Thay đổi chế độ bằng cách thay đổi xã hội

Posted on
  • Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Lưu Hiểu Ba
    Biên dịch & Hiệu đính: Lý Song Anh

    Chúng ta mới có hơn hai mươi năm cải cách, nhưng do sự chiếm đoạt ích kỷ giành quyền lực chính trị của ĐCS và sự rải rác của các lực lượng dân sự, về ngắn hạn tôi không thấy có lực lượng chính trị nào có khả năng thay đổi chế độ, hay bất cứ lực lượng có tư tưởng tự do nào nổi lên từ giới cầm quyền chính thức, một kiểu Gorbachev hoặc Tưởng Kinh Quốc, và cũng không thấy xã hội dân sự có cách nào xây dựng được sức mạnh chính trị đủ để làm đối trọng với chính quyền chính thức. Và như vậy, công cuộc chuyển đổi thành một xã hội hiện đại, tự do của Trung Quốc sẽ phải diễn ra từ từ với nhiều ghập ghềnh trước mặt. Thời gian dài ngắn ra sao có lẽ sẽ vượt xa tất cả những dự đoán bảo thủ nhất.
    Đồng thời, xét về sự đối lập với sức mạnh của chế độ ĐCS thì xã hội dân sự vẫn còn yếu ớt, lòng dũng cảm của nhân dân chưa đủ và tri thức dân sự chưa trưởng thành; xã hội dân sự vẫn ở giai đoạn phát triển ban đầu, và bởi vậy trong một thời gian ngắn không có khả năng phát triển thành một lực lượng chính trị phù hợp với nhiệm vụ thay thế chế độ Cộng sản. Trong tình hình đó, thay đổi trong hệ thống chính trị của Trung Quốc và chế độ hiện thời của nó – với bất kỳ hình thức kế hoạch, chương trình hay hành động tìm kiếm thành công lập tức nào – vẫn chỉ là xây lâu đài trên cát.
    Tuy vậy, điều ấy không có nghĩa là không hề có hy vọng gì cho một Trung Quốc tự do trong tương lai. Bầu trời chính trị Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông không còn nằm trong tay duy nhất một người cầm quyền toàn trị; thực tế, nó đang nhuốm hai màu sắc: tối và sáng. Tương tự như vậy, mối quan hệ giữa quan chức và người dân không còn theo kiểu không ai dám lên tiếng gì ngoài việc hô vang “Hoàng đế Vạn tuế!”. Sự cứng nhắc về chính trị của chính quyền và thức tỉnh của người dân về các quyền của mình, cùng với đàn áp chính thức và phản kháng dân sự tồn tại song trùng cùng lúc. Hệ thống vẫn mang tính toàn trị như trước, nhưng các phong trào bảo vệ quyền dân sự tiếp tục nổi lên; nỗi lo sợ bị thẩm tra vẫn còn đó nhưng không còn tạo ra kiểu uy hiếp “giết một dọa mười”; “nhận thức kẻ thù” của chế độ không thay đổi nhưng “các cá nhân nhạy cảm về mặt chính trị” không còn là “bệnh dịch” ghê gớm bị mọi người xa lánh nữa.
