Mọt Sách Già
chuyển ngữ
Để có thể định
nghĩa thế nào là toàn trị thường người ta phải viết cả một tập sách lý thuyết dầy
về cấu trúc chính quyền, xã hội của một nhà nước toàn trị. Đó là một công việc
cực nhọc nhưng lại hay không được đánh giá cao, bởi vì ngoài việc những cuốn
sách đó luôn là quá khó hiểu đối với những người bình thường không có hiểu biết
nhiều về chính trị mà còn vì những định nghĩa mang tính hàn lâm (về toàn trị)
không thể chỉ ra được những đặc điểm mang tính bản chất của chế độ toàn trị đó
là tính phi nhân tính của nó, sự nguy hiểm của nó đối với nhân loại, mức độ sợ
hãi và tuyệt vọng của người dân trong những chế độ đó phải trải qua. Không những
thế việc định nghĩa hay xác định khái niệm về chế độ toàn trị thường dễ trở nên
rối rắm và phức tạp do thường được đem ra so sánh với chế độ dân chủ tự do. Với
cách tiếp cận kiểu như vậy thường dẫn con người ta đến sự bế tắc. Sự khác biệt
là quá lớn đến độ mọi sự so sánh sẽ dẫn đến đơn giản hoá, bóp méo, và dẫn tới kết
luận “như nhau về mặt đạo lý” mà có thể tóm tắt bằng kiểu lập luận thông thường
như thế này:”Bọn chúng là quân ăn thịt, nhưng chúng ta cũng có phải những người
ăn chay ngoan đạo đâu?”.
Cách tiếp cận
tốt hơn để định nghĩa một chế độ toàn trị là so sánh nó với một chế độ độc tài
thông thường (authoritarianism - ND). Mặc dù sự khác biệt vẫn rất lớn, nhưng có
lẽ dễ chấp nhận và nắm bắt hơn. Lấy ví dụ, dưới một số chế độ độc tài thông thường
(như độc tài quân sự –ND), công đoàn bị cấm hoạt động và đó là việc vi phạm quyền
tự do lập hội đoàn của công dân. Trong những chế độ toàn trị thì còn tệ hơn nữa,
họ luôn có 100% công nhân tham gia công đoàn, nhưng công đoàn chỉ là “cánh tay
nối dài” của Đảng nhằm kiểm soát chặt chẽ gắt gao lực lượng lao động và ngăn cản
không cho những hoạt động công đoàn nghiêm chỉnh và chính đáng diễn ra. Điều đó
có nghĩa là đối với bất kỳ ai muốn đứng ra đấu tranh nhằm bảo vệ quyền lợi của
công nhân, họ không những phải đối mặt với chủ lao động, mà bản thân việc này
đã là khó rồi, mà còn phải đối đầu với một tổ chức khổng lồ những kẻ mánh khoé
chuyên nghiệp và có trong tay quyền lực không giới hạn. Nhưng nếu chúng ta tiếp
cận bằng cách so sánh “công đoàn” trong các chế độ toàn trị với công đoàn trong
các chế độ dân chủ tự do, thì sự khác biệt sẽ bị xoá nhoà và đánh lạc hướng bởi
một loạt so sánh chi tiết về cấu trúc, thủ tục,… dễ gây khó hiểu, khó nắm bắt
cho những người không có chuyên môn. Hệ quả của việc so sánh “thấy cây không thấy
rừng” như vậy dễ dẫn đến một cảm tưởng sai lầm là cả hai hệ thông công đoàn đều
giống nhau, và nếu có khác gì thì là chế độ toàn trị không giống như các chế độ
độc tài thông thường ở điểm nó cho phép công đoàn hoạt động.
Điều tương tự
như vậy cũng xảy ra nếu chúng ta so sánh bất cứ tổ chức, xã hội nào trong chế độ
toàn trị với những bộ phận “tương ứng” trong các chế độ tự do dân chủ. Chính vì
vậy chế độ toàn trị có thể xem là chế độ độc tài mà đã tiến thêm một bước dài
trên con đường độc tài. Thay vì đóng cửa, xoá bỏ những tổ chức xã hội dân sự
(như đối với một số chế độ độc tài quân sự – ND), chế độ toàn trị thay thế
chúng bằng các tổ chức xã hội dân sự giả hiệu có vẻ giống như trong các chế độ
tự do dân chủ, nhằm ngăn cản bất cứ một hành động độc lập nào ngoài vòng kiểm
soát của Đảng trong xã hội. Chính vì thế chế độ độc tài toàn trị còn tồi tệ và
độc tài hơn rất nhiều so với những chế độ độc tài thông thường. Không giống như
những chế độ độc tài thông thường, chế độ độc tài toàn trị luôn kiểm soát mọi mặt
của cuộc sống trong xã hội. Nó không những buộc con người trong chế độ phải sống
như những nô lệ (của nhà nước toàn trị –ND) mà còn buộc họ phải sống thường
xuyên trong những sự giả dối. Trên hết nó làm cho toàn xã hội băng hoại đến mức
độ việc quay trở lại với tự do và dân chủ là gần như không thể.
Quả vậy,
trong khi chưa có một chế độ độc tài toàn trị nào chuyển đổi trong hoà bình
sang dân chủ (trừ phi do có sự can thiệp và chiếm đóng quân sự của nước ngoài),
rất nhiều các chế độ độc tài thông thường đã làm được như vậy trong vòng mười,
mười lăm năm qua. Hơn nữa sự chuyển đổi từ độc tài sang dân chủ ở các nước này
thường diễn ra rất nhẹ nhàng, nhanh chóng và hoà bình, thường bắt đầu bằng cái
chết của nhà độc tài (như ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), hay bằng một cuộc đảo
chính (ở Paraguay), hoặc do không thể đàn áp nổi lực lượng đối lập (ở
Philipine), do sức ép của cộng đồng quốc tế (Nam Triều Tiên, Chilê), thậm chí
đôi khi do chính những nhà độc tài tự nguyện từ bỏ quyền lực độc tài của mình
(như ở Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina). Nhưng đối với những quốc gia toàn trị, những
chuyện trên hoàn toàn không thể xảy ra. Lãnh tụ tối cao chết (diễn ra thường
xuyên) hay bị hạ bệ, nhưng hệ thống chính trị vẫn không đổi, vẫn sẵn sàng nghiền
nát mọi sự đối lập, chống đối với mức độ tàn bạo vốn có. Các chế độ toàn trị
không những không chịu sức ép quốc tế mà thậm chí còn được ủng hộ, được đối xử
đặc biệt bởi các nước tự do dân chủ. Chẳng có một quốc gia tự do dân chủ nào
dám áp đặt sức ép lên chế độ toàn trị ở quốc gia láng giềng của mình.
Phần lớn
trong những xã hội độc tài chuyển sang dân chủ kể trên, những ảnh hưởng của thời
gian nằm dưới chế độ độc tài còn tồn tại, kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập
kỷ. Như Plato đã nói mọi chế độ dân chủ đều có mầm mống độc tài và mọi chế độ độc
tài đều có mầm mống dân chủ. Bởi độc tài và dân chủ đều là sản phẩm của văn
minh nhân loại.
Nhưng điều
đó có lẽ không đúng lắm đối với một chế độ độc tài toàn trị. Cái xã hội orwen
(Orwen là nhà văn Anh có những kiệt tác văn học về các chế độ toàn trị như Animal
Farm, 1984 – ND) đó được xây dựng trên nền tảng một học thuyết, như một thứ tôn
giáo, được cài đặt vào mọi tế bào trong cấu trúc xã hội. Cho dù đến lúc mà cả
xã hội không còn ai tin tưởng vào cái học thuyết ấy nữa, thì hệ thống chính trị
của nó vẫn tồn tại cho đến khi nó vắt cạn của xã hội “toàn bộ của cải, tài
nguyên, đất đai, và nguồn lực” (1)
I. Xem xét
dưới góc độ chính trị
Với những sự
kiện diễn ra trong thập kỷ qua, không nghi ngờ gì nữa chúng ta đang chứng kiến
ngày tàn của các chế độ xã hội chủ nghĩa, các chế độ toàn trị được xây dựng
trên công thức “chủ nghĩa xã hội khoa học” này đang đi vào cơn khủng hoảng. Bản
thân khái niệm “chủ nghĩa xã hội khoa học” đã là khái niệm gây tranh cãi, phản
khoa học ngay từ đầu thế kỷ này, nó cũng chỉ như những giấc mơ Utopia khác của
nhân loại (Utopia là xã hội lý tưởng trong tác phẩm cùng tên của Sir Thomas
Moore ở thế kỷ 16. Trong lịch sử triết học của nhân loại trường phái dựa vào
các xã hội lý tưởng (utopia dream) gồm có Plato (Utopia là xã hội Athen cổ đại),
Khổng Tử (Utopia của ông là xã hội nhà Chu (đời Chu Công)), và Marx –Angel
(Utopia là “chủ nghĩa xã hội khoa học”)… – ND). Những kết quả của khoa học tự
nhiên hiện đại về Gene và Thần kinh học đã chứng minh rằng việc tạo ra những
“con người mới” hoàn hảo bằng cách tạo ra môi trường sống hoàn hảo là không thể,
những kết quả mà Stalin đã phải gọi là “khoa học dởm của bọn tư bản”. Trái ngược
với lý thuyết Marxit, hệ thống “lao động tập thể” đã tỏ ra vô cùng kém hiệu quả
so với hệ thống lao động khuyến khích cá nhân. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ,
những dự đoán về “chủ nghĩa xã hội khoa học” đều đã sai, trong khi việc “tư bản
dãy chết trên toàn thế giới” vẫn chưa thấy xảy ra.
Mặc dù vậy hệ
thống xã hội toàn trị vẫn còn tiếp tục tồn tại và gây ảnh hưởng. Những động lực
bên trong, sự thiếu hụt cơ chế kiểm soát ngược (trừ cơ chế tự động đàn áp đối lập),
sự bám chắc lấy quyền lợi của tầng lớp thống trị, vẫn giữ cho chúng tiếp tục hiện
diện. Tuyên truyền thay thế cho những thành tựu, cưỡng bức thay thế cho niềm
tin, sự sợ hãi và lãnh cảm thay thế cho những nhiệt tình cách mạng. Về mặt đối
nội, hầu như không thể có sự thách thức đáng kể từ phía nhân dân vì nhà nước
toàn trị quá mạnh mẽ và tàn bạo. Về mặt đối ngoại các nhà nước toàn trị nhận được
sự cảm thông về mặt tư tưởng và nỗi ám ảnh chiến tranh hạt nhân giúp chúng
không bị thách thức trên trường quốc tế.
