Trường Sơn chuyển
ngữ,
Vladimir
Pastukhov
Hiến pháp lại
là kẻ thù của hiện thực vận hành bởi “Quy ước Xã hội”
Không một chủ
đề chính trị nào ở nước Nga lại nhạy cảm hơn những cuộc tranh cãi vô tận về cải
cách hiến pháp. Tuy nhiên, hướng phát triển khả dĩ nhất của vấn đề này vẫn là
việc khởi động một quá trình đối thoại trong toàn xã hội Nga rằng liệu nước Nga
có cần một hiến pháp mới không, và nếu cần thì đấy phải là kiểu hiến pháp gì.
Tình hình sẽ
khá hơn nhiều nếu diễn trình đối thoại này diễn ra không chỉ giữa những người đồng
ý rằng nước Nga cần cải cách hiến pháp, mà còn giữa những người tin rằng nước
Nga vốn không cần hiến pháp. Sau cùng, điều khiến cho Phong trào Mở cửa nước
Nga1 mang tính “mở” là khả năng vận hành như một nền tảng để tạo ra sự đa dạng
và thậm chí cả cạnh tranh trong môi trường chính trị nước Nga. Trong chuyện
này, bất cứ nỗ lực nào nhằm tìm kiếm sự thật và không phục vụ cho ý đồ tuyên
truyền (của bất kỳ phe nào) đều hữu ích.
Chúng ta đã
quen với ý tưởng rằng Nga là một nước “dân chủ non trẻ”, và như vậy, quá trình
hình thành hiến pháp tất nhiên phải gặp nhiều bất trắc để vượt qua “tuổi vị
thành niên” của một nhà nước. Tuy nhiên, hiến pháp Nga hiện giờ vẫn là sản phẩm
của một ý thức hệ đã lỗi thời gần hai thế kỷ. Đây là một khoảng thời gian đủ
dài để chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc tìm hiểu hệ thống khái niệm
cơ bản của hiến pháp Nga. Nhưng một viễn cảnh tốt đẹp như vậy đã không thành sự
thực. Nói chung, chuyện hiến pháp không phải là một chủ đề thảo luận phổ biến ở
Nga. Tôi có thể khẳng định bằng kinh nghiệm cá nhân của riêng tôi: trong nhiều
năm viết bài nghiên cứu chính trị, những chuyên đề của tôi thường không được
nhiều độc giả quan tâm – hẳn nhiên tất cả đều là những bài viết bàn về hiến
pháp. Tôi cũng chẳng hy vọng rằng bài viết này sẽ có số phận khá hơn.
Dường như tồn
tại một trở lực trong mảnh đất Nga khiến những mầm mống của tư tưởng hợp hiến
không thể trưởng thành nổi. Vì lý do này, trước khi ta có thể thảo luận chi tiết
của về kế hoạch xây dựng hiến pháp Nga, chúng ta phải nhận chân được nền tảng
mà từ đấy hiến pháp Nga được tạo dựng.
Nhiều người
tin rằng hiến pháp chỉ là một văn bản. Cụ thể, họ xem đấy như một bộ Lego chính
trị, và một thể chế được “lắp ráp” để thành hình theo đúng hướng dẫn đi kèm bộ
Lego ấy. Vì vậy, nếu có gì không ổn, họ chỉ đơn giản đề nghị thay thế một văn bản
“Cựu Ước” với một cái khác, một văn bản “Tân Ước”, và hy vọng rằng mọi thứ sau
đấy “sẽ trở thành Coca–Cola2” (Andrei Konchalovsky ơi, tôi hy vọng ông sẽ tha
thứ việc tôi dùng ẩn dụ của ông). Nhưng nước Nga không phải là mảnh đất
Coca–Cola, mà đây là xứ sở của nước cơvat chua – và hiến pháp cũng như vậy,
trên hết thảy, là một cách sống. Nói cách khác, đấy là một môi trường xã hội vô
hình không thể được chính thức hóa và bị áp đặt bởi một mô hình từ trên cao, nếu
xã hội ấy không sẵn sàng cho một sinh quyển như vậy.
Mục tiêu tạo
dựng một chính phủ hợp hiến ở Nga không phải chỉ xoay quanh chuyện viết ra được
một văn bản “lý tưởng”. Trên hết, để làm được như vậy thì chúng ta phải chuẩn bị
và thực hiện một cuộc cách mạng đạo đức và xã hội (và như vậy bao gồm cả chính
trị nữa) triệt để nhất trong tâm trí và hành động của hàng triệu người. Về bản
chất, một hiến pháp là một cuộc cách mạng. Một cuộc cách mạng không chỉ là một
biến động chính trị – đấy chỉ là một biểu hiện nhỏ trong lịch sử của những cuộc
cách mạng, một biểu hiện mà dù có mặt hay vắng mặt cũng chẳng lay chuyển được bản
chất của cách mạng – mà còn là một diễn trình lật đổ và thay thế của toàn bộ lề
thói và tư tưởng trong cuộc sống, trong ý nghĩa trọn vẹn của cách mạng, tất cả
những quan niệm gói trọn cả nền tảng của suy nghĩ và hành vi truyền thống của
nhân dân Nga, chính là nhân sinh quan mà văn hóa Nga gọi là “sống bằng quy ước
xã hội”. “Sống bằng quy ước xã hội” nghĩa là sống phù hợp với những truyền thống
đã bắt rễ trong tính gia trưởng sâu và xã hội trung cổ của nước Nga. Vì vậy, một
vùng Caucasus như ngày nay chính là một kết quả tất yếu, là thành trì của xã hội
Nga sống bằng quy ước xã hội.
Như vậy, hiến
pháp chính là kẻ thù của quy ước xã hội vì một hiến pháp chuẩn mực có thể đặt hệ
thống quy ước này dưới sự phán xét của pháp luật chính danh (mặc dù hoàn cảnh
lý tưởng như vậy chưa tồn tại được ở nơi nào trên thế giới). Để xây dựng một
chính phủ hợp hiến, không thể không từ bỏ hệ thống quy ước lạc hậu. Chekhov3
kêu gọi người Nga nỗ lực loại trừ căn tính nô lệ của họ từng chút một. Tương tự
như vậy, một chính trị gia hợp hiến trong thời buổi này phải kêu gọi được người
dân Nga loại trừ từng chút một căn tính sống bằng quy ước xã hội ra khỏi con
người họ. Peter Đại đế đã phần nào làm được như vậy khi ông đưa nước Nga tiến
vào Kỷ nguyên Hiện đại, nhưng chân còn lại của văn hóa Nga vẫn bị mắc kẹt trong
tư duy truyền thống của một nhà nước “Muscovy”4. Để lấy lại sự cân bằng, hoặc
nước Nga phải từ bỏ Kỷ nguyên Hiện đại và quay về với thời trung cổ, hoặc nước
Nga sau cùng nhận ra được rằng phải giải phóng chân còn lại của nó, bằng cách
tiến tới tạo ra một nhà nước hợp hiến. Ở đây chúng ta đang bàn đến một quá
trình chuyển hóa tinh thần và trí tuệ tương tự như những cải cách của Peter Đại
đế và cuộc cách mạng Bolshevik, và thậm chí với quy mô còn rộng lớn hơn những
cuộc đại biến tư tưởng như vậy.
