Nhà nước đảng trị

Posted on
  • Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Milovan Đilas
    Phạm Minh Ngọc dịch
    1.
    Cơ chế quyền lực cộng sản có thể là cơ chế đơn giản nhất mà người ta có thể nghĩ ra được, kết quả là nó tạo ra những hình thức đàn áp tinh vi nhất và bóc lột dã man nhất.

    Cơ chế này cực kì đơn giản, tại chóp bu của mọi hoạt động chính trị, kinh tế và tư tưởng là một đảng duy nhất, đảng của những người cộng sản. Xã hội giậm chân tại chỗ, hay vận động với tốc độ rùa bò hay lao vào những khúc quanh chóng mặt, tất cả phụ thuộc vào các quyết định của tổ chức đảng.
    Vì vậy công dân trong các hệ thống cộng sản hiểu ngay điều gì được phép làm, còn điều gì thì không. Không phải là luật pháp mà là quan hệ bất thành văn giữa chính quyền và thần dân của nó đã trở thành “phương hướng hành động” chung cho tất cả mọi người.
    Ai cũng hiểu rằng quyền lực, bất chấp luật pháp, nằm trong tay các tổ chức đảng và cảnh sát mật. “Vai trò lãnh đạo của đảng” không thấy ghi trong bất kì điều luật nào, nhưng lại thấm vào mọi tổ chức và mọi lĩnh vực hoạt động; không thấy ở đâu nói rằng cảnh sát mật của đảng có quyền theo dõi các công dân, nhưng cảnh sát vẫn là lực lượng đầy uy quyền; không có tài liệu nào nói rằng toà án và viện kiểm sát phải báo cáo với tổ chức đảng và cảnh sát mật, nhưng sự thật là như thế. Sự thật là như thế đối với nhiều người đã không còn là bí mật, đa số đều biết. Người ta cũng biết rằng cái gì được phép, cái gì bị cấm và ai có quyền cấm. Đấy là lí do vì sao người ta có thể thích ứng được với hiện thực và bất kì vấn đề gì họ cũng giải quyết với tổ chức đảng hoặc tổ chức nằm dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng.
    Việc quản lí các tổ chức xã hội được thực hiện bằng một phương pháp đơn giản sau đây: các đảng viên ở đó thành lập đảng đoàn và đưa ra mọi quyết định sau khi đã thoả thuận với cấp lãnh đạo bên trên. Đấy chỉ là sơ đồ chung. Trong thực tế, nếu tổ chức do một người có quyền lực trong đảng lãnh đạo thì nó không cần phải thoả thuận về những vấn đề không quan trọng với ai hết. Ngoài ra, những đảng viên đã quen với hệ thống sẽ biết vấn đề nào là quan trọng, vấn đề nào không vì cấp trên chỉ quan tâm đến những vấn chung, có tính nguyên tắc hay có tính chất đặc biệt mà thôi. Đảng đoàn tồn tại để khi cần có tiếng nói cuối cùng của đảng, còn những người bầu ra tổ chức ấy nghĩ gì thì nó không thèm quan tâm.
    Cội nguồn của phương pháp quản lí và thực thi quyền lực của đảng, cũng như của chế độ toàn trị cộng sản và giai cấp mới xuất phát từ giai đoạn chuẩn bị cách mạng của đảng. Chính những đảng đoàn trước đây đã phát triển, phân nhánh, hoàn thiện và đóng vai trò lãnh đạo trong các cơ quan chính quyền và tổ chức xã hội. Chính lí thuyết về vai trò tiên phong của đảng của giai cấp công nhân tạo ra “vai trò lãnh đạo của đảng” trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước cách mạng, lí thuyết này đã trui rèn nên lực lượng cán bộ cho cách mạng, nay nó lại đóng vai trò biện hộ cho chế độ toàn trị của giai cấp mới. Thật ra cũng có một chút khác biệt. Trước đây, cách mạng và những hình thức của nó là việc không tránh khỏi, thậm chí là nhu cầu của bộ phận xã hội nhằm hướng đến tiến bộ kinh tế và kĩ thuật.
