Đỗ Kim Thêm
Giới thiệu sách:
Capital in the Twenty-first Century, by Thomas Piketty,
translated by Arthur Goldhammer, Belknap Press/Harvard University Press, 2014,
696 pp, $39.95.
Bối cảnh
Suy trầm kinh tế
2008, khủng hoảng tài chính, ngân hàng và nợ công gây hoang mang cho dân chúng
về khả năng lãnh đạo của chính giới tại Hoa Kỳ và châu Âu và phương cách vận
hành của nền kinh tế thị trường.
Bất trắc kinh tế
làm không ai tin là trước mắt sẽ có giải pháp hồi phục cho các nước phương Tây,
cho giới trẻ thất nghiệp tại Tây Ban Nha và khả năng trả nợ cho Hy Lạp.
Bất công xã hội
lan rộng đến một mức độ báo động mà phong trào Occcpy Wall Street là một thí dụ
và động loạn sẽ còn tiếp diễn. Triển vọng thăng tiến cho mọi người nay đã tiêu
tan, vì chi phí giáo dục quá mắc hoặc thiếu động lực khích lệ. Giới trung lưu
trí thức, một cột trụ chính cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế thị trường,
đang co cụm.
Ngược lại, khi
thực lực kinh tế của Trung Quốc càng lớn mạnh làm cho mô hình “đồng thuận Bắc
Kinh” và “tư bản nhà nước” thuyết phục được nhiều hơn. Theo lập luận này, các
nước chậm tiến đang chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường cần tập trung cho
các biện pháp mạnh để xoá đói giảm nghèo. Do đó, ước mơ phát triển dân chủ, cải
cách chính trị và tôn trọng nhân quyền trong trường kỳ phải nhường bước.
Trong bối cảnh bất
an kéo dài này, những người ưu tư thời cuộc đã có hằng loạt các câu hỏi: Chủ
nghiã tư bản sẽ đi về đâu? Hình thái mới của tư bản trong thế kỷ XXI là gì? Và
đâu là giải pháp cho các vấn đề bất công xã hội?
Học giới phương
Tây đã có vô số các hội luận và lý giải cho các câu hỏi này, nhưng gần đây một
tác phẩm đã gây nhiều tranh luận sôi nổi là Capital in the Twenty-First
Century của Thomas Piketty, mà bài viết sau đây sẽ giới thiệu các luận
điểm chính.
Tác giả
Thomas Piketty
sinh ngày 7.5.1971 tại Clichy, Pháp. Ông theo học khoa Kinh tế tại École
Normale Supérieure (ENS), trình luận án tiến sĩ tại École des Hautes Etudes en
Sciences Sociale và London School of Economics với chuyên đề về phân phối tài sản.
Từ năm 1993 đến 1995 ông phụ giảng tại Massachusetts Institute of Technology
(MIT), Hoa Kỳ. Năm 1995 ông là thành viên nghiên cứu thuộc Centre National de
la Recherche Scientifique (CNRS) và 2000 ông là Giám Đốc của École des Haute
Études en Sciences Sociales (EHESS). Từ năm 2007 ông giảng dạy tại Paris School
of Economics.
Ông nghiên cứu
chuyên về phân phối lợi tức, phân phối tài sản và công bình xã hội. Hợp tác với
các chuyên gia nổi danh khác là Anthony Atkinson (Oxford) và Emmanuel Saez
(Berkeley) ông đã trình bày về bất công xã hội tại các nước công nghiệp phương
Tây từ năm 1940 đến 1970. Với nhiều sách và luận văn kinh tế ông nhận được giải
thưởng Prix de meilleur jeune économiste de France (2002) và Yro-Jahsson Preis
(2013). Nhưng với tác phẩm Capital in the Twenty-First Century, do
Harvard University Press xuất bản năm 2014 ông là tác giả nổi danh, vì tác phẩm
này đang bán chạy nhất và được thảo luận sôi nổi tại Hoa Kỳ và Tây Âu.
Tác phẩm
Tư bản trong thế
kỷ XXI là một luận đề mà Piketty giới thiệu những
hình thái mới của tư bản tạo bất công xã hội và đề xuất giải pháp san bằng trên
căn bản toàn cầu. Ông nhận xét là dù đề tài tích lũy tư bản thành tích sản và
di sản không được kinh tế gia đương đại quan tâm, nhưng hiệu ứng lại quan trọng
hơn là tài sản được làm ra và tiết kiệm.
Đồng ý với Marx
tư bản là một yếu tố sản xuất, nhưng ông không dừng lại ở các khái niệm thặng
dư giá trị và bóc lột nhân công để giải thích. Tích lũy tư bản là hình thái mới
vì nó không là một tiến trình do tiết kiệm, đầu tư và tạo lập tài sản mà David
Ricardo và John Stuartz Mill đề cập.
