Helena Flam
Lâm Yến-Khải Minh dịch
Giới thiệu
Trí thức và bất đồng chính kiến
thường đồng hành: bất chấp các bằng chứng ngược chiều, ta thường gán quan điểm
cấp tiến với giới trí thức. Nhưng quan niệm rằng trí thức tự do hệt như một con
điếm sẵn sàng hầu hạ bất kì túi tiền và mục đích nào, cũng nhận được nhiều sự đồng
tình từ đại chúng cũng như giới học giả. Vô số các nghiên cứu đã trình bày các
trường hợp và thời kì mà những người trí thức, hoặc phục vụ lợi ích của chính họ,
hoặc của nhà nước, của giới kinh doanh hay các đảng phái cực đoan. Nhưng những
người lãng mạn trong số chúng ta vẫn nghiêng về một hình ảnh dễ thương trong đó
trí thức đóng vai trò như là nhà phê bình xã hội, một người bạn của tự do và của
các phong trào xã hội tìm kiếm tự do trên khắp thế giới. Bài viết này được viết
theo góc nhìn lãng mạn đó.
Quan tâm chính của tôi là sự bất
lực của các nhà bất đồng chính kiến Đông Đức -đối ngược với những người đồng
chí Ba Lan- trong việc gánh lấy vai trò nhà trí thức phê phán thành công trong
xã hội của họ, cả trước và sau sự sụp đổ của chính quyền năm 1989 [2] . Dù cho
các nhà bất đồng chính kiến này đã nhận diện được nhiều vấn đề nóng bỏng, xã hội
Đông Đức vẫn hầu như không biết tới, hoặc bàng quan với họ trước 1989; và trong
khi chính quyền sụp đổ thì vẫn không sẵn sàng chấp nhận tầm nhìn của họ một
cách nghiêm túc. Câu hỏi đặt ra là: "Tại sao?"
Trong phần tiếp theo, tôi sẽ chỉ
ra một số yếu tố dẫn tới sự xuất hiện của các trí thức thành công. Việc họ [các
trí thức thành công] tồn tại ở Ba Lan mà không ở Đông Đức có lẽ là nguyên do giải
thích vì sao có sự tương phản sâu sắc giữa hai phong trào trong việc thu hút sự
chú ý và tôn trọng [của dân chúng].
Bất đồng
chính kiến ở Ba Lan và Đông Đức
Tổ chức đối lập không phải hội
kín đầu tiên của Đông Âu xuất hiện ở Ba Lan là Ủy ban Bảo vệ Công Nhân (KOR),
ra đời vào năm 1976. Tổ chức này khác với các nhóm tương tự ở Hungary, Séc và
Slovakia và Đông Đức ở chỗ: nó không bó hẹp trong một nhóm nhỏ các trí thức:
KOR tạo ra một liên minh với công nhân, hướng tới không chỉ nhà cầm quyền mà
còn tới toàn xã hội nói chung. Hơn thế, nó tiến hóa nhanh chóng từ một phong
trào mang định hướng cải cách thành một phong trào đối lập (Skilling 1989,
45,178,182-85).
Ban đầu, KOR có hai mươi ba thành
viên kết ước chính thức và hàng trăm nhà vận động hay "cộng sự không chính
thức" (Friszke 1994, 347, 355, 357). Mục tiêu trực tiếp và công khai của
các nhà sáng lập KOR là hỗ trợ các công nhân bị đàn áp ở Radom và Ursus. Nhờ nỗ
lực vận động của KOR, hàng nghìn người đã gửi hoặc kí vào các kháng thư gửi tới
Sejm Balan, hoặc bí mật đóng góp tài chính để hỗ trợ các công nhân bị đàn áp,
và bắt đầu đọc các ấn phẩm chui của nó.
Năm 1977, ba mươi thành viên kết
ước và các cộng sự đã chuyển KOR thành một tổ chức chính thức hơn về chính trị
và đối lập: KSS 'KOR' (Ủy ban Bảo vệ 'KOR'). Họ duy trì một phần tính liên tục
với quá khứ nhân văn và uy tín của tổ chức, nhưng đã chọn từ đây sẽ theo đuổi
các mục tiêu chính trị công khai. 110 người, gồm cả các nhân sỹ và các nhà hoạt
động chủ chốt đã kí tuyên bố đầu tiên của KSS 'KOR'. KSS 'KOR' có hàng trăm cộng
sự, tập trung chủ yếu ở Warsaw, Krakow, Wroclaw, nhưng cũng có người ở Lodz,
Gdansk, Lublin và Poznan. Các hoạt động của nó mang tính đa diện: trợ giúp người
bị đàn áp, gây sức ép với nhà cầm quyền, vận động dư luận trong và ngoài nước,
thu thập và phát tán thông tin, tổ chức các hoạt động gây chấn động như tuyệt
thực hay lễ hội Catholic quy mô lớn. Quy mô của các hoạt động và tổ chức giáo dục
"ngầm" mà nó bảo trợ phát triển chưa từng thấy kể từ Thế chiến 2.
Trong những năm 77-78, các Ủy ban Sinh viên Đoàn kết, các "trường đại học
bay", các hiệp hội khoa học, các hiệp hội của các trường đại học công
nhân, các công đoàn tự do, và các ủy ban của tiểu chủ lần đầu tiên được thành lập
(ibid 426-27).
Cũng như phong trào bãi công, và
sau đó là các công đoàn tự do nổi lên năm 1979, KSS 'KOR' tiếp tục các hoạt động
truyền tin rộng khắp. Một số thành viên của nó đã giúp biến một cuộc bãi công ở
xưởng tàu thành một trong các phong trào đoàn kết toàn quốc, mở rộng số lượng
và phạm vi các đòi hỏi của những người bãi công. Các thành viên khác của KSS
'KOR' hoạt động như cố vấn của [Công đoàn] Đoàn kết trong các vấn đề như chính
trị, chiến lược, xuất bản và thông tin. Cùng với việc các nhà vận động của KSS
'KOR' bị thu hút vào phong trào mới, KSS 'KOR' mất lý do tồn tại (raison
d'être) của nó; việc giải tán chính thức diễn ra vào đại hội ngày 23 tháng 9
năm 1981 của Công đoàn Đoàn kết. Trước khi nhà cầm quyền cấm Công đoàn Đoàn kết
hoạt động vào tháng mười tiếp đó, mười triệu người Ba Lan đã gia nhập tổ chức
này.
KOR không chỉ phá vỡ rào cản sợ
hãi, trở thành tổ chức đầu tiên huy động các khối to lớn trong xã hội Ba Lan,
nó còn chứng tỏ rằng nó có thể phá vỡ độc quyền về thông tin của Đảng Cộng sản
và tạo ra một circle thông tin và tư tưởng độc lập. Hơn nữa, bằng sự thể hiện
thực tế cởi mở, tự tổ chức và đoàn kết xã hội rộng lớn, nó cung cấp hình mẫu hoạt
động mà theo đó có thể sử dụng để chống lại hệ thống cộng sản cho đến lúc đó vẫn
tưởng chừng vô song. Cũng không nên quên rằng các thành viên sáng giá của nó
như Adam Michnik và Jacek Kuron, không những đã ngồi vào bàn tròn, mà còn giới
thiệu nhiều ý tưởng tạo cảm hứng cho các lãnh tụ của Công đoàn Đoàn kết và cho
chính các cuộc thương thuyết bàn tròn, mà có lẽ quan trọng nhất là các khái niệm
về "xã hội dân sự" tự tổ chức, và đối thoại giữa một xã hội như vậy
và nhà nước.
Nếu đối lập Ba Lan được hưởng sự
tôn trọng đặc biệt, và thậm chí còn trở thành mốt trong ít nhất là hai lần
trong lịch sử của nó, thì đối lập Đông Đức, trong suốt một thời gian dài hầu
như không được xã hội biết tới. Cũng như trong trường hợp Mùa xuân Praha [của
Ba Lan], chính quyền SED [Đảng Cộng sản ở Đông Đức mang tên Đảng Xã hội Chủ
nghĩa Thống nhất Đức - ND] của Đông Đức phản ứng với sự thành lập của KOR ở nước
láng giềng Ba Lan bằng sự đàn áp mang tính ngăn chặn, và những nỗ lực của nó đã
không uổng phí. Nhiều người chỉ trích chính quyền đã bị đe dọa đến mức trở nên
câm lặng; nhiều người khác di cư. Tuy nhiên, vào đầu những năm 80, các phong
trào hòa bình, môi trường và phụ nữ độc lập với chính quyền nổi lên, một phần từ
đống tro tàn của các bất đồng chính kiến trước đó. Giữa năm 80 và 85, phong
trào hòa bình đã dạy cho nhiều người Đông Đức vượt qua nỗi sợ bị đàn áp, tới mức
họ cảm thấy có thể tập hợp không những trong các nhóm nhỏ bạn bè mà còn ở phạm
vi vùng. Từ khoảng 1980, các nhà thờ địa phương đã trở thành địa điểm tổ chức
các cuộc gặp hàng năm của phong trào Những Thập kỉ Hòa bình, trong khi các nhà
thờ ở Đông Berlin bắt đầu chứa chấp các cuộc mít-tinh toàn quốc hàng năm của
Workshops Hòa bình từ 1982. Mặc dù sự không khoan nhượng của nhà nước -vẫn giả
điếc với mọi lập luận về sự cần thiết của đối thoại, thông tin đa chiều và
không gian công cộng- đã góp phần tạo ra làn sóng di cư lớn vào năm 1984, nó
cũng đem đến nhiều thành viên trung thành cho phong trào. Trong năm 85-86, từ bỏ
ô bảo vệ của Nhà thờ Tin lành để có tự do hơn trong việc phê phán chính quyền,
một nhóm nhỏ các nhà bất đồng chính kiến tạo ra tổ chức "đối lập" đầu
tiên tại Cộng Hòa Dân Chủ Đức: Đề Xướng Hòa Bình và Quyền Con Người. Trong khoảng
thời gian này, nhiều nhóm khác -dù cho có các chương trình ít cấp tiến hơn-
cũng quyết định từ bỏ sự kiểm soát của nhà thờ -vốn đi đôi với sự bảo trợ từ
phía tổ chức tôn giáo này. Các ấn phẩm samizdat đặc biệt nhiều trong những năm
87-88. Việc diễn ra ngày càng thường xuyên và càng có nhiều người tham gia các
cuộc biểu tình, thắp nến, diễu hành và thư phản đối hành động bắt bớ [của nhà cầm
quyền], cùng với các đề xướng khác của các nhóm công cộng, đã cung cấp bằng chứng
hùng hồn về sự đoàn kết và phối hợp có tổ chức đang tăng dần của phong trào bất
đồng chính kiến ở Đông Đức.