    Nhưng thoát thai từ cách mạng, bạo lực toàn trị và ách thống trị của giai cấp mới đã trở thành núi đá đè lên xã hội, làm cho xã hội kiệt sức vì mất bao mồ hôi, xương máu. Một vài hình thức cách mạng đã trở thành phản động. Đảng đoàn là một trong những hiện tượng như thế.
    Việc điều hành dưới chế độ cộng sản được bộ máy nhà nước thực hiện theo hai cách. Cách thứ nhất: theo chức năng như đã nói ở trên. Về nguyên tắc đây là phương pháp chủ yếu. Nhưng trên trên thực tế phương pháp thứ hai: một số chức vụ của chính quyền chỉ được giao cho các đảng viên lại hay được áp dụng. Đấy là những vị trí được coi là quan trọng đối với mọi chính quyền, đặc biệt là chính quyền cộng sản: cảnh sát, trước hết là cảnh sát mật, ngoại giao đoàn và tầng lớp sĩ quan, nơi công tác chính trị và tình báo được coi là công tác chủ yếu. Chỉ các cơ quan trung ương của ngành tư pháp mới bị kiểm soát một cách nghiêm ngặt: cơ quan này thuộc quyền các tổ chức đảng và cảnh sát nhưng lương thấp nên không hấp dẫn. Xu hướng chung là làm cho ngành này trở thành hấp dẫn hơn, có nhiều bổng lộc hơn để lôi kéo các đảng viên. Khi đó việc quản lí ngành tư pháp sẽ dễ dàng hơn hoặc thậm chí không cần thiết nữa: toà án sẽ xử theo đúng đường lối chung của đảng, nghĩa là theo đúng “tinh thần xã hội chủ nghĩa”.
    Chỉ có trong chế độ cộng sản mới có việc một số ngành chức năng (đã liệt kê và cả những ngành khác nữa) mới bị các đảng viên hoàn toàn khống chế. Chính quyền cộng sản dù mang tính giai cấp về nội dung lại mang tính đảng về hình thức, quân đội của đảng, nhà nước do đảng lãnh đạo. Nếu nói cho thật đúng thì người cộng sản có xu hướng coi nhà nước và quân đội là vũ khí của riêng mình.
    Dù không được thể hiện trên bất cứ tài liệu nào nhưng chỉ có đảng viên mới có quyền trở thành cảnh sát, sĩ quan quân đội, trở thành các nhà ngoại giao, nghĩa là các đảng viên và chỉ có các đảng viên mới có quyền giữ các chức vụ quyền lực, thực thi quyền lực, điều đó không chỉ tạo ra một tầng lớp quan liêu, tầng lớp ưu tú mà còn đơn giản hoá cơ chế quản lí. Bằng cách đó đảng đoàn đã bao gồm ở mức độ này hay mức độ khác tất cả những người làm việc trong các lĩnh vực này. Kết quả là các cơ quan đó trở thành một trong những bộ phận của công tác đảng, đảng đoàn biến mất.
    Vì vậy trong các chế độ cộng sản không có sự khác biệt của các cơ quan đó với các tổ chức đảng, nhất là giữa đảng và cảnh sát mật. Đảng và cảnh sát liên hệ mật thiết với nhau trong hoạt động hàng ngày, sự khác nhau chỉ còn là phân công lao động. Đảng, có thời đã là người tổ chức quần chúng, thì nay đã trở thành một bộ máy.
