Có “Hậu chủ nghĩa xã hội” chăng? (P1/2)

Posted on
  • Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Alan Charles Kors
    Ðông Hiến hiệu đính
    Lê K. Hiển dịch 
    Không có “hậu chủ nghĩa xã hội”. Trong đời chúng ta, hoặc đời con chúng ta, sẽ không có cái gọi là “hậu chủ nghĩa xã hội”. 


    Cốt lõi của luận cứ trên nằm trong chương “Tại sao những kẻ tồi tệ nhất lại ngoi lên được những địa vị cao nhất,” một chương có thể làm lạnh gáy người đọc, có tính quy nạp hoàn chỉnh, và, vì khả năng dự phóng của nó, còn có tính tiên tri. Trong chương này, Hayek lập luận rằng đây không phải là một sự ngẫu nhiên về thời gian hay không gian, như trong trường hợp chủ nghĩa quốc xã hoặc chủ nghĩa Bôn-Sê-Víc, khi một xã hội tổ chức theo mô hình kinh tế kế hoạch hoá và trung ương tập quyền, sẽ dung nạp và ban thưởng cho những kẻ khiếm khuyết nhất về đạo đức. Những kẻ có quan điểm, cá tính, và hành vi như thế nào mới khả dĩ thu được thành công chính trị trong một hệ thống tập thể? Theo ý Hayek, chúng phải là những người mạnh bạo và hung hãn. Chúng phải là những kẻ ít băn khoăn nhất khi chọn lựa thủ đoạn hoặc phương tiện. Chúng là những kẻ có khả năng tập hợp được những đối tượng vừa dễ bảo, vừa nhẫn tâm. Chúng phải là những kẻ mị dân biết vận động được những người ngoan ngoãn, nhẹ dạ, và thụ động. Chúng phải là những nhà lãnh đạo biết cách khéo léo chia xã hội thành “phe ta” và bên kia là “bọn địch” nham hiểm, đồng thời cũng phải là những kẻ đã kết nối thành công chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa dân tộc cực đoan nhưng được lòng đại chúng, và với chủ nghĩa cục bộ địa phương. Và trên hết, chúng là những kẻ nắm lấy và xem quyền lực không phải là một liều thuốc đắng bất đắc dĩ mới cần dùng đến, mà chính là mục tiêu tối hậu. [3] 

    Hayek lý luận rằng trong một xã hội mang tính cạnh tranh, quyền lực chính trị và kinh tế được tách rời ra, và không ai có thể giành được nhiều hơn là một phần rất nhỏ nếu so sánh với khối quyền lực thống trị khổng lồ nằm trong tầm tay các nhà làm kế hoạch ở một xã hội mà toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội, giáo dục, và văn hoá đều nằm trong vòng kế hoạch hoá. Một khi quyền lực kinh tế bao trùm toàn bộ đời sống của người khác được tập trung lại thành quyền lực chính trị, thì nó sẽ tạo nên một xã hội gồm toàn những người gần như nô lệ theo nghĩa bóng. Đó chính là cách các chủ nô cai trị nô lệ, khi trong một xã hội mà các quyết định của người cầm quyền về “những điều có lợi cho tập thể” có sức nặng hơn những quy định pháp luật và nguyên tắc đạo đức cá nhân. Trong một xã hội như vậy, những người có lý tưởng xác tín về đúng sai sẽ tìm cách thoát khỏi guồng máy phục vụ của những chủ nô. Trong một xã hội như vậy, những kẻ “dám làm mọi chuyện, theo nghĩa đen”, theo đúng từ của Hayek, sẽ leo lên được những chức vụ cao cấp, chỉ dưới người cầm quyền cao nhất, một con người mà niềm say mê chủ yếu trong đời là ham muốn được người khác tuân phục. Vấn đề ở đây không phải chỉ là những người rộng lượng, có đạo đức, và biết kiềm chế sẽ không có cơ hội giành được quyền lực trong một xã hội tập thể, mà còn ở chỗ, sẽ chỉ có những kẻ xấu xa nhất mới có thể thành công được trong xã hội đó. Cho dù lý tưởng, mục đích ban đầu, và những nguyên nhân tạo dựng được niềm tin từ buổi sơ khai vào chủ nghĩa xã hội có là gì chăng nữa, vẫn có nhiều lý do nội tại về mặt tâm lý và tổ chức, mang tính hệ thống khiến cho chủ nghĩa xã hội sẽ luôn luôn dẫn đến chế độ nông nô và sự hy sinh số đông. [4] 

    Phân tích của Hayek chưa bao giờ là quan điểm chung tại Tây phương, và lại càng không là quan điểm chung trong các giới trí thức chuyên về chính trị tại Âu Châu và Hoa Kỳ. Sự sụp đổ của các chế độ cộng sản tại Âu Châu sẽ chỉ dẫn đến ảo giác về bản chất của chủ nghĩa xã hội được đội lốt các danh xưng khác, nếu các khái niệm này, theo quan điểm Tây phương, có liên hệ với quá khứ kinh hoàng của chủ nghĩa xã hội. Chưa có bằng chứng để tin rằng nguy cơ nói trên đã xảy ra. Chúng ta hãy xem xét, để đối chiếu, cơn sóng vỡ mộng đầu tiên tràn qua Âu Châu và Tây phương vào thập niên 1930 khi thấy các “việc làm quá tay” của chủ nghĩa Stalin, hay đúng hơn là, khi nhận thấy chủ nghĩa này đã thực sự thất bại, không thực hiện được giấc mơ Bôn-Sê-Víc. Hãy lưu ý, để hiểu rõ tính chất của phong trào trí thức chống Stalin, khác với trường hợp chủ nghĩa phát xít, không có trước tác nào đáng kể nói về sự “vỡ mộng” khi chủ nghĩa dân xã thất bại vì không thực hiện được lý tưởng của chính nó, tức là bộ lạc chủ nghĩa, chủ nghĩa dân tộc độc chiếm và bành trướng, nhà nước đoàn thể, và nguyên lý lãnh tụ (Furher). Nói chung, ngay cả các bài viết chống cộng hấp dẫn nhất đối với các nhà trí thức Tây phương vào những thập niên 1940 và 1950 cũng chỉ đi đến kết luận là chủ nghĩa cộng sản đã thất bại trong việc thực thi những lý tưởng chính đáng của chủ nghĩa xã hội. Dẫu rằng nhiều trước tác đã đạt tới mức độ được công nhận chính thống, bất khả tư nghị vì được viết dựa trên những kinh nghiệm cá nhân, chưa có tác giả nào viết với tư cách đại diện cho một xã hội tự do kiểu mẫuvới các thành tố cốt lõi, tức là một hệ thống bao gồm quyền sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh, trao đổi tự nguyện, và các quyền cá nhân. 
    Ngay sau Đại nạn Diệt chủng Do Thái (Holocaust) và sự sụp đổ của chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa kỳ thị người Do Thái đã phần nào im hơi lặng tiếng, hổ thẹn vì đã chường ra bộ mặt xấu xa nhất, thể hiện dưới hình thức quyền lực nhà nước thực sự.