Tuy nhiên có
hai yếu tố sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ toàn trị đó là sự hữu hạn của tài
nguyên trong nước và gánh nặng cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng. Cho dù các chế
độ toàn trị có cố tỏ ra hiền từ đến bao nhiêu đi nữa thi sự tồn tại các chế độ
dân chủ phú cường và khả năng tự bảo vệ của họ sau chiến tranh cũng đã là thách
thức đáng kể cho việc giành quyền bá chủ thế giới của hệ thống toàn trị độc
tài. Thêm vào đó, sự mở rộng ảnh hưởng của các chế độ toàn trị ra thế giới thứ
ba tạo ra những quốc gia sản xuất không hiệu quả (theo lối XHCN –ND), không thể
tồn tại nếu không có sự trợ giúp từ các quốc gia lớn hơn trong hệ thống toàn trị.
Tất cả những chi phí để trợ giúp các nước toàn trị nghèo hơn cộng với những sự
lãng phí ghê gớm của những nền kinh tế xã hội chủ nghĩa tại nội địa cuối cùng
cũng đã làm cạn kiệt tài nguyên của thế giới toàn trị. Hệ thống toàn trị không
còn có thể tồn tại theo dạng truyền thống để mà “một mình thực hiện nhiệm vụ lịch
sử cao cả là giải phóng nhân loại khỏi bóng đêm tư bản” được nữa.
Một điều
đáng chú ý ở đây là sự khủng hoảng của chủ nghĩa toàn trị trùng hợp với sự hồi
sinh kinh tế của thế giới phương Tây và điều đó lại càng làm cho tuyên bố về “sự
dẫy chết của tư bản” khó xảy ra. Hơn thế nữa sự hồi phục kinh tế này lại đạt được
nhờ biết đảo ngược các xu thế xã hội chủ nghĩa trong lòng các nước này bằng việc
thắt chặt chính sách quản lý tiền tệ, giảm thuế thu nhập, tư hữu hoá một loạt
các ngành công nghiệp mà trước đó còn là công hữu, cũng như đưa ra những biện
pháp nhằm giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của nhà nước lên nền kinh tế. Sự
thành công đáng kể của đường lối phục hồi kinh tế này của một số quốc gia tư bản
phương Tây là sức lôi cuốn khó cưỡng lại đối với những nước khác. Thậm chí ngay
tại những quốc gia như Pháp, Australia, New Zealand, những nơi mà các đảng dân
chủ xã hội đang nắm quyền, họ vẫn buộc phải từ bỏ những nguyên lý xã hội chủ
nghĩa và tiến hành những chính sách tương tự nhằm giữ được sức cạnh tranh trên
trường quốc tế.
Thật không
có gì ngạc nhiên khi các chế độ toàn trị – nơi mà chủ nghĩa xã hội không những
chỉ là một lý tưởng mà còn được thể hiện vào từng cấu trúc nhỏ của xã hội –
chính là những kẻ bại trận thảm hại nhất. Đột nhiên khoảng cách giữa họ với các
nước phát triển trở nên khổng lồ. Trong khi các nước phát triển đang đi vào
giai đoạn phát triển hậu công nghiệp thì những quốc gia toàn trị vẫn còn đang
phải vật lộn để hoàn thành giai đoạn công nghiệp hoá. Trong khi nền kinh tế của
thế giới tự do đang mở rộng, thì nền kinh tế của những quốc gia toàn trị trao đảo,
chẳng còn tài nguyên thiên nhiên và con người cho họ thực hiện những bước “đại
nhảy vọt” nữa. Do đó có thể tóm tắt lại rằng sự lựa chọn hiện nay đối với những
chế độ toàn trị chỉ còn bó hẹp lại hai đó là: hoặc là phải tự thay đổi hoặc là
bị sụp đổ. Thế cho nên không có gì là lạ khi phần lớn trong số đó đang tiến
hành cải cách, tái cấu trúc, tái hiệu chỉnh.
Mặc dù vậy
không rõ là những kẻ cai trị ở các chế độ toàn trị đã hiểu được hoàn toàn sự khủng
hoảng này chưa và sẽ sẵn sàng cải cách, thay đổi đến mức nào. Như chúng ta đã
biết một vài quốc gia toàn trị đã bắt đầu quá trình này khá sớm so với những quốc
gia khác và đến lúc này đã tiến được xa hơn. Ví dụ như Hungary, Nam Tư, Ba Lan
đã phá bỏ chế độ hợp tác xã từ những năm 50, trong khi đó sự chấm dứt của các
công xã ở Trung Quốc chỉ diễn ra sau cái chết của Mao, còn Liên Xô hiện nay mới
đang dự tính phá bỏ các nông trang. Tuy nhiên ngay ở các nước Đông Âu hiện nay,
ngoại trừ Hungary, các đảng CS nắm quyền vẫn chưa đánh giá hết được mức độ khủng
hoảng của hệ thống chính trị toàn trị, vẫn cố nắm vững quyền lực và bắt mọi cải
cách phải vào cái “khuôn khổ của chủ nghĩa xã hội” (giống như cụm từ “định hướng
XHCN” –ND). Tại Đông đức, sự phản kháng của công chúng đã giúp lật nhào một chế
độ toàn trị cứng rắn và bảo thủ. Trong khi đó Liên Xô và Trung Quốc vẫn hy vọng
rằng chế độ có thể tiếp tục tồn tại với những hiệu chỉnh bên trong, nhất là
Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn đang cố củng cố thành luỹ. Mô hình cải cách
ở Liên Xô và Trung Quốc hoàn toàn bỏ qua những bài học thực tế ở Đông Âu, mô
hình Đông Âu đã từng được thử và thất bại dẫn đến hai nước này phải tiến hành
những cải cách cơ bản hơn với tốc độ mỗi nước khác nhau.
Thật mỉa
mai, ngay cả khi lực lượng đối lập đủ mạnh như ở Balan, cũng chấp nhận theo
“khuôn khổ chủ nghĩa xã hội” và do đó đánh mất tư cách là một lực lượng chính
trị thực sự có thể đưa ra một con đường đi hoàn toàn mới. Cho dù đây chỉ là chiến
thuật “lùi một bước tiến hai bước” của lực lượng đối lập hay thực sự họ tin vào
một “loại chủ nghĩa xã hội khác” thì kết cục cũng giống nhau mà thôi. Một lực
lượng đối lập mà thay vì đưa ra một con đường mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng
lại chỉ cố gắng giành quyền lực từ một chính quyền thối nát đã mất hết lòng tin
của nhân dân thì sớm hay muộn cũng sẽ đánh mất lòng tin của nhân dân (điều này
thì tác giả đã đoán đúng vì Công đoàn đoàn kết hiện đã thất bại và mất quyền ở
Balan –ND). Những kiểu lực lượng đối lập như vậy có lẽ chỉ có tác dụng để đối lập
với sự độc quyền lãnh đạo của đảng toàn trị hơn là niềm hy vọng của nhân dân.
Chính vì vậy
tình hình Balan hiện nay cho thấy cả hai phía cùng đang rất thoả mãn với vai
trò mới của mình trong cuộc mua bán mặc cả. Những người cộng sản, những người
rõ ràng không còn có thể độc quyền cai trị được nữa, thì cho rằng họ đã tìm ra
một lối thoát lý tưởng để có thể vẫn giữ được quyền lực của mình mà không phải
dùng đến quân đội để đàn áp bằng cách tham gia làm đối tác cao cấp trong công
ty với 65 phần trăm cổ phiếu trong tay; trong khi đó phe đối lập nghĩ rằng họ
có thể làm quyền lực của đảng cộng sản giảm dần cho đến độ nó chỉ còn là hình
thức và lúc đó sẽ giải thể chủ nghĩa xã hội mà không cần phải đối đầu với chính
quyền và do đó không phải đổ máu.
Quá để ý đến đối tác của mình nên cả hai bên đều không thèm để ý đến câu trả lời cho những câu hỏi: thái độ của người dân đối với hợp đồng của họ là như thế nào? Liệu những người dân có đáp ứng lại bằng việc nhiệt tình tăng năng xuất sản xuất và hiện đại hoá nền kinh tế mà không lo lắng đến cuộc sống trước mắt? trong khi cả thế giới đang vỗ tay với những gì gọi là “cách mạng nhung” diễn ra ở Balan thì không ai hỏi liệu thoả ước mới giữa hai bên này là một lời giải hay chỉ là kéo dài cơn đau?
Quá để ý đến đối tác của mình nên cả hai bên đều không thèm để ý đến câu trả lời cho những câu hỏi: thái độ của người dân đối với hợp đồng của họ là như thế nào? Liệu những người dân có đáp ứng lại bằng việc nhiệt tình tăng năng xuất sản xuất và hiện đại hoá nền kinh tế mà không lo lắng đến cuộc sống trước mắt? trong khi cả thế giới đang vỗ tay với những gì gọi là “cách mạng nhung” diễn ra ở Balan thì không ai hỏi liệu thoả ước mới giữa hai bên này là một lời giải hay chỉ là kéo dài cơn đau?
Những “thoả
thuận bàn tròn” vừa được ký, người dân đã phản đối nó. Hậu quả là chúng ta phải
chứng kiến một tình huống chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Bên đối lập
đang thắng cuộc phải đi thuyết phục quần chúng đang ngại ngùng để bỏ phiếu cho
bên chính quyền đang thua để tránh không giành chiến thắng. Liệu chúng ta có thể
tưởng tượng ra hài kịch tương tự diễn ra trong những cuộc bầu cử có Marcos ở
Philipine hay những cuộc trưng cầu dân ý ở Chile? Liệu những động thái kiểu như
vậy của phe đối lập mà diễn ra ở các quốc gia trên thì thế giới có vỗ tay?
Tình huống
còn có thể xấu hơn nữa: người dân Balan sẽ bầy tỏ sự khinh thị của mình với bản
hợp đồng giữa phe đối lập và chính quyền cộng sản. Sự suy sụp và khủng hoảng về
kinh tế sẽ dẫn đến những làn sóng đình công và lộn xộn. Liệu lúc đó công đoàn
đoàn kết có tay trong tay với cảnh sát để “làm cho công nhân bình tĩnh trở lại”
hay họ lại tham dự vào phong trào đấu tranh của công nhân và do đó mất quyền
lãnh đạo chính phủ? Tóm lại, bằng việc ký “thoả thuận bàn tròn” với chính phủ
công đoàn đoàn kết đã tự đưa mình vào tính huống không thể thắng; do đó trong
tương lai không xa công đoàn đoàn kết sẽ bị mất uy tín đã được gây dựng của
mình hoặc sẽ phải đối mặt trực diện với những người cộng sản theo cái cách mà
ngay từ đầu họ đã muốn tránh.
