Biên dịch: Lương
Khánh Ninh
Biên tập: Lê
Hồng Hiệp
Tự do và đặc quyền
đặc lợi
Trừ các trường hợp
ngoại lệ của một vài vị đại sứ và các lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính quyền,
các đảng phái ở Mỹ không còn làm công việc phân phối các vị trí trong chính quyền
cho những người trung thành chính trị với họ. Nhưng việc đổi quyền lực chính trị
lấy tiền bạc đã xuất hiện một cách ngấm ngầm dưới hình thức hoàn toàn hợp pháp
và khó xóa bỏ hơn rất nhiều. Tội danh hối lộ trái phép được định nghĩa hạn hẹp
trong luật pháp Mỹ là một giao dịch mà trong đó một chính trị gia và một bên tư
nhân lộ liễu nhất trí thực hiện một trao đổi có đi có lại nào đó. Điều không được
pháp luật tính đến là cái được các nhà sinh học gọi là “lòng tốt có đi có lại”
(reciprocal altruism), hay cái mà một nhà nhân học có thể gọi là hành vi trao đổi
quà tặng. Trong mối quan hệ “lòng tốt có đi có lại”, một người trao cho một người
khác một lợi ích nào đó mà không kỳ vọng lộ liễu là sẽ nhận được một ân huệ đáp
trả từ bên kia.
Thật vậy, nếu một
người tặng quà cho một người khác và ngay lập tức đòi hỏi một món quà đáp lại
thì người nhận có thể sẽ cảm thấy bị xúc phạm và từ chối nhận món quà. Trong một
cuộc trao đổi quà tặng, người nhận không phải gánh chịu một nghĩa vụ pháp lý
cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cụ thể nào mà thay vào đó là một nghĩa vụ đạo đức
đáp trả lại tấm thịnh tình bằng một cách nào đó trong tương lai. Đây chính là
loại giao dịch làm nền tảng cho ngành công nghiệp lobby ở Mỹ phát triển.
Lựa chọn thân
quyến và “lòng tốt có đi có lại” là hai phương thức tự nhiên của đời sống xã hội
loài người. Các quốc gia hiện đại tạo ra những luật lệ và động lực hà khắc để
chiến thắng xu hướng thiên vị gia đình và bạn bè, bao gồm các thực tiễn như thi
tuyển công chức, chứng nhận thành tích, quản lý các xung đột lợi ích và các luật
chống hối lộ và tham nhũng. Nhưng lực lượng đời sống xã hội tự nhiên quá mạnh mẽ
đến độ nó liên tục tìm ra cách để luồn lách vào hệ thống.
Xuyên suốt nửa
thế kỷ qua, nhà nước Hoa Kỳ đã tái biến chuyển theo hình thức “chủ nghĩa thế tập”
(repatrimonialized),[1] rất giống với nhà nước Trung Hoa thời
Hậu Hán, chế độ Mamluk ở Thổ Nhĩ Kỳ ngay trước khi quốc gia này bại trận trước
người Ottoman, và nhà nước Pháp dưới chế độ cũ. Các luật lệ ngăn cản chủ nghĩa
gia đình trị vẫn còn đủ mạnh để ngăn ngừa sự thiên vị công khai khỏi trở thành
một đặc tính phổ biến của nền chính trị Mỹ đương đại (mặc dù rất thú vị khi nhận
thấy có sự mong muốn thôi thúc hình thành nên những triều đại chính trị mạnh mẽ
đến mức nào với những gia đình như nhà Kennedy, nhà Bush, nhà Clinton,…). Các
chính trị gia không dành tặng chức vụ cho thành viên gia đình của họ mà điều họ
làm là tham gia vào những việc xấu trên danh nghĩa gia đình, chẳng hạn như nhận
tiền hay ân huệ từ những nhóm lợi ích và những người vận động hành lang để đảm
bảo rằng con cái của họ sẽ có cơ hội học tập ở những trường dành cho giới tinh
hoa.
“Lòng tốt có đi
có lại” trong khi đó ngày càng trở nên phổ biến ở Washington và là kênh chủ đạo
mà qua đó các nhóm lợi ích đã làm thoái hóa chính quyền. Như luật gia Lawrence
Lessig chỉ ra, các nhóm lợi ích có thể gây ảnh hưởng đến các thành viên Quốc hội
chỉ đơn giản bằng cách hiến tặng tiền và chờ đợi những ân huệ không xác định.