    Ngay sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, vốn dĩ là cơ hội hiện thực nhất để chủ nghĩa xã hội thử nghiệm quyền lực toàn diện, chủ nghĩa xã hội cũng phải im hơi lặng tiếng, nhưng chỉ trong chốc lát.

    Tuy nhiên, những nguyên cớ dẫn đến chủ nghĩa xã hội ở Tây phương vẫn còn mãi với chúng ta, đó là sản phẩm của sự hội tụ hai thành tựu xuất sắc: một hệ thống kinh doanh tự do cởi mở và một thể chế chính trị dân chủ. Thành tựu thứ nhất tạo ra của cải vật chất làm thay đổi hoàn toàn những giới hạn của con người, nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh tính ghen tỵ đặc biệt sâu sắc.
    Thành tựu thứ hai thì lại tạo ra cho những người có tham vọng một con đường để đạt được quyền lực, dưới hình thức kêu gọi nhà nước dân chủ phải nhân danh công bằng xã hội mà thâu tóm và tái phân phối của cải.

    Như Friedrich Hayek và Ludwig von Mises đã từng hiểu một cách toàn vẹn, của cải dồi dào do hệ thống kinh doanh tự do cởi mở mang lại đã làm cho những thành phần vô tích sự tin rằng những của cải ấy vốn sẵn có, là “của trời cho”, ai lấy cũng được.

    Chủ nghĩa xã hội có nghĩa là bãi bỏ tư hữu, tư lợi, và bãi bỏ trao đổi tự nguyện giữa các cá nhân với nhau.

    Điều đó có nghĩa là việc tổ chức sản xuất và phân phối hàng hoá và dịch vụ - tức là những thành quả của phát minh, sáng kiến, tư duy, sự can đảm, tài năng, và sức lao động của con người - sẽ được thực hiện dưới bàn tay của các nhà hoạch định chính trị, những người được cho rằng vừa nắm vững nguyện vọng của quần chúng, vừa biết cách đáp ứng những nguyện vọng đó. Chủ nghĩa xã hội cũng có nghĩa là tài sản riêng sẽ bị quốc hữu hoá và của cải sẽ được phân phối bởi những người làm kế hoạch dựa trên những tiêu chuẩn do chính những người nầy xác định. Chủ nghĩa xã hội là một chủ nghĩa mà bất kỳ đứa bé con nào cũng hiểu. Đó chính là việc lấy đồ của người khác. Đó cũng chính là câu chuyện giết con gà đẻ trứng vàng một cách hồ đồ và ngu tối. Câu chuyện này sở dĩ đã đi vào văn học dân gian và mang tính trường cửu chính là vì nó đã phản ánh một cái gì thật sâu xa trong bản chất của con người. Vì thế, trên thực tế, ta chỉ có thể nói đến “hậu chủ nghĩa xã hội” một khi đã loại bỏ được lòng thèm muốn, sự oán giận, bạo lực, sự thiếu lý trí, và tham vọng chính trị trong các công việc của chúng ta. Điều này, tuy nhiên, chỉ có thể có được trong một thế giới khác.

    Sẽ không khó khăn, - thật ra ngay bây giờ cũng không khó khăn gì lắm – để cho chủ nghĩa xã hội, khi cần thiết, tự đổi cái tên xưa xưa là lạ đó một chút trong khi vẫn hun đúc lòng tị hiềm, tham vọng, vọng tưởng, và cơn cuồng vọng muốn kế hoạch hoá cuộc sống của người khác thành một chương trình hành động đầy sức mạnh về chính trị, kinh tế, và cuối cùng là văn hoá. Giờ đây, toàn bộ giấc mơ và niềm xác tín thiên niên của chủ nghĩa xã hội thời thế kỷ thứ mười chín có lẽ không còn hiệu nghiệm để sách động đám đông, các đầu lĩnh, hay những kẻ muốn tử vì đạo, nhưng các giá trị và nguyên động lực nền tảng của chủ nghĩa xã hội vẫn còn mạnh mẽ và năng động. Vào giai đoạn này, một giai đoạn “hậu chủ nghĩa xã hội”, các nhà chính trị, những kẻ mỵ dân,vẫn và sẽ thành công trong việc kêu gọi chống lại quyền tư sản, lợi nhuận, tự do kinh tế, và “thị trường”. Chính nhờ “hậu chủ nghĩa xã hội”, mà Lionel Jospin và Đảng Xã hội của ông ta đã nắm được chính quyền tại Pháp, trên chiêu bài tạo thêm công ăn việc làm bằng cách khống chế số giờ được làm việc mỗi tuần trong khi vẫn giữ nguyên mức lương. Chính nhờ “hậu chủ nghĩa xã hội”, mà học thuyết “Con đường thứ Ba” đã giành được uy tín và ảnh hưởng, trong khi một trong những “con đường” bị bỏ quên lại là con đường dựa trên tự do kinh tế trao đổi tự nguyện. Cũng chính do “Hậu chủ nghĩa xã hội” mà chúng ta chứng kiến một đất nước tự do nhất trên thế giới lại bị cuốn vào tình trạng kế hoạch hoá tập trung các dịch vụ bảo vệ sức khoẻ và phân phối dược phẩm. Cũng chính do “hậu chủ nghĩa xã hội” mà chúng ta thấy quyền kiểm soát đời sống kinh tế ngày càng được phó thác nhiều hơn cho những hội đồng quốc tế gồm những người được mệnh danh là chuyên gia. Những sự kiện trên lại xảy ra lúc mà ai cũng nghĩ rằng hệ thống tự do kinh doanh đã đắc thắng, trong khi các nền kinh tế tập trung đã thất bại thê thảm. Do đó, sẽ là ngu muội nếu tin rằng trong tương lai con người sẽ ít bị mê hoặc hơn bây giờ bởi những học thuyết mị dân, bởi lòng ghen tỵ, và bởi huyền thoại kế hoạch hoá. Không có cách gì để nhận định chắc chắn tương lai sẽ thuộc về ai.