Mặc dù có cố
tỏ ra thật lạc quan, tôi vẫn phải cho rằng kịch bản đáng buồn này sẽ có nhiều
khả năng xảy ra (thực tế đã xảy ra đúng như tác giả dự báo –ND). Tháo dỡ chế độ
xã hội chủ nghĩa không phải là một việc đơn giản và dễ dàng. Magret Thatcher đã
phải mất 10 năm để làm được điều đó ở Anh quốc, cho dù chủ nghĩa xã hội ở đó
chưa bám rễ sâu như ở các nước Đông Âu. Ngay cả như thế, quá trình diễn ra ở
Anh quốc cũng khá trắc trở, lúc đầu nó làm cho nhiều người dân hết sức khó chịu,
và nhiệm vụ này vẫn còn đang phải tiếp diễn. Dó đó nếu quá trình này diễn ra ở
các nước xã hội chủ nghĩa thuần tuý, thì những gì mà người dân phải chịu đựng
còn kinh khủng hơn gấp nhiều lần. Quá trình thoát khỏi chủ nghĩa xã hội càng diễn
ra từ từ, xã hội càng phải chịu đựng nhiều hơn. Hơn nữa, như kinh nghiệm của
Hungary cho thấy, cải cách càng từ từ, mức độ thành công càng thấp. Do đó sự
chuyển đổi thoát khỏi chủ nghĩa xã hội càng diễn ra chậm rãi bao nhiêu, kết quả
kinh tế càng thấp và sự phản kháng của xã hội càng cao bấy nhiêu. Điều này đặc
biệt đúng với Liên Xô, nơi tình hình tồi tệ hơn các nước Đông Âu rất nhiều, đối
với họ không còn thời gian cho những thử nghiệm và lần mò nữa.
Nếu như người
dân Anh quốc sẵn sàng chấp nhận một giai đoạn khó khăn trong lúc tháo dỡ chủ
nghĩa xã hội, thông qua một cuộc bầu cử tự do, dân chủ và công bằng, và sau đó
cùng nhau bình thản đón chờ khó khăn, thì sự khó khăn do một chính phủ cộng sản
bị căm ghét áp đặt lên toàn xã hội, không bao giờ được toàn xã hội xem như là một
loại “thuốc đắng giã tật” họ giành cho mình, ngay cả khi điều đó được phe đối lập
ủng hộ. Một đảng đã đè nén, bóc lột người dân đến hàng thập kỷ (và cuối cùng
cũng chính vì họ mà có sự khủng hoảng) không còn đáng được người dân tin cậy nữa.
Đặc biệt người ta không thể mong những nhà tư sản, những nhà thầu khoán, đối tượng
bị công kích và đàn áp ghê nhất của những người cộng sản trong thời gian họ nắm
quyền, và là những thành phần đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển
kinh tế – lại có thể bắt đầu đẻ những quả trứng vàng vào cái tổ của cộng sản.
Những người dân Xôviết hiện nay hẳn không thể quên được số phận của những người
đã tin vào những khẩu hiệu của chính quyền cộng sản trong những năm 20 để “tự
làm giầu bản thân”, để trở thành những chủ nông trại, những nhà kinh doanh tư sản.
Hàng triệu người trong số đó đã kết thúc cuộc đời của mình trong những trại tập
trung ở Siberia sau khi chính sách tân kinh tế (NEP) bị Stalin đóng cửa (xem
thêm cuốn Sách Đen Chủ Nghĩa Cộng Sản – Phần về Liên Xô - ND). Những kinh nghiệm
kiểu như vậy cũng đã lặp đi lặp lại nhiều lần tại các nước đông Âu, các chính
quyền cộng sản nhanh chóng chấm dứt các sở hữu tư nhân. Do đó, như lãnh đạo đảng
cộng sản Hungary Imre Pozegay phát biểu gần đây, hệ thống cộng sản không thể
chuyển đổi được mà chỉ có thể bị giải tán.(2)
Tuy nhiên kết
luận này thậm chí được coi là không thể chấp nhận được ngay cả ở Vaxava chứ đừng
nói đến ở Maxcơva hay Bắc Kinh. Đảng cộng sản cầm quyền, như ta vẫn thấy ở
Trung quốc trong mùa xuân năm nay, vẫn sẵn sàng giết chóc và đàn áp “vì chủ
nghĩa xã hội” (hay vì để cố nắm vững lấy quyền lực độc tôn – cũng vậy cả thôi).
Và tất nhiên họ có lý khi làm việc đó, bởi cái “giai cấp mới” (từ của Milovan
Djilas) này ngay từ khi ra đời đã phạm không biết bao nhiêu tội ác với dân tộc
và một khi không còn quyền lực trong tay họ sẽ bị nhân dân đưa ra toà để phán
xét. Hiếm có một gia đình nào dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà không bị ảnh hưởng
bởi sự đàn áp từ phía đảng cộng sản nắm quyền qua các giai đoạn lịch sử, sự thù
hận trong các xã hội xã hội chủ nghĩa chất cao như núi. Giai cấp thống trị ở
các nước này dĩ nhiên không có con đường nào khác là phải bằng mọi giá bám vào
quyền lực và để làm như vậy họ lại càng tạo ra thêm tội ác.
Cũng chính
vì vậy mà các lực lượng đối lập ở các nước xã hội chủ nghĩa thường không giám
kêu gọi đối đầu trực diện với chính quyền hay đứng lên làm cách mạng. Không giống
như trong một chế độ độc tài thông thường, nơi mà nhóm thống trị chỉ là một dúm
người, chế độ độc tài toàn trị tạo ra hẳn một giai cấp những kẻ thống trị. Tại
Liên Xô, Gorbachov đã ước tính số lượng thành viên của đẳng cấp quan liêu này là
18 triệu, kèm theo một bộ máy đàn áp khổng lồ. Người ta có thể đầy Ferdinan
Marcos (nhà độc tài của Philipine – ND) và mấy cận thần của ông ta ra Hawai,
hay tống ngục mấy viên tướng độc tài ở Achetina, nhưng 18 triệu người thì biết
đuổi đi đâu? và hãy luôn nhớ rằng 18 triệu con người đó sẽ đấu tranh đến cùng để
bảo vệ mạng sống và đặc quyền, đặc lợi của mình. Cho nên một cuộc cách mạng nếu
nổ ra ở một chế độ toàn trị thì kết quả sẽ là cái gì nếu không phải là một bể
máu?
Vì vậy một sự
dịch chuyển dễ dàng và êm thấm từ toàn trị sang dân chủ là điều gần như không
thể xảy ra. Bởi vì chế độ toàn trị đã tái cấu trúc lại toàn bộ xã hội đến từng
chi tiết theo hệ tư tưởng của mình, nó đã thay thế tất cả những tổ chức chính
quyền và xã hội bằng những tổ chức giả hiệu. Bằng việc làm đó nó đã tạo ra cả một
giai cấp những kẻ tổ chức, giám sát, và cai trị chuyên nghiệp nhưng không có khả
năng làm việc gì khác (có nghĩa là chỉ biết làm chính trị, làm công tác đảng
hay hội đoàn (của đảng) mà không hề biết làm chuyên môn – ND). Những kẻ này
không chỉ gắn với chế độ toàn trị do những đặc quyền đặc lợi mà nó đem lại cho
họ mà còn bởi vì chính mạng sống của họ gắn liền với sự tồn vong của chế độ do
chế độ toàn trị thường kéo cả một bộ phận con người trong xã hội cùng tham gia
vào các hoạt động tội ác của nó. Trong các nước cộng sản, cũng giống như trong
tác phẩm “những kẻ bị ma ám” của đại văn hào Dotoievski, một công nghệ xã hội
phức tạp (“đấu tranh giai cấp”) được xử dụng để gắn giai cấp thống trị vào cái
vòng sinh sát. Những kẻ cai trị ngoài việc “quản lý nhà nước bằng các mệnh lệnh”
ra không biết cách quản lý nào khác thực sự đã trở thành trở ngại của sự tiến bộ
của xã hội, nhưng vẫn là một lực lượng mạnh không dễ gì bị tước bỏ quyền lực. Họ
là nhà nước trong nhà nước, họ như là lực lượng chiếm đóng nhưng lại không thể
bị lật đổ bằng đảo chính hay bị buộc phải thoái lui vì họ chẳng có chỗ nào mà
lui cả. Trong kỷ nguyên của vũ khí nguyên tử, khó có thể tưởng tượng được sự
chiếm đóng của lực lượng ngoại bang đối với các quốc gia toàn trị (như trường hợp
Đức quốc xã -ND), do đó chế độ toàn trị chỉ có thể bị sụp đổ hoàn toàn bằng một
cuộc nội chiến hay sự sụp đổ của nền kinh tế (hoặc cả hai). Một lực lượng đối lập
có tổ chức tốt và đủ mạnh có thể giúp giảm thiểu bạo lực, nhưng những lực lượng
đối lập như thế khó có thể tồn tại trước sức mạnh của các chế độ toàn trị.
Tuy thế, tôi
cũng phải thừa nhận rằng có những điểm khác biệt giữa các chế độ toàn trị đang
tồn tại và sự khác biệt này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn
cuối của cuộc khủng hoảng. Vì vậy Hungary sẽ có cơ hội để chuyển sang dân chủ một
cách êm thấm và hoà bình hơn so với các nước khác vì ít nhất ba lý do sau đây.
Thứ nhất chế độ cộng sản ở đây, trong vòng 30 năm qua, có tự do hơn so với các
nước khác; do đó giai cấp thống trị ở đó – những người không dính tay nhiều vào
các cuộc đàn áp – có thể buớc xuống khỏi vũ đài chính trị mà không sợ bị nhân
dân đưa ra toà. Lý do thứ hai là khi cơn khủng hoảng ập đến đối với các chế độ
toàn trị, thì Hungary đã tiến trước các nước khác từ rất lâu trong việc cải
cách nền kinh tế và tháo dỡ chủ nghĩa xã hội. Lý do thứ ba là dường như giai cấp
thống trị tại Hungary nhận thức được mức độ của cuộc khủng hoảng hiện tại và chấp
nhận khả năng nhường lại quyền lực.