Đến cuối năm 1987, sau cuộc biểu
tình kỉ niệm Liebknecht-Luxemburg được tổ chức để đối lại cuộc diễu hành quốc
doanh truyền thống, một lần nữa, các mệnh lệnh từ trên xuống hòng chặn đứng làn
sóng phản đối. Hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng bị bắt và thẩm vấn.
Họ bị dọa dẫm với các đòn khủng bố tinh thần như đưa ra tòa, buộc tội phản quốc
và khả năng bị kết án tù từ hai đến mười năm. Tất cả đều chấp nhận để [chính
quyền] thả ra ở Cộng Hòa Liên Bang Đức (Tây Đức), mặc dù một số người đã cố gắng
giành giật từ chính quyền cộng sản một bảo đảm được trở về nước hợp pháp sau
vài tháng.
Phong trào bất đồng chính kiến ở
Berlin chìm xuống. Sự kiện các cuộc biểu tình lúc ban đầu vốn rất nhỏ đột nhiên
giành được động năng lớn ở Leipzig vào tháng chín năm 1989 thật đáng ngạc nhiên
(mặc dù các cuộc họp sáng lập Diễn đàn Mới do nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng
Barbel Bohley xúc tiến đã diễn ra từ ngày 10 tháng Chín). Các cuộc biểu tình lớn
vào tháng 10 đã lan rộng nhanh chóng từ Leipzig đến Dresden và Berlin. Các nhà
bất đồng chính kiến nổi tiếng và các nhà vận động trong phong trào công dân bắt
đầu tham gia tạo ra các ủy ban công dân rộng khắp, thí dụ như Dân Chủ Ngay
(Democracy Now). Họ đã khởi xướng các cuộc tranh luận công cộng và thành lập
các bàn tròn theo gương Ba Lan. Trong khuôn khổ các thể chế mang tính ad hoc (sự
vụ) và thu hút được nhiều người tham dự này, các ý tưởng ruột của các nhà bất đồng
chính kiến (đa nguyên, đối thoại, khoan nhượng, trung gian xung đột, và xã hội
tự trị) được đem ra thử nghiệm. Chính quyền cộng sản Modrow bảo vệ chính thể cộng
sản, một phần bằng hứa hẹn một loạt cải cách, một phần bằng bắt đầu một quá
trình cải cách thận trọng, dung nạp và nhượng bộ. Vào tháng 10 năm 1989, Bộ
Chính trị đồng ý với đòi hỏi của các phong trào công dân về việc thiết lập một
Bàn tròn trung ương. Tuy nhiên, quyền lực được ủy nhiệm của Bàn tròn Đông
Berlin không rõ ràng, dù rằng nó gửi đại diện tới các cuộc họp nội các, tìm
cách thực hiện quyền phủ quyết và giúp định hình giấc mơ xã hội chủ nghĩa.
Dưới chính quyền Modrow, khái niệm
về một CHDC Đức cải tổ tỏ ra sẽ không bao giờ thành hiện thực. (Dưới chính phủ
kế nhiệm -CDU- ý tưởng về một nước Đức thống nhất và cải tổ cũng chẳng bao giờ
thành sự thật nốt) [Rucht 1996, 42-46]. Các đề xuất về hiến pháp của các phong
trào công dân -nhằm mục tiêu xác lập một nền dân chủ tham gia sống động- cũng
không nhận được sự ủng hộ của đảng hay công chúng, chẳng hơn gì số phận của ý
tưởng về nền kinh tế tham gia, tái tư nhân hóa một phần. Hiệp định về thống nhất
được kí kết vào ngày 3 tháng 10 năm 1990, và cuộc chuyển giao các thể chế bắt đầu.
Những người chỉ trích Bàn tròn
trung ương buộc tội rằng, thay vì kiềm chế chính quyền cộng sản thì nó lại phục
vụ cho việc ổn định hóa nó, mặc dù không phủ nhận được rằng Bàn tròn cũng đã
cung cấp một cơ hội để thực hành các giá trị dân chủ và thảo luận về tương lai
mà không có đe dọa bạo lực. Tuy nhiên, trong khi nhiều người dân Đông Đức đánh
giá cao những đóng góp của các nhà bất đồng chính kiến và các phong trào công
dân với tư cách là những người gây dựng nên lực lượng đối lập chống lại chế độ
cũ, dân chúng không trao cho họ vai trò là những người định hình tương lai
chính đáng (legitimate shapers of the future), để mặc cho các chính đảng ôm lấy
vai trò này cho riêng họ. Tại sao các nhà bất đồng chính kiến, cùng với các lựa
chọn mà họ đề xuất bị bác bỏ?
Quyền lực
tuyệt đối của nhà nước là đối thủ
Di Palma lập luận rằng có thể hiểu
được sự huy động trí thức chống chủ nghĩa cộng sản bằng việc triển khai một
phép tương tự lịch sử: "xã hội dân sự đang nổi lên dưới chủ nghĩa cộng sản...
cũng giống sự nổi lên của xã hội dân sự trong chủ nghĩa chuyên chế... Tương tự
như [trong] chủ nghĩa chuyên chế, động cơ cho sự xuất hiện của xã hội dân sự là
việc phản ứng với arcana imperii (những bí mật của đế chế) của bọn thống trị"
(Di Palma 1991, 63). Cũng như các nhà trí thức bất đồng Pháp của nước Pháp Tiền
Cách mạng, các đồng chí Đông Âu của họ cũng lấy dưỡng chất từ hai nguồn: sự phá
sản trong nước, cả về mặt đạo đức và vật chất, và ví dụ về các xã hội nước
ngoài năng động và cởi mở hơn... Đặc trưng và động cơ đạo đức của các nhà bất đồng
chính kiến Đông Âu được gợi hứng một phần từ mô hình Tây Âu..."
(ibid.,67,68).
Đối với trường hợp Ba Lan, lập luận
của Di Palma hoàn toàn phù hợp với cách giải thích thông thường về thành công
trong các cuộc vận động của KOR (1976-81), và mở rộng ra là của Công đoàn Đoàn
kết. Nó dựa trên ba thành tố cơ bản: sự sụp đổ của hệ thống, sự tìm kiếm con đường
giải phóng về đạo đức -nhận thức của công chúng, và khả năng đáp ứng sự tìm kiếm
này của KOR (Flam 1996).
Tuy nhiên, Tây Âu không chỉ là một
xã hội tham chiếu cho đối lập Ba Lan -tập hợp quanh KOR- ở thời kì đầu, như Di
Palma lập luận, mà còn là một trong những cột trụ quan trọng nhất về bản sắc của
nó, được ôm ấp và vun đắp nhiệt thành. Các lãnh tụ đối lập đã cách điệu phong
trào đối lập như là hiện thân của cac giá trị và bản thân họ như là người mang
trong mình các giá trị nhân văn chung của thế giới -tức là các giá trị "được
văn minh hóa" của Tây Phương. Họ định nghĩa đối thủ của họ -nhà nước toàn
trị xấu xa- như là lũ mọi rợ chuyên quyền. Chính cách định nghĩa về bối cảnh [đấu
tranh] như vậy đã cho phép phe đối lập có thể xây dựng hình ảnh mình như là một
chiến sĩ anh hùng tranh đấu cho các giá trị đạo đức cao quý.
Các lập luận của Di Palma chỉ
đúng với Đông Đức một phần mà thôi. Sự phá sản về vật chất -nếu không kể mặt đạo
đức- của đất nước đã trở nên hiển nhiên với tất cả mọi người muộn nhất là trong
những năm 80, nhưng trái ngược với những người đồng nhiệm ở Ba Lan, nhà cầm quyền
Đức không bao giờ từ bỏ vị thế cứu rỗi của mình: họ không từ bỏ độc quyền trong
việc diễn giải chính trị, và cũng chẳng từ bỏ xác quyết về tính bất khả chiến bại
về nhận thức của mình. Họ tiếp tục tin vào quyền thống trị của mình. Những người
trong bộ máy không bao giờ công khai đặt dấu hỏi về đức tin này: ba hay bốn thế
hệ những đối tượng được đưa lên địa vị cha mẹ dân - nếu không chỉ đồng thời nắm
vai trò then chốt, vận hành và liên kết [trong hệ thống]- khi đối mặt với một
chính thể tưởng chừng bất tử, vẫn thích giữ một giấc mơ cộng sản úa tàn.
Theo quan điểm của Di Palma, bất
đồng chính kiến không thể, hoặc ít nhất là đáng ngờ rằng họ có thể, xuất hiện
trong những hoàn cảnh như vậy. Khi mà các nhà thống trị tự huyễn đến mức không
hề nghi ngờ về quyền được độc quyền cai trị của mình, Di Palma nói với chúng
ta, những thần dân không chịu thừa nhận quyền thống trị của kẻ thống trị sẽ
không vì thế mà thách thức nhà thống trị; thay vào đó, họ đang xét lại chính họ"
(ibid 56). Nhưng [nếu có thì] tại sao bọn thống trị kiêu ngạo lại tạo ra được sự
đuối lý và tính dễ bị bác bỏ nơi các nhà bất đồng chính kiến? Chính vì sự sẵn
lòng chơi trong một trò chơi "như thể" do Đảng sắp đặt của những người
trong bộ máy và dân chúng đã tạo ra hiệu ứng này (Kusy 1985, 163-65). Đáng chú
ý là ở Đông Đức, chỉ có vài nhà bất đồng chính kiến phủ nhận thẳng thừng dự án
xã hội chủ nghĩa hay quyền thống trị của SED. Trái ngược với nhiều người dân
Đông Đức đem các đại diện của Đảng ra làm trò cười, những người bất đồng chính
kiến luôn coi trọng Đảng và luôn đối mặt với người thống trị họ -bằng các
phương tiện như những lá thư nghiêm túc và tôn trọng, các thỉnh nguyện thư,
kháng thư, các đêm đốt nến và tuần hành- với một loạt các vấn đề xã hội nóng bỏng.
Họ muốn cải cách.
