Xã hội dân sự và dân chủ tự do

Posted on
  • Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Tô Văn Đại
    Khi hàng triệu người Syria bắt chấp cái chết, ùn ùn vượt biển để tị nạn chiến tranh và di cư đến Tây Âu thì những người có lương tri và tính khoan dung trên thế giới đặt ra câu hỏi: ”Tại sao họ đến Tây Âu mà không đến Nga hoặc Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên?”. Câu trả lời là: ”Vì Tây Âu gồm những quốc gia thịnh vượng và có nền dân chủ tự do“. Lại có một câu hỏi tiếp theo: “Vì sao họ đi tìm nơi thịnh vượng và dân chủ tự do?”. Nói về nền dân chủ tự do ở Tây Âu, Anders Fogh Rasmassu, cựu thủ tướng Đan Mạch, Tổng thư ký Nato [1] tự hào cho rằng: ”Sức mạnh lớn nhất của Phương Tây là dân chủ tự do. Nó đã từng cho phép chúng ta đảm bảo hòa bình cho hai thế hệ mà không cần phải bắn một phát súng nào. Mặc dù nền dân chủ tự do còn chưa hoàn hảo, nó vẫn là sự bảo vệ tốt nhất chống lại chủ nghĩa cực đoan, tính không khoan dung và nó là người bảo vệ có quyền lực nhất cho sự tiến bộ của con người“.
    Dân chủ tự do là thứ giá trị tốt đẹp của loài người như thế, tại sao những người Syria phải đi tìm ở nơi khác?
    Theo nhà bình luận chính trị Fareed Zakaria thì từ cuối những năm 1980, chưa kể đến những quốc gia có chính phủ thực hành chế độ toàn trị, hoặc chế độ độc tài chuyên quyền như chính quyền của ông Adaffi ở Lybia, của ông Assad ở Syria thì khoảng 60% quốc gia trên thế giới có nền dân chủ phi tự dochứ không phải là nền dân chủ tự do. Ở các nền dân chủ phi tự do, các đảng chính trị cạnh tranh và lên nắm quyền thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng ở các mức độ khác nhau, nhưng các chính phủ đó thường xuyên vi phạm các quyền cơ bản của công dân nước họ. Những nhóm phản đối chính quyền, dù thuộc bất kỳ phe chính trị nào đều có nguy cơ bị chính phủ tùy tiện bắt giam, bỏ tù. Nền dân chủ ở Nga thời Tổng thống Putin cũng thuộc loại này. Anders Fogh Rasmassu mô tả như sau: ”Mô hình dân chủ của Tổng thống Nga Putin là loại bỏ tất cả các phe đối lập, hạn chế tự do truyền thông rồi nói với người dân Nga rằng các bạn có thể lựa chọn các nhà lãnh đạo của mình thông qua bầu cử tự do“. Còn ở các quốc gia có chính phủ thực hành chế độ toàn trị, chế độ độc tài chuyên quyền như ở Lybia của Tổng thống Gadaffi và ở Syria của Tổng thống Assad thì không có cả bầu cử tự do. Vậy như thế nào là nền dân chủ tự do?

    I. Điều kiện ra đời nền dân chủ tự do:
    Theo Dani Rodrik, giáo sư khoa học xã hội Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey [2] thì nền dân chủ tự do ra đời dựa trên 3 nhóm quyền riêng biệt là: Quyền sở hữu – Quyền chính trị và Quyền dân sự. Nếu thiếu một trong ba nhóm quyền này thì không phải là nền dân chủ tự do. Nhóm quyền sở hữu nhằm bảo vệ các chủ sở hữu và các nhà đầu tư không bị tước đoạt tài sản. Nhóm quyền chính trị bảo đảm các tổ chức giành được chiến thắng trong bầu cử có thể nắm quyền và lựa chọn chính sách theo ý muốn của họ với điều kiện các chính sách đó không vi phạm nhóm quyền sở hữu và nhóm quyền dân sự. Nhóm quyền dân sự bảo đảm cho mọi người dân sự được đối xử bình đẳng trước pháp luật về các quyền và quyền tự do của nền dân chủ tự do, thường gồm có: quyền bầu các ứng viên một cách tự do và công bằng, quyền tự do tổ chức và lập hội dưới nhiều dạng khác nhau của tổ chức phi chính phủ, quyền tự do hội họp, quyền sở hữu tài sản, quyền riêng tư, quyền xử lý theo trình tự luật, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do giáo dục, quyền tự do tôn giáo, quyền bình đẳng tiếp cận các dịch vụ công như giáo dục, y tế. Trong số đó, quyền tự do lập hội và quyền tự do hội họp nằm trong các quyền cơ bản của nền dân chủ tự do.
