Dân chủ và phát triển: Kinh nghiệm Ấn Độ và Trung Quốc*

Posted on
  • Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • Trần Quốc Hùng                                       
        
    I. Giới thiệu – Bối cảnh lịch sử
    Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn, đông dân nhất và nhì thế giới. Cả hai dành lại độc lập sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai. Vào lúc đó, nền kinh tế của hai nước tương đương với nhau – tổng sản lượng quốc nội (GDP) của mỗi nước bằng khoảng 4,9% GDP toàn cầu.[1]Từ đó đến nay, con đường phát triển của hai nước khác nhau rất nhiều.
    Trong giai đoạn đầu sau độc lập, kinh tế Trung Quốc phát triển một cách không ổn định, tuy có lúc tăng trưởng, nhưng gặp nhiều khủng hoảng nặng nề, nhất là sau phong trào Bước Tiến Nhảy Vọt và cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa. Từ năm 1978, Trung Quốc bắt đầu cải cách và nền kinh tế đã tăng trưởng rất nhanh và tương đối ổn định cho đến nay. Ấn Độ nói chung không bị khủng hoảng lớn, nhưng kinh tế tăng trưởng chậm – giới kinh tế gọi đó là suất tăng trưởng Ấn Độ Giáo (“Hindu rate of growth”). Từ những năm cuối thập kỷ 1960, Ấn Độ đã bắt đầu có những cải cách lẻ tẻ, nhưng nền kinh tế không tăng tốc được bao nhiêu. Mãi đến đầu thập kỷ 1990, Ấn Độ cải cách tương đối mạnh dạn hơn, nhờ đó kinh tế đã dần dà khởi sắc. Những điểm khác nhau trong quá trình cải cách đã giúp cho kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc so với Ấn Độ. Đến năm 2003, kinh tế Trung Quốc bằng 13% GDP toàn cầu, lớn hơn gấp đôi kinh tế Ấn Độ.
    Nói chung có hai khuynh hướng giải thích sự khác biệt này. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng Ấn Độ dân chủ nên tốn nhiều thời gian để có sự đồng thuận và quyết định, do đó khó có thể huy động sức lực để phát triển. Ngược lại, chính quyền ở Trung Quốc độc quyền lãnh đạo chính trị nên có khả năng quyết định nhanh chóng và huy động sức lực trong nước tập trung vào việc phát triển kinh tế. Khuynh hướng thứ hai cho rằng tuy Ấn Độ phát triển chậm nhưng bền vì có thể chế dân chủ, định chế pháp luật và xã hội dân sự để hóa giải các xung khắc quyền lợi trong xã hội. Trong khi đó, Trung Quốc tuy tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, nhưng chưa chắc bền vững vì tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng chính trị khi sự mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và độc quyền chính trị bùng nổ.
    Thực tế thường phức tạp hơn những cách lý giải đơn giản như trên. Sự khác biệt trong kinh nghiệm cải cách và phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ bắt nguồn từ nhiều yếu tố lịch sử, chính trị và kinh tế. Trong đó, yếu tố chính sách kinh tế và bộ máy nhà nước đóng vai trò quan trọng, không kém gì yếu tố chế độ chính trị. 

     Yếu tố lịch sử
    Bối cảnh lịch sử, nhất là lịch sử cận đại, đã hình thành hai xuất phát điểm khác nhau cho Trung Quốc và Ấn Độ, khi hai nước này dành lại độc lập và bắt đầu xây dựng đất nước. Ở xuất phát điểm này, mỗi nước có một lợi thế khác nhau.
    Từ đời nhà Tần, và nhất là từ đời nhà Hán, Trung Quốc đã là một quốc gia thống nhất, với chính quyền trung ương có hiệu lực trên toàn lãnh thổ. Nhà nước trung ương có thể ban hành và áp dụng một cách phổ biến ngôn ngữ (nhất là chử viết), lịch, đơn vị đo lường, tiền tệ, luật pháp và thể lệ hành chánh trên khắp nước. Từ xưa, nhà nước trung ương đã có thể huy động sức lực cả nước để xây dựng những công trình vĩ đại có tầm mức quốc gia như Vạn Lý Trường Thành hay hệ thông kênh đào lớn (Grand Canal). Các thế lực địa phương (phong kiến hay quân phiệt) tuy có nơi, có lúc mạnh, nhưng nói chung vẫn thần phục triều đình trung ương, ít ra là trên danh nghĩa. Vì thế, Trung Quốc đã là một thị trường thống nhất trong suốt quá trình lịch sử. Đến thời kỳ Phục Hưng ở Âu Châu, với trình độ khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế của mình, Trung Quốc có thể coi như đã vào giai đoạn tiền công nghiệp hóa, sớm hơn nhiều nước Âu Châu khác. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến đời nhà Thanh, sự phát triển của Trung Quốc đã bị chững lại, không tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp được, cuối cùng rơi vào khủng hoảng cho đến khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc thống nhất đất nước và tuyên bố độc lập năm 1949.
    Lịch sử Ấn Độ thì ngược lại. Ấn Độ chưa bao giờ là một nước thống nhất có chính quyền trung ương theo như quan niệm và trên phạm vi lãnh thổ như hiện nay. Triều đại Mughal (từ đầu thế kỷ thứ 16 đến giữa thế kỷ thứ 18) chủ yếu là ở Bắc Ấn, ở miền nam Ấn Độ là các tiểu vương quốc, chịu ảnh hưởng Ấn Độ Giáo nhiều hơn là Hồi Giáo, có văn hóa và ngôn ngữ khác. Ngay khi Anh đô hộ và thống nhất Ấn Độ trên phạm vi lãnh thổ như ở thời điểm trước khi độc lập (bao gồm cả Pakistan và Bangladesh), thì nhiều địa phương vẫn còn chịu phần nào ảnh hưởng của các tiểu vương. Ấn Độ vì thế không có truyền thống lịch sử là một nước, lãnh thổ và thị trường thống nhất, quen với sự giao lưu kinh tế trên địa bàn cả nước. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ thứ 19, Anh đã xây dựng ở Ấn Độ hệ thống đường sắt rộng rãi, gần khắp cả nước và một vài ngành công nghiệp, chủ yếu là bông vải, mà Ấn Độ có thể xuất khẩu và chiếm vị thế nhất định trên thị trường thế giới.[2] Đồng thời Anh cũng xây dựng một hệ thống hành chánh và  công chức quen với thủ tục hành chánh hiện đại. So với Trung Quốc ở thời điểm này, Ấn Độ có trình độ công nghiệp hóa và quản lý công quyền tiên tiến hơn nhiều, có thể nói là đi trước Trung Quốc khoảng ¼ thế kỷ. Đó là cơ sở khiến nhiều người cho rằng Ấn Độ có khả năng phát triển nhanh chóng sau khi tuyên bố độc lập năm 1947 – nhất là so với Trung Quốc.

