Nền dân chủ Mỹ đang trở thành nền dân chủ phi tự do

Posted on
  • Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Fareed Zakaria
    Minh Minh dịch
    Hai thập kỷ trước, tôi đã viết một bài luận trên tờ Foreign Affairs để mô tả một xu hướng bất thường và đáng lo ngại: đó là sự nổi lên của các nền dân chủ phi tự do. Trên thế giới, các nhà độc tài đã bị lật đổ và cuộc bầu cử ngày càng phổ biến. Nhưng ở nhiều nơi mà các cuộc bầu cử được tổ chức, nguyên tắc pháp quyền, sự tôn trọng quyền của thiểu số, tự do báo chí và các giá trị tương tự khác đã bị bỏ qua hoặc bị lạm dụng. Hôm nay, tôi lo lắng rằng chúng ta có thể đang chứng kiến sự nổi lên của nền dân chủ phi tự do tại Hoa Kỳ - một thứ mà sẽ làm bận tâm bất cứ ai, dù Cộng hòa hay Dân chủ, hay những người ủng hộ lẫn phê phán Donald Trump.
    Những gì mà chúng ta nghĩ về dân chủ trong thế giới hiện đại thực sự là sự kết hợp của hai truyền thống khác nhau. Tất nhiên, một là sự tham gia của công chúng vào việc lựa chọn các nhà lãnh đạo. Nhưng có một truyền thống xưa cũ hơn trong nền chính trị phương Tây, kể từ Đại hiến chương Magna Carta năm 1215, đã tập trung vào các quyền cá nhân – như chống bắt giữ tùy tiện, cải đạo, hay kiểm duyệt tư tưởng. Những quyền tự do cá nhân này (về ngôn luận, tín ngưỡng, tư hữu và bất đồng chính kiến) cuối cùng đã được bảo vệ, không chỉ khỏi sự lạm dụng của kẻ bạo chúa mà còn khỏi chính đa số trong nền dân chủ. Sau tất cả, đã xây dựng lên một Tuyên ngôn Nhân quyền, một danh sách những điều mà đa số không thể làm.
    Ở phương Tây, hai truyền thống này - tự do và luật pháp ở mặt này, và sự tham gia của người dân ở mặt kia - trở nên hòa quyện vào nhau, tạo ra điều mà chúng ta gọi là nền dân chủ tự do. Điều đáng chú ý khi viết bài luận đó, và thậm chí ngày nay còn rõ ràng hơn, là trong một số quốc gia - bao gồm Hungary, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Philippines - hai truyền thống này tách rời nhau. Dân chủ vẫn tồn tại (trong nhiều trường hợp), nhưng tự do thì đang bị vây hãm. Ở những nước này, sự phong phú và đa dạng bên trong của nền dân chủ tự do đang biến mất, chỉ còn lại cái vỏ dân chủ bên ngoài.
    Điều đã gây choáng váng cho tôi khi quá trình này diễn ra là luật lệ và các quy tắc đã hầu như không thể làm gì để ngăn chặn nó. Nhiều quốc gia đã thông qua các bản hiến pháp tốt, đưa vào sự kiểm soát và cân bằng chi tiết, và theo sau các thực tiễn tốt đẹp nhất từ thế giới tiến bộ. Nhưng cuối cùng, nền dân chủ tự do vẫn bị xói mòn. Hóa ra là điều duy trì nền dân chủ không chỉ đơn giản dựa vào những sự bảo vệ pháp lý và các quy tắc, mà chính là các chuẩn mực và các thực tiễn – tức, các hành vi dân chủ. Ngày nay văn hóa này của nền dân chủ tự do đang suy yếu tại Hoa Kỳ.