    Ta phải lưu ý đến bài tựa Mises viết cho ấn bản lần thứ nhì (1951) của tác phẩm kinh điển của ông về chủ nghĩa xã hội, Die Gemeinwirtschaft: Untersuchungen über den Sozialismus (1922). Mises đã cảnh cáo chúng ta đừng lầm lẫn giữa những “sự kình địch giữa các phong trào toàn trị khác nhau” - cuộc đối đầu giữa các nhà chống cộng sản trên sách vở (ví dụ như những người theo Vận hội Mới (New Dealers) và những người theo chủ nghĩa xã hội ở Tây Âu) và những người cộng sản - với một cuộc tranh chấp sâu sắc hơn, “cuộc tranh chấp ý thức hệ lớn của thời đại của chúng ta”, - tức là cuộc đụng đầu giữa những người ủng hộ “kinh tế thị trường” và những người ủng hộ “quyền lực nhà nước toàn trị.” [1] Mises đã lầm lẫn, ngay trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, khi ông coi nhẹ các tranh chấp giữa một bên là những người New Dealers và những người theo chủ nghĩa xã hội ở Tây Âu với bên kia là những người Bôn-sê-vic; lầm lẫn bởi vì có giành được tự do cá nhân cho con người hay không, là tuỳ thuộc vào việc chủ nghĩa cộng sản có bị đánh bại hay không. Ông cũng đã sai lầm khi - đối diện với một chủ nghĩa cộng sản trong đó con người chỉ là phương tiện để đạt đến cứu cánh - lý luận rằng để cho một tập đoàn kỹ sư kinh tế này hay một một tập đoàn kỹ sư kinh tế nọ kiểm soát cỗ máy kế hoạch của nhà nước thì cũng vậy thôi, không có khác biệt gì đáng kể. Dường như Mises không bao giờ hiểu một cách toàn vẹn - nếu ông có hiểu đi nữa - tính bất khả phân giữa quyền tư hữu trên mọi lãnh vực và sự tự do về kinh tế. Tuy nhiên, xét chung cuộc, ông đã đúng khi cho rằng, rốt cuộc tự do vẫn tuỳ thuộc vào kết quả của cuộc chiến đấu giữa một bên là quyền tư hữu, tư doanh, sản xuất và trao đổi tự nguyện, và một bên là kế hoạch hoá tập trung.

    Hayek và Mises đã gặp nhau ở chỗ họ tin tưởng rằng sự kế hoạch hoá từ trung ương có một lô-gích kinh tế, xã hội, ý thức hệ, văn hoá, và tối hậu là toàn trị hoá. Về mặt lý thuyết kinh tế cơ bản, cả hai đã hiểu được tính chất quá ư hiển nhiên của một điều mà nhiều nhà trí thức Tây phương đương đại vẫn xem như một ý nghĩ ngờ nghệch: đó là, một xã hội và kinh tế càng phức tạp thì việc kế hoạch hoá tập trung càng trở nên bất khả thi và không ăn khớp. Một khi không có cơ chế giá cả để phản ánh các lựa chọn của cá nhân thì xã hội sẽ không có biện pháp hữu hiệu để phát hiện và phân phối các kiến thức về kinh tế, hoặc để phối hợp các hoạt động của nhiều tác nhân riêng lẻ, hướng tới sự thoả mãn những nhu cầu của con người. Sâu sắc hơn nữa, cả Hayek lẫn Mises - khi nói về những hậu quả sâu sắc nhất đối với đời sống và xã hội - đều đã hiểu rằng sự hoạch định từ trung ương đã đặt chúng ta, theo lời của Hayek, vào Con đường đến chế độ nông nô.

    Vào những năm cuối của thập niên 1920, những người cộng sản bắt đầu phân biệt giữa “chủ nghĩa xã hội” và “chủ nghĩa cộng sản.” Chia tay với Marx, người có vẻ đã dùng chung hai khái niệm trên một cách không phân biệt, Đảng Cộng sản Liên Xô – và do đó, phong trào cộng sản quốc tế - đã lập luận rằng “chủ nghĩa xã hội” là một thời kỳ quá độ giữa chủ nghĩa tư bản và “chủ nghĩa cộng sản” tối hậu. Trong chừng mực nào đó, tác phẩm của Hayek, Con đường đến chế độ nông nô (1944) - thật ra tác phẩm này còn tải rất, rất nhiều ý khác nữa – có thể được xem như là một luận cứ đã được khẳng định, theo đó, dù có chủ ý hay không, “chủ nghĩa xã hội dân chủ” chỉ có thể là một thời kỳ quá độ đến một cái gì khác. [2] Tuy nhiên, cái gì khác đó không phải là một thế giới không tưởng, nhưng lại là một cái gì tương tự như chủ nghĩa cộng sản Sô Viết, một chủ nghĩa toàn trị ra đời sau khi tự do kinh tế và xã hội đã bị tiêu diệt hoàn toàn. 