    Yếu tố chính trị
    Chế độ chính trị, sự vận động và phát triển chính trị của hai nước cũng khác nhau rất nhiều. Trung Quốc đi theo xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Thực tế, trong thời gian dài, quyền hành nằm trong tay Mao Trạch Đông. Do tập trung lãnh đạo và có khả năng tổ chức và kiểm soát từ trung ương, qua hệ thống Đảng Cộng Sản Trung Quốc, Trung Quốc có thể huy động lực lượng lao động để khôi phục sản xuất trong những năm sau độc lập. Tuy nhiên, vì không có cơ chế đối trọng và kiểm soát lẫn nhau, khi cá nhân lãnh tụ sai lầm thì hậu quả kéo dài và vô cùng tai hại. Nghiêm trọng nhất là tác hại của các cuộc vận động lớn như Bước Tiến Nhảy Vọt và Đại Cách Mạng Văn Hóa. Khủng hoảng kinh tế và xã hội trong hai thập kỷ 1960 và 1970 đã tạo cơ sở cho Đặng Tiểu Bình đưa ra chủ trương cải cách kinh tế – để phát triển nhưng cũng nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chủ trương này được sự ủng hộ rộng rãi trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, và tiếp tục làm nền tảng cho chiến lược cải cách, mở cửa và hiện đại hóa kinh tế một cách tương đối nhất thống và ổn định trong ¼ thế kỷ vừa qua. Nói tóm lại, trong chế độ toàn trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, các tiêu cực xã hội hay sai lầm trong chính sách có thể kéo dài, mãi cho đến khi trở thành khủng hoảng thì mới có khả năng làm tiền đề cho sự thay đổi lãnh đạo và chính sách. Tuy nhiên sự thay đổi này thường là hậu quả của cuộc đấu tranh dành quyền lực trong nội bộ đảng, có tính chất đột biến và tùy thuôc vào việc tập hợp lực lượng chính trị ở mỗi thời điểm, chứ nó không diễn ra như một thông lệ trong một định chế ổn định và minh bạch, được mọi phe phái và nhân dân tôn trọng (như ở Ấn Độ).   
    Ấn Độ thì ngược lại: về chính trị thì theo chế độ dân chủ và chính quyền liên bang, nhưng về kinh tế thì phần lớn giới trí thức và lãnh đạo lại tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội (đặc biệt là chủ nghĩa xã hội của Fabian Society) – nhất là kế hoạch hóa kinh tế và ưu tiên phát triển công nghiệp nặng qua các doanh nghiệp quốc doanh. Chế độ dân chủ và liên bang phản ánh thực trạng có nhiều lực lượng và quyền lợi khác nhau ở Ấn Độ, vì thế nó là cơ chế thích hợp, đủ uyển chuyển để hóa giải các mâu thuẫn trong sinh hoạt chính trị xã hội. Việc thay đổi đảng cầm quyền, lãnh tụ và chính sách đã diễn ra tương đối êm thắm, không gây xáo trộn lớn như ở nhiều nước đang phát triển khác. Một cách cụ thể hơn, nếu đảng cầm quyền bất lực trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội, thì cử tri có thể thay thế lãnh đạo bằng cách bầu đảng đối lập ra cầm quyền để thực hiện chính sách mới. Tuy nhiên, cũng theo kinh nghiệm Ấn Độ, không nhất thiết cứ thay đổi đảng cầm quyền là có thể giải quyết vấn đề – nhiều khi cũng phải trải qua thời gian dài và gặp nhiều khó khăn mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội để thực hiện các cuộc cải cách cần thiết. Nhu cầu cần phải tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền từ liên bang đến tiểu bang (có nhiều quyền tự quản) đã tạo ra bộ máy hành chánh nặng nề, nhằm kiểm soát việc cấp giấy phép (đưa đến danh từ “vua giấy phép” hay licence raj, nổi tiếng làm khó khăn cho giới kinh doanh). Thể chế chính trị và cơ chế công quyền này đã gây ra rất nhiều khó khăn và chậm trễ trong việc ban hành và áp dụng các biện pháp kinh tế hợp lý, đồng thời cũng làm cho ngân sách bị thiếu hụt liên miên––vì khó tạo ra sự đồng thuận trong việc cắt giảm chi tiêu. Kinh tế Ấn Độ vì thế bị trì trệ trong nhiều năm. Chính sách, nhất là chính sách kinh tế, tài chánh cũng dễ bị thay đổi nên khó được áp dụng một cách liên tục trong thời gian dài để có tác dụng.

    Yếu tố chính sách kinh tế
    Từ khi độc lập cho đến thời kỳ đổi mới, chính sách kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ về cơ bản có nhiều điểm giống nhau, mặc dù rất khác nhau trong chế độ chính trị và cách áp dụng chính sách.
    Trung Quốc chủ trương tập thể hóa (collectivization), dùng kinh tế chỉ huy để ưu tiên xây dựng công nghiệp nặng. Do tư tưởng nóng vội và duy ý chí, các chính sách hay dự án kinh tế của Mao Trạch Đông thường nhằm vào việc huy động công sức nhân dân để thực hiện mục tiêu có tính cách chính trị, hoàn toàn không tính đến hiệu năng kinh tế và khả năng bền vững của các dự án. Các dự án như thế thường gây tai hại cho nền kinh tế và xã hội, đôi khi hậu quả rất tàn khốc. Thí dụ là phong trào mở lò luyện thép ở hộ nông dân, hay phong trào Bước Tiến Nhảy Vọt, gây ra thảm cảnh chết đối hàng triệu người. Thêm vào đó, áp dụng kinh tế chỉ huy trong chế độ toàn trị đã phá hoại nền tảng của kinh tế hàng hóa thị trường, dần dà đưa Trung Quốc vào khủng hoảng “kinh tế thiếu hụt”.
    Ấn Độ cũng tin tưởng vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn phát triển bằng kế hoạch hóa kinh tế với các kế hoạch 5 năm, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng và sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.[3] Trong cơ cấu kinh tế thì dành công nghiệp nặng cho doanh nghiệp quốc doanh, và khuyến khích, bảo trợ các cơ sở sản xuất gia đình hay cá thể trong nông nghiệp và tiểu công nghệ nhằm sản xuất hàng tiêu dùng và cung cấp dịch vụ. Ngoài ra thì dùng mọi cách để hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp tư sản, cụ thể là giới hạn địa điểm hoạt động, lãnh vực và mức đầu tư, áp dụng chính sách bảo hộ lao động khắt khe (thí dụ như muốn sa thải một công nhân phải xin phép chính quyền tiểu bang) và kiểm soát việc định giá hàng. Chính phủ còn hạn chế nhập khẩu, cả hàng sản xuất lẫn hàng tiêu dùng, qua hệ thống giấy phép và thuế nhập khẩu. Xuất khẩu thì nhằm vào thị trường các nước xã hội chủ nghĩa hay các nước thế giới thứ ba. Chính phủ cũng triệt để giới hạn doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trục tiếp hay mua doanh nghiệp Ấn Độ. Ngân hàng quốc doanh thì ưu tiên phân phối tín dụng cho các doanh nghiệp quốc doanh. Ngoài ra thuế suất rất cao – thí dụ như thuế lợi tức biên tế lên tới 97,5%.[4] Sau vài thập kỷ thi hành chính sách kinh tế nói trên, việc phân phối tài nguyên bị lệch lạc nặng nề. Ngành công nghiệp nặng tuy được nhà nước dành mọi ưu tiên, nhưng không phát triển nhiều và đã trở nên lạc hậu – chế tạo ra hàng có chất lượng kém, mẫu mã xấu vì không được tiếp cận với kinh tế và công nghiệp tiên tiến trên thế giới. Khu vực kinh tế gia đình và cá thể tuy sử dụng lao động nhiều nhưng manh mún và năng suất rất thấp, còn doanh nghiệp tư sản thì ít và không đủ lực để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thêm vào đó, bộ máy hành chánh nặng nề được tạo ra để điều hành nền kinh tế kế hoạch hóa và các doanh nghiệp quốc doanh, cũng như để giới hạn giấy phép nhằm hạn chế doanh nghiệp tư sản và nhập khẩu, đã làm cho môi trường kinh doanh ở Ấn Độ rất khó khăn, không có tính cạnh tranh cũng như sức sáng tạo.
    Các yếu tố kể trên đã góp phần giải thích sự khác biệt giữa quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như kết quả của sự cải cách này. 

    II. So sánh quá trình cải cách kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ 
    Các yếu tố lịch sử, chính trị và chính sách kể trên đã góp phần làm cho quá trình cải cách kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ, tuy có vài điểm giống nhau, nhưng khác nhau rất nhiều, cuối cùng mang đến kết quả khác nhau. 
    Trong khi GDP của Trung Quốc tăng trưởng nhanh và tương đối ổn định, trung bình khoảng 9,3% một năm trong thập kỷ 1980 và 9,7% từ 1991 đến 2003, thì Ấn Độ tăng trưởng chậm hơn với biên độ dao động lớn hơn – GDP tăng trung bình 5,6% và 5,8% trong hai giai đoạn nói trên.[5] Dân số của Ấn Độ lại tăng nhanh gấp đôi Trung Quốc – 1,6% một năm so với 0,8% ở Trung Quốc (ước tính đến năm 2035 Ấn Độ sẽ qua mặt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới). Vì thế, GDP trên đầu người tính theo tỷ giá tương đương sức mua của đồng tiền tăng 8,5% một năm ở Trung Quốc, hơn gấp hai lần suất tăng trưởng ở Ấn Độ trong suốt giai đoạn 1990-2003. Đến năm 2004, GDP trên đầu người ở Trung Quốc ước tính khoảng 5,200 đôla, so với 3,000 đôla ở Ấn Độ.
    Do tăng trưởng kinh tế chậm hơn, các tiêu chí về phát triển con người (Human Development Index HDI, do UNDP công bố) của Ấn Độ cũng kém hơn của Trung Quốc. Trong thời gian 2000-2004, HDI của Trung Quốc là 0,755 (đứng thứ 94 trên 146 nước) so với Ấn Độ chỉ có 0,602 (đứng thứ 127/146). Cụ thể hơn, tỷ lệ người nghèo (thu nhập dưới 1 đôla một ngày) ở Trung Quốc là 16,6% dân số, so với 34,7% dân số ở Ấn Độ. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là 30/1,000 ở Trung Quốc, trong khi lên đến 65/1,000 ở Ấn Độ. Tuổi thọ trung bình (life expectancy) ở Trung Quốc là 71,5 năm, so với 63,3 năm ở Ấn Độ. Tỷ lệ biết chử trong số dân trưởng thành (adult literacy) là 90% ở Trung Quốc so với 61% ở Ấn Độ – nhất là tỷ lệ trong phụ nữ lại càng chêng lệch: 87% so với 45%.
    So sánh kinh nghiệm khác nhau của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ rút ra nhiều bài học bổ ích cho Việt Nam.