    Ở thời Mao, để xác lập sự kiểm soát chuyên chế cá nhân, phải cùng lúc đáp ứng được bốn điều kiện chính:
     Quốc hữu hóa toàn diện, không còn sự tự chủ kinh tế cá nhân theo bất cứ hình thức nào, khiến chế độ trở thành người chăm lo đầy quyền lực cho đồng bào, và khiến họ trở nên phụ thuộc về kinh tế vào chế độ từ khi sinh ra tới lúc chết;
    Tổ chức xâm nhập khắp nơi, khiến cho tự do cá nhân hoàn toàn biến mất, khiến cho tổ chức trở thành người xác nhận tình trạng pháp lý duy nhất cho người dân, những người không thể nào xoay sở được nếu rời bỏ tổ chức và khiến họ phụ thuộc vào chế độ đến mức nếu không có mái che của tổ chức thì họ sẽ không được xã hội thừa nhận;
    ‘Chính thể chuyên chế cứng nhắc của bộ máy độc tài bạo lực áp đặt lên toàn bộ cơ thể xã hội; một không khí độc tài tạo ra bởi sự cai trị của một người và tư duy “kẻ thù”– nơi mọi công dân bị biến thành người lính; kiểm soát len lỏi vào khắp mọi ngóc ngách đến mức mọi đôi mắt trở thành thiết bị giám sát và mọi người bị giám sát bởi chính cơ quan, cộng đồng [ủy ban], hàng xóm và thậm chí là bạn bè và người thân. Sự áp đặt bạo ngược về tinh thần lên cả quốc gia tạo ra từ ý thức hệ về sức mạnh gắn kết và sức mạnh huy động mạnh mẽ, và từ các phong trào quần chúng quy mô lớn, nơi sự tôn sùng cá nhân cực đoan và quyền lực lãnh đạo tạo ra một kiểu kiểm soát tinh thần bằng cách một bộ óc quyết định suy nghĩ của tất cả mọi người, và nơi “những người chống đối” bị cố tình dựng lên một cách nhân tạo không những bị đàn áp về kinh tế, chính trị và vị thế xã hội mà còn phải gánh chịu sự sỉ nhục về tính cách, phẩm giá và tinh thần - cách thức này được gọi là “phê bình cho tới khi chúng đầu hàng và bốc mùi nồng nặc,” mà trên thực tế, đây chính là bạo ngược kép cả về thể xác và tinh thần ở mức độ khiến đại bộ phận nạn nhân phải đầu hàng sự bạo ngược tinh thần này và rơi vào tình thế bị sỉ nhục công khai.
    Tuy thế, trong thời hậu-Mao, không còn tồn tại một xã hội hoàn toàn dựa trên sự cai trị của chính quyền. Sự chuyển dịch lớn lao theo hướng đa nguyên trong xã hội đã đang diễn ra, và chính quyền cai trị không còn có thể kiểm soát hoàn toàn tất cả xã hội. Sự tăng trưởng liên tục của nguồn vốn tư nhân đang dần làm suy giảm nền tảng kinh tế của chế độ, hệ thống giá trị ngày càng tan rã đang thách thức ý thức hệ, sự bảo hộ quyền dân sự từng bước mở rộng đang tạo ra thách thức ngày một nhiều đối với thẩm quyền tùy tiện của quan chức chính phủ, và tinh thần dũng cảm đang tăng lên vững vàng khiến cho hiệu quả khủng bố chính trị ngày một héo tàn.
    Đặc biệt kể từ Ngày Bốn Tháng Sáu (1989), ba trong số bốn trụ cột cần có để thiết lập quyền độc tài cá nhân đã trở nên rệu rã và thậm chí sụp đổ. Sự phụ thuộc kinh tế của cá nhân [vào chế độ] dần được thay thế bằng sự độc lập cá nhân, và việc tự nỗ lực kiếm sống đã khiến các cá nhân có được cơ sở vật chất để đưa ra các quyết định tự chủ, đồng thời khiến xã hội có nhiều mối quan tâm hơn. Sự phụ thuộc cá nhân vào các tổ chức dần được thay thế bằng chút tự do cá nhân: người Trung Quốc không còn sống trong các tổ chức vì không còn lựa chọn nào khác; thời điểm họ không xoay sở được nếu thiếu tổ chức đã qua và không bao giờ lặp lại nữa. Xã hội Trung Quốc dần dần chuyển động theo hướng tự do đi lại, dịch chuyển và lựa chọn nghề nghiệp.