Chủ nghĩa hợp
hiến như một hướng đi khác so với “Ma trận chính trị kiểu Nga”
Chủ nghĩa hợp
hiến là niềm xác tín rằng phải sống trong hệ thống điều kiện của một nền pháp
luật chính danh dựa trên sự tự kiềm chế, và như một hệ quả, chính nhà nước cũng
phải tự kiềm chế, bằng việc từ chối mọi hình thức cai trị độc đoán.
Nhưng niềm
xác tín này đến từ đâu? Nó cũng giống như thói quen tắt đèn khi không dùng đến
hay không xả rác trên đường phố. Nói cách khác, đấy chính là nền tảng cho mọi
truy vấn về văn hóa của con người. Mọi mô hình quy định hành vi của chúng ta đều
tương ứng với suy nghĩ của chúng ta. Nhân vật Giáo sư Preobrazhenskiy trong tiểu
thuyết Trái tim chó của Mikhail Bulgakov đã tuyên bố: “Phá hoại khởi sinh từ
cái đầu”. Điều đó có nghĩa rằng hiến pháp mới trước tiên phải giành được chiến
thắng trong tâm trí và linh hồn của dân tộc Nga, chỉ có như vậy thì thắng lợi
chính trị của việc xây dựng hiến pháp mới bền vững.
Xã hội sống
theo quy luật của mạng lưới kết nối những dòng chảy văn hóa. Khi đạo đức hiện hữu
hàng ngày, hay thậm chí chỉ là thói quen, kỷ luật, mầm mống của hiến pháp sớm
hay muộn sẽ xuất hiện, dù có gặp phải những độ lệch khả dĩ trong “dòng chảy
chung” của tiến trình lịch sử. Nhưng nếu sự lỏng lẻo và tha hóa về đạo đức còn
ngự trị, hiến pháp vẫn sẽ không thể tồn tại, ngay cả khi chúng ta dán đầy văn bản
của hiến pháp trên tất những bức tường của mọi tòa nhà. Một nền dân chủ mang
tính trang trí trong một xã hội như vậy sẽ luôn trở thành hỗn loạn, theo những
nghiên cứu về luật học của người Hy Lạp cổ đại, và như vậy chắc chắn sẽ phát triển
thành chế độ chuyên quyền. Đây chính là chìa khóa dẫn tới những biến động chính
trị trong những năm 1990 và sự tĩnh lặng nối tiếp trong những năm 2000 ở nước
Nga.
Những nền tảng
văn hóa mang tính định hướng đã củng cố cho sự trì trệ trong quá trình hình
thành hiến pháp nước Nga. Ở Nga, mảnh đất để nuôi dưỡng hiến pháp không phải
hoàn toàn khô cằn. Nước Nga không phải là châu Phi, nơi hoạt động truyền giáo
chính trị có thể cố gắng khai hoang một vùng đất cằn cỗi với những chồi non của
nền văn minh (mặc dù thực tế cũng chẳng có ai thành công khi làm như vậy). Những
vùng đất ở nước Nga vốn đã bị ngự trị bởi một nền văn hóa mâu thuẫn sâu sắc với
hiến pháp. Do đó ở Nga, ý tưởng thiết lập hiến pháp, được truyền bá từ phương
Tây, không thể được tự do phát triển, vì gặp phải sự chống trả của “nền văn hóa
bản địa” ở khắp mọi nơi. Nếu ở châu Âu, “virus” của chủ nghĩa hợp hiến không cần
nhiều nỗ lực để chinh phục môi trường xã hội, thì ở Nga, thứ virus lành tính
này phải đối đầu với một phản ứng dữ dội từ hệ thống miễn dịch văn hóa xem tư
tưởng này là dị vật.
Trong một chừng
mực nhất định, rất nhiều những kẻ như Prokhanov5 và Dugin6 của nước Nga đã
đúng: ý tưởng lập hiến đối nghịch sâu sắc với “Tính chất Nga truyền thống”.
Nghi vấn cần đặt ra ở đây là liệu chúng ta muốn nuôi dưỡng và trân trọng truyền
thống, thứ quy ước dựa trên “Tính chất Nga truyền thống”, hay chúng ta muốn muốn
tạo ra một “Tính chất Nga” để đáp ứng nhu cầu và thách thức của thời đại. Quá
trình thiết lập trung thực và kiên quyết trong vấn đề hiến pháp cho thấy một bất
trắc ở tầm vĩ mô. Chủ nghĩa hợp hiến vốn không phù hợp với thứ chúng ta quen gọi
là “Ma trận chính trị kiểu Nga” – theo một cách gọi khác, trong mối tương quan
với các thiết lập “lịch sử”của thực tiễn xã hội và chính trị của văn hóa Nga vốn
đã cắm rễ trong truyền thống Chính thống giáo (và thậm chí cả văn hóa
Byzantine7).
Dường như
chúng ta không còn nhiều thời gian để dè dặt nữa và vì vậy phải nhận chân sự vật
như chúng vốn là. Từ năm 1989, Hiến pháp Liên bang Nga đã cố gắng giải quyết
nhiều khía cạnh nhỏ của vấn đề, nhưng không giải quyết được truy vấn chủ yếu:
thậm chí ý tưởng của hiến pháp có thể tương thích với tâm lý phụ thuộc vào quy
ước xã hội truyền thống Nga đến mức độ nào?
Câu trả lời
thực sự không mang lại nhiều hứng thú: Hiến pháp Liên bang Nga vẫn chưa thể đi
đến tận cùng truy vấn ấy. Vì vậy, bất kỳ quá trình thay đổi hiến pháp thực sự
nào của Liên bang Nga đều phải loại bỏ được “Tính chất Nga” truyền thống trong
hình hài từ quá khứ mà chúng ta đã quen. Nói cách khác, “Tính chất Nga” truyền
thống này phải tái xuất hiện trong một hình thức mới của hiến pháp mà đến nay
chúng ta vẫn còn lạ lẫm. Chúng ta phải lựa chọn giữa một hiến pháp và “nước Nga
chúng ta đã mất” – cả hai thực thể không thể cùng tồn tại. Nước Nga không chỉ cần
một hiến pháp mới, mà cần cả một “con người mới” có thể sống hòa hợp với một xã
hội vận hành bởi quy chuẩn của hiến pháp. Không có diễn trình thiết lập hiến
pháp nào là khả thi, trừ khi loài người soviet (homo sovieticus) được thay thế
bởi loài người hợp hiến (homo constitutius).