    1. Tăng trưởng kinh tế hết sức quan trọng: không tăng trưởng, hoặc tăng trưởng chậm so với gia tăng dân số, thì không thể phát triển, không thể xóa đói giảm nghèo, và không thể thực hiện các mục tiêu xã hội khác. Kinh nghiệm cho thấy kinh tế tăng trưởng nhanh sau khi có cải cách để thay đổi cơ chế bất hợp lý. Tuy nhiên, sau một thời gian thì cuộc cải cách ban đầu dần dà bớt hiệu nghiệm. Muốn duy trì mức tăng trưởng thì phải tiếp tục cải cách để làm cho nền kinh tế trở nên hữu hiệu hơn. Hiện nay, thách thức lớn đối với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ là cải cách doanh nghiệp quốc doanh có tính chất độc quyền – thành phần kinh tế này rất lãng phí và kém hiệu năng, thu hút tín dụng nhiều nhất nhưng tạo ra giá trị gia tăng ít hơn các thành phần kinh tế khác.
    Tất nhiên, tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế có thể dẫn đến việc lãng phí hay kém chất lượng trong tăng trưởng. Nó cũng gây ra nhiều tiêu cực xã hội, như nới rộng khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân chúng, hay làm hư xấu môi trường thiên nhiên. Vấn đề giảm lãng phí và nâng cao chất lượng của tăng trưởng nói chung có thể được giải quyết khi kinh tế tiếp tục phát triển và cơ chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn chỉnh. Hơn nữa, nếu không tăng trưởng, đất nước ở trong tình trạng nghèo đói, thì các tiêu cực xã hội vẫn xảy ra và môi trường thiên nhiên cũng bị đe dọa.  Có tăng trưởng thì nhà nước mới có tài nguyên ngân sách để giải quyết các tiêu cực xã hội. Vấn đề là nhà nước có đề ra và thực hiện các chính sách xã hội thích hợp hay không – điều này tùy thuộc vào khả năng của bộ máy nhà nước.

    2. Muốn có hiệu quả, cải cách kinh tế phải được áp dụng một cách rốt ráo, rộng rãi và có tính liên tục, không bị thay đổi bất chợt. Đây là kinh nghiệm của Trung Quốc. Cải cách kinh tế ở Trung Quốc nói chung gồm có hai giai đoạn chính. Giai đoạn thứ nhất bắt đầu từ 1978 đến 1988, chủ yếu nhằm giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp và công nghiệp hàng tiêu dùng – qua việc xóa bỏ hệ thống hợp tác xã nông nghiệp và thay bằng khoán sản phẩm, và thành lập các khu kinh tế đặc biệt và các xí nghiệp hương trấn. Đến cuối thập kỷ 1980, cải cách đợt I bắt đầu bớt tác dụng. Ông Đặng Tiểu Bình trong chuyến Nam Du năm 1988 đã đẩy mạnh chủ trương mở cửa và hội nhập vào kinh tế thế giới, chủ yếu nhẳm thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) để hiện đại hóa kinh tế Trung Quốc – đồng thời đẩy mạnh cải cách ngân sách, tài chánh và thuế quan. Tuy có một số chênh lệch và thiếu đồng bộ trong một số chính sách và biện pháp, cải cách đợt II đã được thực hiện một cách nhất quán từ đó đến nay và đã trải qua ba đời lãnh đạo là Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Chủ trương này đã thúc đẩy Trung Quốc năng nổ trong việc thương lượng để sớm gia nhập và thực hiện các cam kết với WTO. Sự liên tục trong chủ trương cải cách đã tăng sự tin tưởng của giới kinh doanh và đầu tư thế giới cũng như ở trong nước vào tiến trình cải cách và hội nhập của Trung Quốc (“không thể đổi ngược”). Sự tin tưởng này cộng với tính cạnh tranh ngày càng tăng do các biện pháp cải cách và mở cửa đã trở thành động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc.
    Quá trình cải cách ở Ấn Độ thì ngược lại. Tuy bắt đầu sớm, từ cuối thập kỷ 1960, cho đến đầu thập kỷ 1990, cải cách ở Ấn Độ mang tính chất lẻ tẻ và dè dặt, chủ yếu nhằm nới rộng luật lệ trong một số vụ việc cụ thể, cá biệt chứ không nằm trong một chương trình cải cách rộng rãi và đồng bộ, và nhất là không thay đổi tư duy về chính sách kinh tế. Nổi bật nhất trong cuối thập kỷ 1960 là cuộc cách mạng xanh––Ấn Độ đã thành công trong việc đưa giống lúa mới cao sản vào nông nghiệp. Nhưng vì suất tăng trưởng chậm (khoảng 3%) trong nhiều năm, từ cuối thập kỷ 1960 và giữa thập kỷ 1970, dưới thời Thủ Tướng Indira Gandhi (1966-1977), đã có một số cải cách để nới rộng và mềm dẻo hơn trong việc cấp giấy phép nhập khẩu một số hàng và giấy phép kinh doanh trong một số ngành nghề. Trong nhiệm kỳ cuối cùng (1980-1984) bà Indira Gandhi đã quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng ở Ấn Độ, vì bà cho rằng giới tài chánh đã ủng hộ đảng đối lập chống đảng Quốc Đại. Nói chung, những cải cách “nửa vời” này không mang lại kết quả như ý muốn. Dưới thời Thủ Tướng Rajiv Gandhi (1984-1989), lại tiếp tục những cải cách như trên, nhưng tương đối mạnh tay hơn. Cụ thể là giảm giá hối xuất đồng Rupee để khuyến khích xuất khẩu, tự do hóa một phần ngoại thương và thu hẹp lãnh vực cần xin giấy phép đầu tư. Kết quả là suất tăng trưởng trung bình có cao hơn, nhưng biên độ dao động cũng tăng. Đến đầu thập kỷ 1990, do vay mượn nước ngoài để tăng nhập khẩu, Ấn Độ lâm vào khủng hoảng cân thanh toán quốc tế. Khủng hoảng này đã thúc đẩy chính phủ P.V. Narasimha Rao (1991-1996) thực hiện một chương trình cải cách tương đối rộng rãi. Quan trọng hơn cả là thay đổi tư duy kinh tế: Ấn Độ đã ý thức là cần phải yểm trợ sự phát triển của doanh nghiệp tư và thị trường, giảm bớt vai trò của chính phủ trong hoạt động kinh doanh, và sự quản lý và can thiệp của chính phủ vào kinh tế cần phải được biện minh rõ ràng, chứ không phải cái gì do chính phủ làm đều là tốt hơn cả.

