Mai Thái Lĩnh
Nền Cộng hoà Weimar và lý do sụp đổ của nó
Trong thực tế, nền Cộng hoà Weimar chính là kết quả của một sự nhượng bộ của giai cấp quý tộc - địa chủ (junker) đối với những đòi hỏi của quần chúng. Do thất bại về quân sự, trước sức ép của phong trào chống chiến tranh và nguy cơ của một cuộc “cách mạng” kiểu bolshevik, họ buộc phải nhường chính quyền lại cho một đảng cánh tả có xu hướng ôn hoà (SPD). Sự tồn tại của chế độ dân chủ có được là nhờ sự liên kết giữa SPD với các đảng thuộc phái giữa (trung dung) - đại diện cho các tầng lớp trung lưu trong xã hội như : Đảng Trung tâm, Đảng Dân chủ và ở một mức độ lỏng lẻo hơn, với Đảng Nhân dân.
Nhưng Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (SPD) - thành phần nòng cốt của nền Cộng hoà Weimar, đã bị tổn thương trầm trọng, do sự chia rẽ trong phong trào công nhân. Trong cuộc bầu cử quốc hội lần đầu tiên (tháng 6 năm 1920), đảng SPD bị mất rất nhiều phiếu vì một số công nhân chạy sang phía cực tả. Số phiếu bầu cho SPD chỉ còn 21,7 %. Từ sau thất bại này cho đến năm 1928, đảng SPD không tham gia chính phủ hoặc chỉ tham gia với tư cách thành viên của một chính phủ liên minh do đảng khác lãnh đạo. Mãi đến tháng 5 năm 1928, đảng SPD mới giành lại được vị trí hàng đầu. Trong cuộc bầu cử này, số ghế của SPD trong Quốc hội tăng từ 135 lên 153, số phiếu bầu lên đến 9,1 triệu phiếu; đảng Nhân dân (DVP) chiếm vị trí thứ hai với 86 ghế. Hermann Müller được cử làm Thủ tướng, cùng với Đảng Nhân dân và một số đảng trung dung khác thành lập một chính phủ liên minh. Chính phủ này đã giải quyết được một số việc, nhất là điều đình với Đồng minh để giảm bớt gánh nặng bồi thường chiến tranh và tiến hành Kế hoạch Young, nhận các khoản cho vay từ Hoa Kỳ để phát triển kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 đã tác động mạnh mẽ vào nước Đức, giữa đảng SPD (đại diện cho lao động) và đảng Nhân dân (đại diện cho giới chủ) bất đồng ý kiến với nhau về chính sách trợ cấp thất nghiệp, liên minh bị tan rã, Müller phải từ chức vào ngày 27.3.1930. Kể từ đó cho đến khi nền cộng hoà sụp đổ, Đảng SPD không còn tham gia chính phủ nào nữa.
Mặc dù cho đến giờ phút cuối, đảng SPD vẫn một lòng bảo vệ chế độ dân chủ và nền cộng hoà nhưng từ cuối thập niên 1920 - đầu thập niên 1930, đảng này ngày càng tỏ ra thiếu kiên quyết, phản ứng kém nhậy bén trước những tình huống phức tạp. Ngày 20.7.1932, vừa lên nắm quyền, để lấy lòng đảng Nazi, Papen (Thủ tướng Liên bang) đã dùng vũ lực giải thế chính phủ hợp hiến của Otto Braun (Thủ tướng của bang Phổ, Prussia). Phản ứng của SPD trong việc này rất yếu ớt, mặc dù Otto Braun là một lãnh tụ có uy tín của SPD trong khi bang Phổ là một căn cứ địa lâu năm của SPD và là pháo đài chống phát-xít cuối cùng ở Đức. Phản ứng này thể hiện sự bạc nhược của SPD, có tác dụng khuyến khích các phần tử cực hữu (nhất là Hitler và phe đảng) sử dụng các biện pháp táo bạo hơn nữa trong việc khai tử nền cộng hoà. Khủng hoảng về lãnh đạo cũng là một nhược điểm của SPD. Sau khi Ebert mất vào năm 1925, SPD định đưa Otto Braun ra ứng cử chức Tổng thống nhưng không thành công. Kể từ đó SPD không có ứng cử viên nào cho chức vụ tổng thống.
William L. Shirer, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Sự trỗi dậy và suy vong của Đệ tam Đế chế” (The Rise and Fall of The Third Reich), đã nhận xét rằng nước Đức thời đó thiếu một giai cấp trung lưu mạnh về chính trị, vốn là xương sống của các nền dân chủ ở Pháp, Anh và Hoa Kỳ. [1] Nhược điểm đó thể hiện rất rõ qua tình hình của các đảng thuộc phái giữa, đại diện cho các tầng lớp trung lưu.
Đảng Trung Tâm (Zentrumspartei, Centre Party) là một đảng chính trị hoạt động từ thập niên 1870 - dưới thời của Thủ tướng Bismarck. Vì là đại diện của Công giáo La mã, ảnh hưởng của đảng chủ yếu tập trung ở miền nam và miền tây nước Đức và không bao giờ đạt được đa số phiếu ở Quốc hội. Sau chiến tranh, Đảng Trung Tâm tham gia liên minh thành lập nền cộng hoà Weimar, và cho đến năm 1928 thường xuyên tham gia các chính phủ liên minh. Đã có 5 nhân vật chính trị thuộc đảng này được cử làm Thủ tướng Đức. Mặc dù giữ đường lối chính trị ôn hoà, đảng Trung Tâm bao gồm cả những thành phần tự do lẫn những thành phần bảo thủ và đã tỏ ra không kiên định trong việc giữ vững các nguyên tắc của chế độ dân chủ. Heinrich Brüning, người thứ tư nhận chức Thủ tướng (28.3.1930-30.5.1932) lại cũng chính là người đầu tiên sử dụng điều 48 của Hiến pháp Weimar để cai trị bằng sắc lệnh khẩn cấp của Tổng thống, không thông qua Quốc hội. Người thứ năm được cử làm Thủ tướng là Franz von Papen, một phần tử thuộc cánh cực hữu của đảng, vốn là cựu sĩ quan trong quân đội. Do Papen bị đánh giá là kẻ phản bội Brüning nên ngay khi được cử làm Thủ tướng, ông ta đã bị khai trừ ra khỏi đảng.
Khác với lập trường dũng cảm đối đầu với chế độ độc đoán dưới thời Bismarck, dưới chế độ cộng hoà Weimar, đảng Trung Tâm lại hành xử theo một lập trường cơ hội, đôi khi vô nguyên tắc. Ngày 30.8.1932, đảng Trung Tâm đã thoả hiệp với đảng Nazi để đưa Goering vào chức vụ Chủ tịch Quốc hội. Vào tháng 3 năm 1933, khiếp nhược trước sự khủng bố của đảng Nazi, các đại biểu đảng này đã bỏ phiếu thuận cho đạo luật “trao quyền” (Enabling Act), tạo điều kiện cho Adolf Hitler thiết lập quyền lực độc tài.
Đảng Dân chủ Đức (Deutsche Demokratische Partei, German Democratic Party, DDP) là một đảng của giai cấp trung lưu do Friedrich Naumann và nhà xã hội học Max Weber thành lập vào năm 1919. Là hậu thân của đảng Tiến bộ (Progressive Party) thời kỳ trước chiến tranh, đảng này có xu hướng tự do khuynh tả (left-liberal). Tuy nhiên đảng này lại không được sự hậu thuẫn rộng rãi của cử tri, do đó chỉ tham gia vào các chính phủ liên minh chứ không thể đứng ra thành lập chính phủ. Hugo Preuss, một nhà lý luận chính trị thuộc Đảng Dân chủ, là tác giả chính của bản hiến pháp Weimar. Một nhân vật nổi tiếng khác thuộc Đảng Dân chủ là Walther Rathenau, tham gia vào chính phủ liên minh của Wirth vào tháng 5 năm 1921 với chức vụ bộ trưởng tái thiết, và đến cuối tháng 1 năm 1922, trở thành bộ trưởng ngoại giao. Mặc dù thành công trong lĩnh vực ngoại giao, ông bị các phần tử cực hữu trong nước ghét cay ghét đắng vì cho là”thân cộng”, là có nguồn gốc Do Thái. Tháng 6 năm 1922, ông bị các phần tử cuồng tín cực hữu ám sát trên đường đến cơ quan.
Một đảng có vai trò đáng chú ý khác là Đảng Nhân dân Đức (Deutschnationale Volkspartei, German People's Party, DVP) của Gustav Stresemann. Đảng này có nguồn gốc từ Đảng Quốc gia - Tự do (National Liberal Party) thời Bismarck và có xu hướng tự do khuynh hữu (right-liberal). Có thể coi đảng này là một đảng cánh hữu ôn hoà, có hậu thuẫn trong giới hữu sản và giới trí thức.
Stresemann xuất thân là một người bảo hoàng. Sau khi chiến tranh thế giới I chấm dứt, ông thành lập Đảng Nhân dân với mục đích chống lại nền cộng hoà. Đầu năm 1920, khi cuộc đảo chính Kapp nổ ra, ông giữ thái độ chờ thời (wait-and-see). Tuy nhiên, sau khi một số chính trị gia bị các phần tử cực hữu ám sát, ông cho rằng cần phải điều hành chế độ Cộng hoà một cách có hiệu quả để chống lại các chế độ tả hay hữu dựa trên bạo lực. Chính do suy nghĩ đó mà tháng 8 năm 1923, giữa khi nước Đức rơi vào hỗn loạn về kinh tế và chính trị, Stresemann đã chấp nhận đề nghị của Tổng thống Ebert, đứng ra thành lập một chính phủ mới để giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính phủ của Stresemann được gọi là chính phủ “liên minh lớn” bao gồm Đảng SPD, Đảng Trung Tâm, Đảng Dân chủ Đức (DDP) và Đảng Nhân dân Đức (DVP). Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (từ tháng 8 cho đến tháng 11 năm 1923) chính phủ Stresemann đã đề ra các biện pháp có hiệu quả về đối nội và đối ngoại, giúp cho nền Cộng hoà Weimar hưởng được một sự yên tĩnh tương đối kéo dài cho đến cuối thập niên 1920. Do sự chống đối của cả phía tả lẫn phía hữu, Stresemann phải từ chức, nhưng ông vẫn giữ chức bộ trưởng ngoại giao cho đến khi ông mất vào năm 1929. Mặc dù những đóng góp của Stresemann đã khiến cho ông nổi tiếng ở nước ngoài [2] , ở trong nước ông vẫn bị các thành phần cực hữu công kích, coi ông như một thành phần phản bội, chấp nhận một cách mặc nhiên hoà ước Versailles – mà họ coi là một nỗi ô nhục của dân tộc Đức.
Trường hợp của Stresemann và đảng Nhân dân cho thấy những người cánh hữu có xu hướng tự do, ủng hộ chế độ dân chủ dễ bị rơi vào thế cô lập. Điều này phù hợp với nhận xét của Schirer khi ông nêu ra một nhược điểm khác của nước Đức thời đó là sự thiếu vắng của một đảng bảo thủ chân chính (a truly consevative party). [3]
Xét về kết cấu chính trị-xã hội của nước Đức vào đầu thế kỷ 20, giai cấp địa chủ quý tộc (junker) là giai cấp có ảnh hưởng chính trị quyết định. Chính giới quý tộc Đức đã xây dựng và trang bị cho quân đội Đức (Reichswehr) trở thành lực lượng chủ yếu trong công cuộc thống nhất nước Đức. Ảnh hưởng của họ chi phối nền chính trị của nước Đức suốt thời kỳ của Đế chế Đức (German Empire), và vẫn còn rất mạnh trong suốt thời kỳ của nền Cộng hoà Weimar. Đối với họ, điều đáng quan tâm trước tiên là bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền lợi của gia đình, dòng họ; do đó họ thích một chế độ chuyên chế theo kiểu Bismarck hơn là chế độ dân chủ.
Về phía cánh hữu, đảng chính trị quan trọng nhất ở Đức lúc đó là Đảng Quốc gia Đức (DNVP). [4] Đảng này thể hiện xu hướng ái quốc cực đoan (chauvinism), có thái độ thù địch với nền cộng hoà và chống lại việc các nước Đồng minh đòi bồi thường chiến tranh. Đảng này chủ trương tái lập nền quân chủ, xây dựng một nước Đức thống nhất và tự do kinh doanh. Lãnh tụ của Đảng Quốc gia, Alfred Hugenberg, là chủ nhân của một hệ thống báo chí và phim ảnh lớn. Tình hình cuối thập niên 1920 – đầu thập niên 1930 cho thấy chính đảng này chịu trách nhiệm rất lớn trong việc cộng tác với đảng Nazi của Hitler, tạo cơ hội cho Hitler lên cầm quyền.
