Bầu cử và đảng phái trong chế độ độc tài

Posted on
  • Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2018
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:

  • Bầu cử và đảng phái chính trị là các thiết chế tồn tại trong nhiều chế độ độc tài, được coi các công cụ mà thông qua chúng chế độ độc tài có thể tăng cường sự sống còn của mình. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết vai trò của bầu cử và đảng chính trị trong chế độ độc tài.

    A.  BẦU CỬ TRONG CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI
    Dù bầu cử thường gắn liền với dân chủ, song chúng khá phổ biến trong các chế độ độc tài. Khoảng ba phần tư các chế độ độc tài hiện nay tổ chức các cuộc bầu cử, và một nửa trong số đó tổ chức một cách đều đặn. Dù thỉnh thoảng, các cuộc bầu cử trong chế độ độc tài là phương tiện qua đó người dân bầu lên người cai trị, song nhìn chung chúng chủ yếu có chức năng củng cố (sự ổn định của) chế độ.
    1.    Hình thức bầu cử
    Không có gì ngạc nhiên khi gần như tất cả các cuộc bầu cử được tổ chức trong các chế độ độc tài được xem là không cạnh tranh và công bằng theo các tiêu chuẩn quốc tế.
    Một số chế độ độc tài tổ chức các cuộc bầu cử mà kết quả đã hoàn toàn được quyết định trước. Trong các cuộc bầu cử như vậy, các ứng viên của chế độ luôn nhận được gần 100% số phiếu bầu bất kể kết quả bỏ phiếu như thế nào. Chế độ sẽ quyết định ai sẽ xuất hiện trên lá phiếu và ai sẽ thắng cử. Một số ứng viên độc lập (được đảng cho phép) có thể tham gia tranh cử, nhưng chỉ nhằm để cho thấy cuộc bầu cử có tính cạnh tranh và khách quan (hình thức). Và các cuộc bầu cử trong các chế độ Cộng sản minh họa cho dạng này. 
    Tuy nhiên, trong nhiều chế độ độc tài cho phép nhiều ứng viên tham gia cạnh tranh bầu cử, ngay cả ứng viên từ các đảng đối lập, chẳng hạn như các cuộc bầu cử ở Malasia dưới chế độ độc tài đảng thống lĩnh của UMNO (vốn chi phối nền chính trị Malaysia từ năm 1957). Nhìn chung, các ứng viên đối lập có thể cạnh tranh trong các cuộc bầu cử và giành chiến thắng ở một số khu vực bầu cử nhất định.
    2.    Mục đích của bầu cử
    Dù chế độ độc tài có nhiều công cụ để đảm bảo các ứng viên của nó thắng cử, song luôn có khả năng họ thất cử. Và đồng thời các cuộc bầu cử cũng khá đắt đỏ khi chế độ phải chi trả việc tổ chức bầu cử, các chiến dịch vận động bầu cử.v.v...Vậy tại sao các chế độ độc tài lại tổ chức các cuộc bầu cử?
    Dưới đây là một số lý do chế độ độc tài duy trì bầu cử:
    Làm nản lòng cũng như kết nạp phe đối lập
    Một trong những ảnh hưởng của bầu cử trong chế độ độc tài là chúng làm lản lòng phe đối lập thông qua cung cấp bằng chứng về sự ủng hộ của người dân với chế độ. Đồng thời, chiến thắng lớn của chế độ trong các cuộc bầu cử là một lời nhắc nhở cho những người trong giới tinh hoa muốn gia nhập phe đối lập rằng làm như vậy chỉ vô ích.
    Theo Ellen Lust-Okar tổ chức các cuộc bầu cử cho phép chế độ độc tài thiết lập các quy tắc quy định những ai có thể cạnh tranh cử và những ai không. Điều này có thể tạo ra sự chia rẽ trong phe đối lập giữa những người chọn tham gia cạnh tranh trong các cuộc bầu cử và những người lựa chọn tẩy chay bầu cử.