    3. Chính sách kinh tế đúng đắn hết sức là quan trọng. Từ khi ý thức được là cần phải đổi mới, Trung Quốc chủ trương mạnh dạn mở cửa và hội nhập vào kinh tế thế giới, thu hút vốn FDI để xây dựng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Nói chung chính sách này đã thành công vượt bực. Trung Quốc đã thu hút được khối đầu tư FDI khổng lồ (khoảng gần 600 tỷ đôla – tương đương với 14,9% GDP), hàm chứa sự chuyển giao công nghệ rất lớn. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đã tích lũy dự trữ ngoại tệ khoảng 900 tỷ đôla – đây là số dự trữ lớn nhất thế giới. Ngành xuất khẩu của Trung Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ, tiến dần từ  chỗ trị giá gia tăng ít, chủ yếu lắp ráp hàng tiêu dùng thô sơ, đến  chỗ trị giá gia tăng cao hơn, với hàng hóa phong phú, tiên tiến hơn – thậm chí bắt đầu xuất hiện các thương hiệu của Trung Quốc trên thị trường thế giới. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đã lên tới gần 1 triệu tỷ đôla, chiếm tỷ trọng gần 5% của tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới, và Trung Quốc đã trở thành cường quốc xuất khẩu đứng hàng thứ tư sau Mỹ, EU và Nhật. Xuất khẩu vì vậy đã là đầu máy thúc đẩy sự tăng trưởng và hiện đại hóa kinh tế Trung Quốc trong hơn ¼ thế kỷ vừa qua. Nó không những làm thay đổi bộ mặt của Trung Quốc, mà của cả nền kinh tế toàn cầu –chủ yếu qua việc toàn cầu hóa dây chuyền sản xuất và cung cấp rất nhiều mặt hàng chế biến.
    Kinh nghiệm của Ấn Độ thì phức tạp hơn. Từ khi độc lập cho đến gần đây, nói chung có sự đồng thuận trong chính quyền và giới trí thức, tin tưởng vào mô hình kế hoạch hóa kinh tế, tập trung xây dựng công nghiệp nặng qua các xí nghiệp quốc doanh, nhằm thay thế nhập khẩu. Việc sản xuất hàng tiêu dùng như bông vải v.v. thì lại dành gần như độc quyền cho khu vực cá thể, hộ gia đình với quy mô nhỏ bé, theo truyền thống “dệt vải của thánh Gandhi”. Doanh nghiệp tư nhân từ nhỏ, vừa cho đến lớn thì bị hạn chế gắt gao qua nhiều hình thức, từ việc phải xin đủ loại giấy phép đầu tư và kinh doanh (đó là cho những ngành nghề không thuộc bảng cấm tư nhân kinh doanh vốn đã rất dài) cho đến luật lệ lao động khắt khe và khó xin tín dụng từ các ngân hàng quốc doanh. Kinh nghiệm cho thấy chính sách kinh tế này đã thất bại, tuy nhiên vì nó không gây ra thảm họa như hậu quả của Bước Tiến Nhảy Vọt của Trung Quốc, cho nên mãi cho đến bây giờ, vẫn còn một số thành phần trí thức ở Ấn Độ tin tưởng vào nó vì cho rằng nó bảo đảm công bằng xã hội. Chính thái độ và cách suy nghĩ này đã làm Ấn Độ nghi ngờ và dè dặt khi mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới––phản ánh qua tình trạng khối đầu tư FDI ở Ấn Độ hiện nay chỉ chiếm 5,9% GDP, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Nói chung, tình trạng này góp phần làm trì trệ nền kinh tế Ấn Độ, và hiện nay làm giảm sự đồng thuận trong xã hội đối với chủ trương cải cách. Vì thế, giới đầu tư quốc tế vẫn còn chút ít nghi ngờ về khả năng “không thể đổi ngược” của chính sách cải cách ở Ấn Độ.
    Một cách cụ thể, chương trình cải cách của chính phủ Rao gồm có 7 điểm quan trọng như sau:
    • Cải cách ngân sách để giảm thiếu hụt bằng cách giảm chi tiêu, nhưng giảm thuế suất để khuyến khích sản xuất. Thuế suất lợi tức biên tế tối đa giảm xuống còn 80% và thuế suất doanh nghiệp giảm còm 35%. Cải cách ngân sách tiếp tục là thử thách quan trong đối với Ấn Độ, vì tỷ lệ thu thuế trên GDP ở Ấn Độ rất thấp, chỉ có 11% so với 16% ở Trung Quốc – tỷ lệ thu thuế thấp như thế làm cho ngân sách nhà nước luôn luôn thiếu hụt và không có khả năng đầu tư vào hạ tầng cơ sở hay giải quyết các vấn đề xã hội.
    • Cải cách chính sách công nghiệp, chủ yếu là bãi bỏ chế độ xin/cho giấy phép và mở cửa 15 ngành công nghiệp, từ trước dành riêng cho quốc doanh, cho các doanh nghiệp tư nhân. Hiện nay chỉ còn một số ngành công nghiệp vẫn do quốc doanh độc quyền: quốc phòng, phi cơ và tàu chiến, năng lượng hạt nhân và đường sắt. Ngoài ra, cũng bãi bỏ chế độ giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp, và thay vào đó là luật lệ và cơ quan chống độc quyền (anti trust). Tuy nhiên, việc tự do hóa danh sách các ngành dành riêng cho khu vực sản xuất nhỏ tiến hành rất chậm: trong danh sách 800 ngành nghề, đến năm 2001 chỉ mở cửa cho 14 nghề, và đến 2002 thì mở thêm 50 ngành nghề nữa.
    • Cải cách chính sách thương mại, chủ yếu là bãi bỏ chế độ giấy phép đối với việc nhập máy móc và hàng trung gian dùng trong sản xuất. Ngoài ra cũng cắt giảm suất thuế quan, từ trung bình 72,5% xuống còn 24,6% (năm 1996/97). Hiện nay, suất thuế quan cao nhất cho các loại hàng phi nông nghiệp là 12,5%. Tuy nhiên thuế suất ở Ấn Độ vẫn còn cao hơn thuế suất trung bình 10% ở Trung Quốc.
    • Tự do hóa chế độ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư 51% trong mọi ngành công nghiệp, trừ ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không và cửa hàng bách hóa. Ngoài ra, nhà đầu tư có tổ chức (institutional investors) ở nước ngoài được phép đầu tư vào thị trường chứng khoán Ấn Độ từ 1993.
    • Xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành viễn thông, góp phần vào sự thành công vượt bậc của công nghiệp tin học Ấn Độ.
    • Cải cách lãnh vực tài chánh bằng cách bỏ việc các ngân hàng thương mại phải xin phép Ngân Hàng Trung Ương trước khi thực hiện các vụ cho vay lớn. Từ năm 2000, cho phép công ty bảo hiểm tư nhân hoạt động, nhưng phần đầu tư nước ngoài phải dưới 26%.
    • Trong lãnh vực nông nghiệp không có cải cách nào đáng kể, tuy nhiên các cải cách nói trên đã góp phần giảm tỷ giá so sánh giữa hàng công nghiệp và nông nghiệp, mang lại phần nào lợi ích cho nông dân.  
    Chủ trương cải cách nói trên phần lớn được tiếp tục thực hiện dưới các chính phủ kế nhiệm, tuy có lúc bị dừng lại hay đảo ngược chút ít. Dưới chính phủ hiện tại của Thủ Tướng Manmohan Singh (từ năm 2004), cuộc cải cách được hâm nóng lại và đẩy mạnh lên. Kinh tế Ấn Độ vì thế đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt tốc độ trung bình 8% một năm trong nửa đầu thập kỷ 2000. Nếu chương trình cải cách này được tiếp tục áp dụng và phát triển thêm một cách liên tục trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ có khả năng phát triển mạnh hơn nữa.

    4. Cạnh tranh cũng quan trọng không kém. Nền kinh tế không có hoặc kém tính cạnh tranh sẽ không hữu hiệu và năng động để đáp ứng với nhu cầu thay đổi của xã hội. Vì thiếu cạnh tranh nên kinh tế Ấn Độ tăng trưởng chậm cho mãi đến những năm gần đây. Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn nhiều, nhưng cũng vì kém tính cạnh tranh nên bị nhiều lãng phí và kém chất lượng trong quá trình tăng trưởng.
    Lãnh vực mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã phát triển thành công – công nghệ phần mềm và khoán dịch vụ ở Ấn Độ hay xuất khẩu hàng chế biến ở Trung Quốc – đều đòi hỏi phải có tính cạnh tranh rất cao để đáp ứng đòi hỏi khe khắc của thị trường thế giới. Ngay cả ở Nhật Bản lãnh vực xuất khẩu cũng hữu hiệu hơn nền kinh tế trong nước rất nhiều vì phải cạnh tranh trên thị trường thế giới.
    Nhưng cạnh tranh đây không có nghĩa là cạnh tranh của luật rừng, mạnh được yếu thua. Cạnh tranh phải diễn ra trên cơ sở sân chơi bình đẳng và có luật lệ minh bạch, ít có tình trạng độc quyền. Các nước tư bản phát triển như Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu đều có luật lệ và cơ quan chống độc quyền (anti-trust) rất chặt chẽ. Vì thế, tuy ở Âu Châu và một số nước khác vẫn có doanh nghiệp quốc doanh, nhưng chúng hoạt động trong môi trường kinh tế thị trường có cạnh tranh, nên nói chung có hiệu năng hơn các doanh nghiệp quốc doanh ở Trung Quốc hay Ấn Độ.