    Những người có quyền lực thường là đối tượng được thụ hưởng các quyền sở hữu và quyền chính trị. Quần chúng nhân dân có tổ chức thì chủ yếu quan tâm đến nhóm quyền chính trị. Trong suốt chiều dài lịch sử của xã hội loài người, giới cầm quyền luôn luôn thích một chế độ chuyên chế để độc quyền cai trị và bảo vệ các quyền lợi riêng của họ, tham nhũng và hối lộ. Vì thế cần đến cái chốt hãm sự lạm dụng quyền lực đó, thông qua các cuộc thương lượng dân chủ của các tổ chức dân sự với chính quyền. Mọi cuộc thương lượng như thế chỉ khả thi khi quần chúng có tổ chức và huy động được lực lượng đông đảo vì những lợi ích chung, trong các tổ chức gọi là xã hội dân sự. Nhưng nếu các lực lượng đó không liên kết chặt chẽ với nhau với những mục tiêu chung thì không thể tạo ra được một phiên bản dân chủ tự do bền vững.
    Theo Bộ dữ liệu chính thể (Political Data Set) và các danh sách của Freedom House thì tính đến nay, các quốc gia có nền dân chủ tự do gồm: Liên minh Châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Nam Phi, Ấn Độ.
    Phần lớn các quốc gia dân chủ tự do này nằm ở Châu Âu và các quốc gia nói tiếng Anh. Các nền dân chủ tự do ra đời trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Riêng các nền dân chủ tự do ở Châu Âu được sinh ra trong những hoàn cảnh độc nhất của Phương Tây thế kỷ thứ 19 và có lẽ không bao giờ lặp lại lần nữa. Các nền dân chủ tự do nói trên đều có 2 đặc trưng tiêu biểu là tính khoan dung và tính đa nguyên.

    II. 3 điều kiện và 2 đặc điểm của một nền dân chủ ổn định
    * Theo Seymour Martin Lipset [3] thì một nền dân chủ ổn định phải có đủ 3 đặc điểm là:
    1) Có một hệ thống chính trị được đặc trưng bởi một hệ thống giá trị cho phép thực hiện quyền lực một cách hòa bình, nghĩa là được những người không nắm quyền tuân thủ những quyết định của nhóm nắm quyền đưa ra và nhóm nắm quyền công nhận quyền lợi của nhóm không nắm quyền.
    2) Kết quả của sự thực hiện quyền lực phải được định kỳ trao quyền lực hữu hiệu cho một nhóm hoặc một đảng hoặc một liên minh ổn định khác, nếu không sẽ dẫn đến việc hình thành một chính quyền bất ổn và vô trách nhiệm chứ không phải là một nền dân chủ tự do.
    3) Có điều kiện thuận lợi cho sự tồn tại lâu dài của một phe đối lập hiệu quả, để không thể dẫn đến tình trạng chức quyền của các quan chức tại vị được tối đa hóa, còn ảnh hưởng của phía đa số đối với một chính sách nào đó của chính phủ lại bị tối thiểu hóa.
    Theo phân tích của Tocqueville thì một xã hội không có nhiều tổ chức tương đối độc lập tách khỏi quyền lực nhà nước trung ương thì dễ xảy ra các nguy cơ độc tài hoặc xảy ra các cuộc cách mạng. Những tổ chức đó giữ một số chức năng quan trọng cho nền dân chủ tự do, với vai trò là nguồn quyền lực đối trọng, ngăn cản sự lạm dụng các tài nguyên chính trị. Tình hình bất ổn ở các quốc gia độc đảng và những quốc gia độc tài đã chứng minh rõ điều kiện thứ 3 này.
