Thử nhìn lại vấn đề Vốn xã hội
Phạm Như Hồ
Những
năm gần đây vốn xã hội (VXH) là một đề tài được đem ra bàn cải một cách sôi nổi
không chỉ trong giới học thuật, nghiên cứu mà cả trong không gian công cộng qua
các bài báo và bài viết trên các trang của các mạng xã hội. Điều này không hề
là một điều ngẫu nhiên và có những nguyên nhân khách quan của nó.
Tìm hiểu về khái niệm Rule of Law tại Hoa Kỳ
Đỗ Kim Thêm
Mối
quan hệ giữa Hoa kỳ và Việt Nam đã phát triển tốt đẹp qua thời gian. Hai nước
đã trao đổi nhiều quan tâm chung từ mậu dịch đến văn hoá và an ninh. Việt Nam
đã bán được nhiều nông sản phẩm và mua các mặt hàng có trình độ cao của Hoa kỳ
nhằm cải thiện phương thức sản xuất và lối sống của mình. Số lượng sinh viên
người Việt đến Hoa kỳ ngày càng nhiều để học những thành tựu khoa học mới mà
Hoa kỳ hiện nay đang còn chiếm ưu thế. Việt kiều tại Hoa kỳ đã đóng góp đáng kể
cho công cuộc đổi mới đất nước qua việc giúp đỡ thân nhân và đầu tư qui mô tại
quê nhà. Những thành tựu ngoạn mục về đổi mới kinh tế của Việt Nam được các định
chế tài trợ và doanh nghiệp quốc tế ca ngợi, nhưng cho đến nay Việt Nam đã
không có cải tổ luật pháp tương xứng như họ hy vọng. Trước những áp lực của họ
và với ý thức vấn đề thay đổi hiến pháp và tôn trọng nhân quyền của người Việt,
những thành tựu trong tiến trình cải cách còn quá ít so với sự mong đợi, dù Việt
Nam luôn đề cao vai trò nhà nước pháp quyền. Trong khi Việt nam đang tiếp tục
tìm hiểu về đất nước và con người Hoa kỳ thì một khía cạnh đặc biệt nhất là hệ
thống pháp luật và khái niệm Rule of Law lại ít được công luận quan tâm. Giới
thiệu những đặc điểm này nhằm đóng góp vào việc thảo luận chung hiện nay là mục
tiêu của bài viết sau đây.
Con đường tới nô lệ
Lê Anh Hùng dịch
Đinh Tuấn Minh hiệu đính
Tác
phẩm Con đường tới nô lệ đã làm thay
đổi hoàn toàn cuộc sống của Hayek. Trước khi nó ra đời, ông chỉ là một vị giáo
sư kinh tế không tiếng tăm. Một năm sau khi tác phẩm được công bố, tên tuổi của
ông lừng danh khắp thế giới. Con đường tới
nô lệ là công trình mà ông được biết đến nhiều nhất, và có thể sẽ vẫn tiếp
tục như vậy.
Phát biểu nhận Giải thưởng Tinh hoa Giáo dục Quốc tế - Bùi Văn Nam Sơn
LTS
- Ngày 9.1.2007 vừa qua, tại Hà Nội, đã có cuộc họp mặt kỉ niệm một năm
ngày ra mắt Nhà xuất bản Tri Thức và Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh. Nhân dịp
này, Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh đã trao giải "Tinh hoa Giáo dục Quốc tế"
cho Bùi Văn Nam Sơn, tác giả bản dịch và chú giải tác phẩm Phê phán lí tính thuần
tuý của Immanuel Kant (nhà xuất bản Văn Học, 2004). Diễn Đàn đăng dưới đây bài
phát biểu của người nhận giải. Sau khi nói tới tầm quan trọng của công tác biên
dịch các tác phẩm tinh hoa của kho tàng tư tưởng thế giới, tác giả nói tới vai
trò của Kant, nhà giáo dục.
Chủ nghĩa tự do cá nhân – Cánh hữu (Right-libertarianism)
Minh Minh dịch
Chủ
nghĩa tự do – cánh hữu gắn liền với các triết lý chính trị tự do vốn tán thành
sự tự trị cá nhân và sự sở hữu không đồng đều các nguồn lực tự nhiên, từ đó đi
đến ủng hộ mạnh mẽ cho quyền sở hữu tư nhân và chủ nghĩa tư bản thị trường tự
do. Quan điểm này tương phản với quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân – cánh tả, vốn
khẳng định rằng các nguồn lực tự nhiên thuộc về tất cả mọi người theo một số
cách quân bình, như không sở hữu hoặc sở hữu tập thể. Chủ nghĩa tự do – cánh hữu
bao gồm chủ nghĩa tư bản - vô chính phủ và laissez-faire,
và chủ nghĩa tự do minarchist (chủ trương nhà
nước tối thiểu).
Tìm hiểu về khái niệm Rule of Law của nước Anh
Đỗ
Kim Thêm
1.
Vấn đề
Từ
sự suy sụp kinh tế mà Liên Xô đã quyết định táo bạo đi theo con đường cải cách
và những thành tựu của Perestroika đã gây nhiều ấn tượng sâu xa và cũng là mô
hình cho Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi Mới. Một trong những thay đổi quan trọng
của Perestroika là du nhập khái niệm nhà nước pháp quyền (Rechtsstaatsbegriff)
của Đức. Khái niệm này là một học thuyết thuộc luật hiến pháp nhằm đề cao tính
cách tối thượng của luật pháp và hiến pháp mà chính nhà nước cũng phải tuân thủ.
Liên Xô đã vận dụng khái niệm này và dịch thành Pravovoe gosudarstvo nhưng
không cải biên.
Vì
nhiều lý do khác nhau Việt Nam đã không trực tiếp học tập kinh nghiệm của Đức,
mà lại từ Liên Xô. Việt Nam hiện nay vẫn kiên định tiếp tục theo đuổi con đường
Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN), mà trên lý thuyết là xây dựng nhà nước chuyên chính vô
sản do giai cấp công nhân lãnh đạo. Để đạt mục tiêu này Việt Nam sẽ tiếp tục đập
tan mọi thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng và phát huy nền dân chủ
nhân dân nhằm tổ chức, quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng
XHCN. Do đó, pháp chế XHCN vẫn còn là một công cụ để Đảng xây dựng nhà nước
chuyên chính vô sản. Trong chiều hướng vận dụng khái niệm nhà nước pháp quyền,
Việt Nam lại cải biên nó thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghiã (NNPQXHCN),
điều mà Đức và Liên xô đều không có trong tư duy của họ. Đáng chú ý hơn, khi giới
thiệu khái niệm NNPQXHCN, Việt Nam đã mượn thuật ngữ Rule of Law của
Anh để diễn đạt, một khái niệm được hình thành trong một bối cảnh văn hoá, lịch
sử và truyền thống luật pháp khác hẳn với Việt Nam hiện tại. Tìm hiểu khái niệm
Rule of Law và kinh nghiệm của Anh có thể giúp gì cho Việt Nam trong nỗ lực cải
cách luật pháp, đặc biệt là luật hiến pháp, đó là chủ đề của bài viết này.
2.
Thuật ngữ
Khó
khăn đầu tiên là việc dịch khái niệm Rule of Law cho chính xác trong tiếng Việt.
Thật ra, các học giả ngoại quốc đều không chú trọng vấn đề dịch thuật ngữ. Bằng
chứng là các sách giáo khoa Anh và Pháp ngữ đều giữ khái niệm Rechtsstaat của Đức
mà không dịch, cũng như sách của Đức không tìm khái niệm tương đương cho Rule
of Law của Anh hay État legal của Pháp mà chỉ diễn giải để giúp người đọc nắm bắt
vấn đề. Vì thấm nhuần văn hoá Á Đông, người Việt rất quen thuộc với khái niệm
nhân trị, pháp trị và đức trị trong xã hội quân chủ, mà lối diễn đạt này lại
còn không thích hợp trong một xã hội dân chủ, vì chữ ‘trị’ phải được hiểu hoàn
toàn khác biệt trong hoàn cảnh hiện nay. Về nguồn gốc thì Rule of Law là một học
thuyết trong luật học (legal doctrine), không phải là một quy định pháp
luật (legal rule). Do đó, chúng ta có thể tạm dịch Rule of Law là tinh
thần thượng tôn pháp luật, vì luật pháp phải được tất cả tôn trọng, dù là Đảng,
nhà nuớc hay dân chúng. Bài viết này, theo kinh nghiệm học giới phương Tây, đề
nghị giữ nguyên khái niệm Rule of Law để thảo luận nội dung hơn là đi vào chi
tiết của vấn đề thuật ngữ.
3.
Truyền thống tôn trọng luật pháp
Albert
Venn Dicey, nhà luật học Anh là người đầu tiên đã giới thiệu và triển khai khái
niệm Rule of Law trong tác phẩm Introduction to the Study of the Law of
Constitution of 1885. Trong tác phẩm này ông đã mô tả hệ thống hiến pháp nước
Anh và đề ra những nguyên tắc chung của luật hiến pháp. Cho đến nay học giới đã
xem đây là tác phẩm kinh điển cho việc nghiên cứu luật hiến pháp nói chung và học
thuyết Rule of Law nói riêng. Nói như thế không có nghĩa là xác định rằng Rule
of Law được hình thành vào thế kỷ XIX mà thật ra nó đã có một lịch sử lâu đời.
Do đó cần phải tìm xem khái niệm này hình thành từ lúc nào.