    5. Phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp chế biến.  Một bài học quan trọng khác là cần phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, bến cảng, hệ thống điện, điện thoại v.v.vì chúng tăng cường khả năng sản xuất và phân phối của nền kinh tế. Trong lãnh vực này, Trung Quốc cũng tiến hơn Ấn Độ rất xa. Thí dụ Trung Quốc đã xây dựng hệ thống đường cho xe ôtô, tổng cộng dài gấp 6 lần so với Ấn Độ (ước tính có khoảng 150,000 dặm). Hệ thống điện thoại dây cố định và di động của Trung Quốc nhiều hơn của Ấn Độ cũng gấp 6 lần.
    Cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc đã góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp chế biến phục vụ cho xuất khẩu và thị trường trong nước. Trong lãnh vực công nghiệp chế biến thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân chiếm phần quan trọng – các doanh nghiệp này sản xuất 52% GDP, và đã là động cơ phát triển ở Trung Quốc. Mặt trái của việc đầu tư một cách đại trà vào các chương trình cơ sở hạ tầng là sự lãng phí và kém hiệu năng của vốn đầu tư. Điều này được thể hiện rõ qua tỷ số ICOR (Incremental Capital Output Ratio) ở Trung Quốc lên tới 4,5-5, so với khoảng 3,5-4 ở Ấn Độ (tỷ số trung bình ở các nước OECD là 3).
    Kinh nghiệm của Ấn Độ thì ngược lại. Tình trạng thiếu thốn và yếu kém của cơ sở hạ tầng đã hạn chế sức phát triển của các doanh nghiệp trong nước và cản trở sự đầu tư trực tiếp của các công ty đa quốc gia.[6] Hai lãnh vực yếu kém nhất là sản xuất và phân phối điện năng, và hệ thống giao thông vận tải.
    • Lý do quan trọng nhất làm cho Ấn Độ thiếu điện là chính sách tính tiền điện rẻ  cho người tiêu dùng. Vì chủ trương “bao cấp” này, các Cơ Quan Điện Lực Tiểu Bang (State Electricity Boards: SEB) đã lơ là trong việc kiểm soát và thu tiền điện. Do đó, hàng năm tỷ lệ công xuất điện bị thất thoát và mất cấp lên tới 40%. Trong mấy năm gần đây, tuy giá dầu thô lên rất cao, áp lực chính trị khiến cho tiền điện cũng không tăng bao nhiêu. Các SEB vì thế bị lỗ lã trầm trọng, không có khả năng tài chánh để đầu tư tăng công xuất. Kết quả là Ấn Độ bị mất điện thường xuyên (khoảng 12% trong thời gian cao điểm). Thành thử khoảng 61% xí nghiệp ở Ấn Độ phải có máy phát điện riêng để bảo đảm việc cung cấp điện cho sản xuất, so với tỷ lệ 27% ở Trung Quốc. Vì thế, giá điện ở Trung Quốc rẻ hơn ở Ấn Độ khoảng 39%. Tuy chính sách cải cách cho phép doanh nghiệp tư nhân sản xuất điện, họ phải phân phối điện qua hệ thống đường dây điện của các SEB. Các SEB thì tính phí tãi điện rất cao, nên không khuyến khích doanh nghiệp tư nhân sản xuất điện. Thành ra Ấn Độ vẫn thiếu điện.
    • Hệ thống giao thông vận tãi rất thiếu thốn và yếu kém so với Trung Quốc. Thí dụ như cước vận chuyển hàng hóa ở Ấn Độ cao gấp ba lần ớ Trung Quốc. Vận chuyển hàng xuất khẩu sang Mỹ trung bình mất 6-12 tuần, trong khi Trung Quốc chỉ mất có 2-3 tuần. Các hải cảng ở Ấn Độ mất khoảng 3-5 ngày để bốc dở hàng từ tàu biển, so với thời gian 4-6 giờ ở các hải cảng Singapore hay Hong Kong. Chính phủ Ấn Độ ước tính cần phải đầu tư khoảng 155 tỷ đôla trong 5-10 năm tới để nâng cấp hệ thống phi trường, bến cảng và đường xá. Nhưng khu vực công quyền không có khả năng tài chánh để đầu tư vì vẫn bị thiếu hụt ngân sách năng nề – khoảng 7% GDP. Giới đầu tư trong cũng như ngoài nước thì ngần ngại không dám đầu tư vào các dự án hạ tầng cơ sở vì phí sử dụng do chính phủ tiểu bang quyết định, thường là quá thấp, lại hay bị thay đổi bất chợt.   
    Sự yếu kém của hạ tầng cơ sở làm cho dịch vụ trở nên quan trọng. Vô hình chung, sự yếu kém của hạ tầng cơ sở phụ họa với chính sách ưu tiên dành việc sản xuất hàng tiêu dùng và dịch vụ cho khu vực kinh tế cá thể/hộ gia đình, làm cho khu vực này chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế Ấn Độ (52% GDP, trong khi nông nghiệp chiếm 21% và công nghiệp lẹt đẹt ở mức 27% của GDP trong hơn một thập kỷ qua. Ở Trung Quốc, các thành phần này chiếm tỷ trọng 41%, 13% và 46% GDP). Dịch vụ là khu vực kinh tế mang đậm tính chất sản xuất nhỏ, thủ công, năng xuất thấp, chủ yếu phục vụ nhu cầu địa phương chứ không nhằm tới thị trường cả nước. So với ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ không có khả năng tăng năng xuất nhanh, hay tạo ra nhiều công việc để thu hút số lao động mới hay có thể dôi ra từ nông nghiệp. Đây là lý do chính khiến nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế, và sử dụng rất nhiều lao động, so với các nước trên thế giới. Sự hiện diện của khu vực kinh tế này đã là trở lực lớn cho việc hiện đại hóa nền kinh tế Ấn Độ.
    Sự thành công của công nghệ tin học, gồm cả phần mềm và dịch vụ như trung tâm trả lời điện thoại (call centers) hay trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D centers) góp phần chứng minh điểm nói trên. Tài năng và đầu óc kinh doanh của người Ấn Độ chỉ có thể thành công trong các lãnh vực không bị sự kiểm soát của bộ máy hành chánh Ấn Độ (công nghệ phần mềm vì mới mẽ nên không có tên trong danh mục các hoạt động kinh doanh cần phải xin giấy phép, nhờ vậy mới phát triển được) hay không phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông và bến cảng. Các trung tâm sản xuất phần mềm hay xuất khẩu dịch vụ tại  chỗ hiện hữu như những ốc đảo hiện đại trong bối cảnh nền kinh tế nói chung vẫn còn lạc hậu. Chúng đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ vừa qua – năm 2004, kim ngạch xuất khẩu của các hoạt động này đạt 17 tỷ đôla, hay 25% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ.[7] Tuy nhiên, chúng chỉ chiếm tỷ trọng 4% của GDP và sử dụng số nhân công còn ít hơn nữa (dưới 1 triệu nhân công). Vì thế chúng không phát huy được vai trò chiến lược là tạo công ăn việc làm và hiện đại hóa kinh tế một cách vĩ mô như công nghiệp chế biến ở Trung Quốc. Thị trường trong nước cho các dịch vụ tin học và viễn thông ở Ấn Độ cũng nhỏ hơn ở Trung Quốc: trong năm 2006, số người đăng ký dùng Internet ở Ấn Đô ước tính chỉ có dưới 5 triệu so với 140 triệu ở Trung Quốc, và số người đăng ký sử dụng điện thoại di động ở Trung Quốc lên tới 450 triệu, so với khoảng 140 triệu ở Ấn Độ. Tình trạng này không những hạn chế khả năng phát triển của công nghiệp tin học và viễn thông trong thị trường Ấn Độ, nó còn hạn chế vai trò tích cực của công nghiệp này trong việc nâng cao năng suất kinh tế của cả nước.  
      
    6. Vai trò quan trọng của môi trường pháp lý, luật lệ và hiệu năng của bộ máy hành chánh. Kinh nghiệm của hai nước Trung Quốc và Ấn Độ đã chứng minh tầm quan trọng của yếu tố này trong tăng trưởng kinh tế, nhất là việc huy động vốn đầu tư trong nước cũng như vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
    Xuất phát điểm của cải cách Trung Quốc là chế độ kinh tế kế hoạch hóa, có tính chỉ huy và bao cấp, dưới sự lãnh đạo toàn trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vì thế Trung Quốc không có truyền thống và kinh nghiệm hoạt động trong môi trường pháp lý và luật lệ minh bạch và hợp lý của một nền kinh tế thị trường, trong đó mọi thành viên được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Tuy chính phủ đã ban hành nhiều luật lệ, nhưng không có sự bảo đảm là việc xin giấy phép kinh doanh hay các tranh chấp thương mại sẽ được đối xử một cách công bằng, minh bạch, dựa theo luật lệ mà không chịu sự chi phối có tính tùy tiện của những người có quyền thế. Tình trạng này cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tệ nạn tham nhũng, hối mại quyền thế có thể phát triển mạnh (sẽ phân tích thêm dưới đây). Nói chung, tình trạng này đã cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong nước – vì các doanh nghiệp lớn nước ngoài có thể dùng áp lực ngoại giao để giải quyết các tranh chấp quan trọng.
    Tuy nhiên môi trường pháp lý ở Trung Quốc đã được cải thiện một phần trong những năm gần đây. Nhiều văn bản pháp luật về tài chành và kinh tế được xây dựng mới từ đầu và ngày càng tiếp cận với thông lệ quốc tế qua việc Trung Quốc phải thực hiện các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do song phương (chủ yếu là với Mỹ và EU) và khi vào WTO. Đặc biệt là cam kết thực hiện cách đối xử quốc gia (tức là bình đẳng) với các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và cải cách doang nghiệp nhà nước để được chứng nhận là nước có nền kinh tế thị trường (theo thỏa thuận song phương với Mỹ, Mỹ có thể công nhận trong năm 2010). Nếu Trung Quốc có thể dần dà xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và có tính cạnh tranh, thì sẽ củng cố đà tăng trưởng kinh tế nhanh trong tương lai.
    Kinh nghiệm của Ấn Độ thì ngược lại. Ấn Độ thừa hưởng hệ thống pháp lý “common law” của Anh và đã quen với môi trường kinh doanh có rất nhiều luật lệ thưong mại, giao kèo và tòa án để giải quyết tranh chấp. Vấn đề của Ấn Độ phát xuất từ chính sách kinh tế hướng nội và thay thế nhập khẩu. Chính sách này đã đưa đến nhiều luật lệ nặng nề và nhiêu khê, nhằm hạn chế tới mức tối đa nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, đầu tư lớn của doanh nghiệp tư trong ngước, và bảo hộ lao động. Luật lệ không những phức tạp, ở cấp chính quyền liên bang lẫn cấp tiểu bang, nhưng việc áp dụng lại rất chậm chạp và không nhất thống. Kết quả là hệ thống luật lệ trong môi trường kinh doanh không có hiệu năng. Thí dụ cụ thể là ở Ấn Độ, muốn xin đầy đủ mọi giấy phép để thành lập doanh nghiệp phải mất 89 ngày, trong khi ở Trung Quốc chỉ cần 41 ngày (đây cũng là thời gian trung bình ở châu Á). Thủ tục thanh lý doanh nghiệp phá sản ở Ấn Độ kéo dài đến 10 năm, trong khi ở Trung Quốc “chỉ” tốn có 2,4 năm. Tình trạng này có khuynh hướng ngày càng xấu thêm: hiện nay tổng số các vụ án dân sự và hình sự đang chờ đươc thụ lý tại các tòa án Ấn Độ đã tăng lên quá 30 triệu vụ, so với 20 triệu trong năm 1997.[8] Tình trạng bê trể này đã làm chậm mức tăng trưởng kinh tế ở Ấn Độ, hạn chế khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI, và hạn chế các doanh nghiệp tư trong khu vực công nghiệp hiện đại có thể dễ dàng phát triển và tăng số nhân công công nghiệp. Tuy tiến trình cải cách đã nới rộng và tự do hóa nhiều lãnh vực, cốt lõi của hệ thống luật lệ Ấn Độ rất khó thay đổi hoàn toàn, nhất là luật lệ bảo hộ lao đông, vì nó đã ăn sâu vào nếp sống nếp nghĩ của nhiều người Ấn Độ, cứ cho rằng nó thích hợp với công bằng xã hội hơn. Đây chính là thử thách lớn nhất của Ấn Độ trong việc thúc đẩy cải cách để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