Như vậy là ngoại trừ phái tả ôn hoà và phái giữa, phần lớn phái hữu và phái cực tả đều muốn lật đổ nền cộng hoà Weimar. Phái hữu muốn lật đổ nền cộng hoà để trở lại với một chế độ chuyên chế theo kiểu Bismarck, phái cực tả thì muốn làm “cách mạng vô sản” để thiết lập chế độ toàn trị theo kiểu bolshevik Nga. Riêng phái cực hữu (Hitler) thì nuôi mộng làm một cuộc “cách mạng” theo kiểu mới để thiết lập một “chế độ toàn trị” của cánh hữu, lấy “chủng tộc Đức” - một chủng tộc được coi là “ưu việt”, làm nhân vật trung tâm.
Những mưu toan lật đổ nền cộng hoà đã diễn ra ngay trong giai đoạn đầu của nền Cộng hoà Weimar (1920 – 1923), nghĩa là giai đoạn nước Đức chưa ổn định về kinh tế và chính trị. Nước Đức chưa kịp hoàn hồn sau cuộc nổi dậy của phái Spartacus thì những phần tử cực hữu đã toan lật đổ chính phủ dân cử. Tháng 3 năm 1920, với sự tiếp tay của Tướng Erich Ludendorff, hai lữ đoàn Ehrhardt và Baltikum của lực lượng Freikorps xâm nhập vào Berlin với ý định đưa Wolfgang Kapp [5] lên làm Thủ tướng. Do không có sự ủng hộ của quân đội, chính phủ Ebert phải bỏ trốn đến Stuttgart. Âm mưu này (thường được gọi là cuộc đảo chính Kapp, Kapp Putsch) bất thành vì công nhân dưới sự lãnh đạo của SPD và KPD đã tổ chức tổng đình công ở Berlin để chống lại và các công chức dân sự cũng từ chối không hợp tác với Kapp.
Về phía cánh tả, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, đảng Cộng sản Đức (KPD) vẫn chưa từ bỏ ý định “làm cách mạng vô sản” để lật đổ nền cộng hoà. Tháng 3 năm 1921, KPD phát động một cuộc “tấn công” để hỗ trợ cho các thợ mỏ ở miền trung nước Đức (thường được gọi là “Hành động Tháng Ba”, March Action). Cuộc “tấn công” này dựa trên một lý thuyết của những người cộng sản Đức lúc đó cho rằng bộ phận tiền phong (tức KPD) có thể dùng hành động của mình để “kích thích” giai cấp vô sản đang thụ động chuyển sang hành động cách mạng. Trong thực tế, cuộc “nổi dậy” này chỉ hạn chế trong một phạm vi hẹp ở bang Saxony và được hỗ trợ bằng một cuộc đình công chiếm cảng ở Hamburg, do đó đã bị đè bẹp một cách dễ dàng.
Nhưng tình hình trở nên đặc biệt nguy hiểm là vào năm 1923. Vào thời điểm này, nước Đức rơi vào khủng hoảng cả về kinh tế và chính trị. Đầu năm 1923, quân Pháp và Bỉ lấy cớ Đức không bồi thường chiến tranh đúng kỳ hạn, kéo vào chiếm đóng vùng công nghiệp Ruhr. Chính phủ Đức phản ứng bằng cách kêu gọi nhân dân vùng này ngừng các hoạt động sản xuất công nghiệp. Mặt khác, do chính sách in tiền bừa bãi, nạn lạm phát tăng với tốc độ ngoài sức tưởng tượng: 1 USD năm 1914 tương đương 4 Mark, đến đầu năm 1923 ăn 18.000 Mark và đến tháng 11 năm 1923 ăn 4.200 tỷ Mark (4,2 trillions Mark). Người dân muốn mua hàng hoá thông dụng, phải dùng xe cút-kít để chở tiền. Nước Đức rơi vào hỗn loạn: đình công tự phát, bạo lực trên đường phố, tin đồn về âm mưu “đảo chính” của phái cực hữu và “cách mạng” của phái cực tả làm người dân hoang mang cực độ. Khoảng cuối năm 1922, đã có gần 400 vụ ám sát chính trị xảy ra, phần lớn đều có thể truy nguyên từ cánh hữu. Các nạn nhân bao gồm cả các nhà chính trị xuất sắc như Matthias Erzberger, người ký hiệp ước đình chiến năm 1918 và Walther Rathenau, bộ trưởng ngoại giao.
Nhận định rằng tình thế cách mạng đã “chín muồi”, Quốc tế cộng sản đã chỉ đạo đảng KPD tiến hành nổi dậy vào tháng 10 năm 1923. Nhưng dự định lôi kéo chính phủ của những người dân chủ - xã hội cánh tả ở hai bang Saxony (Sachsen) và Thuringia (Thüringen) chống lại chính quyền liên bang không thành công, phần do quân đội bao vây, phần khác do phe dân chủ - xã hội phản đối kế hoạch tổng đình công. Riêng cuộc nổi dậy ở Hamburg vẫn tiến hành vì không kịp thông báo lệnh đình hoãn. Ngày 23.10, 1.300 đảng viên KPD chiếm giữ 17 trạm cảnh sát ở Hamburg và dựng rào cản ở các quận có đông công nhân. Ngày hôm sau, họ thông báo lệnh tổng đình công, nhưng không nhận được sự hưởng ứng. Sau ba ngày, cảnh sát đã dẹp tan cuộc nổi loạn.
Cũng chính trong thời điểm này, một cuộc đảo chính bất thành đã làm mọi người chú ý đến một nhân vật chính trị cực hữu mới xuất hiện trên trường chính trị của Đức; đó là Adolf Hitler.
Là một hạ sĩ quan trong quân đội Đức, sau khi giải ngũ vì bị thương trong chiến tranh, vào năm 1919 Hitler gia nhập vào một đảng chính trị nhỏ ở Bavaria (Bayern) có tên là Đảng Công nhân Đức (Geman Worker’s Party). Nhờ nghị lực và tài hùng biện, không bao lâu ông ta giành được ảnh hưởng trong đảng, loại trừ được các thủ lãnh cũ để trở thành lãnh đạo đảng. Hitler đổi tên đảng thành Đảng Quốc -Xã Đức [6] (NSDAP) hay còn gọi là đảng Nazi (Nazi Party). Tháng 11 năm 1923, Adolf Hitler đã tổ chức đảo chính ở Munich (thường được gọi là cuộc đảo chính “Nhà hàng Bia”, Beer Hall Putsch [7] ) với ý định sử dụng Bavaria như một căn cứ để tiến về Berlin. Cuộc đảo chính thất bại, Hitler bị đưa ra toà nhưng chỉ bị kết án nhẹ (5 năm) và sau khi ngồi tù 13 tháng thì được thả ra. Điều đáng nói là Hitler đã lôi kéo được Tướng Ludendorff cùng tham gia, và sau phiên toà này, ông ta trở nên nổi tiếng. Trong thời gian ngồi tù, Hitler nghiền ngẫm lại kinh nghiệm đấu tranh chính trị của mình và quyết định nắm chính quyền bằng con đường hợp pháp, như ông ta đã trình bày trong cuốn tự truyện “Mein Kampf”(Cuộc đấu tranh của tôi, xuất bản năm 1925).
Mặc dù vào năm 1923, đảng Nazi chỉ mới là một đảng nhỏ với ảnh hưởng không đáng kể, nhưng những diễn biến sau đó cho thấy chính nó mới là nguy cơ thật sự cho nền Cộng hoà Weimar. Từ giữa thập niên 1920, từ căn cứ địa ở bang Bavaria (Bayern), các nhóm Nazi bung ra ở các vùng khác của nước Đức. Năm 1927, Nazi tổ chức Đại hội đầu tiên của đảng ở Nuremberg. Khoảng 1928, số đảng viên vượt quá 100.000; tuy nhiên đảng Nazi chỉ thu được 2,6 % số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng Năm.
Chính là nhờ vào sự cộng tác với đảng Quốc gia (DNVP) mà đảng Nazi được chú ý nhiều hơn vào năm 1929. Hai đảng này cộng tác với nhau để khởi động một cuộc trưng cầu ý dân nhằm chống lại Kế hoạch Young về những vấn đề bồi thường chiến tranh. Lãnh tụ của Đảng Quốc gia, Alfred Hugenberg, muốn lợi dụng tài hùng biện có sức mê hoặc của Hiler như một phương tiện có ích để thu hút phiếu bầu. Nhưng những phương tiện truyền thông của Hugenberg đã giúp cho Hitler quảng cáo hình ảnh của ông ta, tuyên truyền rộng rãi cho đảng Nazi và quan trọng hơn nữa, thu phục được những người ủng hộ giàu có.
Thời cơ đến với đảng Nazi khi nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc Đại suy thoái (Great Depression), bắt đầu bằng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Wall Street (Hoa Kỳ) vào tháng 10 năm 1929. Nền kinh tế Đức vốn lệ thuộc vào các khoản cho vay ngắn hạn từ phía Hoa Kỳ, do đó bị tổn thương nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế. Nạn thất nghiệp tăng nhanh, từ 8,5 % vào năm 1929 lên đến 21,9 % vào năm 1931 và đạt đỉnh điểm 29,9% vào năm 1932. Các chính sách kinh tế khắc khổ thực hiện bởi nhà chính trị Heinrich Brüning thuộc Đảng Trung Tâm (Thủ tướng Đức từ tháng 3.1930 đến cuối tháng 5.1932) càng làm cho tình hình thêm trầm trọng. Mặc dù vào năm 1932, Tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover tuyên bố “đình hoãn bồi thường chiến tranh” (reparations moratorium) đối với nước Đức nhưng cuộc Đại suy thoái càng trầm trọng thêm, và bất mãn xã hội tăng cao đến mức nước Đức dường như đứng trên bờ vực của nội chiến.
Chính trong những thời điểm tuyệt vọng nhất, cử tri lại sẵn sàng cho những giải pháp cực đoan, và đảng Nazi đã khéo lợi dụng tình hình đó. Chính sách tuyên truyền khôn khéo của Joseph Goebbels đã lôi cuốn được nhiều người dân thất nghiệp, các trại chủ, các công nhân cổ trắng, các thành viên của giai cấp trung lưu đã bị thiệt hại bởi cuộc Đại suy thoái hoặc đã mất địa vị xã hội kể từ sau khi Chiến tranh Thế giới chấm dứt, và những người trẻ đang hăm hở hiến thân cho những lý tưởng quốc gia. Cũng giống như các đảng cánh hữu khác, Đảng Nazi đổ lỗi cho Hiệp ước Versailles và các khoản bồi thường chiến tranh đã gây ra khủng hoảng cho đất nước. Tuyên truyền của đảng Nazi tấn công vào hệ thống chính trị Weimar, “các tội phạm Tháng Mười Một”, những người mác-xít, những người theo chủ nghĩa quốc tế (internationalists) và những người Do Thái. Bên cạnh việc hứa hẹn một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế, đảng Nazi đem lại cho người dân Đức một tình cảm tự hào dân tộc và lời hứa khôi phục lại trật tự.
Kết quả bầu cử trong những năm đầu thập kỷ 1930 cho thấy ảnh hưởng của phía cực tả (cộng sản) và phía cực hữu (phát-xít) tăng một cách đáng kinh ngạc. Số ghế của Đảng Cộng sản (KPD) trong Quốc hội tăng gần gấp đôi, từ 54 năm 1928 đến 100 vào tháng 11 năm 1932. Thành công của Đảng Nazi (NSDAP) còn lớn hơn nữa. Bắt đầu với 12 ghế vào năm 1928, đảng Nazi tăng số ghế của họ lên gần chục lần, đến 107 ghế vào năm 1930. Họ tăng số ghế lên gấp đôi (230) vào năm 1932; thành tích này làm cho Nazi trở thành đảng lớn nhất ở Quốc hội Đức, vượt xa đảng SPD (133 ghế). Những thắng lợi của Nazi gây thiệt hại cho các đảng cánh hữu và trung dung khác.
Điều tai hại là quân đội Đức kể từ sau chiến tranh thế giới I đã dần dần từ bỏ truyền thống “phi chính trị”, ngày càng can thiệp sâu vào lĩnh vực chính trị. Năm 1925, sau khi Tổng thống Ebert (lãnh tụ của SPD) qua đời, Thống tướng (Field Marshall) Hindenburg được bầu vào chức vụ Tổng thống. Nhưng vào cuối thập niên 1920 - đầu thập niên 1930, nhân vật tiêu biểu cho quân đội và là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia này ngày càng trở thành một nhân vật bù nhìn để cho các nhà chính trị gốc quân sự đứng đàng sau thao túng. Chính từ âm mưu câu kết của một số nhân vật chính trị gốc từ quân đội như Franz von Papen, Kurt von Schleicher… mà Hitler nắm được chức vụ Thủ tướng vào ngày 30.1.1933.
