Bế tắc của bà Suu Kyi trước vấn đề người Rohingya

Posted on
  • Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Biên dịch: Nguyễn Thị Thu Hiền
    Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
    Khủng hoảng ở Myanmar đang tiếp diễn. Quân đội nước này tiến hành các cuộc tấn công vào Cộng đồng Rohingya, một nhóm sắc tộc thiểu số trong lòng một quốc gia có đa số người dân theo Phật giáo. Xung đột ngày một leo thang không chỉ gây nguy hại đến quá trình chuyển tiếp dân chủ đang diễn ra ở quốc gia này, mà còn làm lu mờ uy tín của nhà lãnh đạo thực tế tại đây, bà Aung San Suu Kyi.
    Trong nhiều thập niên qua, chính phủ Myanmar đã từ chối công nhận tư cách dân tộc thiểu số hợp pháp cho Cộng đồng Rohingya- một nhóm sắc tộc với số nhân khẩu chiếm đến 2% tổng dân số của đất nước 50 triệu dân này, đồng nghĩa với việc tư cách công dân và thậm chí là những quyền cơ bản nhất như quyền cư trú của họ cũng bị phủ nhận.
    Dù vậy, phải cho đến tháng trước người ta mới chứng kiến một cuộc “thanh lọc sắc tộc” được phát triển từ một quá trình phân biệt đối xử có hệ thống, khi mà các lực lượng an ninh tiến hành nhiều đợt càn quét vào toàn bộ cộng đồng người Rohingya. Hành động này là để đáp trả lại nhiều cuộc tấn công do lực lượng dân quân Rohingya tiến hành nhằm vào các trụ sở cảnh sát và doanh trại quân đội trước đó.
    Cho đến nay, Myanmar mới xác nhận có 400 người chết, trong khi Liên Hợp Quốc lại đưa ra con số thống kê chạm ngưỡng 1.000 người. Hơn nữa, hơn 300.000 người Rohingya đã vượt biên đến nước láng giềng Bangladesh. Hàng ngàn người khác còn đang chờ ở khu vực biên giới để đợi được cho phép nhập cảnh.
    Việc quản lý dòng người Rohingya kéo vào Bangladesh là một thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền nước này, trong bối cảnh đất nước đang đối phó với những đợt lũ lụt theo mùa. Nhiều trại tị nạn tạm thời đã quá tải, thiếu các nguồn lực căn bản, và dễ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa tự nhiên. Thực tế, nhiều trại đã bị lốc xoáy cuốn đi. Các quốc gia lân cận, bao gồm Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia, đều nhận thấy tác động từ tình cảnh tuyệt vọng của người Rohingya.
    Tuy vậy, chẳng những không có động thái nào để ngăn chặn thảm họa nhân đạo trên, chính quyền của bà Suu Kyi còn “đổ thêm dầu vào lửa”. Dù bà Suu Kyi không nắm quyền kiểm soát quân đội – lực lượng đang chỉ đạo các cuộc trấn áp mang tính tàn sát – nhưng chính quyền của bà cũng ngăn các cơ quan của Liên Hợp Quốc tiếp tế các nguồn cứu trợ khẩn cấp. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã bị buộc phải ngừng hoạt động ở các khu vực bị ảnh hưởng.
    Tình hình này thể hiện sự thay đổi đầy bi kịch của bà Suu Kyi, nữ chính khách trước đó đã giành giải Nobel Hòa bình nhờ vai trò của bà trong cuộc đấu tranh vì dân chủ của Myanmar. Việc Liên minh Quốc gia vì Dân chủ giành được quyền lực hồi năm 2015 đã đánh dấu sự kết thúc nền cai trị của quân đội trong suốt 50 năm ở một nước từng được biết đến với tên gọi Burma (Miến Điện). Điều này tưởng như là dấu hiệu về một thời kỳ mới nơi quyền con người của mọi người dân trên đất nước này sẽ được tôn trọng và bảo vệ.
    Trong bối cảnh bạo lực chống lại Cộng đồng Rohingya tiếp diễn, niềm tin vào quá trình chuyển tiếp từ chế độ độc tài quân sự sang dân chủ đã nhanh chóng bị hao mòn. Với việc nắm đến 25% số ghế trong Quốc hội, Quân đội đã ngăn cản việc bà Suu Kyi trở thành Tổng thống, và cùng với các nhà dân tộc chủ nghĩa, đã hạn chế thẩm quyền của bà. Còn hiện tại, Quân đội đang chủ động bức hại và thậm chí thủ tiêu nhiều thành viên của một trong những nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số lớn nhất, điều mà ông Zeid Ra’ad al-Hunsen, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Quyền con người đã lên án là “một ví dụ điển hình về thanh lọc sắc tộc”, tất cả vì nguyên nhân chính trị.