Ý
kiến thứ nhất của nhiều học giả đều đồng ý rằng lịch sử về chủ thuyết hiến
định tại Anh (English constitutionalism) là khởi điểm cho khái niệm Rule
of Law. Dù là một khái niệm bất thành văn nhưng nó đã được thể hiện qua các văn
kiện luật pháp làm nền tảng cho luật hiến pháp tại Anh. Các văn kiện này là Magna
Charta, Petition of Rights, Bill of Rights và Habeas
Corpus mà ở đây không thể đi vào chi tiết.
Nhìn
lại lịch sử Anh thời xưa ai cũng công nhận Anh một xã hội phân chia giai cấp rõ
rệt và xung đột giai cấp là chuyện hiển nhiên mà hoàng gia, quý tộc, tu sĩ và địa
chủ là những tầng lớp có nhiều ưu quyển. Đặc điểm chính này đã có ngay từ thế kỷ
XIII. Dù sống trong thể chế quân chủ các học giả nhận ra đưọc vai trò của pháp
luật làm nền tảng: tự do và bình đẳng của người dân trước pháp luật và toà án,
tất cả đều bị ràng buộc bởi luật pháp, kể cả nhà vua. Câu nói của Henry de
Bracton là một bằng chứng luôn được trưng dẫn: “Nhà vua không bị ràng buộc bởi
dân chúng, mà bởi thượng đế và luật pháp, chính vì luật pháp tạo ra nhà vua”.
Một ý tuởng khác của William Edward Hearn cũng có nội dung tương tự. Ông nói:
“Gió mưa có thể vào được mái tranh của người dân nghèo, nhưng không hề vào đuợc
thâm cung của hoàng gia, nhưng bất kỳ ngưòi dân Anh nào, dù thường dân hay quý
tộc vẫn bị ràng buộc bởi pháp luật và bình đẳng trước toà án”. Niềm tin vào luật
pháp cũng được Sir Edward Coke minh chứng. Ông nói: “Luật pháp là một thâm
cung kín đáo nhất và cũng là một phòng thủ mạnh nhất để bảo vệ nguời cô thế”.
Đây là những ý niệm chính mà sau này Ducey triển khai.
Nhưng
sự biến đổi xã hội từ thế kỷ XVII đã làm thay đổi nhiều mối quan hệ trước đây,
đặc biệt khi giai cấp thương nhân ra đời, họ trở nên giàu có và bắt đầu muốn có
thế lực. Những cải cách pháp lý đã giúp cho giới này có tiếng nói mạnh hơn chống
lại địa chủ và các giai cấp khác, mà quyền tư hữu, quyền chuyển nhượng tài sản,
quyền thừa kế và tự do kết ước là những thành tựu lớn nhất trong thời kỳ này.
Những pháp luật bảo vệ người dân trước tòa án được hình thành rõ rệt. Người dân
Anh dù bất kỳ thành phần giai cấp nào cũng được luật pháp bảo vệ. Các sử gia
hãnh diện cho rằng nước Anh là một vương quốc của luật pháp và công bình. Từ đó
khái niệm Rule of Law ra đời trong khuôn khổ của một nền tự do kiểu nước Anh (the
liberty of the English). Sự hãnh diện này có lý do của nó. Các học giả đã
chứng minh rằng từ thế kỷ XVII nước Anh hầu như không còn có việc tra tấn trong
các cuộc điều tra hình sự và hệ thống tòa án hoàn toàn độc lập với cơ quan hành
pháp. Nguyên tắc phân quyền này đã giới hạn sự chuyên quyền của cơ quan hành
pháp. Đáng kể nhất là niềm tin của dân chúng vào các hoạt động của tòa án, người
dân Anh tự hào được sinh ra trong môi trường tự do, mà hai quyền cơ bản lúc bây
giờ là tự do lập hội và tự do báo chí. Còn tự do tôn giáo thực ra chỉ có mức độ
giới hạn.
Đến
thế kỷ XVIII thì khái niệm Rule of Law đã phổ biến khi hệ thống luật pháp của
Anh đã đi vào nề nếp, nhất là khi hệ thống chính quyền dựa vào chủ thuyết hiến
định làm cơ sở nhắm vào việc bảo vệ quyền lợi người dân, một khởi điểm cho sự
phát triển dân chủ theo mô hình của phương Tây. Những người tranh đấu chống lại
bất công giai cấp trong xã hội, những người bất đồng quan điểm về tôn giáo hay
chính trị đều có quyền sử dụng những quyền tranh đấu của mình, quyền này được bảo
đảm trong khuôn khổ luật hiến pháp.
Ý
kiến thứ hai của các nhiều học giả cho rằng chính yếu tố văn hoá vào thế kỷ
XVIII là thành tố quan trọng giúp cho khái niệm Rule of Law được phát triển và
ý thức về vai trò luật pháp làm nền tảng cho việc tổ chức xã hội. Từ đó, luật
pháp trở thành một giá trị có một sức mạnh vô hình đặc biệt, dĩ nhiên nó không
phải là sức mạnh như quân đội, không cần dựa vào huyền thoại của tôn giáo,
không nhờ sự cưỡng chế về kinh tế, mà chính tinh thần tìm hiểu về công lý và
yêu chuộng hoà bình làm căn bản cho tinh thần thượng tôn pháp luật. Một hãnh diện
khác mà luật giới Anh luôn đề cập khi bàn về Rule of Law là vai trò của bộ hình
luật. Hình luật Anh rất hữu hiệu nên giúp cho xã hội Anh ổn định mà không cần đến
cảnh sát hay quân đội để lo chuyện trị an. So với các quốc gia khác tại châu Âu
trong cùng thời kỳ, thì bộ hình luật của Anh là một mẫu mực, đặc biệt là về phần
luật thủ tục tố tụng. Thí dụ như nước Pháp lúc bấy giờ vẫn có chế độ mật chỉ (lettre
de cachet), có nghĩa là bắt người không theo thủ tục và giam người vô thời
hạn mà không cần quy kết một tội danh nào. Nói như thế không có nghĩa là hình
luật tại Anh rất khoan dung, mà phải hiểu là những tiêu chuẩn quy định về thủ tục
cũng như kết án khá rõ rệt ngăn ngừa được mọi sự chuyên đoán của cơ quan hành
pháp hay những quyết định quá nghiêm khắc của tòa án. Nó đem đến một niềm tin
cho người dân một cảm tưởng về sự an toàn pháp lý.
Lịch
sử cho thấy nước Anh không phải là đất nước luôn có sự đồng thuận đầy lý tưởng
mà sự tranh chấp quyền lợi theo giai cấp đã gây ra bao xung đột thường xuyên
trong xã hội. Hoàng gia, quốc hội hay địa chủ luôn tìm cách bảo vệ quyền lợi của
giai cấp mình thông qua việc áp dụng luật pháp. Trong khi nghiên cứu cách giải
quyết tranh chấp trong xã hội các học giả đều cho rằng luật pháp chưa hề bị bẻ
gẫy để phục vụ cho bất kỳ một giai cấp nào trong suốt thời kỳ từ thế kỷ XVI đến
XVIII. Chính luật pháp đã bảo vệ tài sản của người dân tránh được sự lạm quyền
của hoàng gia và sự kiêu căng của giới quý tộc.
Dĩ
nhiên, không phải bất cứ lúc nào luật pháp cũng đem lại công bình tuyệt đối,
nhưng ít nhất sự công bình trong mọi thủ tục pháp lý cũng đem đến cảm tưởng là
người dân không bị coi là nạn nhân của bạo quyền. Giai cấp thống trị và đặc quyền
đặc lợi trong xã hội thường tìm cách hợp pháp hoá các quyền lợi của mình và tìm
cách ngăn ngừa những thế lực khác phân chia việc sử dụng những ưu quyền này.
Nhưng luật pháp đem lại một giá trị mới cho mọi ngưòi dân Anh là họ có thể hãnh
diện nói rằng mình có quyền hưởng tự do từ thuở lọt lòng (right of free borm
Englishman). Edward P. Thompson đã nhắc lại ý niệm này khi cho rằng nhà cầm
quyền, dù muốn hay không, khi tham gia vào trò chơi quyền lực, cho dù họ cố giữ
sao cho luật pháp phù hợp với quyền lợi của giai cấp của họ, nhưng điều quan trọng
là họ không thể bẻ gẫy luật pháp hay hủy bỏ luật chơi. Sir Edward Coke cũng diễn
đạt tương tự khi ông nói rằng không phải chỉ có gia cấp thống trị sử dụng luật
pháp nhằm ngăn chống mọi thứ hành sử bạo lực, (thí dụ như giam ngưòi vô cớ, sử
dụng quân đội để trấn áp đám đông, tra tấn và các phương tiện bất công khác),
mà chính luật pháp tự nó, trong chừng mực nào đó, là phương cách để giải quyết
các vấn đề xung đột giai cấp.
Thực
tế cho thấy luật pháp của Anh qua hệ thống common law được hình thành là do cả
một quá trình dài của lịch sử. Với hệ thống án lệ chặt chẽ và những luận giải
phân minh, khó mà bất cứ ai, nhân danh bất kỳ lý do gì, để có thể phá huỷ luật
pháp một cách dễ dàng. Tranh chấp về luật đất đai hay luật bảo vệ tài sản là một
thí dụ. Trước đây luật bảo vệ tài sản không quy định chặt chẻ, định nghĩa không
rõ ràng, sau này đã được sửa đổi phù hợp và đưa vào áp dụng. Các tranh chấp luật
pháp đều dựa trên những luật pháp thành văn do quốc hội thông qua và luật phong
tục được chuẩn nhận. Do đó, mọi tranh chấp luật pháp trước tòa án đều được thủ
tục hoá rất cao độ, dĩ nhiên phí tổn cho thủ tục toà án trở nên quá đắt và vấn
đề thủ tục hợp pháp trước toà án chính là điều khó khăn chủ yếu. Tranh tụng về
quyền sở hữu đất đai đôi khi lại trở thành vấn đề tranh chấp thuần về luật thủ
tục trước tòa án.