Bước nền tảng
để giải quyết trọn vẹn bất kỳ thách thức nào là phải nhận chân được quy mô của
vấn đề. Những nhà lập Hiến của nước Nga đến giờ vẫn không đánh giá đúng quy mô
của vấn đề họ phải giải quyết. Ý tưởng của hiến pháp về căn bản không thể phù hợp
với truyền thống phụ thuộc vào quy ước xã hội của người Nga, và càng không thể
được ngụy trang để trở thành cái gì cũ xưa, hoặc tìm cách hòa giải với quá khứ
Soviet hoặc quá khứ Đế quốc Nga (thực tế cũng như nhau cả). Để thiết lập một trật
tự thượng tôn hiến pháp ở Nga, không thể không ném toàn bộ mô hình truyền thống
quen thuộc nhưng đã lỗi thời của đời sống Nga, với tất cả các quy ước và biểu
trưng, vào đống tro tàn của lịch sử.
Điều này
nghe có vẻ tiêu cực, nhưng về căn bản vẫn khả thi. Chỉ bằng cách này mà người
hiện đại ở châu Âu mới có thể loại trừ không khoan nhượng và đẩy vào vùng lãng
quên của lịch sử hình ảnh con người châu Âu thời Trung cổ, cùng với tất cả những
thói quen và quan điểm của họ, mà thực chất hầu như không khác với những thói
quen và quan điểm của một người Nga đương đại. Xã hội Nga thực sự cần phải hoàn
thành được nhiệm vụ này; vấn đề là những người có thẩm quyền và trách nhiệm phải
quán triệt rõ phạm vi công việc phải được thực hiện. Cho đến nay, mức độ bài xích
của người Nga trước yêu cầu thay đổi này từ thời đại vẫn được duy trì bởi những
kẻ thù của chủ nghĩa hợp hiến –bởi những người vẫn chấp nhận làm kẻ bảo vệ
trung thành của quá khứ Đại Nga, những người xem một bản hiến pháp chính danh
chỉ mang lại mối đe dọa chết người, và vì vậy đã phát động một cuộc thập tự
chinh chống lại chủ nghĩa hợp hiến.
Sự ra đời của
Nhu cầu Lập hiến
Điều gì tạo
nên ý thức của bộ khung hiến pháp để làm điều kiện tiên quyết cho sự ra đời của
một trật tự xã hội thượng tôn hiến pháp? Hệ thống nguyên tắc lập hiến đang là
tâm điểm của sự chú ý và nghiên cứu, nói cách khác, đấy là những mô hình cơ bản
của hệ thống chính trị xã hội, là sự hỗ trợ được đảm bảo dành cho một trật tự
xã hội thượng tôn hiến pháp và hiện diện như một đối trọng với trật tự xã hội
truyền thống, hay, nói theo từ dùng đặc trưng của văn hóa Nga, là một trật tự
được quy ước: là khả năng để nhân dân dễ dàng thay đổi lực lượng cầm quyền; là
hệ thống đa nguyên chính trị; phân chia quyền lực; nền tư pháp độc lập, và những
biểu hiện tương tự. Tôi sẽ bàn kỹ hơn những vấn đề này sau.
Nhưng vẫn có
thứ còn quan trọng hơn cả hệ thống nguyên tắc lập hiến: chính là hệ thống
nguyên tắc cấu trúc hiến pháp, tồn tại ở một mức độ sâu sắc hơn và tạo nên nhu
cầu đạt được trật tự xã hội thượng tôn hiến pháp trong ý thức cộng đồng. Hệ thống
nguyên tắc cấu trúc hiến pháp chính là yếu tố tiên báo cho ý thức về bộ khung
hiến pháp sự trỗi dậy không thể tránh khỏi, dù sớm hay muộn, một hệ thống xã hội
lập hiến. Tại Nga, vấn đề chính là sự tồn tại của một khoảng trống trong tư duy
lập hiến, và nhiệm vụ chiến lược của chủ nghĩa hợp hiến ở nước Nga là loại bỏ
những khoảng trống ấy. Một hiến pháp chỉ có thể tồn sinh trong một môi trường
mà nhu cầu của cộng đồng tương thích với hiến pháp, cũng là nơi mà nhu cầu lập
hiến đã thành hình.
Tuy nhiên,
đây cũng có thể là một nghịch lý, bởi hệ thống nguyên tắc cơ bản cấu thành ý thức
xã hội và đảm bảo nhu cầu lập hiến lại không hề phức tạp và vốn đã phổ biến ở
Nga. Để thống kê những yếu tố này, cần nhớ rằng hiến pháp là kết quả của một diễn
trình cách mạng từ trong ra ngoài, tác động đến mọi phía. Nhưng chúng ta phải
nhớ rằng một cuộc cách mạng thực sự không đồng nhất với tình trạng hỗn loạn và
vô chính phủ, mặc dù hai tình huống này đều có thể hỗ trợ cho một cuộc cách mạng.
Về bản chất,
một cuộc cách mạng là quá trình tái cấu trúc ý thức của cộng đồng như một hệ quả
của quá trình từ bỏ những giá trị đã lỗi thời từ quá khứ (hay nói cách khác, là
những giá trị “dựa trên quy ước”) trong nhận thức của chính họ. Chính vì điều
này, cách mạng đúng như bản chất là một hiện tượng đặc trưng thuộc về yếu tính
của Kỷ nguyên Hiện đại. Rất nhiều cuộc bạo loạn, biến động, và nổi dậy xảy ra từ
trước không thể được xem là những cuộc cách mạng đúng với ý nghĩa trọn vẹn của
khái niệm này. Bản chất của một cuộc cách mạng không phải là bạo lực, mà là khả
năng nắm quyền lãnh đạo của những lực lượng tiến hành cách mạng – nhưng không
phải là bất kỳ lực lượng đơn lẻ nào, mà phải là những lực lượng có thể tổ chức
đời sống xã hội theo hướng hợp lý, bằng những nguyên tắc hợp lý (tất nhiên,
chúng ta không thể loại trừ sai lầm, bởi tư tưởng không phải lúc nào cũng có thể
phát triển đúng hướng, đặc biệt là trong những giai đoạn đầu tiên).