    Vấn đề tham nhũng. Cả hai nước đều giống nhau ở  chỗ có hệ thống luật lệ nặng nề và phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy phép, nhưng việc áp dụng và chế tài lại lỏng lẻo và không nghiêm túc, tạo nhiều  chỗ hở cho viên chức có thể quyết định một cách tùy tiện. Đây là mảnh đất rất béo bở cho hối lộ, tham nhũng và các tệ nạn hối mại quyền thể phát triển mạnh mẽ. Tuy có chế độ chính trị khác nhau, cả hai nước đều xếp hạng thấp (hay là xấu) trong các cuộc thăm dò ý kiến của tổ chức Transparency International về tệ nạn hối lộ và tham nhũng. Trong năm 1995, Trung Quốc được điểm 2,16 trong khi Ấn Độ được 2,8 (dưới điểm 3,0 có nghĩa là ờ nước đó tình trạng tham nhũng lan tràn). Đến năm 2004, Trung Quốc đã cải thiện lên tới điểm 3,4 (xếp hạng 71 trong số 146 nước được khảo sát), trong khi Ấn Độ vẫn giữ điểm 2,8 (xếp thứ 90/146). Tệ nạn tham nhũng đã gây khó khăn, tăng chi phí cho các hoạt động kinh doanh, và đã kiềm hãm sức tăng trưởng của hai nước. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất cơ bản trong vấn đề tham nhũng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
    Ở Ấn Độ, tham nhũng cơ bản là thuộc tính của tình trạng nghèo và kém phát triển. Khi đã phát triển và giàu có hơn, Ấn Độ đã có sẵn cơ cấu và định chế chính trị, hệ thống pháp luật và xã hội dân sự để kiểm soát tình trạng tham nhũng, hạn chế nó thành một tệ nạn có tính biệt lệ chứ không phổ quát trong xã hội – như tình trạng bình thường ớ các nước đã phát triển. Một cách cụ thể, nhân dân Ấn Độ đã sử dụng quyền bầu cử của mình để thay đổi đảng cầm quyền ở cấp liên bang và tiểu bang, nếu đảng cầm quyền tỏ ra bất lực và tham nhũng quá đáng trong nhiệm kỳ vửa qua. Điều này đã giới hạn phần nào sự lan tràn của tham nhũng. Thứ hai, chế độ sở hữu tài sản của tư nhân đã rõ ràng và ổn định từ lâu đời, vì thế tham nhũng có tính chất “thu phí để cấp giấy phép” chứ không mang tính chất biến tài sản công thành tài sản tư một cách có hệ thống. Sau cùng, hệ thống truyền thông, báo chí ở Ấn Độ tự do nên có thể trở thành hữu hiệu hơn trong việc điều tra và phanh phui các vụ việc tham nhũng cho công luận lên án.
    Ở Trung Quốc, tham nhũng chủ yếu phản ánh thời kỳ quá độ từ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chỉ huy và bao cấp thành nền kinh tế thị trường. Xã hội chủ nghĩa tức là tài sản của quốc gia, từ đất đai ở đô thị đến nông thôn, tài nguyên thiên nhiên và các độc quyền kinh tế như bưu điện, viễn thông hay hàng không v.v. đầu thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý, nhưng thực sự là thuộc quyền sử dụng và phân phối của các tổ chức và cá nhân lãnh đạo Đảng/nhà nuớc có quyền quyết định. Cải cách để xây dựng nền kinh tế thị trường có nghĩa là tất cả các tài sản nói trên đều trở thành hàng hóa có giá [nhiều khi rất cao!], và dần dà thuộc sở hữu của các đơn vị kinh tế tập thể hay tư nhân. Thời kỳ quá độ nói trên thực chất là tiến trình tư hữu hóa tài sản công cho các đơn vị kinh tế để họ giao lưu với nhau trong nền kinh tế thị trường. Vấn đề là tư hữu hóa như thế nào, ai quyết đinh sự phân phối, theo tiêu chuẩn gì, và ai được hưởng lợi. Quan trọng hơn cả là quá trình tư hữu hóa đó có được diễn ra một cách công bằng và minh bạch hay không. Một số nước Đông Âu trong thời kỳ bắt đầu cải cách đầu thập kỷ 1990 đã áp dụng chính sách chia phiếu (voucher) cho tất cả mọi công dân để họ mua cổ phần của các quỹ đầu tư – các quỹ này là cổ đông có tổ chức của các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá và tư nhân hóa. Ở Trung Quốc, và các nước tương tự như Trung Quốc, vấn đề tư hữu hóa không được đặt ra và giải quyết một cách nghiêm túc. Vì thế, song song với việc hình thành nền kinh tế hàng hóa thị trường, thực tế đã diễn ra quá trình tư hữu hóa một cách tự phát và vô tổ chức. Tổ chức, đơn vị và cá nhân có quyền đã dần dà biến một phần tài sản công (từ căn hộ trong nhà ở tập thể đến doanh nghiệp nhà nước v.v.) thành tài sản riêng qua nhiều biện pháp, từ chính thức hay không chính thức tính cách tham nhũng. Như thế, ở Trung Quốc tham nhũng đã vượt quá phạm trù đạo đức để trở thành vấn đề chính trị – tham nhũng đang dần dà thay đổi bản chất của chế độ và chỉ được giải quyết trong tiến trình cải cách chính trị của Trung Quốc.[9]
          