Ý
kiến thứ ba giải thích rằng chính Rule of Law đã đóng một vai trò quan trọng
trong việc hoà nhập các giai cấp trong xã hội Anh và giúp dân Anh thoát ra các
cuộc khủng hoảng sau khi cách mạng Pháp thành công. Điển hình là sư xung đột xã
hội vào đầu thế kỷ XIX. Bất công xã hội lan rộng, giai cấp thống trị đã có ý định
hủy bỏ khái niệm Rule of Law và thay đổi hiến pháp nhắm áp đặt một cơ chế cai
trị chuyên quyền bằng bạo lực. Họ đã bắt đầu đi theo chiều hướng này. Nhưng cuối
cùng họ đành phải từ bỏ ý định mà trở về con đưòng hợp pháp vì thấy rằng không
thể làm tiêu tan uy tín của chính quyền và làm lu mờ hình ảnh chính danh của luật
pháp đã hình thành trong quá khứ. Cải cách về bầu cử và mở rộng việc thăm dò dư
luận vào năm 1832 đã làm cho thanh danh của pháp luật và uy tín của nhà nước được
hồi sinh. Chính luật cải cách năm 1832 đã đem lại giá trị cho luật pháp vì đó
là một phương tiện nhằm giới hạn mọi xung đột chính trị và xã hội, và đặc biệt
hệ thống tư pháp được củng cố.
Tóm
lại, Rule of Law la một thành tựu về văn hoá và lich sử trong cả một quá trình
dài trên 300 năm mà kết quả là tất cả moị tranh chấp quyền lợi của mọi tầng lớp
hoàng gia, quý tộc, địa chủ, tá điền, công đoàn và thương giới đều được giải
quyết bằng phương tiện luật pháp. Luật pháp là một sân chơi bình đẳng mà chính
ngưòi cô thế trong xã hội cũng chấp nhận (fair play in the Rule of Law).
4.
Nội dung học thuyết Rule of Law của Dicey
Dù
Rule of Law là một khái niệm được hình thành và chấp nhận trong xã hội Anh qua
chiều dài của lịch sử nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX vẫn chưa có một học giả nào
đưa ra một ý nghĩa chính xác về Rule of Law. Thực tế thì cũng chưa có ai xác định
tầm quan trọng của chủ thuyết hiến định tại Anh và đặt vấn đề tìm hiểu tại sao
hệ thống luật tại Anh có khả năng duy trì được trật tự công cộng và quyền tự do
cá nhân trong xã hội. Dicey chính là người đầu tiên làm công việc này trong tác
phẩm Introduction to the Study of the Law of the Constitution of 1885.
Đây là một công trình mà giá trị của nó cho mãi đến nay không nhà nghiên cứu
nào có thể vượt qua và vẫn luôn là một đề tài được học giới đem ra để thảo luận.
Những
luận điểm của Dicey đề ra đã chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng của John Austin.
John Austin cho rằng để nhà nước được tiếp tục duy trì, nhà nước cần có một cơ
quan tối thượng mà quyền lực khó có thể định nghĩa trước một cách chính xác và
không thể nào giới hạn được. Khái niệm này được chấp nhận dễ dàng trong công luận,
bởi vì nội dung khái niệm quyền tối thượng này chỉ hầu như lập lại những nguyên
tắc hợp hiến đã có trước đây. Một trong những thành tựu xuất sắc của Dicey là tổng
hợp và diễn đạt lại những ý tưởng của John Austin và luận cương chính trị của đảng
Tự Do (Whig). Dicey cho rằng chính Rule of Law và quyền tối thượng của quốc hội
làm nguyên tắc nền tảng của hiến pháp Anh. Tổng hợp hai luận điểm này, Dicey
cho là khái niệm Rule of Law không có khả năng giới hạn quyền lực của toàn bộ
guồng máy nhà nước mà chỉ giới hạn quyền lực của chính phủ. Lập luận này cho thấy
khái niệm Rule of Law của Dicey rất gần với khái niệm Rechtsstaat của Đức, cũng
được hình thành trong cùng thời kỳ. Rule of Law được coi như là một mô hình tốt
đẹp nhất nhằm bảo vệ người dân chống lại những hành vi chuyên đoán của nhà nước.
Nội dung của Rule of Law mà Dicey đề ra có thể được tóm lược qua những nguyên tắc
cơ bản như sau:
Nguyên
tắc thứ nhất là quyền tối thượng của quốc hội được
ông trình bày trong phần đầu trong tác phẩm. Quốc hội có thể làm luật hay hủy bỏ
luật, không một cơ quan hay một cá nhân nào có quyền bỏ thẩm quyền này của quốc
hội. Thẩm quyền của quốc hội là tuyệt đối, vì mọi thay đổi thì chỉ gây hậu quả
là làm cho quyền này trở nên tương đối mà thôi. Chính tòa án cũng phải tôn trọng
nguyên tắc này. Ý tưởng này rất gần gũi với luận thuyết của John Austin. Trong
khi đó, tại các quốc gia khác ở châu Âu lại có khuynh hướng chia luật ra làm hai
loại: luật hiến pháp làm nền tảng và các loại luật khác. Ông cho rằng sự phân
biệt này chỉ dựa trên tiêu chuẩn hình thức hoặc thủ tục lập pháp. Luật hiến
pháp tại Anh không hề đi sâu vào việc phân biệt quyền này. Nhưng ông lại phân
biệt quyền tối thượng của quốc hội là thuộc về luật pháp chứ không liên hệ tới
quyền tối thượng về chính trị, vì quyền chính trị thuộc về lãnh vực bầu cử mà
nhà lập pháp hoàn toàn lệ thuộc vào việc kiểm soát chính trị qua các cuộc bầu cử.
Nguyên
tắc thứ hai là quyền tự do của cá nhân phải là một quyền hiến định,
một quyền mà ông cho là nội dung chính của khái niệm Rule of Law. Thật ra trước
đây tự do cá nhân cũng đã được quy định trong các văn bản khác thí dụ như Habeas
Corpus Writs. Nhưng trong tác phẩm này, ông thảo luận khá chi tiết trong phần
tự do hội họp, tư do ngôn luận và xác nhận tính cách tối thượng của Rule of Law
làm nền tảng cho trật tự hiến định của Anh. Theo ông, quyền tự do cá nhân có ba
khía cạnh chủ yếu:
Khía
cạnh thứ nhất là tinh cách hợp pháp của mọi hành vi, nghĩa là không ai có
thể bị trừng phạt nếu không phạm pháp. Việc phạm pháp phải được tòa án điều tra
và kết án theo đúng thủ tục. Nguyên tắc này nhằm tránh mọi sự lạm quyền và
chuyên đoán không dựa trên cơ sở pháp luật của cơ quan chấp pháp. Chính sự công
nhận chủ thuyết tự do và đưa chủ thuyết này vào làm nội dung của hiến pháp là một
đóng góp quan trọng của ông. Rule of Law trở thành một nguyên tắc lập pháp, mà
ý chính là mọi hành vi của chính phủ nhằm giới hạn vào quyền tự do cá nhân và
tài sản đều phải dựa trên luật hiến pháp.
Khía
cạnh thứ hai đề cao nguyên tắc bình đẳng trước tòa án. Luật pháp được áp dụng
cho tất cả mọi người không phân biệt thành phần, giai cấp hay trình độ. Đây là
nguyên tắc đồng nhất dành cho mọi chủ thể pháp luật. Ông chú ý đến vai trò của
tòa án trong xét xử. Khi đề cao Rule of Law như là một đặc điểm của Anh, thì
không phải chỉ có ý là không một ai có quyền đứng trên luật pháp mà phải hiểu rằng
bất kỳ người dân nào, bất kể là thành phần nào trong xã hội, đều bị ràng buộc bởi
pháp luật và chịu sự xét xử của tòa án trong thẩm quyền luật định. Thật ra, qua
đề xuất này ông đã gián tiếp chỉ trích về sự lạm quyền của các công chức trong
việc áp dụng luật hành chánh. Chính nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật tạo khả
năng loại trừ mọi tham quyền cố vị, không tôn trọng luật pháp, đặc biệt là những
ngoại lệ trong luật hành chánh. Ông lấy luật hành chánh của Pháp làm thí dụ. Luật
này đã tạo quá nhiều ngoại lệ khiến cho các công chức dễ lạm quyền, khi có vấn
đề thì họ chỉ chịu trách nhiệm trước toà án hành chánh và thoát ra khỏi được sự
kiểm soát của hệ thống pháp luật chung. Ông cho rằng không nên cho các công chức
quá nhiều ưu quyền được miễn truy cứu trách nhiệm khi so với người dân khác. Dĩ
nhiên, đây là một đề tài tranh luận về sự khác biệt nội dung luật hành chánh tại
Pháp và Anh. Nhưng với nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật theo khái niệm Rule
of Law của Anh thì người dân Anh, theo ông, sẽ được hưởng nhiều an toàn về mặt
pháp lý hơn người dân Pháp. Ông cho rằng câu nói toà án là cơ quan tối thượng
cho cả nước không thể áp dụng cho trường hợp của Pháp.
