Plato – cha đẻ của nhà nước không tưởng toàn trị

Posted on
  • Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: , ,
  • Richard M. Ebeling
    Phạm Nguyên Trường dịch
    Đối với Plato (428 TCN - 348 TCN), con người không thể tự cấp tự túc; việc họ không thể thỏa mãn được tất cả các nhu cầu của mình bằng lao động của chính mình, là nguồn gốc của xã hội. Mỗi người có những phẩm chất cố hữu nào đó, chúng làm cho người đó làm một số việc thành thạo hơn những việc khác. Bằng cách và thông qua chuyên môn hóa công việc, các thành viên của cộng đồng có thể cải thiện điều kiện vật chất của mình bằng cách làm ra những món hàng mà họ có kĩ năng cao nhất, rồi đem đổi chúng lấy những thứ khác mà họ cần, tức là những thứ mà những người khác sản xuất với kĩ năng cao nhất và đem ra trao đổi.

    Nhưng Plato bảo vệ phân công lao động không chỉ dựa, hay chủ yếu dựa vào sự vượt trội về năng suất. Thay vào đó, lý do cho dàn xếp xã hội là đạo đức. Với sự đa dạng về bản chất và kỹ năng của con người, Plato khẳng định rằng mỗi người phải làm những cái thuộc về “bản chất” của mình, và khi làm như vậy là họ làm trọn vẹn điều “tốt nhất” trong “bản chất” của họ. Và, do đó, họ làm “điều thiện”.

    Ước muốn sơ đẳng của con người, Plato nói, là thức ăn, chỗ ở và quần áo. Các thành bang phải có sự phân công lao động nội bộ đủ lớn để có thể chứa được đủ các thành viên với những kỹ năng và khả năng khác nhau, để đảm bảo rằng những ước muốn cơ bản đó có thể được thỏa mãn.

    Nhưng một người học trò đã hỏi Plato rằng đấy có phải đơn thuần là “thành phố của những con lợn” hay không.

    Plato thừa nhận rằng nếu thành bang phải đáp ứng cả nhu cầu thiết yếu của con người và những khía cạnh “cao hơn” và văn hóa hơn trong đời sống tiềm tàng của họ, thì thành phố phải mở rộng tới quy mô đủ lớn để có đủ dân số, đất đai và các nguồn lực nhằm thỏa mãn những đòi hỏi cao hơn cũng như có văn hóa hơn.

    Các thành bang khác cũng ở trong tình trạng tương tự như thế. Mâu thuẫn giữa các thành bang sẽ phát sinh khi mỗi thành bang đều tìm cách mở rộng ra và lấy của các thành bang khác những thứ mà họ có. Kết quả là, chiến tranh là không thể tránh khỏi. Để tự bảo vệ mình khỏi các thành bang đối địch và mở rộng để có dân số, đất đai, tài nguyên cần cho đời sống văn hoá “cao hơn”, bất kỳ thành bang nào cũng cần một nhóm người đàn ông chuyên làm một việc, được đào tạo và có kỹ năng nhằm bảo vệ và chinh phục lãnh thổ, tài nguyên, và nô lệ để làm những công việc cần phải làm.

    Plato và chủ nghĩa cộng sản của các chiến binh

    Thành bang cần giai cấp “những người giám hộ” hay “các chiến binh”. Nhưng, vấn đề đặt ra là, Plato nói: Cái gì sẽ bảo vệ các công dân của thành bang khỏi những người giám hộ, tức là những người có khả năng sử dụng kỹ năng chiến đấu của mình nhằm chống lại những người mà các chiến binh có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống và nhu cầu của những người đó? Cái gì bảo vệ những người chống lại những chiến binh kia?

    Điều đó dẫn Plato tới thái độ phê phán sở hữu tư nhân. Ở đâu người ta có thể sở hữu tài sản, Plato tuyên bố, thì ở đó có lòng ham muốn chiếm hữu và sở hữu. Không phải là “lợi ích chung” của thành phố, mà là những ham muốn tư lợi của cá nhân là động cơ khi người ta có thể giành được và sở hữu tài sản tư nhân.