Như vậy, về
bản chất, những nguyên tắc cách mạng đã mở ra Kỷ nguyên Hiện đại ở châu Âu
chính là hệ thống nguyên tắc cấu trúc hiến pháp. Và đấy chính là bộ ba khái niệm
mà mọi người đều từng nghe đến: Tự do (Liberté), Bình đẳng (Egalité), Bác ái
(Fraternité). Trong giai đoạn hậu cộng sản ở nước Nga, khẩu hiệu về tự do này
đã được dùng đến như một hệ khái niệm cũ nhưng vẫn hiệu quả, nhưng thực tế là
những khẩu hiệu này chưa từng thực sự được truyền bá vào sâu trong ý thức của
công chúng Nga. Ngay cả ở châu Âu, quá trình hiện thực hóa những khái niệm này
đã gặp phải nhiều khó khăn, chưa nói đến chuyện chính người châu Âu cũng mất một
thời gian dài để đạt được viễn cảnh lý tưởng của họ. Tại Nga, nguyên tắc tự do,
bình đẳng, và bác ái chưa bao giờ được hiểu theo nghĩa trọn vẹn. Trong gần trọn
lịch sử gần hai trăm năm của hiến pháp nước Nga, nội dung của những xác tín này
cũng chưa bao giờ được làm rõ. Và nếu chúng ta trở về hiện tại, tính “hợp pháp”
của bộ ba khái niệm này ở Nga luôn nằm trong vòng nghi hoặc. Đấy là lý do chính
khiến hiến pháp trên thực tế không thể tồn tại được ở nước Nga.
Trong thực tế,
những nguyên tắc cách mạng đã mở ra Kỷ nguyên Hiện đại ở châu Âu chính là hệ thống
nguyên tắc cấu trúc hiến pháp. Đấy chính là bộ ba khái niệm đã quá quen thuộc với
chúng ta: Tự do (Liberté), Bình đẳng (Egalité), Bác ái (Fraternité).
Khởi sinh của
quá trình cải cách hiến pháp đúng nghĩa phải là sự hình thành của ý thức về hiến
pháp. Mặc dù các khái niệm “tự do”, “bình đẳng”, và “bác ái” vẫn luôn hiện diện
trong từ vựng chính trị Nga, cách người Nga hiểu những từ này không giống cách
hiểu của thế giới phương Tây, nơi khai sinh ý nghĩa của nhóm khái niệm này. Hiện
giờ, tư tưởng hợp hiến vẫn là đối trọng sâu sắc của truyền thống tư tưởng và
tôn giáo đã bắt rễ trong văn hóa Nga qua nhiều thế kỷ. Vì vậy, mặc dù những học
thuyết về hiến pháp Nga dường như căn cứ vào nhóm nguyên lý cấu trúc hiến pháp
của Châu Âu, trên thực tế hai hệ tư tưởng này lại có rất ít điểm tương đồng. Những
ý tưởng lập hiến xuất hiện trong môi trường văn hóa xa lạ và hung hăng của người
Nga nhanh chóng bị ăn mòn và đánh mất cả những nguyên lý sơ khai. Để đạt được
tiến triển trong quá trình cải cách hiến pháp, đầu tiên người Nga phải thực hiện
được một quá trình “phục hưng ngữ nghĩa” – nghĩa là khôi phục lại ý nghĩa đích
thực của nhóm khái niệm trên như những nguyên tắc cấu trúc hiến pháp căn bản mà
mọi người cứ nghĩ đã hiểu được. Tự do không thể tồn sinh nếu bình đẳng không
sát cánh, và bình đẳng đúng nghĩa chỉ có thể hiện diện cùng với lòng bác ái.
Tự do
Cũng giống
như hành trình ngàn dặm phải khởi sự bằng một bước đơn giản, hiến pháp khởi
phát từ tự do. Nhưng nhận thức về những yếu tố cấu thành tự do ở Nga hoàn toàn
khác với phương Tây. Người Nga hiểu sự tự do là trạng thái không bị ngăn cấm,
nói cách khác là trạng thái cho phép cá nhân thực hiện nguyện vọng xuất phát từ
nhu cầu vật chất hoặc tinh thần, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài. Trạng
thái này là sự tự do chủ yếu đạt được khi hành vi của một người không chịu bất
kỳ ràng buộc nào từ “bên ngoài”. Nhưng khi chúng ta phân tích kỹ, một sự tự do
như vậy thực ra vẫn bị ràng buộc, bởi ảnh hưởng của yếu tố “bên ngoài” luôn hiện
diện, ngay cả khi một cá nhân như vậy nghĩ rằng hắn đã trở nên hoàn toàn độc lập
trước tất cả mọi thứ bên ngoài, thì mọi yếu tố bên ngoài vẫn đang cấu trúc nhu
cầu của chính hắn, và cá nhân ấy vẫn còn là một nô lệ. Đấy là cách hiểu tương đối
theo truyền thống về khái niệm tự do, sự tự do ấy chỉ có thể đáp ứng nhu cầu nhất
thời của một hữu thể, còn hữu thể ấy chẳng kiểm soát được điều gì liên quan đến
sự tự do của hắn. Tự do tuyệt đối chỉ có thể tồn tại trong bản mệnh của một cá
nhân khi cá nhân ấy đạt được khả năng điều tiết nhu cầu. Hình thức cao nhất của
tự do chỉ có thể đạt được thông qua diễn trình tự kiềm chế[1].
Người châu
Âu càng ít phụ thuộc vào những ý tưởng bất chợt thì hắn càng tự do. Nhận thức của
người Nga về vấn đề tự do không chỉ bỏ qua yếu tính ấy, mà thậm chí còn đối lập
trực tiếp với nhận thức về tự do của thế giới phương Tây, theo đó quyền tự do
được hiểu không phải như khả năng đáp ứng nhu cầu của một người bất kể giới hạn,
mà là khả năng hạn chế quyền kiểm soát của nhu cầu. Tất nhiên, đây không hẳn là
một cách hiểu phổ quát, nhưng được chấp nhận rộng rãi nhất. Tự do, hiểu theo
nghĩa này, cũng là khả năng kiểm soát “căn tính”của cá nhân, thường bộc lộ qua
những niềm đam mê, những ý tưởng bất chợt, và cả ham muốn – nói cách khác, là sự
độc lập khỏi tất cả mọi “nhu cầu”, trong nghĩa rộng nhất của từ này. Tất nhiên,
một nền văn hóa tiêu thụ hàng loạt sẽ không ngừng thay đổi theo nhịp sống của
xã hội phương Tây, nhưng khái niệm tự do vẫn chưa thể biến chất trong nền văn
hóa ấy, vốn đã được gia công chắc chắn từ buổi bình minh của chủ nghĩa tự do.