    7. Hệ thống tài chánh ngân hàng
    Hệ thống tài chánh ngân hàng có chức năng huy động vốn tiết kiệm trong dân chúng và phân phối cho các doanh nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất. Hệ thống tài chánh càng hữu hiệu khi nó tạo ra nhiều dịch vụ và sản phẩm tài chánh để huy động vốn tiết kiệm và phân phối cho những dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho xã hội. Xét theo tiêu chuẩn này, hệ thống tài chánh ngân hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ có hiệu năng thấp, mặc dù có nhiều điểm khác biệt giữa hai nước.
    Ở Trung Quốc, trong quá trình cải cách thành nền kinh tế thị trường, hệ thống an sinh xã hội theo kiểu bao cấp cũ đã bãi bỏ, nhưng hệ thống mới đang bắt đầu hình thành, còn rất sơ khai và thiếu xót. Để dự phòng đối phó với những bất trắc trong tương lai, dân chúng đã tiết kiệm rất nhiều – suất tiết kiệm ở Trung Quốc lên đến trên 51% GDP, thuộc mức cao nhất thế giới. Tuy nhiên hình thức tiết kiệm rất nghèo nàn, chủ yếu là ký gởi vào ngân hàng với lãi suất thấp (vì thế dân càng phải tiết kiệm nhiều hơn!). Hệ thống ngân hàng tuy đã được cải cách thành ngân hàng thương mại, nhưng chủ yếu vẫn là quốc doanh – nó tiếp tục phân phối phần lớn vốn tiết kiệm cho các doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chuẩn chính trị, chứ không nhất thiết theo các tiêu chuẩn kinh doanh tín dụng. Việc đầu tư vốn tiết kiệm của xã hội vì vậy có hiệu năng thấp: lãnh vực doanh nghiệp nhà nước thu hút 35% lượng tín dụng ngân hàng, nhưng chỉ tạo ra 23% GDP .[10] Trong khi đó, lãnh vực doanh nghiệp tư hay có vốn FDI chỉ sử dụng 27% lượng tín dụng ngân hàng, nhưng sản xuất 52% GDP. Lãnh vực này cũng rất năng động, nó tăng trưởng rất nhanh trong hai thập kỷ vừa qua––nhanh hơn lãnh vực quốc doanh rất nhiều. Vốn tiết kiệm của xã hội vì thế đã được sử dụng một cách thiếu hiệu quả. Nó còn có nguy cơ tăng lượng nợ khó đòi và nợ xấu ở các ngân hàng trong tương lai. Hiện nay Trung Quốc đang cố gắng cải cách hệ thống ngân hàng bằng cách mời gọi các ngân hàng lớn trên thế giới đầu tư chiến lược vào 4 ngân hàng thương mại nhà nước, đồng thời tư nhân hóa các ngân hàng này qua việc phát hành cổ phiếu cho công chúng (Initial Public Offerings: IPO). Đến cuối năm 2007, theo lộ trình thực hiện cam kết WTO, lãnh vực dịch vụ tài chính ngân hàng sẽ được mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài. Lãnh đạo Trung Quốc xem áp lực cạnh tranh của quá trình hội nhập này là biện pháp hữu hiệu để hiện đại hóa hệ thống ngân hàng Trung Quốc. 
    Ở Ấn Độ, hệ thống ngân hàng, thị trường tiền tệ và chứng khoán đã ra đời rất sớm so với các nước đang phát triển, và đã quen hoạt động trong cơ chế thị trường. Đặc biệt thị trường chứng khoán Ấn Độ đã có số vốn doanh nghiệp niêm yết lên tới 56% GDP, tính theo giá thị trường, so với mức 17% GDP ở Trung Quốc. Ngân hàng quốc doanh chiếm tỷ trọng 79% thị trường ngân hàng Ấn Độ so với tỷ trọng 13% của ngân hàng tư trong nước và 8% của ngân hàng nước ngoài.[11] Cơ cấu này không khác bao nhiêu so với Trung Quốc: 86% thuộc về ngân hàng quốc doanh, 12% ngân hàng tư trong nước, và 2% của ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, các ngân hàng Ấn Độ nói chung có bảng cân đối tài chính lành mạnh, với tỷ lệ vốn (capital adequacy ratio) cao – 15% so với 11% ở Trung Quốc. Lợi nhuận của ngân hàng Ấn Độ cũng cao hơn. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu (non performing loans: NPL) ở Ấn Độ tương đối thấp, khoảng 30 tỷ đôla hay 7% tổng dư nợ, so với số nợ xấu khoảng 130 tỷ đôla hay 20% tổng dư nợ ở Trung Quốc.[12] Tuy nhiên, vì nhiều lý do, suất tiết kiệm ở Ấn Độ thấp, chỉ có khoảng 23,8% GDP – ít hơn một nửa so với Trung Quốc. Cho mãi đến gần đây, chính sách kinh tế hạn chế sự đầu tư và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân đã hướng các ngân hàng Ấn Độ tập trung cho các doanh nghiệp quốc doanh vay, hay mua công trái để tài trợ thiếu hụt ngân sách của chính quyền liên bang và tiểu bang. Tương tự như ở Trung Quốc, lãnh vực quốc doanh thu hút 39% lượng tín dụng. Ngoài ra, 13% lượng tín dụng được phân phối theo chính sách ưu tiên cho một số doanh nghiệp và ngành nghề, với hiệu năng thấp. Vì thế vốn tiết kiệm của xã hội cũng không được sử dụng một cách hữu hiệu. Thêm vào đó, suất tiết kiệm ở Ấn Độ thấp, nên suất đầu tư cũng thấp – chỉ có 24% GDP so với 40% GDP như ở Trung Quốc. Như thế thử thách của Ấn Độ là tăng hiệu năng của hệ thống ngân hàng cùng lúc với tăng suất tiết kiệm, để có thế đầu tư nhiều hơn và tăng trưởng nhanh hơn.

    8. Hệ thống giáo dục
    Hệ thống giáo dục rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Trong lãnh vực này, có sự khác biệt quan trọng giữa hai nước.
    Ở Ấn Độ, do ảnh hưởng tôn giáo và văn hóa, sự phân biệt nam nữ và đẳng cấp (caste) đã tác hại rất lớn đối với nền giáo dục Ấn Độ.  Ở cấp phổ thông cơ sở (từ 6-14 tuổi), trong thập kỷ vửa qua, Ấn Độ tương đối thành công trong việc nâng tỷ lệ trẻ em đi học, từ 60% lên đến 90%. Nhưng đến lớp 8 thì 75% số trẻ em này thôi học, và đến lớp 12 thì 85% không tiếp tục đi học nữa.[13] Lý do chính của tình trạng học ít này là sự phân biệt nam nữ và đẳng cấp –tỷ lệ bỏ học trong trẻ em nữ là 78% so với 48% trong trẻ em nam. Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách tăng tỷ lệ dành riêng cho các trẻ em thuộc đẳng cấp thấp hày các thanh phần bị bạc đãi từ 27% lên 49%.
    Đặc điểm của giáo dục Ấn Độ là ưu tiên cho cấp Đại Học: hàng năm, Ấn Độ chi tiêu khoảng 2,500 đôla/sinh viên cho cấp Đại Học, và khoảng 420 đôla/học sinh cho cấp phổ thông (tính theo PPP).[14] Tỷ lệ tương tự của Trung Quốc là 556 và 629 đôla. Như thế, Ấn Độ chi tiêu rất cao cho Đại Học, một cách tuyệt đối và tương đối, so với Trung Quốc và các nước khác ở Á Châu. Do đó, giáo dục đại học của Ấn Độ tương đối thành công – mỗi năm đào tạo khoảng 3 triệu sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, giới kinh doanh ở Ấn Độ cũng như ở nước ngoài đặt dấu hỏi về chất lượng và sự thích hợp của các sinh viên này. Theo một điều tra mới đây của NASSCOM/McKinsey, chỉ có 10-15% số sinh viên tốt nghiệp đại học hàng năm là có đủ trình độ và đáp ứng nhu cầu của ngành khoán dịch vụ.[15] Con số 10-15% này tương đương với khoảng 215,000 người , bằng số sinh viên tốt nghiệp hàng năm ở Mỹ, và bằng 1/3 số ở Trung Quốc. Tuy giáo dục đại học hiện nay có khả năng đào tạo những chuyên gia cần thiết, sự yếu kém trong giáo dục phổ thông sẽ hạn chế sự phát triển của Ấn Độ trong tương lai. 
    Trung Quốc chủ trương xây dựng giáo dục một cách đồng đều hơn. Hàng năm Trung Quốc chi tiêu khoảng 56 tỷ đôla hay 3,2% GDP cho giáo dục, cho khoảng 218 triệu học sinh và 10,6 triệu thày cô giáo. Giáo dục phổ thông cưỡng bách từ nhà trẻ đến lớp 9 – trong năm 2004, có hơn 93% trẻ em học hết lớp 9.[16] Nhưng sau lớp 9 chỉ có 40% trẻ em tiếp tục học – tuy nhiên tỷ lệ này cao gần gấp đôi tỷ lệ ở Ấn Độ. Ngoài ra, có sự mất cân bằng trầm trọng trong tình trạng và chất lượng giáo dục ở vùng duyên hải và các đô thị so với nông thôn. Cũng như Ấn Độ, Trung Quốc cũng gặp vấn đề là chương trình học quá thiên về từ chương và học thuộc lòng nên khó đáp ứng với nhu cầu nền kinh tế ngày càng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