Piketty định
nghiã tư bản là khoản thu được tính thành tiền và có thể có nhiều hình thức
khác nhau, thí dụ như động sản, bất động sản, doanh lợi do cổ phiếu chứng
khoán, lãi xuất công khố phiếu, bồi thường và các thu khoản đủ loại do lợi nhuận
từ tư bản.
Một yếu tố khác
quan trọng trong xã hội tư bản hiện nay là hố cách biệt giữa thu nhập lợi tức của
công nhân và doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của giới lãnh đạo doanh
nghiệp (CEO). Hai hình thái tương phản này đang lên đến mức độ báo động, tạo
thành bất công xã hội.
Theo ông, trước
khi tìm hiểu về hình thái bất công và tư bản trong thế kỷ XXI có hai luận điểm
chủ yếu cần làm sáng tỏ là:
Có phải động lực
của việc tích lũy tư bản tư nhân tất yếu đưa tới việc tập trung tài sản vào
trong tay một thiểu số người như Marx đã mô tả trong thế kỷ XIX không? và
Có phải tăng trưởng,
cạnh tranh và tiến bộ kỹ thuật là những động lực đưa tớí những phát triển trong
giai đoạn sau đó và nó làm giảm bớt bất công xã hội và hài hoà giai cấp như
Simon Kuznets giải thích trong thế kỷ XX không?
Ông phản bác cả
hai. Thứ nhất, ông không tin về thuyết định mệnh kinh tế như Marx cổ vũ. Cho dù
quy luật kinh tế là chính, nhờ đó để tìm ra quy luật phát triển tổng quát,
nhưng không phải đó là tất cả và đấu tranh cách mạng vô sản là giải pháp tối hậu.
Bất công trong thu nhập là một vấn đề kinh tế tiền lương mà còn có hậu quả cho
xã hội, vì sự vận hành của các động lực chính trong xã hội tư bản qua thời gian
sẽ đưa tới bất công hoặc công bình.
Thứ hai, luận điểm
của Kurnets cũng không thuyết phục vì lẽ cạnh tranh, tiến bộ kỹ thuật và tăng
trưởng không thể xem là một tiến trình tự nhiên hay tình cờ, thiếu chỉ đạo, mà
tự nó sẽ có hiệu ứng ngăn ngừa mọi bất công xã hội. Ngược lại, chính giới cần
có kế hoạch kiên quyết để đối phó và tìm các hợp tác quốc tế.
Đúc kết từ những
tài liệu thuế vụ tại Pháp, Hoa Kỳ, Anh, Ấn Độ, Nhật Bản, Mã Lai, Nam Phi,
Uruguay và nhiều nước khác ông cho là di sản là một hiện tượng không bình thường
trong việc tạo lập và tích lũy tư bản, mà đó chính là nguyên nhân sinh ra bất
công trong việc phân phối lợi tức xã hội trong thế kỷ XXI. Nếu bất công, trước
đây theo Marx, là một động lực thúc đẩy cho giới vô sản đấu tranh, hay sau này,
giới trung lưu tìm đường thăng tiến qua cơ hội giáo dục, thì hiện nay, triển vọng
giải quyết công bình xã hội càng lu mờ vì lẽ không còn cơ hội đấu tranh chuyên
chính cách mạng và giới trung lưu co cụm.
Dùng tài liệu
thuế vụ để chứng minh bất công nên ông cũng đề nghị dùng biện pháp đánh thuế
lũy tiến giới hữu sản tại các nuớc công nghiệp là một giải pháp san bằng và sự
hợp tác quốc tế là một phương tiện để đạt mục tiêu. Ông hy vọng là chương trình
này sẽ tạo ra một sự tái phân phối lợi tức, đem lại công bình xã hội, nâng cao
thành quả của chủ nghĩa tư bản, nhưng quan trọng nhất là giúp cho chủ nghĩa này
sóng sót. Dù là người đề xuất, chính ông cũng nghi ngờ giải pháp này là khả
thi, nhất là trong tình hình chung hiện nay.
Bố cục
Sách gồm có bốn
phần gồm 16 chương. Phần I bàn về lợi tức và tư bản gồm có hai chương. Chương 1
trình bày hai khái niệm này và lý giải về mối quan hệ giữa hai khái niệm.
Chương 2 phân tích tỷ lệ tăng trưởng dân số và năng xuất, sự thành hình của các
khái niệm trong thế kỷ XVIII.
Phần II gồm có 4
chương giới thiệu về những năng động trong mối quan hệ giữa tư bản và thu nhập,
mà nội dung là bàn đến mối quan hệ giữa tư bản và lao động trong thế kỷ XIX.
Chương 3 nói về sự hình thành khái niệm tư bản tại Pháp. Chương 4 so sánh chủ đề
này với Đức và Hoa Kỳ. Chương 5 mở rộng khái niệm và đặt ra mối quan hệ trên
căn bản toàn cầu.