    Trong tác phẩm Ca ngợi Catalonia (Homage to Catalonia, 1938), Geoge Orwell đã tuyên dương chủ nghĩa vô chính phủ-công đoàn lên trên hết tất cả, xem nó như là một phản đề của chủ nghĩa cộng sản. Orwell nhận định rằng trong hàng ngũ cánh tả Tây Ban Nha, chủ nghĩa vô chính phủ-công đoàn là tầng lớp chống chủ nghĩa cởi mở roõ rệt nhất, trong khi chủ nghĩa cộng sản thì lại sặc mùi “tư sản.” Trong cuốn 1984 (1949), một tác phẩm bất hủ, Orwell có đề cập đến tự do cá nhân trong cuộc sống riêng tư và đời sống tinh thần, nhưng đã không bàn đến tự do về kinh tế, thực chất là người bạn gần gũi nhất của cuộc sống riêng tư và cuộc sống tinh thần. Trong tác phẩm xuất sắc của ông, Trại súc vật (Animal Farm, 1945), ông mô tả thảm kịch cuối cùng là việc ban lãnh đạo của cuộc cách mạng đã biến thành y hệt như giai cấp tư sản. Tác phẩm Đêm gi ữa ban ngày (Darkness At Noon, 1940) của Arthur Koestler- một tác phẩm sâu sắc nhất, cảm động nhất, và có tính thuyết phục cao nhất trong tất cả các tác phẩm phân tích và phê bình về lô-gích đạo lý của chủ nghĩa cộng sản do phái tả viết - lại là giấc mơ về một ngày mai khi cuộc tranh đấu của những người xã hội chủ nghĩa chống lại “tai ương kinh tế” sẽ được kết nối với ý thức đại đồng về lòng nhân đạo và luân thường đạo lý tuyệt đối.

    Ít có tác phẩm chống cộng nào gây được nhiều ảnh hưởng và ăn khách lâu như cuốn Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed, 1949), được chính Richard Crossman, nhà xã hội chủ nghĩa đồng thời là Nghị viên Đảng Lao động Anh, biên tập. [5] Những tiểu luận về sự vỡ mộng chính trị trong tuyển tập này là những bài viết làm người đọc choáng váng. Chúng giải thích một cách thuyết phục và đầy lòng cảm thông về sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản đối với các tín đồ trí thức của nó hơn tất cả các tác phẩm khác. Chúng mô tả sống động và xác thực về những trải nghiệm kinh hoàng mà những người tham gia vào (hoặc chỉ đồng hành với) phong trào cộng sản đã phải trải qua trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, cũng như sự oái oăm về nhận thức, khi họ vẫn tiếp tục tham gia vào phong trào cộng sản một thời gian dài sau khi đã thấy rõ các lý tưởng đã bị phản bội, rồi quyết định ly khai là một trải nghiệm đau đớn nhưng hợp đạo lý như thế nào. Nhưng tất cả mọi bài tiểu luận trong tuyển tập đều tiếp tục chối bỏ một xã hội tự do, và, trên hết, một nền kinh tế tự do. 

    Bài dẫn nhập của Crossman đã đề cập thẳng rằng sự hấp dẫn của chủ nghĩa Mác nằm ở chỗ nó “đã bóc trần các ý kiến nguỵ biện của các phe cởi mở - những sai lầm thật sự.” Ông mô tả nền tảng trí tuệ của nền kinh doanh tự do là niềm tin vào “thuyết tự Tiến bộ” và việc phủ nhận quan niệm “chu kỳ phát triển và suy thoái là đặc thù của chủ nghĩa tư bản.” Ông xác định rằng “không có người thông minh nào sau năm 1917” lại có thể chọn lựa các “Tín điều” của thuyết cởi mở, và nếu chỉ có hai lựa chọn, thì bất cứ đầu óc lương thiện nào cũng sẽ phải chọn chủ nghĩa cộng sản. Tuy thế, may mắn thay, Crossman đã đề xuất ý kiến là “hai cuộc thế chiến và hai cuộc cách mạng toàn trị” đã dạy các nước dân chủ Tây phương rằng họ cần phải “đề xuất một giải pháp khác cho cách mạng toàn cầu bằng cách hoạch định sự cộng tác giữa những người tự do.” [6] 

    Trong tiểu luận của mình trong tuyển tập Vị thượng đế đã thất bại, Koestler so sánh thời gian ông ở trong Đảng Cộng sản với sự việc Jacob phải ở với Leah, chứ không phải với Rachel yêu dấu và xinh đẹp. [7] Ông khẳng định rằng những gì đã xuất hiện không phải là chủ nghĩa cộng sản mà chỉ là những thứ đội lốt chủ nghĩa cộng sản. Ông hy vọng rằng, cũng như Jacob, sau một thời gian làm việc lao khổ, ông sẽ được ban cho Rachel. [8] Ignazio Silone nói “niềm tin về chủ nghĩa xã hội” còn “sống động hơn bao giờ hết trong tôi”. Ông kết luận rằng các lý thuyết xã hội chủ nghĩa chỉ mang tính tạm bợ và không có gì quan trọng. [9] Trong khi đó, các giá trị xã hội chủ nghĩa thì lại “trường cửu,” và trên cơ sở những giá trị đó, “người ta có thể tạo dựng một nền văn hoá, một nền văn minh, một đường lối mới cho con người sống chung với nhau.” Richard Wright thì kết luận như sau về những người cộng sản: “Họ bị mù loà… Họ bị mù loà vì kẻ thù của họ đã áp bức họ quá mức.” Tuy vậy, ông tự nhủ “Tôi sẽ vì họ, cho dù họ không vì tôi.” [10]