Hitler và Đảng Quốc-Xã thực hiện cuộc “cách mạng” của họ chỉ trong vài tháng, sử dụng phối hợp cả phương pháp hợp pháp, thuyết phục lẫn khủng bố. Do chỗ chính phủ liên minh do Hitler đứng đầu không có được đa số tại Quốc hội, Hindenburg giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử lại vào ngày 5.3.1933. Một tuần trước ngày bầu cử, Toà nhà Quốc hội (Reichstag) bị đốt cháy. Đảng Nazi đổ tội cho phe Cộng sản và vào ngày 8.2, Tổng thống dựa vào điều 48 trong Hiến pháp để ký sắc lệnh cho phép Hitler được quyền đàn áp phe đối lập. Được cho phép bởi sắc lệnh đó, lực lượng Xung kích (SA) bắt giam hay đe doạ những người dân chủ - xã hội và cộng sản.
Cuộc bầu cử ngày 5.3.1933 là cuộc bầu cử tự do cuối cùng ở Đức tính cho đến cuối cuộc Chiến tranh Thế giới II. Mặc dù các đảng đối lập bị sách nhiễu nặng nề, đảng Nazi chỉ đạt được 43,9 % số phiếu. Tuy nhiên, cộng với 8% của Đảng Quốc gia (DNVP), liên minh giữa hai đảng đã giành được đa số ở Quốc hội. Với sự giúp đỡ của các đồng minh chính trị, Hitler đã trình Quốc hội một dự thảo luật gọi là Luật “Trao quyền” (Enabling Act) cho phép ông ta cai trị không cần đến Quốc hội trong vòng 4 năm. Vào ngày 23.3, dự thảo luật này đã được thông qua với sự hỗ trợ của Đảng Trung Tâm và các đảng khác. Toàn bộ các đại biểu Cộng sản và một số đại biểu Dân chủ - Xã hội không được biểu quyết. Do đó đạo luật này được thông qua với 441 phiếu thuận, chỉ có 84 phiếu chống (tất cả đều của đảng SPD).
Hitler đã sử dụng Đạo luật Trao quyền để áp đặt tất cả các thiết chế và tổ chức chính trị dưới sự kiểm soát của đảng Nazi. Sau Đảng cộng sản (KPD), đến lượt Đảng Dân chủ - Xã hội bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, và sau đó đến lượt tất cả các đảng khác. Riêng Đảng Quốc gia (thành viên của chính phủ liên minh cầm quyền) thì có vinh dự “tự nguyện giải tán” khi lực lượng SA chiếm đóng trụ sở của họ vào ngày 29.6. Ngày 14.7.1933, một đạo luật mới được ban hành, nói rõ : “Đảng Công nhân Quốc gia – Xã hội là đảng chính trị duy nhất ở Đức.” Đế chế Thứ ba (Third Reich) trở thành nền “chuyên chính tư sản” như một đối trọng của nền “chuyên chính vô sản” được thiết lập ở Nga trước đó 16 năm. Chế độ “toàn trị - cộng sản” có thêm một hình mẫu là chế độ “toàn trị - phát xít” để làm đối tượng so sánh, đối chiếu.
Như vậy là tất cả những nhân vật chính trị của cánh hữu đều nuôi ảo tưởng rằng họ có thể thuần hoá được Hitler, lợi dụng được đảng Nazi để tái lập một chế độ chuyên chế của cánh hữu. Nhưng phái hữu không có được một nhân vật nào có thể sánh ngang với Hitler về thủ đoạn tàn nhẫn và khả năng thiên phú trong việc nắm quyền lực. Do đó, thay vì lợi dụng được Hitler để đánh phá cánh tả, xoá bỏ nền dân chủ, thiết lập quyền lực chuyên chế của cánh hữu truyền thống, các nhân vật chính trị của cánh hữu đã lót đường cho Hitler lên nắm chính quyền. Còn phải đợi đổ thêm nhiều máu và nước mắt nữa để cho cánh hữu của nước Đức hiểu được những giá trị của nền dân chủ và học hỏi các “đảng bảo thủ chân chính” ở các nước phương Tây khác.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là chính sách mù quáng của Quốc tế III và những người cộng sản Đức. Kể từ Đại hội lần 6 (tháng 8 năm 1928), Quốc tế Cộng sản đánh giá rằng thế giới đang bước vào giai đoạn thứ ba – nghĩa là giai đoạn của chiến tranh và cách mạng. [8] Phái Stalin cho rằng “mối nguy hiểm chính” bây giờ bắt nguồn từ phía cánh tả, vì vậy các đảng cộng sản phải cắt đứt liên hệ với các công đoàn chính thức và tái lập các “công đoàn đỏ”. Những người dân chủ - xã hội trên toàn thế giới bị tố cáo là bọn “phát-xít xã hội” (social fascists) - kẻ thù chính của những người cộng sản. Theo lời Stalin: “Chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa dân chủ - xã hội không phải là đối lập nhau, mà là anh em sinh đôi.” Ở Đức, KPD phát hành một tập sách nhỏ nhan đề: “Chủ nghĩa phát-xít – xã hội là gì?”, trong đó viết rằng công nhân phải tập trung vào “cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít dưới hình thức nguy hiểm nhất hiện nay, nghĩa là dưới hình thức dân chủ - xã hội.” Vào năm 1928, Ernst Thälmann -nhà lý luận hàng đầu của đảng KPD, phát biểu rằng với việc chính phủ dân chủ - xã hội của Mueller trúng cử, chủ nghĩa phát-xít đã chiến thắng! [9]
Dựa trên quan niệm của Leon Trotsky, một số nhà nghiên cứu mác-xít ngày nay (như Rob Sewell, Pierre Broué) cho rằng sự chia rẽ giữa đảng KPD và SPD đã gây ra một sự suy yếu trong phong trào công nhân, khiến cho giai cấp công nhân không thể sử dụng được tổng đình công như một sức mạnh để kiềm chế Hitler và đảng Nazi. Nhưng làm thế nào có thể có được sự đoàn kết giữa những người cộng sản và những người dân chủ - xã hội khi mà một bên quyết làm cách mạng để lật đổ chế độ “dân chủ tư sản” và “chủ nghĩa tư bản” trong khi bên kia quyết tâm thiết lập một nền dân chủ “cho mọi người”, từ chối con đường cách mạng?
Sự phân ly giữa trào lưu dân chủ - xã hội và trào lưu cộng sản trên toàn thế giới
Trở lại với phong trào xã hội chủ nghĩa, chúng ta thấy thành công của cách mạng vô sản ở Nga và thất bại của cách mạng vô sản ở Đức cũng dẫn đến việc phân ly hoàn toàn giữa những người cộng sản và những người dân chủ - xã hội. Tháng 3 năm 1919, nghĩa là giữa lúc nước Nga chưa thoát ra khỏi cuộc Nội chiến, Quốc tế III (tứcQuốc tế Cộng sản, Comintern) [10] được thành lập. Mục đích của Lenin khi thành lập tổ chức này là nhằm để tạo ra thế hỗ trợ cho nước Nga xô-viết hiện đang ở thế cô lập, vì Cách mạng Nga nổ ra trong khi cách mạng ở những nước Âu - Mỹ tiên tiến hơn lại không nổ ra như lý thuyết của Marx đã dự kiến. Lenin cũng có ý định thành lập một tổ chức Quốc tế thay cho Quốc tế II - hầu như đã tê liệt kể từ khi Chiến tranh Thế giới bùng nổ. Tại Đại hội lần thứ 2 của Quốc tế III họp vào tháng 7-8 năm 1920, Lenin đưa ra 21 điều kiện để gia nhập Quốc tế Cộng sản, trong đó có điều 16 quy định rằng tất cả các đảng cộng sản mới phải xây dựng cương lĩnh phù hợp với “những điều kiện đặc thù của đất nước mình” và “những nghị quyết của Quốc tế Cộng sản”. Tuy nhiên, chính Quốc tế Cộng sản và ban chấp hành của Quốc tế mới có quyền quyết định cái gì là “những điều kiện đặc thù”.
Việc thành lập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) vào tháng 3 năm 1919 mở đường cho sự hình thành của trào lưu cộng sản, đồng thời chính thức làm phân ly phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới, đặc biệt là ở Đức. Xu hướng của đảng Dân chủ - xã hội Độc lập (USPD) ngày càng ngả sang phía tả. Sau Đại hội lần 2 của Quốc tế III (tháng 7.1920) việc hợp nhất giữa USPD và Đảng cộng sản Đức (KPD) được đẩy mạnh. Tại Đại hội Halle của USPD (tháng 10.1920), đa số đã biểu quyết chấp thuận 21 điều kiện của Lenin và gia nhập Quốc tế Cộng sản. Một số đại biểu trước đây vì lập trường chống chiến tranh đã tách khỏi đảng SPD để gia nhập USPD, đến nay do không chấp nhận chuyên chính vô sản lại rời bỏ USPD để trở lại với đảng cũ (như trường hợp của Kautsky hay Bernstein chẳng hạn). Từ ba đảng, phong trào xã hội chủ nghĩa ở Đức phân cực thành hai đảng: SPD và KPD.
Tình hình cũng diễn ra tương tự ở nhiều nước khác. Nhìn chung, các đảng cộng sản được thành lập do một thiểu số tách ra từ các đảng xã hội chủ nghĩa đã có sẵn, trừ vài trường hợp ngoại lệ như Na Uy và Pháp. Ở Pháp, tại Đại hội 18 của đảng Xã hội (SFIO) họp tại thành phố Tours vào năm 1920, đa số đại biểu đã biểu quyết gia nhập Quốc tế III và thành lập Đảng Cộng sản Pháp [11] . Phe cộng sản chiếm được bộ máy đảng và cả cơ quan ngôn luận là tờ l’Humanité ( Nhân Đạo), nhưng phần lớn các đảng viên là đại biểu Quốc hội hoặc nghị viên ở địa phương vẫn ở lại với Đảng Xã hội. Mặc dù gặp khó khăn sau Đại hội Tours, Đảng Xã hội dẩn dần phục hồi được sức mạnh, chiếm lại được thế thượng phong và về sau trở thành đảng cánh tả lớn nhất ở Pháp. Trong khi đó, Đảng Cộng sản mặc dù có ảnh hưởng lớn trong phong trào công đoàn và ở một vài thời điểm trở thành một đảng mạnh, nhưng nhìn chung vẫn là một đảng thiểu số trong phong trào cánh tả Pháp. Là một trong hai đảng cộng sản lớn nhất ở các nước phương Tây, Đảng Cộng sản Pháp tỏ ra kém linh hoạt và thiếu tự chủ hơn so với Đảng Cộng sản Ý, do bị lệ thuộc ngay từ đầu vào Đảng Cộng sản Liên Xô và chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Stalin.
Về mặt lý thuyết, lập luận chung của Lenin và các lãnh tụ Quốc tế III đều cho rằng quyền lợi của chế độ Xô-viết hoàn toàn phù hợp với quyền lợi của tất cả các đảng cộng sản thành viên. Nhưng trong thực tế, một quá trình chuyên chế hoá đã diễn ra vào năm 1921, sau khi một số nhà cách mạng cánh tả theo lập trường của Rosa Luxemburg (như Anton Pannehoek, Herman Gorter…) bị loại bỏ. Cho đến năm 1928, Quốc tế III hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nguyên tắc “tập trung dân chủ” (democratic centralism) áp dụng vào Quốc tế III trong thực tế đã biến tổ chức này thành một siêu - đảng (super-party) với cách tổ chức giống với Đảng Cộng sản Liên Xô. Vào tháng 5 năm 1943, Quốc tế III bị giải tán như một nghĩa cử của Liên Xô để bảo đảm lòng tin của các nước đồng minh trong cuộc Chiến tranh Thế giới II. Trong 24 năm tồn tại của nó, những bước ngoặt chủ yếu của Quốc tế III được quy định bởi cuộc đấu tranh để tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô hay những vấn đề đối ngoại của chính quyền Xô-viết. Không có một quốc gia xã hội chủ nghĩa hay nửa – xã hội chủ nghĩa nào được thiết lập, trừ Nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ - một sự kiện chẳng liên quan gì đến Quốc tế III.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, Quốc tế III được tái lập với tên gọi là Văn Phòng Thông tin Cộng sản Quốc tế (Cominform) [12] . Ba năm sau cái chết của Stalin (1953), Khrushev tiến hành công cuộc giải trừ ý thức hệ Stalin. Để thể hiện sự hoà giải đối với Nam Tư, Liên Xô đã giải tán tổ chức này vào ngày 17.4.1956. [13]
Sự thất bại của Quốc tế III là hậu quả của một tổ chức đặt nền tảng trên những nguyên tắc “giai cấp toàn cầu”, “đảng chính trị toàn cầu” và “cách mạng toàn thế giới” (Weltklasse, Weltpatei, Weltrevolution). Điều đó chứng tỏ các khái niệm sinh ra từ ý thức hệ không thể thay thế cho các thực thể sinh ra từ cuộc sống.
Trong khi đó, mặc dù Quốc tế II bị tan rã do cuộc Chiến tranh thế giới I, nhiều nỗ lực đã được tiến hành để lập lại tổ chức này và đã đạt được thành công.