Phần III bàn về
cấu trúc của bất công gồm có 6 chương. Chương 7 xét đến vấn đề bất công trong
thực tế dựa trên việc nghiên cứu về phân phối lợi tức và tư bản. Chương 8 lý giải
về những động lực lịch sử của bất công giữa Pháp và Hoa Kỳ. Hai chương 9 và 10
mở rộng tầm phân tích đến nhiều quốc gia khác. Chương 11 soi sáng tầm quan trọng
của thừa kế. Chương 12 tìm hiểu sự phân phối tài sản của thế kỷ XX.
Phần IV thảo luận
về việc điều tiết tư bản trong thế kỷ XXI và gồm có 4 chương. Chương 13 nói đến
mô hình nhà nước xã hội. Chương 14 giới thiệu nội dung chương trình về thuế lợi
tức lũy tiến, đặc biệt giới thiệu kinh nghiệm trong quá khứ và khuynh hướng gần
đây. Chương 15 đề ra những điều kiện áp dụng chương trình này trong thế kỷ XXI,
so sánh tình trạng lý tưởng với thực tế, trong đó có một số vấn đề liên quan là
quản lý và di dân. Chương 16 bàn về hậu qủa của nợ công.
Nội dung
Nguyên nhân của
bất công xã hội
Lập luận chính của
ông là tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chậm hơn so với tích lũy tư bản nên bất công
gia tăng, nhưng đến thế kỷ XXI trào lưu này đưa đến hậu quả nghiêm trọng nhất:
sự cách biệt lợi tức thu nhập và di sản tích lũy không thể thu hẹp được nữa và
tác hại nặng nề đến phân phối tài sản xã hội. Ông đã tìm ra mối tương quan này
và nêu lên nhiều thí dụ ở Hoa Kỳ và châu Âu để chứng minh.
Tại Hoa Kỳ, thuế
lợi tức được áp dụng kể từ năm 1913. Qua các hồ sơ khai thuế ông chứng minh là
vào thế kỷ XIX mức cách biệt trung bình giữa thu nhập lãnh đạo doanh nghiệp và
nhân viên bình thuờng là 1/20, ngày nay hố cách biệt trung bình trong 500 doanh
nghiệp lớn nhất là 1/200. Cao hơn nữa là trường hợp của Tim Cook, lãnh đạo của
Apple kiếm được 378 triệu đô la trong năm 2011, thu nhập này do tiền lương, tiền
chia lời cổ phiếu và doanh thu đủ loại của doanh nghiệp, và tỷ lệ cách biệt ước
tính là 1/6.258. Trong năm 2012, công nhân bình thường của Wall Mart kiếm không
quá 25.000 đô la/năm, trong khi Michael Duke, lãnh đạo phụ trách bán lẻ kiếm được
23 triệu. Một thí dụ nổi bật nhất là tài sản của 85 người giàu nhất thế giới mà
trong đó có ba người nối tiếng nhất là Bill Gates, Warren Buffet và Carlos
Slim, tổng cộng tài sản của họ là 3 nghìn 500 tỷ đô la, có nghiã là bằng 1/2
tài sản của dân số trên thế giới cộng lại. Dĩ nhiên, còn vô số thí dụ về tài sản
kếch sù của giới siêu giàu, họ là minh tinh điện ảnh, doanh nhân quốc tế, danh
tài thể thao hay các tác giả sách bán chạy nhất.
Piketty không đồng
ý là giới siêu giàu mới là những người có tài năng siêu việt, đóng góp to lớn
cho nhân loại và đáng hưởng những phần thưởng vật chất tương xứng. Dù khó tìm
ra một chuẩn mực để đo lường thành quả, nhưng không thể nói họ làm việc cực nhọc,
thông minh và tiết kiệm nhiều hơn. Thực ra, các khoản thu nhập này là một hiện
tượng bất thường vì không theo quy luật thị trường lao động, phần thì do các
lãnh đạo cấu kết để chia chác, trục lợi qua nhiều hình thức, phần khác thì họ
tìm mọi cách không cho công nhân được chia phần thành quả doanh nghiệp. Ngoài
ra, họ là những người biết cách khai thác kỹ thuật mới trong lĩnh vực internet
hay truyền thông để làm giàu nhanh. Đó là một quy luật nội tại của doanh nghiệp
mà người ta dễ nhận ra. Nhưng theo ông, khi chính quyền không thể điều tiết và
tỷ lệ thu nhập này tăng nhanh hơn tăng trưởng kinh tế thì bất công có thể xác định
được. Tích lũy tư bản trong thời hiện đại đến từ những hình thức tích sản này
và đang biến thành di sản.
Vấn đề châu Âu
được Piketty thảo luận sâu rộng hơn vì các tài liệu khả dụng về thuế khoá từ có
từ cuối thế kỷ XVIII. Ông cho là lịch sử kinh tế là một cuộc chay đua bất phân
thắng bại giữa tích lũy tư bản và tăng trưởng kinh tế mà các yếu tố chính là do
phát triển dân số và canh tân kỹ thuật.