Các nhà bất đồng chính kiến Đông
Đức tạo ra một tiểu-văn-hóa trong đó, thay vì thể hiện một "tình yêu"
bắt buộc, người ta có thể chỉ trích công khai các "phụ mẫu" cứng nhắc
của nhà nước. Tuy nhiên, tương phản với phe đối lập Ba Lan -và trái ngược với
luận đề của Di Palma, họ không chống lại tính Đông phương của nhà nước mình bằng
mô hình Tây phương. Thay vào đó, họ thể hiện sự cam kết chặt chẽ với nền dân chủ
tham gia. Điều này cho họ một vũ khí tự vệ đa năng. Đóng vai trò như một lý tưởng,
nó đáp ứng trực tiếp nhu cầu khẩn thiết về quyền tự quyết của cá nhân và nhóm;
nó cũng tạo thành một hình ảnh đối ngược với [tập đoàn] nhà nước-đảng trung
ương tập quyền, kiểm soát mọi mặt và bóp nghẹt đổi mới của Đông Đức. Cuối cùng,
nó thống nhất các nhà bất đồng chính kiến Đông Đức, không phải với phương Tây
tư bản chủ nghĩa mà họ phủ nhận, mà với những nhà bất đồng chính kiến của Tây Đức
mà họ ngưỡng mộ.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu họ bênh vực
mạnh mẽ hình thức dân chủ đại diện, thay vì hình thức [dân chủ] tham gia như những
người đồng chí của họ ở Ba Lan và Tiệp Khắc, thì họ có tạo ra được một hình ảnh
đỡ không tưởng, ấu trĩ và hoang đường -trong cả những năm 80 lẫn trong năm kế
tiếp tháng Mười 1989- giai đoạn quyết định mà ở đó tương lai của CHDC Đức được
định đoạt -hay không?. Các đám đông được vận động đã chống lại những nhà bất đồng
chính kiến và các đề xuất của họ. Như các cuộc điều tra dư luận trong giai đoạn
này chứng tỏ, công chúng mong muốn các thể chế đã được thử nghiệm và kiểm tra
-họ muốn thống nhất với nền kinh tế thị trường và nền dân chủ của Tây Đức: cuối
cùng thì không phải là nhà-nước-tuyệt-đối mà là công chúng bỏ phiếu đã phản bác
lại những nhà bất đồng chính kiến.
Tính liên tục
giữa các thế hệ: chuyển giao các giá trị, địa vị và quyền lãnh đạo
Nhiều thế hệ đã đến với nhau để tạo
thành lực lượng đối lập ở Ba Lan. Mặc dù rất nhiều các trí thức-trước-chiến-tranh
bị tiêu diệt trong hoặc ngay sau chiến tranh, nhiều người đã sống sót và chiếm
các vị trí quan trọng trong các trường đại học và [bộ máy] Đảng, và truyền lại
cho những người kế tục lập trường [tư tưởng] các giá trị mà họ ấp ủ.
Địa vị xã hội chính thức và vị thế
đối lập [của các cá nhân] được kết hợp lại để xây dựng nên một trật tự địa vị
xã hội giữa các thành viên đối lập. Ví dụ, những người có thể được gọi là
"Điển hình" là những người có vị trí xã hội cao nhất vì tuổi tác, các
thành tựu nghệ thuật hay tri thức, vị trí nghề nghiệp cũng như lòng dũng cảm và
đạo đức mà họ đã chứng tỏ -và phải nhấn mạnh là- liên tục ít nhất từ khi Thế
chiến II bùng nổ (Flam 1996, 110, 115). Họ đủ quyền lực để đề cử những người kế
nhiệm.
Khi KOR được thành lập vào năm
1976, mọi nỗ lực đều nhằm lôi kéo những người giữ địa vị xã hội cao nhất vào
làm thành viên sáng lập của nó. Tuy nhiên cho đến thời điểm đó, một số các nhà
phê phán chính quyền trẻ hơn, như Adam Michnik -người đã đặt tên cho những người
xét lại lỗi lạc là "bọn luồn cúi" trong những năm 60- đã gia nhập
cùng bậc thang địa vị với các đồng nghiệp già hơn. Nhiều bạn bè của họ-những
người vốn trước đó hoàn toàn không có chút uy tín nào- cũng thăng tiến nhanh
trong bậc thang địa vị.
Không chỉ riêng các "Điển
hình" mà còn vô số các câu lạc bộ chính trị đã đóng vai trò quan trọng như
là những "người gác cổng" và những thế lực nuôi dưỡng các trí thức bất
đồng. Trong những thập niên 70 và 80, như trong một phân tích của mình, Helmut
Fehr (1992, 85-93, 103-105) đã sử dụng Warsaw như là một ví dụ, và chỉ ra rằng
đối lập Ba Lan cũng tổ chức các hoạt động của nó thông qua vô số các câu lạc bộ
chính trị. Đại đa số các câu lạc bộ này có số lượng thành viên rất nhỏ, từ 8-12
đến khoảng 60 người. Các câu lạc bộ này giúp các nhóm khác xác định mục tiêu và
hệ giá trị bất kể các nhóm đó có mâu thuẫn với nhau hay không, cho dù có một thực
tế là một số người tham gia đồng thời nhiều ủy ban của các câu lạc bộ này. Mỗi
nhóm nuôi dưỡng một lối sống, lối suy nghĩ và khái quát vấn đề riêng với mục
đích cuối cùng là chạy đua để giành lấy vị trí tinh hoa (elite status). Chức
năng gác cổng có hình thức là rà soát và thử thách các thành viên đối lập có
tham vọng trước khi họ được nhận vào [lực lượng đối lập]: sự chấp nhận thường
bao gồm quyền truy cập ưu đãi vào, hoặc có một vị trí năng động trong các ấn bản
của câu lạc bộ và ban biên tập của nó. Sự chuyển giao các giá trị, địa vị và
vai trò lãnh đạo nói chung vẫn thường được nhìn nhận là đã diễn ra êm thấm. Cho
dù sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo đôi khi gây chia rẽ trong số những thế hệ và
nhóm người trẻ tuổi, thực tế là đã không xảy ra bất cứ một cuộc khủng hoảng
nghiêm trọng nào cho đến khi chế độ đã hoàn toàn sụp đổ.
Chiến lược đấu tranh bằng cách tập
hợp những nhân vật lỗi lạc vào trong các ủy ban hoặc các ban biên tập dựa trên
giả định -về nguyên tắc là đúng- rằng ngay cả nhà nước cộng sản cũng không thể
miễn nhiễm với ảnh hưởng của sự kiệt xuất cá nhân, cái mà vì thế có thể được
tích hợp vào để chính nghĩa hóa (legitimize) các tổ chức đối lập và các hoạt động
của nó vừa để chiến thắng nhà cầm quyền, đồng thời để huy động quần chúng. Nó
cũng được dùng để cứu các nhà hoạt động trẻ hơn trong những lúc họ cần.
Tuy vậy, điều này hàm ý rằng,
chính nhà nước-đảng, [hay chính xác hơn là] thái độ và các tiêu chí của nhà cầm
quyền về sự lỗi lạc, là tham số quyết định trong phương trình: như một nhà bất
đồng chính kiến Đông Đức, người đã trải qua 401 ngày trong xà lim biệt giam
trong những năm 75, 76 trước khi quyết định di cư, đã nói trong một cuộc phỏng
vấn mà tôi thực hiện để thu thập tư liệu cho nghiên cứu của mình: "Tôi nhận
ra rằng điều này không có ý nghĩa gì hết... Tôi hoàn toàn không có cái đặc quyền
mà họ [Robert Haveman và Wolf Biermann] có; Tôi không được biết tới ở Tây
Phương. Tôi không có một người cha chống chủ nghĩa phát-xít. Không có cái gì bảo
vệ tôi cả. Họ có thể giết tôi như giết một con giun trong xà lim của họ, bởi vì
cũng chẳng có ai quan tâm đến việc này... Hai Người Vĩ Đại ấy, họ là sự che chở
đáng kể... nhưng ngay cả điều này cũng không lấy gì làm chắc chắn... Ở trong hệ
thống Miền Đông này, thì ngay cả Gandhi hay Martin Luther King có lẽ cũng không
làm nên nổi tên tuổi. Cần phải có một quan niệm công bằng thì mới để một người
như Gandhi bước vào thế giới, đúng vậy không? Người ta thậm chí không thể trở
thành thánh tử đạo dưới chế độ XHCN. Đó là lý do tôi nói: "Tôi muốn [hoạt
động] từ bên ngoài, từ phương Tây". Và tôi đã làm điều tôi nói". [3]
Ở Đông Đức, có thể chính vì lý do
này mà "một điều gì đó thiếu hụt... một thế hệ... bị mất". Các nhà bất
đồng chính kiến rất trẻ chiếm đa số áp đảo: tuổi trung bình từ 23 đến 35; và
các nhóm với tuổi trung bình thấp hơn lại chiếm đa số áp đảo (Findeis et al,
1994, 100, 117, 128, 193). Vì cấu trúc phi tập trung, đòi hỏi về dân chủ tham
gia, và tính sự vụ của nó, phong trào Đông Đức trẻ giống các phong trào xã hội
"mới" của phương Tây hơn là những người đồng chí của họ ở Đông Âu. Cấu
trúc tuổi cũng ngăn cản việc truyền thừa các giá trị. Những người tìm kiếm quyền
lãnh đạo phải cạnh tranh với những người ngang hàng mà không có sự ủng hộ quan
trọng nào từ thế hệ già hơn. Cạnh tranh giữa những người trẻ tuổi cùng thế hệ
[đã diễn ra một cách] hầu như không được kiểm soát và luôn đi kèm với việc
khăng khăng đòi duy trì tính độc lập cục bộ. Vì cả hai lý do trên, đã không xuất
hiện các lãnh tụ được mọi người thừa nhận rộng rãi, và cũng không tồn tại một
cương lĩnh chung. Nhiều nhóm cục bộ vẫn tiếp tục đấu tranh trên các lĩnh vực sự
vụ cụ thể: "Cuối cùng thì bọn họ vẫn bận rộn với các cuộc cãi lộn đáng
thương hơn là với các chiến lược quan trọng. Nhân tiện, theo cách nhìn của tôi
thì đây là khác biệt cơ bản với [phong trào] Ba Lan... Trừ Wolfgang Templin,
tôi không thể tìm ra một người nào khác biết suy nghĩ một cách thông minh nữa...
Một thế hệ già của các nhà bất đồng chính kiến chỉ đơn giản là đã bị mất...
Không một nhóm [đơn lẻ] nào có thể kết hợp được những tri thức đã tích lũy [về
các vấn đề, về đất nước]... Tôi nhận ra tôi cô đơn đến mức nào... một cái gì đó
đã mất, một thế hệ để hợp tác cùng đã mất" (Phỏng vấn của tác giả).
Không ai bước lên trước để tổng hợp
hàng tá vấn đề -mà các nhóm cục bộ đưa ra- để hình thành một cương lĩnh [chung]
duy nhất. Sau cái chết của Havemann năm 1982, khoảng chân không tri thức bị mở
rộng: "Chúng tôi không có lãnh tụ. Mong muốn đạt được sự ghi nhận của công
luận, chúng tôi luôn cố thu nhận các trí thức xuất sắc như Stefan Heym hay
Christa Wolf. Nhưng họ luôn từ chối". (Phỏng vấn với Poppke 1995, 72). Các
nhà bất đồng chính kiến quan trọng kết tội tình trạng thiếu vắng các nhân vật
lôi cuốn và có sức thu phục như Václav Havel -một vấn đề được cảm nhận rất rõ
trong suốt giai đoạn huy động quần chúng giữa mùa thu 1989 (xem các phỏng vấn với
Dusdal và Mehlhorn trong Findeis et al. 1994, 73, 166). Không ai có đủ vị trí
quốc tế, sự toàn diện về đạo đức và trình độ tri thức nổi lên từ các thang bậc
của giới trí thức.