Các nước
Đông Âu nói chung sẽ có cơ hội phục hồi tốt hơn so với Liên Xô. Không hẳn bởi họ
thực hiện cải cách kinh tế trước Liên Xô mà do họ đến với chủ nghĩa xã hội chậm
hơn nhiều so với Liên Xô và chưa tiến quá xa trên con đường chủ nghĩa xã hội
như Liên Xô, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hơn thế nữa sự thù hận đối
với cộng sản và chủ nghĩa cộng sản ở đó thấp hơn nhiều so với ở Liên Xô, bởi đối
với họ xét cho cùng chủ nghĩa xã hội là do “người Nga” mang đến. Tuy vậy, nếu
ai đó hy vọng sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ cộng sản sau cái chết của “học
thuyết Bredơnhev” thì họ có lý do để thất vọng. Chỉ cần nhìn vào Afganistan sau
khi quân Liên Xô đã rút hết cũng có thể thấy tầm quan trọng của cái “giai cấp mới”
kia trong chế độ toàn trị là như thế nào. Sự khác biệt giữa một quốc gia truyền
thống và một quốc gia cộng sản là vô cùng lớn, cũng giống như sự khác biệt giữa
độc tài toàn trị và độc tài thông thường, giữa chiếm đóng và tự chiếm đóng vậy.
Điểm mấu chốt ở đây không phải là ai đã mang chủ nghĩa cộng sản hay bằng cách
nào mà nó vào được một quốc gia, một khi nó đã cắm rễ ở đó. Cho dù đã có rất
nhiều đổi thay gần đây trong các chế độ toàn trị, quá trình chuyển đổi từ toàn
trị sang dân chủ còn lâu nữa mới được hoàn thành.
Không cần phải
nói cũng có thể biết, sự dịch chuyển khó khăn nhất sẽ diễn ra tại Liên Xô, cái
nôi của chủ nghĩa xã hội, nơi mà đã có ít nhất 3 thế hệ sinh ra và lớn lên dưới
sự cai trị của chế độ toàn trị. Những vấn đề về sắc tộc sẽ càng làm cho vấn đề
thêm phức tạp. Đất nước này chậm chân hơn nhiều các quốc gia láng giềng trong
việc đổi mới kinh tế những đã tiến xa hơn rất nhiều trong việc đàn áp. Nhưng
ngay cả khi có một phép lạ xảy ra khiến tất cả những người cộng sản biến mất
hoàn toàn trong các nước xã hội chủ nghĩa thì chúng ta cũng đừng ngây thơ mà
tin rằng khủng hoảng đã được giải quyết, bởi không như một chế độ độc tài thông
thường, chế độ toàn trị để lại một xã hội tổn thương và biến dạng, một nền kinh
tế bị phá huỷ, những nguồn tài nguyên bị cạn kiệt, và một sự thoái hoá tổng thể.
II. Xem xét
dưới góc độ kinh tế
Ngay cả những
chế độ độc tài ngu xuẩn nhất và luôn bị ám ảnh bởi quyền lực cũng không bao giờ
ra mệnh lệnh buộc nhà sản xuất phải sản xuất theo cách nó mong muốn hay buộc
thương gia phải buôn bán theo cách mà nhà nước đã định sẵn. Vậy mà trong các chế
độ xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp thì việc sản xuất
từ cái kim, sợi chỉ đều theo kế hoạch định sẵn của chính quyền trung ương, tất
cả đã được chính quyền quyết định từ trước: sản xuất như thế nào, sản xuất lúc
nào, ở đâu, chất lượng bao nhiêu, số lượng bao nhiêu, giá cả thế nào. Không những
thế những công dân trong các chế độ xã hội chủ nghĩa được dạy rằng hạnh phúc chỉ
có thể đến với nhân loại nếu tất cả mọi thứ từ cây kim, sợi chỉ được kế hoạch
hoá như vậy, nếu không như vậy thì sẽ là chiến tranh, đói nghèo, nô lệ những thứ
mà con người nào có ai muốn?
Đế có thể hiểu
được cơ cấu kinh tế xã hội chủ nghĩa ta nên đọc Kafka trước sau đó chỉ cần đọc
Marx, bởi chỉ có làm như thế ta mới hiểu được mối liên hệ giữa quá trình sản xuất
trong các nước xã hội chủ nghĩa và quá trình biến con người thành sâu bọ.
“Phương
thức sản xuất vật chất quy định cuộc sống xã hội, chính trị, và tri thức. Nhận
thức của con người không quyết định sự tồn tại của họ mà ngược lại sự tồn tại
xã hội của họ quyết định nhận thức. (3)
Nền công
nghiệp hiện đại tạo ra quá trình sản xuất xã hội có tổ chức cao vượt ra ngoài
phạm vi sản xuất gia đình đã tạo ra một nền tảng kinh tế mới... Hơn nữa rõ ràng
rằng sự hình thành những nhóm lao động tập thể bao gồm nhiều cá thể với giới
tính, lứa tuổi khác nhau, trong những điều kiện thích hợp trở thành hướng phát
triển về phương thức sản xuất của nhân loại” (4)
Do đó Marx lập
luận rằng sự phát triển của “chủ nghĩa tư bản” sẽ tất yếu dẫn đến “cách mạng vô
sản” và dẫn tới sự ra đời của “chủ nghĩa xã hội”.
“Cùng
nhau xây dựng sự tập trung của tư liệu và công cụ lao động hay chính là sự tước
đoạt của thiểu số tư sản, làm xuất hiện sự cộng tác trong quá trình lao động, ứng
dụng các thành tựu khoa học, áp dụng các phương pháp canh tác đất đai, biến đổi
công cụ lao động thành công cụ lao động chung của xã hội, tiết kiệm tư liệu sản
xuất bằng việc sử dụng chúng như là tư liệu sản xuất của lực lượng lao động
chuyên sâu và kết hợp, sự liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau của con người trên thị
trường quốc tế, và đó là đặc trưng quốc tế của các chế độ tư bản. Cùng với sự suy
giảm số lượng các trùm tư bản kếch xù, những kẻ lợi dụng và độc quyền giành lấy
tất cả những lợi thế từ quá trình chuyển đổi này, thì đồng thời cũng làm tăng
lên sự nghèo đói, đau khổ, bị áp bức và bóc lột của giai cấp lao động, nhưng
cũng làm giai cấp lao động lớn mạnh hơn, kỷ luật hơn, đoàn kết hơn, được tổ chức
hơn nhờ vào chính quá trình sản xuất tư bản. Sự độc quyền của giai cấp tư sản
ngày càng trở thành lực cản cho quá trình sản xuất mà từ đó nó ra đời và phát
triển. Sự tập trung hoá cao độ tư liệu sản xuất và sự chuyên biệt hoá trong
phân công lao động xã hội sẽ tiến tới điểm mà nó không còn có thể nằm bó buộc
trong cái vỏ tư bản chật chội được nữa. Cái vỏ đó tất yếu phải bị vỡ ra làm nhiều
mảnh. Đó là sự cáo chung của tư hữu tư bản. Những kẻ đi tước đoạt lại bị tước
đoạt. (5)”
Không khó để
có thể nhận ra rằng cả ba tập “tư bản luận”, được Marx viết ra là để làm “luận
cứ khoa học” cho giấc mơ thời trai trẻ của ông về một cuộc cách mạng vô sản.
Đơn giản là ông đã tưởng tượng ra một mô hình phát triển kinh tế mà theo đó sẽ
tất yếu dẫn tới cuộc cách mạng. Chính vì vậy ông vứt bỏ đi phần quan trọng nhất
của kinh tế thị trường đó chính là bản thân thị trường, với cơ chế xác lập giá
riêng của chính nó – mà thay vào đó ông tưởng tượng ra một thứ “giá trị” kỳ
quái của sản phẩm của quá trình sản xuất được đo bằng “thời gian lao động cần
thiết trung bình của xã hội” đối với sản phẩm này:
“Thời
gian lao động cần thiết của xã hội là thời gian lao động cần thiết để sản xuất
ra giá trị sản phẩm trong điều kiện sản xuất bình thường của một xã hội với cường
độ lao động và kỹ năng lao động trung bình vốn có trong xã hội” (6)
Tất cả là
giá trị lao động bằng sức con người, còn những phát minh sáng chế, sáng kiến
thì không được tính đến trong công thức của Marx, và do đó cách duy nhất để những
tên tư bản “khốn kiếp” có thể kiếm được lợi nhuận (giá trị thặng dư) là bóc lột
người lao động bằng cách trả lương thấp hơn giá trị lao động của anh ta (và do
đó bóc lột giá trị thặng dư – ND). Nếu đúng là nền kinh tế tư bản phát triển
như vậy thì Marx hoàn toàn đúng. Nền kinh tế sẽ phát triển rộng hơn nữa và ngày
càng tiêu tốn tài nguyên và kém lợi nhuận, đồng thời số lượng những người vô sản
sẽ tăng tỷ lệ thuận với sự phát triển đó và mức sống của họ sẽ suy giảm đến mức
cùng khổ. Trong khi đó cách duy nhất để chiến thắng được trong cạnh tranh là
tăng tập trung tư liệu sản xuất và độc quyền sản xuất, và cách duy nhất để tăng
năng xuất lao động sẽ là đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân công lao động, xây dựng
công nghiệp quy mô, và cơ giới hoá, cho đến khi hầu như toàn bộ xã hội đã trở
thành vô sản. Và tất nhiên điều dễ thấy, một xã hội như vậy khó mà tồn tại được
lâu, với một nền kinh tế tự cung tự cấp thay vì là kinh tế hàng hoá, với nguồn
tài nguyên ngày càng cạn kiệt và lợi nhuận suy giảm nhanh chóng, và với một lượng
khổng lồ những người lao động đói khổ, lại làm việc quá sức lúc nào cũng sẵn
sàng nổi dậy.
Tuy nhiên cả
trăm năm sau khi Marx qua đời, cái thế giới mà Marx gọi là “tư bản” đó đã không
phát triển theo hướng mà Marx tiên đoán. Trên thực tế nền kinh tế thị trường tự
do của thế giới phát triển theo hướng ngược lại với những suy đoán của Marx. Mỉa
mai thay, những tiên đoán của Marx lại trùng khớp với mức độ chính xác đến kinh
hoàng với sự phát triển của các nước xã hội chủ nghĩa, những nước dùng “phương
thuốc chữa trị xã hội tư bản” của ông. Đây là một sự thật vừa bi và vừa hài.
Thực ra
không khó để có thể hiểu làm thế nào và tại sao vở bi hài kịch đó lại diễn ra.
