Đối lập ở Belarus: Trong cái bẫy của Lukashenko

Posted on
  • Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Benjamin Bidder
    Phan Ba dịch
    Nhà cai trị dài hạn Lukashenko của Belarus để cho bầu cử. Thế nhưng con số ít ỏi của các nhà dân chủ không có cơ hội và đang cân nhắc để tẩy chay bầu cử, vì họ không muốn còn tặng cho ông ấy cả sự hợp thức hóa nữa. Không thể chờ đợi sự giúp đỡ nào từ bên ngoài – Liên minh châu Âu đã quay lưng lại với đất nước này từ lâu.

    Những người phụ nữ và đàn ông, những người muốn lật đổ nhà độc tài cuối cùng của châu Âu, đi dò dẫm trên chân mang tất trong một căn hộ ở Minsk. Những nhà dân chủ tan tác của Belarus đã tụ họp lại trong trung tâm của thủ đô, nơi đường phố vẫn còn mang tên của Lênin và của Karl Marx, những người hùng của Chủ nghĩa Cộng sản. Có hai người cảnh sát vừa mới còn đứng trên thảm ở hành lang tiền sảnh. Họ ghi lại tên họ của những người đang có mặt trước khi tiếp tục đi. “Họ cũng có thể bắt giam chúng tôi, không biết được đâu”, Vladimir Nekljajev nói.
    Tháng 12 năm 2010, trong lần bầu cử tổng thống, nhà văn này đã ra tranh cử với người đứng đầu nhà nước Alexander Lukashenko. Nhưng lãnh tụ quốc gia đã để cho người ta bầu chọn mình là người thắng cử với được cho là gần 80% số phiếu. Khi Nekljajev và những người của ông ấy muốn biểu tình chống kết quả bầu cử gian lận, côn đồ đã chận ông ấy lại trên đường phố. Người của mật vụ KGB đã đánh đập ông ấy. Nekljajev bất tỉnh và phải vào tù 40 ngày.
    Nhưng việc đấy đã không thể bẻ gãy được tinh thần đấu tranh của ông ấy. Vào mùa Thu, Lukashenko muốn để cho bầu một Quốc Hội mới, vì thế mà Nekljajev đã tập họp những người cùng chí hướng lại để thảo luận về chiến lược của mình. Nekljajev muốn tẩy chay cuộc bầu cử, vì trước sau gì thì chính quyền cũng không cho giới đối lập được cơ hội nào. Phong trào “Hãy Nói Sự Thật” của Nekljajev không bắt buộc phải là chiếc lá của cây vả mà Lukashenko sẽ dùng nó để mang lại cho lần bầu cử một vẻ ngoài của sự hợp thức hóa.
    Những hộp giấy đựng pizza được chuyền tay nhau, trong lúc đấy, một người đàn ông đẫy đà cất tiếng nói. Nhà chính trị học Alexander Feduta biết rõ chính quyền Lukashenko hoạt động ra sao: chính ông ấy đã giúp nó nắm lấy quyền lực. Năm 1994, Feduta làm việc trong ban bầu cử của Lukashenko, năm 1995 trong ban hành chính của Tổng Thống, trước khi ông ấy đoạn tuyệt với người đứng đầu nhà nước.
    Feduta cho rằng ý tưởng tẩy chay là ngu ngốc. “Nếu chúng ta bước ra tranh cử thì sẽ có khả năng truyền đạt cho người dân quan điểm của chúng ta”, Feduta nói, “mà không phải bị vào tù ngay lập tức.”

    Về kinh tế, đất nước này đã là một nhà nước thất bại
     Minsk nằm cách Berlin chưa đến nghìn kilômét ở phía Đông và vì vậy mà về mặt địa lý hầu như không cách xa thủ đô của nước Đức hơn là London. Thế nhưng về mặt chính trị, có nhiều thế giới ngăn cách Belarus với châu Âu. Hai thập niên sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, có một đất nước ở ngay giữa châu lục dường như đã rơi ra khỏi thời gian. Một ngôi sao đỏ trang điểm cho biểu tượng quốc gia của Belarus như dưới thời của Chủ nghĩa Cộng sản, Thượng Viện của Quốc Hội có tên là Xô Viết và Tổng Thống là Lukashenko từ năm 1994. Ông giám đốc thời trước của một nông trường Xô Viết bây giờ cầm quyền ở Minsk lâu như Leonid Breshnev ở Moscow.
    Lần tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Belarus độc lập trong tháng 8 năm 1991 đã cách đây hơn 20 năm. Nhưng về kinh tế, đất nước này ngày càng giống như một failed state: cả trong năm cai trị thứ 18 của ông ấy, Lukashenko cũng không thể xây dựng một nền kinh tế quốc dân có thể tự cung cấp được cho đất nước. Nước Nga đã cung cấp nguyên liệu rẻ tiền nhiều năm liền. Từ khi Moscow nâng giá lên, đất nước này đã sống qua ngày nhờ vào những khoảng tiền được bơm cho: lần thì điện Kreml đưa cho một vài tỉ euro, lần thì Iran với 400 triệu, lần thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Chính sách kinh tế sai lầm của Lukashenko đã dẫn đất nước này đến rìa của sự phá sản: năm 2010, ông ấy tăng mạnh tiền hưu và lương để đảm bảo cho lần tái đắc cử. Nhiều người dân Belarus chẳng được gì từ đấy: năm 2011, lạm phát đã tăng nhiều hơn lần tăng lương.
    Đồng ruble của Belarus mất giá thê thảm. Giá cả tăng 109%. Để so sánh: trong nước Đức chỉ là 2,3%.