Và đôi lúc, nhà làm luật lại chính là người khởi xướng việc trao đổi quà, tạo
điều kiện cho một nhóm lợi ích nào đó với kỳ vọng ông ta sẽ nhận được lợi ích từ
họ sau khi rời nhiệm sở.
Sự bùng nổ về số
lượng các nhóm lợi ích và các nhóm vận động hành lang đã trở nên rất đáng ngạc
nhiên, số lượng các doanh nghiệp có nhân viên đăng ký vận động hành lang tăng từ
175 doanh nghiệp trong năm 1971 lên đến khoảng 2.500 doanh nghiệp sau mười năm,
và đến năm 2009 có 13.700 nhà vận động hành lang với khoản chi tiêu khoảng 3,5
tỉ đôla Mỹ. Một vài học giả lập luận rằng tất cả số tiền và hoạt động này không
cho thấy một sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách giống như mong muốn của
những nhà vận động hành lang, điều mà mới nhìn qua ta thấy thật vô lý. Nhưng
thường thì tác động tạo bởi các nhóm lợi ích và các nhà vận động hành lang
không để nhằm kích thích tạo ra chính sách mới mà để biến những luật lệ hiện
hành trở nên tồi tệ hơn. Quá trình làm luật ở nước Mỹ luôn luôn rời rạc hơn ở
những quốc gia có hệ thống nghị viện và các đảng phái có tính kỷ luật cao. Sự lộn
xộn của các ủy ban quốc hội đi kèm với quyền tài phán chồng chéo lẫn nhau thường
dẫn đến nhiều sứ mệnh được ban hành cùng một lúc và xung đột lẫn nhau. Quá
trình làm luật phi tập trung hóa này sản sinh ra những luật không ăn nhập với
nhau và gần như mời gọi sự dính líu của các nhóm lợi ích, những người mà nếu
không đủ quyền lực để định hình toàn bộ các luật lệ thì chí ít cũng có thể bảo
vệ lợi ích riêng của họ.
Để lấy ví dụ, dự
luật chăm sóc sức khỏe được chính quyền Obama theo đuổi năm 2010 đã bị biến dạng
thành một thứ quái dị trong quá trình làm luật, đó là kết quả của tất cả những
nhượng bộ và chi phí bên lề cho các nhóm lợi ích bao gồm từ các bác sĩ đến các
công ty bảo hiểm rồi ngành công nghiệp dược phẩm. Trong những trường hợp khác,
những nhóm lợi ích gây tác động nhằm ngăn chặn những đạo luật gây phương hại đến
lợi ích của họ. Hành động ứng phó đơn giản nhất cũng như hiệu quả nhất đối với
cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và các gói cứu trợ dùng tiền thuế của dân
dành cho các ngân hàng lớn mà rất không được lòng dân chính là một đạo luật đặt
ra mức trần cứng cho quy mô của các thể chế tài chính hoặc một đạo luật nâng mức
yêu cầu về vốn một cách đáng kể, một cách làm cũng có hiệu quả tương tự. Nếu một
hạn mức về quy mô như đã nói tồn tại, những ngân hàng nào chấp nhận rủi ro dạt
dột sẽ có thể bị phá sản mà không kích hoạt một cuộc khủng hoảng mang tính hệ
thống cũng như một gói cứu trợ từ chính phủ. Giống như Đạo luật Glass-Steagall
trong thời kỳ Suy thoái, một đạo luật như vậy có thể được viết vẻn vẹn trong
vài trang giấy. Nhưng khả năng này đã không được cân nhắc một cách nghiêm túc
trong quá trình xem xét của quốc hội về các quy chế tài chính.
Thay vào đó, Đạo
luật Bảo vệ người tiêu dùng và cải cách Phố Wall Dodd-Frank nổi lên nhưng trong
khi chẳng giải quyết được gì, đạo luật này chiếm đến hàng trăm trang giấy và đòi
hỏi cần có thêm hàng xập giấy khác để ghi các luật lệ chi tiết hơn, điều sẽ tạo
ra những khoản chi phí khổng lồ đối với ngân hàng và người tiêu dùng. Thay vì
chỉ đơn thuần giới hạn quy mô các ngân hàng, đạo luật này tạo ra Hội đồng giám
sát ổn định tài chính, cơ quan được giao nhiệm vụ khổng lồ về đánh giá và quản
lý các thể chế có nguy cơ gây ra những rủi ro hệ thống, một nước cờ mà sau cùng
cũng sẽ không giải quyết được vấn đề của các ngân hàng là “quá lớn để có thể bị
phá sản”. Mặc dù không ai sẽ có thể tìm thấy một bằng chứng nào cho thấy có mối
liên hệ giữa các khoản đóng góp của các nhà băng cho các chiến dịch tranh cử của
các nghị sĩ với những phiếu bầu của các thành viên Quốc hội, nhưng thật đáng ngờ
nếu cho rằng hàng đạo quân vận động hành lang của ngành ngân hàng lại không có ảnh
hưởng lớn nào tới việc ngăn chặn một giải pháp đơn giản hơn, đó là chia nhỏ các
ngân hàng lớn hoặc bắt các ngân hàng này tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt về
vốn.
