Dân chủ là gì?

Posted on
  • Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Minh Anh
    Dân chủ là gì?
    Đây là một chủ đề đã được nói nhiều, tuy nhiên nội dung thường không được thống nhất, khiến cho nhiều độc giả cảm thấy bối rối, và tự hỏi vậy rút cuộc dân chủ là gì? Có hai tiêu chí cơ bản để phân biệt một chế độ dân chủ với một chế độ phi dân chủ:
    1)   Phải có bầu cử cạnh tranh, tự do, công bằng giữa các đảng phái trong việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước;
    2)   và Đa số người dân tham gia vào quá trình bầu cử với tư cách bình đẳng.
    Nếu chế độ nào thỏa mãn cả hai thì được gọi là dân chủ, chẳng hạn như các nước Tây Âu, Bắc Mỹ hiện nay. Ngược lại, nếu chế độ nào không thỏa mãn một trong hai tiêu chí hoặc cả hai tiêu chí thì không thể gọi là dân chủ.
    Ví dụ 1, Liên Xô trước đây không thể gọi là dân chủ vì, dù thỏa mãn tiêu chí 2, tức là đa số người dân tham gia vào quá trình bầu cử với tư cách bình đẳng, song họ không thỏa mãn tiêu chí 1, vì chỉ có một đảng.
    Ví dụ 2, Các nước như Singapore, Campuchia, Malaysia … không thể gọi là dân chủ vì, dù thỏa mãn tiêu chí 2, song cũng không thỏa mãn tiêu chí 1, vì dù có đa đảng tham gia bầu cử lựa chọn lãnh đạo, song các cuộc bầu cử này không cạnh tranh, tự do, và công bằng. Trong các nước này đảng chi phối sử dụng các công cụ thể chế để thao túng bầu cử và duy trì sự cai trị của mình.
    Ví dụ 3, Các nước như Tây Âu, Mỹ trước thế kỉ 20, hay Nam Phi trước khi bỏ chế độ phân biệt chúng tộc không thể gọi là dân chủ, vì dù thỏa mãn tiêu chí 1, tức có bầu cử cạnh tranh, tự do, công bằng giữa các đảng phái trong việc lựa chọn người lãnh đạo đất nước, song không thỏa mãn tiêu chí 2, vì chỉ có một phần nhỏ dân số tham gia bầu cử. Chỉ đến sau này khi các điều kiện bầu cử được dỡ bỏ, quyền bầu cử cho cả nam và nữa, hoặc các nhóm sắc tộc khác thì mới được coi là dân chủ.
    Ví dụ 4, Các chế độ quân chủ như ở Ả rập, hoặc cai trị của quân sự như ở Nam Mỹ trước đây thì không thỏa mãn cả hai tiêu chí trên, nên không coi là dân chủ.

    Dân chủ bầu cử, dân chủ tự do, dân chủ độc tài, và dân chủ phi tự do?
    Các chế độ thỏa mãn hai tiêu chí trên được gọi là dân chủ, nhưng chỉ là dân chủ bầu cử. Hiện nay khi nói đến dân chủ, thường người ta nghĩ đến dân chủ tự do. Vậy dân chủ tự do là gì. Dân chủ tự do là sự kết hợp của hai thành tố dân chủ và tự do, với dân chủ hiểu theo nghĩa vừa nêu, còn tự do ở đây là các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do, như chính quyền giới hạn, bảo vệ các quyền và tự do của người dân.
    Trong lịch sử Phương tây, chủ nghĩa tự do ra đời trước dân chủ, các nguyên tắc của nó được thiết lập ở Anh sau Cách mạng Vinh quang, hay ở Mỹ sau cách Mạng Mỹ. Chế độ Anh, Mỹ lúc này được gọi là các nền cộng hòa, tức mục đích là bảo vệ các quyền và tự do của “người dân”, chứ không phải dân chủ. Chỉ sau nay khi quyền bầu cử được mở rộng, thì mới chuyển thành nền dân chủ. Và do kết hợp cả hai thành tố trên, nên được gọi là dân chủ tự do. Ngày nay các nước Bắc Mỹ và Tây Âu được gọi là các nền dân chủ tự do.
    Tuy nhiên dân chủ có phải luôn đi cùng với tự do. Chắc chăn là không. Do bản chất nguyên tắc của dân chủ là quyền lực tối cao thuộc về đa số, củng cố ý chí của đa số tức là tuân theo dân chủ, do đó trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến vi phạm các quyền của thiểu số, và các chế độ tuân theo nguyên tắc như thế được coi là dân chủ độc tài. Các chế độ dân chủ độc tài như Athen cổ đại, hay nhà nước Pháp thời Cách mạng Pháp.
    Bên cạnh đó có nhiều chế độ ngày nay là dân chủ, tức thỏa mãn hai tiêu chí ở trên, rồi cũng tổ chức bộ máy theo kiểu tam quyền phân lập….song chính quyền vẫn thường xuyên vi phạm các quyền tự do của người dân, hay bảo vệ tự do một cách hạn chế, các chế độ như vậy thường được gọi là chế độ dân chủ phi tự do, hoặc tự do hạn chế. Một số chế độ ở Trung Âu, như Hungary hiện nay có thể coi là dân chủ phi tự do.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org