Ông kết luận là
trước khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, giá trị tư bản tích lũy tại châu Âu cao từ
sáu đến bảy lần hơn thu nhập quốc gia. Tuy nhiên, qua bốn thập niên, châu Âu vì
bị hai cuộc thế chiến tàn phá và mức tiết kiệm không còn nhiều, mà tỷ lệ này giảm
đi một nửa. Sau thế chiến thứ hai, tích lũy tư bản tăng lên. Đó là thời kỳ kinh
tế phồn thịnh từ năm 1945 đến năm 1973 và được sách vở kinh tế gọi là thời kỳ
Hoàng Kim, mà điển hình là lợi tức công nhân tăng làm mức sống của đại chúng
tăng. Trong khi các kinh tế gia xem đây là một hiện tượng phát triển bình thường
và tất yếu trong bối cảnh tái thiết hậu chiến, thì ông giải thích đó là một ngoại
lệ của lịch sử và đã chấm dứt vì trào lưu sẽ không trở lại.
Về vai trò của
di sản trong lịch sử phát triển kinh tế thì Piketty chứng minh là di sản chiếm
một vai trò khiêm nhượng so với thu nhập quốc dân trong thời kỳ chiến tranh,
nhưng lại tăng nhanh trong thời hậu chiến, vào năm 1970 chiếm khoảng dưới 50%,
nhưng hiện nay đã lên đến 70% và còn tiếp tục tăng. Tầm quan trọng của di sản
là do ảnh hưởng của giới siêu giàu, mà ngày nay được goị chung là thành phần
thượng tầng 1% trong xã hội. Mực sống cực kỳ xa hoa phung phí của giới thượng
lưu qúy tộc, mà người Việt quen gọi là giới ngồi nhà mát ăn bát vàng, trong thế
kỷ XIX được các tiểu thuyết gia Pháp như Balzac và Austen mô tả khá chi tiết. Mức
sống cao sang này có giảm đi trong thời kỳ 1910 cho đến 1950, nhưng sau 1970
thì tăng nhanh trở lại, dù trong mức độ có ít hơn so với thế kỷ XIX.
Qua nhiều dẫn chứng
ông kết luận là mức độ bất công tại châu Âu ít hơn tại Hoa Kỳ vì châu Âu can
thiệp chặt chẽ hơn về luật lao động, các chương trình an sinh xã hội và thuế
khoá, nhưng cả hai có một đặc điểm chung trong thế kỷ XXI là hình thức tích lũy
và tạo lập tư bản do di sản và tỷ lệ taọ lập di sản tăng nhanh hơn tỷ lệ tăng
trưởng kinh tế. Do đó, bất công lan rộng đến mức độ không thể san bằng. Giải
pháp cho vấn đề là chính quyền cần có một biện pháp đánh thuế giới hữu sản
trong tầm vóc quốc tế.
Giải pháp san bằng
Làm sao đem lại
công bình xã hội khi năng động nội tại của chủ nghiã tư bản hướng theo một chiều
mới là tạo lập tích sản và di sản?
Tăng trưởng là cần
thiết để đem lại quân bình giữa lao động và tư bản. Nhìn chung, Piketty thực tế
hơn khi cho là tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đạt được 1% đến 1,5% là nhiều, nhưng
phải liên tục. Khi mức tăng trưởng 1,5% là đi vào ổn định, đạt đến gần mức tăng
trước năm 1914. Hiện nay, theo ông, không có điều kiện để đạt đến tỷ lệ tăng
trưởng từ 4% đến 5%, và nhất là trong trường hợp dân số đình trệ hay giảm sút.
Đánh thuế nhà giàu
là một biện pháp để chống lại tập trung tư bản, nhưng đó không phải chuyện đấu
tranh giai cấp của Marx mà phải là một chính sách thuế khoá công minh. Xác định
tỷ lệ thuế suất là một nhiệm vụ chính trị nhưng cũng cần có sự hợp tác quốc tế
và nhiều mô hình có thể áp dụng. Ông đề nghị là có thể miễn thuế đối với tài sản
cá nhân có đến 1 triệu Euro, đánh 1% thuế cho ai có tài sản từ 1 đến 5 triệu,
tăng lên 2% cho ai có trên 5 triệu và cứ như thế lên từ 5 đến 10% khi trên mức
1 tỷ.
Nhưng người ta
cũng có thể quyết định khác hơn là những loại tài sản khiêm nhường cũng bị ảnh
hưởng, thí dụ như 0,1% cho dưới 200.000 Euro, 0,5% cho khoảng từ 200.000 và một
triệu.
Theo ước tính của
Piketty tỷ lệ thu cao nhất là 3 đến 4 tỷ lệ phần trăm điểm của thu nhập quốc
gia, vì mục tiêu của đánh thuế tư bản lũy tiến không phải là phát triển một nguồn
thu mới cho nhà nước, nhưng là điều tiết hợp lý cho chủ nghiã tư bản. Gánh nặng
về thuế khóa tại Tây Âu hiện nay đã quá mức, với nguồn thu nhập mới làm cho việc
đóng góp của giới trung lưu giảm đi.