    Bầu cử cũng là công cụ mà chế độ độc tài có thể sử dụng để kết nạp phe đối lập. Việc cho phép phe đối lập có thể tham gia vào các cuộc bầu cử và nắm giữ các vị trí trong chế độ, chế độ hướng năng lượng của phe đối lập vào các vấn đề cụ thể, hơn là để họ đứng ngoài phê phán và tìm cách thay thế nó. Và khi các thành viên đối lập có quyền lợi trong việc duy trì hệ thống hiện tại (bởi vì họ giữ vị trí bên trong nó), thì ít nhất họ sẽ không tìm cách lật đổ nó.
    Quản lý giới chóp bu
    Các cuộc bầu cử cũng cung cấp cho chế độ cơ hội kiểm soát giới chóp bu.
    Trong chế độ độc tài, việc giới chóp bu liên tục cạnh tranh cho các chức vụ, cũng như cơ hội tiếp cận với các lợi lộc mà các chức vụ mang lại, là một nguồn tiềm năng của sự xung đột nội bộ. Các cuộc bầu giúp giảm bớt sự xung đột này qua việc cung cấp sân chơi thể chế mà giới chóp bu (và các quan chức cấp thấp) có thể cạnh tranh quyền lực.
    Các cuộc bầu cử cũng buộc giới chó bu huy động cử tri và cạnh tranh cho sự trung thành của họ. Với cách hiểu như vậy, bầu cử tăng cường quan hệ giữa giới chóp bu và đại chúng. Giới chóp bu phải làm cho các chiến dịch của họ phù hợp với mong muốn của những người ủng hộ họ, qua đó duy trì mối liên kết giữa chế độ và đại chúng.
    Cuối cùng, các cuộc bầu cử cho phép chế độ giám sát lòng trung thành của giới chóp bu và các quan chức cấp thấp. Chúng cung cấp cho chế độ thông tin cá nhân nào là trung thành nhất, qua đó trao cho cá nhân này những quyền lợi gắn liền với sự sống còn của chế độ. Vì vậy, chúng đảm bảo rằng những thành viên có khả năng, được ưu thích, và trung thành nhất của chế độ được ưu ái.
    Củng cố tính chính danh của chế độ
    Một mục đích khác của bầu cử là tăng cường tính chính danh của chế độ. Các cuộc bầu cử thường được sử dụng trong chế độ độc tài để cho thấy chế độ không phải là độc tài, mà là dân chủ. Ở Mexico, dưới thời đảng PRI, đảng sử dụng bầu cử để cho thấy rằng chế độ được bầu lên chính danh, và không mang tiếng là chế độ độc đảng.
    Dĩ nhiên, trong một số trường hợp, các cuộc bầu cử bị chế độ kiểm soát chặt trẽ và gian lận đến mức chúng không mang đến tính chính danh cho chế độ. Chẳng hạn, như ở Syria, các cuộc bầu cử được tổ chức, nhưng không ai tin vào chúng.
    Giành được sự viện trợ/hỗ trợ của nước ngoài
    Các cuộc bầu cử cũng được chế độ sử dụng để làm hài lòng các nhà tài trợ nước ngoài. Chúng là phương tiện mà qua đó chế độ độc tài có thể tuyên bố rằng tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra, từ đó cải thiện sự tín nhiệm của các nhà tài trợ. Với các cuộc bầu cử đều đặn, các nhà tài trợ sẽ đồng ý cung cấp viện trợ cho chế độ, thứ mà trong nhiều trường hợp cần thiết cho chế độ duy trì mạng lưới bảo trợ rộng lớn của nó. Do đó, các cuộc bầu cử cung cấp cho chế độ độc tài phương tiện dễ dàng trong việc làm hài lòng các đối tác quốc tế mà không phải trải qua một cuộc chuyển đổi dân chủ thực sự.
    Đạt được thông tin về sức mạnh của phe đối lập
    Các cuộc bầu cử cũng giúp cung cấp cho chế độ thông tin về sự ủng hộ của người dân và sự mạnh của phe đối lập. Chúng khiến cho chế độ dễ dàng xác định ai là người ủng hộ chế độ và ai không. Ví dụ, trong trường hợp của PRI ở Mexico, các cuộc bầu cử được sử dụng để biết sự phân bố của cử tri ủng hộ phe đối lập, và đâu là thành trì của nó. Qua đó chế độ có thể cắt nguồn lực cho các khu vực này và chuyển đến các khu vực tranh giành ảnh hưởng giữa chế độ và đối lập, để giành lấy những lá phiếu quyết định đảm bảo chiến thắng. Các cuộc bầu cử cung cấp cho chế độ cơ hội đo sự ủng hộ cho mình và xác định bộ phận nào trong công chúng ủng hộ mạnh nhất.