    Còn theo Sigmand Neumann thì ngoài 3 đặc điểm trên còn phải xét đến tác động làm suy yếu khả năng ổn định nền dân chủ bởi nền chính trị thế giới quan, chẳng hạn tác động của những người Công giáo xã hội, của những người theo chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu vào những năm 1930, của chủ nghĩa phát xít, của chủ nghĩa cộng sản trong và sau thế chiến thứ hai.
    * Cũng theo Seymour Martin Lipset thì 2 đặc điểm để duy trì một nền dân chủ ổn định là:
    1)- Sự phát triển kinh tế, bao gồm công nghiệp hóa, đô thị hóa, trình độ giáo dục cao và sự phát triển đều đặn của cải xã hội. Đây là yếu tố cơ bản nuôi sống nền dân chủ. Một quốc gia đã công nghiệp hóa càng giàu có thì càng có cơ hội lớn để duy trì nền dân chủ vì có thể có số đông dân số tham gia một cách thông minh vào nền chính trị và họ có khả năng tự kiềm chế trước sự cám dỗ của những kẻ mị dân vô trách nhiệm. Ngược lại, một quốc gia mà đa số dân là người nghèo đói thì dễ bị dẫn đến chế độ độc tài hiện đại, với 1 trong 2 hình thức chính trị tiêu biểu là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa Peron.
    2)- Tính chính danh và tính hiệu quả: Trong thế giới hiện đại, sự ổn định của một hệ thống chính trị còn phụ thuộc vào tính chính danh và tính hiệu quả của hệ thống ấy. Tính hiệu quả của hệ thống chính trị dân chủ được đo bằng tính hiệu quả của bộ máy hành chính và hệ thống ra quyết định có thể giải quyết được các vấn đề chính trị. Tính chính danh gồm các khả năng của hệ thống chính trị đó trong việc tạo ra và duy trì niềm tin rằng thể chế chính trị hiện hành là thể chế thích hợp và đúng đắn nhất đối với xã hội đó. Nó phải giải quyết được những vấn đề lịch sử then chốt gây ra sự chia rẽ xã hội, tạo được khả năng sống sót qua các cuộc khủng hoảng như suy thoái kinh tế hoặc sau thất bại trong chiến tranh. Các nhóm xã hội sẽ đánh giá hệ thống chính trị có chính danh hay không dựa vào các giá trị của hệ thống đó có phù hợp với các giá trị cơ bản của họ hay không.
    Cuộc khủng hoảng tính chính danh thường là một cuộc khủng hoảng của sự thay đổi, chẳng hạn sau khi một cấu trúc xã hội mới được hình thành, những phong tục cũ của con người thay đổi, đạo đức của công chúng bị suy đồi, sức quyến rũ của truyền thống cũ bị tan vỡ mà hệ thống mới không có khả năng đáp ứng được kỳ vọng của các nhóm lớn trong xã hội để phát triển tính chính danh theo một nền tảng mới thì sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng khác.

    III. Xã hội dân sự là gì?
    Xã hội dân sự – Vốn xã hội – Mạng xã hội và dân chủ:
    Theo Ryan Salzman [4], xu hướng các cá nhân tự tập họp với nhau, dựa trên chủng tộc, khu vực địa lý, lợi ích đã được các sử gia và các nhà khoa học chính trị đương đại coi là điều tự nhiên. Sự tương tác giữa các nhóm và các chủ thể trong xã hội được hình dung thông qua xã hội dân sự, các mạng xã hội và vốn xã hội.
    * Các mạng xã hội (Social networks) là tên chỉ các tổ chức không chính thức của các cá nhân, bao gồm những thành phần đa dạng. Mục đích của các mạng xã hội là khuyếch trương lợi ích chung
    * Vốn xã hội (Social Capital) là tổng hòa những tiềm năng gắn liền với sự sở hữu một mạng lưới bền chặt của những mối quan hệ ít nhiều đã được thể chế hóa các quá trình hiểu biết và công nhận lẫn nhau giữa chúng. Quá trình tích lũy vốn xã hội tạo ra những tổ chức xã hội tương tác ở nhiều cấp độ của xã hội và của chính quyền, với các hình thức khác nhau. Đây là trạng thái mở rộng của vốn xã hội, được hiểu là xã hội dân sự (Civil Society). Dân chủ là cầu nối xuyên suốt vốn xã hội, mạng xã hội và xã hội dân sự.