Năm 1920, Quốc tế II được tổ chức lại. Thế nhưng, một số đảng xã hội chủ nghĩa ở châu Âu không tham gia và quyết định thành lập Liên hiệp Công nhân Quốc tế của các đảng Xã hội chủ nghĩa (International Working Union of Socialist Parties, IWUSP), thường được gọi là Quốc tế Hai rưỡi ("Second and a half International" hay "Two-and-a-half International"), chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa mác-xít Áo (Austromarxism). Tháng 5 năm 1923, Quốc tế II và Quốc tế Hai rưỡi (IWUSP) hợp nhất thành Quốc tế Lao động và Xã hội (Labour and Socialist International). Tổ chức xã hội chủ nghĩa này nhằm chống lại Quốc tế III đang chịu sự thống trị của Liên Xô, nhưng lại không đạt được tầm vóc của Quốc tế II. Những cuộc chiến tranh xâm lược của Adolf Hitler đã tàn phá hầu hết các nền tảng của nó ở châu Âu. Trong thực tế, tổ chức này đã chấm dứt hoạt động kể từ 1940.
Sau khi Chiến tranh Thế giới II chấm dứt, các nỗ lực để tái lập Quốc tế II lại được tiến hành từng bước mà đỉnh cao là Đại hội đầu tiên sau chiến tranh được triệu tập tại Frankfurt (Đức) vào tháng 7 năm 1951. Tại Đại hội này, Quốc tế II được hồi sinh với tên gọi là Quốc tế Xã hội (hay Quốc tế Xã hội chủ nghĩa, Socialist International, Internationale socialiste). Lúc đầu nó chỉ tập hợp các đảng dân chủ - xã hội trên các địa bàn truyền thống; nhưng cùng với quá trình phi thực dân hoá và nhất là sau sự sụp đổ của trào lưu cộng sản, ảnh hưởng của Quốc tế Xã hội ngày càng lan rộng. Ngày nay, nó bao gồm hơn 90 thành viên chính thức, không kể các thành viên tư vấn và quan sát viên.
Ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về sự ra đời và bước đầu phát triển của trào lưu dân chủ - xã hội, chúng ta có thể đặt câu hỏi: sự khác biệt căn bản giữa hai trào lưu dân chủ - xã hội và cộng sản là ở chỗ nào ?
Như đã nói ở trên, danh xưng « dân chủ - xã hội » đựợc dùng ở Đức từ thập niên 1860. Thế nhưng, theo Karl Marx, danh xưng này đã được dùng lần đầu tiên ngay từ sau cuộc cách mạng 1848 ở Pháp. Đầu năm 1849, một đảng đối lập ra đời do sự kết hợp giữa phái Núi Mới (của Alexandre Ledru-Rollin) với những người xã hội chủ nghĩa, lấy tên là Đảng Dân chủ - Xã hội (Parti social-démocrate). Karl Marx coi đây là «liên minh giữa những người tiểu tư sản và công nhân».
Nhận xét của ông về sự kết hợp này rất đáng cho chúng ta lưu ý. Trong tác phẩm «Ngày 18 tháng Sương mù», ông viết như sau :
«Những yêu sách của giai cấp vô sản bị cắt mất cái mũi nhọn cách mạng của chúng và mang một màu sắc dân chủ, còn những yêu sách dân chủ của giai cấp tiểu tư sản thì mất đi cái hình thức thuần tuý chính trị của chúng và mang màu sắc xã hội chủ nghĩa. Đảng dân chủ - xã hội đã xuất hiện như vậy đó» [14]
Đánh giá nói trên của Marx cho thấy đối với ông, dân chủ là yêu sách của giai cấp tiểu tư sản, còn xã hội (xã hội chủ nghĩa) mới đích thực là yêu sách của giai cấp vô sản. Nói cách khác, dân chủ chỉ là mục tiêu tạm thời, thứ yếu mà phong trào xã hội chủ nghĩa phải tạm chấp nhận để củng cố sức mạnh, bởi vì dân chủ làm hao mòn tính chất cách mạng; còn xã hội chủ nghĩa mới là mục tiêu chính của phong trào công nhân.
Sự thành lập của Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (SPD) một lần nữa lặp lại sự thoả hiệp đã từng diễn ra ở Pháp vào năm 1849. Trước khi tiến hành đại hội hợp nhất tại Gotha, lo sợ trước ảnh hưởng của phái Lassalle, Karl Marx đã viết một bản «nhận xét ngoài lề» để phê phán bản dự thảo cương lĩnh. Bản nhận xét này được chuyển cho một số lãnh tụ của phái Eisenach (trong đó có cả Bebel và Liebknecht) ngay trước khi tiến hành đại hội. Về sau (năm 1891), Engels đã công bố bản nhận xét này với tên gọi là «Phê phán cương lĩnh Gotha». Trong bản nhận xét này, Marx đã vạch ra những sự khác biệt căn bản giữa quan niệm của ông với quan niệm của Lassalle. Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng bản cương lĩnh «không đả động gì đến vấn đề chuyên chính vô sản, cũng chẳng nói gì đến chế độ nhà nước tương lai trong xã hội cộng sản chủ nghĩa» [15] .
Như vậy, trào lưu dân chủ - xã hội có liên quan mật thiết với chủ nghĩa Marx, được gợi hứng từ chủ nghĩa Marx một cách trực tiếp (như đảng SPD ở Đức), hoặc gián tiếp (như đảng Lao động Anh, đảng SAP ở Thuỵ Điển). Nhưng dần dần, trong quá trình phát triển, các đảng dân-chủ xã-hội đã loại bỏ quan niệm chuyên chính vô sản để đi đến chấp nhận đấu tranh trong khuôn khổ của chế độ dân chủ đa nguyên. Sự phân ly, tách rời giữa trào lưu dân chủ - xã hội và trào lưu cộng sản bắt đầu từ đó.
Trong hai yêu cầu dân chủ và xã hội chủ nghĩa, những người dân chủ -xã hội đã đặt ưu tiên cho yêu cầu dân chủ, trong khi đối với những người cộng sản, xã hội chủ nghĩa mới là yêu cầu ưu tiên. Những người cộng sản coi dân chủ chỉ là yêu cầu phụ thuộc, tạm thời; mục đích chính của họ là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Khi cần thiết, họ có thể hy sinh mục tiêu dân chủ cho mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Đó là lý do khiến cho họ trở thành chuyên chế, độc đoán, nhất là sau khi nắm được chính quyền. Ngược lại, đối với những người dân chủ -xã hội, dân chủ trở thành mục tiêu hàng đầu; do đó, trong khuôn khổ chế độ dân chủ đa nguyên, họ chỉ được phép làm những gì nhân dân tán đồng (thông qua hình thức bầu cử, trưng cầu ý kiến…). Tình hình đó khiến cho các đảng dân chủ - xã hội dần dần phải bỏ bớt những nội dung của chủ nghĩa Marx nếu xét thấy không phù hợp với lợi ích của quốc gia - dân tộc, hoặc không khả thi, hoặc không có hiệu quả thực tế.
Thế kỷ 20 là thế kỷ của sự phổ biến chủ nghĩa Marx, đồng thời cũng là thế kỷ chứng kiến sự tàn tạ của chủ nghĩa Marx. Những người cộng sản do chỗ áp dụng chuyên chính vô sản (mà họ gọi một cách nguỵ biện là “dân chủ vô sản”), bác bỏ chế độ dân chủ đa nguyên (mà họ cho là “dân chủ tư sản”), đã tạo dựng nên một thứ “lâu đài trên cát”. Hệ thống kinh tế-xã hội mà họ dựng nên đã từng làm mê hoặc nhiều dân tộc nhược tiểu, đôi khi còn làm loá mắt cả những “đối thủ tư sản”, cuối cùng đã sụp đổ. Ngược lại, những người dân chủ - xã hội chấp nhận dân chủ, từ chỗ bác bỏ chuyên chính vô sản đã dần dần từ bỏ hoặc sửa đổi các nội dung khác của chủ nghĩa Marx để rồi cuối cùng, trở thành các đảng “phi mác-xít”, chỉ còn giữ lại hình ảnh Marx như một nhân vật lịch sử đáng kính, có công sáng lập phong trào.
Hiện nay, sau sự sụp đổ của hệ thống “cộng sản” quốc tế, trên thế giới chỉ còn lại bốn quốc gia còn theo con đường cộng sản. Trong số đó, Trung Quốc và Việt Nam lại đổi hướng bằng cách chuyển qua kinh tế thị trường. Quan sát sự diễn biến ở hai quốc gia này, chúng ta thấy họ từng bước áp dụng những biện pháp giống hệt như những biện pháp mà các đảng dân chủ - xã hội đã từng áp dụng trước đây hơn nửa thế kỷ. Chính vì thế, có sự ngộ nhận cho rằng các đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam đang dần dần lột xác để trở thành các đảng dân chủ -xã hội. Một số nhà “cải cách” trong hai đảng này cũng đang vô tình hay cố ý tạo ra sự ngộ nhận ấy. Nhưng như trên đã nói, sự khác biệt căn bản giữa một đảng dân chủ -xã hội và một đảng cộng sản là ở chỗ: đảng đó có coi dân chủ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu hay không? Bao lâu đảng cộng sản còn giữ độc quyền chính trị, không chấp nhận nền dân chủ đa nguyên, coi những ai đấu tranh cho dân chủ là kẻ thù thì cho dù đảng ấy có đổi tên là “đảng Lao động”, “đảng Nhân dân”, thậm chí “đảng Dân chủ - Xã hội” v.v. và v.v., đảng ấy vẫn chưa lột xác và trong thực chất vẫn là “đảng Cộng sản”.
Lenin đã từng coi “chuyên chính vô sản” là viên đá thử vàng để xác định ai là người mác-xít chân chính nhất. Ngày nay, chúng ta cũng phải dùng “dân chủ” như viên đá thử vàng để xác định ai là người dân chủ - xã hội thật và ai là người cộng sản đội lốt dân chủ - xã hội.
Đà Lạt, 5.11.2006
Tài liệu tham khảo
Trong thực tế, nền Cộng hoà Weimar chính là kết quả của một sự nhượng bộ của giai cấp quý tộc - địa chủ (junker) đối với những đòi hỏi của quần chúng. Do thất bại về quân sự, trước sức ép của phong trào chống chiến tranh và nguy cơ của một cuộc “cách mạng” kiểu bolshevik, họ buộc phải nhường chính quyền lại cho một đảng cánh tả có xu hướng ôn hoà (SPD). Sự tồn tại của chế độ dân chủ có được là nhờ sự liên kết giữa SPD với các đảng thuộc phái giữa (trung dung) - đại diện cho các tầng lớp trung lưu trong xã hội như : Đảng Trung tâm, Đảng Dân chủ và ở một mức độ lỏng lẻo hơn, với Đảng Nhân dân.
Nhưng Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (SPD) - thành phần nòng cốt của nền Cộng hoà Weimar, đã bị tổn thương trầm trọng, do sự chia rẽ trong phong trào công nhân. Trong cuộc bầu cử quốc hội lần đầu tiên (tháng 6 năm 1920), đảng SPD bị mất rất nhiều phiếu vì một số công nhân chạy sang phía cực tả. Số phiếu bầu cho SPD chỉ còn 21,7 %. Từ sau thất bại này cho đến năm 1928, đảng SPD không tham gia chính phủ hoặc chỉ tham gia với tư cách thành viên của một chính phủ liên minh do đảng khác lãnh đạo. Mãi đến tháng 5 năm 1928, đảng SPD mới giành lại được vị trí hàng đầu. Trong cuộc bầu cử này, số ghế của SPD trong Quốc hội tăng từ 135 lên 153, số phiếu bầu lên đến 9,1 triệu phiếu; đảng Nhân dân (DVP) chiếm vị trí thứ hai với 86 ghế. Hermann Müller được cử làm Thủ tướng, cùng với Đảng Nhân dân và một số đảng trung dung khác thành lập một chính phủ liên minh. Chính phủ này đã giải quyết được một số việc, nhất là điều đình với Đồng minh để giảm bớt gánh nặng bồi thường chiến tranh và tiến hành Kế hoạch Young, nhận các khoản cho vay từ Hoa Kỳ để phát triển kinh tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929 đã tác động mạnh mẽ vào nước Đức, giữa đảng SPD (đại diện cho lao động) và đảng Nhân dân (đại diện cho giới chủ) bất đồng ý kiến với nhau về chính sách trợ cấp thất nghiệp, liên minh bị tan rã, Müller phải từ chức vào ngày 27.3.1930. Kể từ đó cho đến khi nền cộng hoà sụp đổ, Đảng SPD không còn tham gia chính phủ nào nữa.