    Toàn bộ cơ chế quyền lực được thực hiện theo sơ đồ sau: các cơ cấu chính trị là đặc quyền của các đảng viên, các cơ quan ban ngành khác thì hoặc do các đảng viên nắm giữ hoặc bị họ kiểm soát một cách gắt gao. Chỉ cần ở trung ương diễn ra cuộc họp hoặc công bố một bài báo là toàn bộ bộ máy sẽ đi vào vận hành. Chỉ cần một nơi nào đó có trục trặc là đảng và cảnh sát sẽ can thiệp ngay.
    2.
    Nếu đảng cộng sản không phải là một đảng đặc biệt thì hình thức nhà nước đó không thể nào tồn tại được.
    Trên kia đã nói đến tính chất đặc biệt của đảng cộng sản. Nhưng vẫn cần phải nói thêm một loạt biểu hiện đặc thù nữa ngõ hầu làm rõ bản chất của nhà nước cộng sản.
    Đảng cộng sản là đảng đặc biệt không chỉ vì nó là đảng cách mạng, tập trung, có kỉ luật nhà binh, có những mục tiêu cụ thể… Tất cả những điều vừa nói đều là những tính chất đặc biệt của nó cả.
    Có cả những đảng khác với những tính chất gần như thế.
    Nhưng chỉ có trong đảng cộng sản thì sự thống nhất về tư tưởng, sự thống nhất về thế giới quan và quan điểm trong việc xây dựng xã hội mới là bắt buộc với mọi đảng viên. Dĩ nhiên là mệnh lệnh này chỉ là bắt buộc đối với các cơ quan đầu não, các cơ quan cấp cao mà thôi. Các cấp bên dưới về hình thức cũng phải tuân thủ sự thống nhất về tư tưởng nhưng thực ra trách nhiệm của họ chính là: thực thi các nghị quyết. Nhưng xu hướng chung là phải nâng cao trình độ của cấp dưới để họ luôn nắm được quan điểm của lãnh tụ.
    Dưới thời Lenin sự bất đồng quan điểm vẫn còn được chấp nhận. Lenin không cho rằng tất cả các đảng viên đều bắt buộc phải có quan điểm hoàn toàn giống nhau, mặc dù chính ông là người khởi xướng việc lên án và loại bỏ khỏi hàng ngũ của đảng những quan điểm mà ông cho rằng không hoàn toàn mác-xít, hay thiếu tính đảng, nghĩa là những quan điểm mà theo ý ông là không có tác dụng củng cố đảng. Ông đã xử lí các nhóm đối lập trong đảng không phải theo kiểu của Stalin: không bắn giết mà chỉ bịt miệng. Dưới quyền ông người ta còn được thảo luận và biểu quyết. Chế độ toàn trị chưa hoàn toàn thắng thế.
    Đối với Stalin thì sự thống nhất về tư tưởng, thống nhất về chính trị là điều kiện để trở thành đảng viên. Đấy là đóng góp trực tiếp của Stalin vào lí luận về đảng kiểu mới. Điều đáng chú ý là luận điểm về sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng được ông ta phát biểu ngay từ khi còn rất trẻ. Dưới triều Stalin sự thống nhất về tư tưởng là điều kiện bắt buộc của tất cả các đảng cộng sản và điều đó vẫn còn tác dụng cho đến tận hôm nay.
    Các lãnh tụ Nam Tư, ban lãnh đạo Liên Xô cũng như các đảng cộng sản khác hiện vẫn giữ quan điểm như vậy. Sự kiên trì tính thống nhất về tư tưởng trong đảng không chỉ là dấu hiệu của sự trì trệ mà còn chứng tỏ rằng trong các ban “lãnh đạo tập thể” hiện nay không có sự trao đổi ý kiến hoặc rất ít khi có trao đổi ý kiến.
    Sự thống nhất bắt buộc như vậy nói lên điều gì và sẽ dẫn đến đâu?
    Sẽ dẫn đến hậu quả thật là tai hại.