Những người dân
Mỹ bình thường bày tỏ sự khinh miệt đối với ảnh hưởng của nhóm lợi ích và tiền
bạc lên Quốc hội một cách rộng rãi. Ý niệm cho rằng tiến trình dân chủ bị ung
nhọt thoái hóa hoặc bị chiếm đoạt không phải là mối lo riêng của hai cực trong
phổ chính trị; cả những người Cộng hòa thuộc phe Đảng Trà và những người Dân chủ
tự do đều tin rằng nhóm lợi ích đang gây ra những ảnh hưởng quá lớn và đang
ngày càng lớn dần lên. Kết quả là, các lá phiếu khảo sát cho thấy niềm tin của
người dân vào Quốc hội đã tụt xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử, suýt chút nữa
thì không lên được đến hai con số – và những người trả lời khảo sát có cái lý của
họ. Nói về những nhân vật thuộc giới tinh hoa ở Pháp trước Cách mạng, Alexis de
Tocqueville cho rằng họ đã nhầm lẫn đặc quyền với tự do, điều này có nghĩa là,
họ tìm kiếm sự bảo hộ từ quyền lực của chính quyền, mà thứ quyền lực này chỉ để
bảo vệ họ chứ không phải tất cả công dân. Ở nước Mỹ hiện đại, giới tinh hoa nói
thứ ngôn ngữ của tự do nhưng hoàn toàn vui vẻ thỏa hiệp vì đặc quyền đặc lợi.
Điều Madison đã
nhầm
Nhà kinh tế học
Mancur Olson đã đưa ra một trong những luận điểm nổi tiếng nhất về tác động
tiêu cực của nền chính trị chịu ảnh hưởng của nhóm lợi ích lên tăng trưởng kinh
tế và sau cùng là nền dân chủ trong cuốn sách The Rise and Decline of
Nations (Sự Trỗi dậy và Suy tàn của các Quốc gia) phát hành năm
1982. Đặc biệt xem xét sự suy thoái kinh tế dài hạn của Vương quốc Anh xuyên suốt
thế kỷ 20, ông lập luận rằng trong những giai đoạn hòa bình và ổn định, nền dân
chủ có xu hướng tích lũy một số lượng nhóm lợi ích ngày càng tăng. Thay vì theo
đuổi các hoạt động kinh tế tạo ra của cải, các nhóm này sử dụng hệ thống chính
trị để tìm kiếm lợi nhuận hay đặc quyền kinh tế cho bản thân. Các đặc quyền này
không tạo ra giá trị sản xuất cho xã hội và gây thiệt hại cho công chúng nói
chung. Tuy nhiên, công chúng nhìn chung khó hành động tập thể và không có khả
năng tổ chức hiệu quả như ngành ngân hàng hay những người trồng ngô vv… để bảo
vệ lợi ích của họ. Kết quả là sự chệch hướng trong việc sử dụng năng lượng vào
các hoạt động tìm kiếm đặc lợi ngày càng tăng cùng với thời gian, một quá trình
mà chỉ có thể bị ngăn lại bởi một cú sốc chẳng hạn như một cuộc chiến tranh hay
một cuộc cách mạng.
Câu chuyện nặng
màu tiêu cực này về nhóm lợi ích tương phản với câu chuyện về những ích lợi của
các tổ chức dân sự hay tổ chức tình nguyện đối với sự lành mạnh của nền dân chủ.
Tocqueville viết trong cuốn Democracy in America (Nền Dân trị
Mỹ) rằng người Mỹ có xu hướng mạnh mẽ hướng tới việc hình thành các hiệp hội tư
nhân, ông lập luận những tổ chức này là trường học của nền dân chủ bởi chúng dạy
các cá nhân kỹ năng làm việc cùng nhau vì những mục đích công cộng. Tự thân cá
thể thì yếu đuối; chỉ bằng cách chung tay làm việc vì những mục đích công cộng
họ mới có thể chống lại chính quyền chuyên chế tàn bạo. Quan niệm này được tiếp
tục phát triển vào cuối thế kỷ 20 bởi những học giả như Robert Putnam, người lập
luận rằng chính xu hướng tổ chức này của người Mỹ – cái gọi là “vốn
xã hội” (social capital) – vừa tốt nhưng cũng vừa có hại cho nền dân chủ.