Mặc dù cho đến giờ phút cuối, đảng SPD vẫn một lòng bảo vệ chế độ dân chủ và nền cộng hoà nhưng từ cuối thập niên 1920 - đầu thập niên 1930, đảng này ngày càng tỏ ra thiếu kiên quyết, phản ứng kém nhậy bén trước những tình huống phức tạp. Ngày 20.7.1932, vừa lên nắm quyền, để lấy lòng đảng Nazi, Papen (Thủ tướng Liên bang) đã dùng vũ lực giải thế chính phủ hợp hiến của Otto Braun (Thủ tướng của bang Phổ, Prussia). Phản ứng của SPD trong việc này rất yếu ớt, mặc dù Otto Braun là một lãnh tụ có uy tín của SPD trong khi bang Phổ là một căn cứ địa lâu năm của SPD và là pháo đài chống phát-xít cuối cùng ở Đức. Phản ứng này thể hiện sự bạc nhược của SPD, có tác dụng khuyến khích các phần tử cực hữu (nhất là Hitler và phe đảng) sử dụng các biện pháp táo bạo hơn nữa trong việc khai tử nền cộng hoà. Khủng hoảng về lãnh đạo cũng là một nhược điểm của SPD. Sau khi Ebert mất vào năm 1925, SPD định đưa Otto Braun ra ứng cử chức Tổng thống nhưng không thành công. Kể từ đó SPD không có ứng cử viên nào cho chức vụ tổng thống.
William L. Shirer, tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Sự trỗi dậy và suy vong của Đệ tam Đế chế” (The Rise and Fall of The Third Reich), đã nhận xét rằng nước Đức thời đó thiếu một giai cấp trung lưu mạnh về chính trị, vốn là xương sống của các nền dân chủ ở Pháp, Anh và Hoa Kỳ. [1] Nhược điểm đó thể hiện rất rõ qua tình hình của các đảng thuộc phái giữa, đại diện cho các tầng lớp trung lưu.
Đảng Trung Tâm (Zentrumspartei, Centre Party) là một đảng chính trị hoạt động từ thập niên 1870 - dưới thời của Thủ tướng Bismarck. Vì là đại diện của Công giáo La mã, ảnh hưởng của đảng chủ yếu tập trung ở miền nam và miền tây nước Đức và không bao giờ đạt được đa số phiếu ở Quốc hội. Sau chiến tranh, Đảng Trung Tâm tham gia liên minh thành lập nền cộng hoà Weimar, và cho đến năm 1928 thường xuyên tham gia các chính phủ liên minh. Đã có 5 nhân vật chính trị thuộc đảng này được cử làm Thủ tướng Đức. Mặc dù giữ đường lối chính trị ôn hoà, đảng Trung Tâm bao gồm cả những thành phần tự do lẫn những thành phần bảo thủ và đã tỏ ra không kiên định trong việc giữ vững các nguyên tắc của chế độ dân chủ. Heinrich Brüning, người thứ tư nhận chức Thủ tướng (28.3.1930-30.5.1932) lại cũng chính là người đầu tiên sử dụng điều 48 của Hiến pháp Weimar để cai trị bằng sắc lệnh khẩn cấp của Tổng thống, không thông qua Quốc hội. Người thứ năm được cử làm Thủ tướng là Franz von Papen, một phần tử thuộc cánh cực hữu của đảng, vốn là cựu sĩ quan trong quân đội. Do Papen bị đánh giá là kẻ phản bội Brüning nên ngay khi được cử làm Thủ tướng, ông ta đã bị khai trừ ra khỏi đảng.
Khác với lập trường dũng cảm đối đầu với chế độ độc đoán dưới thời Bismarck, dưới chế độ cộng hoà Weimar, đảng Trung Tâm lại hành xử theo một lập trường cơ hội, đôi khi vô nguyên tắc. Ngày 30.8.1932, đảng Trung Tâm đã thoả hiệp với đảng Nazi để đưa Goering vào chức vụ Chủ tịch Quốc hội. Vào tháng 3 năm 1933, khiếp nhược trước sự khủng bố của đảng Nazi, các đại biểu đảng này đã bỏ phiếu thuận cho đạo luật “trao quyền” (Enabling Act), tạo điều kiện cho Adolf Hitler thiết lập quyền lực độc tài.
Đảng Dân chủ Đức (Deutsche Demokratische Partei, German Democratic Party, DDP) là một đảng của giai cấp trung lưu do Friedrich Naumann và nhà xã hội học Max Weber thành lập vào năm 1919. Là hậu thân của đảng Tiến bộ (Progressive Party) thời kỳ trước chiến tranh, đảng này có xu hướng tự do khuynh tả (left-liberal). Tuy nhiên đảng này lại không được sự hậu thuẫn rộng rãi của cử tri, do đó chỉ tham gia vào các chính phủ liên minh chứ không thể đứng ra thành lập chính phủ. Hugo Preuss, một nhà lý luận chính trị thuộc Đảng Dân chủ, là tác giả chính của bản hiến pháp Weimar. Một nhân vật nổi tiếng khác thuộc Đảng Dân chủ là Walther Rathenau, tham gia vào chính phủ liên minh của Wirth vào tháng 5 năm 1921 với chức vụ bộ trưởng tái thiết, và đến cuối tháng 1 năm 1922, trở thành bộ trưởng ngoại giao. Mặc dù thành công trong lĩnh vực ngoại giao, ông bị các phần tử cực hữu trong nước ghét cay ghét đắng vì cho là”thân cộng”, là có nguồn gốc Do Thái. Tháng 6 năm 1922, ông bị các phần tử cuồng tín cực hữu ám sát trên đường đến cơ quan.
Một đảng có vai trò đáng chú ý khác là Đảng Nhân dân Đức (Deutschnationale Volkspartei, German People's Party, DVP) của Gustav Stresemann. Đảng này có nguồn gốc từ Đảng Quốc gia - Tự do (National Liberal Party) thời Bismarck và có xu hướng tự do khuynh hữu (right-liberal). Có thể coi đảng này là một đảng cánh hữu ôn hoà, có hậu thuẫn trong giới hữu sản và giới trí thức.
Stresemann xuất thân là một người bảo hoàng. Sau khi chiến tranh thế giới I chấm dứt, ông thành lập Đảng Nhân dân với mục đích chống lại nền cộng hoà. Đầu năm 1920, khi cuộc đảo chính Kapp nổ ra, ông giữ thái độ chờ thời (wait-and-see). Tuy nhiên, sau khi một số chính trị gia bị các phần tử cực hữu ám sát, ông cho rằng cần phải điều hành chế độ Cộng hoà một cách có hiệu quả để chống lại các chế độ tả hay hữu dựa trên bạo lực. Chính do suy nghĩ đó mà tháng 8 năm 1923, giữa khi nước Đức rơi vào hỗn loạn về kinh tế và chính trị, Stresemann đã chấp nhận đề nghị của Tổng thống Ebert, đứng ra thành lập một chính phủ mới để giải quyết cuộc khủng hoảng. Chính phủ của Stresemann được gọi là chính phủ “liên minh lớn” bao gồm Đảng SPD, Đảng Trung Tâm, Đảng Dân chủ Đức (DDP) và Đảng Nhân dân Đức (DVP). Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (từ tháng 8 cho đến tháng 11 năm 1923) chính phủ Stresemann đã đề ra các biện pháp có hiệu quả về đối nội và đối ngoại, giúp cho nền Cộng hoà Weimar hưởng được một sự yên tĩnh tương đối kéo dài cho đến cuối thập niên 1920. Do sự chống đối của cả phía tả lẫn phía hữu, Stresemann phải từ chức, nhưng ông vẫn giữ chức bộ trưởng ngoại giao cho đến khi ông mất vào năm 1929. Mặc dù những đóng góp của Stresemann đã khiến cho ông nổi tiếng ở nước ngoài [2] , ở trong nước ông vẫn bị các thành phần cực hữu công kích, coi ông như một thành phần phản bội, chấp nhận một cách mặc nhiên hoà ước Versailles – mà họ coi là một nỗi ô nhục của dân tộc Đức.
Trường hợp của Stresemann và đảng Nhân dân cho thấy những người cánh hữu có xu hướng tự do, ủng hộ chế độ dân chủ dễ bị rơi vào thế cô lập. Điều này phù hợp với nhận xét của Schirer khi ông nêu ra một nhược điểm khác của nước Đức thời đó là sự thiếu vắng của một đảng bảo thủ chân chính (a truly consevative party). [3]
Xét về kết cấu chính trị-xã hội của nước Đức vào đầu thế kỷ 20, giai cấp địa chủ quý tộc (junker) là giai cấp có ảnh hưởng chính trị quyết định. Chính giới quý tộc Đức đã xây dựng và trang bị cho quân đội Đức (Reichswehr) trở thành lực lượng chủ yếu trong công cuộc thống nhất nước Đức. Ảnh hưởng của họ chi phối nền chính trị của nước Đức suốt thời kỳ của Đế chế Đức (German Empire), và vẫn còn rất mạnh trong suốt thời kỳ của nền Cộng hoà Weimar. Đối với họ, điều đáng quan tâm trước tiên là bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền lợi của gia đình, dòng họ; do đó họ thích một chế độ chuyên chế theo kiểu Bismarck hơn là chế độ dân chủ.
Về phía cánh hữu, đảng chính trị quan trọng nhất ở Đức lúc đó là Đảng Quốc gia Đức (DNVP). [4] Đảng này thể hiện xu hướng ái quốc cực đoan (chauvinism), có thái độ thù địch với nền cộng hoà và chống lại việc các nước Đồng minh đòi bồi thường chiến tranh. Đảng này chủ trương tái lập nền quân chủ, xây dựng một nước Đức thống nhất và tự do kinh doanh. Lãnh tụ của Đảng Quốc gia, Alfred Hugenberg, là chủ nhân của một hệ thống báo chí và phim ảnh lớn. Tình hình cuối thập niên 1920 – đầu thập niên 1930 cho thấy chính đảng này chịu trách nhiệm rất lớn trong việc cộng tác với đảng Nazi của Hitler, tạo cơ hội cho Hitler lên cầm quyền.
Như vậy là ngoại trừ phái tả ôn hoà và phái giữa, phần lớn phái hữu và phái cực tả đều muốn lật đổ nền cộng hoà Weimar. Phái hữu muốn lật đổ nền cộng hoà để trở lại với một chế độ chuyên chế theo kiểu Bismarck, phái cực tả thì muốn làm “cách mạng vô sản” để thiết lập chế độ toàn trị theo kiểu bolshevik Nga. Riêng phái cực hữu (Hitler) thì nuôi mộng làm một cuộc “cách mạng” theo kiểu mới để thiết lập một “chế độ toàn trị” của cánh hữu, lấy “chủng tộc Đức” - một chủng tộc được coi là “ưu việt”, làm nhân vật trung tâm.
Những mưu toan lật đổ nền cộng hoà đã diễn ra ngay trong giai đoạn đầu của nền Cộng hoà Weimar (1920 – 1923), nghĩa là giai đoạn nước Đức chưa ổn định về kinh tế và chính trị. Nước Đức chưa kịp hoàn hồn sau cuộc nổi dậy của phái Spartacus thì những phần tử cực hữu đã toan lật đổ chính phủ dân cử. Tháng 3 năm 1920, với sự tiếp tay của Tướng Erich Ludendorff, hai lữ đoàn Ehrhardt và Baltikum của lực lượng Freikorps xâm nhập vào Berlin với ý định đưa Wolfgang Kapp [5] lên làm Thủ tướng. Do không có sự ủng hộ của quân đội, chính phủ Ebert phải bỏ trốn đến Stuttgart. Âm mưu này (thường được gọi là cuộc đảo chính Kapp, Kapp Putsch) bất thành vì công nhân dưới sự lãnh đạo của SPD và KPD đã tổ chức tổng đình công ở Berlin để chống lại và các công chức dân sự cũng từ chối không hợp tác với Kapp.
Về phía cánh tả, dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, đảng Cộng sản Đức (KPD) vẫn chưa từ bỏ ý định “làm cách mạng vô sản” để lật đổ nền cộng hoà. Tháng 3 năm 1921, KPD phát động một cuộc “tấn công” để hỗ trợ cho các thợ mỏ ở miền trung nước Đức (thường được gọi là “Hành động Tháng Ba”, March Action). Cuộc “tấn công” này dựa trên một lý thuyết của những người cộng sản Đức lúc đó cho rằng bộ phận tiền phong (tức KPD) có thể dùng hành động của mình để “kích thích” giai cấp vô sản đang thụ động chuyển sang hành động cách mạng. Trong thực tế, cuộc “nổi dậy” này chỉ hạn chế trong một phạm vi hẹp ở bang Saxony và được hỗ trợ bằng một cuộc đình công chiếm cảng ở Hamburg, do đó đã bị đè bẹp một cách dễ dàng.