Báo chí độc
lập như là trường đào luyện và băng chuyền tới báo chí chính thức
Cả Reader (1987, 10, 21-29) và
Jacoby (1987, 7, 14, 19) chỉ ra rằng nhiều trí thức vĩ đại trong thế kỉ của
chúng ta đầu tiên đã mài dũa các kĩ năng của họ từ -đôi khi còn sáng lập ra-
các báo độc lập ở Paris và New York. Các báo này đào tạo ra những cây bút xuất
sắc; nhờ đó mà giới báo chí chính thức -ít nhất trong một thời gian- đã tuyển dụng
một cách hiệu quả.
Ở Ba Lan, phong trào samizdat lớn
nhất trong khối Xô-viết phát triển, hầu hết -nhưng không phải là hoàn toàn- nằm
dưới sự bảo trợ của KOR và sau này là KSS 'KOR' (Skilling 1989, 22-24; Friszke
1994, 424, 441). Nó sớm được biết đến như là "vòng mạch (circuit) độc lập"
hay "thứ hai". Các cánh tay vươn dài của nó đã thâm nhập vào các nền
kinh tế "thứ hai" ở nội địa và phương Tây. Nó xuất bản các ấn phẩm
như báo, tuần san, quý san và sách in mà số lượng lưu hành từ hàng trăm đến
hàng ngàn ấn bản (Kubik 1994, 160-61). Hầu như tất cả các nhóm thuộc KOR đều ra
báo và tổ chức việc xuất bản riêng (Friszke 1994, 427; Kubik 1994, 155-57;
Skilling 1989, 22-24).
Hoạt động xuất bản, song song với
việc tạo ra uy tín xã hội, còn đào luyện ra một số lượng lớn các cá nhân có kĩ
năng báo chí và biên tập. Chúng cũng buộc người [tham gia] phải phát triển kĩ
năng tổ chức: con người và các nguồn lực phải được tập hợp trong mạng lưới in ấn
và phân phối bí mật. Sự cách biệt giữa mạch "thứ nhất" và "thứ
hai" hầu như biến mất vào giữa những năm 80. Các tài năng và sự nghiệp ở mạch
này có thể có giá ở mạch kia.
Samizdat Ba Lan có thời kì tiền sử
lâu dài. Trái ngược với đồng nhiệm của nó ở các nơi khác trong vùng, Đảng Cộng
sản Ba Lan củng cố sự thống trị của nó bằng cách giải phóng trên thực tế [các
kìm kẹp đối với phe đối lập] vào năm 1956. Trong cuộc tìm kiếm tính chính đáng
(Pakulski 1990), giới lãnh đạo mới của Đảng cho phép thành lập nhiều tổ chức và
thiết chế bán-độc-lập. Những tổ chức và thiết chế này đã trở thành hạ tầng cơ sở
cho những người bất đồng chính kiến, cho dù chỉ sau đó một năm, đảng đã tiến
hành giải tán một số tổ chức như vậy và định kì gây sức ép hoặc thắt chặt sự kiểm
soát với các tổ chức còn lại. Mặc dù không phải tất cả cái gọi là "những
thành quả tháng Mười" đều được bảo vệ [nhưng] "Chủ nghĩa Stalin đã
không trở lại". Đảng đã chấp nhận cho tồn tại với một số lớn các hoạt động
phi chính thống trong lĩnh vực văn hóa, và thậm chí khi bị khiêu khích trực tiếp
thì Đảng cũng chỉ khuất phục các trí thức bằng cách hình thức cưỡng bức tương đối
nhẹ nhàng. "Các thành quả tháng Mười" đặt quan hệ của Đảng với các
nhà phê phán xét lại trên một con đường phát triển rất khác với các nước khác
thuộc khối Đông (Hirszowicz 1986, 61-63.; Flam 1998) Một số lượng đủ lớn các hiệp
hội của các văn nghệ sĩ, tổ chức giáo dục, hội sinh viên, câu lạc bộ thảo luận,
các ban biên tập của các ấn bản tuần san và nguyệt san đã đoàn kết lại, họ cảm
thấy an toàn tới mức có thể dung nạp các trí thức bất đồng chính kiến vào những
năm 60. Mặc dù biện pháp đàn áp năm 1968 là một bước lùi quan trọng, toàn bộ hạ
tầng thể chế này, cũng như môi trường xã hội hỗ trợ cho nó đã xoay xở để giáo dục
và bảo vệ các thế hệ đối lập tương lai: "Sự hỗ trợ từ môi trường này luôn
tồn tại... Mỗi người đều cố gắng tự gắn mình với nó. Đối lập ngầm, và vào một số
thời điểm nhất định về sau là đối lập chính trị, luôn tồn tại tích cực, tự
thành lập các nhà xuất bản, bởi vì khi đó đã có đủ số người để tạo ra một...
môi trường rộng rãi" (phỏng vấn của tác giả).
Từ khi hạ tầng cơ sở cho bất đồng
chính kiến xuất hiện, việc phát biểu các chính kiến bất đồng, trao đổi ý tưởng
và xây dựng các mạng lưới mới trở nên dễ dàng hơn. Có thể lập luận rằng vì bối
cảnh thể chế này mà giới trí thức Ba Lan sẵn sàng phản kháng hơn, và cũng cởi mở
hơn với quan niệm về huy động quần chúng. Sự xuất hiện của KOR đồng thời báo hiệu
và gia tốc sự trỗi dậy của xã hội "dân sự" hoặc "thứ hai",
cái mà đến lượt nó lại thúc dẩy sự mở rộng một cách đều đặn hơn nữa các hoạt động
xuất bản ngầm (samizdat). Hạ tầng của bất đồng chính kiến do Đảng kiểm duyệt
-và đôi lúc siết chặt- là trường đào luyện thứ nhất (cùng với samizdat là trường
đào luyện thứ hai) ra các trí thức bất đồng.
Trường hợp Đông Đức khác đáng kể
so với Ba Lan. Năm 1956, số lượng các "nhà xét lại" trong đảng không
nhiều, và số các cơ quan mà họ làm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay (Fricke 1984,
117-28, esp. 128). Họ không bao giờ cố gắng thoát ra khỏi sự cô lập về xã hội của
mình. Trong những năm 53 và 56-57, không một liên minh nào được hình thành giữa
các trí thức phê phán-đối lập trong Đảng và những bộ phận bất bình trong xã hội
(Meuschel 1991, 32). Như Meuschel (1991, 29-32)và Köpke (1982, 108-10) lập luận,
những trí thức này không tin tưởng ở quần chúng, những người mà họ cho là đã từng
ủng hộ phát-xít. Họ muốn tìm cách cải tạo quần chúng cả về chính trị và đạo đức.
Thái độ này đã ngăn cản khả năng liên kết với công nhân để chống lại quyền lãnh
đạo của SED, thậm chí chỉ để có các cải cách khiêm tốn. Ulbricht đáp lại khúc dạo
đầu phi Stalin hóa của các trí thức trong đảng -vốn bị cô lập- bằng bắt giữ,
xét xử, các án tù dài và cách chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ và nhịp nhàng.
SED củng cố quyền lực trong của mình năm 1956 không phải bằng việc tự do hóa
[các hoạt động đối lập], mà bằng bịt miệng các nhà trí thức phê phán của nó.
Các tổ chức có thể làm hạ tầng cho bất đồng chính kiến vốn đã ít ỏi cũng bị
ngăn chặn không thể thực hiện được vai trò này. Cũng như ở Tiệp Khắc, đảng củng
cố vai trò của nó thông qua đàn áp và thanh lọc. Điều này đã đẩy CHDC Đức vào
con đường phát triển hợp pháp hóa sự đàn áp, hoàn toàn khác với con đường của
Ba Lan.
[Tập đoàn] đảng-nhà nước đàn áp
các nhà phê phán trung-thành-với-chế-độ và các samizdat của thời kì giữa và cuối
thập niên 60, và của thời kì rất sớm và cuối của thập niên 70. Những người
trong cuộc tin rằng các samizdat bắt đầu thu được ảnh hưởng thực tế chỉ từ khoảng
1987. Ngay cả khi đó, thì quy mô của nó cũng quá nhỏ bé so với các samizdat của
Ba Lan. Trong Cục Lưu trữ các Phong trào Công dân ở Leipzig, người ta chỉ sưu tập
được có sáu tạp chí ngầm khác nhau.
Khác với Ba Lan, các samizdat và
tranh luận nhà thờ ở Đông Đức tạo thành một trường đào luyện chỉ cho một vài
người. Phần lớn xã hội đều không biết đến cả các samizdat lẫn các sản phẩm liên
quan đến nhà thờ. Hơn nữa, sự chia rẽ giữa chúng [các ấn phẩm chui] và các ấn bản
hợp pháp là tuyệt đối, do vậy chúng không thể phục vụ như là nguồn động lực cho
các sự nghiệp công cộng hay nghệ thuật hợp pháp.
Bản sắc về
chính mình
Cảm giác xa lạ hóa hoặc việc hình
thành một khoảng cách ở mức cần thiết với xã hội thường được coi là yếu tố tiên
quyết và cũng là điều kiện để trở thành một trí thức. Cảm giác xa lạ hóa này, đến
lượt nó, lại thường được gắn liền với việc tự khẳng định về độc quyền chân lý.
Mannheim (1936, 155-64) và một số người khác cho rằng chỉ có trí thức mới có được
cái nhìn chính xác, khách quan và khái quát về xã hội vì bản chất "trôi nổi
tự do" của anh ta - một trạng thái thoát khỏi những ràng buộc về thể chế
hoặc thành phần giai cấp.
Ít ai chỉ ra rằng các trí thức
trôi nổi tự do đôi khi cũng đã tìm cách thoát khỏi trạng thái li thân với xã hội
của mình bằng cách cổ vũ cho những lợi ích xã hội rộng hơn của giai cấp lao động,
của xã hội, của dân tộc, các trào lưu xã hội, các nước đang phát triển và vân
vân. Xoay quanh mục đích của bài viết, cần thấy một hiện tượng thú vị hơn là
nhiều trí thức còn có cảm nhận rằng mình thuộc về một nhóm hẹp hơn nhiều: một
thế hệ hoặc một nhóm trí thức tinh hoa. Loại thứ hai chính là suối nguồn chính
cho sức mạnh đạo đức và trí tuệ của họ. Tiểu luận này sẽ làm soi rọi vấn đề tại
sao phong trào bất đồng chính kiến ở Đông Đức - đối lập với ở Ba Lan - lại
không tạo ra được một trí thức vĩ đại nào.