    Trước hết là bất kì đảng nào, đặc biệt là đảng cộng sản, quyền lực cũng nằm trong tay lãnh tụ hoặc các cơ quan lãnh đạo. Sự thống nhất là mệnh lệnh (đặc biệt là đối với đảng cộng sản, một đảng có kỉ luật theo kiểu nhà binh) nhất định sẽ dẫn tới việc bao cấp về tư tưởng của trung ương đối với các đảng viên thường. Nếu dưới thời Lenin tư tưởng chỉ được thống nhất sau các cuộc đấu tranh dữ dội ở các cấp cao nhất, thì Stalin bắt đầu tự mình quyết định tư tưởng nào là đúng, còn “ban lãnh đạo tập thể” hiện nay lại chỉ cần ngăn chặn không cho những tư tưởng mới xuất hiện là được. Chủ nghĩa Marx đã trở thành lí luận của các ông trùm cộng sản như thế đấy. Một chủ nghĩa Marx hoặc chủ nghĩa cộng sản khác không thể nào xảy ra được, trong hiện tại và có thể cả trong tương lai nữa.
    Hậu quả của sự thống nhất về tư tưởng thật là tai hại: nền chuyên chế của Lenin dĩ nhiên là khắc nghiệt, nhưng nó chỉ trở thành toàn trị dưới trào Stalin. Việc chấm dứt cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ đảng đã dẫn đến sự tiêu diệt tự do trong toàn xã hội. Sự bất dung đối với các trào lưu tư tưởng khác và việc khăng khăng khẳng định tính khoa học giả tạo của chủ nghĩa Marx-Lenin đã tạo ra sự độc quyền tư tưởng của ban lãnh đạo chóp bu của đảng và cuối cùng là sự thống trị tuyệt đối của nó đối với xã hội.
    Thống nhất về tư tưởng thực chất là sự đè nén mọi sáng kiến không chỉ trong phong trào cộng sản mà trong toàn xã hội nữa. Tất cả những gì mang tính mới mẻ đều phải được đảng cho phép, xã hội bị đặt hoàn toàn dưới sự giám sát của đảng, còn trong đảng thì không có chút tự do nào.
    Sự thống nhất về tư tưởng không xảy ra ngay lập tức, điều đó, cũng như những điều khác trong chế độ cộng sản đã phát triển một cách tuần tự và nó chỉ đạt được sức mạnh tuyệt đối khi các xu hướng khác nhau của phong trào đấu tranh quyết liệt với nhau để giành quyền lực. Và không phải vô tình mà vào giữa những năm 20 của thế kỉ XX chính Trotsky bị yêu cầu từ bỏ quan điểm của mình. Stalin bắt đầu tập hợp lực lượng.
    Sự thống nhất về tư tưởng là cơ sở của độc tài cá nhân, thiếu sự thống nhất đó thì độc tài cá nhân không thể nào tồn tại được. Cái này tạo ra cái kia và củng cố lẫn nhau. Điều này được giải thích như sau: tư tưởng là kết quả của sự suy tư sáng tạo của từng cá nhân riêng biệt, còn sự độc quyền tư tưởng chỉ là mặt nạ của chế độ độc tài. Mặc dù sự thống nhất về tư tưởng và chế độ độc tài đã song song tồn tại ngay từ khởi thủy của phong trào bolshevik, phong trào cộng sản hiện đại, nhưng chúng chỉ được củng cố khi chế độ bước vào giai đoạn trưởng thành và sẽ là xu hướng chủ đạo cho đến ngày diệt vong của chế độ đó.
    Việc diệt trừ các quan điểm khác nhau trong ban lãnh đạo đảng tự động dẫn đến việc loại bỏ các trào lưu, xu hướng trong nội bộ phong trào và như vậy đồng nghĩa với việc giết chết dân chủ trong các đảng cộng sản. Trong chế độ cộng sản “lãnh tụ là người biết tuốt” đã trở thành nguyên tắc: những kẻ có quyền dù ngu dốt đến đâu cũng đều trở thành nhà tư tưởng hết.