Nhưng tình hình trở nên đặc biệt nguy hiểm là vào năm 1923. Vào thời điểm này, nước Đức rơi vào khủng hoảng cả về kinh tế và chính trị. Đầu năm 1923, quân Pháp và Bỉ lấy cớ Đức không bồi thường chiến tranh đúng kỳ hạn, kéo vào chiếm đóng vùng công nghiệp Ruhr. Chính phủ Đức phản ứng bằng cách kêu gọi nhân dân vùng này ngừng các hoạt động sản xuất công nghiệp. Mặt khác, do chính sách in tiền bừa bãi, nạn lạm phát tăng với tốc độ ngoài sức tưởng tượng: 1 USD năm 1914 tương đương 4 Mark, đến đầu năm 1923 ăn 18.000 Mark và đến tháng 11 năm 1923 ăn 4.200 tỷ Mark (4,2 trillions Mark). Người dân muốn mua hàng hoá thông dụng, phải dùng xe cút-kít để chở tiền. Nước Đức rơi vào hỗn loạn: đình công tự phát, bạo lực trên đường phố, tin đồn về âm mưu “đảo chính” của phái cực hữu và “cách mạng” của phái cực tả làm người dân hoang mang cực độ. Khoảng cuối năm 1922, đã có gần 400 vụ ám sát chính trị xảy ra, phần lớn đều có thể truy nguyên từ cánh hữu. Các nạn nhân bao gồm cả các nhà chính trị xuất sắc như Matthias Erzberger, người ký hiệp ước đình chiến năm 1918 và Walther Rathenau, bộ trưởng ngoại giao.
Nhận định rằng tình thế cách mạng đã “chín muồi”, Quốc tế cộng sản đã chỉ đạo đảng KPD tiến hành nổi dậy vào tháng 10 năm 1923. Nhưng dự định lôi kéo chính phủ của những người dân chủ - xã hội cánh tả ở hai bang Saxony (Sachsen) và Thuringia (Thüringen) chống lại chính quyền liên bang không thành công, phần do quân đội bao vây, phần khác do phe dân chủ - xã hội phản đối kế hoạch tổng đình công. Riêng cuộc nổi dậy ở Hamburg vẫn tiến hành vì không kịp thông báo lệnh đình hoãn. Ngày 23.10, 1.300 đảng viên KPD chiếm giữ 17 trạm cảnh sát ở Hamburg và dựng rào cản ở các quận có đông công nhân. Ngày hôm sau, họ thông báo lệnh tổng đình công, nhưng không nhận được sự hưởng ứng. Sau ba ngày, cảnh sát đã dẹp tan cuộc nổi loạn.
Cũng chính trong thời điểm này, một cuộc đảo chính bất thành đã làm mọi người chú ý đến một nhân vật chính trị cực hữu mới xuất hiện trên trường chính trị của Đức; đó là Adolf Hitler.
Là một hạ sĩ quan trong quân đội Đức, sau khi giải ngũ vì bị thương trong chiến tranh, vào năm 1919 Hitler gia nhập vào một đảng chính trị nhỏ ở Bavaria (Bayern) có tên là Đảng Công nhân Đức (Geman Worker’s Party). Nhờ nghị lực và tài hùng biện, không bao lâu ông ta giành được ảnh hưởng trong đảng, loại trừ được các thủ lãnh cũ để trở thành lãnh đạo đảng. Hitler đổi tên đảng thành Đảng Quốc -Xã Đức [6] (NSDAP) hay còn gọi là đảng Nazi (Nazi Party). Tháng 11 năm 1923, Adolf Hitler đã tổ chức đảo chính ở Munich (thường được gọi là cuộc đảo chính “Nhà hàng Bia”, Beer Hall Putsch [7] ) với ý định sử dụng Bavaria như một căn cứ để tiến về Berlin. Cuộc đảo chính thất bại, Hitler bị đưa ra toà nhưng chỉ bị kết án nhẹ (5 năm) và sau khi ngồi tù 13 tháng thì được thả ra. Điều đáng nói là Hitler đã lôi kéo được Tướng Ludendorff cùng tham gia, và sau phiên toà này, ông ta trở nên nổi tiếng. Trong thời gian ngồi tù, Hitler nghiền ngẫm lại kinh nghiệm đấu tranh chính trị của mình và quyết định nắm chính quyền bằng con đường hợp pháp, như ông ta đã trình bày trong cuốn tự truyện “Mein Kampf”(Cuộc đấu tranh của tôi, xuất bản năm 1925).
Mặc dù vào năm 1923, đảng Nazi chỉ mới là một đảng nhỏ với ảnh hưởng không đáng kể, nhưng những diễn biến sau đó cho thấy chính nó mới là nguy cơ thật sự cho nền Cộng hoà Weimar. Từ giữa thập niên 1920, từ căn cứ địa ở bang Bavaria (Bayern), các nhóm Nazi bung ra ở các vùng khác của nước Đức. Năm 1927, Nazi tổ chức Đại hội đầu tiên của đảng ở Nuremberg. Khoảng 1928, số đảng viên vượt quá 100.000; tuy nhiên đảng Nazi chỉ thu được 2,6 % số phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng Năm.
Chính là nhờ vào sự cộng tác với đảng Quốc gia (DNVP) mà đảng Nazi được chú ý nhiều hơn vào năm 1929. Hai đảng này cộng tác với nhau để khởi động một cuộc trưng cầu ý dân nhằm chống lại Kế hoạch Young về những vấn đề bồi thường chiến tranh. Lãnh tụ của Đảng Quốc gia, Alfred Hugenberg, muốn lợi dụng tài hùng biện có sức mê hoặc của Hiler như một phương tiện có ích để thu hút phiếu bầu. Nhưng những phương tiện truyền thông của Hugenberg đã giúp cho Hitler quảng cáo hình ảnh của ông ta, tuyên truyền rộng rãi cho đảng Nazi và quan trọng hơn nữa, thu phục được những người ủng hộ giàu có.
Thời cơ đến với đảng Nazi khi nền kinh tế thế giới rơi vào cuộc Đại suy thoái (Great Depression), bắt đầu bằng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Wall Street (Hoa Kỳ) vào tháng 10 năm 1929. Nền kinh tế Đức vốn lệ thuộc vào các khoản cho vay ngắn hạn từ phía Hoa Kỳ, do đó bị tổn thương nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế. Nạn thất nghiệp tăng nhanh, từ 8,5 % vào năm 1929 lên đến 21,9 % vào năm 1931 và đạt đỉnh điểm 29,9% vào năm 1932. Các chính sách kinh tế khắc khổ thực hiện bởi nhà chính trị Heinrich Brüning thuộc Đảng Trung Tâm (Thủ tướng Đức từ tháng 3.1930 đến cuối tháng 5.1932) càng làm cho tình hình thêm trầm trọng. Mặc dù vào năm 1932, Tổng thống Hoa Kỳ Herbert Hoover tuyên bố “đình hoãn bồi thường chiến tranh” (reparations moratorium) đối với nước Đức nhưng cuộc Đại suy thoái càng trầm trọng thêm, và bất mãn xã hội tăng cao đến mức nước Đức dường như đứng trên bờ vực của nội chiến.
Chính trong những thời điểm tuyệt vọng nhất, cử tri lại sẵn sàng cho những giải pháp cực đoan, và đảng Nazi đã khéo lợi dụng tình hình đó. Chính sách tuyên truyền khôn khéo của Joseph Goebbels đã lôi cuốn được nhiều người dân thất nghiệp, các trại chủ, các công nhân cổ trắng, các thành viên của giai cấp trung lưu đã bị thiệt hại bởi cuộc Đại suy thoái hoặc đã mất địa vị xã hội kể từ sau khi Chiến tranh Thế giới chấm dứt, và những người trẻ đang hăm hở hiến thân cho những lý tưởng quốc gia. Cũng giống như các đảng cánh hữu khác, Đảng Nazi đổ lỗi cho Hiệp ước Versailles và các khoản bồi thường chiến tranh đã gây ra khủng hoảng cho đất nước. Tuyên truyền của đảng Nazi tấn công vào hệ thống chính trị Weimar, “các tội phạm Tháng Mười Một”, những người mác-xít, những người theo chủ nghĩa quốc tế (internationalists) và những người Do Thái. Bên cạnh việc hứa hẹn một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế, đảng Nazi đem lại cho người dân Đức một tình cảm tự hào dân tộc và lời hứa khôi phục lại trật tự.
Kết quả bầu cử trong những năm đầu thập kỷ 1930 cho thấy ảnh hưởng của phía cực tả (cộng sản) và phía cực hữu (phát-xít) tăng một cách đáng kinh ngạc. Số ghế của Đảng Cộng sản (KPD) trong Quốc hội tăng gần gấp đôi, từ 54 năm 1928 đến 100 vào tháng 11 năm 1932. Thành công của Đảng Nazi (NSDAP) còn lớn hơn nữa. Bắt đầu với 12 ghế vào năm 1928, đảng Nazi tăng số ghế của họ lên gần chục lần, đến 107 ghế vào năm 1930. Họ tăng số ghế lên gấp đôi (230) vào năm 1932; thành tích này làm cho Nazi trở thành đảng lớn nhất ở Quốc hội Đức, vượt xa đảng SPD (133 ghế). Những thắng lợi của Nazi gây thiệt hại cho các đảng cánh hữu và trung dung khác.
Điều tai hại là quân đội Đức kể từ sau chiến tranh thế giới I đã dần dần từ bỏ truyền thống “phi chính trị”, ngày càng can thiệp sâu vào lĩnh vực chính trị. Năm 1925, sau khi Tổng thống Ebert (lãnh tụ của SPD) qua đời, Thống tướng (Field Marshall) Hindenburg được bầu vào chức vụ Tổng thống. Nhưng vào cuối thập niên 1920 - đầu thập niên 1930, nhân vật tiêu biểu cho quân đội và là biểu tượng của sự đoàn kết quốc gia này ngày càng trở thành một nhân vật bù nhìn để cho các nhà chính trị gốc quân sự đứng đàng sau thao túng. Chính từ âm mưu câu kết của một số nhân vật chính trị gốc từ quân đội như Franz von Papen, Kurt von Schleicher… mà Hitler nắm được chức vụ Thủ tướng vào ngày 30.1.1933.
Hitler và Đảng Quốc-Xã thực hiện cuộc “cách mạng” của họ chỉ trong vài tháng, sử dụng phối hợp cả phương pháp hợp pháp, thuyết phục lẫn khủng bố. Do chỗ chính phủ liên minh do Hitler đứng đầu không có được đa số tại Quốc hội, Hindenburg giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử lại vào ngày 5.3.1933. Một tuần trước ngày bầu cử, Toà nhà Quốc hội (Reichstag) bị đốt cháy. Đảng Nazi đổ tội cho phe Cộng sản và vào ngày 8.2, Tổng thống dựa vào điều 48 trong Hiến pháp để ký sắc lệnh cho phép Hitler được quyền đàn áp phe đối lập. Được cho phép bởi sắc lệnh đó, lực lượng Xung kích (SA) bắt giam hay đe doạ những người dân chủ - xã hội và cộng sản.
Cuộc bầu cử ngày 5.3.1933 là cuộc bầu cử tự do cuối cùng ở Đức tính cho đến cuối cuộc Chiến tranh Thế giới II. Mặc dù các đảng đối lập bị sách nhiễu nặng nề, đảng Nazi chỉ đạt được 43,9 % số phiếu. Tuy nhiên, cộng với 8% của Đảng Quốc gia (DNVP), liên minh giữa hai đảng đã giành được đa số ở Quốc hội. Với sự giúp đỡ của các đồng minh chính trị, Hitler đã trình Quốc hội một dự thảo luật gọi là Luật “Trao quyền” (Enabling Act) cho phép ông ta cai trị không cần đến Quốc hội trong vòng 4 năm. Vào ngày 23.3, dự thảo luật này đã được thông qua với sự hỗ trợ của Đảng Trung Tâm và các đảng khác. Toàn bộ các đại biểu Cộng sản và một số đại biểu Dân chủ - Xã hội không được biểu quyết. Do đó đạo luật này được thông qua với 441 phiếu thuận, chỉ có 84 phiếu chống (tất cả đều của đảng SPD).
Hitler đã sử dụng Đạo luật Trao quyền để áp đặt tất cả các thiết chế và tổ chức chính trị dưới sự kiểm soát của đảng Nazi. Sau Đảng cộng sản (KPD), đến lượt Đảng Dân chủ - Xã hội bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, và sau đó đến lượt tất cả các đảng khác. Riêng Đảng Quốc gia (thành viên của chính phủ liên minh cầm quyền) thì có vinh dự “tự nguyện giải tán” khi lực lượng SA chiếm đóng trụ sở của họ vào ngày 29.6. Ngày 14.7.1933, một đạo luật mới được ban hành, nói rõ : “Đảng Công nhân Quốc gia – Xã hội là đảng chính trị duy nhất ở Đức.” Đế chế Thứ ba (Third Reich) trở thành nền “chuyên chính tư sản” như một đối trọng của nền “chuyên chính vô sản” được thiết lập ở Nga trước đó 16 năm. Chế độ “toàn trị - cộng sản” có thêm một hình mẫu là chế độ “toàn trị - phát xít” để làm đối tượng so sánh, đối chiếu.