    Trong lĩnh vực ý thức hệ, sự thức tỉnh nhận thức cá nhân và nhận thức về quyền đã dẫn tới sự sụp đổ của một ý thức hệ chính thức (và) thống nhất, và sự đa dạng hóa trong hệ thống giá trị đang buộc chính phủ phải tìm kiếm lời biện hộ cho sự điều chỉnh thụ động trong chính ý thức hệ của mình. Một hệ thống giá trị công dân độc lập khỏi hệ thống giá trị quan liêu đang dần thành hình, và mặc dù việc truyền bá bằng dối trá và kiểm soát ngôn luận vẫn còn, quyền lực bao trùm [của chính phủ] đã suy giảm đáng kể. Đặc biệt, cuộc cách mạng thông tin do Internet mang lại đang nhân rộng và đa dạng hóa các kênh tiếp cận thông tin và đàm luận công dân, khiến cho các phương tiện kiểm soát của chính quyền nhằm ngăn chặn thông tin và cấm đoán thảo luận chính trị gặp thất bại sâu sắc.
    Trong bốn trụ cột cai trị chuyên chế, chỉ còn có tập trung hóa chính trị và sự đàn áp thẳng tay của nó. Tuy vậy, bởi vì mẫu hình xã hội mà theo đó chính nghĩa và công lý thuộc về xã hội dân sự còn quyền lực nằm trong tay chính quyền đang dần dần hình thành nên nền chuyên chế hai lớp của thời đại Mao – hành hạ về thể chất và kìm kẹp về tinh thần – không còn nữa, và tính hiệu quả của khủng bố chính trị đã suy giảm đáng kể. Còn với sự hành hạ của chính phủ đối với các nạn nhân thì nó cũng không còn tác dụng hai lớp gồm sử dụng nhà tù để tước đi tự do cá nhân và sử dụng chỉ trích hàng loạt để bôi xấu nhân phẩm và liêm chính của họ. Ngược đãi về chính trị có thể khiến các nạn nhân chịu tổn thất kinh tế, có thể tước đi quyền tự do cá nhân của họ, nhưng nó không thể tổn hại đến thanh danh xã hội của họ và càng không thể đẩy họ rơi vào sự cô lập xã hội; và bởi vậy, nó không thể hủy hoại tính liêm chính, nhân phẩm hay tinh thần của họ. Ngược lại, nó dần biến thành phương tiện thúc đẩy vị thế đạo đức của các nạn nhân, trao cho họ vinh dự là “lương tâm công dân” hay “anh hùng sự thật” còn đám côn đồ do chính phủ thuê mướn lại trở thành công cụ “làm việc dơ bẩn”. Phần lớn những người bị bạo ngược không những không van xin sự tha thứ của chính phủ bằng việc tự phê bất tận hay chấp nhận bị sỉ nhục công khai mà ngược lại, hầu hết đều có thể khơi dậy sự tôn kính dành cho tâm huyết với công lý của họ khi họ tự bào chữa trước áp lực to lớn của tổ chức, đặt tổ chức và tòa án Đảng Cộng sản vào vị trí bị cáo đạo đức.
    Trong khi đó, tiếp theo sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu chuyên chế - cộng sản, xu hướng tự do hóa và dân chủ hóa trên toàn cầu ngày một lớn mạnh. Áp lực từ ngoại giao nhân quyền của các quốc gia chủ chốt (mainstream nations) và từ các tổ chức nhân quyền quốc tế đang khiến cho việc duy trì chế độ độc tài và chính trị khủng bố ngày càng trở nên đắt đỏ, còn hiệu quả và năng lực răn đe của việc hành hạ chính thức ngày càng giảm, khiến cho chế độ Cộng sản Trung Quốc hiện hành phải tiến hành “Cuộc trình diễn Nhân quyền” và “Cuộc trình diễn Dân chủ” hoành tráng để vừa cai trị đối nội, vừa phản ứng với bên ngoài.