Khía
cạnh thứ ba là nguyên tắc quyền tự do người dân phải được toà án bảo vệ. Sự
bảo vệ này không phải bắt nguồn từ hiến pháp mà còn qua các án lệ tòa án. Đây
là một sư kiện lịch sử, nó biểu hiện một truyền thống đặc thù về commom law và
hiến pháp Anh. Một câu nói khá quen thuộc và luôn luôn được lập lại để mô tả đặc
tính hiến pháp của Anh: ”Hiến pháp không được làm sẵn mà hình thành do sự phát
triển”. Ông đả phá quan điểm cho rằng chính phủ nước Anh là một sự phát sinh đột
biến trong xã hội đầy xung đột mà thật ra là sự phát triển tiệm tiến qua ý chí
và năng lực của con nguời. Pháp luật là một sản phẩm của ý chí của con người,
không giống như cây cỏ chỉ vun trồng và tự nó lớn lên. Ý ông muốn nói giá trị của
luật hiến pháp không thể phát triển tự nhiên, mơ hồ và không định hướng mà
chính vai trò án lệ giúp cho tự do của người dân Anh được bảo vệ. Thành quả này
phải kể đến sự góp sức của tòa án. Nếu quan điểm bảo vệ tự do này được hiến
pháp các quốc gia châu Âu đề ra như một nguyên tắc, thì tại Anh, theo ông, ngược
lại, chính là một phương thức thực hành, một hệ quả của quyền tự do cá nhân được
tòa án minh thị và áp dụng. Phương cách áp dụng này cho thấy rằng không nên xem
hiến pháp Anh là một sự đột biến đầy sáng tạo mà là kết quả của một hoạt động
bình thường trong toà án thông qua án lệ.
Dicey
lạc quan cho rằng các án lệ đều hoàn hảo và hiến pháp Anh sẽ diễn biến tốt đẹp
trong chiều hướng này. Để minh chứng, ông nêu lên sự khác biệt về nguồn gốc của
hiến pháp Anh và các quốc gia châu Âu. Khác hẳn với châu Âu, toà án tại Anh đã
một thành tố quan trọng trong tiến trình lập pháp, chính toà án là nơi chuẩn nhận
những quyền căn bản của người dân trong trong hệ thống common law. Dĩ nhiên, quốc
hội và tòa án, với chức năng khác nhau, đều có đóng góp của riêng mình trong sự
phát triển này. Học giới châu Âu thường chỉ trích điểm yếu của hiến pháp Anh là
không thành văn bản, nên về mặt hình thức thì những quyền tự do cá nhân không
được coi là do hiến pháp quy định. Dicey lập luận rằng sự chì trích này thiếu
cơ sở. Thật ra, sự bảo vệ quyền căn bản của người dân, dù không minh thị qua một
văn kiện cao nhất là hiện pháp, đã được tổng quát hoá qua những quyết định của
toà án. Sự khác biệt này, theo ông, chỉ là về mặt nguồn gốc lập pháp và hình thức
mà thôi, nhưng trên thực tế cho thấy thì sự hữu hiệu về bảo vệ quyền của người
dân, dù ở Anh hay ở các nước khác tại châu Âu, đều giống nhau. Giá trị của những
nguyên tắc hiến định, theo ông, không phải chỉ là những tuyên bố long trọng, mà
là kết quả từ sự thực hành trong toà án. Không có hiến pháp thành văn không có
nghĩa là người dân Anh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ quyền của mình.
Mối
quan hệ giữa việc bảo vệ quyền cá nhân và hiến pháp tại Anh hoàn toàn khác biệt
với các quốc gia châu Au, vì tại Anh, quy định quyền tự do bởi nhiều văn kiện
khác nhau, thí dụ như Habeas Corpus và hệ thống án lệ. Hầu hết hiến pháp các quốc
gia châu Âu chú trọng việc định nghĩa quyền cá nhân và quan tâm nhu cầu bảo vệ
quyền này, trong khi toà án Anh đề ra một khuôn khổ để áp dụng các quyền này
theo hệ thống hiến định. Hiến pháp các nước trong châu Âu quy định quyền cá
nhân trong hiến pháp, nhưng sự thực ra chỉ là một sự diễn dịch từ nguyên tắc
chung trong hiến pháp, mà khi cần thiết phải thay đổi hiến pháp thì lại rất khó
khăn, vì còn có vai trò của quốc hội trong việc tu chỉnh. Lịch sử chứng minh rằng
tại Anh quyền tự do cá nhân được đảm bảo tốt hơn nếu so với các quốc gia châu
Âu vì lẽ toà án Anh với hệ thống án lệ nghiêm minh đã bảo vệ chặt chẽ các quyền
này. Do đó, tất cả vấn đề bảo vệ quyền căn bản hiến định đều giống nhau. Ở Anh
quyền tự do cá nhân đưọc công luận và học giới cảm nhận là một phần trong luật
thông thường hơn là luật hiến pháp. Dicey xác nhận hiến pháp được quy định trên
nền tảng của Rule of Law và quyền tối thượng của quốc hội. Do đó, việc tạo
thành hay hủy bỏ luật hiến pháp không phải là kết quả của một thành quả cách mạng.
5.
Những phản biện về học thuyết của Dicey
Học
thuyết của Dicey đã gây được tiếng vang trong học giới, nhưng không có nghĩa là
đã được sự đồng thuận, mà ngược lại, gây ra nhiều tranh luận.
Một
trong những người phản bác đầu tiên phải kể đến là August Friedrick von Hyek.
Ông cho rằng không hề có sự phù hợp giữa hai khái niệm Rule of Law và quyền tối
thượng của quốc hội như Dicey giải thích vì lịch sử của chủ thuyết hiến định
cũng như lịch sử về chủ thuyết tự do là cả một cuộc đấu tranh chống quyền tối
thượng và nhà nước toàn năng. Do đó, nên đặt ra một giới hạn thẩm quyền của quốc
hội, nếu không, thì quyền hạn và tự do của ngưòi dân dù thông qua hệ thống
common law cũng có thể bị quốc hội hủy diệt trong một sớm một chiều.
Georffrey
De Q. Walker cho rằng quyền tối thượng của quốc hội cũng không phải là một
trong những nguyên tắc chính của hiến pháp Anh. Dicey đem lại nhiều mơ hồ trong
học thuyết hơn là khai sáng vấn đề vì không thể giảm bớt nội dung của Rule of
Law vào việc luật pháp chỉ là chuyện chấp nhận luật (rule of recognition).
Khi giải thích Rule of Law, Dicey đề cao vai trò của quốc hội và coi quốc hội
như là nguồn gốc tối hậu của mọi quyền hành và thoát khỏi những cưỡng chế về mặt
luật pháp. Nếu theo chiều hướng giải thích này, mọi luật lệ khác đều mất đi ít
nhiều giá trị. Khi cho rằng mọi hành vi của quốc hội hầu như luôn luôn được tòa
án chuẩn nhận là đúng, điều này nên nghi ngờ. Dicey không hề cứu xét đến những
hậu quả pháp lý hay những uớc vọng chính đáng của cá nhân. Theo luận điểm này,
Dicey đã đề cao quá mức quyền tối thượng của quốc hội, đồng thời làm suy yếu việc
bảo vệ quyền cá nhân.
Có
học giả khác lại phê bình việc kết hợp hai nguyên tắc Rule of Law và quyền tối
thượng của quốc hội là một sai lầm vì lẽ không những gây sự tương phản trong áp
dụng, gây tác hại cho toàn bộ mô hình hiến pháp, mà còn làm cho luật hiến pháp
Anh không còn là nền tảng chắc chắn. Ý kiến phản biện quy vào điểm chủ yếu là
việc Dicey chỉ dựa vào luận thuyết của Austin để triển khai. Một mặt, Dicey cổ
vũ cho quốc hội được quyền tối thượng trong sinh hoạt lập pháp, mặt khác, Dicey
lại muốn đấu tranh cho tự do cá nhân thoát bỏ mọi chuyên chế theo mô hình của
Hobbes. Tác phẩm của Dicey nên được coi như là một khởi thảo cho một mô hình của
luật hiến pháp và Rule of Law chỉ là một khuôn mẫu chỉ có giá trị nội tại giá
trị được định hình và phát triển trong hệ thống của common law. Do đó, Rule of
Law, tự nó, chỉ là một khâu hiệu vô nghĩa, và nội dung của nó cũng chỉ là một
trong những đặc điểm của luật hiến pháp.
Ý
kiến khác lại cho rằng luận thuyết của Diecey chỉ là một sản phẩm phản ánh những
suy nghĩ trong bối cảnh văn hoá và chính trị lúc bây giờ. Lý do thứ nhất để giải
thích là vào cuối thế kỷ XIX những xung đột trong hệ thống common law và luận
thuyết Austin đang ở thời kỳ cao điểm, mà Austin chỉ chú trọng vào những hoạt động
lập pháp. Lý do thứ hai là một phần thuyết này lại bắt nguồn từ luận cương của
Đảng Whig đang thắng cử từ năm 1866 cho đến 1884, hiển nhiên việc thắng cử làm
vai trò của quốc hội được nâng cao. Tác phẩm của Dicey, xuất phát từ trong bối
cảnh đó, đã trở thành một tiêu chuẩn để giải thích cho mô hình hiến pháp cho
mãi đến sau khi đệ nhị thế chiến.
6.