    Tầm quan trọng của các hiệp hội trong đời sống chính trị:
    Quan sát nền dân chủ Hy Lạp cổ đại, Aristotle thấy rằng từng cá nhân muốn có những quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn lãnh đạo thì các công dân cần phải biết rõ về nhau. Quan sát buổi ban đầu của nền dân chủ Mỹ, Alexis de Tocqueville (1840) cho rằng những tổ chức hiệp hội ở Mỹ là quan trọng. Chúng tạo cơ hội cho người dân tham gia ngày càng nhiều hơn vào đời sống chính trị. Khi tham gia vào các hiệp hội đó, họ có thể khắc phục sự thiếu ảnh hưởng của bản thân đến đời sống chính trị, so với khi hoạt động với tư cách cá nhân đơn lẻ. Khi các hiệp hội lớn mạnh thì các chủ thể chính trị buộc phải chú ý đến chúng và nhận ra những ưu tiên của các thành viên trong đó và điều này buộc các chủ thể chính trị đó phải tự thích nghi. Trong trường hợp như thế, hệ thống vẫn không thay đổi. Nhiều nhà khoa học chính trị như Almonol và Verba (1963) cho rằng các tổ chức hiệp hội tự nguyện là nhân tố hòa giải quan trọng nhất giữa các cá nhân và nhà nước. Những tổ chức hiệp hội như thế đã duy trì được đặc tính cốt lõi của xã hội dân sự, mạng xã hội và vốn xã hội
    Vốn xã hội, do đó, xét cho cùng được mô tả thành mối quan hệ giữa cá nhân và thể chế. Còn các mạng xã hội tựa như những viên gạch để xây dựng nên xã hội dân sự. Trong cấu trúc xã hội, vốn xã hội được quy định bởi các nghĩa vụ, các kỳ vọng và sự tin tưởng. Chính vận động theo những quy định đó mà vốn xã hội được tạo ra và phát triển. Sự tin tưởng là điểm nút của động lực vốn xã hội vì không có sự tin tưởng thì hầu như không thể tạo ra được vốn xã hội. Đường hướng chính để vốn xã hội hoạt động là các mạng lưới hoạt động của công dân, có thể là những tổ chức giữa phụ huynh và giáo viên, các đảng chính trị, các Câu lạc bộ... Đối với xã hội dân sự thì trọng tâm hoạt động của nó là cộng đồng nói chung và tập trung vào những mục tiêu công. Vai trò quan trọng nhất của xã hội dân sự là kiểm soát và giới hạn quyền lực nhà nước, không để quyền lực bị lạm dụng trở thành tha hóa, đồng thời giúp cải cách nó. Xã hội dân sự phải chấp nhận tính đa nguyên và tính đa dạng. Có thể mô tả xã hội dân sự như một bức tranh khổ rộng của cộng đồng và nó có thể đem lại những hiệu ứng rộng khắp toàn xã hội.
    Tuy nhiên, James Madison cảnh báo các xã hội dân sự cần cảnh giác với nạn bè phái. Còn Booth và Richard (1998) thì cảnh báo phải phân biệt giữa xã hội dân sự và xã hội phi dân sự (uncivil society). Những xã hội phi dân sự này đang có mặt ở Trung Mỹ, mang tính bạo lực và đối đầu và điều kiện của các nhóm đó thường là phản dân chủ.

    IV. Xã hội dân sự và sự ổn định quốc gia
    Các chính phủ của chế độ toàn trị hoặc độc tài chuyên quyền thường muốn bóp chết các xã hội dân sự từ trong trứng nước. Họ cho rằng cần làm như thế để giữ ổn định chế độ. Tuy nhiên, trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh và sau đó, các chế độ chuyên chế chưa bao giờ tạo ra được sự ổn định thật sự. Đó là vì ở nơi nào có áp bức thì ở đó có đấu tranh. Không một chính phủ nào có thể mãi mãi đàn áp khát vọng chính đáng của người dân đòi hỏi công nhận nhân phẩm và sự tôn trọng, đặc biệt khi người dân đã có khả năng tiếp cận thông tin thông qua Internet và các công nghệ truyền tin di động. Cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria giữa những người Syria nổi dậy chống chính quyền độc tài của ông Assad đã chứng minh điều này.