    Nói cách khác, cho dù là việc luôn luôn thực thi phản kháng phi bạo lực hay dự báo rằng hệ thống tự do sẽ là “sự cáo chung của lịch sử” thì tất cả [những lý thuyết này] suy cho cùng đều quy về khía cạnh tinh thần của bản chất con người. Con người không chỉ tồn tại về thể chất mà cả tinh thần, sở hữu tinh thần đạo đức – mà cốt lõi của nó là phẩm chất làm người. Việc chúng ta đề cao phẩm chất chính là nguồn gốc tự nhiên của việc chúng ta nhận thức về công lý. Khi một hệ thống hay một đất nước cho phép mọi người sống có nhân phẩm thì nó sẽ ngay lập tức giành được sự ủng hộ của nhân dân. Đây chính là cách St. Thomas Aquinas hiểu về đạo đức chính trị: Sự cai trị tốt và có đạo đức không chỉ ở việc duy trì trật tự mà [hơn thế,] còn là xây dựng nhân phẩm. [Nếu hành động] khác đi, [chính phủ] sẽ kích thích các hình thức phản kháng khác nhau, trong đó phản kháng vì thấy trái lương tâm sẽ là một trong những hình thức chính yếu. Lý do tại sao hệ thống tự do có thể dần hay thế độc tài và kết thúc Chiến tranh Lạnh có thể được coi là sự cáo chung của lịch sử chính là vì cái trước [hệ thống tự do] thừa nhận và tôn trọng nhân phẩm, còn cái sau [độc tài] không công nhận nhân phẩm và hạ thấp nó bằng cách kéo nhân phẩm xuống bùn.
    Sự vĩ đại của phản kháng bất bạo động là cho dù con người đối mặt với chuyên chế bạo ngược và gánh chịu hậu quả nhưng nạn nhân lại đáp lại thù hận bằng tình yêu, định kiến bằng bao dung, kiêu ngạo bằng khiêm nhường, hạ nhục bằng phẩm hạnh, và bạo lực bằng lý lẽ. Như thế, bằng tình yêu khiêm tốn và đức độ, nạn nhân đã chủ động mời kẻ bạo ngược quay về với các quy tắc lý lẽ, hòa bình và thương yêu, nhờ đó phá vòng luẩn quẩn “thay thế nền chuyên chế này bằng nền chuyên chế khác.”
    Cải cách từ dưới lên đòi hỏi sự tự nhận thức của nhân dân, cùng các phong trào phản kháng dân sự hoặc các phong trào bảo vệ quyền tự khởi phát, kiên trì và liên tục mở rộng trong nhân dân.
    Trong một xã hội không tự do dưới quyền cai trị của độc tài, trong bối cảnh tạm thời thiếu vắng quyền lực có khả năng thay đổi bản chất độc tài của chế độ thì những cách thức dân sự mà tôi biết nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi xã hội Trung Quốc từ dưới lên bao gồm:
    Phong trào bảo vệ quyền phi bạo lực không nhằm vào mục tiêu giành quyền lực chính trị mà nhằm xây dựng xã hội nhân văn nơi con người có thể sống có phẩm hạnh. Điều đó có nghĩa là tìm cách mở rộng một xã hội dân sự độc lập bằng cách thay đổi cách sống của mọi người – phong cách thờ ơ, hèn nhát và sẵn lòng làm nô lệ - trước hết bằng nỗ lực mở rộng không gian và nguồn lực cho xã hội dân sự, nơi kiểm soát của chính quyền còn yếu. Sau đó, dùng phản kháng phi bạo lực để tối ưu hóa không gian xã hội do chính quyền kiểm soát, và bằng cách tăng cái giá mà chính phủ độc tài phải trả để kiểm soát không gian dân sự, giúp các quyền tự do dân sự từng bước tiến lên trong khi quyền lực của chính quyền ngày càng thu hẹp.
    Phong trào bảo vệ quyền phi bạo lực không cần phải theo đuổi mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn. Thay vì vậy, nó phải nhằm vào việc đưa tự do vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày bằng việc khởi phát các ý tưởng, diễn đạt ý kiến, và các hành động bảo vệ quyền; đặc biệt bằng việc tích lũy liên tục từng trường hợp bảo vệ quyền, nó sẽ có thể tích tụ tài nguyên đạo đức và công lý, tài nguyên tổ chức và kinh nghiệm hành động trong khu vực dân sự. Khi các lực lượng công dân chưa đủ mạnh để thay đổi toàn cục môi trường chính trị vĩ mô, ít nhất họ có thể dựa vào lương tri cá nhân và hợp tác nhóm nhỏ để thay đổi môi trường chính trị vi mô cấp độ nhỏ trong tầm tay. Ví dụ, các nhà báo kỳ cựu như Lu Yuegang và Li Datong nổi dậy chống lại hệ thống tin tức chính thức đã đạt được những kết quả rõ rệt và điều này suy cho cùng chính là việc làm đúng đắn ở phạm vi nhỏ trong tờ Thanh niên Trung Quốc (Trung Quốc Thanh niên Báo).