Như vậy là tất cả những nhân vật chính trị của cánh hữu đều nuôi ảo tưởng rằng họ có thể thuần hoá được Hitler, lợi dụng được đảng Nazi để tái lập một chế độ chuyên chế của cánh hữu. Nhưng phái hữu không có được một nhân vật nào có thể sánh ngang với Hitler về thủ đoạn tàn nhẫn và khả năng thiên phú trong việc nắm quyền lực. Do đó, thay vì lợi dụng được Hitler để đánh phá cánh tả, xoá bỏ nền dân chủ, thiết lập quyền lực chuyên chế của cánh hữu truyền thống, các nhân vật chính trị của cánh hữu đã lót đường cho Hitler lên nắm chính quyền. Còn phải đợi đổ thêm nhiều máu và nước mắt nữa để cho cánh hữu của nước Đức hiểu được những giá trị của nền dân chủ và học hỏi các “đảng bảo thủ chân chính” ở các nước phương Tây khác.
Điều đáng ngạc nhiên nhất là chính sách mù quáng của Quốc tế III và những người cộng sản Đức. Kể từ Đại hội lần 6 (tháng 8 năm 1928), Quốc tế Cộng sản đánh giá rằng thế giới đang bước vào giai đoạn thứ ba – nghĩa là giai đoạn của chiến tranh và cách mạng. [8] Phái Stalin cho rằng “mối nguy hiểm chính” bây giờ bắt nguồn từ phía cánh tả, vì vậy các đảng cộng sản phải cắt đứt liên hệ với các công đoàn chính thức và tái lập các “công đoàn đỏ”. Những người dân chủ - xã hội trên toàn thế giới bị tố cáo là bọn “phát-xít xã hội” (social fascists) - kẻ thù chính của những người cộng sản. Theo lời Stalin: “Chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa dân chủ - xã hội không phải là đối lập nhau, mà là anh em sinh đôi.” Ở Đức, KPD phát hành một tập sách nhỏ nhan đề: “Chủ nghĩa phát-xít – xã hội là gì?”, trong đó viết rằng công nhân phải tập trung vào “cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít dưới hình thức nguy hiểm nhất hiện nay, nghĩa là dưới hình thức dân chủ - xã hội.” Vào năm 1928, Ernst Thälmann -nhà lý luận hàng đầu của đảng KPD, phát biểu rằng với việc chính phủ dân chủ - xã hội của Mueller trúng cử, chủ nghĩa phát-xít đã chiến thắng! [9]
Dựa trên quan niệm của Leon Trotsky, một số nhà nghiên cứu mác-xít ngày nay (như Rob Sewell, Pierre Broué) cho rằng sự chia rẽ giữa đảng KPD và SPD đã gây ra một sự suy yếu trong phong trào công nhân, khiến cho giai cấp công nhân không thể sử dụng được tổng đình công như một sức mạnh để kiềm chế Hitler và đảng Nazi. Nhưng làm thế nào có thể có được sự đoàn kết giữa những người cộng sản và những người dân chủ - xã hội khi mà một bên quyết làm cách mạng để lật đổ chế độ “dân chủ tư sản” và “chủ nghĩa tư bản” trong khi bên kia quyết tâm thiết lập một nền dân chủ “cho mọi người”, từ chối con đường cách mạng?
Sự phân ly giữa trào lưu dân chủ - xã hội và trào lưu cộng sản trên toàn thế giới
Trở lại với phong trào xã hội chủ nghĩa, chúng ta thấy thành công của cách mạng vô sản ở Nga và thất bại của cách mạng vô sản ở Đức cũng dẫn đến việc phân ly hoàn toàn giữa những người cộng sản và những người dân chủ - xã hội. Tháng 3 năm 1919, nghĩa là giữa lúc nước Nga chưa thoát ra khỏi cuộc Nội chiến, Quốc tế III (tứcQuốc tế Cộng sản, Comintern) [10] được thành lập. Mục đích của Lenin khi thành lập tổ chức này là nhằm để tạo ra thế hỗ trợ cho nước Nga xô-viết hiện đang ở thế cô lập, vì Cách mạng Nga nổ ra trong khi cách mạng ở những nước Âu - Mỹ tiên tiến hơn lại không nổ ra như lý thuyết của Marx đã dự kiến. Lenin cũng có ý định thành lập một tổ chức Quốc tế thay cho Quốc tế II - hầu như đã tê liệt kể từ khi Chiến tranh Thế giới bùng nổ. Tại Đại hội lần thứ 2 của Quốc tế III họp vào tháng 7-8 năm 1920, Lenin đưa ra 21 điều kiện để gia nhập Quốc tế Cộng sản, trong đó có điều 16 quy định rằng tất cả các đảng cộng sản mới phải xây dựng cương lĩnh phù hợp với “những điều kiện đặc thù của đất nước mình” và “những nghị quyết của Quốc tế Cộng sản”. Tuy nhiên, chính Quốc tế Cộng sản và ban chấp hành của Quốc tế mới có quyền quyết định cái gì là “những điều kiện đặc thù”.
Việc thành lập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) vào tháng 3 năm 1919 mở đường cho sự hình thành của trào lưu cộng sản, đồng thời chính thức làm phân ly phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới, đặc biệt là ở Đức. Xu hướng của đảng Dân chủ - xã hội Độc lập (USPD) ngày càng ngả sang phía tả. Sau Đại hội lần 2 của Quốc tế III (tháng 7.1920) việc hợp nhất giữa USPD và Đảng cộng sản Đức (KPD) được đẩy mạnh. Tại Đại hội Halle của USPD (tháng 10.1920), đa số đã biểu quyết chấp thuận 21 điều kiện của Lenin và gia nhập Quốc tế Cộng sản. Một số đại biểu trước đây vì lập trường chống chiến tranh đã tách khỏi đảng SPD để gia nhập USPD, đến nay do không chấp nhận chuyên chính vô sản lại rời bỏ USPD để trở lại với đảng cũ (như trường hợp của Kautsky hay Bernstein chẳng hạn). Từ ba đảng, phong trào xã hội chủ nghĩa ở Đức phân cực thành hai đảng: SPD và KPD.
Tình hình cũng diễn ra tương tự ở nhiều nước khác. Nhìn chung, các đảng cộng sản được thành lập do một thiểu số tách ra từ các đảng xã hội chủ nghĩa đã có sẵn, trừ vài trường hợp ngoại lệ như Na Uy và Pháp. Ở Pháp, tại Đại hội 18 của đảng Xã hội (SFIO) họp tại thành phố Tours vào năm 1920, đa số đại biểu đã biểu quyết gia nhập Quốc tế III và thành lập Đảng Cộng sản Pháp [11] . Phe cộng sản chiếm được bộ máy đảng và cả cơ quan ngôn luận là tờ l’Humanité ( Nhân Đạo), nhưng phần lớn các đảng viên là đại biểu Quốc hội hoặc nghị viên ở địa phương vẫn ở lại với Đảng Xã hội. Mặc dù gặp khó khăn sau Đại hội Tours, Đảng Xã hội dẩn dần phục hồi được sức mạnh, chiếm lại được thế thượng phong và về sau trở thành đảng cánh tả lớn nhất ở Pháp. Trong khi đó, Đảng Cộng sản mặc dù có ảnh hưởng lớn trong phong trào công đoàn và ở một vài thời điểm trở thành một đảng mạnh, nhưng nhìn chung vẫn là một đảng thiểu số trong phong trào cánh tả Pháp. Là một trong hai đảng cộng sản lớn nhất ở các nước phương Tây, Đảng Cộng sản Pháp tỏ ra kém linh hoạt và thiếu tự chủ hơn so với Đảng Cộng sản Ý, do bị lệ thuộc ngay từ đầu vào Đảng Cộng sản Liên Xô và chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Stalin.
Về mặt lý thuyết, lập luận chung của Lenin và các lãnh tụ Quốc tế III đều cho rằng quyền lợi của chế độ Xô-viết hoàn toàn phù hợp với quyền lợi của tất cả các đảng cộng sản thành viên. Nhưng trong thực tế, một quá trình chuyên chế hoá đã diễn ra vào năm 1921, sau khi một số nhà cách mạng cánh tả theo lập trường của Rosa Luxemburg (như Anton Pannehoek, Herman Gorter…) bị loại bỏ. Cho đến năm 1928, Quốc tế III hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nguyên tắc “tập trung dân chủ” (democratic centralism) áp dụng vào Quốc tế III trong thực tế đã biến tổ chức này thành một siêu - đảng (super-party) với cách tổ chức giống với Đảng Cộng sản Liên Xô. Vào tháng 5 năm 1943, Quốc tế III bị giải tán như một nghĩa cử của Liên Xô để bảo đảm lòng tin của các nước đồng minh trong cuộc Chiến tranh Thế giới II. Trong 24 năm tồn tại của nó, những bước ngoặt chủ yếu của Quốc tế III được quy định bởi cuộc đấu tranh để tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô hay những vấn đề đối ngoại của chính quyền Xô-viết. Không có một quốc gia xã hội chủ nghĩa hay nửa – xã hội chủ nghĩa nào được thiết lập, trừ Nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ - một sự kiện chẳng liên quan gì đến Quốc tế III.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, Quốc tế III được tái lập với tên gọi là Văn Phòng Thông tin Cộng sản Quốc tế (Cominform) [12] . Ba năm sau cái chết của Stalin (1953), Khrushev tiến hành công cuộc giải trừ ý thức hệ Stalin. Để thể hiện sự hoà giải đối với Nam Tư, Liên Xô đã giải tán tổ chức này vào ngày 17.4.1956. [13]
Sự thất bại của Quốc tế III là hậu quả của một tổ chức đặt nền tảng trên những nguyên tắc “giai cấp toàn cầu”, “đảng chính trị toàn cầu” và “cách mạng toàn thế giới” (Weltklasse, Weltpatei, Weltrevolution). Điều đó chứng tỏ các khái niệm sinh ra từ ý thức hệ không thể thay thế cho các thực thể sinh ra từ cuộc sống.
Trong khi đó, mặc dù Quốc tế II bị tan rã do cuộc Chiến tranh thế giới I, nhiều nỗ lực đã được tiến hành để lập lại tổ chức này và đã đạt được thành công.
Năm 1920, Quốc tế II được tổ chức lại. Thế nhưng, một số đảng xã hội chủ nghĩa ở châu Âu không tham gia và quyết định thành lập Liên hiệp Công nhân Quốc tế của các đảng Xã hội chủ nghĩa (International Working Union of Socialist Parties, IWUSP), thường được gọi là Quốc tế Hai rưỡi ("Second and a half International" hay "Two-and-a-half International"), chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa mác-xít Áo (Austromarxism). Tháng 5 năm 1923, Quốc tế II và Quốc tế Hai rưỡi (IWUSP) hợp nhất thành Quốc tế Lao động và Xã hội (Labour and Socialist International). Tổ chức xã hội chủ nghĩa này nhằm chống lại Quốc tế III đang chịu sự thống trị của Liên Xô, nhưng lại không đạt được tầm vóc của Quốc tế II. Những cuộc chiến tranh xâm lược của Adolf Hitler đã tàn phá hầu hết các nền tảng của nó ở châu Âu. Trong thực tế, tổ chức này đã chấm dứt hoạt động kể từ 1940.
Sau khi Chiến tranh Thế giới II chấm dứt, các nỗ lực để tái lập Quốc tế II lại được tiến hành từng bước mà đỉnh cao là Đại hội đầu tiên sau chiến tranh được triệu tập tại Frankfurt (Đức) vào tháng 7 năm 1951. Tại Đại hội này, Quốc tế II được hồi sinh với tên gọi là Quốc tế Xã hội (hay Quốc tế Xã hội chủ nghĩa, Socialist International, Internationale socialiste). Lúc đầu nó chỉ tập hợp các đảng dân chủ - xã hội trên các địa bàn truyền thống; nhưng cùng với quá trình phi thực dân hoá và nhất là sau sự sụp đổ của trào lưu cộng sản, ảnh hưởng của Quốc tế Xã hội ngày càng lan rộng. Ngày nay, nó bao gồm hơn 90 thành viên chính thức, không kể các thành viên tư vấn và quan sát viên.
Ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về sự ra đời và bước đầu phát triển của trào lưu dân chủ - xã hội, chúng ta có thể đặt câu hỏi: sự khác biệt căn bản giữa hai trào lưu dân chủ - xã hội và cộng sản là ở chỗ nào ?
Như đã nói ở trên, danh xưng « dân chủ - xã hội » đựợc dùng ở Đức từ thập niên 1860. Thế nhưng, theo Karl Marx, danh xưng này đã được dùng lần đầu tiên ngay từ sau cuộc cách mạng 1848 ở Pháp. Đầu năm 1849, một đảng đối lập ra đời do sự kết hợp giữa phái Núi Mới (của Alexandre Ledru-Rollin) với những người xã hội chủ nghĩa, lấy tên là Đảng Dân chủ - Xã hội (Parti social-démocrate). Karl Marx coi đây là «liên minh giữa những người tiểu tư sản và công nhân».