Nhiều nhà đối lập có học vấn ở Ba
Lan đã tìm cách tự đào luyện mình trở thành một trong những trí thức Âu châu -
Tây Âu, với một số ít ngoại lệ Đông Âu - nổi bật nhất, những người suy tư sâu sắc
về các vấn đề xã hội và đạo đức của thời đại và bảo vệ "những giá trị cơ bản
của con người trước những nguy cơ hiện đại" (Sicinski 1991, 6-7). Đối lập
Ba Lan tự cách điệu mình thành người lính gác anh hùng của sự thuần khiết đạo đức
và toàn thiện trí tuệ, đồng thời tự trao cho mình độc quyền về chân lý và đạo đức
vượt trội, chống lại những tuyên bố ngày càng hụt hơi của nhà nước cộng sản Ba
Lan. Sự giao lưu với "Tây phương" - hoặc trực tiếp hoặc thông qua các
trung gian là cộng đồng những người tị nạn chính trị có cảm tình - đã duy trì
được hạt nhân của đối lập Ba Lan, cả về khía cạnh tài chính và tinh thần, giúp
nó đạt được địa vị tinh hoa trong lòng dân tộc và trong cộng đồng quốc tế, đồng
thời nâng cao hình ảnh về bản thân của các trí thức.
Lực lượng đối lập vượt qua những
lo lắng sinh tồn của chính mình và cảm giá li thân với xã hội thông qua một con
đường khác. Từng bước một, nó đã hình thành những đường nét của một thang bậc
xã hội đảo ngược (Flam 1996, 115). Trên cùng là các "Mẫu mực" được
tôn vinh, họ có trách nhiệm cập nhật bảng danh dự và toả ra vầng hào quang để
những người đối lập trẻ tuổi có thể tắm mình trong đó. Với 3 nhóm còn lại,
chúng ta có thể tạm gọi là "nhóm thoả hiệp", "nhóm cơ hội"
và "nhóm đào ngũ" - lực lượng đối lập từ lâu đã dành cho họ những ác
cảm.
Cấu trúc của lực lượng đối lập ở
Ba Lan giúp tăng cường sự toàn vẹn mang tính biểu trưng và sự cộng hưởng về mặt
xã hội, khác rõ rệt so với lực lượng đối lập ở Đông Đức. Ở Ba Lan, đầu tiên là
KSS "KOR", sau đó là Công đoàn Đoàn kết thống trị cục diện đối lập về
tổ chức, nguồn lực và các mặt khác. Những thành viên dẫn đầu của các phong trào
này có khả năng phát ngôn từ những vị trí nổi bật và do đó có cơ hội cực tốt để
đạt được một số ảnh hưởng xã hội. Mục đích tìm kiếm nền tảng chung mà các nhà đối
lập tự định ra cho mình đã tạo ra sự giao lưu tư tưởng và nihều vòng tranh luận,
làm cơ sở cho hầu như mọi ấn bản được lưu truyền, các thỉnh nguyện thư hoặc các
kháng thư mở. Mục đích này và việc thực thi nó đã nâng tính trừu tượng trong thảo
luận lên ít nhất một bậc. Một trong những nền tảng tư tưởng chung đó là tuyên
ngôn KSS ‘KOR'. Tuyên ngôn này đã miêu tả những căn bệnh hiện thời của Ba Lan
và xác định rằng chủ nghĩa toàn trị chính là nguyên nhân. Văn bản này đã trình
bày mục đích của KOR là đạt được đầy đủ các quyền dân sự và quyền con người ở
Ba Lan.
Ngược hẳn với những người đồng
chí Ba Lan, những người bất đồng chính kiến ở Đông Đức không thấy rằng họ có thể
vai kề vai với các trí thức Âu châu. Họ khiêm tốn, thậm chí tỏ ra khúm núm và
thường nhìn về phía đông "khi tôi còn 18 tuổi, tôi không được chính trị
hoá như Michnik. Ừ mà ngay cả ngày nay tôi cũng [không dám] tự so sánh mình với
Michnik, xin Chúa tha tội" (phỏng vấn do tác giả thực hiện). Đối với họ,
cũng như với nhiều người Đông Đức bình thường khác, Ba Lan là "Tây
phương", mảnh đất của tự do và bất đồng chính kiến công khai. Ở nơi ấy,
người ta có thể đi nghe nhạc Jazz, xem những bộ phim, các vở kịch hiện đại và
nói chuyện chính trị một cách tự do trong các nhóm bạn, thậm chí cả ở trường đại
học. Giống như nhiều người dân Đông Đức, các nhà bất đồng chính kiến nơi đây đã
tiếp thu niềm tin về một phương Tây "xấu, đồi bại" và một phương Đông
"tốt, gương mẫu" và tạo ra một biến thể của ý tưởng này. Họ nhìn lên
Adam Michnik hay Václav Havel và ước ao có các đồng chí hoặc các nhà lãnh đạo
tương tự như vậy ở nước mình. Dần dà họ xây dựng một cộng đồng tâm linh -và hưởng
lợi từ sự giao lưu- với "phương Đông". Một cộng đồng tị nạn chính trị
Đông Đức ở phương Tây không bao giờ tập hợp lại được - chỉ có ít, rất ít cá
nhân giúp cho việc hình thành đầu cầu (cho phong trào). Cho đến giữa những năm
1980, khi các phương tiện thông tin đại chúng của Tây phương được cho phép vào
[Đông Đức] và bắt đầu đóng vai trò trung gian, lực lượng bất đồng chính kiến
Đông Đức phải tự duy trì sự tồn tại của mình mà hầu như không có một sự giúp đỡ
nào từ phương Tây.
Các nhà bất đồng chính kiến Đông
Đức cũng không mấy khi được hưởng sự tôn vinh lẫn nhau vốn rất điển hình giữa
các thành viên của các nhóm trong lực lượng đối lập Ba Lan. Ví dụ, vị lãnh tụ nổi
tiếng Barbel Bohley, người đã đề xướng Diễn Đàn Mới vào năm 1999 và "Bàn
tròn từ dưới lên" năm 1990, đã gắn kết sự ưu tú của một con người với phát
triển cá nhân, cá tính, hoặc việc đạt được một vị trí nào đó trong cấu trúc
chính thức: nhận xét về những nhà đối lập, đồng chí của mình trong phong trào Đề
Xướng Hoà Bình và Nhân Quyền (mà bà đồng sáng lập), bà kết luận rằng hầu hết
các thành viên trong nhóm không đạt được các tiêu chuẩn này. Ngay cả với những
người đạt được, bà cũng không cảm thấy phấn chấn gì hơn "Điều tôi thấy
[hơi] đáng tiếc thường là [lực lượng đối lập] không ít thì nhiều [mà về mặt xã
hội là] ngoài cuộc... Tức là họ đều bị đá khỏi các vị trí nghề nghiệp - phần lớn
do các hoạt động chính trị của họ - hoặc không được phép nghiên cứu và vì thế,
họ có nhiều vấn đề. Vì lý do này, tâm lý trại tập trung đã hình thành trong
chúng tôi... Một số vị trở nên nổi tiếng hơn vì sự phát triển, học vấn hay cá
tính của họ. Ngoài số này có rất nhiều người thường chỉ "quanh quẩn"
mà không thực sự có một đóng góp mang tính sáng tạo nào, chỉ vì họ tham gia vào
hệ tư tưởng của nhóm mà có được cái cảm giác "đối lập" (phỏng vấn với
Bohley tại Findeis 1994, 51)
Tài liệu phỏng vấn chỉ ra rằng
nhiều nhà bất đồng cho rằng cá nhân họ và những người khác là những kẻ bỏ cuộc
giữa chừng, thậm chí những kẻ thất bại. Trái ngược với những nhà đối lập Ba
Lan, họ không tạo ra một hệ thống thang bậc xã hội đảo ngược mà dựa vào đó họ
có thể tìm kiếm được sự thoả mãn, ít nhất là một vài mặt trong cuộc đời bất đồng
chính kiến của họ: thay vào đó, tiêu điểm của họ vẫn gắn chặt vào các tiêu chuẩn
chính thống về thành công (trình độ giáo dục cao, nghề nghiệp chuyên môn, nhà cửa
đoàng hoàng). Không được nâng đỡ bởi chính sự sáng tạo biểu tượng của họ (Flam
1997 và 1998), nhiều nhà bất đồng chính kiến phải đối mặt với việc ngờ vực
chính mình và sự bấp bênh mà chính quyền cộng sản đã chỉ thị cho cơ quan mật vụ
Stasi tìm cách lan truyền trong họ (Rỹddenklau 1992, 37).
Ở Đông Đức, không có một nhóm chỉ
trích chính quyền nào nắm được ưu thế. Có một ít nỗ lực nhằm tìm kiếm tiếng nói
chung hay một hình thức hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhóm phân tán, nhưng họ
thất bại (Gutzeit 1993, 89-90; Rỹddenklau 1992, 32). Những người đối lập hiển
nhiên đã nghi ngờ lẫn nhau hết sức sâu sắc, đồng thời lại yêu mến cái quyền tự
trị của nhóm nhiều đến mức họ từ chối tham gia vào bất cứ một mạng lưới đối thoại
hay cuộc tranh luận nào lớn hơn. Việc chỉ trích nhà nước SED chỉ dừng lại ở từng
điểm nhỏ, không có một nhãn quan xã hội phổ quát nào xuất hiện.
Các nhà bất đồng chính kiến Đông
Đức chia sẻ với đồng sự Ba Lan của họ sự cống hiến nhiệt thành cho các giá trị
bị đe doạ trong và do nhà nước SED, ví dụ như sự thực, tự trị, tự do ý kiến, đa
nguyên, đối thoại và v. v. Tuy vậy, họ không bao giờ xác định mình là những người
duy nhất mang các giá trị này. Trừ một ngoại lệ được biết đến nhiều nhất là Đề
Xướng Hoà Bình và Nhân Quyền, họ không khi nào đi xa tới mức trực tiếp chống lại
nhà nước hay gọi nó là toàn trị. Hầu hết trong số họ đều tiếp thu một hỗn hợp
các giá trị của chủ nghĩa xã hội và Kitô giáo (Elvers 1994, 226-27). Họ không
chấp nhận chủ nghĩa tư bản bóc lột lẫn xã hội tiêu dùng mang tính hưởng thụ và
dân chủ chính thức. Không phải việc gắn bó với nền dân chủ tư sản mà chính là
chủ nghĩa lý tưởng của họ đã khiến họ trở nên xa lạ với xã hội Đông Đức - vốn
không sống theo đúng với các lý tưởng của chính nó. Nhà nước SED gia trưởng đã
thành công theo nghĩa nhiều trong số những đứa con đối lập của nó không hoàn
toàn cự tuyệt nó, mà thay vào đó là bị thôi thúc mãnh liệt hướng tới cải cách.
Họ không khi nào đi xa tới mức thẳng thừng đưa ra tuyên bố độc quyền về sự thật
cũng như sự vượt trội về đạo đức của họ.
Sức thu hút
của trí thức và chấp nhận rủi ro
Trí thức là "các hiệp sĩ của
ngôn ngữ" và là những người ưa thích sự cái tuyệt đối (Reader 1997, 110).