    Đối với Plato, hệ thống các giá trị chia thành các bậc như sau: “linh hồn”, “cơ thể”, và “của cải”. Giai cấp những người giám hộ mà có quyền sở hữu tài sản sẽ thì sẽ bị cám dỗ, do đó, họ sẽ theo đuổi những mục tiêu “thấp hèn nhất” chứ không phải là “cao quí nhất” của con người - theo đuổi của cải vật chất chứ không phải là sự tìm kiếm “sự thật” và “đức hạnh”.

    Như vậy là, trong nước Cộng hòa lý tưởng của Plato, những người giám hộ sẽ từ bỏ quyền sở hữu vật chất. Những người giám hộ sẽ sống cùng nhau trong doanh trại tập thể; họ sẽ cùng ăn; cùng mặc những bộ quần áo giản dị và giống nhau. Phụ nữ cũng là của chung, và để ngăn chặn tính tự lợi liên quan tới con cái, con của người giám hộ là phụ nữ sẽ bị đem đi ngay sau khi vừa chào đời.

    Giả định của Plato là môi trường xã hội - các thiết chế chính trị và kinh tế, mà người ta sống và làm việc – quyết định tính chất của những hành vi của họ. Thay đổi các thiết chế xã hội và kinh tế - trong trường hợp này là chuyển từ sở hữu tư nhân sang sở hữu của cộng đồng và chia sẻ - và là có thể thay đổi được con người từ những người vì mình thành những người vì người khác.

    Giả định của Plato là nếu ta phủ nhận khả năng giành và sở hữu tài sản và của cải cá nhân thì họ sẽ không còn quan tâm đến lợi ích và ham muốn cá nhân nữa. Thay vào đó, họ sẽ chỉ quan tâm đến bản thân mình và đặt mục tiêu là cải thiện điều kiện sống của “tất cả” những người chia sẻ tài sản chung hoặc tài sản của công xã, và cộng đồng.

    Vì vậy mà, trong tâm trí của Plato không có “bản chất người” bất biến, hoặc không bao giờ thay đổi. Thay đổi các thiết chế xã hội và ta có thể thay đổi tính cách và phẩm chất của con người.

    Nước cộng hòa lý tưởng của Plato là xã hội của mệnh lệnh 

    Trong nhà nước lý tưởng của Plato có người cai trị và kẻ bị trị. Một trong những trách nhiệm của những người giám hộ là giúp lựa chọn cấp bậc và vị trí mà mỗi thành viên trong xã hội phải giữ.

    Thật vậy, mọi khía cạnh của đời sống của mỗi cá nhân đều phải được nhà nước kiểm soát và chỉ đạo. Plato từng nói:

    Nguyên tắc căn bản là: không có người nào, cả nam lẫn nữ, bị bỏ lại ngoài vòng kiểm soát, và cũng không có ai, dù đang làm việc hay đang chơi, được có ý nghĩ trong đầu là tập hành động đơn lẻ và theo sáng kiến của mình, mà phải luôn luôn sống, cả trong chiến tranh lẫn trong hòa bình, với đôi mắt thường xuyên nhìn vào người chỉ huy của mình và đi theo hướng dẫn của người đó.

    Những người cai trị phải xác định và điều tiết một cách cứng rắn nền kinh tế trong nước. Theo lời Plato thì:

    Những người ban hành luật phải tham khảo các chuyên gia trong tất cả các lĩnh vực bán lẻ, và ở những cuộc họp đó, họ phải xem xét lợi nhuận và chi phí trung bình để tạo ra thu nhập vừa phải cho người kinh doanh, và lợi nhuận và chi phí trung bình, đạt được, phải được mô tả bằng văn bản; và những người quản lý thị trường, những người quản lý thành phố, và những người quản lý nông thôn, mỗi người trong lĩnh vực riêng của mình đều phải bám vào đó.

    Những người cai trị phải kiểm soát và điều tiết tất cả các ngành, cả thương mại lẫn sản xuất, cả bên trong thành bang và với các các thành bang khác. Người dân sẽ không được tự do đi lại từ thành bang này sang thành bang khác. Mối tương tác như vậy, Plato nói, gây ra nguy cơ là có sự pha trộn giữa các nền văn hóa, có thể làm suy yếu nghiêm trọng “chính thể tốt dưới những bộ luật đúng đắn”.