Trong khi mục đích là xây dựng “thiên đường xã hội chủ nghĩa”, những đệ tử của
Marx ở thế kỷ 20 lại tạo ra chính cái xã hội tư bản suy đồi mà Marx tưởng tượng
ra và muốn xoá bỏ. Bởi vì theo Marx, mọi điều kiện, đặc tính, bao gồm cả “nhận
thức xã hội chủ nghĩa” của giai cấp vô sản, đều được chuẩn bị bởi chủ nghĩa tư
bản. Và nhiệm vụ của những người vô sản chỉ là loại trừ sở hữu tư nhân về tư liệu
sản xuất, hay nói theo ngôn từ của Marx là “tước đoạt lại kẻ tước đoạt”
“Cái mà
chúng ta có ở đây là một xã hội cộng sản không có cơ sở riêng mà hình thành từ
chính xã hội tư bản; chính vì mậy mà xét trên mọi mặt của xã hội như kinh tế, đạo
đức, tri thức, vẫn còn mang dấu ấn của xã hội cũ, nơi thai nghén ra nó” (7)
Trong khi hệ
thống chính trị cần phải thay đổi sang “nền chuyên chính vô sản”, hầu như không
có thay đổi gì nhiều đối với cơ cấu kinh tế, ngoại trừ việc phân phối sản phẩm
công bằng hơn. Cho đến khi tới giai đoạn tiếp theo, khẩu hiệu của chủ nghĩa xã
hội là “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động”.
Do đó, sẽ
không còn có “giá trị thăng dư” cho bọn tư bản bóc lột; người lao động sẽ được
trả toàn bộ giá trị lao động của anh ta dựa trên “thời gian lao động xã hội cần
thiết”. Thêm vào đó vì lao động tập thể được xem là tiến bộ và hiệu quả hơn,
nên cần phải có hệ thống khen thưởng tập thể thông qua các phúc lợi xã hội và
loại bỏ được sự bất bình đẳng. Nhưng thật mỉa mai và cũng chẳng có gì ngạc
nhiên, khi Liên Xô đi theo công thức của Marx đã có được một nền kinh tế xã hội
chủ nghĩa ngày càng lớn, ngày càng dùng nhiều tài nguyên, và cũng ngày càng kém
hiệu quả. Trên thực tế thì làm gì có ai làm việc vì phần thưởng tập thể cơ chứ?
Tại sao một người lao động lại phải làm việc tích cực hơn người khác khi mà giá
trị sản phẩm của anh ta lại được tính theo “Thời gian lao động cần thiết
trung bình của xã hội ... trong điều kiện sản xuất bình thường của một xã hội với
cường độ lao động và kỹ năng lao động trung bình vốn có trong xã hội”?
Xã hội mới
xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không chấp nhận thị trường, nơi bị coi là nguồn gốc
của những bất công, lợi nhuận phi nhân tính, và thối nát. Thay vào chỗ của thị
trường ở Liên Xô, sau khi quốc hữu hoá tất cả nhà máy, xí nghiệp, là cơ quan kế
hoạch tập trung của nhà nước (Gosplan), nơi ra mệnh lệnh và điều phối tất cả
quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm của quốc gia theo tinh thần của sự
bình đẳng tuyệt đối mà Marx đưa ra. Độc quyền như chúng ta thấy là điều tệ hại
trong xã hội tư bản, thì nay lại trở thành điều tốt trong xã hội xã hội chủ
nghĩa vì nó giúp tổ chức lực lượng lao động theo phương thức xã hội chủ nghĩa.
Trong bất cứ
nước xã hội chủ nghĩa nào, nhà nước là chủ lao động duy nhất, và ông chủ này
luôn thích cho xây dựng những ngành công nghiệp nặng tốn kém, những nhà máy vĩ
đại, những con đập, kênh đào quy mô thay vì tạo ra những xí nghiệp nhỏ hơn và
có khả năng cạnh tranh với nhau. Tại sao lại không làm như thế cơ chứ? Chẳng phải
là Marx đã dự đoán rằng chủ nghĩa xã hội là một tất yếu của lịch sử đó sao? vậy
thì ai đi trước người ấy lợi. Ngoài ra việc xây dựng một nhà máy khổng lồ rõ
ràng là rẻ hơn so với việc tạo ra hàng chục hay hàng trăm cái nhỏ hơn, đồng thời
việc quản lý nó cũng dễ dàng hơn trong một nền quản lý tập trung kế hoạch hoá đến
từng cây kim, sợi chỉ.
Cuối cùng việc
xây dựng nên những “công trình thế kỷ”, những “công trình vĩ đại của thế giới”,
những “đại công trường của chủ nghĩa xã hội” là những bằng chứng hiển hiện cho
thấy sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa so với chế độ tư bản. Những công xã
của những người vô sản phải luôn đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thể hiện
sức mạnh vô địch của mình trong những việc như bắt sông phải chảy ngược, hay biến
cả sa mạc thành vườn hoa muôn sắc.
Chính vì vậy,
trong khi “bọn tư bản” ngày càng đi xa cái mô hình mình Marx gán ghép cho chúng
bằng cách loại trừ độc quyền trong công nghiệp, khuyến khích phát triển những
xí nghiệp vừa và nhỏ, hiện đại hoá máy móc, công cụ sản xuất, tăng năng xuất
thông qua khuyến khích cá nhân trong lao động, thì các nước xã hội chủ nghĩa lại
nhanh chóng lâm vào khủng hoảng đúng như dự đoán của người thầy của họ.
Chúng ta hãy
thử so sánh hai nền kinh tế đặc thù của hai bên là Mỹ và Liên Xô dựa trên những
dấu hiệu mà Marx đưa ra. Marx tiên đoán rằng chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến: (a) Sự
tăng nhanh về mặt lượng của giai cấp vô sản, ngày càng nhiều người phải trở nên
phụ thuộc và phải làm việc cho những nhà tư sản kếch xù; (b) Sự bần cùng hoá đến
mức tột cùng của những người vô sản; © độc quyền, tập trung hoá, giảm lợi nhuận,
tăng lượng hàng hoá sản xuất do sự cạnh tranh buộc nhà tư bản phải cơ giới hoá
sản xuất để tồn tại; (d) phương thức sản xuất trở thành sự cản trở cho lực lượng
sản xuất tiên tiến.
A. Giai cấp
vô sản tăng nhanh
Không ai có
thể tìm được ở nước Mỹ một sinh vật nào gọi là “vô sản”, nhưng nếu chúng ta
dùng định nghĩa gốc của Marx về vô sản là những người công nhân trong các ngành
công nghiệp và nông nghiệp (bao gồm công nhân trong các ngành lâm nghiệp, đánh
cá, hầm mỏ, xậy dựng, giao thông, truyền thông) thì con số trong năm 1986 là
39, 493, 000 trong tổng số dân số là 238,740,000 tức là chiếm 16.24 phần trăm
dân số. Mặc dù vậy không phải tất cả trong số này đều là “vô sản” bởi trong đó
gồm cả những người làm công tác quản lý, nhân viên văn phòng, và chính cả những
chủ tư bản.
Liên Xô vào
thời điểm cách mạng tháng 10 chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ những người vô sản (khoảng
3% dân số, xem thêm cuốn Black Book of Communism –ND), vậy mà vào cùng năm đó
(1986), con số là 61.7% là công nhân, 12.1 % là nông trang viên (xã viên hợp
tác xã - ND), và 26.2% “trí thức” trong tổng số 278,800,000 dân.
Cho dù chúng
ta có không tính nông trang viên vào mục “vô sản” thì tỷ lệ những người vô sản ở
Mỹ và Liên Xô tại năm 1986 vẫn là 1:3.79. Nếu tính cả số nông trang viên, mà
trên thực tế chính là những người vô sản, thì tỷ lệ này sẽ là 1:4.5.
Như vậy phát
triển công nghiệp trong các nước xã hội chủ nghĩa đã làm tăng nhanh giai cấp vô
sản, tăng đến mức khó có thể tăng hơn nữa. Điều đó hoàn toàn trùng khớp với dự
đoán của Marx về chủ nghĩa tư bản. Nước Mỹ có lượng người vô sản ít hơn 4.5 lần
so với Liên Xô, cộng thêm 7 triệu người thất nghiệp, trong khi đó Liên Xô thì lại
thiếu người lao động và điều đó ảnh hưởng đến tăng trưởng công nghiệp.
B. Sự bần
cùng hoá của giai cấp vô sản
Tại thời điểm
năm 1986, lương tối thiểu ở Mỹ là 3.35 Đô la/giờ. Với lịch làm việc 8 giờ một
ngày, 5 ngày một tuần thì lương tối thiểu một tháng là 589.60 Đôla. Trong khi
đó lương tháng tối thiểu ở Liên Xô là 70 rúp. Giả sử ta có chấp nhận tỷ giá
chuyển đổi một Đô la ăn một rúp thì tỷ lệ chênh lệch giữa hai nước là 8.4:1. Nếu
lấy, tỷ giá chuyển đổi chính thức của nhà nước Liên Xô đi nữa thì tỷ lệ này vẫn
là 5:1, mặc dù khó ai có thể tin rằng sức mua của 60 rúp lại bằng được 100 đô
la như nhà nước quy định. Còn nếu lấy tỷ giá ngoài chợ đen thì tỷ lệ trên là
58:1.
Nhưng vì trên
thực tế chúng ta khó có thể biết được có bao nhiêu “nhà vô sản” nhận lương tối
thiểu nên có sẽ là thiết thực hơn nếu xem xét lương trung bình. Con số đưa ra của
cục thống kê nhà nước Liên Xô là lương trung bình là 210 rúp, được tính trên mọi
đối tượng từ nông trang viên cho đến các vị đại tướng. Trong khi đó con số từ cục
thống kê Mỹ không phải là lương trung bình của toàn nước mà là lương trung bình
của công nhân trong các ngành công nghiệp. Con số đó vào năm 1985 là 19,300 đô
la/năm. Nếu so sánh thì các con số đó vẫn cho ta tỷ lệ là 1:4.8 nếu tỷ giá chuyển
đổi của nhà nước được sử dụng. Còn nếu chúng ta tính 1 rúp bằng 1 đô la thì tỷ
lệ đó là 1:8 (còn tỷ giá chợ đen sẽ đưa tỷ lệ này thành 1:56). (8)
Như chúng ta
đã thấy tỷ lệ trên nhất quán cho cả lương tối thiểu lẫn lương trung bình, cho
dù chúng ta định tỷ giá chuyển đổi kiểu gì thì ở Liên Xô con số vẫn thấp hơn ít
nhất 5 lần so với ở Mỹ.
Tuy nhiên những
con số về lương vẫn chưa hoàn toàn cho thấy rõ mức độ nghèo khổ của những người
vô sản ở Liên Xô. Báo chí Liên Xô gần đây đưa ra con số 35% dân số sống dưới mức
nghèo khổ, “thậm chí nhiều gia đình có mức thu nhập bằng hay thấp hơn 50 rúp
trên đầu người một tháng” (9).