    André Gide, người có bài viết trong tuyển tập của Crossman, trích từ các tác phẩm Trở về từ Liên Xô (Retour de l’U.R.S.S) (1836) và Chỉnh lý cho tác phẩm Trở về từ Liên Xô (Retouches à mon retour de l’U.R.S.S) (1937), đã vỡ mộng với chủ nghĩa cộng sản, một mặt vì chủ nghĩa đó chà đạp tính độc lập của nghệ thuật và, trên hết, vì ông ta đã thấy tại Liên Xô, “các đặc quyền, đặc lợi trong khi mong mỏi tìm thấy sự công bằng.” “Người lao động Sô Viết,” ông ghi nhận, “không còn bị bóc lột bởi các nhà tư bản nắm các cổ phần, nhưng dù sao, họ vẫn bị bóc lột” và “các thói hư tật xấu của giai cấp tư sản vẫn còn im lìm nằm đó, mặc dù Cách mạng đã thành công.” “Nước Nga của Stalin,” theo Gide, “vẫn là cái xã hội tư bản của ngày xưa.” [11] Trong bài tiểu luận của mình, Louis Fischer hướng tới Gandhi, chứ không chọn chủ nghĩa xã hội dân chủ Âu Châu, và vận động “Chối bỏ cả hai thứ,” cả hệ thống xã hội tự do cạnh tranh lẫn hệ thống Cộng Sản. [12] Bằng phong cách riêng của mình, Stephen Spender cũng nhấn mạnh rằng phải chối bỏ cả hai. Mặc dù ông tuyên bố không còn chút hy vọng gì cho chủ nghĩa cộng sản, ông cảm nhận rằng “nếu nó (chủ nghĩa cộng sản) có thể tiến tới được chủ nghĩa quốc tế và xã hội hoá được các phương tiện sản xuất, thì nó có thể thiết lập được một thế giới không bị chế ngự bởi những mâu thuẫn kinh tế tự thân”. Ông khẳng định với độc giả rằng “không có lời phê bình nào hướng về những người cộng sản có thể giảm nhẹ được những chỉ trích đối với chủ nghĩa tư bản.” Thật ra, ông còn lý luận là “Hoa Kỳ, nước tư bản lớn nhất, hình như không đưa ra một giải pháp nào khác để thay thế cho chiến tranh, bóc lột, và sự tàn phá các tài nguyên của thế giới.” [13]

    Thực ra, hầu như chưa có ai căn cứ trên thực tế của thời những người cộng sản cầm quyền để phán xét chủ nghĩa xã hội trong vai trò một đích đến và một thang giá trị. Tuy nhiên, cũng như những nhà Mác-xít, Hayek đã xử sự đúng khi ông yêu cầu thế kỷ của ông hãy phán xét các hình thái xã hội không phải trên cơ sở các lý tưởng trừu tượng, mà phải dựa trên cơ sở những biểu hiện có thật và sinh động của chúng. Chúng ta hãy làm việc này. Mục đích của chủ nghĩa xã hội trước hết là gặt hái những thành quả về văn hoá, khoa học, sáng tạo, và tính tập thể một khi đã xoá bỏ được chế độ tư hữu và thị trường tự do, tiến tới chấm dứt tình trạng người bóc lột người. Với công cụ quyền lực nhà nước, chủ nghĩa cộng sản đã tìm cách tạo dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa như thế. Nhưng trên thực tế, điều xảy ra là một nhúm người chuyên quyền độc đoán đã chiếm đoạt được quyền lực: Lê-nin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh, Pol Pot, Castro, Mengistu, Ceaucescu, Hoxha, vân vân và vân vân. Nhìn chung, tất cả các nhân vật chuyên quyền bạo ngược đó đã cai trị (và một số vẫn còn cai trị, đích thân cá nhân họ hoặc qua con cháu của họ y như trong một triều đại) cho đến già. Ai cũng biết các xã hội truyền thống là những xã hội biết tôn trọng người già cả, nhưng các xã hội cách mạng ngày nay lại dạy chúng ta những bài học ngoài sức tưởng tượng về chế độ lão trị. Vào năm 1944, Hayek chưa chứng kiến được một nửa hiện tượng này: “Những kẻ tồi tệ nhất” yêu và cố bám lấy quyền lực bằng mọi giá và không một chút nhân nhượng. Và giờ đây, chúng ta được mời đến để luận bàn về những gì sẽ xảy ra sau các nhà độc tài đó, về những bài học nào chúng ta đã học được từ chế độ độc tài, và về thế giới nào sẽ xuất hiện sau khi niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản đã mất đi. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vấn đề: những xác chết. 

    Quanh chúng ta đầy rẫy xác chết của những người vô tội bị giết hại với quy mô chưa từng thấy. Đây không phải là vài ngàn người bị giết trong thời kỳ Toà án Dị giáo; đây không phải hàng ngàn người Mỹ da đen bị đám đông da trắng treo cổ mà không cần xét xử. Đây không phải là sáu triệu người chết vì bị Đức quốc xã tiêu diệt. Những khảo cứu đứng đắn nhất đưa ra những con số mà phải cố gắng lắm, trí tuệ chúng ta mới có thể hiểu: hàng chục, và hàng chục, và hàng chục, và hàng chục triệu xác chết. Ngay quanh chúng ta. [14] Và nếu chúng ta kể thêm số người đã chết đói khi người cộng sản thí nghiệm với các quan hệ giữa người và người – hai mươi đến bốn mươi triệu người trong vòng ba năm chỉ riêng tại Trung Quốc [15] – chúng ta có thể cộng thêm hàng chục triệu nữa. Chết vì bị bắn, chết vì lạnh, chết vì đói, và bị giết chết trong những trại tù, những trại cải tạo lao động mà người cộng sản đã dựng lên để bòn rút đến tận cùng sức lao động của những con người ở trong đó và sau đó đem họ ra giết. Và cùng khắp quanh chúng ta, là những người đàn bà goá chồng, những người đàn ông goá vợ, và những đứa trẻ mồ côi. 

    Trong suốt lịch sử nhân loại, chưa từng có một giai đoạn nào sản xuất ra nhiều nhà độc tài khát máu, nhiều kẻ vô tội bị tàn sát, và nhiều trẻ mồ côi như chủ nghĩa xã hội khi nắm quyền lực nhà nước. So với tất cả các chế độ sản xuất khác, cặp bài trùng “chủ nghĩa xã hội và quyền lực” này đã vượt trội, tính theo cấp số nhân, về sản lượng xác chết đã sản sinh ra. Những xác chết đó đầy rẫy quanh chúng ta. Và vấn đề là ở chỗ này: Không một ai nói đến họ. Không một ai tôn vinh họ. Không một ai hối hận vì (đã giết) họ. Không một ai tự sát vì đã trót bênh vực và biện minh cho những kẻ đã giết họ. Không một ai trả giá vì (đã giết) họ. Không một ai bị truy cứu trách nhiệm vì những việc đã làm đối với họ. Đúng như Solzhenitsyn đã tiên liệu trong Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago): “Không, sẽ không có một ai cần phải trả lời. Sẽ không có ai bị soi xét vì chuyện này.” [16] Mà chừng nào những chuyện đó xảy ra, sẽ không có “hậu chủ nghĩa xã hội.”