Chính Madison
cũng có quan điểm tương đối hiền từ đối với nhóm lợi ích. Ông lập luận, thậm
chí nếu một ai đó không đồng tình với những mục tiêu mà những nhóm này theo đuổi,
sự đa dạng của các nhóm trên toàn nước Mỹ cũng là đủ để ngăn ngừa sự thống trị
của bất kỳ một nhóm nào đó trong số họ. Như nhà khoa học chính trị Theodore
Lowi đã chỉ ra, lý thuyết chính trị “đa nguyên” (pluralist) của thế kỷ 20 cũng
có cùng quan điểm với Madison: sự hỗn tạp của các nhóm lợi ích sẽ cùng tương
tác lẫn nhau để hình thành lợi ích công cộng, cũng giống như sự cạnh tranh
trong thị trường tự do sẽ tạo ra lợi ích công nhờ các cá thể theo đuổi lợi ích
cá nhân hạn hẹp của họ. Chính quyền không có cơ sở nào để điều chỉnh quá trình
này, bởi vì không có thẩm quyền nào có thể định ra lợi ích công lại đứng cao
hơn những mối quan tâm hạn hẹp của các nhóm lợi ích. Tòa án Tối cao, trong các
vụ án Buckley v. Valeo và Citizens United, với
những quyết định đã đánh đổ những giới hạn nhất định đối với chi tiêu cho các
chiến dịch của nhóm lợi ích, trên thực tế đã xác nhận sự nhìn nhận mang tính
nhân từ đối với cái mà Lowi gọi là “chủ nghĩa tự do lợi ích nhóm”.
Làm sao có thể
dung hòa hai câu chuyện đối nghịch lẫn nhau này? Cách rõ ràng nhất ở đây là cố
gắng phân biệt một tổ chức dân sự “tốt” với một nhóm lợi ích “xấu”. Có thể nói
tổ chức dân sự tốt được thúc đẩy bởi niềm đam mê, trong khi cái còn lại lấy động
cơ lợi ích để hoạt động. Một tổ chức dân sự có thể là phi lợi nhuận ví dụ như một
nhà thờ tìm cách xây dựng nhà ở cho người nghèo hoặc một tổ chức vận động hành
lang thúc đẩy chính sách mà nó cho là phục vụ lợi ích công cộng như bảo vệ môi
trường sinh thái ven biển. Một nhóm lợi ích có thể là một doanh nghiệp vận động
hành lang đại diện cho ngành công nghiệp thuốc lá hoặc những ngân hàng lớn, với
mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của những công ty này.
Thật không may,
sự phân định này không thể đứng vững nếu suy xét tỉ mỉ về mặt lý thuyết. Việc một
nhóm tự tuyên bố nó hoạt động vì lợi ích công không có nghĩa là nhóm này thực sự
làm vậy. Ví dụ, một nhóm vận động y tế mong muốn tiền được phân bổ vào việc
phòng chống một dịch bệnh nào đó có thể làm nhiễu loạn các ưu tiên công cộng bằng
cách chuyển công quỹ dành cho những bệnh dịch khác phổ biến và có sức hủy diệt
hơn (sang chống bệnh dịch mà họ muốn) chỉ bởi vì nhóm này làm công tác quan hệ
công chúng tốt hơn. Thêm vào đó, bởi vì một nhóm lợi ích có tính tư lợi không
có nghĩa là các tuyên bố của tổ chức này không hợp pháp hoặc tổ chức này không
có quyền được đại diện trong hệ thống chính trị. Nếu như một luật lệ được suy
tính không đến nơi đến chốn gây thiệt hại nặng nề cho lợi ích của một ngành
công nghiệp và những nhân công trong ngành đó, nhóm lợi ích liên quan có quyền
cho Quốc hội biết điều này. Thực tế cho thấy, những nhà vận động hành lang như
vậy thường nằm trong số những nguồn tin quan trọng nhất về những hậu quả gây ra
bởi các hành động của chính phủ.