    Moscow lợi dụng các vấn đề của người láng giềng
    Vì thế mà Ngân hàng Trung ương Belarus vừa mới phát hành tờ tiền mới có mệnh giá 200.000 ruble, vào khoảng 20 euro. Nửa mỉa mai, nửa cay đắng, tờ báo “Komsomolskaja Pravda” ở Minsk đăng tải những bài tường thuật ăn thử các món ăn ngon mà hầu như không có một người Belarus nào có thể chi trả nổi, và chạy tít: “Chúng ta đã trở thành những người ăn xúc xích giá triệu ruble.” Nếu như bây giờ có bầu cử tự do, Lukashenko chỉ đạt được 24,9% theo thăm dò.
    Trong lúc đấy, Nga lợi dụng những khó khăn của láng giềng để trói chặt Minsk vào mình hơn nữa. Tập đoàn nhà nước Gazprom đã mua mạng lưới đường ống dẫn của Belarus với giá 2,5 tỉ dollar vào đầu năm nay. Ở cạnh biên giới với Lithuania, Moscow dự định sẽ xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Belarus, được chi trả bởi các ngân hàng Nga.
    Minsk cũng muốn vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế thêm lần nữa. Nhưng sau lần đàn áp tàn bạo giới đối lập, Phương Tây đã quay lưng lại với Belarus. Liên minh châu Âu yêu cầu trả tự do cho các tù nhân chính trị cũng như cho nhà đối lập Andrej Sannikov, nhưng ngoài ra thì đang tự bận bịu với chính mình trong cuộc khủng hoảng nợ công.
    Ảnh hưởng đang tăng lên của Nga đứng tương phản với một sự biến đổi trong quần chúng. Nhiều năm nay, đa số người Belarus đã mong muốn có một sự thống nhất với nước Nga, thế nhưng con số này ngày càng giảm dần. Nếu năm 2003 còn có 57,5% ủng hộ một liên hiệp với nước láng giềng to lớn thì trong tháng 12 chỉ còn có 29%.
    Nhưng giới đối lập thì lại hầu như không hưởng lợi được gì từ hoàn cảnh phức tạp của Belarus: tổng cộng lại, tất cả các ứng cử viên của họ chỉ chiếm được 22%. Chỉ có 6% là muốn bỏ phiếu cho nhà văn Nekljajev. Lukashenko áp đảo quá nhiều trên truyền hình, sự phẫn uất trong giới quần chúng phần lớn là nghèo của Belarus đối với giới trí thức còn quá lớn. Thu nhập trung bình trong năm vừa rồi đã giảm từ 500 xuống còn 300 dollar.
     “Có lẽ Belarus quá nghèo để có thể là dân chủ”, Feduta nói. Ông ấy ngồi trên một chiếc ghế bành trong một căn hộ nhỏ ở Minsk, nơi là trụ sở chính của Nekljajev. Phong trào “Hãy Nói Sự Thật” của ông ấy đang cố gắng để sống còn. “Chúng ta phải sử dụng lần tranh cử, ngay cả khi những cố gắng của chúng ta không được thể hiện qua kết quả vào ngày bầu cử”, Feduta nói.
    Những người cùng chí hướng với Nekjajev thỏa thuận một chiến lược cho lần bầu cử Quốc Hội: ứng cử viên của họ cần phải ra tranh cử. Nhưng những người ủng hộ biện pháp tẩy chay cũng thành công trong việc đưa ra một tối hậu thư cho Lukashenko: nếu như đến tháng 3 mà ông ấy không trả tự do cho các tù nhân chính trị như Sannikov thì người của Nekljajev sẽ lại rút lui ra khỏi cuộc bầu cử. “Nếu như Lushenko có trả tự do cho Sannikov đi nữa”, Feduta lầu bầu nói, “thì cũng chỉ hai ngày trước khi tối hậu thư của chúng tôi hết hạn.”
    Đó là một thỏa hiệp, nhưng không phải là giải pháp. Sasha, một nhà báo, người đã có tiền án vì tham gia những cuộc biểu tình chống Lukashenkom, nghiên nghiên đầu: “Trong đất nước này thì không thể có con đường toàn hảo được”.
    Nguồn:https://phanba.wordpress.com/2012/02/20/d%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-%E1%BB%9F-belarus-trong-cai-b%E1%BA%ABy-c%E1%BB%A7a-lukashenko/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org