    3.    Chiến thắng bầu cử
    Các chế độ tài có nhiều công cụ để đảm bảo các ứng viên của chế độ có thể chiến thắng. Dưới đây là một số công cụ mà họ sử dụng:
    Gian lận bầu cử
    Cách phổ biến nhất mà chế độ độc tài sử dụng để đảm bảo cho ứng viên của mình thắng cử là gian lận bầu cử. Gian lận bầu cử bao gồm làm giả phiếu, mua bán phiếu, đe dọa cử tri ở điểm bỏ phiếu...Mức độ gian lận bầu cử thay đổi theo chế độ cũng như theo cuộc bầu cử.
    Một số chế độ (hay ứng viên chế độ) được nhiều người dân ủng hộ, nên nhu cầu gian lận ít đi. Chẳng hạn, dù phe đối lập được tham gia cạnh tranh với đảng cầm quyền PAP ở Singapore, song người dân thực sự muốn “đảng này tiếp tục cầm quyền”. Người lãnh đạo PAP, Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng Singapore trong 31 năm, luôn giành được sự ủng hộ cao của công chúng.
    Đe dọa
    Các chế độ độc tài sử dụng biện pháp đe dọa để đảm bảo chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Mục điêu đe dọa là các ứng viên đối lập và các cử tri ủng hộ họ. Đe dọa bao gồm theo dõi, đưa vào danh sách đen, không cho tìm được việc làm, hay sử dụng các biện pháp khác như cho cơ quan nhà nước điều tra, truy tố đối thủ.
    Chiếm ưu thế trong các chiến dịch vận động tranh cử
    Các chế độ độc tài có vô số thuận lợi trong các chiến dịch tranh cử. Họ có thể đổ nguồn lực lớn của nhà nước (do họ kiểm soát) vào các chiến dịch, độc quyền các cơ quan truyền thông với các chiến dịch quảng cáo cho các ứng viên chế độ, và ngăn ngăn các ứng viên đối lập làm như vậy. Các chiến dịch với ngân quỹ đầy đủ, cùng với việc phổ biến tràn ngập các thông điệp ủng hộ chế độ trên truyền thông, mang lại lợi thế cho chế độ trong cuộc bầu cử.
    Thao túng luật bầu cử
    Các chế độ độc tài có thể thay đổi hệ thống bầu cử sao cho có lợi cho nó. Chẳng hạn nó có thể quy định một số lượng ghế nào đó sẽ được dành cho chế độ chỉ định. Ví dụ, ở Hàn Quốc thời Park Chung Hee, một phần ba số ghế do Park chỉ định. Ở Mexico PRI, gian lận bằng cách chia khu vực bầu cử sao cho ngay cả khi đảng này chỉ giành được một phần ba số phiếu phổ thông song vẫn duy trì được đa số ghế trong quốc hội.
    Thao túng kinh tế
    Một biện pháp khác đảm bảo chế độ thắng cử là thao túng kinh tế. Chiến lược này được sử dụng hữu hiệu ở Ai Cập, khiến cho cử tri tin rằng chế độ mang lại cho họ thịnh vượng kinh tế. Các biện pháp thao túng kinh tế như thay đổi tỉ giá trước bầu cử khiến cho các sản phẩm trong nước rẻ hơn, hay trợ cấp các sản sản phẩm tiêu dùng thiết yếu nào đó (như bánh mì, nhiên liệu) cho cử tri.
    Mua phiếu
    Một biện pháp nữa mà các chế độ độc tài sử dụng là mua phiếu. Điều này được thực hiện ở Đài Loan, dưới thời Quốc Dân Đảng (KMT), Mexico dưới thời PRI, hay ở Philippines dưới thời Marcos. Trong trường hợp Đài Loan, phong bì đỏ chứa tiền được mang đến trước cử nhà cử tri để khuyến khích họ đi bỏ phiếu cho ứng viên KMT. Biện pháp này đặc biệt hữu hiệu với các cử tri nghèo.