Những biện luận bảo vệ của Dicey
Hiển
nhiên, Dicey rất hãnh diện truyền thống luật pháp Anh trên hai bình diện lý
thuyết và lịch sử, điều này có thể hiểu được khi ông đánh giá về sự phát triển
luật hiến pháp Anh. Để trả lời những phản biện, Dicey cho rằng mối quan hệ giữa
Rule of Law và quyền tối thượng của quốc hội không phải là mối quan hệ tự động
mà chỉ hình thành và phát triển được ở Anh mà thôi. Ông lấy mô hình hiến pháp của
Pháp để so sánh. Quốc hội Pháp và quốc hội Anh, về cơ bản thì giống nhau về quyền
lực, nhưng khi hành sử thì quốc hội Pháp đã biểu thị một tinh thần hoàn toàn
khác biệt. Quốc hội Pháp, nói chung, có khuynh hướng can thiệp quá nhiều vào
các vào các hoạt động hành chánh và không tin về sự độc lập của tư pháp. Mặt
khác, quốc hội Pháp cũng nới tay để cho hành pháp trong việc cai trị. Ngoài ra,
còn có sự khác biệt về thái độ của quốc hội Anh và Pháp trong mối quan hệ với
công chức hành chánh. Công chức Anh mang tinh thần phục vụ hoàng gia nhiều hơn,
cho dù quyền lực của quốc hội có tăng lên trong thực tế. Tinh thần phục vụ
hoàng gia cũng một phần là do là một truyền thống lịch sử và một phần vì giới
công chức Anh cũng luôn có nghi ngờ đối với quốc hội. Dù ở cương vị quyền tối
thượng, quốc hội Anh không can thiệp trực tiếp vào việc áp dụng luật pháp và
không chủ trương cho các công chức hành chánh có quá nhiều quyền bãi miễn truy
cứu khi ra toà án. Điều này thì Anh trái hẳn với Pháp.
Mối
quan hệ giữa hoàng gia, quốc hội, chính quyền và tư pháp tại Anh không luôn
luôn tốt đẹp mà là các xung đột và các thỏa hiệp, mà việc toà án và quốc hội
liên minh để chống lại hoàng gia là một chứng minh. Việc này thường xảy ra, mà
căng thẳng nhất là vào thế kỷ XVII và cao điểm nhất từ thế kỷ XVIII trở đi,
liên hiệp quốc hội và tòa án đã thắng thế và có nhiều thuận lợi hơn trong việc
định hình cho luật pháp. Dicey cho rằng chính những biến cố này cho thấy quốc hội
có khuynh hướng bảo vệ sự độc lập của toà án, trong khi đó hoàng gia lại nỗ lực
bảo đảm phương tiện cho hành pháp thi hành nhiệm vụ của họ. Diễn biến của tình
hình này khiến cho quốc hội, dù có vai trò tối thượng, nhưng chỉ có thể hành sử
được quyền này khi liên minh được với tòa án. Mối quan hệ này trở thành lịch sử
và định hình cho khái niệm của Rule of Law như ông đã đề cập.
Một
điểm khác gây tranh luận là sự so sánh giữa Rule of Law và nguyên tắc hợp pháp.
Dicey trả lời rằng Rule of Law không thể bảo đảm tuyệt đối các quyền cơ bản của
ngưòi dân mà chỉ tìm cách nhằm chống lại sự lạm quyền của chính quyền. Khi so
sánh các quốc gia châu Âu trong thế kỷ XVII, Dicey cho rằng nhìn chung các nước
không hề có đàn áp một cách thô bạo, nhưng thực tế cho thấy không có nước nào
có thể bảo vệ người dân một cách hoàn hảo trước bạo quyền. Nhưng ở nước Anh thì
việc cai trị không xuất phát từ sự thành tâm cố hữu của chính quyền mà là từ
nguyên tắc hợp pháp của luật pháp. Rule of Law không trực tiếp đem lại một định
nghĩa chính xác nào cho quyền tự do của người dân mà chỉ nhằm giới hạn vào mục
tiêu bảo đảm về những an toàn của luật pháp và những tiên đoán về hành vi của
chính quyền. Tự do được bảo đảm trong khuôn khổ của Rule of Law chỉ là một loại
tự do còn sót lại trong hệ thống: tự do làm những gì mà luật pháp không cấm.
Rule of Law không dựa vào các tuyên bố long trọng nhằm bảo vệ quyền cơ bản cho
người dân mà căn cứ vào nguyên tắc hợp pháp. Trong khi quốc hội có thể hủy bỏ
các quyền cơ bản của người dân được quy định trong hiến pháp khi cần, thì chính
Rule of Law với nguyên tắc hợp pháp sẽ chống lại sự lạm quyền của hành pháp,
cho dù Rule of Law không thể bảo đảm tự do tuyệt đối cho người dân trong việc
hành xử các tự do của họ. Theo ông, đấy chính là một nguyên tắc mà mọi can thiệp
vào đời sống, tự do và tài sản phải được cho phép bởi luật pháp.
Dicey
cho rằng quốc hội làm luật chỉ là việc để đưa ra các ý chí chung của nhà lập
pháp, nhưng khi giải quyết vấn đề tranh chấp thì chủ yếu phải là việc nâng cao
vai trò của tư pháp. Việc hiến pháp có nên giới hạn quyền của quốc hội hay
không, ông không coi đó là điều quá quan trọng, mà theo ông, mỗi khi luật được
ban hành đều phải được cơ quan hành chánh áp dụng đúng đắn và được cơ quan tư
pháp theo dõi. Những nguyên tắc cơ bản của hiến pháp Anh không chỉ là quyền tối
thượng của quốc hội mà chính là làm sao mà khi luật ban hành được toà án áp dụng
theo đúng như quy định. Rule of Law và quyền tối thượng của quốc hội không có
khả năng loại trừ nhau mà có ảnh hưởng cộng sinh.Trong tinh thần này, pháp luật
sẽ được duy trì và phát triển.
Dicey
còn đề cao vai trò của tòa án trong việc điển chế hoá hệ thống án lệ, chính toà
án là một thành lũy bảo vệ tự do cá nhân. Toà án không thể hủy diệt luật của quốc
hội, mà trong thực tế toà sẽ áp dụng nghiêm nhặt hay thông thoáng hơn khi cần thiết.
Chính tòa án là nơi bảo vệ quyền căn bản của người dân được hữu hiệu nhất. Đó
là ý chính của Dicey để minh chứng rằng hai nguyên tăc quyền tối thượng của quốc
hội và vai trò tòa án bổ sung cho nhau trong việc bảo vệ người dân.
Sự
thành công của Dicey trong tác phẩm này là một sư tổng hợp giữa hai khuynh hướng
về hệ thống common law và truyền thống của chủ nghĩa tự do, làm hồi sinh lại
huyền thoại về common law, những giá trị luật pháp cổ truyền khác và các căn bản
giá trị của chủ thuyết tự do. Trong khuôn khổ giải thích này, Dicey khẳng định
rằng sự vi phạm những quyền hiến định có thể xảy tại nước Anh, nhưng không thể
xáo trộn đến mức độ đưa tới một cuộc cách mạng triệt để làm thay đổi toàn bộ hệ
thống luật pháp.
Dicey
đã lấy việc áp dụng luật Habeas Corpus luận giải vấn đề này. Luật Habeas Corpus
được ban hành lần đầu tiên vào thời của Charles II, nhằm bảo vệ những ngưòi bị
bắt giam vô cớ. Luật này đưọc tu chỉnh dưới thời George III và nới rộng hơn việc
bảo vệ liên quan đến thủ tục tố tụng hình sự. Tòa án có quyền yêu cầu cơ quan
chấp pháp làm rõ việc giam người và làm nhanh thủ tục xét xử. Dicey cho rằng việc
áp dụng luật Hebeas Corpus của toà án đã tăng giá trị cho luật hiến pháp hơn là
quốc hội. Nhưng thực tế cho thấy đây là điều không dễ dàng. Trong thời kỳ hỗn
loạn chánh trị, việc bắt người nghi ngờ phạm pháp của cơ quan chấp pháp tăng
nhanh. Việc sốt sắng này gây cho toà án nhiều ngờ vực nên đã áp dụng luật chặt
chẽ hơn. Tranh chấp đã xảy ra đến mức quốc hội phải can thiệp bằng cách ra luật
đình chỉ việc thi hành luật Habeas Corpus để giúp cho chính quyền làm tốt hơn
việc trị an, nhất là liên hệ tới các vụ việc vi phạm an ninh, phản quốc ở mức
trầm trọng. Vấn đề là tìm cách giải thích thế nào là tính cách khẩn cấp và gây
nguy hại cho an ninh quốc gia, trong chừng mực nào thì quyền an toàn của người
dân phải được bảo vệ. Đây cũng là một đề tài tranh luận quen thuộc trong học giới
mà ở bất cứ nuớc nào cũng có. Việc đình chỉ thi hành luật không được phép hiểu
là hợp pháp hoá mọi hành vi bắt người trái phép, nhưng giới hạn việc can thiệp
của toà án trong thời kỳ biến động và đem lại niềm tin cho các cơ quan chấp
pháp trong khi thi hành công vụ, nhưng lại cho thấy đây chính là sự biểu hiện
quyền tối thượng của quốc hội.
Theo
Dicey, quốc hội có quyền theo dõi các hoạt động của tòa án, nếu không, thì quyền
tối thượng của quốc hội sẽ không còn ý nghĩa. Khi quốc hội ra các đạo luật đình
chỉ thi hành luật Habeas Corp thì cũng phải theo đúng thủ tục pháp định. Việc
đình chỉ không phải là những bảo vệ hiến định về quyền công dân trong các thủ tục
về tố tục hình sự hoàn toàn vô giá trị, mà thực tế toà án vẫn tiếp tục bảo vệ
an toàn cho ngưòi dân trong các thủ tục xét xử và chỉ làm giảm đi những hậu quả
về mặt bảo vệ nhất thời trong tình hình an ninh nguy kịch. Dicey cho rằng tòa
án không thể áp dụng luật quá cứng nhắc mà không chú trọng đến khía cạnh an
nguy của đất nước và xem đây là những ngoại lệ.
