦ
    Các thảo luận hiện đại về tính chính danh thường tập trung vào mối quan hệ của nó với dân chủ, đôi khi nhiều đến mức khiến cho tính chính danh (kiểu dân chủ) được chấp nhận rộng rãi là hình thức chính danh thực sự duy nhất.
    Dân chủ được cho là có thể thúc đẩy tính chính danh ít nhất theo ba cách.
    -         Thứ nhất, nó làm vậy thông qua sự đồng thuận. Dù các công dân không thể hiện công khai sự đồng thuận đối với chế độ, qua đó trao cho chính quyền ‘quyền cai trị’ chính thức, song họ làm vậy một cách ngấm ngầm mỗi lần tham gia vào trong tiến trình chính trị. Ở khía cạnh này, dân chủ củng cố tính chính danh thông qua mở rộng cơ hội tham gia của người dân vào tiến trình chính trị, như bầu cử, tham gia vào đảng chính trị, các nhóm lợi ích, hoặc các cuộc biểu tình hay tuần hành. Do đó, tham gia chính trị giúp kết nối chính quyền với người dân, khuyến khích người dân xem các quy tắc của trò chơi chính trị là hợp pháp và vì vậy đi đến tin rằng mình có nghĩa vụ tôn trọng và tuân theo những ai nắm quyền.
    -         Thứ hai, bản chất của quản trị dân chủ là quá trình thỏa hiệp, hòa giải, đối thoại, thông qua đó các nhóm lợi ích đối địch tìm ra cách chung sống với nhau trong hòa bình, hơn là sử dụng bạo lực. Các cơ chế qua đó giúp giải quyết xung đột không thông qua bạo lực, chẳng hạn bầu cử, tranh luận quốc hội, cạnh tranh đảng phái, và vv, giúp mở rộng sự ủng hộ của công chúng khi chúng đảm bảo rằng quyền lực được phân tán rộng rãi, mỗi nhóm có một tiếng nói chính trị dù ở dạng này hay dạng khác.
    -         Thứ ba, dân chủ vận hành như một cơ chế phản hồi, có xu hướng hướng tới ổn định chính trị lâu dài, khi nó liên kết ‘đầu vào’ với ‘đầu ra’. Bởi dân chủ cung cấp một cơ chế thông qua đó chính phủ có thể bị sa thải và chính sách công có thể thay đổi, nên nó giữ cho ‘sự mất cân bằng’ trong hệ thống chính trị ở mức tối thiểu, cho phép cuộc khủng hoảng tính chính danh được quản lý một cách hữu hiệu, cũng như làm suy yếu khả năng cho đình công, nổi loạn hay cách mạng.
    Tuy nhiên, quan niệm về mối liên hệ nội tại giữa tính chính danh và dân chủ có thể bị đặt nghi vấn. Chẳng hạn, một số người cho rằng mức độ ổn định chính trị cao và mức độ thấp của xung đột dân sự và nổi loạn trong các xã hội dân chủ có thể được giải thích thuyết phục bởi các nhân tố khác hơn là dân chủ.
    -         Điều này bao gồm thực tế là, các xã hội dân chủ (với nền kinh tế tư bản phát triển) có xu hướng thịnh vượng và hữu hiệu trong việc phân phối lợi ích chung. Tính chính danh dân chủ do đó có thể ít quan trọng hơn ‘tính chính danh tư bản’.
    -         Một nhân tố khác là trong các xã hội dân chủ đó là tự do. Vì các xã hội tự do mở rộng tự do cá nhân, tự do biểu đạt và huy động xã hội; và đây là những thứ quan trọng, nên có lẽ chúng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì tính chính danh so với cơ chế của dân chủ, tức là mở rộng sự tham gia chính trị của người dân.
    Ngay cả khi dân chủ được coi là cơ chế chính thúc đẩy tính chính danh, thì có lý do để tin rằng sự hữu hiệu của nó trong khía cạnh này có thể đang bị giảm bớt. Chẳng hạn, trong các xã hội dân chủ lâu đời tình trạng bất mãn chính trị cho thấy ngày càng gia tăng. Điều này thể hiện rõ không chỉ ở sự sụt giảm số lượng người đi bầu mà còn ở sự sụt giảm số lượng thành viên của các đảng chính trị dòng chính. Đối với một số người, tình trạng ‘trì trệ này của dân chủ’ là sản phẩm của một xu hướng trong hệ thống dân chủ trong đó các chính trị gia tìm kiếm quyền lực bằng cách hứa hẹn nhiều hơn những gì họ có thể cung cấp, do đó tạo ra một khoảng cách giữa kì vọng và thực tế. Và khi khoảng cách này mở rộng, niềm tin vào các chính trị gia sụt giảm và sự hoài nghi chính trị (có lợi) có xu hướng trở thành thái độ yếm thế (có hại).