Một trí thức đã đủ lông đủ cánh sẽ có sức mạnh thu hút quần chúng, bắt nguồn từ
dòng dõi lịch sử của anh ta, sự liêm chính mà anh ta thể hiện ra, kho giá trị
tích luỹ được trong giới của anh ta, và sự sẵn sàng gánh chịu rủi ro vì lời nói
của mình. Nếu nói về trí thức Pháp và Ba Lan, rất có thể là những đặc điểm này
cấu thành nên những trụ cột chính tạo nên sức thu hút quần chúng của họ (ibid.,
2-5, 86; xem thêm Jacoby 1987, 13-14, 73-77): chúng đóng vai trò như những bảo
đảm rằng các tư tưởng được tuyên truyền đều là sự thực và có giá trị.
Tôi đã phân tích, trong một bài
viết khác, tại sao và làm thế nào các trí thức đối lập Ba Lan lại dựa vào phiên
bản quá khứ "cao quý", "khoan dung", "dân chủ",
"đáng kính" và "anh hùng". Ở điểm này tôi chỉ xin được lưu
ý rằng họ tự nhận tiếp nối những danh nhân thời trước: giới quý tộc Ba Lan cấp
tiến và cởi mở cùng các hậu duệ của họ -giới trí thức- mà những đại diện của nó
đã liều mình trong vô số cuộc đấu tranh cách mạng và dân tộc, và sau đó, trong
cuộc Kháng chiến Ba Lan. Tôi cũng từng chỉ ra (Flam 1996 và 1998) rằng lực lượng
đối lập dựa vào nguyên tắc danh dự với những gốc rễ lịch sử mang tính dân tộc
và cộng sản. Nó đồng nhất việc tố giác người khác, rút lui khỏi lực lượng đối lập
và bỏ nước ra đi với sự mất mặt. Nguyên tắc này làm tăng những chi phí tượng
trưng khi hợp tác với chế độ hay rút lui [khỏi lực lượng đối lập]. Cả quá khứ
được gợi lên cùng với những phần thưởng luôn hiện hữu dưới nguyên tắc danh dự
này đã làm người ta vợi đi những lo ngại về sự ngược đãi, đem lại ý nghĩa cho
việc chịu đựng cá nhân gây ra bởi sự bắt bớ, khám nhà, tù đầy v.v.
Cương lĩnh đạo đức của lực lượng
đối lập đòi hỏi phải phát huy những phẩm hạnh như sự liêm chính, nhất quán,
tính trách nhiệm và trung thành; nó phác hoạ các thành viên đối lập như sự hiện
thân của các giá trị này, và phóng chiếu một hình ảnh tích cực về lối sống đối
lập được định hình bởi sự hi sinh cá nhân, những việc làm tốt, và một cuộc kiếm
tìm chân lý không mệt mỏi.
Cột trụ cuối cùng của khả năng hấp
dẫn quần chúng được thể hiện ở sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro và gánh chịu mất
mát vì lợi ích chung. Mọi người đều biết rằng các thành viên đối lập nổi bật đã
chịu đựng nhiều dạng đàn áp khác nhau, từ theo dõi, khám nhà, giam giữ ngắn
ngày đến cấm làm việc hoặc nghiên cứu (thường tạm thời) và tù đày dài - những
nhà hoạt động đối lập nổi tiếng nhất (như Kuroń, Modzelewski và Michnik) đã có
những hồ sơ về bắt bớ và tù tội hết sức ấn tượng. Việc sẵn sàng chấp nhận rủi
ro đã xác nhận lòng dũng cảm và sự sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân và những
tiện nghi cuộc sống hàng ngày cho niềm tin của họ. Công việc trí tuệ của họ được
tắm trong hào quang của tinh thần anh hùng.
Nói tóm lại, các trí thức đối lập
Ba Lan nổi tiếng, được nhiều người khác theo gương, đã chấp nhận những rủi ro bị
xúc phạm và trả thù. Họ chấp nhận những bản án tù dài hạn, coi đó là một phần
đương nhiên trong vai trò đối lập. Những đồng sự của họ ở Đông Đức không hẳn giống
như vậy.
Nhiều cuộc phỏng vấn với các nhà
đối lập Đông Đức cho thấy rằng đôi khi họ cũng sẵn sàng ở tù một vài năm, nhưng
đó là giới hạn: họ khá sẵn sàng đồng ý cho Tây Đức chuộc họ ra theo thoả thuận
mà hai nhà nước Đức đạt được đầu những năm 1970. Nhóm các nhà đối lập nổi bật bị
bắt vì dính líu đến cuộc biểu tình kỉ niệm Liebknecht-Luxemburg năm 1987 cũng
chọn lựa Tây Đức ngay vào thời điểm phong trào đối lập có vẻ như đoàn kết nhất
và được phối hợp tốt nhất so với trước đây.
Cả những nhà đối lập bình thường
đến những người nổi tiếng đều không có được một thế giới biểu tượng mà theo đó,
việc ở tù lâu hơn trở nên có ý nghĩa (Flam 1997 và 1998): chẳng hạn, họ không gắn
mình với khái niệm danh dự, vì khái niệm này bị tổn thương bởi nó từng liên
quan đến chủ nghĩa dân tộc Đức và chủ nghĩa Hitler. Mặc dầu vẫn có một số các yếu
tố phi cộng sản đáng trân trọng, như nhóm kháng chiến Hoa Hồng Trắng, quá khứ của
nước Đức đến với sách vở học đường phần lớn bằng cách vặn vẹo đi. Ngược với Ba
Lan, các nhà đối lập Đông Đức không công kích phiên bản của nhà nước về quá khứ
để làm nổi bật lên những ý nghĩa biểu trưng của các các yếu tố tích cực hơn
này, và vì thế không thể sử dụng được để chống lại huyền thoại chống phát-xít
mà theo đó các lãnh tụ của nhà nước Đông Đức được vẽ ra vừa là nạn nhân, vừa là
những chiến sĩ can đảm chống lại Hitler.
Giống như các đồng chí Ba Lan,
các nhà bất đồng chính kiến Đông Đức xây dựng mô hình hành động cho mình dựa
trên văn học dân tộc, tuy nhiên kho giá trị của các nền văn học này lại khác
nhau khá nhiều. Lược sơ qua lịch sử văn học Đức (Flam 1996 và 1998), có thể thấy
rằng các thi sĩ và các triết gia Đức đã tạo ra một phiên bản Đức độc đáo về các
khái niệm như lương tâm và sự khám phá chính bản thân mình, Bildungsroman (tiểu
thuyết giáo dục), mà Thomas Mann gọi là hình thức văn chương "điển hình Đức".
Với nỗ lực hợp pháp hoá sự thống trị "mang tính nhân bản" và "chống
phát-xít" của họ, chính quyền cộng sản Đông Đức chấp thuận và phổ biến rộng
rãi cả Bildungsroman và nền văn học mới hơn được xây dựng dựa trên nó. Về mặt
chủ đề, thể loại văn học này xoay quanh những cá nhân đang tìm cách sống theo
lương tâm của họ và/hoặc khám phá chính bản thân họ, một nỗ lực thường dẫn họ đến
sự xung đột với xã hội và/hoặc với nhà nước. Có thể nói đó là một nền văn học
mang trong mình hạt giống đối lập, và trên thực tế, nó là yếu tố cấu thành nên
nền tảng đối lập ở Đông Đức, như một phân tích đã chỉ ra (Flam 1996).
Ý tưởng của Đông Đức về
"khám phá bản thân" không được hiện đại như người Đức vì nó phản ánh
cái ý tưởng được thể hiện trong Bildungsroman. Điều quan trọng nhất là để tương
thích với mô hình văn học đó, một nhà bất đồng chính kiến Đông Đức điển hình sẽ
tìm thấy mình bằng cách tham gia vào, học hỏi từ và sau đó rời bỏ - trong thất
vọng - các nhóm xã hội. Không giống như các đồng sự của họ ở Ba Lan, những người
chống đối ở Đông Đức không tiến hoá cùng với các tập thể đối lập của họ, họ
cũng không gắn bó với các tập thể này suốt đời: không phải phong trào đối lập,
mà là "cá nhân hóa mang tính tư sản", theo đúng nghĩa của từ này, là
cái quan trọng đối với các nhà bất đồng chính kiến Đông Đức. Nhìn từ góc độ dự
định cá nhân, đối với họ việc ở lại một đất nước bị đàn áp hay chuồn sang Tây Đức
xét về mặt đạo đức mà nói là như nhau. Các lý tưởng tư sản dẫn họ đến với phong
trào, nhưng cũng đưa họ ra khỏi phong trào khi sức ép (lên họ - ND) trở nên thô
bạo. Như đã lưu ý từ trước, phong trào đối lập ở Đông Đức còn non trẻ; lịch sử
của nó rất ngắn ngủi - thiếu hẳn một lớp người già hơn và không đoàn kết. Những
điều kiện tiên quyết để hình thành một lý tưởng và đời sống tập thể đã không tồn
tại để giữ chân các người cá nhân chủ nghĩa non trẻ.
Phong trào Đông Đức non trẻ cũng
thất bại trong việc định hình lại những cảm giác mang nhiều tính cá nhân như sự
lo âu, sợ bị gạt ra ngoài cuộc, sự chán nản bởi thất bại. Những yếu tố này cộng
gộp lại cũng gây nguy hiểm cho bản thân phong trào. Rời bỏ đất nước chỉ là một
hình thức cực đoan của sự bất mãn. Ít nhất cũng có hai làn sóng di cư lớn - một
vào năm 1984 và một vào năm 1988 - được coi là các biểu hiện của cảm giác bất lực
dâng cao:
"[Năm 1984] những người muốn
ở lại đất nước (đều là những người - ND) đang đi tìm kiếm những động cơ hoặc
đang tìm cách tự biện hộ cho mình với một hi vọng vào sự thay đổi của GDR.
"Tôi ở hay tôi nộp đơn xin ra đi?" là một câu hỏi then chốt đối với
thế hệ chúng tôi" (In Kroh 1989, 238).