    Tây phương chấp nhận một tiêu chuẩn đạo lý nước đôi, có tầm vóc lịch sử, quái đản và không thể tha thứ được. Hầu như hàng ngày, chúng ta đều ôn lại những tội ác của chế độ quốc xã, chúng ta dạy cho con cái chúng ta biết về những tội ác đó, và chúng ta làm chứng nhân cho từng nạn nhân một. Trong khi đó, trừ một thiểu số ngoại lệ, chúng ta hầu như hoàn toàn im hơi lặng tiếng về những tội ác của chủ nghĩa cộng sản. Và do đó, những xác chết cứ nằm giữa chúng ta khắp mọi nơi, không ai để ý tới. Chúng ta đòi hỏi phải “Giải độc chủ nghĩa quốc xã”, và chúng ta lên án những kẻ đã dám nhân danh những lực lượng chính trị mới hay đang hình thành để nhẹ tay với quy trình tẩy rửa ấy. Trong khi đó, chưa hề có, và sẽ không bao giờ có, một quy trình “Giải độc chủ nghĩa cộng sản” tương tự, mặc dù mức độ tàn sát những người vô tội lớn hơn gấp nhiều lần, mặc dù những nhân vật ký các lệnh và quản lý các trại tập trung vẫn còn sống sờ sờ ra đó. Trong trường hợp chủ nghĩa quốc xã, chúng ta truy lùng những đối tượng đã già trên chín mươi tuổi vì “nắm xương khô của những nạn nhân vẫn đang kêu gào” đòi công lý. Đối với chủ nghĩa cộng sản, chúng ta lại đòi đừng diễn lại màn “săn lùng phù thuỷ” - hãy để người đã chết chôn người đang sống. Nhưng mà, người chết đâu có thể chôn cất được ai. 

    Các nghệ sĩ của chúng ta có lý khi họ bị ám ảnh bởi Đại nạn diệt chủng Do Thái, một biến cố kéo dài vài năm và, tuy nhỏ hơn về quy mô nhưng vẫn lớn tới mức độ không thể đo lường được.Và khi chúng ta xem những phim Đêm và sương mù (Night and Fog), Tai hoạ (Shoah), Danh sách của Schindler (Schinder’s List), chúng ta khóc lóc, chúng ta than thở, và chúng ta chia sẻ những tình cảm đầy nhân đạo từ đáy lòng. Trong khi đó, đại nạn lớn hơn do cộng sản gây ra, kéo dài từ thập niên này sang thập niên khác, thì không sản sinh ra được những trước tác nghệ thuật tầm cỡ như thế. Một cuốn phim khiêm tốn, tế nhị, Một ngày trong đời lvan Denisovich dựa trên một tiểu thuyết của Solzhenitsyn, hầu như chưa bao giờ được chiếu lại và không thể tìm mua được trên thị trường. Đáng lý ra, đại nạn do cộng sản gây nên phải mang lại một mùa khai hoa của nghệ thuật Tây phương, và chứng nhân, và lòng thương cảm. Đáng lý ra biến cố đó phải khơi ra một biển nước mắt tuôn trào. Ngược lại, nó chỉ đúc ra được một tảng băng lãnh đạm. Những kẻ vào thập niên 1960 mặt còn búng ra sữa đã treo ảnh Mao và Ché trên tường ký túc xá - tức là một hành động tinh thần tương đương như treo hình Hitler, Goebbels, hoặc Horst Wessel tại phòng của mình ở nhà trọ tập thể - bây giờ lại giảng dạy con cái chúng ta về đạo đức hơn người của thế hệ chính trị của họ. Cuốn sách giáo khoa về lịch sử nào cũng đào đi xới lại về những tội ác của chủ nghĩa quốc xã, cũng đi tìm nguồn gốc những tội ác ấy, và cũng thông báo những bài học cần phải rút ra. Ai ai cũng biết con số “sáu triệu” nạn nhân quốc xã Đức. Trong khi đó, những sách đó chỉ nhắc tới những “sai lầm” của chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa Stalin (nhắc đi nhắc lại, lần này lần khác, từ “sai lầm”.) Hãy hỏi các sinh viên đại học năm thứ nhất bao nhiêu người đã chết dưới chế độ của Stalin và, đến tận bây giờ, những cô cử cậu cử này sẽ trả lời, “Vài ngàn? Vài chục ngàn?” Điều này tương đương với việc tin rằng Hitler chỉ giết có “vài trăm” người Do Thái. Thảm cảnh dốt nát này không bắt nguồn từ quyển sách giáo khoa này hay quyển sách giáo khoa nọ, mà từ một nền văn hoá trí thức tự bịt mắt chính mình để khỏi phải thấy những tai hoạ đã xảy ra ở những nơi chúng ta đã trót đặt phần nào cảm tình. Chi Lê cho Erich Honecker quyền trú ẩn và tỵ nạn, dù y chính là nhà độc tài Đông Đức đã đòi mang chiến xa vào các đường phố - ai cũng nói đã đến lúc phải chôn vùi quá khứ mà không oán hận - nhưng hiện đang kêu gọi “công lý” cho những nạn nhân của Augusto Pinochet. Chính trong ngày Tây Ban Nha tuyên bố truy tố Pinochet của Chi Lê, nước này lại nghênh đón, với đủ lệ bộ lễ nghi, ngài Castro của Cu Ba, trong khi đó ở Cu Ba những người phê phán hay nói xấu Castro - hoặc thuộc bất cứ nhóm nào làm Castro bực mình khó chịu, ví dụ như những người đồng tính luyến ái - thì đang nằm chết, mục rã trong nhà tù, hoặc đang tìm cách phục hồi sức khoẻ sau khi trở về từ những trại lao động chết người mà y đã gởi họ đến. Hầu hết các nước Âu Châu đã đặt các đối tượng quốc xã mới ra ngoài vòng pháp luật, nhưng đảng Cộng sản Pháp, từ 1999 đến 2002, luôn là một thành viên của chính quyền đang điều hành nước Pháp. Người ta không được phép treo cờ chữ Vạn, nhưng người ta có quyền trương lên ngọn cờ búa liềm trong những lễ hội do nhà nước tổ chức. Tại đa số các nước Âu Châu, hành vi phủ nhận rằng Hitler đã chết, hoặc việc giảm thiểu quy mô của Đại nạn diệt chủng Do Thái là một tội hình sự theo nghĩa đen. Ngược lại, việc phủ nhận hoặc giảm thiểu các tội ác của chủ nghĩa cộng sản thì lại là một hình thái nghệ thuật và chính trị. Một ví dụ gần đây nhất về tội ác giết người hàng loạt của cộng sản là Pol Pot và Khmer Đỏ, đã từng nô lệ hoá cả một dân tộc và tàn sát từ một phần năm đến một phần tư dân số của cả nước Cam Pu Chia (tương đương với việc một chế độ ở Mỹ giết hại từ năm mươi sáu đến bảy mươi triệu dân.) Pol Pot đã học chính trị tại Paris từ cánh tả Pháp, và được ủng hộ nhiều, nhất là từ các ông chủ cộng sản Trung Quốc của y. Tuy thế, ngày nay đa số đồng thuận cho rằng Pol Pot là một sản phẩm biến dị của những cuộc bỏ bom nhân danh chủ thuyết chống cộng tại Đông Dương của Hoa Kỳ, chứ không phải từ các niềm tin, các giá trị, và các đồng minh của y. Những bộ xương khô ở Cam Pu Chia và hàng triệu người liều chết chạy trốn cộng sản Việt Nam và Lào để hướng về một cuộc sống bất định ở bất cứ nơi nào khác, dù không là chỉ dấu của sự thông thái và già dặn về mặt chiến thuật, cũng đã cho chúng ta thấy được giá trị của công cuộc chống cộng tại những nơi đó. Trong khi “chống phát xít” là một cụm từ để tôn vinh, cụm từ “chống cộng” lại được dùng để nhạo báng và lạm dụng. Vì thế cho nên, những người chết nằm lẫn với chúng ta, không được ai đếm xỉa đến, và bất kỳ ai có nhãn quan đạo lý đều thấy được họ, thấy được sự vắng bóng của họ trong lương tri của chúng ta, thấy họ bị phô ra không mảnh vải che thân trên các màn hình vô tuyến và màn ảnh chiếu phim, thấy họ co rúm vì sợ hãi trong các lớp học của chúng ta, và thấy họ nằm ngang ngửa, không được chôn cất, la liệt trong các sinh hoạt chính trị và trong nền văn hoá của chúng ta. Những người đã chết đang ngồi cạnh chúng ta trong các hội nghị. Đã không thể có được một thời đại “hậu chủ nghĩa quốc xã” nếu chúng ta đã không công nhận các tội ác của chủ nghĩa quốc xã là có thật, tiến hành thống kê, xét xử theo công lý, và tưởng nhớ lại. Cho nên, chừng nào chúng ta còn chưa giải quyết vấn đề những người đã bị chế độ cộng sản sát hại, sẽ chưa thể có một thời đại “hậu xã hội chủ nghĩa.”