    III. Kết luận: Tương lai đi về đâu? 
    Với đà phát triển như hiện nay, đến năm 2050 nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn nhất thế giới, chiếm 28% GDP toàn cầu. Mỹ đứng thứ hai với 26% và Ấn Độ thứ ba với 17%.[17] Như thế, ba nước Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ chi phối kinh tế toàn cầu với tỷ trọng 71%. Dù suất tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ có thể biến động và không nhanh như những năm vừa qua, rõ ràng là hai nước này sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với kinh tế thế giới. Nếu Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục phát triển, thì kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng một cách ổn định. Nếu hai nước này gặp khó khăn hay khủng hoảng, thì nền kinh tế thế giới cũng gặp khó khăn. Vì vậy sự phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ đã trở thành mối quan tâm của các nhà lãnh đạo và kinh doanh trên thế giới – nhất là ở các nước châu Á vì cơ cấu kinh tế trong khu vực ngày càng kết hợp chặt chẻ với kinh tế Trung Quốc cho nên cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nếu sự phát triển ở Trung Quốc không ổn định.[18]
    Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển kinh tế, nhưng không thể đạt tốc độ nhanh như Trung Quốc vì thể chế dân chủ và nhu cầu phải tạo ra sự đồng thuận trong xã hội không cho phép Ấn Độ huy đông và tập trung tài nguyên xã hội vào việc tăng trưởng kinh tế. Vì thế, Ấn Độ sẽ trở thành một nền dân chủ vĩ đại nhất thế giới, tuy nhiên khó trở thành một siêu cường.[19]
    Trung Quốc trái lại có rất nhiều khả năng trở thành siêu cường, về cả kinh tế, chính trị và quân sự. Tuy nhiên, trước mắt Trung Quốc phải vượt qua một thử thách lớn, đó là cải cách doanh nghiệp quốc doanh để kinh tế trở nên hữu hiệu hơn. Trong trung hạn, Trung Quốc phải trả lời một câu hỏi khó khăn hơn. Đó là liệu mô hình phát triển “kinh tế thị trường, hội nhập với thế giới, nhưng Đảng Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục nắm độc quyền lãnh đạo chính trị” có thể tiếp tục được tới đâu và sẽ biến đổi như thế nào – một cách ôn hòa hay phải trải qua khủng hoảng. Chỉ có tương lai mới có thể trả lời câu hỏi này. 
    Đối với VN, kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác ở châu Á cho thấy chính sách kinh tế đúng đắn và bộ máy nhà nước hữu hiệu là các yếu tố quan trọng hơn yếu tố thể chế chính trị trong việc kích thích tăng trưởng, nhất là trong thời kỳ mới phát triển. Nhưng đến một trình độ phát triển kinh tế khá hơn, và điều này thường đi đôi với việc hội nhập nhiều hơn với kinh tế thề giới, thì nhu cầu cần phải có hệ thống và cơ chế pháp luật rõ ràng minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, ngày càng trở nên bức xúc hơn – và có khả năng kìm hãm sức tăng trưởng nếu không được giải quyết thỏa đáng và kịp thời. Nếu xây dựng được hệ thống pháp luật và cơ chế thị trường hoàn chỉnh hơn để tiếp tục phát triển, thì sẽ có nhu cầu cần phải có một cơ chế chính trị bảo đảm cho việc hóa giải các khác biệt trong xã hội một cách hữu hiệu, ôn hòa và không gây xáo trộn khi cần thay đổi. Đây chính là tiền đề cho việc cải cách chính trị để đi đến một thể chế dân chủ hơn––như đã xảy ra ở một số nước châu Á. Diễn tiến này cũng phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội nói chung trên thế giới, mặc dù hình thức cụ thể của thể chế “dân chủ hơn” sẽ khác nhau tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi nước.                                                                   
    *Bản duyệt lại của bài phát biểu tại Hội Thảo Hè 2006 “Dân chủ và Phát Triển”, tổ chức tại Berkeley (California, Hoa Kỳ) ngày 28-29/7/2006  

    Tài liệu tham khảo
    Acharya, Shankar, Essays on Macroeconomic Policy and Growth in India, Oxford University Press 2006
    Anderson, Jonathan, How Real Is China’s Bank Cleanup?, UBS 18/1/2006
    Bergsten, Fred, et al., China: The Balance Sheet, Center for Strategic and International Studies and Institute of International Economics, Washington D.C. 200 
    Farrell, Diana, Putting China’s Capital to Work: The Value of Financial System Reform, McKinsey Global Institute 2006
    Kochhar, Kalpana, et al., India’s Pattern of Development: What Happened, What Followed?, IMF Working Paper 1/2006
    Nierenberg, Danielle, et al., State of the World 2006: China and India, The World Watch Institute, 2006
    Pei, Minxin, China’s Trapped Transition:The Limits of Developmental Autocracy, Harvard University Press, Boston 2006
    Prior-Wandesforde, Robert, India: Pitfalls and Possibilities, HSBC Global Research 7/2006 
    Trần Quốc Hùng, “Việt Nam trong sự phân công lao động khu vực: Thích ứng với sự phát triển của Trung Quốc”, trong Góp Vào Đổi Mới, Nhà Xuất Bản Trẻ và TBKTSG, 2005
    Tseng, Wanda and David Cowen, India’s and China’s Recent Experience with Reform and Growth, IMF 2005 


    Chú thích
    [1] Tính theo tỷ số sức mua tương đương của đồng tiền (Purchasing Power Parity). Các số liệu cụ thể trong phần này dẫn theo Robert Prior-Wandesforde, India: pitfalls and possibilities,  HSBC Global Research 7/2006.
    [2] Vào năm 1945, Ấn Độ đứng thứ bảy trên thế giới tính theo sản lượng công nghiệp. Theo Wanda Tseng & David Cowen, Eds,  India’s and China’s Recent Experience with Reforem and Growth, IMF 2005.
    [3] Năm 1955, kinh tế gia Mỹ Milton Friedman được chính phủ Ấn Độ mời thăm và cố vấn cho Ủy Ban Kế Hoạch Nhà Nước. Trong bài viết ngày 5/11/1955, ông đã tiên đoán là chính sách phát triển dựa trên kinh tế kế hoạch và ưu tiên cho công nghiệp nặng và tiểu công nghệ của Ấn Độ sẽ thất bại, và Ấn Độ sẽ phát triển chậm hơn so với Hông Kông, theo nền kinh tế thị trường và tự do. Theo Arvind Panagariya, “Heed the words of wisdom”, Economic Times 24/10/2001 India.
    [4] Theo Robert Prior-Wandesforde, “India: Pitfalls and Possibilities”, HSBC Global Research, 7/2006
    [5] Các số liệu trong phần này trích từ The World Watch Institute, State of the World 2006: Special Focus – China and India, W.W. Norton & Company, New York 2006
    [6] Theo nhiều cuộc thăm dò ý kiến, phần lớn các công ty đa quốc gia coi sự yếu kém trong cơ sở hạ tầng là một trong những lý do chính khiến họ ngần ngại không muốn đầu tư trực tiếp vào Ấn Độ. Xem Business Week, 22-29/8/2005
    [7] Kim ngạch xuất khẩu phần mềm và dịch cụ của Ấn Độ ước tính sẽ tăng lên gần 30 tỷ đôla trong năm nay, so với khỏang dưới 4 tỷ đô la của Trung Quốc. Dẫn theo Business Week, 22-29/8/2005.
    [8] Theo “India: The long arms of the law”, The Economist, 1/7/2006
    [9] Theo Mingbao 30/1/2005, ông Triệu Tử Dương, cố Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã nói với các bạn, khoảng một năm trước khi chết, trong lúc đang bị quản thúc tại gia: “Vấn đề là Đảng Cộng Sản Trung Quốc là đảng được xây dựng trên cơ sở Leninisme. Nó kiểm soát tất cả tài nguyên của quốc gia…trong nền kinh tế thị trường, sau khi tư sản được chấp nhận và hợp pháp, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã hủ hóa. Những người có chức quyền dùng quyền kiểm soát tài nguyên để biến tài sản của xã hội thành tài sản riêng của họ. Họ đã trở thành một nhóm quyền lợi rất lớn…Cái mà Trung Quốc có hiện nay là hình thức tồi tệ nhất của chù nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản phương Tây trong thời kỳ đầu cũng xấu, nhưng nó đã có thể dần dà trở nên tiến bộ. Nhưng hình thức tồi tệ của chủ nghĩa tư bản ở Trung Quốc hiện nay khó có khả năng để trở nên tiến bộ.” (trích theo Minxin Pei, China’s Trapped Transition: The Limits of Developmental Autocracy, Harvard University Press 2006)
    [10] Các số liệu về ngân hàng ớ Trung Quốc và Ấn Độ đươc trích theo McKinsey Global Institute, Putting China’s Capital to Work: The Value of Financial System Reform,  5/2006
    [11] Theo Boston Consulting Group (2003). Trích theo Sanyata Bhattacharya và Urijit Patel, “Reform Strategies in Indian Financial Sector” trong Wanda Tseng (2005)
    [12] Theo Amit Tandon,China’s Banks Are Weaker, Outlook Business 5/6/2006
    [13] Theo Business Week, 22-29/8/2005
    [14] Theo Kalpana Kochhar, Utsav Kumar, Raghuram Rajan, Arvind Subramanian and Ioannis Tokatlidis, India’s Pattern of Development: What Happened, What Follows?¸ IMF Working Paper 1/2006.
    [15] Theo HSBC Global Reasearch (2006)
    [16] Theo Fred Bergsten et al., China: The Balance Sheet, Center for Stategic and International Studies and Institute of International Economics, 2006
    [17] Theo Business Week 22-29/8/2005
    [18] Xem Trần Quốc Hùng, Việt Nam trong sự phân công lao động khu vực:Thích ứng với sự phát triển của Trung Quốc, trong Góp Vào Đổi Mới, Nhà Xuất Bản Trẻ và TBKTSG, 2005
    [19] Theo Meghnad Desai, “India and China: An Essay in Comparative Political Economy”, trong Wanda Tseng và David Cowen (2005)
    Nguồn:http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai8/200608_TranQuocHung.htm
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org