    Chỉ những người trên 50 tuổi và được chính quyền nhà nước chấp thuận thì mới được gửi ra nước ngoài để quan sát việc làm của các dân tộc khác và để tìm hiểu những điều có thể hữu ích để học hỏi nhằm cải thiện thành bang của chính mình. Họ phải là những người “có cống hiến to lớn” và “liêm khiết” theo nghĩa là những điều mắt thấy, tai nghe trong những chuyến đi nước ngoài không làm cho hư hỏng. Plato nói:

    Nhưng mặt khác, nếu thanh tra viên như vậy bị thoái hóa khi trở về, mặc cho những kỳ vọng về sự khôn ngoan của người đó, người đó sẽ bị cấm kết giao với bất cứ người nào, dù già hay trẻ; nếu tuân theo các quan tòa, thì hắn sẽ sống như một người ẩn dật, còn nếu không, người đó sẽ bị xử tử.

    Không có gì nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Không có khía cạnh nào của cuộc sống cá nhân còn là vấn đề riêng tư. Trong đó, nhiệm vụ của những người cai trị là duy trì kiểm soát nghiêm ngặt dân số để đảm bảo qui mô “phù hợp” của thành bang lý tưởng. Dân số sẽ là 5.040 người - đủ lớn để có sự phân công lao động cần cho việc thực hiện các nhiệm vụ, nhưng vẫn đủ nhỏ, để cho tất cả mọi người đều quen biết nhau.

    Ngoài ra, sinh sản sẽ được lựa chọn để đảm bảo toàn thể công dân đều “khỏe mạnh”. Dân cư dư thừa sẽ được gửi ra nước ngoài để lập ra các khu định cư hoặc trẻ sơ sinh sẽ bị bỏ cho chết.

    Plato là cha đẻ của nhà nước toàn trị

    Vì những lý do đó mà đôi khi người ta gọi Plato cha đẻ về mặt trí tuệ của chủ nghĩa tập thể về chính trị và kinh tế, và nhà nước độc tài toàn trị. Có thể tìm được trong các trước tác của Plato kế hoạch chi tiết cho nền kinh tế chỉ huy toàn diện và tuyệt đối cũng như được kế hoạch hóa:

    Tiền lương và giá cả do nhà nước qui định; những người giám hộ quyết định việc phân bổ dân số trong hệ thống phân công lao động bằng cách phân cho mỗi người, ngay từ khi còn nhỏ, một nghề hoặc nhiệm vụ cụ thể, phải làm suốt đời. Toàn bộ công việc buôn bán trong nước và quốc tế đều do nhà nước kiểm soát và điều tiết, theo “nhu cầu phù hợp lý” của thành bang; nhà nước cũng quản lí chặt chẽ những thứ mà người dân có thể học hỏi và chia sẻ về các xã hội khác. 

    Trong tác phẩm The Open Society and Its Enemies (Xã hội mở và những kẻ thù của nó - 1945), triết gia Sir Karl Popper, đưa ra kết luận như sau:

    Chưa có người nào căm thù cá nhân chân thành hơn… [Plato] căm thù cá nhân và quyền tự do của cá nhân ... Trong lĩnh vực chính trị, đối với Plato cá nhân chính là cái ác ... Ông chỉ quan tâm tới toàn bộ tập thể, và công lý, đối với ông, chỉ là sức khỏe, sự thống nhất, và ổn định của tập thể.

    Tầm nhìn và “lý tưởng” của Plato đã trở thành nguồn cảm hứng và tiêu chuẩn cho giai đoạn dài trong thế kỷ XX, dưới cái tên là Nhà nước toàn trị, diễn ra bằng cả hình thức cộng sản lẫn phát xít.

    Richard M. Ebeling là Giáo sư về đạo đức học và lãnh đạo doanh nghiệp ở The Citadel at Charleston, Nam Carolina. Ông là chủ tịch của Tổ chức Giáo dục Kinh tế (FEE) từ năm 2003 đến năm 2008.

    Nguồn: http://phamnguyentruong.blogspot.com/2016/10/plato-cha-e-cua-nha-nuoc-khong-tuong.html
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org