Thật không
may, thói quen tự kiềm chế không nằm trong số những mô hình văn hóa được người
Nga coi trọng, và như vậy không được xem là một yếu tố then chốt của tự do.
Công trình bàn về tự do của Spinoza[2] như một giải phẫu tường tận về nhu cầu
chưa bao giờ được người Nga tiếp nhận nghiêm túc. Một người châu Âu càng ít phụ
thuộc vào ý tưởng bất chợt của hắn thì hắn càng tự do; trong khi người Nga lại
cảm thấy tự do hơn khi nhu cầu của hắn dễ dàng được đáp ứng. Như vậy, hình thái
của sự tự do ở châu Âu quay lại với những lý tưởng của Kitô giáo, còn hình thái
của sự tự do ở Nga bắt rễ từ chủ nghĩa duy vật trước Thiên chúa giáo. Chính vì
lý do này mà hình thái tự do kiểu Nga, sớm hay muộn, luôn trở thành trạng thái
bị ràng buộc.
Bình đẳng
Trong thực tế,
đời sống của mỗi cá nhân không thể hoàn toàn thoát khỏi xiềng xích của nhu cầu
(nếu giới hạn ấy không tồn tại thì đấy mới là sự mâu thuẫn với bản chất con người),
và do đó, hắn sẽ không bao giờ được tự do theo nghĩa tuyệt đối của khái niệm
này. Hành trình dẫn đến tự do hiện hữu nhờ cuộc đấu tranh liên tục của mỗi cá
nhân với “căn tính” của chính hắn – nói cách khác, là nỗ lực tự kiềm chế. Quy
luật này đúng cả với đời sống Nga và phương Tây. Nhưng luôn tồn tại trong thế
giới tinh thần phương Tây một trở lực đáng kể để hạn chế cảm giác thèm khát được
thỏa mãn nhu cầu nhân danh tự do, thứ trở lực gần như hoàn toàn vắng mặt ở Nga:
đấy chính là sự bình đẳng. Bình đẳng là một yếu tố ức chế (một cái phanh của cuộc
sống, một sự tiết chế) nhu cầu cá nhân, cũng như mọi niềm đam mê và ham muốn. Nếu
bạn chiêm nghiệm về nó, bạn sẽ thấy đấy chính là chìa khóa cho sự tồn sinh của
tự do, và nó khiến trạng thái tồn tại đúng nghĩa của tự do hoàn toàn khả thi.
Vấn đề ở đây
chẳng phải là sự bình đẳng không hiện diện trong xã hội Nga. Nhưng người Nga nhận
thức về bình đẳng theo một cách đặc thù, cũng như tự do. Ở Nga, bình đẳng được
hiểu theo nghĩa là “san bằng hoàn cảnh”. Nói cách khác, những gì vốn không bình
đẳng trong thực tế đều thể dễ dàng bị cào bằng cho ngang nhau. Trái ngược với sự
tự do, sự bình đẳng ở Nga không hiện diện theo cách tương đối, mà theo cách tuyệt
đối. Trong quan niệm truyền thống của người Nga, mọi người luôn bình đẳng bất kể
những đặc trưng về thể chất, tinh thần, phẩm chất đạo đức hoặc khiếm khuyết, tất
cả đều là “tạo vật của Chúa”. Theo cách tiếp cận như vậy, tốt và ác cũng ngang
nhau; lý trí cũng như sự ngu xuẩn; lao động chỉ ngang hàng với sự lười biếng; một
nạn nhân cũng như kẻ đao phủ; và một lời nói dối cũng bằng giá với sự thật.
Do đó, hoạt
lực để loại bỏ sự bất bình đẳng ở Nga hoàn toàn không hiện hữu, vì tất cả mọi
người vốn đều được xem là bình đẳng. Và bởi vì tất cả là như
nhau, mỗi người, bất chấp những đặc trưng trong phẩm tính của họ, bình đẳng về
quyền lợi đối với tất cả mọi thứ mà người khác có, không phải kiềm chế trong giới
hạn nào. Theo nghĩa này, những hành động tước đoạt quyền sở hữu và tái phân phối
tài sản xảy ra nhiều lần trong quá khứ thực chất đã có nền tảng từ tâm lý truyền
thống của người Nga[3]. Quan điểm của người Nga về sự bình đẳng,
như vậy, cũng không cần đến trở lực của sự tự kiềm chế, mà ngược lại còn biến
khái niệm ấy thành cơn khát chiếm hữu không thể kiềm chế, bởi vì thứ xác tín “tất
cả chúng ta xứng đáng sở hữu”, hay nói chính xác hơn, mọi cá nhân trong đám
đông tin rằng họ xứng đáng chiếm được những gì người khác có. Một hình thái
bình đẳng như vậy hoàn toàn không thể hiện hữu như chất ức chế, mà như chất xúc
tác của khát vọng thỏa mãn nhu cầu không bị giới hạn bởi bất cứ quy ước nào. Đấy
là thứ nhận thức chỉ kích thích trạng thái duy ý chí và giới hạn hình thái thật
sự của tự do.
Ở phương
Tây, một hình thái bình đẳng như vậy chưa bao giờ được thừa nhận rộng rãi. Thay
vào đó, thế giới quan phương Tây luôn thừa nhận rằng mọi người không thể bình đẳng
về khuynh hướng, năng lực và phẩm chất trí tuệ, ý chí, và đạo đức, mà không
tương tác với trạng thái bất bình đẳng xã hội đến từ bên ngoài. Ý chí phấn đấu
để loại trừ sự bất bình đẳng này là một phần không thể tách rời trong lý thuyết
của chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa cộng sản, nhưng chưa bao giờ có
chỗ đứng trong học thuyết về tự do hay trong hiến pháp. Một bản hiến pháp chính
danh mặc nhiên công nhận tất cả những khác biệt tuyệt đối và không thể loại trừ,
và xác lập, trong sự tương phản với tất cả những quy luật trên, một hình thái
bình đẳng tương đối “theo phân khúc” dựa theo một nền tảng chuẩn mực – sự bình
đẳng trước pháp luật.
Bình đẳng
trước pháp luật là nền tảng căn bản của tư tưởng hợp hiến và cấu trúc hiến
pháp, một mẫu số chung cho phép tạo ra sự bình đẳng tương đối để kết nối mọi cá
nhân luôn khác nhau và bất bình đẳng bởi phẩm tính với một xã hội dân sự. Diễn
giải theo hướng làm rõ một luận điểm của Lenin, thì đây chính là liên kết sẽ
cho phép bạn, nếu bạn hiểu được nó, hình dung toàn bộ diễn trình cấu trúc hiến
pháp. Và đây chính là “sự nhập nhằng về hiến pháp” khiến người Nga thấy khó hiểu
nhất. Ý thức xã hội Nga không thể vượt qua giới hạn biện chứng của trạng thái bất
bình đẳng thực tế tuyệt đối của người dân và trạng thái bình đẳng tương đối của
họ trước pháp luật. Từ trước đến nay, toàn bộ quy ước trong đời sống Nga, được
định hình bởi một mô hình hoàn toàn khác: đấy là một xã hội Nga, trong quy ước
rằng tất cả mọi người đều bình đẳng tự thân, lại thừa nhận và chấp thuận sự bất
bình đẳng của mỗi cá nhân trước pháp luật. Sau cùng, cách hiểu về Hiến pháp dựa
trên những nguyên tắc như vậy (nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật) vẫn là
cách hiểu chính danh nhất.