    PHI DÂN CHỦ
    Nếu dân chủ được xem là cơ sở thực sự duy nhất của tính chính danh, thì điều này có nghĩa rằng các chế độ phi dân chủ, bởi bản chất của chúng, là không chính danh.
    Tuy nhiên, một số chế độ độc tài vẫn sống sót trong nhiều thập kỉ song không cho thấy sự bất mãn chính trị rộng rãi của người dân. Rõ ràng, điều này có thể được giải thích phần nào là các chế độ này sử dụng bạo lực, đàn áp hơn là sự đồng thuận, vốn là phương tiện chính qua đó người dân được khuyến khích tuân theo chế độ. Trong thực tế, các chế độ phi dân chủ hiếm khi tìm cách cố kết quyền lực của nó thông qua một mình bạo lực. Chúng thường áp dụng cách tiếp cận nước đôi, trong đó kiểm soát chính trị đi song song với yêu sách về tính chính danh. Nhưng, với các chế độ phi dân chủ, thì tính chính danh ở đây là gì.
    Ba hình thức của tính chính danh mà các chế độ phi dân chủ có thể sử dụng.
    -         Thứ nhất, các cuộc bầu cử, dù bầu cử một đảng, đôi khi không có tính cạnh tranh hay ‘gian lận’, được sử dụng để mang lại cho chế độ một bộ mặt dân chủ, giúp không những tạo ra ấn tượng về sự ủng hộ của người dân, mà còn khiến người dân đi đến chấp nhân chế độ (một cách hình thức). Công cụ chính danh này được sử dụng trong các chế độ Phát xít ở Đức và Ý, cũng như trong các nhà nước độc đảng ở Châu Phi và các chế độ cộng sản.
    -         Thứ hai, các chế độ phi dân chủ tìm cách củng cố tính chính danh dựa trên khả năng nâng cao tiêu chuẩn sống, trật tự cộng đồng, cải thiện giáo dục và phúc lợi, và .vv. Như chúng ta thấy, các chế độ cộng sản tập trung vào việc cung cấp các lợi ích kinh tế xã hội cho người dân (để duy trì tính chính danh), chiến lược này được thực hiện ở Trung Quốc thông qua duy trì một mức độ tăng trưởng kinh tế cao.
    -         Thứ ba, tính chính danh về mặt ý thức hệ được sử dụng để, hoặc củng cố quyền cai trị của nhà lãnh đạo, giới quân đội, hoặc đảng phái, hoặc thiết lập các mục tiêu và nguyên tắc rộng hơn mà qua đó mang đến một cảm quan về tính chính danh của chế độ.
    o   Ví dụ về trường hợp trước, thể hiện trong việc mô tả nhà lãnh đạo Abdel Nasser của chế độ quân sự Ai Cập như ‘người tiên phong của cách mạng’ sau cuộc đảo chính năm 1952, hay tuyên bố của Gaddafi về ‘cuộc cách mạng xanh’ sau khi tiến hành tiếm quyền ở Libya năm 1969.
    o   Các ví dụ về trường hợp sau, bao gồm sự nhấn mạnh vào chủ nghĩa Marx – Lenin trong các nước cộng sản hay vào chủ thuyết Wahhabi (tuyệt đối tin theo những gì Kinh Koran dạy) ở Saudi Arabia để củng cố chế độ quân chủ.
    -         Tuy nhiên, khi các chiến lược này thất bại, tất cả tính chính danh biến mất, thì các chế độ phi dân chủ bị buộc phải hoặc sử dụng các phương tiện bạo lực để tiếp tục tồn tại hoặc chúng sẽ sụp đổ khi đối mặt với các cuộc nổi dậy của người dân. Điều này có thể thấy trong cuộc nổi dậy ‘Mùa xuân Ả rập’ năm 2011.
    Nguồn
    -         Andrew Heywood. Politics.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org