    Theo Ana Palacio, cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Tây Ban Nha [5] thì không thể gắn sự ổn định quốc gia với chế độ chuyên quyền vì như thế chẳng khác gì lập ra một bạo chúa để giữ sự ổn định. Ông cho rằng sự ổn định quốc gia phải được tạo ra bởi những gốc rễ vững chắc của xã hội, từ một xã hội dân sự vững mạnh ở cả cấp độ địa phương và cấp độ quốc gia. Kinh nghiệm của Nhóm Bộ Tứ Đối Thoại Quốc Gia ở Tunisia, tức là nhóm 4 tổ chức xã hội dân sự đã được trao giải Nobel hòa bình năm 2015, vì họ đã đóng góp cho nền dân chủ ở Tunisia từ sau cuộc cách mạng 2011 là một minh chứng. Nó chứng tỏ rằng một xã hội dân sự vững mạnh có thể hoạt động hiệu quả để củng cố sự ổn định quốc gia.

    V. Tìm hiểu xã hội dân sự ở Mỹ
    Theo kết quả nghiên cứu xã hội dân sự (Civil Society) ở Mỹ mà tác gỉa Nguyễn Hải Hoành gọi là xã hội công dân [6] thì nước Mỹ có xã hội dân sự rất sớm, lớn mạnh và hoạt động hiệu quả hơn so với xã hội dân sự ở các nước khác.
    Xã hội dân sự ở Mỹ được ra đời trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Nó có mối liên hệ lịch sử với ý tưởng về một xã hội tự quản, do 41 người trong số 102 người Anh đã vượt Đại Tây Dương đến Bắc Mỹ vào năm 1620. Họ đã thảo ra một cam kết sẽ thành lập một chính quyền tự quản trên nguyên tắc tự do, bình đẳng, công bằng của Đao Tin Lành. Khoảng 150 năm sau, các nguyên tắc “tự do, bình đẳng, chủ nghĩa cá nhân, chính quyền thay mặt dân, sở hữu tư nhân“ đã được ghi vào Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Trong Tuyên ngôn có câu: “Người Mỹ tin rằng mọi người sinh ra bình đẳng, được tạo hóa ban cho các quyền tự do dân chủ, tin rằng chính quyền dân cử là của dân, do dân, vì dân, là đầy tớ của dân“.
    Ở nước Mỹ người giàu được tôn vinh, coi là tấm gương phấn đấu thành đạt. Mọi người Mỹ đều có quyền sở hữu tài sản. Công dân Mỹ không bình đẳng về kết quả sáng tạo ra của cải vật chất nhưng hoàn toàn bình đẳng về cơ hội. Số người Mỹ trong tầng lớp trung lưu hiện nay chiếm tới 80% dân số. Khác với tất cả các quốc gia mà sự thành lập quốc gia dựa trên cơ sở quốc gia-dân tộc, nghĩa là gồm những người cùng dân tộc, cùng tiếng nói, cùng truyền thống văn hóa ; riêng nước Mỹ là một quốc gia gồm nhiều dân tộc thuộc hơn 100 quốc gia trên thế giới, khác nhau về huyết thống, ngôn ngữ và truyền thống văn hóa, nhưng tất cả mọi người Mỹ đều có chung một ý tưởng đó. Nhìn chung, trong xã hội Mỹ không xảy ra những mâu thuẫn nội bộ gay gắt. Có xảy ra mâu thuẫn giữa lực lượng xã hội với chính quyền nhưng không đến mức xảy ra bạo lực, đảo chính hoặc cách mạng lật đổ chính quyền. Nhà nước Mỹ đã ban hành các đạo luật về quyền tự do lập Hội đoàn của công dân, tự do lập các tổ chức dân sự, tạo cơ sở pháp lý để xã hội dân sự ở Mỹ phát triển mạnh mẽ.