Theo con số
của thứ trưởng bộ tài chính Victor Semenov, người dân Xô Viết chỉ phải trả thuế
thu nhập trực tiếp là 8.6%, nhưng phải trả thuế gián tiếp lên đến 60%. Số tiền
thuế 60% phải trả này nằm trong giá bán buôn, bán lẻ dưới dạng thuế lợi nhuận của
các xí nghiệp. Chúng ta buộc phải hỏi ở đây liệu đó có phải là “giá trị thặng
dư”?
Nhưng ngay cả
các con số về thu nhập trung bình của gia đình cũng chưa thể mô tả hết về bức
tranh đói nghèo ở Liên Xô, sự thiếu hụt nhà cửa và chỗ ở (nhiều gia đình phải ở
chung nhau trong cùng một căn hộ), tỷ lệ lạm phát được ước tính 12%/năm, nạn
nghiện rượu (dĩ nhiên làm giảm thêm thu nhập gia đình), thường xuyên phải trả
giá chợ đen để có được những hàng hoá cần thiết, phải hối lộ để được sự phục vụ
của hệ thống công quyền, và nhiều thứ chi phí nữa nếu được gộp vào sẽ cho một bức
tranh chi tiết hơn về đời sống của các công dân Xô viết. Đó là cái gì nếu như
không phải là “sự bần cùng hoá của giai cấp vô sản” mà Marx đã nói đến?
C. Khuynh hướng
tích luỹ tư bản
Như đã đề cập
ở trên, sự độc quyền trong quá trình sản xuất đã không trở thành đặc trưng của
“chủ nghĩa tư bản” mà lại trở thành bản chất của “chủ nghĩa xã hội”. Thế còn
các đặc trưng khác của “tích luỹ tư bản” thì sao?
Trong nền
kinh tế thị trường tự do thì không có sự phân biệt giữa “tư liệu sản xuất” và
hàng hoá (do hàng hoá sản xuất ra của ngành này lại được coi là tư liệu sản xuất
của ngành khác –ND); tất cả đều là hàng hoá và ai cũng có thể mua được. Quá
trình sản xuất chúng đều mang lại lợi nhuận, và vào thời đại này ai còn có thể
phân biệt được chúng nữa? Máy tính là gì? Xe hơi là gì? Máy khâu là gì? Máy giặt
là gì? chúng là “tư liệu sản xuất” hay là hàng hoá tiêu dùng?
Vậy mà trong
nền kinh tế của Liên Xô, có cả một sự phân nhóm rõ ràng các ngành công nghiệp:”nhóm
A” (sản xuất ra tư liệu sản xuất) và nhóm B (sản xuất ra hàng hoá tiêu dùng).
Điều này là hoàn toàn hợp lý ở một quốc gia Marxit, vì có thể mới đảm bảo tất cả
tư liệu sản xuất phải “nằm trong tay của toàn dân”. Và nếu theo suy đoán của
Marx về chủ nghĩa tư bản thì tỷ trọng nhóm A phải tăng nhanh trong khi tỷ trọng
nhóm B phải giảm nhanh. Điều dự đoán đó đã hoàn toàn đúng với Liên Xô, khi mà tỷ
trọng của nhóm A và nhóm B là 39.5% và 60.5% vào năm 1928; trong năm 1940 tỷ trọng
này là 61% và 39%; năm 1970, chúng đã là 72.5% và 27.5%; năm 1980 là 73.8% và
26.2%; năm 1985 là 74.8% và 25.2%; năm 1986 là 75.3% và 27.3%.
Hơn thế nữa,
như các nhà kinh tế Liên Xô đã phân tích gần đây, hầu như tất cả tăng trưởng đều
nằm trong nhóm A và do đó không gây được ảnh hưởng gì đối với mức sống của người
dân. Con số thống kê về tăng trưởng kinh tế do nhà nước đưa ra chỉ là những con
số huyền thoại mang ý nghĩa chính trị. Nền kinh tế vẫn cơ bản là tự cung tự cấp.
(10)
Mặc dù vậy,
số lượng những nhà máy, dự án xây dựng công nghiệp vẫn tăng nhanh cho dù không
thể có đủ các tài nguyên để hoàn thành chúng được. Sự mở rộng điên dồ này dẫn đến
nhiều sự thiếu hụt. Sự thiếu hụt đầu tiên là lực lượng lao động. Tất cả những
người có thể biến thành vô sản thì đã biến rồi.
Lấy ví dụ về
ngành tài nguyên năng lượng. Các tính toán cho thấy lượng tài nguyên sử dụng
trong vòng mười bốn năm qua đã vượt quá lượng này của cả thế kỷ trước. Và sự
thiếu hụt năng lượng trầm trọng đến độ nhiều chuyến bay phải huỷ bỏ, xe tải
không thể vận chuyển hàng hoá do thiếu xăng, dù lượng dầu khai thác hàng năm là
600 triệu tấn.
Liên Xô sản
xuất ra lượng thép, điện tiêu dùng, và máy cày nhiều hơn nước Mỹ, vậy mà vẫn là
chưa đủ. Cho dù số lượng giầy dép được sản xuất với số lượng khổng lồ (800 triệu
đôi một năm) thì cũng chẳng ai thèm dùng vì chất lượng quá tồi tệ. Và dĩ nhiên
800 triệu đôi giầy này vẫn phải sản xuất không thể thiếu một đôi do nhà nước đã
lên kế hoạch trước, người công nhân vẫn nhận được lương và thưởng, các con số
GNP và thu nhập của quốc gia vẫn tính con số 800 triệu này, nhưng chẳng ai thèm
mua cả.
Trong khi
đó, đúng như Marx đã dự đoán trong cuốn “tư bản luận” của mình, lợi nhuận sẽ bị
suy giảm. Quả vậy con số suy giảm lợi nhuận được các nhà kinh tế Xô viết đưa ra
là 3% năm, tương đương với 40 tỷ rúp (11). Tạp chí uy tín nhất của Đảng, tờ “tạp
chí cộng sản” đã tổng kết như sau:
“Nếu cứ tiếp
tục như hiện tại với lực lượng lao động trực tiếp, nguyên liệu thô và tài
nguyên thiên nhiên suy giảm sẽ làm tăng chỗ làm không có người đảm nhận, làm
tăng cao chi phí của giao thông vận chuyển hàng hoá, hầm mỏ khai quặng, và bảo
vệ môi trường. Cách thức phát triển như hiện nay hoàn toàn bế tắc: càng đầu tư
nhiều càng ít kết quả. Với hiện trạng hiện nay đó sẽ là ngõ cụt.” (12)
Dĩ nhiên đó
là ngõ cụt, cái ngõ cụt của nền kinh tế mà Marx đã gọi là “làm cạn kiệt mọi tài
nguyên khoáng sản của quốc gia bao gồm cả đất đai và con người”
D. Sự phát
triển của lực lượng lao động tiên tiến
Như chúng ta
đã biết, nền kinh tế thị trường không hề là lực cản cho bất cứ “lực lượng lao động
tiên tiến”, công nghệ mới, hay phương pháp quản lý mới nào. Trên thực tế kinh tế
thị trường không thể tồn tại nếu không khuyến khích sự phát triển của chúng. Nền
kinh tế thị trường có khả năng tự hiệu chỉnh của “tư bản” hoá ra không có dấu
hiệu gì cho sự khủng hoảng.
Tại Liên Xô
thì không được như vậy. Nhà kinh tế học Xô viết xuất sắc Tatyana Zaslavskaya viết:
“Trong khoảng
12 đến 15 năm tới chúng ta sẽ chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng
kinh tế quốc gia. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 8 con số tăng trưởng là 7.5%, đối
với lần thứ 9 chỉ còn 5.8%, đến lần thứ 10 con số này rớt xuống 3.8%, trong những
năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 11 con số này chỉ còn là 2.5% (trong khi dân
số tăng 0.8%/năm). Tăng trưởng suy giảm làm suy giảm mức sống của người dân và
làm cho việc hiện đại hoá quá trình sản xuất gặp khó khăn” (13)
Hơn thế nữa
bà chỉ ra nguyên nhân của sự khủng hoảng này là “Sự tụt hậu của các quan hệ sản
xuất phản ánh trong cơ chế quản lý kinh tế nhà nước tập trung quan liêu bao cấp,
thực sự nó đã không theo kịp sự phát triển của lực lượng lao động.” (14)
Một kết luận
như thế chưa bao giờ được áp dụng cho một nước xã hội chủ nghĩa (bởi theo học
thuyết của Marx, không thể có sự mâu thuẫn giữa hệ thống quan hệ sản xuất và sự
phát triển của lực lượng sản xuất trong chủ nghĩa xã hội, bởi hệ thống quan hệ
sản xuất chủ nghĩa xã hội là dạng quan hệ sản xuất tiên tiến nhất. Sự mâu thuẫn
này chỉ có thể xuất hiện trong xã hội phong kiến và tư bản. Và như đã nói ở
trên sự mâu thuẫn này theo Marx sẽ tất yếu dẫn đến cách mạng vô sản). Theo Marx
một kết luận như trên chỉ có thể áp dụng cho một xã hội tư bản. Mặc dù vậy, vẫn
theo Tatyana Zaslavskaya, “điều này sẽ dẫn đến một giai đoạn đại hồng thuỷ
trong kinh tế và chính trị, nhằm đổi mới triệt để các quan hệ sản xuất với
phương thức sản xuất mới, nếu không sẽ dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn bởi cuộc
cách mạng xã hội” (15)
“Thay đổi và
cải tổ mạnh mẽ việc quản lý nền kinh tế sẽ làm ảnh huởng tới nhiều nhóm xã hội,
đối với nhóm này cải tổ đem lại sự cải thiện đời sống của họ, đối với nhóm kia
đó có thể làm mất vị trí xã hội của họ”. Vậy cái nhóm xã hội đó (mà gọi một
cách không lịch sự thì là “kẻ thù giai cấp”) từ đâu mà ra khi mà chủ nghĩa xã hội
đã cắm rễ đến 70 năm trên đất nước của giai cấp công nhân và nông dân vậy? Rõ
ràng nhóm xã hội này vẫn luôn tồn tại ở đó với tư cách là “những người cận vệ
tiên tiến nhất của giai cấp vô sản”.