Dicey
kết luận rằng quyền tối thượng của quốc hội và khái niệm Rule of Law bổ sung
cho nhau. Quyền tối thượng giúp cho Rule of Law định hình và phát triển và ngược
lại chính Rule of Law đòi hỏi quốc hội cũng phải theo đúng nguyên tắc hợp pháp.
Điểm chủ yếu mà ông luôn theo đuổi là đã phá vai trò của toà án hành chánh và
các quyền bãi miễn truy cứu cho công chức. Theo ông, đây là một một mối nguy cơ
trong hệ thống pháp luật, nằm ngoài phạm vi bảo đảm của common law cũng như ý
chí của nhà lập pháp.
7.
So sánh giữa hai khái niệm Rule of Law và Rechtsstaat
Khái
niệm Rechtsstaat là một kết quả mà các học giả Đức đã tiếp thu từ các học thuyết
của Locke, Rousseau và Montesquieu rồi vận dụng vào hoàn cảnh của Đức sau thời
kỳ khai sáng. Quan tâm chủ yếu của học giới Đức vào cuối thế kỷ XVIII là cho dù
ý chí của nhà lập pháp trong việc bảo vệ quyền tự do của người dân có mạnh đến
đâu, thì nó cũng không đủ để việc áp dụng được hữu hiệu hơn. Một lý do khác là
một trật tự nhằm bảo đảm tự do không thể chỉ dựa trên quyền tối thượng của quốc
hội, chính vì lẽ quốc hội có khả năng và ý chí hủy diệt quyền này khi cần.Từ giữa
thế kỷ XIX các học giả Đức như Lorenz von Stein và Otto Bähr đã tổng hợp các
khái niệm của Hobbes và Montesqiueu để định hình cho vai trò của nhà nước mà
quan trọng nhất là họ đã vận dụng thành công nguyên tắc tam quyền phân lập.
Thành quả này làm cho các vai trò bộ máy nhà nước được xác minh.
Từ
cuối thế kỷ XIX khái niệm Rechtsstaat thể hiện rõ hơn trước vì nguyên tắc hợp
pháp không những áp dụng cho cơ quan tư pháp trong việc xét xử, mà còn cho các
cơ quan hành chánh. Về sau, Rodolf von Jhreing với học thuyết nhà nước tự giới
hạn và Georg Jellinik với học thuyết về tố quyền của người dân như là một chủ
thể pháp luật đã bổ sung làm cho giá trị Rechtsstaat được gia tăng. Dĩ nhiên, ý
thức tôn trọng luật pháp của dân chúng và những yếu tố văn hoá và lịch sử đã
làm thuyết này được áp dụng thành công.
Về
cơ bản, Rule of Law không quá cách biệt với Rechtsstaat trong việc xác định quyền
của tự do cùa người dân là một quyền hiến định. Trong một nhà nước hiện đại thì
các khái niệm luật pháp đều mang tính phổ quát, hình thức, hợp lý và hợp pháp
trong sư kết hợp với chủ thuyết tự do cá nhân được quy định trong hiến pháp.
Nhưng làm sao dung hoà được sự bảo vệ quyền tự do với quyền lực của nhà nước và
vai trò quốc hội, đó là ở điểm khác biệt.
Việc
áp dụng Rule of Law có phần khác với Rechtsstaat. Dicey không công nhận luận
thuyết của Montesqiueu về tam quyền phân lập và sự tùy thuộc của quốc hội vào
hiến pháp là phù hợp với Anh, nhưng theo ông, Rule of Law phải dựa vào nguyên tắc
hợp pháp và có trách nhiệm theo dõi sự lạm quyền của hành pháp. Đây là điểm
tương đồng của cả hai. Nhưng điểm dị biệt là Rule of Law và quyền tối thượng quốc
hội bổ sung cho nhau trong việc bảo vệ tự do và Rule of Law được hữu hiệu hay
không nhờ vai trò toà án. Đó là sự khác biệt giữa Dicey, Montesquieu và
Rousseau. Theo Dicey, luận thuyết của Montesquieu và Rousseau không thuyết phục
vì quan điểm về một nền tư pháp độc lập là một điều trái ngược truyền thống
Anh. Ông không tin vào vai trò trung dung của toà án mà toà án chỉ là một
phương cách thực hành ý chí của nhà lập pháp.
Kinh
nghiệm cho thấy việc áp dụng luật pháp không thể coi là máy móc, nhưng nhờ có một
hệ thông án lệ hoàn chỉnh của common law giúp cho việc bảo vệ ngưòi dân được tốt
hơn. Nguyên tắc của Rule of Law chỉ là một khởi đầu trong tiến trình dài để phát
huy dân chủ. Nhưng đâu là sự chính thống của luật pháp? Sự chính thống này
không phải là hiển nhiên mà có, cũng không phải vì quốc hội Anh có tính chất
dân chủ mà có. Theo Dicey, vấn đề tùy thuộc vào mức độ áp dụng luật pháp tại
toà án. Chính tòa án xét nguyên tắc hợp pháp của luật pháp, lúc đó mới xác định
được là luật pháp có dân chủ và chính thống hay không. Đặc điểm này chỉ có được
trong truyền thống của common law.
Rechtsstaat
mang tham vọng sâu xa hơn khi đề cao tố quyền của người dân trong trường hợp
chính quyền vi phạm vào các quyền tự do cơ bản và chú trọng về luật nội dung
hơn là luật thủ tục. Sau chiến tranh kết thúc, nhiều học giả Đức lại càng lý tưởng
hoá vấn đề hơn, khi có ý định mở rộng phạm vi áp dụng tố quyền của người dân
trong các vấn đề an sinh xã hội.
8.
Kinh nghiệm cho Việt Nam?
Không
ai có thể phủ nhận công lao của Dicey khi đem lại một nội dung cho Rule of Law,
mặc dù công trình không hoàn hảo, vì thiếu luận cứ triết học vững chắc và không
phân biệt rõ giữa lý thuyết về hiến pháp và những khía cạnh thuộc về định chế.
Dicey lập luận rằng toà án phải áp dụng nguyên tắc hiến định khi xét xử, nhưng
ông không chú tâm đúng mức tới vấn đề giới hạn quyền lực của chính phủ và quốc
hội. Thật ra, ông đã có ý đề cao hệ thống pháp luật của Anh khi so sánh với các
quốc gia dân chủ phương Tây khác cùng thời kỳ. Tuy nhiên, để đánh giá sự thành
tựu khái niệm Rule of Law đúng đắn hơn, vai trò của văn hóa và giáo dục trong
việc nâng cao trình độ ý thức của ngưòi dân là những đóng góp đang kể làm cho
khái niệm Rule of Law có được như ngày nay.
Việt
Nam có thể học kinh nghiệm nào của Anh? Vì trình độ phát triển, hoàn cảnh lịch
sử và xã hội và nhất là truyền thống pháp luật giữa Anh và Việt hoàn toàn khác
biệt, nên mọi đối chiếu đều không có cơ sở. Tuy nhiên, có thể nêu lên một vài
nhận xét tổng quát để làm tiền đề cho các công trình nghiên cứu toàn diện hơn
sau này.
Hoàng
gia trong chế độ quân chủ lập hiến Anh là một định chế lịch sử, không do bầu cử,
mà do thừa kế nhưng sự trị vì được người dân luôn tôn kính. Xung đột của hoàng
gia với các giai cấp khác thường xảy ra và đều được giải quyết tốt đẹp bằng luật
pháp, bởi vì hoàng gia vẫn luôn tự đặt mình trong khuôn khổ của luật pháp. Lịch
sử của nước Anh cho thấy luật pháp chưa hề bị bẻ gãy để phục vụ cho một giai cấp
nào, kể cả hoàng gia. Đây là điểm son của Anh mà Việt Nam cần so sánh với vai
trò của Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện nay.
Đảng
cũng là một định chế lịch sử vì đã đem lại độc lập cho dân tộc và đang độc quyền
lãnh đạo đất nước nhưng không do dân chúng bầu cử trực tiếp. Vai trò Đảng đang
và sẽ ở đâu trong hệ thống luật pháp, vấn đề còn tranh luận mà ở đây không thể
đi vào chi tiết. Nhưng Đảng có nên theo gương hoàng gia Anh hay không, đây là vấn
đề cũng cần thảo luận.
Quốc
hội Anh và Việt giống nhau ở điễm cả hai đều có quyền tối thượng nhưng kỹ năng
của các dân biểu và nghị sĩ Anh làm cho công tác lập pháp hữu hiệu. Họ là luật
gia chuyên nghiệp, làm việc toàn thời gian. Thêm vào đó, cơ quan truyền thông,
đoàn thể áp lực và công luận theo dõi hoạt động nên quốc hội có màu sắc dân chủ
hơn dù là thể chế quân chủ.
Ngược
lại, quốc hội Việt Nam hình thành qua cơ chế Đảng cử dân bầu nên mang tính hình
thức. Hoạt động lập pháp không hữu hiệu mà nguyên nhân chính là do vấn đề đại
biểu kiêm nhiệm, đây là một đặc thù của Việt Nam cần cải tổ. Đại biểu có những
lý do chính đáng để không hoàn thành nhiệm vụ của mình: không đủ thì giờ và
không đủ năng lực trưóc các vấn đề quá chuyên môn (luật ngân sách, luật biển,
luật quốc tế, luật WTO v.v.) Họ trở nên thụ động vì còn phải lo tập huấn nghiêp
vụ hoặc chờ văn bản chỉ đạo của Đảng. Gần đây vấn đề quyền chất vấn của quốc hội
có gây nhiêu tiếng vang tích cực, nhưng đây chỉ là những bức xúc trước những vấn
đề nhạy cảm của đất nước, tạo ra những phản biện cần thiết trong xã hội, nhưng
không vì thế mà kỷ năng lập pháp sẽ được nâng cao.