    Xã hội dân sự ở Mỹ dựa trên chủ nghĩa cá nhân. Sự tham gia của cá nhân vào sinh hoạt xã hội tuân theo các khế ước (thỏa thuận) và ràng buộc với các mối quan hệ đạo đức, kinh tế, xã hội và chính trị. Ở Mỹ, đề cao cá nhân là đề cao quyền tự định đoạt số phận của mỗi công dân nhưng không được vi phạm các luân lý đạo đức, không xâm phạm lợi ích chung và lợi ích của người khác. Có lẽ sự đề cao quyền tự định đoạt số phận của mỗi công dân dễ được chấp nhận ở Mỹ vì nước Mỹ chưa trải qua chế độ phong kiến như ở Châu Âu và Châu Á. Điều này đã tạo ra nét văn hóa chính trị đặc sắc của xã hội dân sự Mỹ. Ở Mỹ, xã hội dân sự tồn tại độc lập với chính quyền, đóng vai trò điều hòa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, tạo cơ hội cho người dân thực hiện tốt quyền làm chủ đất nước. Nó đã trở thành động lực cơ bản làm cho nền dân chủ Mỹ phát triển lành mạnh và xã hội không hỗn loạn. Xã hội dân sự ở Mỹ đã góp phần quan trọng vào việc quản lý đời sống xã hội. Rất nhiều vấn đề xã hội do dân tự làm, ví dụ: giúp đỡ người nghèo, người già, người lang thang cơ nhỡ, trẻ mồ côi, làm từ thiện, bảo vệ môi trường … Năm 2008, ở Mỹ đã có tới 1,4 triệu tổ chức từ thiện. Tổng tài sản của các tổ chức từ thiện này bằng 5% GDP của nước Mỹ. Năm 2007 số tiền quyên góp từ thiện đã đạt tới 306 tỷ USD (bằng 3 lần GDP của Việt Nam cùng năm đó). Bill Gates và W. Buffett là 2 người giàu nhất nước Mỹ đã cam kết hiến từ 98 đến 99% tài sản riêng để làm từ thiện. Thông qua xã hội dân sự, mọi người dân Mỹ có thể liên kết nhau giám sát hoạt động của chính quyền. Khi cần, trong khuôn khổ pháp luật, họ có thể gây sức ép đòi chính phủ thay đổi chính sách hoặc thay người lãnh đạo. Xã hội dân sự có thể tạo sức ép, buộc chính quyền phải lắng nghe người dân, hạn chế sự lạm dụng quyền lực và các hậu quả xấu kèm theo như tệ độc đoán, nạn tham nhũng. Xã hội dân sự ở Mỹ san sẻ bớt công việc quản lý xã hội nên được Chính phủ Mỹ ủng hộ. Toàn bộ các tổ chức phi chính phủ ở Mỹ đều được miễn thuế.
    Xã hội dân sự ở Mỹ đã làm cho nước Mỹ có một dạng sức mạnh mềm hiếm thấy ở nước khác, khiến nước Mỹ luôn luôn đứng đầu danh sách các quốc gia thu hút nhân tài từ khắp các nơi trên thế giới và là quốc gia sáng tạo nhất thế giới.

    Tô Văn Đại – HN
    Ghi chú nguồn:
    [1]- Anders Fogh Rasmussen, “A War of Values with Russia“, Project Syndicate 20/4/2015 –http://nghiencuuquocte.net/2015/04/27/
    [2]- Dani Rodrik & Sharan Mukand, “ The Puzzle of Liberal Democracy “, Project Syndicate 13/5/2015 –http://nghiencuuquocte.net/2015/05/26/
    [3]- Seymour Martin Lipset, “Some Social Requisites of Democracy Economic Development and Political Legitimacy“, http://nghiencuuquocte.org/2013/12/05/
    [4]- Ryan Salzman, “Civil Society“ - 21 st Century Political Science –http://nghiencuuquocte.net/2014/04/20/
    [5]- Ana Palacio, “The Despotic Temptation“, Project Syndicate 28/10/2015 –http://nghiencuuquocte.org/2015/11/23/
    [6]- Nguyễn Hải Hoành, ”Xã hội công dân Mỹ“ (Civil Society) - http://nghiencuuquocte.org/2015/12/12/
    Nguồn:https://www.danluan.org/tin-tuc/20160229/xa-hoi-dan-su-va-dan-chu-tu-do
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org