Bác ái
Bản chất của
những nhận thức khác nhau như vậy về vấn đề về bình đẳng lại khá đơn giản về mặt
này, nhưng rất phức tạp trên mặt khác: ở phương Tây và Nga, có những cách hiểu
khác nhau về con người, và và truy vấn rằng con người chủ yếu là con người cá
nhân hay con người xã hội thường được trả lời theo cách khác nhau.
Trong thế giới
quan phương Tây, con người cá nhân là chủ yếu và được xem như thành viên của một
tập thể, cộng đồng nào đấy, chính xác là một liên minh tự nguyện của những cá
nhân khác nhau vì phẩm tính nhưng đều bình đẳng trước pháp luật. Trạng thái
bình đẳng như vậy được duy trì, dù thực tế không ai giống ai, bởi mỗi cá nhân
được nhìn nhận như một hữu thể của “ý thức công dân” – một “bản tính” trừu tượng,
một dạng “nền tảng tinh thần”, theo đấy biến các cá nhân thành nhân cách. Từng
người trong thế giới phương Tây đều bình đẳng trước pháp luật chừng nào họ còn
được nhận chân như thành viên của “tập thể bác ái này”.
Rõ ràng,
nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật trong xã hội dân sự là một bước chuyển biến
dựa trên nguyên tắc tự do của nhận thức tôn giáo về trạng thái bình đẳng trước
Thiên Chúa trong các cộng đồng tín hữu Kitô giáo, trong đấy hình thái của “ý thức
công dân” –một khái niệm căn bản của chủ nghĩa tự do phương Tây nhưng thực tế lại
không được định hình rõ tại Nga – là bước thăng hoa của một diễn trình nhận thức
dựa trên Kitô giáo về linh hồn và những hình thể tương quan với tinh thần, cũng
như chính luật pháp là một bước thăng hoa của nhận thức Kitô giáo về Thượng Đế.
Ở Nga, thứ
môi trường mà thế giới phương Tây vốn dành chỗ cho lòng bác ái lại được lấp đầy
bởi hình thức “xã hội công xã” (hoặc có thể xem như “xã hội kề vai”). Trái ngược
với lòng bác ái, xã hội công xã chủ yếu không phân biệt, nói cách khác, không
chia thành phân đoạn, mà là một toàn thể. Khối toàn thể này không thừa nhận những
cá nhân nhận chân về họ như những thực thể tinh thần độc lập. Đời sống tinh thần
của xã hội công xã tập trung hoàn toàn và trọn vẹn vào sự trừu tượng của chính
nó, và đời sống tinh thần của từng cá nhân chỉ khả tín chừng nào cá nhân ấy còn
là sự phản ánh cho toàn xã hội. Tại Nga, cá nhân tỏa sáng bằng thứ ánh sáng đã
qua phản xạ; những người sống ở đây giống như mặt trăng, và thứ xã hội toàn thể
trong hình dung của quy ước giống như một mặt trời ban sự sống.
Như vậy,
không có chỗ cho lòng bác ái trong ý thức truyền thống của Nga, và do đó ở Nga,
trạng thái bình đẳng trước pháp luật cũng không thể tồn sinh. Cá nhân ở đây
không liên hệ trực tiếp với người khác; mỗi người không được xem như một hữu thể
của bất kỳ tinh thần độc lập nào về bản chất; kết nối chỉ hiện hữu thông qua
toàn thể, mỗi cá nhân chỉ có thể liên kết theo cách riêng của họ với toàn thể.
Người dân Nga chưa bao giờ được bình đẳng trước Thiên Chúa, và do đó họ cũng
không bình đẳng trước pháp luật. Và nếu không có sự bình đẳng trước pháp luật,
thì sự tự do cũng không thể tồn tại.
Hiến
pháp phải là kết quả của một cuộc cách mạng nhận thức
Cần phải
tuyên dương những ai chưa dừng đọc, bởi phần nhập đề của tôi thông qua những
chiều sâu triết học chỉ giới hạn trong những phân tích trên về tự do, bình đẳng
và bác ái.
Ngay cả những
phân tích chưa đi đến cùng này cũng chỉ ra được rằng điều kiện tiên quyết của
hiến pháp bắt rễ trong văn hóa. Nếu môi trường văn hóa không thuận lợi cho quá
trình tạo dựng hiến pháp, bất kỳ nỗ lực chính trị hay pháp lý nào sẽ bị vô hiệu
hóa bởi cái gọi là “hành pháp theo luật rừng”. Vì vậy, chừng nào trong nhận thức
thượng tầng của người Nga, khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái” còn bị hiểu như
là “tình trạng hỗn loạn, san bằng hoàn cảnh, tinh thần tập thể”, hệ thống chính
trị sẽ dựa trên bộ ba khái niệm “Chính thống giáo, chuyên quyền, quốc tịch” của
Bá tước Uvarov[4]. Cũng giống như một giai thoại cũ thôi:
dù bạn mang đến nước Nga ý tưởng đẹp đẽ đến dường nào, khi cố gắng lắp ráp
chúng, bạn sẽ luôn nhận được một khẩu súng Kalashnikov.
Trở lại với
những ý tưởng ban đầu. Có một nhiệm vụ rất lớn đang chờ đợi những nhà lập hiến
Nga, với phạm vi mà hầu như chưa ai hình dung chính xác, đấy là họ phải thay đổi
triệt để được tâm lý người Nga, cũng như vượt qua được những lề thói tư tưởng
đã đóng khung trong nhiều thế kỷ. Nỗ lực của những nhà lập hiến Nga, cũng như
chính những dòng này, thường được nhìn nhận như nỗ lực của những đứa trẻ muốn
làm cho được một chiếc diều bay lên sao Hỏa. Tất nhiên, chiếc diều ở đây chính
là mọi văn bản hiến pháp chuẩn mực khả dĩ.