Nếu
toà án Anh đem lại niềm tin cho người cô thế, thì một hệ thống toà án độc lập
và hữu hiệu tại Việt Nam vẫn còn là một điều mơ ước, vì bản án bỏ túi trước khi
xét xử là một thông lệ ngay trong những vụ kiện quan trọng. Thí dụ gần đây cho
thấy thời gian nghị án cho tội tuyên truyền chống lại nhà nước XHCN chỉ mất có
27 phút, trong khi thời gian tuyên đọc bản án hơn 50 phút. Toà án công nhiên
sai phạm luật thủ tục tố tụng hình sự và điều ngạc nhiên là không ai phản ứng.
Cơ
quan hành pháp Anh gặp khó khăn trong việc thi hành pháp luật, vì có nhiều sức
ép từ nhiều phiá: đảng đối lập, báo chí, nghiệp đoàn, dân chúng và doanh giới.
Họ luôn theo dõi các hoạt động công quyền và nhạy bén trước những biến chuyển
chính trị, nhất là khi quyền lợi của giới mình bị đe doạ thay đổi. Mọi nghi ngờ
về vi phạm pháp luật đều được phát hiện nhanh, nên việc từ chức của các bộ trưởng
xảy ra thưòng xuyên.
Ngược
lại, hành pháp Việt Nam nhiều thuận lợi hơn vì không có các khó khăn tương tự,
sức mạnh của doanh giới chưa thành hình mà chỉ có tư bản thân tộc vây quanh; mọi
sai phạm cũng khó phát hiện vì hệ thống bao che hữu hiệu, báo chí luôn im lặng
và dân chúng thì lại quá thờ ơ vì muốn yên thân. Một thí dụ cho thấy Chủ tịch
nước có công văn chỉ đạo cho ngành tòa án về việc nâng cao chất lượng xét xử và
Thủ tướng yêu cầu luật sư đoàn phải quản lý và giám sát các hoạt động của luật
sư đoàn địa phương. Ở Việt Nam không ai coi đây là sự vi phạm tam quyền phân lập
mà là sự nhắc nhở trong tinh thần phân công nội bộ do Đảng giao phó.
Dân
chúng Anh hãnh diện về truyền thống lịch sử và văn hóa của đất nước và đặc biệt
là được sống trong tự do, có niềm tin vào sự an toàn của luật pháp. Việt Nam
cũng có truyền thống anh hùng, hãnh diện về độc lập dân tộc nhưng ngưòi dân hiện
nay không có được hưởng sự an toàn trong hệ thống giao thông nên chưa thể mơ ước
như nguòi dân Anh (right of free borm Englishman).
Việc
hình thành học thuyết, dù bất kỳ ở nước nào, phải kể đến công lao của học giới.
Những công trình nghiên cứu về nhà nước pháp quyền tại Pháp, Đức hay Anh được
hình thành trong một môi trường học thuật tự do và khai phá. Học giới là thành
phần ưu tú của xã hội, có viễn kiến, dám đột phá tư duy, có tinh thần độc lập
dám đề xuất cũng như bảo vệ những luận điểm của mình và không lo sợ áp lực nào.
Châu Âu đã tạo nên điều kiện cho học giới phát huy tài năng và đóng góp những
công trình đáng trân trọng. Học giới Việt Nam, trong hoàn cảnh hiện nay, chưa
được những thuận lợi này. Trong thực tế đã có nỗ lực trong âm thầm, nhưng họ
không thể phát triển kỹ năng như mơ ước vì thiếu đãi ngộ tương xưng. Thậm chí
những buổi tọa đàm khoa học, một sinh hoạt bình thường trong học giới, còn bị
ngăn trở vì các đề tài nhạy cảm cho chính giới, họ cũng không có cơ hội phát biểu
tại diễn đàn nước ngoài vì không phải là đảng viên. Có lập luận lại bi quan hơn
cho là Việt Nam đang thiếu trầm trọng những nhà văn hóa và tư tưởng tầm vóc có
khả năng theo kịp bước đi của thời đại và đóng góp cho công cuộc xây dựng đất
nước. Do đó, luật giới cũng không thoát ra được quy luật này.
Nhưng
có lập luận lại lạc quan hơn cho luật giới là Việt Nam đang có cơ hội tiếp thu
những thành tựu khoa học mới nhờ làm việc với các luật gia nước ngoài qua các
chương trình cải cách luật pháp do các định chế quốc tế tài trợ, nhưng họ bị áp
lực nặng nề về ngân sách, thời gian và mục tiêu, nên họ có thể làm một số vấn đề
thuần túy chuyên môn trong các lãnh vực về luật kinh tế thị trường, nhưng không
thể giúp được về việc triển khai học thuyêt NNPQXHCN, một lãnh vực mà chính họ
không có kinh nghiệm và nhà tài trợ cũng không cho phép. Học giới Liên Xô, một
bạn đuờng trong công tác tư tưởng của Việt Nam, cũng đã không khai triển khái
niệm này, nên vì thế Việt Nam cũng không nên trông đợi gì từ di sản lý thuyết
này. Như vậy chỉ còn lại Việt Nam trong nỗ lực này. Kinh nghiệm Anh cho thây
đây là công việc lâu dài phải do do học giả người Việt đảm nhận, vì yếu tố văn
hóa, lịch sử, ngôn ngữ và phong tục Việt Nam cũng quan trọng không kém.
Khái
niệm về NHPQXHCH chỉ ở vào giai đoạn khởi thảo, nên không thể nhận xét là nó sẽ
hình thành ra sao và sẽ đóng góp gì cho tương lai của đất nước. Trong điều kiện
này, chúng ta tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng rằng những công trình tầm
vóc của học giới nguời Việt sẽ ra đời mà chúng ta sẽ tự hào có thể so sánh vơi
Albert Venn Dicey của Anh, Raymond Carré de Malberg của Pháp và Robert von Mohl
của Đức. Sự lạc quan này có cơ sở của nó, vì theo một thăm dò dư luận đầu năm
2011 của cơ quan BVA Pháp và Gallup Poll quốc tế có trụ sở tại Washington D. C.
Việt Nam là dân tộc lạc quan nhất thế giới. Đây có lẽ là món quà chung cho những
ai đang tự sung sướng với chính mình nhưng lại là một hy vọng mơ hồ cho những
ngưòi còn ưu tư thời cuộc.
Nguồn:
https://www.danluan.org/tin-tuc/20110228/do-kim-them-tim-hieu-ve-khai-niem-rule-of-law-cua-nuoc-anh
Cải cách giáo dục Nhật bản trong thời kỳ Minh trị và vai trò của nó
Có
thể nói, giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế -
chính trị - xã hội của mỗi một quốc gia. Nhật Bản, vào những năm cuối thế
kỷ XIX, là nước đã thực hiện thành công cải cách Minh Trị (1868 - 1912)) - một
sự kiện trọng đại, có tính bước ngoặt làm rạng danh đất nước này. Nhờ thế, Nhật
Bản đã phát triển đất nước theo con đường hiện đại hoá và tránh được sự xâm lược
của các nước phương Tây vào thời Cận đại. Thành quả vĩ đại ấy là sự cộng hưởng
của rất nhiều tác tố, trong đó không thể không kể đến công cuộc“cải cách
giáo dục” và “vai trò” to lớn của nó. Cải cách giáo dục
ở Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị đã làm chấn động, lung lay mô hình giáo dục
xưa cũ và ảnh hưởng trực tiếp đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc Duy
Tân của quốc gia này. Hơn thế, cho đến ngày nay, những tư tưởng cải cách đó vẫn
còn có giá trị chiến lược có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Không chỉ với Nhật
Bản, ở Việt Nam để tăng cường những yếu tố nội lực, việc tìm hiểu cải cách giáo
dục ở các nước trên thế giới là điều hết sức cần thiết trong công cuộc công
nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước hiện nay.
So sánh chế độ tổng thống với chế độ đại nghị
Vũ Thị Hương Giang dịch
Liệu
một đất nước áp dụng chế độ tổng thống hay chế độ đại nghị là khác biệt vô cùng
có ý nghĩa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hệ thống tổng thống mang lại
nhiều chính sách thương mại cởi mở hơn và những chi tiêu đặc thù lớn hơn (ví dụ
ngân sách giao thông, trợ cấp nông nghiệp, v.v…) và phù hợp hơn với việc đại diện
cho toàn bộ cử tri (Cheibub, 2006; Evans, 2004; Keech & Pak, 1995; Shugart
& Carey, 1992). Ngoài ra, và có lẽ còn quan trọng hơn, các nhà nghiên cứu
cho rằng rằng các chế độ tổng thống có nguy cơ gặp xung đột nhiều hơn và, trong
một số trường hợp, dễ dẫn đến sụp đổ dân chủ (Linz, 1990a, 1994). Những công
trình gần đây còn đi xa hơn thế nhằm giúp chúng ta hiểu được những khác biệt
tinh tế giữa các loại hình chế độ. Cuốn sách (năm 2009) của Margit Tavits xem
xét liệu các tổng thống được bầu cử trực tiếp trong các chính phủ nghị viện có
dẫn đến nhiều chia rẽ chính trị hơn không, có sản sinh ra sự thờ ơ bao phủ giới
cử tri không, và các xung đột liên chính phủ có thường xuyên hơn không. Tương tự,
đã có nhiều bài viết về lợi ích của chính phủ đại nghị vì chúng được coi là
khác biệt cơ bản so với (các lợi ích của) hệ thống tổng thống. Cụ thể, chính phủ
đại nghị được cho là có chi tiêu hàng hóa công nhiều hơn (ví dụ như giáo dục, y
tế, và lương hưu) và hiệu quả, bền vững hơn các loại chế độ khác. Do đó, cần phải
nhấn mạnh những khác biệt giữa các chế độ ấy bằng cách tập trung vào cách thức
bầu cử ra đơn vị hành pháp và lập pháp chính, cách hai nhánh này tương tác với
nhau, và cách hình thành chính phủ. Khi chúng ta có thể phân biệt rõ ràng các
loại chính phủ khác nhau, chúng ta mới có thể xác định tốt hơn sự liên quan nhằm
hiểu những chủ đề như hoạch định chính sách, đại diện và tồn vong của nền dân
chủ.