Ông ý thức được
vấn đề tư bản từ các nuớc công nghiệp phát triển đang tháo chạy khắp thế giới để
trốn thuế, trong khi sự hợp tác ngay trong châu Âu trong lĩnh vực này đã không
đạt được kết quả, thì đề xuất của ông lập một biểu thuế áp dụng trên toàn cầu
là một ảo tưởng. Ông lạc quan hơn khi cho rằng đó là một giải pháp hữu ích, vì
đến một lúc nào đó thì cộng đồng quốc tế sẽ thấy nhu cầu áp dụng là cần thiết
và sẽ khởi động.
Nhận xét
Dù sách bán chay
nhất và được giới thiệu như là một tác phẩm quan trọng về lịch sử tư tuởng kinh
tế hiện đại và đem lại những chuyển biến trong nhận thức về chủ nghiã tư bản
cho tương lai, nhưng Piketty không tránh khỏi nhiều phê bình mà một số ý chính
có thể tóm lược như sau.
Tri thức công
nghệ (Know-How)
Piketty đề ra
hai thành tố chính là tư bản và lao động trong tiến trình sản xuất. Ông tập
trung lý giải về mối quan hệ này đóng góp cho tăng trưởng như thế nào.
Theo ông, tư bản
là yếu tố sản xuất mà người ta có thể mua, bán, tặng, tiết kiệm và tích lũy
thành di sản như giới siêu giàu hiện nay đang làm. Ngược lại, lao động là yếu tố
cá nhân, chỉ có thể mua bán qua thị trường nhân dụng mà luật lao động là cơ sở.
Không ai có thể mua bán sức lao động của người khác vì thời kỳ nô lệ không còn.
Tư bản có hai đặc điểm:
Một là khả năng
sinh lợi trong tương lai mà ước tính triển vọng là quan trọng. Từ đó một mảnh đất
có thể bán giá quá cao trong khi một mảnh đất bên cạnh không đem lại một thu
khoản đặc biệt cho sở hữu chủ, đây là một thí dụ quen thuộc trong sự biến động
giá cả trên thị trường bất động sản mà triển vọng sẽ quyết định giá tương lai của
tư bản.
Hai là tư bản có
thể được tích lũy và sinh lợi qua tiết kiệm. Một người có thể tiết kiệm 100 đơn
vị của lợi tức thu nhập, và trong điều kiện bình thường sẽ tăng thêm được 4 đến
5 đơn vị trong một năm. Do đó, có triển vọng tái đầu tư và nhờ thế mà tư bản và
lợi tức cùng song hành tăng gia.
Thực ra, hai
thành tố tư bản và lao động chưa đủ. Ông cũng không thể lý giải vai trò thay đổi
kỹ thuật trong tiến trình sản xuất, dù ông có đề cập. Một thí dụ phản bác lập
luận của Piketty rõ rệt nhất là vai trò của Know-how.
Tổng trị giá tài
sản hiện nay của ba doanh nghiệp Apple, Google và Facebook lên trên một nghìn tỷ
đô la. Piketty không thể dùng yếu tố tạo lập, tích lũy và gia tăng tư bản cuả
ba doanh nghiệp này để giải thích sự thành công. Nếu so với giá trị đóng góp của
tư bản đầu tư ban đầu và lao động hiện có thì không đáng kể, nếu có so ở đây là
với tài năng đóng góp của lãnh đạo và thay đổi kỹ thuật. Bất công thu nhập
trong nội bộ của doanh nghiệp là hiển nhiên, nhưng tài năng lãnh đạo và sự thay
đổi triệt để của Know how đóng góp nhiều hơn là vai trò di sản, tư bản và lao động
như Piketty lý giải.
Mức tăng trưởng
đến 5% mà Piketty đề ra để làm khởi điểm phát sinh cho bất công cũng không thuyết
phục. Tăng trưởng là do đầu tư. Đầu tư sinh lợi liên hệ đến vấn đề lĩnh vực đầu
tư, mà trào lưu hiện nay cho thấy yếu tố Know how quan trọng hơn là tư bản và lao
động. Đã có nhiều thí dụ chứng minh tại Trung Quốc, Chile và Hoa Kỳ cho lập luận
này.
Mức Trung Quốc
cho quốc tế vay chiếm tỷ trọng 30% của TSLQG hằng năm, nhưng sinh lợi từ tiền
cho vay là bằng không, tình trạng này còn tiếp tục. Cụ thể là Trung Quốc là chủ
nợ của Hoa Kỳ, đem tiền vào Hoa Kỳ để tái đầu tư, nhưng chỉ tập trung vào thị
trường cổ phiếu và bất động sản, nên mức sinh lợi không thể là đáng kể mà nguy
cơ nhiều hơn.
Trường hợp của
Chile khi đầu tư ở hải ngoại cũng tương tự. Trong 30 năm qua, Chile có tiền đem
ra hải ngoaị đầu tư là nhờ huy động tiết kiệm quốc nội. Chile không có khả năng
thâm nhập lĩnh vực Know how tại hải ngoại, nên đầu tư không sinh lợi và không
giúp cho tăng trưởng.