Luận điểm nổi bật
nhất chống lại chủ nghĩa đa nguyên lợi ích nhóm có liên quan tới tính đại diện
bị bóp méo. Trong cuốn sách The Semisovereign People (Những
người dân chỉ có một nửa chủ quyền) xuất bản năm 1960, E. E. Schattschneider lập
luận rằng thực tiễn dân chủ ở Hoa Kỳ không có bất kỳ mối liên hệ nào với hình ảnh
được nhiều người biết đến như một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Ông
cũng lưu ý rằng, các kết quả của quá trình chính trị hiếm khi phù hợp với những
ưu tiên được nhiều người ủng hộ, mức độ tham gia của người dân vào chính trị và
ý thức chính trị của họ ở mức rất thấp, và những quyết định thực sự được đưa ra
bởi những nhóm lợi ích nhỏ hơn rất nhiều nhưng được tổ chức bài bản. Một lập luận
tương tự cũng xuất hiện trong lý luận căn bản của Olson khi ông cho rằng không
phải tất cả các nhóm lợi ích sở hữu năng lực tổ chức tương đương trong việc thực
hiện hành động tập thể. Những nhóm lợi ích cạnh tranh lẫn nhau để có được sự
chú ý của Quốc hội không đại diện cho tất cả người dân Mỹ nhưng lại là những bộ
phận được tổ chức bài bản nhất và cũng là những bộ phận được cung cấp nguồn tài
chính dồi dào nhất của xã hội Mỹ. Điều này có xu hướng chống lại lợi ích của những
người không có tổ chức, thường là những người nghèo, không được giáo dục đầy đủ,
hoặc nếu không là vậy thì cũng là những người sống bên lề xã hội.
Nhà khoa học
chính trị Morris Fiorina đã đưa ra những bằng chứng quan trọng cho cái mà ông gọi
là “tầng lớp chính trị” ở Mỹ bị phân cực hơn người dân nói chung. Nhưng phần
đông những người ủng hộ lập trường trung dung không nhiệt thành lắm với quan điểm
này và đa số họ không có tổ chức. Điều này có nghĩa là nền chính trị được xác định
bởi những nhà hoạt động được tổ chức bài bản, dù là trong các đảng phái và Quốc
hội, giới truyền thông hay trong các nhóm lợi ích hay nhóm vận động hành lang. Tổng
thể các nhóm hoạt động này không tạo ra một lập trường thỏa hiệp; thay vào đó
là tình trạng phân cực hóa và nền chính trị bế tắc.
Còn có một vấn đề
nghiêm trọng hơn trong quan điểm đa nguyên này vốn nhìn nhận lợi ích công cộng
chỉ là một tập hợp của những lợi ích cá nhân: quan điểm này triệt tiêu cơ hội
thảo luận và quá trình mà nhờ đó những ưu tiên cá nhân được định hình nhờ đối
thoại và giao tiếp. Nền dân chủ kinh điển Athen và kỳ họp thị trấn New England
được Tocqueville ca tụng đều là những trường hợp trong đó những công dân nói
chuyện trực tiếp với nhau về những lợi ích chung trong cộng đồng của họ. Thật dễ
dàng lý tưởng hóa các ví dụ về dân chủ quy mô nhỏ này, hoặc giảm thiếu tối đa sự
khác biệt tồn tại trong những xã hội lớn hơn. Nhưng như bất kỳ người tổ chức
nhóm thảo luận chuyên sâu nào sẽ nói với bạn, quan điểm của người dân về những
chủ đề dễ gây xúc động, từ nhập cư đến phá thai và ma túy, sẽ thay đổi chỉ sau
30 phút thảo luận trực tiếp với những người có quan điểm khác biệt, với điều kiện
tất cả bọn họ đều được cung cấp thông tin giống nhau và những nguyên tắc nền tảng
của phép lịch sự. Thêm vào đó, một trong những vấn đề của chủ nghĩa đa nguyên
là giả định cho rằng lợi ích là cố định và rằng vai trò của nhà làm luật chỉ
đơn thuần là đai dẫn truyền cho những lợi ích ấy thay vì có quan điểm của riêng
ông ta được hình thành nhờ thảo luận.
(Còn tiếp)
Francis Fukuyama
là Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Dân chủ, Phát triển và Pháp quyền tại
Đại học Stanford. Bài tiểu luận này được chuyển thể từ cuốn sách của ông, Political
Order and Political Decay: From the French Revolution to the Present (Trật
tự chính trị và suy thoái chính trị: Từ Cách mạng Pháp cho tới ngày nay)
(Farrar, Straus and Giroux, 2014).
Nguồn:http://nghiencuuquocte.org/2015/08/26/nuoc-my-suy-thoai-chinh-tri-p3/