Giàu, Nghèo, Trung lưu!

Posted on
  • Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • BBT
    Dân giàu là một từ mà chúng ta nghe rất quen thuộc, song cụ thể dân giàu là gì thì rất khó định nghĩa. Nếu dùng chỉ số thu nhập bình quân của Việt nam mà so sánh với thế giới, thì có lẽ Việt nam dù cố gắng thế nào vẫn là dân nghèo thôi. Hơn nưa, chỉ số thu nhập bình quân theo đầu người cũng không hẳn phản ánh chính xác mức độ thịnh vượng vật chất của đa số người dân.
    Trong một đất nước với hàng triệu dân, dựa trên nền tảng tư hữu và thị trường, thì sự giàu có của mỗi người dân là rất khác nhau, có người rất giàu, có người trung lưu, và có những người lại rất nghèo. Vậy sự phân bố của cải như thế nào là tốt, như thế nào để có thể coi là ‘dân giàu’. Về cơ bản, một quốc gia thịnh vượng, ổn định, và hài hòa khi tầng lớp trung lưu chiếm đa số.
    Trong một quốc gia nếu đa số người nghèo này nắm quyền, hoặc các lãnh đạo dân túy nắm quyền thì họ thường chú trọng đến các chính sách tái phân phối tài sản, ít quan tâm đến việc bảo vệ các quyền tư hưu, tự do kinh doanh, thị trường… Họ sẽ đánh thế cao vào các doanh nghiệp sản xuất, thiểu số giàu có để phục vụ cho chính sách tái phân phối. Nhìn chung, những chính sách như vậy sẽ phá hoại nền tảng sản xuất của quốc gia, khiến quốc gia ngày càng nghèo đi.
    Ngược lại, nếu thiểu số giàu có nắm quyền thì họ chú trọng đến việc bảo vệ các quyền tư hữu, chống lại các chính sách tái phân phối. Những chính sách như vậy sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, làm cho đa số dân nghèo cảm thấy yếu đuối, bất công, và coi chính quyền như lực lượng bảo vệ cho người giàu. Với tâm lý như vậy, bất ổn xã hội rất dễ xảy ra, khi người nghèo nổi dậy chống lại thiểu số giàu có và chính quyền, nhằm xây dựng một chính quyền mà họ tin là công bằng hơn. Tóm lại, một xã hội mà chỉ gồm đa số người nghèo và thiểu số giàu có thì rất dễ rơi vào bất ổn và nghèo đói. Có rất nhiều ví dụ về điều này, như Thái lan, các nước Nam Mỹ….
    Một xã hội mà đa số là trung lưu thì họ ít trông chờ vào các chính sách tái phân phối của nhà nước. Điều mà họ cần đó là một khuân khổ pháp lý bảo vệ tư hưu, bảo vệ thị trường tự do, và cơ quan tài phán công bằng....đây cũng là điều mà nhóm giàu có cần, nên khi giới trung lưu, hoặc giàu có nắm quyền thì họ sẽ bảo vệ những điều kiện như vậy. Chính một khuân khổ như vậy làm cho họ yên tâm để theo đuổi sự giàu có cho mình. Hơn nưa, khi giới trung lưu chiếm đa số, cộng với thiểu số giàu có thì lượng thuế đánh lên đầu họ giảm bớt, vì vậy một mặt vẫn duy trì được động lực sản xuất, mặt khác có được ngân sách để hỗ trợ cho tầng lớp nghèo đói tốt hơn. Và ta thấy rằng, trong phần lớn các nước công nghiệp phát triển, thì tầng lớp trung lưu luôn chiếm đa số, và tầng lớp này cũng luôn là trung tâm trong chính sách của họ, vì họ hiểu rằng một khi tầng lớp trung lưu càng gia tăng thì xã hội càng ổn định, và thịnh vượng.
    Ở nước ta, điều này được thể hiện ở sự tương phản giữa Sài gòn và Hà nội.
    Ở Sài gòn, nhìn chung có một nền kinh tế thị trường phát triển hơn, cạnh tranh hơn, do đó, mọi người chỉ cần chăm chỉ, năng động là có thể trở nên giàu có. Ở đây, tầng lớp trung lưu và giàu có khá đông đảo, đồng thời cơ hội làm giàu luôn mở rộng cho mọi người, nên mức độ bất mãn chính trị ít hơn, đời sống ổn định hơn.
    Ở Hà nội, nền kinh tế thị trường yếu kém hơn, và phụ thuộc chủ yếu vào kinh tế nhà nước, do đó cơ hội làm giàu không mở rộng, chỉ một thiểu số có cơ hội trở nên giàu có; và vì vậy ở Hà nội có sự phân hóa giàu nghèo hơn. Nhìn chung, ở Hà nội, sự bất mãn chính trị lớn hơn, đời sống chứa nhiều bất ổn hơn so với Sài gòn.
    Tóm lại, dân giàu ở đây nên hiểu là tầng lớp trung lưu phải chiếm đa số. Chính sách kinh tế là phải chú trọng phát triển tầng lớp trung lưu, hơn là 'dân' chung chung, qua đó quan tâm quá mức đến vấn đề phúc lợi, tái phân phối...Và để làm như vậy, cần phải bảo vệ tư hữu, bảo vệ tự do kinh doanh, thúc đẩy thị trường tự do…chỉ có như vậy thì một tầng lớp trung lưu mới có thể xuất hiện.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org