Ngược lại, dù
Hoa Kỳ đang vay của thế giới là 13 nghìn tỷ, phần lớn để trang trải công phí,
phần còn lại sử dụng cho các chương trình đầu tư tại hải ngoại, trong đó có các
dự án thuộc lĩnh vực Know how tại Trung Quốc và các nước công nghiệp đang trổi
dây, nơi mà tỷ lệ tăng trưởng còn ở mức 9%. Triển vọng sinh lợi trong chiến lược
này tất nhiên là cao, nhưng có thể giúp gì trong việc san bằng bất công quốc nội
là một vấn đề còn tranh luận, nhất là trong bối cảnh suy trầm còn tiếp tục.
Quyết định lĩnh
vực đầu tư là chính để giúp tăng trưởng. Phát sinh bất công không hoàn toàn lệ
thuộc vào tỷ lệ trong mối quan hệ tư bản và lao động như Piketty xác định.
Di sản
Lo âu của
Piketty về mức tác hại của di sản không có cơ sở, vì tại Hoa Kỳ di sản đã không
gây bất công trong quá khứ, từ đó mà không thể kết luận là sẽ có hậu quả này
trong tương lai. Ảnh hưởng của các gia đình tỷ phú như Rockefeller, Carnegie và
Ford là thí dụ. Một phần, các tài sản này đã bị phân tán, phần khác, hậu duệ thụ
hưởng cũng không thể trực tiếp tham gia sinh hoạt công quyền để gây thêm bất
công, nhằm bảo vệ di sản như nhiều người lầm tưởng. Trong chừng mực nào đó, họ
cũng có những hoạt động gây áp lực nhưng không như các lobbyist chuyên nghiệp.
Điều chắc chắn
là hậu duệ của Bill Gates và Warren Buffet sẽ tiếp tục nắm giữ di sản không lồ
này, nhưng có thể gây tác hại đến bất công cho toàn xã hội là không thể xác định,
nhưng những hoạt động từ thiện hiện nay của Bill Gates đã chứng minh ngược lại.
Một suy đoán khác là không ai biết được các diễn biến của lĩnh vực công nghệ
thông tin. Các tài năng mới trong lĩnh vực này sẽ có các chuyển biến đột phá
làm cho Bill Gates hay Warren Buffet sẽ không còn giữ vững ngôi vị, một vấn đề
có thể xãy ra. Giới lãnh đạo này cũng không đến từ thành phần có di sản hay
trong chính giới.
Là người Pháp,
Piketty biét rõ là sử dụng di sản vào mục tiêu văn hoá, xã hội hay tôn giáo là
một truyền thống của Âu Tây. Nhờ thế, nhiều hoạt động nghệ thuật tại Pháp đều
được tài trợ và các danh tài hội hoạ như Courbet, Manet, Cézane, Monet hay các
văn sĩ như Baudelaire, Flaubert hay Proust có phương tiện làm việc. Gần đây,
Amnesty International và Human Rights Watch cũng đã gia tăng hoạt động nhờ thụ
hưởng tài trợ loại này.
Hiện nay, huy động
việc sử dụng tích sản và di sản vào các mục tiêu xã hội là một vấn đề trong các
lĩnh vực sponsoring và social engeneering tại Hoa Kỳ. Do đó, trước trào lưu này
khó có thể xác định mức độ tác hại tuyệt đối của tích sản di sản về bất công xã
hội như Piketty tiên đoán.
Thăng tiến xã hội
Theo Piketty,
thiếu năng động xã hội là không còn cơ hội thăng tiến cho giới trung lưu và giới
có lợi tức thấp, một khởi điểm cho bất công. Lập luận này không đúng cho các sắc
dân di dân mà thành công của người Việt ty nạn trong thế hệ đầu tiên là một phản
bác thuyết phục nhất. Không phải thu nhập, di sản và gia thế sẽ quyết định cơ hội
thăng tiến mà là yếu tố văn hoá, lối sống và quyết tâm. Cảm nhận được môi trường
tự do mới và có động lực khích lệ do gia đình giúp cho người Việt hội nhập và
thăng tiến trong mọi lĩnh vực xã hội nhập cư. Do đó, thu nhập cao và tài sản
không thể lý giải cho sự thăng tiến của thành phần di dân.
Một khó khăn mà
giới trung lưu phải chịu trong thời gian qua là mức lương không tăng nhanh so với
nhu cầu tiêu thụ đang thay đổi. Mức lương khả dụng và nỗ lực thích nghi trong
tình hình biến đổi như người di dân sẽ quyết định thăng tiến và không phải là
tích lũy tài sản hay di sản của giới trung lưu là chính. Mối quan hệ lợi tức và
lao động mà Piketty đề ra không thể giải thích.