Andrei
Nuikin, một nhà kinh tế học Xô viết khác viết “Chưa bao giờ kể cả thời Ivan bạo
chúa, hay trong bất cứ quốc gia nào hiện nay mà không có quốc hữu hoá tài sản
tư nhân, mà chính quyền hành chính có thể điều khiển được toàn bộ tư liệu sản
xuất. Không phải không có cơ sỏ khoa học khi mà vào những năm 20 của thế kỷ,
người ta đã bắt đầu nói đến sự hình thành trong xã hội ta một “giai cấp quan chức
quan liêu”. Sự sở hữu tư liệu sản xuất dẫn đến sự phân chia xã hội ra thành các
giai cấp” (16)
* * *
Vì vậy sau
khi so sánh hai nền kinh tế của Liên Xô và Mỹ và các khuynh hướng kinh tế-xã hội
của chúng theo các tiêu trí đưa ra bởi Marx, chúng tôi buộc phải đi đến kết luận
rằng chính những nước xã hội chủ nghĩa đi theo học thuyết của Marx, lại đã và
đang tạo ra mô hình xã hội “tư bản” bệnh hoạn và suy đồi mà Marx đã tưởng tượng
ra. Chính trong các xã hội xã hội chủ nghĩa sự phân chia giai cấp diễn ra: giai
cấp của những kẻ bóc lột và giai cấp của những người bị bóc lột, giai cấp của
những kẻ tước đoạt và giai cấp của những người vô sản. Cũng chính trong các xã
hội xã hội chủ nghĩa, những độc quyền kinh tế được nảy nở và sinh sôi, dẫn đến
việc biến nền kinh tế theo hướng tự cung tự cấp và kéo theo sự lãng phí và khai
thác đến kiệt cùng những nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia.
Cuối cùng
chính hệ thống xã hội chủ nghĩa lại là hệ thống quan hệ sản xuất kìm hãm sự
phát triển của lực lượng sản xuất tiền tiến. Chính vì vậy sự khủng hoảng mà
Marx tiên đoán không diễn ra ở các nước có nền kinh tế thị trường tự do mà ở
chính những nước xã hội chủ nghĩa theo Marx. Trong thời đại của chúng ta, một
trăm năm sau khi Marx qua đời, người ta vẫn có thể thấy những dấu hiệu và bóng
dáng của cuộc cách mạng vô sản vĩ đại mà ông đã tiên liệu là sẽ xảy ra nhưng mà
là xảy ra ở thế giới của các nước xã hội chủ nghĩa từ Havana đến Hà nội, từ
Belgrade đến Bắc Kinh.
Đối mặt với
ngày tận thế đang ngày một cận kề, những nhà lãnh đạo cộng sản đã sẵn sàng chấp
nhận những tội lỗi và sai lầm trong quá khứ, sẵn sàng “cải tổ” và xin lỗi, nếu
như xin lỗi có thể thay đổi mọi thứ trong hiện tại. Họ thậm chí sẵn sàng hy
sinh cả sự tinh khiết của hệ tư tưởng cao cả mà họ tôn thờ, sẵn sàng uốn cong
nó theo yêu cầu của tình hình. Vậy thì lời giải nằm ở đâu? làm sao có thể đưa
được sự cạnh tranh “tư bản” vào những ngành, nhà máy, xí nghiệp lớn nhất thế giới
và thường là độc quyền duy nhất trong quốc gia? giải quyết ra sao những con đập,
con kênh, hồ nhân tạo khổng lồ đã được tạo ra với cái giá là sự huỷ hoại thiên
nhiên môi trường mà lượng điện cung cấp vẫn không đủ cho xã hội? làm thế nào mà
thiết lập được nền kinh tế thị trường trong một xã hội mà trong cả 60 năm chưa
hề có thị trường cũng như chưa có nền kinh tế theo đúng nghĩa? đâu là thời điểm
bắt đầu tiến hành tháo dỡ chủ nghĩa xã hội một cách từ từ, khi mà mỗi một ngày
trôi qua là lại một ngày nó đến gần hơn đến vực thẳm? Cho nên, như đã nói ở
trên, cho dù có phép lạ làm biến mất hoàn toàn những người cộng sản đi nữa thì
cuộc khủng hoảng vẫn còn đó và không thể giải quyết được trong ngày một ngày
hai.
Không ai có
lỗi ở đây cả, không phải lỗi của Stalin, không phải lỗi của Brezhnev, thậm chí
cũng chẳng phải là lỗi của Lenin. Họ có phát minh ra việc “tước đoạt lại kẻ tước
đoạt” hay “đấu tranh giai cấp” đâu. Không phải lỗi của ai cả, trừ Marx, vì một
sai lầm nhỏ; con người cuối cùng không giống như sâu bọ và không phản ứng lại
điều kiện xã hội. Nhân loại không đặt công bằng lên trên tự do. Nhưng mà ai có
thể biết trước được điều đó cơ chứ?
III. Xem xét
dưới góc độ con người và thiên nhiên
Ngoài một xã
hội biến dạng, một nền kinh tế tiêu điều, và tài nguyên cạn kiệt, những người cộng
sản còn để lại những di sản gì? đó là đất đai nứt nẻ, những đầm lầy hôi thối, một
cộng đồng dân cư bị băng hoại, mà trong đó những công dân lao động hăng say
chăm chỉ gần như bị tuyệt chủng. Bởi không như một chế độ độc tài thông thường,
chế độ toàn trị không chỉ đơn thuần là dùng khủng bố để bám lấy quyền lực (tất
nhiên điều này thì nó thường làm rất tốt) mà còn tạo ra một công nghệ xã hội đạt
được bằng khủng bố. Tất cả mọi mặt trong cuộc sống, tâm lý của xã hội đều phải
tuân theo công nghệ xã hội này. Chẳng phải vì chúng gây hại cho những kẻ cai trị,
mà vì chế độ toàn trị luôn mong muốn thay đổi đến từng tế bào của xã hội. Đó là
một kiểu “chọn lọc không tự nhiên” (“unatural selection”) với “sự tồn tại của
những phần tử không mạnh khoẻ (“survival of the unfittest” – ngược với thuyết
chọn lọc tự nhiên (natural selection) của Darwin với sự tồn tại của những phần
tử mạnh khoẻ biết thích nghi (survival of the fittest) – ND). Nhiều kỹ năng và
ngành nghề bị biến mất, sự sợ hãi dường như đã ăn vào Gene. Chúng ta không nên
quên rằng ở Liên Xô đã có ba thế hệ sinh ra và lớn lên trong chế độ hiện tại, họ
được chứng kiến sự huỷ hoại từ từ đất nước, nền văn hoá, và con người (đối với
các nước xã hội chủ nghĩa khác là khoảng hai thế hệ). Không giống như ở Hungary
hay Trung Quốc, ở Liên Xô không có nông dân, chỉ có xã viên hợp tác xã trong
ngành nông nghiệp. Thế hệ những người nông dân biết cách tự canh tác trên đất
đai của mình đã chết hết. Đó chính là một trong những lý do tại sao cuộc cải tổ
và tháo dỡ xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp có thể thành công ở
Trung quốc, nhưng khó có thể ở Liên Xô.
Không ai có
thể biết được chính xác con số những nạn nhân bị sát hại của chế độ cộng sản ở
Liên Xô kể từ cách mạng tháng 10: 30, 50, thậm chí có thể là 60 triệu, nhưng chắc
chắn con số đủ lớn để gọi bằng từ “diệt chủng”. Và chúng ta cũng không nên quên
một lượng khổng lồ những công dân đã bị giam cầm trong các trại lao động khổ
sai, mà ở đó lao động là cưỡng bức, là theo luật, cho nên mọi lao động ở đó đối
với họ đều là sự trừng phạt. Ngay cả các điều kiện lao động ở ngoài xã hội cũng
không khác mấy so với lao động cưỡng bức, nó tạo ra những thói quen tương tự của
người lao động.
Bên cạnh đó
chính quyền Xô viết luôn tìm cách làm cho dân chúng thấy rằng họ không thể chiến
thắng được chính quyền toàn trị, không có lối thoát nào ra khỏi cuộc sống đau
khổ hiện tại của họ cả về mặt thể xác lẫn tâm hồn, không có phương cách cải thiện
cuộc sống cho họ kể cả việc chốn ra nước ngoài. Mọi cố gắng đều bị chế độ toàn
trị làm cho thành vô vọng. Điều này cũng tương tự như hiện tượng “bất lực do huấn
luyện” (learned helplessness) trong tâm lý học thực hành. Trong đó khi một sinh
vật thí nghiệm bị ngăn cản và trừng trị mỗi khi nó tìm cách chốn chạy, dẫn đến
làm cho sinh vật này lâm vào tình trạng tâm lý bất lực và không có khả năng tìm
cách chốn chạy ngay cả khi có cơ hội. Sự thật là đã ba thế hệ qua, người dân Xô
viết bị buộc phải nghe và chỉ nghe những điều giả dối trên các phương tiện
thông tin tuyên truyền. Sự mẫu thuẫn trái nghịch thường xuyên giữa thực tế xã hội
và thông tin tuyên truyền trong quốc gia toàn trị, bản thân nó, đã có thể tạo
ra những cú âp tâm lý ghê gớm, chưa nói đến những nỗi sợ hãi bất tận, sự nghi kỵ
và nỗi khổ đau.
Hiện trạng
con người hiện nay ở Liên Xô (và đúng với tới một mức độ nào đó với các nước
toàn trị khác), không phải chỉ là thờ ơ và lãnh cảm, mà là suy kiệt về mặt tâm
lý, một sự mệt mỏi thân xác đến tận cùng. Dấu hiệu của nó được thể hiện ở tỷ lệ
trẻ sơ sinh chết cao, tỷ lệ sinh thấp (số âm ở một số nước công hoà và gần 0 ở
Nga), tuổi thọ trung bình là 60. Một tỷ lệ rất cao trẻ sơ sinh khi sinh ra đã bị
dị dạng cả về thể xác lẫn trí não (6-7% ở cuối thập niên 70 và nếu ngoại suy đến
cuối thập niên 90 con số này sẽ là 15%). Đó là hậu quả của sự ô nhiễm môi trường
và tệ nạn nghiện rượu. Một tài liệu mật bị đánh cắp và đưa ra ngoài Liên Xô vào
năm 1985 đã công bố con số 40 triệu người được “cấp chứng nhận y tế vì nghiện
rượu”, con số ngoại suy cho năm 2000 sẽ là 80 triệu.