Dự án soạn
thảo hiến pháp dĩ nhiên phải khái quát được phạm vi rộng hơn nhiều so với ngôn
từ của văn bản hiến pháp hoàn chỉnh. Mục tiêu của tiến trình này là thay đổi
toàn diện ý thức chính trị truyền thống của người Nga, được quy định bởi toàn bộ
cấu trúc của nhận thức tôn giáo, triết học đã tồn tại ở Nga trong nhiều thế kỷ.
Hơn nữa, kinh nghiệm cay đắng của những thập kỷ gần đây cho thấy quá trình du
nhập đơn thuần những ý tưởng hiến pháp “sẵn có” sẽ không chạm đến được bản chất
của vấn đề, là tạo ra được một nhu cầu thành thực của nhân dân Nga đối với hiến
pháp, một nhu cầu cũng quan trọng như lời giải cho truy vấn về những ý tưởng
thiết thực.
Ở đây xuất
hiện một nghi vấn không thể không hiện diện: có thể làm được như vậy không? May
mắn thay, không một quốc gia đơn lẻ nào, cũng như không một chính phủ đơn lẻ
nào trên thế giới, đã sở hữu được ý thức lập hiến bẩm sinh ở buổi sơ khai. Tất
cả dân tộc trên thế giới đều trải qua buổi bình minh ràng buộc bởi truyền thống.
Thứ nhận thức dựa trên quy ước mà ngày nay hiện tồn trong xã hội Nga như tấm thẻ
căn cước sẽ không có vẻ gì bất thường vào thời đại của nền Cộng hòa Florentine[5] – cũng như Putin và Medici sẽ dễ
dàng hiểu được nhau. Điều gì người xưa đã làm thì người thời nay hoàn toàn có
thể lặp lại.
Thử thách của
thời cuộc đang khiến mọi người phải thay đổi, và các dân tộc sẽ chuyển biến
trong thời đại cách mạng. Một cuộc cách mạng diễn ra như một bi kịch, nhưng
cũng hàm chứa khả năng sáng tạo lịch sử trong chừng mực nhất định; không phải
ngẫu nhiên mà một cuộc cách mạng được gọi là “đầu tàu của lịch sử”. Cuộc cách mạng
Pháp vĩ đại khởi sự bởi một quốc gia, nhưng đã khiến nhiều quốc gia khác hành động
tương tự sau đấy, với suy nghĩ và xúc cảm tương đồng.
Tiềm năng thực
sự của một quá trình lưu chuyển luôn ẩn trong đôi mắt của những người đang quan
sát thời thế cho đến khi xã hội thực sự bắt đầu chuyển mình. Không ai hiểu được
tường tận khả năng thực sự của xã hội Nga ngày hôm nay. Hiến pháp chỉ có thể trở
thành hiện thực của nước Nga khi nó được toàn thể công chúng thừa nhận vai trò
và giá trị, chứ không phải như chuyện phiếm trong những salon chính trị; và nhu
cầu thành thực đối với một hiến pháp chỉ có thể đạt được sau một cuộc cách mạng.
May mắn
thay, khả năng thao túng một cuộc cách mạng vẫn là bất khả thi. Không ai có thể
đẩy nhanh hay làm chậm tiến độ của một cuộc cách mạng đúng nghĩa; quá trình như
vậy diễn ra theo những quy luật riêng khi những giải pháp chính trị đã trở nên
bão hòa, và luôn xảy ra bất ngờ (không ai có thể dự đoán chính xác được “giọt
nước làm tràn li”). Khi điều đó xảy ra, cả phe Lập Hiến và phe phát xít mới chắc
chắn sẽ cạnh tranh quyền kiểm soát chính trường Nga (mặc dù tôi không chắc chắn
liệu chủ nghĩa phát xít có đủ khả năng nắm quyền kiểm soát tối hậu). Phe chiến
thắng sẽ là phe chuẩn bị tốt nhất cho quá trình tranh đấu ấy.
Liệu nước
Nga có cần một Hiến pháp mới?
Trong câu hỏi
liệu nước Nga có cần một Hiến pháp mới luôn hiện diện một trở ngại thực sự. Sự
thật vẫn là chưa từng có một trật tự hiến pháp thực sự tồn tại ở nước Nga. Vì vậy,
tính từ “mới” là thừa – nước Nga chắc chắn cần một hiến pháp chính danh, một
quá trình chuyển biến. Câu hỏi thiết thực ở đây là: liệu nước Nga có cần một văn
bản hiến pháp mới, hoặc người dân của đất nước này có thể cố gắng xây
dựng một trật tự xã hội thượng tôn hiến pháp dựa trên chính văn bản hiện hành
(với một số đính chính đi kèm)?
Không có câu
trả lời đơn giản, rõ ràng cho truy vấn này, và số phận của văn bản hiến pháp hiện
nay sẽ được quyết định bởi bối cảnh chính trị. Tôi không thể loại trừ việc cân
nhắc những tác động từ “cuộc bầu cử năm 2018”, chính chế độ chính trị hiện nay
sẽ tự đề xuất với xã hội một văn bản hiến pháp cần rất nhiều gian truân để
thành hiện thực. Sau tất cả, quá trình thiết lập và hiện thực hóa văn bản như vậy
có thể bao gồm mọi yếu tố, có lẽ gồm cả khả năng phục hồi một chế độ chuyên chế.
Tốt đẹp là kẻ thù của vĩ đại, do đó văn bản hiến pháp không phải là mục tiêu của
chính nó.
Một văn bản
hiến pháp mới dường như rất cần thiết không phải vì sự lỗi thời của văn bản hiện
hành, mà để kích hoạt một bước ngoặt trong quy trình lập hiến đã bị gián đoạn
vào năm 1993. Đấy chính là một công cụ khả dĩ để phát động một phong trào lập
hiến trên diện rộng, để một văn bản hiến pháp mạnh mẽ xuất hiện được ở Nga. Từ
một điểm nhìn chiến thuật, chính quá trình tạo dựng văn bản hiến pháp mới có thể
trở thành cốt lõi cho quá trình hình thành khả dĩ mạng tinh thể của một cơ cấu
chính trị thượng tôn hiến pháp, và chỉ vì lý do này thôi, ngay lập tức ý nghĩa
của một quá trình cải cách hiến pháp được xác lập.
Tất nhiên,
vai trò của quá trình này không hướng quá nhiều đến việc hiện đại hóa các tổ chức
chính trị ở Nga (mặc dù điều này cũng quan trọng), vì nhiệm vụ cấp bách trước
tiên là hiện đại hóa được ý thức chính trị của công dân Nga. Ưu tiên hàng đầu
phải là đưa vào thực tiễn vào đời sống Nga nhận thức về trạng thái bình đẳng
trước pháp luật, mà đến giờ vẫn chỉ như một yếu tố trang trí của Hiến pháp hơn
là nguyên tắc nền tảng. Nó chính là cây cầu sẽ giúp đời sống tinh thần người
Nga vượt qua tình trạng hỗn loạn và đạt được sự tự do dựa trên trách nhiệm và
khả năng tự kiềm chế. Chỉ bằng cách này tâm hồn Nga có thể chứng kiến sự ra đời
của một xã hội dân sự, trong hình hài của tập thể của những người anh em, được
bàn đến rất nhiều trong hai mươi năm qua nhưng chưa từng được hiện thực hóa.