Có lập luận cho
rằng tiền lương của công nhân tại các nước công nghiệp sẽ không tăng vì chủ
doanh nghiệp còn tiếp tục đầu tư để hưởng những lợi điểm lương thấp tại các nước
chậm tiến. Do đó, bất công sẽ còn kéo dài. Piketty chỉ có thể giải thích sự bất
công trong mối tương quan tiền lương và tăng trưởng trong nội bộ từng nước công
nghiệp phát triển và không trên căn bản toàn cầu để so sánh ý nghiã đích thực của
thăng tiến.
Nếu thảo luận bất
công trong bối cảnh toàn cầu hoá, đầu tư tư nhân và mậu dịch quốc tế giữa các
nước công nghiệp phương Tây và đang trổi dậy, ông sẽ có những nhận định toàn diện
hơn về cạnh tranh và phát triển.
Sự trổi dậy kinh
tế của Trung Quốc, Ấn Độ, Viêt Nam, các nước khác tại Đông Á và Nam Mỹ trong
nhiều thập niên qua đã giúp cho hằng trăm triệu người dân khỏi thoát cảnh nghèo
đói tận cùng. Nhờ tham gia hội nhập mậu dịch quốc tế mà các nước đang trổi dậy
cũng có điều kiện tốt đẹp hơn, ít nhất là so với tình trạng sống trước đây.
Nhìn chung, bất
công trong từng nước một còn là môt vần đề gay go mà Việt Nam là một thí dụ. Vấn
đề phát triển châu Phi sẽ là một thách thức quan trọng nhất cho nhân loại hôm
nay. Do đó, lý giải về thăng tiến xã hội của Piketty không toàn diện.
Công bình thuế vụ
Đây là một đề
tài mà Piketty không phải là người đề ra đầu tiên vì được tranh luận từ lâu. Ai
là người được xem là có cuả? Có phải cứ có tài sản nhất thiết là tạo bất công
xã hội không? Và doanh nghiệp nào tạo ra bất công? Một vấn đề cần xác định. Đến
năm 2010, cá nhân nào thu nhập được 1 triệu rưởi đô la một năm được xếp vào
thành phần hữu sản, còn doanh nghiệp thì không có mức độ xác định, thường thì
doanh nghiệp có tham gia thị trường cổ phiếu hoặc số thương vụ trên 500 triệu
đô la và có 10.000 công nhân, nhưng chuẩn mực này không chính xác, vì hiện nay
có nhiều doanh nghiệp vẫn còn do gia đình quản lý nhưng có tài sản kết sù. Ý chính
của Piketty về bất công là hướng về việc thu nhập của giới lãnh đạo thuộc dạng
CEO của thị trường tài chánh và công nghiệp thông tin.
Việc đánh thuế
tài sản tích lũy của giới CEO, như Piketty đề nghị, gây bất mãn cho giới hữu sản
trung bình. Một người làm việc lương thiện, có những thương vụ bình thường, hợp
pháp, dành dụm qua một thời gian dài, nay trở thành giới hữu sản, bị đánh thuế,
nên họ không còn lại gì cho con cháu. Đây là một hình phạt tối đa có hiệu lực hồi
tố, không thể gọi là công bằng xã hội và tác hại trầm trọng vì không khích lệ
cho tiết kiệm và tái đầu tư.
Taị các nước
châu Âu, thuế gia sản là một vấn đề được tranh cải khá gay gắt. Phần Lan có đề
xuất rồi cũng bị áp lực phải từ bò. Các nước Áo, Đan Mạch, Đức, Thụy Điển và
Tây Ban Nha cũng nằm trong tình trạng tương tự. Gần đây nhất là Ý trong năm
2011. Các đảng tại Ý đề ra thuế cho những người có bất động sản để vận động
tranh cử. Vì dân chúng phản ứng trước thuế biểu nặng nề nên các đảng phải đành
phải rút lại. Chính quyền đảo Cyprus cũng tìm cách đánh thuế tài sản trên tiền
ký thác của trương chủ ngân hàng với hy vọng tăng nguồn thu để giải quyết vấn đề
kinh tế, nhưng thực tế cho thấy ngược lại, chỉ đem lại bất ổn trong dân chúng.
Dù đề xuất giải
pháp đánh thuế giới hữu sản, nhưng Piketty không trình bày những khó khăn khi
áp dụng, đo lường hậu quả và kiểm soát. Quan trọng nhất là ông không tìm ra một
đối sách khi không thể tăng thu và huy động được tiết kiệm quốc nội cho các đầu
tư mới. Khi khả năng trốn thuế của giới hữu sản tinh vi trong tầm mức quốc tế,
thì phương sách của Piketty cần xét lại.
Điều kiện lý tưởng
để áp dụng một chính sách thuế khoá công minh là hệ thống chính trị dân chủ tốt
đẹp lòng trong hoạt động hữu hiệu của một nền kinh tế thị trường tự do. Trong
thực tế, công bình thuế vụ không gì khác hơn là có một thể chế dân chủ và luật
pháp được mọi thành phần dân chúng triệt để tôn trọng, kể cả giới hữu sản. Lý
tưởng này đạt được do thành qủa của một hệ thống giáo dục trọng pháp mà nước
giàu đang suy đồi và nước nghèo chưa có. Đóng thuế nhiều là niềm hảnh diện cá
nhân và thể hiện lòng yêu nước, hiện nay chỉ có trong truyền thống văn hoá của
Nhật Bản.