    Khi người ta tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường sự thống nhất về tư tưởng trong đảng cũng là lúc sự độc tài cá nhân hay độc tài của một nhóm những kẻ cầm đầu đang được củng cố. Nhóm này có thể tạm thời thoả thuận với nhau hoặc cùng tồn tại khi có sự cân bằng lực lượng tạm thời.
    Trong quá khứ người ta đã từng thấy xu hướng thống nhất về tư tưởng của các đảng khác nữa, đặc biệt là các đảng xã hội. Nhưng đây chỉ là xu hướng và cũng không kéo dài như những đảng cộng sản. Đảng viên không chỉ là một người mác-xít mà phải là mác-xít theo quan điểm và chỉ thị từ trung ương. Từ một tư tưởng có tính cách mạng và tự do, chủ nghĩa Marx đã trở thành một giáo lí không khác gì trong các chế độ độc tài phương Đông, nơi vương triều có toàn quyền qui định và giải thích giáo lí, còn nhà vua đóng luôn vai trò Giáo chủ.
    Sự thống nhất bắt buộc về tư tưởng, đã phát triển qua nhiều giai đoạn và mang nhiều hình thức khác nhau, đã và vẫn là đặc điểm cơ bản của đảng bolshevik.
    Nhưng sự thống nhất bắt buộc như thế sẽ không thể nào xảy ra được nếu như đảng không phải là cha đẻ của giai cấp mới và nếu như nó không đặt ra cho mình nhiệm vụ lịch sử chưa từng có.
    Lịch sử hiện đại chưa có giai cấp nào hay đảng phái nào thực hiện được sự thống nhất tuyệt đối về tư tưởng trong hàng ngũ của mình như đảng cộng sản. Nhưng ngoài họ thì cũng chưa ai có ý định cải tạo toàn bộ xã hội chủ yếu bằng các biện pháp chính trị và hành chính. Chỉ có những người có niềm tin tuyệt đối, có niềm tin mù quáng vào sự đúng đắn và trong sáng của các quan điểm và mục đích của mình mới dám làm những việc như vậy. Nhiệm vụ này khó khăn đến nỗi nó đòi hỏi không chỉ thái độ không khoan nhượng đối với các tư tưởng khác và các nhóm xã hội khác mà còn đòi hỏi sự khuất phục của toàn xã hội và sự cố kết của chính giai cấp cầm quyền. Đấy chính là lí do vì sao đảng cộng sản cần một sự ổn định vững chắc về tư tưởng.
    Sau khi đã đạt được rồi, sự thống nhất về tư tưởng sẽ trở thành một định kiến. Người cộng sản được dạy rằng thống nhất về tư tưởng (thực ra là các tư tưởng được truyền từ trên xuống) là điều thiêng liêng bất khả xâm phạm, bè phái trong đảng là hoạt động xấu xa nhất.
    Như vậy là không thể tạo được chế độ toàn trị nếu không đàn áp các nhóm xã hội khác, cũng như sự thống nhất về tư tưởng không thể xảy ra được nếu không tiến hành thanh trừng ngay trong hàng ngũ của mình. Hai quá trình này diễn ra đồng thời và quyện chặt vào nhau một cách “khách quan” trong nhận thức của những người sáng lập chế độ toàn trị, mặc dù đấy là hai việc khác nhau, một đằng là tiêu diệt kẻ thù và mặt khác là “giải quyết quan hệ” trong nội bộ. Dĩ nhiên Stalin biết rằng Trotsky, Bukharin hay Zinoviev không phải là gián điệp hay những kẻ phản bội. Nhưng việc họ bất đồng với ông ta đã tạo nhiều khó khăn cho việc thiết lập chế độ toàn trị và ông ta phải tiêu diệt họ, tất cả chỉ có thế mà thôi. Tội lỗi của ông ta đối với đảng chính là ông ta đã biến sự tranh chấp, bất đồng khách quan về tư tưởng và đường lối chính trị trong đảng thành tội lỗi chủ quan của từng người và từng nhóm khác nhau và vu cho họ những hành động tội ác mà họ không phạm.