    Chủ nghĩa dân tộc Phật giáo gần đây đã cuốn hút được thêm nhiều người Miến Điện, tiếp thêm hận thù và châm ngòi bạo lực chống lại cộng đồng người Hồi giáo Rohingya. Bằng cách tấn công vào Cộng động Rohingya, quân đội đã giành được sự ủng hộ của giới tăng lữ Phật giáo, một lực lượng vẫn duy trì sức ảnh hưởng của mình ở Myanmar và từ đó có khả năng thách thức thẩm quyền của quân đội.
    Về phần bà Suu Kyi, hiện bà đang đứng giữa các lựa chọn khó khăn. Nếu bà đứng về phía cộng đồng Rohingya, bà sẽ đối mặt với phản ứng dữ dội từ Quân đội và phần lớn cử tri. Tuy vậy, bằng việc giữ thái độ im lặng, bà sẽ còn hủy hoại hơn nữa thẩm quyền đạo đức của mình – điều mang lại cho bà khả năng hạ bệ các tướng lĩnh Myanmar và đưa đất nước bước vào tiến trình dân chủ.
    Bà Suu Kyi thực tế đã bổ nhiệm một Ủy ban do cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đứng đầu để tìm ra phương thức giải quyết sự chia rẽ giữa cộng đồng Rohingya và Cộng đồng Phật giáo ở Bang Rakhine nơi phần lớn người Rohingya sinh sống. Nhưng mục tiêu của bà dường như chỉ nhằm “câu giờ”, cho dù có thể bà cũng mong ông Annan sẽ tìm ra được một phương thức để giải quyết thế lưỡng nan của mình.
    Hẳn nhiên điều này là bất khả. Thay vào đó, Ủy ban này đã kêu gọi chính phủ bà Suu Kyi thiết lập ngay lập tức một chiến lược rõ ràng, minh bạch và hiệu quả cũng như một lịch trình hướng tới quá trình xác minh quyền công dân. Ủy  ban đồng thời nhấn mạnh nhu cầu “cho phép tiếp cận nhân đạo một cách đầy đủ và không bị cản trở tới các vùng gần đây bị ảnh hưởng bởi bạo lực”.
    Quân đội Myanmar đã làm rõ lập trường của mình đối với những khuyến nghị này ngay sau khi báo cáo được đưa ra: họ đã nổ súng vào thường dân Rohingya ở khu vực bắc Rakhine, khiến cho 100 người chết. Cuộc thảm sát này bề ngoài được tiến hành nhằm mục đích đáp trả lại cuộc tấn công do lực lượng phiến quân Rohingya gây ra, khiến 12 nhân viên an ninh thiệt mạng. Tuy vậy, alHussein cũng cho rằng hành động của quân đội là “rõ ràng là có quy mô quá lớn” (so với những tổn hại do phiến quân gây ra).
    Điều Myanmar cần bây giờ là một tiến trình hòa bình thực thụ trong đó công nhận các nhóm sắc tộc và tôn giáo trong cuộc khủng hoảng của người Rohingya. Và tiến trình ấy nên được dẫn dắt bởi bà Suu Kyi – người đã được ngợi ca là “một hình mẫu xuất chúng về quyền lực của những người không có quyền” bởi Ủy ban Nobel hồi năm 1991. Phải thừa nhận là quyền lực của bà còn hạn chế khi bà không nắm quyền điều hành quân đội, nhưng thẩm quyền đạo đức mà bà có được, thứ từng đủ mạnh để giúp bà khuất phục giới quân sự, vẫn chưa hoàn toàn bị suy giảm.
    Để sử dụng thẩm quyền đó một cách hiệu quả, bà Suu Ki phải sẵn lòng chịu rủi ro chính trị. Chắc chắn, bất chấp tính chất phức tạp của trật tự chính trị nước bà, không một tình trạng bế tắc nào có thể loại bỏ một nghị trình với mục đích tạo ra bước tiến trong việc đạt được hòa bình. Nhưng tiến trình hòa bình sẽ buộc bà Suu Kyi phải đối đầu với các tướng lĩnh quân đội – tương tự điều bà từng thực hiện ngày trước, qua đó nhắc nhở họ về những lợi ích khổng lồ mà họ đã đạt được từ quá trình chuyển tiếp chính trị và thuyết phục họ rằng việc đe dọa tiến trình dân chủ hóa sẽ không mang lại lợi ích cho họ.
    Bà từng phát biểu trong diễn văn nhận giải Nobel Hòa bình năm 2012 rằng “bị lãng quên chính là đang chết dần chết mòn”. Bà không được để Cộng đồng Rohingya bị ruồng bỏ và lãng quên. Nhiệm vụ của bà phải là trao quyền cho những người yếu thế và mang lại hòa bình cho Myanmar.
    Syed Munir Khasru là Chủ tịch của Viện Nghiên cứu Chính sách, Vận động Chính sách và Quản trị (Institute for Policy, Advocacy and Governance), một viện nghiên cứu chính sách quốc tế.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org