    Thực tế còn rành rành ra đó. Ở bất kỳ nơi nào mà chủ nghĩa xã hội thực sự có cơ hội và phương tiện để kế hoạch hoá xã hội, ngõ hầu theo đuổi một cách hữu hiệu ước mơ tiêu diệt tư sản, xoá bỏ bất bình đẳng kinh tế, và loại bỏ phương thức phân phối vốn và tài sản theo thị trường tự do, hậu quả luôn dẫn đến sự đè nén quyền tự do cá nhân, tự do kinh tế, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội, và tự do chính trị. Chỉ riêng việc tập thể hoá nông nghiệp cũng đã đưa đến những hậu quả khôn lường với những nỗi khổ đau, những sự thiếu thốn, và thái độ coi thường tài sản, vốn dĩ là thành quả của sức lao động. Có thể ví chủ nghĩa xã hội, với khả năng tối ưu, có thể huy động sự sợ hãi và thuần phục của con người để xây dựng lên một lần cho xong một công trình như thành phố Gary, Indiana, không cần vật liệu tốt, nhưng cũng không có khả năng duy trì công trình đó. Khi nắm được chính quyền, chủ nghĩa xã hội đã đẻ ra tình trạng nghèo khổ so với chung quanh, hiện tượng năng suất thấp đến chết người, sự bất công tuỳ tiện, nạn bè phái, nạn nô lệ hoá, các trại tập trung, tra tấn, khủng bố, sự tiêu vong của xã hội dân sự, thảm hoạ môi sinh, lực lượng công an chìm tàn bạo, và sự chuyên chế bạo ngược có tính hệ thống. Ở bất kỳ nơi nào chủ nghĩa xã hội đã đặt ách cai trị, luôn có những người, bị biệt giam, bị ép thức trắng đêm, phải chịu các nhục hình dã man, thậm chí là cái chết bất ngờ hay từ từ, vì họ đã dám nói “Không”, vì họ đã phê phán người cầm quyền, vì họ đã từ chối không tố cáo các bạn bè và đồng nghiệp của họ, và, đơn giản hơn thế nữa, vì họ với một lý do nào đó - thậm chí chỉ một câu nói đùa - đã làm bực mình một người cộng sản đang cầm quyền. Lòng can đảm và sự chịu đựng của những người này vượt quá khả năng cảm nhận của chúng ta. Chừng nào chúng ta chưa đối thoại với những tội ác này và những nạn nhân này, thì sẽ chưa thể có “hậu chủ nghĩa xã hội.” Để làm người có đạo lý, chúng ta phải ghi nhận một cách thích đáng là những sự việc tồi tệ đó có thật, và làm chứng nhân tố cáo những kẻ đã có trách nhiệm gây nên những thời kỳ thảm khốc nhất của lịch sử nhân loại. Chừng nào chủ nghĩa xã hội chưa phải đối mặt - cũng như chủ nghĩa quốc xã hoặc chủ nghĩa phát xít khi phải đối diện với các trại giết người tập trung, và tội ác tàn sát người vô tội - với thực tại sống động của nó, một thực tại đầy rẫy những sự tàn khốc và giết chóc lớn nhất trong sử sách của loài người, thì chừng đó chúng ta sẽ chưa được sống trong thời đại “hậu chủ nghĩa xã hội.”