Nga cần một
hiến pháp mới không phải vì văn bản hiện hành không tốt, nhưng vì mọi quá trình
cải cách hiến pháp trước đấy đã thất bại. Chúng ta phải chấp nhận và quay lại
tiến trình này. Nhưng điều đó không có nghĩa là một Hiến pháp mới phải được viết
ngược lại “từ đầu”: Thất bại là mẹ thành công. Tất cả những kinh nghiệm xây dựng
hiến pháp, dù thành công hay thất bại, của những thập kỷ trước đấy đều có giá
trị. Những nhà lập hiến phải đạt được bước tiến trong việc nhận chân những sai
lầm của quá khứ – họ cũng chính là những người đang bỏ qua những điều kiện tiên
quyết về văn hóa, cũng như bỏ qua khả năng tạo ra một cơ sở vững chắc cho quá
trình cải cách hiến pháp.
Trên tất cả,
có một điều chúng ta không bao giờ được quên: một bản Hiến pháp chuẩn mực là niềm
hy vọng duy nhất cho mục tiêu duy trì được chính nước Nga như một nhà nước thống
nhất, có chủ quyền trong nhiều thập kỷ. Hình thái Đế chế trong lịch sử phát triển
của nước Nga đã lỗi thời, và những nỗ lực kéo dài sự tồn tại của nó trong những
hình thức kỳ quặc chắc chắn trước tiên sẽ làm nước Nga bị chia cắt, và sau đấy
bị nghiền nát bởi những nền văn minh thù địch với đủ sức mạnh đe dọa sự hiện hữu
của đất mẹ Nga. Chỉ có một quá trình chuyển biến đưa nước Nga trở thành một nhà
nước hợp hiến, kiểu như một Nhà nước Hợp chúng quốc Á-Âu, mới có đủ khả năng
đem lại cho nước Nga cơ hội mới để duy trì nền văn minh.
__________
[1] Nói
cách khác, tự do trong quan niệm truyền thống là tự do tự phát. Còn tự do như một
trong ba khái niệm căn bản tạo lập nguyên tắc cấu trúc hiến pháp là tự do tự
giác.
[2]
Baruch Spinoza: Là một triết gia người Hà Lan gốc Bồ Đào Nha. Ông là người đã đặt
nền móng cho thời Khai minh của châu Âu thế kỷ XVIII, là triết gia đã xác lập
những quan niệm hiện đại về bản thân và vũ trụ. Spinoza được xem là một trong
những triết gia duy lý vĩ đại nhất của triết học châu Âu thế kỷ XVII. Gilles
Deleuze, một triết gia thế kỷ XX đã gọi Spinoza “ông hoàng của những triết
gia”.
Spinoza trình bày tư tưởng triết học về chính trị trong ba công trình:
Theologico-political Treatise, Ethics và Political treatise. Triết học chính trị
của Spinoza là một triết lý về bản năng tự vệ, xu hướng cá nhân để tồn tại, mà
không thể bị loại trừ tuyệt đối ngay cả dưới sự áp chế khủng khiếp nhất, hay dưới
ách cai trị của những chế độ độc tài tàn bạo nhất. Theo luận điểm của
Spinoza, mỗi cá nhân sở hữu một quyền tự nhiên căn bản. Quyền này bao gồm tất cả
mọi thứ mà hắn muốn và thứ hắn có thể đạt được. Kết quả là, quyền tự nhiên của
cá nhân tương đương với sức mạnh hay quyền lực cá nhân. Do đó, trong triết học
chính trị của Spinoza, quyền lợi chủ quan (ví dụ như nhân quyền) không tự nhiên
tồn tại, mà được duy trì bởi tổ chức của xã hội, nghĩa là chỉ tồn tại trong trạng
thái xã hội dân sự.
[3] Chứ
không phải chỉ dựa vào những nhận xét chủ quan của Karl Marx và thái độ thượng
tôn bạo lực của Lenin
[4] Bá tước
Sergey Semionovich Uvarov (tiếng Nga: Сергей Семёнович Уваров) (sinh ngày 25
tháng 8 năm 1786 và mất ngày 4 tháng 9 năm 1855 – theo lịch cũ của nước Nga) là
một học giả cổ điển người Nga và là một chính khách rất có ảnh hưởng trong đế
chế của Sa hoàng Nicholas I.
Dấu ấn quan trọng trong di sản tư tưởng của Uvarov là bộ ba khái niệm “Chính thống
giáo, chế độ chuyên chế, và Quốc tịch”, yếu tố nền tảng trong tư tưởng về giáo
dục công lập. Ông đặt ra hệ khái niệm như vậy để hạn chế những người không có
nguồn gốc quý tộc được tiếp cận giáo dục, cũng như tăng cường quyền kiểm soát của
chính phủ trong các trường đại học và trung học.
[5] Nền Cộng
hòa Florentine, hoặc Cộng hòa Florence, là một nhà nước từng tồn tại ở thành phố
Florence, ngày nay là vùng Tuscany của Ý. Nhà nước cộng hòa này có nguồn gốc từ
năm 1115, khi người dân Florentine nổi dậy chống lại Margraviate của Tuscany
sau cái chết của một lãnh đạo phong kiến mạnh mẽ là Matilda, người phụ nữ đã
kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm Florence. Người dân Florentine đã thiết
lập một xã hội đặc thù trong lảnh địa của Matilda. Nhà nước cộng hòa này được
cai trị bởi một hội đồng gọi là Signoria. Thành viên của hội đồng Signoria được
lựa chọn bởi gonfaloniere (nhà cai trị trên danh nghĩa của thành phố Florence –
được bầu hai tháng một lần bởi cộng đồng Florentine).
Nhà nước cộng
hòa này đã trải qua một lịch sử của các cuộc đảo chính giữa nhiều phe phái. Phe
của Medici nắm quyền cai quản thành phố từ năm 1434, sau thành công của một cuộc
đảo chính chống lại phe đã lưu đày ông nhiều năm trước. Sau đấy, Medici nắm giữ
quyền lực ở Florence đến tận năm 1494.
Nguồn:http://phiatruoc.info/chu-nghia-hop-hien-va-ma-tran-chinh-tri-kieu-nga-cuoi/