    Các Nhà lập quốc đã hoài nghi về dân chủ và hiểu về nước Mỹ như là một nền cộng hòa để làm giảm nhẹ bớt một số những nguy cơ của nền dân chủ phi tự do. Tuyên ngôn Nhân quyền, Tòa án tối cao, các chính quyền tiểu bang và Thượng viện là tất cả những tấm khiên bảo vệ chống lại đa số. Nhưng Hoa Kỳ cũng đã phát triển một nền văn hóa dân chủ, được hình thành phần lớn bởi một loạt các thực thể trung gian không chính quy vốn hoạt động theo một cách tương tự. Alexis de Tocqueville gọi chúng là "các hiệp hội" - có nghĩa là các nhóm phi chính phủ như các tổ chức ca đoàn, câu lạc bộ phục vụ xã hội và các nhóm nghề nghiệp – và cho rằng chúng hành động để ‘làm suy yếu đế chế đạo đức của đa số". Alexander Hamilton cảm thấy rằng các mục sư, các luật sư và các chuyên gia khác sẽ là "các trọng tài vô tư" của nền dân chủ Mỹ, đảm bảo rằng thay vì tập trung vào các lợi ích hạn hẹp, các biệt, xã hội và chính phủ sẽ tập trung vào các lợi ích quốc gia.
    Hai động lực phổ biến trong xã hội Hoa Kỳ này trong vài thập kỷ qua đã và đang hướng sự cởi mở dân chủ hơn và sự hiệu quả thị trường hơn. Việc ra quyết định của Quốc hội đã đi từ một hệ thống phân cấp, khép kín sang hệ thống cởi mở và tự do. Các đảng chính trị đã mất đi sức mạnh nội bộ của nó và bây giờ chỉ đơn thuần là phương tiện cho người nào thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ. Phường hội và các hội nghề nghiệp khác đã đánh mất gần hết các thẩm quyền đạo đức và trở thành các tổ chức ngày càng cạnh tranh và không bền vững, các thành viên của nó không - và chắc chắn không thể - đủ khả năng để hành động theo cách phục vụ lợi ích công. Truyền thông - ngành công nghiệp duy nhất được bảo vệ một cách rõ ràng trong Hiến pháp - một truyền thống về việc sở hữu và quản lý lợi ích công cộng hướng tới giáo dục công chúng. Ngày nay phương tiện truyền thông đã đi ra khỏi truyền thống này.
    Tôi thừa nhận rằng đây là một cái nhìn lãng mạn về vai trò của những cấu trúc tinh hoa và cấp bậc này. Các bộ phận của truyền thông giờ đây có tính đảng phái và scandan hơn so với ban đầu. Các luật sư thường hành động vì quyền lợi hẹp hòi của mình; các kế toán thường xuyên âm mưu gian lận. Và những căn phòng đầy khói với các ông chủ đảng phái thường đưa ra các quyết định kinh khủng.
    Nhưng giờ đây chúng ta đang bắt đầu chứng kiến nền dân chủ Mỹ dường như, khi không có bất kỳ tác nhân trung gia thực sự nào, đang trên con đường của chủ nghĩa dân túy và mị dân tuyệt đối. Các đảng phái đã sụp đổ, Quốc hội chia rẽ, các nhóm chuyên nghiệp không có tiếng nói, truyền thông dường như dửng dưng. Khi tôi viết một cuốn sách về "nền dân chủ phi tự do" vào năm 2003, tôi đẫ lưu ý rằng trong các cuộc bầu cử, người Mỹ đã cho thấy sự tôn trọng rất lớn cho ba tổ chức phi dân chủ nhất của đất: đó là, Tòa án Tối cao, Cục Dự trữ Liên bang và các lực lượng vũ trang. Ngày nay, hai thiết chế đầu đã bị mất đi uy quyền của nó, và chỉ còn thiết chế cuối vẫn được khâm phục rộng rãi.
    Những gì chúng ta còn lại ngày hôm nay là một xã hội mở, trọng dụng nhân tài, cạnh tranh trong đó mỗi người là một doanh nhân, từ đại biểu quốc hội tới kế toán, luôn luôn hối hả vì lợi ích cá nhân. Nhưng ai và điều gì sẽ nuôi dưỡng và bảo vệ lợi ích chung, đời sống dân sự và nền dân chủ tự do?
    Nguồn:https://www.washingtonpost.com/opinions/america-is-becoming-a-land-of-less-liberty/2016/12/29/2a91744c-ce09-11e6-a747-d03044780a02_story.html?utm_term=.508a8820ccb9
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org