    Nhưng đối với chế độ cộng sản thì đấy là con đường bắt buộc phải đi qua. Có thể thiết lập chế độ toàn trị, nghĩa là tạo ra sự thống nhất về tư tưởng, bằng những biện pháp mềm dẻo hơn biện pháp mà Stalin đã áp dụng, nhưng thực chất vẫn chỉ là một. Ngay cả trong những trường hợp khi mà công nghiệp hoá không phải là biện pháp cũng như điều kiện để tạo ra chế độ toàn trị – Tiệp và Hung là những thí dụ – thì đảng cộng sản vẫn áp dụng những biện pháp không khác gì những biện pháp được áp dụng ở các nước chậm phát triển, thí dụ như Liên Xô. Đấy không phải là do Liên Xô áp đặt cho các đảng đàn em mà là bản chất của các đảng cộng sản, bản chất của tư tưởng cộng sản. Quyền lực tối thượng của đảng đối với xã hội, đồng nhất chính quyền và bộ máy quyền lực với đảng, chỉ những cấp nào đó mới được quyền có tư tưởng là những đặc thù của tất cả các đảng cộng sản cầm quyền.
    Đảng là sức mạnh của chính quyền và nhà nước cộng sản. Đảng là người tạo nên tất cả, là cội nguồn và sức mạnh cố kết giai cấp mới, quyền lực, tài sản và tư tưởng của giai cấp ấy.
    Chính vì vậy mà trong chế độ cộng sản không thể xảy ra độc tài quân sự mặc dù ở Liên Xô có vẻ như đã từng có các âm mưu cướp quyền của giới tướng lĩnh. Nếu giả dụ chế độ độc tài quân sự có thuyết phục được xã hội về sự cần thiết phải tập trung toàn bộ sức mạnh và chấp nhận hi sinh trong một thời gian nào đó thì nó cũng không thể kiểm soát được toàn bộ xã hội. Chỉ có một đảng duy nhất làm được chuyện đó, đấy là đảng tuyên truyền cho những lí tưởng cao cả, sự độc đoán chuyên quyền của nó được các đảng viên và tất cả những ai tin vào lí tưởng ấy coi không những là cần thiết mà còn là hình thức tổ chức nhà nước, tổ chức xã hội cao nhất.
    Nếu xét theo khía cạnh tự do thì độc tài quân sự trong chế độ cộng sản là một tiến bộ lớn. Nó đồng nghĩa với việc cáo chung của chế độ toàn trị của đảng, của nhóm chóp bu nắm quyền của đảng đối với xã hội.
    Về lí thuyết, độc tài quân sự chỉ xảy ra khi đất nước gặp thất bại năng nề về quân sự hoặc có khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Lúc đó hình thức khởi thuỷ của nó sẽ là độc tài của đảng hay dưới danh nghĩa độc tài của đảng. Nhưng điều đó nhất định sẽ dẫn tới sự thay đổi của toàn bộ hệ thống.
    Chế độ độc tài toàn trị của nhóm đầu sỏ trong đảng trong các chế độ cộng sản không phải là kết quả nhất thời của cuộc tranh chấp chính trị mà là kết quả của một quá trình phức tạp và kéo dài. Sự cáo chung của chế độ độc tài không chỉ có nghĩa là sự thay thế hình thức cai trị này bằng hình thức cai trị khác mà còn là sự thay đổi, đúng hơn là khởi đầu của sự thay đổi của cả hệ thống. Nền chuyên chính của đảng chính là hệ thống, là linh hồn, trí tuệ và bản chất của cả hệ thống.
    Dịch từ bản tiếng Nga, tại http://dzhilas-milovan.viv.ru/index.htm
    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5503&rb=08
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org