"Tôi và chồng tôi cũng thuộc
vào hàng ngũ những người do dự [trong năm 1984]. Chúng tôi tự hỏi "Liệu
chúng tôi còn có tương lai không? Liệu chúng tôi còn có hi vọng không? Các hoạt
động của phong trào hoà bình đã đem lại thay đổi căn bản nào chưa? Con trai
chúng tôi chuẩn bị đến tuổi tới trường. Tất cả những gì mà nó phải nhắm tới là
những gì chúng tôi lâu nay đã chống lại. Chúng tôi phải xoay xở thế nào đây? Nếu
vẫn tiếp tục sống như thế này có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục lo sợ triền
miên. Khả năng bị bắt... dĩ nhiên cũng phải đưa vào tính toán... Một người bạn
có quyền đứng ra chăm sóc cháu nhỏ trong trường hợp có chuyện gì xảy ra với
chúng tôi. Chúng tôi đã phải cẩn thận, giống như các nhà hoạt động khác. Bằng
cách này hay cách khác người ta có thể học để sống được với nó, nhưng chúng tôi
không muốn phải chịu đựng nó [suốt đời]. (ibid., 178)
Bất đồng chính kiến là một hiện
tượng thứ yếu và bị gạt sang một bên trong xã hội Đông Đức. Hầu hết các nhà đối
lập đều phải chịu tác động tâm lý về sự "thất bại" liên quan đến học
vấn, nghề nghiệp và nhà cửa, vốn được các cơ quan an ninh chủ ý sắp đặt. Mặc dù
có một số nhóm đối lập đã tìm cách giúp những người "lạc loài" này cảm
thấy rằng họ cuối cùng vẫn là người của nhóm, các nhóm này đã không giúp họ đối
phó với cảm xúc riêng tư về sự thất bại, với cảm nhận không có một chút quyền lực
gì về chính trị và cá nhân - vốn rất điển hình trong số những người "bỏ cuộc
giữa chừng" này. Không chỉ các nhóm địa phương, mà ngay cả các nhà lý thuyết
về bất đồng chính kiến [2] , bản thân phong trào và cuối cùng là samizdat (Flam
1997; Dalos 1989,97) - vốn nảy nở rất nhiều từ 1987 trở về sau - đều thất bại
trong việc giải quyết các vấn đề sống còn như sự bất lực, việc bị gạt ra rìa, bị
đàn áp - mà theo như các phỏng vấn được thực hiện trong khuôn khổ đề tài này đã
chỉ ra - có ở hầu hết các nhà đấu tranh và các nhóm đối lập (Flam 1997).
Kết quả của những yếu kém về biểu
tượng này là thế giới của những người bất đồng chính kiến vẫn còn nhiều lỗ hổng,
hở sườn trước hệ tiêu chuẩn chính thống. Vì vậy, trái ngược với các đồng sự của
họ ở Ba Lan, các nhà đối lập Đông Đức hoàn toàn bị phơi trần trước nỗi sợ hãi
và âu lo điển hình của hoạt động đối lập. Không được chống đỡ bởi các nguyên tắc
nhận thức và tinh thần cần thiết, nhiều người trong số họ viện đến khái niệm tị
nạn nhằm làm giảm cảm giác trăn trở của mình, và khi bị bắt, thẩm vấn, hoặc tù
đầy, họ dễ dàng rơi vào sự khiếp nhược.
Thế giới biểu trưng của những người
bất đồng chính kiến không thể đưa khái niệm khám phá bản thân qua cổng nhà
giam; ngược lại, khi cá nhân những người đối lập bị đứng trước viễn cảnh tù đầy
lâu dài, họ liền chìm ngập trong nỗi lo âu về việc các kế hoạch của bản thân, của
gia đình mà họ không thể thực hiện được trong thời gian ở tù. Một nhà đối lập
Đông Đức, vốn sẵn sàng theo đuổi dự án đầy lãng mạn về việc khám phá bản thân
và tỏ ý sẵn sàng chịu đựng sự ngược đãi của chính quyền cho mục tiêu này, khi
phải đối diện với cánh cổng nhà tù bỗng chốc trở nên một người vị kỷ duy lý.
Cái giá phải trả cho hoạt động đối lập bỗng chốc trở nên quá cao. Rút lui trở
nên hợp lý hơn. Tôi cho rằng đó là lý do tại sao có nhiều đến vậy các nhà đấu
tranh Đông Đức chọn lựa con đường rút lui. Mặc dầu họ rất ghét Tây Đức, họ chấp
nhận để Tây Đức chuộc mình ra. Các đồng sự người Ba Lan thì trái lại, cảm thấy
họ có thể thực hiện được cái dự án đầy lãng mạn và anh hùng của mình tốt như
nhau dù họ ở trong tù hay không.
Điều này đưa ta đến với câu hỏi
ban đầu về những nguyên nhân tại sao các nhà đấu tranh Đông Đức không thể thuyết
phục được cử tri về sự hấp dẫn của những dự án chính trị của họ: nếu những người
bất đồng chính kiến Đông Đức không chịu hi sinh cho chính các ý tưởng của mình,
thì liệu các ý tưởng này còn có giá trị gì? Có lẽ là công chúng cử tri Đông Đức
không ủng hộ các tư tưởng về dân chủ tham gia và kinh tế thị trường không phải
chỉ vì họ còn chưa hiểu rõ các tư tưởng này, mà còn vì họ không sẵn lòng đặt niềm
tin vào những người cổ động cho chúng.
Kết luận
Với những người tìm hiểu, mức độ
các cấu trúc chính thức tạo nền tảng cho sự kiệt xuất là một câu hỏi thú vị.
Tôi đã gợi ý rằng nhà nước, cho dù dưới hình thức người chủ lao động, nhà tài
trợ, hay đối thủ, đều đóng vai trò trụ cột trong vấn đề này. Đảng - nhà nước Ba
Lan sẵn sàng công nhận sự kiệt xuất của tầng lớp trí thức - cho dù đó là những
đối thủ của họ - hơn nhiều so với đồng nhiệm Đông Đức. Hơn nữa, nhiều trí thức
Ba Lan cũng sẵn sàng nuôi dưỡng và đề cử những người kế tục họ. Cả hai nhân tố
này đã cho phép một sự kế tục giữa các thế hệ và một sự tự bảo đảm trong cộng đồng
trí thức đối lập.
Điều này gợi ý rằng chỉ khi nào
nhà nước hay các định chế được thừa nhận rộng rãi khác - bao gồm hệ thống đại học
hoặc báo chí tư nhân - cùng sử dụng các tiêu thức về sự kiệt xuất giống như những
tiêu thức mà các trí thức sử dụng, và chỉ khi các trí thức này xác định giá trị
của việc bất đồng chính kiến vì lợi ích của chính nó, thì danh tiếng mà họ đạt
được bằng các phương pháp của riêng họ trong nội bộ của họ mới được khẳng định
và củng cố bên ngoài cái cấu trúc nội bộ đó. Hơn nữa chính các cấu trúc chính
thức đó (nhà nước, hệ thống đại học, cương vị công tác, nghề nghiệp, tạp chí,
báo, truyền thông) có thể có tác động củng cố hoặc huỷ hoại những trí thức bất
đồng chính kiến, tuỳ theo việc chúng (các cấu trúc - ND) có thể chịu đựng được
không và (nếu có thì - ND) ở mức độ nào những sự chỉ trích của xã hội. Chỉ khi
nào chúng chịu đựng được ở một mức độ nhất định - không nhiều lắm - sự bất đồng,
thì danh dự và sự nổi tiếng mới được đảm bảo cho một số ít các trí thức bất đồng.
Ngược lại, bất đồng chính kiến hoặc sẽ bị cấm, hoặc bị giảm giá trị.
Ở Ba Lan, việc đóng vai trò một
trí thức thành đạt mà không cần một cương vị công tác chính thức là hoàn toàn
có thể (Reader 1987; Jacoby 1987). Thay vì đơn thuần giải thích hiện tượng này
bằng truyền thống lịch sử Ba Lan, tôi bị lôi cuốn bởi lập luận rằng vai trò quyết
định thuộc cơ sở hạ tầng của sự đối lập và samizdat trong việc duy trì sự hiển
thị và vầng hào quang của các trí thức Ba Lan. Chòm sao quyền lực độc đáo liên
quan đến đảng - nhà nước, các trí thức và người lao động đã tạo nên một chế độ
kiên nhẫn khác thường. Vì vậy trong khoảng từ 1956 đến 1989, một mạng lưới tổng
thể các câu lạc bộ, hiệp hội nghề nghiệp và hiệp hội sinh viên, các rạp hát
sinh viên và rạp hát thường, các tạp chí và tuần báo - bao gồm các báo của Kitô
giáo (Catholic) đã xuất hiện và tương đối dễ tiếp cận đối với những người bị cấm
(hoặc cấm một phần) tham gia vào đời sống chính thức. Thỉnh thoảng chính quyền
cũng đàn áp một số tổ chức, nhưng chưa bao giờ đến mức bóp nghẹt hoàn toàn. Thế
giới chính quyền thiếu chặt chẽ và cùng với "vòng mạch thứ hai" đã
giúp duy trì lực lượng trí thức đối lập Ba Lan, không phải chỉ theo nghĩa những
trí thức này có thể nuôi dưỡng lẫn nhau thông qua thảo luận và các cuộc bút chiến
cả chính thức lẫn phi chính thức, mà còn bởi vì với sự giúp đỡ của cả hai yếu tố
này mà sự giao tiếp giữa trí thức và xã hội được duy trì.
Ở Đông Đức, các nhà đối lập - đặc
biệt là những người đã từng là các nghệ sĩ, các giáo sư thành công, hoặc đã đạt
được các danh hiệu khoa học - không thể nào duy trì được địa vị xã hội trước
đây của họ. Họ bị mất các mối quan hệ xã hội cũ, mất khả năng tiếp cận các thiết
chế chính thức và như vậy, không thể tiếp cận được với công chúng. Việc bị tẩy
chay khỏi các nhóm đồng chí - đồng nghiệp và bị loại ra khỏi các thiết chế
chính thức do sự sắp đặt của Stasi thường giết chết tinh thần (của các nhà đấu
tranh -ND) vì hầu như không có sự hậu thuẫn của xã hội, và vì thế, của
samizdat, do vậy không có các cơ hội đền bù cho tổn thất này. Cơ sở hạ tầng của
sự đối lập và nguồn lực chuyển vào từ Tây phương là hết sức bé nhỏ so với Ba
Lan. Số lượng những người đối lập tăng dần và việc hợp pháp hoá sự xuất hiện
các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây vào GDR hứa hẹn một sự thay đổi
tổng thể, nhưng các nhà bất đồng chính kiến Đông Đức đã không tận dụng được những
cơ hội mới này do khước từ vai trò hi sinh vì lý tưởng. Thay vào đó, họ đã (tự)
ra đi hoặc được Tây Đức chuộc ra.
Danh mục
tham khảo
* Dalos, Gyorgy. 1989
"Grenzfall", Umweltblatter" und die anderen: die DDR-Szene im
Selbstbildnis ihrer Veröffentlichungen". Ostkreuz. Pollitik. Geschichte.
Kultur. 93-101.
* Di Palma, Giuseppe. 1991.
"Legitimation from the Top of Civil Society: Politico-Cultural Change in
Eastern Europe". World Politics 44: 49-80
* Elvers, Wolfgang. 1994.
„Politische Einstellungen der Gruppenvertreter vor der Wende". In Findeis
et al. (1994, 222-40)
* Fehr, Helmut. 1992. „Unabhängige Öffentlichkeit und Soziale Bewegungen in Ost-Mitteleuropa". Habilitationsarbeit. Politische Wissenschaften der Freien Universität Berlin.