Giải pháp tương ứng
khả thi
Nếu giải pháp của
Piketty là ảo tưởng, tại sao không thể tìm một giải pháp có hiệu ứng tương tự
nhưng khả thi? Một thí dụ được đề cập nhiều nhất là áp dụng thuế tiêu thụ lũy
tiến, thay vì áp dụng thuế di sản. Biện pháp này đơn giản vì nhắm vào các mặt
hàng xa xĩ dành cho giới thượng lưu và nhất là áp dụng trên căn bản địa phương,
nơi mà sở thuế có thể kiểm tra được. Lối đánh thuế này không tác động đến
khuynh hướng tiết kiệm như thuế lợi tức hay di sản. Thuế tiêu thụ lũy tiến sẽ hổ
trợ cho tăng trưởng nhiều hơn.
Một biện pháp
khác cũng đã từng được đề cập đến là hoàn toàn miễn thuế cho công nhân có thu
nhập thấp và giảm thuế cho công nhân có thu nhập cao hơn.
Chi phí giáo dục
hiện nay là một thực tế khó khăn cho giới có lợi tức thấp, nhưng một trào lưu mới
đang thịnh hành là giaó dục miễn phí online, mà chương trình trực tuyến của
M.I.T. của Hoa Kỳ là một thí dụ. Các chương trình giáo dục trọn đời và từ xa là
một mô hình mới khả thi.
Trong chừng mực
giới hạn, triển vọng về các biện pháp tương ứng khả thi là một vấn đề cần thảo
luận sâu rộng để san bằng bất công xã hội.
Bài học cho Việt
Nam?
Độc giả người Việt
thất vọng vì Piketty không trực tiếp soi sáng vấn đề Việt Nam.
Bất công xã hội
tại Việt Nam không cần phải tìm hồ sơ thuế vụ để dẫn chứng như Piketty theo đuổi.
Dù không có số thống kê cho hố cách biệt giữa thu nhập nông dân và lãnh đạo
doanh nghiệp thu mua nông sản, giữa công nhân và lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu,
nhưng thực tế cho thấy phải hơn tỷ lệ 1/6.258 của doanh nghiệp Apple.
Thành phần 1% dễ
nhận diện hơn điều tra hình sự. Theo một báo cáo năm 2013 của UBS và Wealth X,
một công ty nghiên cứu tài sản ở Singapore, số lượng người giàu nhất tại Việt
Nam đã tăng lên 14,7%, số lượng người có tài sản cá nhân thấp nhất là 30 triệu
đô la hay nhiều hơn lên đến 195 người, mà không ai khác hơn là thuộc về lãnh đạo.
Nguyên nhân bất
công? Chuyện dể hiểu vì không có yếu tố hải ngoại. Về lý thuyết, ai cũng biết
là do cơ chế chính trị:
"Đảng lãnh
đạo,
nhà nước quản lý,
nhân dân làm chủ đất nước",
nhà nước quản lý,
nhân dân làm chủ đất nước",
nhưng người dân đọc
và viết lại bằng cách đánh dấu phẩy một cách khác hơn:
"Đảng
lãnh đạo nhà nước,
quản lý nhân dân,
làm chủ đất nước"
quản lý nhân dân,
làm chủ đất nước"
và phản ảnh đúng
với thực tế.
Cơ chế độc đảng
cho phép lãnh đạo không cần chứng minh khả năng làm việc, sống thanh liêm, có
tiết kiệm và đáng được hưởng thành quả tương xứng. Với đặc thù này lãnh đạo biến
Việt Nam thành một nền kinh tế trọng thương bất phú, tư bản thân tộc và xã hội
thị trường mà không bị ai truy tố.
Giải pháp khả
thi? Chuyện hão huyền. Đánh thuế giới hữu sản theo cách của Piketty cũng sẽ
không thành công, một phần vì luật lệ tài chính không nghiêm minh và phần khác
thì tích sản của lãnh đạo đã theo con cháu ra ngoại quốc từ lâu, nên các biện
pháp sai áp, nếu có, không thể áp dụng. Piketty chỉ lý giải đúng về nguyên nhân
bất công xã hội là do chế độ gây ra và sai là về giải pháp đánh thuế.
Giải pháp tương ứng
khả thi để san bằng bất công xã hội hiện nay không còn quan trọng nữa vì giữ
gìn toàn vẹn lãnh thổ và tồn vong của chế độ trở thành hai vấn đề sinh tử cho
Việt Nam, một thách thức nằm ngoài tầm nhìn của Piketty và phạm vi của bài giới
thiệu sách này.
Nguồn:https://www.danluan.org/tin-tuc/20140813/do-kim-them-tu-ban-trong-the-ky-xxi