Thậm chí
ngay cả thiên nhiên cũng đã quá cạn kiệt sau 73 năm cai trị của chính quyền cộng
sản. Không giống như trong các nước phương Tây, nơi mà ý kiến và phong trào của
quần chúng có thể ngăn không cho các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm
môi trường một cách quá đáng, ở Liên Xô, không có một lực lượng nào dám đứng ra
để đấu tranh với chế độ toàn trị để bảo vệ môi trường. Bởi vì mệnh đề “con người
bảo vệ thiên nhiên” là quá xa lạ đối với triết lý của cách mạng. “Chúng ta đừng
đợi thiên nhiên ưu ái, mà hãy lấy sự ưu ái từ thiên nhiên thông qua việc biến đổi
nó” - đấy là một khẩu hiệu phổ biến trong chế độ xã hội chủ nghĩa, mà ý nghĩa
có nó được cho là, nếu điều kiện cho phép, chúng ta có thể biến quá lê thành quả
táo, biến con gà trống thành ngài bộ trưởng. Sáu mươi năm sau, cái triết lý đó
đã để lại cho đất nước một thảm hoạ môi trường.
Vào cuối những
năm 70, ô nhiễm không khí đã lên cao đến mức “rất nguy hiểm” ở hơn 1000 thành
phố, “mức đe doạ sức khoẻ” ở hơn 100 thành phố, cao hơn gấp 10 lần so với mức
“nguy hiểm” ở 10 thành phố. Sự tổn hại cho ô nhiễm không khí và nguồn nước gây
ra, theo con số chính thức của chính quyền Xô viết, là 20 tỷ rúp, và con số này
đến năm 1990 có thể là 120 tỷ. Những con sông của Liên Xô mang ra biển Baltic
lượng chất ô niễm cao hơn 20 lần so với sông Rhine (ở Đức - ND) mang ra biển bắc.
Do việc khai khẩn đất đai rất tốn kém, nên chỉ có 8-12% diện tích đất đai bị
phá huỷ do khai thác hầm mỏ được khai hoang hàng năm. Vậy nên vào cuối những
năm 70 đã có 77,200 dặm vuông đất đai bị phá huỷ vì khai khoáng mà không được
khai khẩn trở lại, hàng năm con số này được tăng lên 400 dặm vuông.
Lượng đất
đai còn bị phá huỷ nhiều hơn nữa với việc xuất hiện những biển, hồ nhân tạo nhằm
phục vụ cho các nhà máy thuỷ điện. Tổng số diện tích những hồ nhân tạo kiểu này
là 46,320 dặm vuông, kéo theo sự xói mòn đất đai làm cho 243,180 dặm vuông những
vùng đất phì nhiêu, những đồng cỏ, trở nên gần như không thể canh tác được nữa
(với năng xuất mùa màng bị giảm từ 80 đến 90%). Những dự án thuỷ điện khổng lồ
nói trên không những phá huỷ những diện tích canh tác phì nhiêu khổng lồ mà còn
huỷ hoại cả những con sông, biến chúng thành những cái đầm hôi thối và ô nhiễm.
Và cuối cùng những trạm thuỷ điện này vẫn không cung cấp đủ lượng điện cần thiết
khi mực nước hạ thấp. Quá trình bay hơi, việc dùng nguồn nước và việc tưới tiêu
cho nông nghiệp, và sự bành trướng của các ngành công nghiệp càng làm vấn đề chở
nên tồi tệ thêm. Những biển và hồ tự nhiên Aral, Azov, Caspi có thể sẽ biến mất
trong thế kỷ tới. Hệ sinh thái biển đen đã bị huỷ hoại rất nhiều và sẽ tiếp tục
bị huỷ hoại thêm nữa. Việc thiếu nước trầm trọng sẽ gây ảnh hưởng đến việc trồng
các cây nông nghiệp và công nghiệp.
Một vấn đề
nghiêm trọng nữa là nạn phá rừng bừa bãi. Ngay cả chính quyền Xô viết cũng thừa
nhận rằng diện tích rừng bị biến mất do con người chặt phá ngang bằng với do
cháy rừng, con số đó là khoảng 100,000 dặm vuông mỗi năm. Và hậu quả là ngày
càng nhiều vùng đất bị xói mòn hay bị biến thành đầm lầy.
Diện tích đất
bị mất bằng cả diện tích của Anh, Pháp, Italy, Tây Đức, Thuỵ Sỹ, Lucxembua, Bỉ,
Hà Lan cộng lại (17). Phải cần khoảng từ 100 đến 200 năm để phục hồi lại chúng.
* * *
Kết luận,
chúng ta chỉ có thể cố gắng lạc quan hơn. Nếu con người có thể chịu đựng được sự
huỷ hoại, đau khổ, trầm luân kéo dài đến thế mà không bị hoàn toàn khuất phục vẫn
dám đứng lên vì tự do và phẩm giá, vì sự thật và sự trung thực, thì họ sẽ chịu
đựng được cả giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng. Nó có thể phải mất một thế hệ
hay hai thế hệ, có thể phải trả một giá rất đắt, nhưng cuộc đấu tranh giải trừ
chế độ toàn trị phải chiến thắng. Bởi nếu tâm hồn của con người đã sống sót quá
muôn vàn tăm tối, như những ngọn nến không tắt trong gió, thì nó phải là trường
tồn.
Sự im lặng
tuyệt đối đã tưởng như là sự phản ứng duy nhất của nhân dân khi chế độ toàn trị
bắt đầu thoái trào. Nhưng không phải như vậy, từ biển Baltic đến miền núi vùng
Capcadơ, từ sông Danube đến Siberia, những quốc gia thành phần đã đứng lên đòi
lại quyền độc lập dân tộc. Ngay cả tại Nga, trong những cuộc “bầu cử” gần đây
dù đầy những toan tính, cưỡng bức và dối lừa, lá phiếu của người dân vẫn cho thấy,
Đảng cộng sản đã hoàn toàn bị nhân dân tẩy chay. Làn sóng lạm phát, đình công
đang gia tăng. Gần đây ngay cả cảnh sát ở Leningrad cũng chuẩn bị đình công.
Nói tóm lại tất cả mọi nơi, mọi người dân đều đồng thanh lên tiếng: Chúng tôi
muốn có dân chủ. Cái họ muốn không phải thứ “dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà là thứ
dân chủ truyền thống cho tất cả mọi người. Không ai còn có thể ngăn cản được họ
nữa.
Vết sẹo do một
chế độ toàn trị để lại cho xã hội vừa sâu vừa lâu dài. Thật bất hạnh cho một quốc
gia nào mà việc nói lên sự thật đã được coi là một hành động anh hùng, thật nhục
nhã cho một quốc gia mà việc nói lên sự thật bị coi là hành động điên rồ, bởi ở
những nơi đó, những cánh đồng sẽ không thể sản xuất ra bánh mỳ. Thật thống khổ
cho một dân tộc nếu tất cả mọi người đã mất đi ý niệm về phẩm hạnh, bởi ở đó sẽ
chỉ có thể sinh ra những đứa trẻ què quặt về tâm hồn. Nhưng nếu trong những xã
hội ấy, chỉ cần có một người sống khác đi thì nó sẽ không bị diệt vong.
Đó là lý do
tại sao không bao giờ có thể tìm được một định nghĩa đầy đủ cho chế độ toàn trị,
bởi mức độ tồi tệ nó gây ra đối với một dân tộc còn hơn cả một cuộc thảm sát hạt
nhân.
___________________________
Về tác giả: Vladimir
Bukovsky là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng người Nga đang sống
tại phương Tây. Ông được xem như là một chuyên gia, một nhà tiên tri nền kinh tế
chính trị Liên Xô đương đại. Sau khi tốt nghiệp đại học tổng hợp Matxcơva,
Bukovsky đã tích cực tham gia đấu tranh vì quyền con người và đòi tự do cho những
tù nhân chính trị đang bị giam cầm ở Liên Xô. Chính vì vậy ông nhanh chóng trở
thành cái gai trong mắt chính quyền. Trong vòng 14 năm từ năm 21 tuổi đến 34 tuổi,
ông đã nhiều lần bị bắt, bị giam trong các nhà tù, trại lao động khổ sai, và cả
bệnh viện tâm thần. Cuối cùng ông bị trục xuất khỏi Liên Xô vào năm 1976.
Sau khi rời
khỏi Liên Xô, Bukovsky đã học qua các trường Cambridge và Standford và tham gia
nghiên cứu tại khoa tâm lý học thuộc đại học Standford. Ông là tác giả của nhiều
cuốn sách như: Short Stories of Russian Other Writers (1970), Oposition – Eine
Neue Geisteskrandheit in des USSR (1972); A Manual on Psychiatry for Dissenters
(1974); cuốn tiểu sử tự viết: To Build a Castle: My Life as a Dissenter (1978);
Cette lacininante douleur de la liberte (1981) [Bản dịch tiếng Anh: “To choose
freedom” (1987)]; và The Peace Movement and the Soviet Union (1982).
____________________________
Chú thích
1. Karl
Marx, Tư bản luận, tập 1 (nhà xuất bản Maxcơva 1974), trang 474-475.
2. Trong buổi
trả lời phỏng vấn đài Châu âu tự do vào ngày 29-5-1989.
3. Karl
Marx, Một đóng góp vào việc phê phán kinh tế chính trị, Marx & Angels tuyển
tập, tập 1 (nhà xuất bản Maxcơva 1973), trang 504.
4. Tư bản luận,
trang 454.
5. Tư bản luận,
trang 714-715.
6. Tư bản luận,
(nhà xuất bản Penguin Books, 1976), trang 129.
7. Phê phán
cương lĩnh Gotha, Marx & Angel tuyển tập, tập 2, (nhà xuất bản Maxcơva
1962), trang 33.
8. Các con số
lấy từ cuốn The Statesman’s Year-Book: Statistical and Historical Annual of the
State of the World for the Year 1988-1989, nhà xuất bản Macmillan.
9. Trud,
26-6-1989.
10. V.
Selyunin, “Tempy Rosta na Vesakh Potreblenia”, Socialisticheskaya Industria,
5-1-1988.
11. V.
Tomashkevich, Socialisticheskaya Industria, 30-8-1988.
12. Kommunist,
11 (1985), trang 22.
13. Tài liệu
Novosimbirk, thư viện Samizdat #5042, trang 3.
14. Tài liệu
Novosimbirk, thư viện Samizdat #5042, trang 4.
15. Tài liệu
Novosimbirk, thư viện Samizdat #5042, trang 4.
16. Novy
Mir, #1, 1989.
17. Boris
Komarov, Sự huỷ hoại thiên nhiên ở Liên Xô, (White Plains: Sharpe 1980).
Nguồn: https://www.danluan.org/tin-tuc/20120909/chu-nghia-toan-tri-trong-con-khung-hoang-lieu-co-the-chuyen-bien-em-tham-de-den-v-0