* ------. 1995. „Von der Dissidenz zur Gegen-Elite. Ein Vergleich der politischen Opposition in Polen, der Tschechoslowakei, Ungarn und der DDR (1976 bis 1989)."
* Fehr, Helmut. 1992. „Unabhängige Öffentlichkeit und Soziale Bewegungen in Ost-Mitteleuropa". Habilitationsarbeit. Politische Wissenschaften der Freien Universität Berlin.
* ------. 1995. „Von der Dissidenz zur Gegen-Elite. Ein Vergleich der politischen Opposition in Polen, der Tschechoslowakei, Ungarn und der DDR (1976 bis 1989)."
* Findeis, Hagen, Detlef Pollack,
and Manuel Schilling. 1994. Die Entzauberung des Politischen. Leipzig:
Evangelische Verlagsanstalt.
* Flam, Helena. 1996a. "Anxiety and the Successful Oppositional Construction of Societal Reality: the Case of KOR". Mobilization 1. (1): 103-21.
* Flam, Helena. 1996a. "Anxiety and the Successful Oppositional Construction of Societal Reality: the Case of KOR". Mobilization 1. (1): 103-21.
* ---------------. 1996b.
"Through Bourgeois Individuation to Dissent and Exit in the GDR". Bài
chuẩn bị cho phiên thường niên "Colletive behavior and Cutures of
Opposition: Recent European Collective Action", được tổ chức tại Hội thảo
Thường niên của Hiệp hội Xã Hội học Hoa Kì, New York, N.Y., 16-20 August 1996.
* ------. 1997. „Die poröse und die wasserdichte Sinnwelt der Opposition: der ostdeutsche und der polnische Fall". In Zwischen Verweigerung und Protest, ed. Detlef Pollack and Dieter Rink. Frankfurt am Main: Campus Verlag.
* ------. 1997. „Die poröse und die wasserdichte Sinnwelt der Opposition: der ostdeutsche und der polnische Fall". In Zwischen Verweigerung und Protest, ed. Detlef Pollack and Dieter Rink. Frankfurt am Main: Campus Verlag.
* -----. 1998. Mosaic of Fear.
Poland and East Germany before 1989. Bradenton FL: East European Monographs;
distributed by Columbia University Press.
* Fricke, Karl Wilhelm. 1984.
Opposition und Widerstand in der DDR. Köln: Verlag Wissenschaft und Politik.
* Friszke, Andrzej. 1994. Opozycja polityczna w PRL 1945-1980 [Political opposition in Poland 1945-80]. London. ANEKS.
* Gutzeit, Martin. 1993. „Der Weg in die Opposition. Über das Selbstverständnis und die Rolle der "Opposition" im Herbst 1989 in der ehemaligen DDR". In Politische Opposition in Deutschland und im internationalen Vergleich, Ed. Walter Euchner, 84-114. Gottingen: Vandenhoeck und Ruprecht.
* Friszke, Andrzej. 1994. Opozycja polityczna w PRL 1945-1980 [Political opposition in Poland 1945-80]. London. ANEKS.
* Gutzeit, Martin. 1993. „Der Weg in die Opposition. Über das Selbstverständnis und die Rolle der "Opposition" im Herbst 1989 in der ehemaligen DDR". In Politische Opposition in Deutschland und im internationalen Vergleich, Ed. Walter Euchner, 84-114. Gottingen: Vandenhoeck und Ruprecht.
* Hirszowicz, Maria. 1986.
Coercion and Control in Communist Society: the Visible Hand of Bureaucracy.
Brington, Sussex: Wheatsheaf.
* Jacoby, Russell. 1987. The Last Intellectuals: American Culture in the Age of Academe. New York: The Noonday Press.
* Joppke, Christian. 1995. East German Dissidents and the Revolution of 1989: Social Movement in a Leninist Regime. London: Macmillan.
* Jacoby, Russell. 1987. The Last Intellectuals: American Culture in the Age of Academe. New York: The Noonday Press.
* Joppke, Christian. 1995. East German Dissidents and the Revolution of 1989: Social Movement in a Leninist Regime. London: Macmillan.
* Kopke, Wulf. 1982.
„Antifaschistische Literatur am Beispiel Deutschlands". Propyläen Geschichte
der Literatur 90, vol. 6, ed. Erika Wischer, 97-117. Berlin: Propyläen Verlag.
* Kroh, Ferdinand, ed. 1989. Freiheit ist immer Freiheit... Die Andersdenkenden in der DDR. Berlin: Ullstein Sachbuch.
* Kubik, Jan. 1994. The Power of Symbols against the Symbols of Power. University Park, Pennsylvania: Pennsylvania State University Press.
* Kroh, Ferdinand, ed. 1989. Freiheit ist immer Freiheit... Die Andersdenkenden in der DDR. Berlin: Ullstein Sachbuch.
* Kubik, Jan. 1994. The Power of Symbols against the Symbols of Power. University Park, Pennsylvania: Pennsylvania State University Press.
* Kusy, Miroslav. 1985.
"Chartism and Real Socialism". In The Power and the Powerless:
Citizens against the State in Eastern Europe, ed. J. Keane, 152-77. London:
Hutchinson.
* Mannheim, Karl. 1936. Ideology and Utopia. New York: Harvest Books.
* Meuschel, Sigrid. 1991. „Wandel durch Auflehnung. Thesen zum Verfall bürokratischer Herrschaft in der DDR". IN Demokratischer Umbruch in Osteuropa, ed. Rainer Deppe, Helmut Dubiel, And Ulrich Rodel, 26-47. Frankfurt am Main: Suhrkamp.
* Ost, David. 1990. Solidarity and the Politics of Anti-Politics. Philadelpia: Temple University Press.
* Pakulski, Jan. 1990. "Eastern Europe and "Legitimacy Crisis". Australian Journal of Political Science 25: 272-88.
* Reader, Keith. 1987. Intellectuals and the Left in France since 1968. New York: St Martin's Press.
* Rucht, Dieter. 1996. "German Unification, Democratization, and the Role of Socieal Movements: A Missed Oppoertunity?". In Mobilization 1 (1): 35-62.
* Ruddenklau, Wolfgang. 1992. Störenfried. DDR-Opposition 1986-1989. Mit Texten aus den ‘Umweltblättern'. Basis Druck.
* Skilling, H. Gordon. 1989. Samizdat and Independent Society in Central and Eastern Europe. Columbus: Ohio State University Press.
* Sicinski, Andrzej. 1991. "Przedmowa: Humanista-pokolenie-wartosci". In Sens Uczesnictwa. Wokól idei Jana Strzeleckiego, ed. Andrzej Scinski, 5-9. Warszawa: Polska Akademia Nauk, Instytut Filozofii I Socjologii.
* Mannheim, Karl. 1936. Ideology and Utopia. New York: Harvest Books.
* Meuschel, Sigrid. 1991. „Wandel durch Auflehnung. Thesen zum Verfall bürokratischer Herrschaft in der DDR". IN Demokratischer Umbruch in Osteuropa, ed. Rainer Deppe, Helmut Dubiel, And Ulrich Rodel, 26-47. Frankfurt am Main: Suhrkamp.
* Ost, David. 1990. Solidarity and the Politics of Anti-Politics. Philadelpia: Temple University Press.
* Pakulski, Jan. 1990. "Eastern Europe and "Legitimacy Crisis". Australian Journal of Political Science 25: 272-88.
* Reader, Keith. 1987. Intellectuals and the Left in France since 1968. New York: St Martin's Press.
* Rucht, Dieter. 1996. "German Unification, Democratization, and the Role of Socieal Movements: A Missed Oppoertunity?". In Mobilization 1 (1): 35-62.
* Ruddenklau, Wolfgang. 1992. Störenfried. DDR-Opposition 1986-1989. Mit Texten aus den ‘Umweltblättern'. Basis Druck.
* Skilling, H. Gordon. 1989. Samizdat and Independent Society in Central and Eastern Europe. Columbus: Ohio State University Press.
* Sicinski, Andrzej. 1991. "Przedmowa: Humanista-pokolenie-wartosci". In Sens Uczesnictwa. Wokól idei Jana Strzeleckiego, ed. Andrzej Scinski, 5-9. Warszawa: Polska Akademia Nauk, Instytut Filozofii I Socjologii.
Nhóm Duy Tân Trẻ giữ bản quyền của
bản dịch tiếng Việt
[1]Helena Flam là Giáo sư ngành
xã hội học tại Đại học Leipzig. Các lĩnh vực nghiên cứu chính của bà là các
phong trào xã hội và bản sắc của đối lập. Các cuốn sách xuất bản gần đây nhất của
bà gồm có States and Anti-nuclear Movements (Edinburgh: Edinburgh University
Press, 1994) (chủ biên), và Mosaic of Fear: Poland and East Germany before 1989
(Bradenton FL: East European Monographs, 1998; Columbia University Press phân
phối).
[2]Những nhà lý thuyết về hiện tượng bất đồng chính kiến, ví dụ trong các bài viết của Schorlemmer, Neubert, Poppe và Falcke sưu tập lại trong Pollack (1990) cách điệu các nhóm bất đồng chính kiến như là "các nhóm không giữ im lặng" cần thiết và nên có, chịu nguy hiểm, thiếu tự tin vào mình, một cách khôi hài là"hiện thân của chân lý, hy vọng và lòng dũng cảm", "phản văn hoá", "nguy hiểm tiềm tàng", "công chúng thứ hai" v. v. Tuy nhiên những sự cách điệu này có vẻ không thấm nhuần vào trong các tiểu sử tự thuật của những nhà bất đồng chính kiến mà tôi hoặc một số vị khác đã phỏng vấn, có thể là họ đã không đả động đến các vấn đề cốt yếu về nhận thức và tình cảm mà hầu như tất cả các nhà bất đồng chính kiến phải đối mặt.
[2]Những nhà lý thuyết về hiện tượng bất đồng chính kiến, ví dụ trong các bài viết của Schorlemmer, Neubert, Poppe và Falcke sưu tập lại trong Pollack (1990) cách điệu các nhóm bất đồng chính kiến như là "các nhóm không giữ im lặng" cần thiết và nên có, chịu nguy hiểm, thiếu tự tin vào mình, một cách khôi hài là"hiện thân của chân lý, hy vọng và lòng dũng cảm", "phản văn hoá", "nguy hiểm tiềm tàng", "công chúng thứ hai" v. v. Tuy nhiên những sự cách điệu này có vẻ không thấm nhuần vào trong các tiểu sử tự thuật của những nhà bất đồng chính kiến mà tôi hoặc một số vị khác đã phỏng vấn, có thể là họ đã không đả động đến các vấn đề cốt yếu về nhận thức và tình cảm mà hầu như tất cả các nhà bất đồng chính kiến phải đối mặt.
Nguồn: http://www.vdlc.org/node/167