    Bất chấp việc phủ nhận tự do của chế độ và các thể chế của nó có mạnh mẽ ra sao thì mọi cá nhân vẫn nên dùng hết khả năng để đấu tranh nhằm được sống như một người tự do; điều đó có nghĩa là nỗ lực hết sức để sống cuộc đời trung thực, có phẩm hạnh. Trong bất cứ xã hội nào do độc tài cai trị, khi những người theo đuổi tự do một cách công khai vạch trần nó và thực hành những gì họ khuyên người khác, và chừng nào họ không sợ hãi trong những việc làm nhỏ hàng ngày, thì những điều họ nói và việc họ làm sẽ trở thành sức mạnh cơ bản có thể lật đổ hệ thống nô dịch. Nếu anh tin rằng mình có lương tri cơ bản của con người và làm theo tiếng gọi của nó, hãy thể hiện và để nó tỏa sáng trong ánh mặt trời công luận, hãy để mọi người nhìn thấy nó và đặc biệt, hãy để kẻ độc tài nhìn thấy nó.
    Ta phải không ngừng cam kết với các giá trị tự do, theo đuổi nguyên tắc khoan dung, và thúc đẩy đối thoại đa phương, nhất là khi các tiếng nói khác nhau và lựa chọn khác nhau nổi lên trong nhân dân; và ta phải coi những việc kém quan trọng hơn là sự bổ trợ cho các hình thức phản kháng nổi bật hơn, không nên tự coi mình là anh hùng tuyệt đối và đổ lỗi một cách vô lý. Bởi vì tuy đạo đức áp đặt khác với chính trị áp đặt nhưng nó vẫn khác xa với sự khoan dung mà chủ nghĩa tự do cần có. Việc một người sẵn lòng trả giá cao cho lý tưởng mà anh ta hoặc cô ta lựa chọn không đủ để biện bạch cho việc ép buộc người khác phải có những hy sinh lớn lao cho các lý tưởng ấy.
    Dù là người nằm trong hay ngoài hệ thống, làm việc từ dưới lên hay từ trên xuống, mỗi người phải tôn trọng quyền được nói của người khác. Kể cả những tuyên bố và hành động của những người gắn liền với chính phủ, miễn là họ không gây áp lực lên thảo luận độc lập giữa mọi người và phong trào bảo vệ quyền, đều phải được coi là cách khai thác các chiến lược chuyển đổi một cách hữu ích, và quyền được nói của họ phải được tôn trọng đầy đủ. Những ai vận động cho chuyển đổi từ trên xuống phải duy trì sự tôn trọng phù hợp với những cách thức khai thác từ dưới lên. Trong phạm vi tôn trọng và đối xử bình đẳng lẫn nhau, việc tranh luận và đối thoại giữa những người thuộc vị trí từ dưới lên và từ trên xuống sẽ càng giúp tạo ra sự đồng thuận trong người dân về con đường chuyển đổi. Đó chính là ý nghĩa của câu nói: “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome.” Tuy vậy, sự bao dung không đồng nghĩa với việc ngầm đồng lòng với chuyên chế, nó cũng không có nghĩa lún vào vũng lầy chủ nghĩa tương đối thuần túy. Cụ thể, nền tảng cho lập trường phi chính phủ tự do là sự đối lập vững chắc của người dân về phát ngôn và hành động đối với bất cứ đàn áp nào từ chính phủ bất kể hình thức đàn áp là đe dọa, hối lộ, chỉnh huấn, khai trừ, cấm đoán, bắt bớ hay đàn áp bằng luật.