Nhận xét của ông về sự kết hợp này rất đáng cho chúng ta lưu ý. Trong tác phẩm «Ngày 18 tháng Sương mù», ông viết như sau :
«Những yêu sách của giai cấp vô sản bị cắt mất cái mũi nhọn cách mạng của chúng và mang một màu sắc dân chủ, còn những yêu sách dân chủ của giai cấp tiểu tư sản thì mất đi cái hình thức thuần tuý chính trị của chúng và mang màu sắc xã hội chủ nghĩa. Đảng dân chủ - xã hội đã xuất hiện như vậy đó» [14]
Đánh giá nói trên của Marx cho thấy đối với ông, dân chủ là yêu sách của giai cấp tiểu tư sản, còn xã hội (xã hội chủ nghĩa) mới đích thực là yêu sách của giai cấp vô sản. Nói cách khác, dân chủ chỉ là mục tiêu tạm thời, thứ yếu mà phong trào xã hội chủ nghĩa phải tạm chấp nhận để củng cố sức mạnh, bởi vì dân chủ làm hao mòn tính chất cách mạng; còn xã hội chủ nghĩa mới là mục tiêu chính của phong trào công nhân.
Sự thành lập của Đảng Dân chủ - Xã hội Đức (SPD) một lần nữa lặp lại sự thoả hiệp đã từng diễn ra ở Pháp vào năm 1849. Trước khi tiến hành đại hội hợp nhất tại Gotha, lo sợ trước ảnh hưởng của phái Lassalle, Karl Marx đã viết một bản «nhận xét ngoài lề» để phê phán bản dự thảo cương lĩnh. Bản nhận xét này được chuyển cho một số lãnh tụ của phái Eisenach (trong đó có cả Bebel và Liebknecht) ngay trước khi tiến hành đại hội. Về sau (năm 1891), Engels đã công bố bản nhận xét này với tên gọi là «Phê phán cương lĩnh Gotha». Trong bản nhận xét này, Marx đã vạch ra những sự khác biệt căn bản giữa quan niệm của ông với quan niệm của Lassalle. Đặc biệt, ông nhấn mạnh rằng bản cương lĩnh «không đả động gì đến vấn đề chuyên chính vô sản, cũng chẳng nói gì đến chế độ nhà nước tương lai trong xã hội cộng sản chủ nghĩa» [15] .
Như vậy, trào lưu dân chủ - xã hội có liên quan mật thiết với chủ nghĩa Marx, được gợi hứng từ chủ nghĩa Marx một cách trực tiếp (như đảng SPD ở Đức), hoặc gián tiếp (như đảng Lao động Anh, đảng SAP ở Thuỵ Điển). Nhưng dần dần, trong quá trình phát triển, các đảng dân-chủ xã-hội đã loại bỏ quan niệm chuyên chính vô sản để đi đến chấp nhận đấu tranh trong khuôn khổ của chế độ dân chủ đa nguyên. Sự phân ly, tách rời giữa trào lưu dân chủ - xã hội và trào lưu cộng sản bắt đầu từ đó.
Trong hai yêu cầu dân chủ và xã hội chủ nghĩa, những người dân chủ -xã hội đã đặt ưu tiên cho yêu cầu dân chủ, trong khi đối với những người cộng sản, xã hội chủ nghĩa mới là yêu cầu ưu tiên. Những người cộng sản coi dân chủ chỉ là yêu cầu phụ thuộc, tạm thời; mục đích chính của họ là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Khi cần thiết, họ có thể hy sinh mục tiêu dân chủ cho mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Đó là lý do khiến cho họ trở thành chuyên chế, độc đoán, nhất là sau khi nắm được chính quyền. Ngược lại, đối với những người dân chủ -xã hội, dân chủ trở thành mục tiêu hàng đầu; do đó, trong khuôn khổ chế độ dân chủ đa nguyên, họ chỉ được phép làm những gì nhân dân tán đồng (thông qua hình thức bầu cử, trưng cầu ý kiến…). Tình hình đó khiến cho các đảng dân chủ - xã hội dần dần phải bỏ bớt những nội dung của chủ nghĩa Marx nếu xét thấy không phù hợp với lợi ích của quốc gia - dân tộc, hoặc không khả thi, hoặc không có hiệu quả thực tế.
Thế kỷ 20 là thế kỷ của sự phổ biến chủ nghĩa Marx, đồng thời cũng là thế kỷ chứng kiến sự tàn tạ của chủ nghĩa Marx. Những người cộng sản do chỗ áp dụng chuyên chính vô sản (mà họ gọi một cách nguỵ biện là “dân chủ vô sản”), bác bỏ chế độ dân chủ đa nguyên (mà họ cho là “dân chủ tư sản”), đã tạo dựng nên một thứ “lâu đài trên cát”. Hệ thống kinh tế-xã hội mà họ dựng nên đã từng làm mê hoặc nhiều dân tộc nhược tiểu, đôi khi còn làm loá mắt cả những “đối thủ tư sản”, cuối cùng đã sụp đổ. Ngược lại, những người dân chủ - xã hội chấp nhận dân chủ, từ chỗ bác bỏ chuyên chính vô sản đã dần dần từ bỏ hoặc sửa đổi các nội dung khác của chủ nghĩa Marx để rồi cuối cùng, trở thành các đảng “phi mác-xít”, chỉ còn giữ lại hình ảnh Marx như một nhân vật lịch sử đáng kính, có công sáng lập phong trào.
Hiện nay, sau sự sụp đổ của hệ thống “cộng sản” quốc tế, trên thế giới chỉ còn lại bốn quốc gia còn theo con đường cộng sản. Trong số đó, Trung Quốc và Việt Nam lại đổi hướng bằng cách chuyển qua kinh tế thị trường. Quan sát sự diễn biến ở hai quốc gia này, chúng ta thấy họ từng bước áp dụng những biện pháp giống hệt như những biện pháp mà các đảng dân chủ - xã hội đã từng áp dụng trước đây hơn nửa thế kỷ. Chính vì thế, có sự ngộ nhận cho rằng các đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam đang dần dần lột xác để trở thành các đảng dân chủ -xã hội. Một số nhà “cải cách” trong hai đảng này cũng đang vô tình hay cố ý tạo ra sự ngộ nhận ấy. Nhưng như trên đã nói, sự khác biệt căn bản giữa một đảng dân chủ -xã hội và một đảng cộng sản là ở chỗ: đảng đó có coi dân chủ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu hay không? Bao lâu đảng cộng sản còn giữ độc quyền chính trị, không chấp nhận nền dân chủ đa nguyên, coi những ai đấu tranh cho dân chủ là kẻ thù thì cho dù đảng ấy có đổi tên là “đảng Lao động”, “đảng Nhân dân”, thậm chí “đảng Dân chủ - Xã hội” v.v. và v.v., đảng ấy vẫn chưa lột xác và trong thực chất vẫn là “đảng Cộng sản”.
Lenin đã từng coi “chuyên chính vô sản” là viên đá thử vàng để xác định ai là người mác-xít chân chính nhất. Ngày nay, chúng ta cũng phải dùng “dân chủ” như viên đá thử vàng để xác định ai là người dân chủ - xã hội thật và ai là người cộng sản đội lốt dân chủ - xã hội.
Đà Lạt, 5.11.2006
Tài liệu tham khảo
1.
William
L. Shirer, The Rise and Fall of The Third Reich, Simon And
Schuster, New York, 1960.
2.
Tuyển
tập Mác – Ăng ghen, Nxb Dietz Verlag - Berlin và NXb Sự Thật - Hà Nội,
1980-1984, 6 tập.
3.
Rob
Sewell, Germany: From Revolution to Counter-Revolution, 1988.
http://www.marxist.com/germany-counter-revolution-rise-fascism.htm
http://www.marxist.com/germany-counter-revolution-rise-fascism.htm
4.
Encyclopaedia
Britannica Library; from Encyclopaedia Britannica 2005 Deluxe Edition CD-ROM.
Copyright © 1994-2003 Encyclopædia Britannica, Inc.
5.
Wikipedia,
The Free Encyclopedia http://en.wikipedia.org/
6.
LAIDLER,
Harry W., History of Socialism, Thomas Y. Crowell Company, New
York, 1968.
7.
SASSOON,
Donald, One Hundred Years of Socialism, Harper Collins Publishers,
Fontana Press, Paperback Edition, London, 1997.
[1]William L. Shirer, The Rise
and Fall of The Third Reich, Simon and Schuster, New York, 1960, p. 186.
[2]Stresemann được tặng Giải Nobel về Hoà bình năm 1926 cùng với ngoại trưởng Pháp Aristide Briand.
[3]William L. Shirer, sđd, tr. 186.
[4]Tên chính thức là Đảng Quốc gia – Nhân dân Đức (Deutschnationale Volkspartei, German National People's Party, viết tắt là DNVP).
[5]Kapp là người đã cùng với đô đốc Alfred von Tirpitz sáng lập Đảng Tổ Quốc Đức (Deutsche Vaterlandspartei, Fatherland Party) vào năm 1917, với xu hướng bảo hoàng.
[6]Tên gọi chính thức là Đảng Công nhân Quốc Gia – Xã hội chủ nghĩa Đức (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, National Socialist German Workers' Party), viết tắt là NSDAP.
[7]Gọi là cuộc đảo chính “Nhà hàng Bia” (Bierkeller Putsch, Beer Hall Putsch) vì nó bắt đầu tại một nhà hàng bia ở Munich vào đêm 8.11.1923.
[8]Theo lập luận này, “giai đoạn thứ nhất” là giai đoạn cách mạng sau chiến tranh thế giới I, “giai đoạn hai” là giai đoạn của ổn định tương đối, “giai đoạn ba” là giai đoạn của chiến tranh và cách mạng.
[9]Rob Sewell, sđd.
[10](Kommunisticheskiy Internatsional, Communist International; Internationale communiste). Còn được gọi là Comintern (Komintern), viết tắt từ tên tiếng Nga.
[11]Đảng cộng sản Pháp lúc đầu lấy tên là Section Française de l’Internationale Communiste (Phân bộ Pháp của Quốc tế cộng sản, The French Section of the Communist International), viết tắt là SFIC, về sau đổi thành Parti communiste français (Đảng cộng sản Pháp , French Communist Party, viết tắt là PCF).
[12]Còn được dịch là Cục Thông tin Quốc tế (Communist Information Bureau, gọi tắt là Cominform, Kominform).
[13]Ngày 5.11.1995, 29 đảng cộng sản đã tái lập Quốc tế III tại Sofia, nhưng sự tồn tại của nó vẫn chưa được chứng minh bằng thực tế.
[14]Ngày mười tám tháng Sương mù, Mác-Ăng ghen, Tuyển tập, tập II, sđd, trang 427.
[15]Phê phán cương lĩnh Gotha, Mác-Ăng ghen, Tuyển tập, tập IV, sđd, trang 491.
[2]Stresemann được tặng Giải Nobel về Hoà bình năm 1926 cùng với ngoại trưởng Pháp Aristide Briand.
[3]William L. Shirer, sđd, tr. 186.
[4]Tên chính thức là Đảng Quốc gia – Nhân dân Đức (Deutschnationale Volkspartei, German National People's Party, viết tắt là DNVP).
[5]Kapp là người đã cùng với đô đốc Alfred von Tirpitz sáng lập Đảng Tổ Quốc Đức (Deutsche Vaterlandspartei, Fatherland Party) vào năm 1917, với xu hướng bảo hoàng.
[6]Tên gọi chính thức là Đảng Công nhân Quốc Gia – Xã hội chủ nghĩa Đức (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei, National Socialist German Workers' Party), viết tắt là NSDAP.
[7]Gọi là cuộc đảo chính “Nhà hàng Bia” (Bierkeller Putsch, Beer Hall Putsch) vì nó bắt đầu tại một nhà hàng bia ở Munich vào đêm 8.11.1923.
[8]Theo lập luận này, “giai đoạn thứ nhất” là giai đoạn cách mạng sau chiến tranh thế giới I, “giai đoạn hai” là giai đoạn của ổn định tương đối, “giai đoạn ba” là giai đoạn của chiến tranh và cách mạng.
[9]Rob Sewell, sđd.
[10](Kommunisticheskiy Internatsional, Communist International; Internationale communiste). Còn được gọi là Comintern (Komintern), viết tắt từ tên tiếng Nga.
[11]Đảng cộng sản Pháp lúc đầu lấy tên là Section Française de l’Internationale Communiste (Phân bộ Pháp của Quốc tế cộng sản, The French Section of the Communist International), viết tắt là SFIC, về sau đổi thành Parti communiste français (Đảng cộng sản Pháp , French Communist Party, viết tắt là PCF).
[12]Còn được dịch là Cục Thông tin Quốc tế (Communist Information Bureau, gọi tắt là Cominform, Kominform).
[13]Ngày 5.11.1995, 29 đảng cộng sản đã tái lập Quốc tế III tại Sofia, nhưng sự tồn tại của nó vẫn chưa được chứng minh bằng thực tế.
[14]Ngày mười tám tháng Sương mù, Mác-Ăng ghen, Tuyển tập, tập II, sđd, trang 427.
[15]Phê phán cương lĩnh Gotha, Mác-Ăng ghen, Tuyển tập, tập IV, sđd, trang 491.
nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=9183&rb=0402