    B.   ĐẢNG CHÍNH TRỊ
    Dù một số chế độ độc tài cấm các đảng chính trị, song nhìn chung chúng khá phổ biến trong chế độ độc tài, nhất là trong các chế độ độc tài bầu cử. Sự khác biệt giữa các chế độ độc tài nằm ở vai trò của các đảng này. Trong chế độ độc đảng, đảng kiểm soát chính sách, trong khi trong một số chế độ khác đảng có ít quyền lực hơn.
    Giống như bầu cử, đảng giúp tăng cường tính bền vững của chế độ. Như Geddes chỉ ra, các chế độ nào dựa vào đảng thì có tuổi thọ nhiều hơn ít nhất hai lần các chế độ không dựa vào đảng. Dưới đây là một số lợi ích của đảng chính trị
    Thu nạp giới tinh hoa
    Một trong các mục đích của đảng chính trị là cung cấp phương tiên qua đó các chế độ độc tài có thể thu nạp giới tinh hoa trong xã hội. Các đảng chính trị trong chế độ độc tài trao cho các cá nhân (có năng lực) cơ hội tham gia vào trong hệ thống chính trị hơn là để họ trở thành đối kháng (khi đảng phái bị cấm hay đàn áp).
    Giản bớt rủi ro đảo chính
    Các đảng chính trị của có thể làm hạ thấp nguy cơ đảo chính trong chế độ độc tài. Như Gebbes chỉ ra: các đảng đại chúng có khả năng huy động quần chúng xuống đường nhân danh cách mạng, quốc gia ... qua đó bảo vệ các nhà lãnh đạo độc tài khỏi các cuộc đảo chính do phe cánh quân sự bất mãn tiến hành. Bởi các phe cánh trong quân đội ít có khả năng đảo chính khi họ tin rằng nó không được công chúng ủng hộ.
    Quản lý xung đột trong giới chóp bu
    Giống như các cuộc bầu cử, các đảng chính trị cũng là công cụ quản lý xung đột trong giới chóp bu. Khi bất đồng trong giới chóp bủ nổi lên, các đảng chính trị là thiết chế điều tiết sự xung đột này. Chế độ có thể sử dụng đảng như phương tiện cho sự phân phối quyền lợi để đảm bảo sự hài lòng của giới chóp bu. Các lợi ích như vậy khiến giới chóp bu muốn duy trì hiện trạng, ngay cả khi xảy ra xung đột phe cánh.
    Ngoài ra, kế nhiệm (chuyển giao quyền lực) là một vấn đề cực kì quan trọng trong chế độ độc tài, và có thể gây mất ổn định nghiêm trọng với chế độ, khi xung đột kế nhiệm giữa các phe cánh có thể nổ ra thành bạo lực, thậm chí nội chiến. Song nếu đảng được tổ chức tốt có thể cung cấp hướng dẫn được thể chế hóa về việc ai sẽ trở thành lãnh đạo kế tiếp, qua đó khiến cho vấn đề chuyển giao quyền lực êm thuận.
    Chiến thắng bầu cử
    Các đảng chính trị cũng giúp chế độ độc tài chiến thắng các cuộc bầu cử. Dù một chế chế độ độc tài có thể tổ chức bầu cử mà không có các đảng chính trị (do bị cấm), song liên minh với một đảng chính trị là cách hữu hiệu để chế độ có thể huy động cử tri ủng hộ chế độ.
    Điều này có thể đạt được thông qua mạng lưới người hỗ trợ, thực hiện các chiến dịch vận động, các cuộc mít tinh công cộng...Ngoài ra, theo Jason Brownlee đảng cũng giúp chế độ thực hiện gian lận bầu cử. Các hoạt động gian lận như làm giả phiếu, gian lận phiếu  đòi hỏi sự ‘phối hợp và kỉ luật’, điều mà các tổ chức đại chúng như đảng chính trị có thể cung cấp.
    Nguồn tài liệu
    -         Natasha M. Ezrow, Erica Frantz. Dictators and Dictatorships: Understanding Authoritarian Regimes and Their Leaders
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org