    Nói chung, con đường thể chế thông thường nhằm đối đầu, không né tránh quyền lực độc tài xưa nay luôn hiện hữu là: [ta phải] chủ động cải thiện địa vị của số dân cư không có quyền, chứ không nên đặt hy vọng vào sự xuất hiện của một ông chủ sáng suốt hay kẻ cai trị nhân đức nào. Trong cách hành xử chiến lược giữa xã hội dân sự và chính phủ, cho dù chính sách chính thức có thay đổi thế nào thì điều quan trọng nhất vẫn là khuyến khích và hỗ trợ phong trào bảo vệ quyền công dân và nhanh chóng bám chắc vào vị trí độc lập của xã hội dân sự. Đặc biệt ở tình huống đơn độc đối đầu nền cai trị tồi giữa hàng loạt những kẻ đồng ca nịnh bợ, ta phải cam kết chỉ trích và phản đối chế độ độc tài trên cương vị của người đứng ngoài. Khi quyết định chính sách của chính quyền cứng nhắc, ta phải làm cho nó trở nên linh hoạt, khi thái độ của chính quyền được nới lỏng, ta phải tận dụng điều đó để mở rộng nguồn lực và không gian dân sự. Trong khi ủng hộ việc ra chính sách đúng đắn trong hệ thống, ta đồng thời phải duy trì vị trí người ngoài cuộc và kiên định trong việc phản biện, phê bình của mình.
    Tóm lại, công cuộc [trở thành] một xã hội tự do của Trung Quốc sẽ chủ yếu dựa vào sự cải thiện dần dần từ dưới lên chứ không phải là một cuộc cách mạng “phong cách Tưởng Kinh Quốc”. Cải cách từ dưới lên đòi hỏi sự tự nhận thức trong nhân dân và cần có các phong trào phản kháng dân sự hoặc bảo vệ quyền không ngừng mở rộng trong nhân dân. Nói cách khác, hãy theo đuổi [việc xây dựng] các lực lượng tự do và dân chủ trong nhân dân; đừng theo đuổi việc xây dựng lại xã hội thông qua thay đổi căn bản thể chế, thay vào đó hãy sử dụng sự thay đổi xã hội từ từ để thúc đẩy thay đổi chế độ. Như vậy tức là dựa vào một xã hội dân sự liên tục lớn mạnh để cải cách một chế độ thiếu vắng tính chính danh.
    Ghi chú:
    1.  Sergeyevich Gorbachev (sinh 1931) là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (nhiệm kỳ 1985-1991) trước vị Tổng bí thư cuối cùng của Đảng, và là nguyên thủ quốc gia cuối cùng của Cộng hòa XHCN Liên bang Xô Viết, nhiệm kỳ từ năm 1988 cho tới khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.
    2. Tưởng Kinh Quốc (1910-88) là chính trị gia và lãnh đạo Quốc dân Đảng. Là con trai của Tưởng Giới Thạch, ông là thủ tướng đầu tiên (1972-78) của Cộng hòa Trung Hoa (Đài Loan), sau đó là Tổng thống từ năm 1978 tới khi ông mất năm 1988. Dưới nhiệm kỳ của ông, chính phủ Cộng hòa Trung Hoa tuy toàn trị nhưng trở nên cởi mở và khoan dung hơn với đối lập chính trị. Về cuối đời, Tưởng nới lỏng kiểm soát của chính phủ đối với truyền thông và ngôn luận.
    3. Xem Francis Fukuyama, “The End of History?” National Interest, Số 16 (Mùa hè 1989): tr. 3-18. (Bản dịch tiếng Việt có tại: http://nghiencuuquocte.net/2013/07/28/38-su-cao-chungcua-lich-su/)
    4. Năm 1987, Tổng thống Tưởng Kinh Quốc chấm dứt quân luật ở Đài Loan và bắt đầu quá trình dần tự do hóa chính trị, cho phép các nhóm đối lập được hình thành.
    Nguồn:http://nghiencuuquocte.net/wp-content/uploads/2013/08/nghiencuquocte-net-56-luu-hieu-ba-ve-cong-cuoc-tim-kiem-dan-chu-cua-tq.pdf
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org