    Điều đó sẽ không xảy ra. Căn bệnh của các nhà trí thức Tây phương đã trói buộc họ vào một quan hệ đối kháng với nền văn hoá của họ - tức là thị trường tự do và các quyền tự do cá nhân - một nền văn hoá đã giảm thiểu tối đa những nỗi khổ ải của con người, đã giải phóng tối đa con người ra khỏi sự thiếu thốn, sự ngu dốt, và mê tín dị đoan, và đã gia tăng tối đa của cải và cơ hội của con người trong suốt lịch sử nhân loại. Chưa ai giải thích được một cách đầy đủ nguyên nhân của căn bệnh này, dù biết nó chính là một trong những thiếu sót và bi kịch lớn nhất của những xã hội được xây dựng trên nền tảng thị trường tự do và các quyền cá nhân, những xã hội được xem như là những nền văn minh cấp tiến nhất từ trước đến nay trên hành tinh này. Đây là một thứ bệnh lý mà trong những thập niên qua, càng ngày càng trở nên thô thiển hơn và càng đi chệch khỏi những nguyên tắc của thực tế.

    Bệnh lý này cho phép các nhà trí thức Tây phương đi vòng để tránh những xác chết của các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản đang chất cao như núi Everest mà không phải rơi một giọt nước mắt, buông một lời hối tiếc, làm một hành động hối hận, hay phát sinh nhu cầu tái thẩm định bản ngã, linh hồn, và ý thức. Trong tiểu luận “Vị thượng đế đã thất bại”, Spender nhận định rằng, nói chung chúng ta đã thất bại trên phương diện đạo lý khi chúng ta có thái độ bất nhất, đối xử một cách hoàn toàn khác biệt đối với những nạn nhân trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử. Ông muốn dùng nhận định trên để nói tới tất cả những người đang theo đuổi một ý thức hệ và phe phái chính trị, và ý đó hoàn toàn đúng. Nhưng nhận định của ông lại góp một lời giải thích thiết yếu rằng tại sao muôn vàn xác chết là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản - gấp ít nhất mười lần số nạn nhân của Đại nạn diệt chủng Do Thái - vẫn còn ở với chúng ta. Spender viết, khi con người theo đuổi một sự nghiệp chính trị thì những người đứng chung hàng ngũ với họ trở thành “sinh động và có thật... là những con người bằng da bằng thịt và có tình cảm như chính bản thân mình vậy.” Ngược lại, những người nào cản đường họ thì lại trở thành “những sự trừu tượng… những đề thuyết rắc rối, phi lý, không cần thiết, những kẻ có cuộc sống gồm toàn những lập ngôn sai lầm.” Đối với trường hợp thứ nhất (đồng đội), họ thấy những “thân thể”, trong trường hợp sau, họ thấy những “con chữ.” [17] Chúng ta và con cái chúng ta được giáo dục, tiêu khiển, hướng dẫn, thông tin, và hưởng thụ nghệ thuật từ những kẻ không thấy được những xác người chất thành từng đống, mà chỉ nhìn thấy những “con chữ” về những sinh mạng đó. 

    Bản tiếng Việt © 2008 talawas 


    [1]Ludwig von Mises, Chủ nghĩa xã hội: Một phân tích kinh tế và xã hội học (Socialism: An Economic and Sociological Analysis), dịch. J. Kahane (Indianapolis, IN: Liberty Classics, 1979), 1–2.
    [2]F. A. Hayek, Con đường đưa đến chế độ nông nô (The Road to Serfdom) (Chicago: University of Chicago Press, 1944).
    [3]Sách đã dẫn, 134–52.
    [4]Sđd.
    [5]R. H. S. Crossman, Tuyển tập., Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed) (New York: Harper, 1949).
    [6]Những câu trích dịch trong đoạn này rút từ R. H. S. Crossman, “Introduction” trong sđd., 1-11.
    [7]Kinh cựu ước, Genesis 29 - chú thích của bản dịch.
    [8]Arthur Koestler, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 74–75.
    [9]Ignazio Silone, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 113–14.
    [10]Richard Wright, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 157–62.
    [11]André Gide, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 179–95.
    [12]Louis Fischer, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed) do Crossman biên tập, 225–28.
    [13]Stephen Spender, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập 265-77.
    [14]Rất ít công trình nghiên cứu có thể được xem như không thể thiếu được cho một cuộc tranh luận lương thiện trong thời đại chúng ta. Những cuốn sách sau đây chính là những công trình đó: Stéphane Courtois et al., Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản: Tội ác, khủng bố, đàn áp (The Black Book of Communism: Crimes, Terror, Repression), dịch: Jonathan Murphy và Mark Kramer (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1999). Về con số tử vong của người Sô Viết cũng nên xem Robert Conquest, Đại nạn khủng bố: Một lần tái thẩm định (The Great Terror: A Reassessment) (New York: Oxford University Press, 1990), tài liệu này sử dụng số liệu có được từ Glasnot.
    [15]Courtois et al., Cuốn sách đen về chủ nghĩa cộng sản, 487–96; xem thêm các công trình và bài viết được tham khảo trong cuốn sách này.
    [16]Aleksandr I. Solzhenitsyn, Quần đảo ngục tù (The Gulag Archipelago) 1918–1956, dịch giả HarryWilletts (New York: Harper and Row, 1978), 3:482.
    [17]Stephen Spender, tiểu luận trong Vị thượng đế đã thất bại (The God That Failed), Crossman biên tập, 253.

    Nguồn:http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13780&rb=0402
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org