Cha đẻ bản Hiến pháp Hoa Kỳ
Nguyễn Cảnh Bình
Có
hai văn kiện làm nên lịch sử nước Mỹ. Thứ nhất là bản Tuyên ngôn Ðộc lập do
Thomas Jefferson viết năm 1776, với những dòng chữ nổi tiếng từng được Chủ tịch
Hồ Chí Minh nhắc lại trong bản Tuyên ngôn Ðộc lập nước ta năm 1945: “Mọi người
sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã ban cho họ những quyền không thể chối
cãi, đó là quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Văn bản kia ít được biết đến
hơn, đó là Hiến pháp Hoa Kỳ, soạn thảo năm 1787 đặt nền tảng cho một nhà nước Cộng
hoà non trẻ đầu tiên trên thế giới. Dù được sửa chữa nhiều lần trong suốt chiều
dài hơn 200 năm lịch sử, và không phải là không có thiếu sót thì đây vẫn là bản
Hiến pháp lâu đời nhất còn được dùng đến ngày nay và là hình mẫu cho nhiều Hiến
pháp khác.
Cả năm không đọc nổi cuốn sách, tri thức ở đâu?
–
“Mọi người cứ trông chờ một ngày nào đó nước ta sẽ đạt được tầm cao mới, vị thế
mới, mà bản thân mình cứ bé tí như thế này, thì sẽ không có đâu!” – ông Nguyễn
Cảnh Bình trả lời.
Tóm tắt và phân tích Luận về nguồn gốc của bất bình đẳng - Phần 1
Tóm tắt
Điều
quan trọng là phải tìm hiểu con người ở lúc khởi đầu của anh ta, nhưng chưa thể lần theo tất cả các giai đoạn phát triển của anh ta. Nếu bạn lột bỏ khỏi con người
các quan năng nhân tạo, bạn sẽ thấy một con vật, kém mạnh mẽ và nhanh nhẹn so với
các loài động vật hoang dã khác, nhưng có cấu tạo thuận lợi hơn so với tất cả.
Con người hoang dã sống giữa các loài thú và tự đáp đứng các bản năng động vật
của mình. Do tương tác trực tiếp với môi trường sống nên anh ta trở nên dẻo
dai. Công cụ duy nhất của con người hoang dã là cơ thể anh ta, vốn mạnh hơn so
với cơ thể chúng ta. Trong cuộc đối đầu một – một, con người hoang dã dễ dàng
đánh bại con người văn minh.
Vai trò của đa số
Thưa
tiến sĩ Adler,
Trong
sinh hoạt chính trị hiện nay chúng ta thường được yêu cầu tuân theo quyết định của
đa số cử tri. Nhưng tôi không thừa nhận được ưu điểm lớn của sự cai trị theo số
đông. Đám đa số thường sai lầm một cách ngu dốt và nguy hiểm. Tại châu Âu, họ
đã từng ủng hộ Hitler và những tay độc tài chuyên chế. Tại Mỹ họ đã bầu ra những
kẻ mị dân gian manh và ủng hộ việc tước đoạt quyền con người của những nhóm thiểu
số. Tại sao số đông lại phải cai trị ngay cả khi nó sai lầm. Phải chăng ý dân
chính là ý trời?
R.H.
Xã hội dân sự là gì?
Biên
dịch: Ngô Trần Thanh Hiền | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Xu
hướng các cá nhân tự tập hợp lại với nhau dựa trên chủng tộc, khu vực địa lý,
và lợi ích đã được cả các lý thuyết gia lịch sử lẫn các nhà khoa học chính trị
đương đại xem là điều tự nhiên. Việc các “nhóm” được nhìn nhận theo cách này bởi
những cá nhân khi suy nghĩ hoặc nghiên cứu về chính trị là không có gì đáng ngạc
nhiên. Chính trị thường đặt ra yêu cầu phải thừa nhận một cách cơ bản sự cần
thiết của các nhóm đối với việc tổ chức chính trị, có thể với tư cách là một
nhóm công dân đơn lẻ, các bè phái có lợi ích cạnh tranh với nhau, hay cả với tư
cách là những chủng tộc riêng rẽ cùng chung một lãnh đạo. Do đó, gần như không
thể hiểu rõ được chính trị nếu không để ý tới tác động của các nhóm lên hệ thống
một cách tổng thể.
Tìm hiểu về khái niệm nhà nước pháp quyền tại Pháp
Đỗ Kim Thêm
Nước
Pháp là một quốc gia dân chủ, văn minh, tiến bộ, tôn trọng nhân quyền và có
tinh thần thượng tôn luật pháp. Từ nhận định này chúng ta dễ suy đoán rằng khái
niệm về nhà nước pháp quyền chắc hẳn đã có một truyền thống trong văn hoá cũng
như dân trí của nước Pháp. Đây là một cảm nhận sai lầm. Thực tế cho thấy là nước
Pháp không hề có thuật ngữ État de droit trong học giới mà chỉ
là một sự phiên dịch từ Rechtsstaat của Đức. Ngoài ra, khác với
các quốc gia dân chủ phương Tây, chính thể lập hiến (constitutionalism) không
làm nền tảng cho mọi sinh hoạt chính trị tại Pháp trong cả một thời gian dài.
Ảnh hưởng của giá trị Phương Tây đối với hiến pháp Nhật Bản
Lương
Văn Kế
Kết
cục của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai không chỉ mở ra một thời kỳ mới cho
các dân tộc trên thế giới mà còn cả cho nhiều dân tộc Đông Á, trong đó có Nhật
Bản. Tuy nhiên, so với các quốc gia như Hàn Quốc ở Đông Bắc Á hay Philippine ở
Đông Nam Á, thì quá trình tác động của hệ giá trị phương Tây đã thành công hơn
hẳn, mặc dù các nước này đều đặt dưới sự chiếm đóng của Mỹ. Hiến pháp năm 1946
thực sự là dấu mốc của một kỷ nguyên mới dân chủ và hòa bình cho Nhật Bản. Tinh
thần của bản Hiến pháp Nhật Bản thể hiện khát vọng dân chủ và hòa bình triệt để
nhất của một dân tộc trên thế giới cho đến nay. Nguyên nhân của sự thành
công đó cần được xem xét từ hai phía: từ các tố chất nội bộ và truyền thống
của xã hội Nhật Bản với tinh thần “bái địch vi sư” (vái kẻ thù làm thầy), và từ
bên ngoài – tức là chính sách và năng lực của người đứng đầu bộ máy quân quản Mỹ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Tôi tự hào vì đã trải qua khá nhiều thất bại”
Đó
đích thực là một câu nói rất... Nguyễn Quang A - cái tên khá quen thuộc trong
giới doanh nhân, học giả và bạn đọc.
Họ
biết đến ông không phải với tư cách là một kỹ sư, một doanh nhân, như đáng ra
phải thế, mà là với tư cách một dịch giả, một nhà báo với những cuốn sách và
bài viết khá ấn tượng. Thế giới phẳng, Bằng sức mạnh tư duy, Sự bí ẩn của
tư bản, Sự khốn cùng của chủ nghĩa lịch sử, Xã hội mở và những kẻ thù của nó... Đó
chỉ là một số trong gần 20 cuốn sách ông đã dịch. Có thể nói thuật ngữ "thế
giới phẳng" chỉ xuất hiện một cách phổ biến ở nước ta hiện nay sau khi cuốn The
WorldIs Flat của Thomas L. Freedman được ông chuyển ngữ và cho xuất bản
năm 2005. Còn các bài viết của ông trên các báo, các trang mạng bao giờ cũng
lôi cuốn bạn đọc ngay từ cách đặt vấn đề rất trúng đến những phản biện đầy thuyết
phục để đi đến việc giải quyết vấn đề một cách rốt ráo nhất, hiệu quả nhất.
Phát triển dẫn đến dân chủ như thế nào?
Biên dịch: Phan Thị Hoài Phương | Hiệu đính: Nghiêm Hồng Sơn
Trong
những năm gần đây, sự bùng nổ dân chủ đã nhường chỗ cho suy thoái dân chủ. Từ
năm 1985 đến 1995, nhiều quốc gia thực hiện việc chuyển đổi sang dân chủ, mang
hưng phấn lan rộng về tương lai của nền dân chủ. Nhưng gần đây, dân chủ đã
thoái lui ở Bangladesh, Nigeria, Philippines, Nga, Thái Lan, và Venezuela. Còn
những nỗ lực của chính quyền Bush để thiết lập nền dân chủ ở Afghanistan và
Iraq dường như đã đẩy cả hai nước này vào sự hỗn loạn. Với sức mạnh ngày càng
tăng của Trung Quốc và Nga, những phát triển này đã khiến nhiều nhà quan sát
cho rằng nền dân chủ đã đạt đến đỉnh điểm và không còn dâng cao được nữa.
Tại sao nước Mỹ lại không dạy Đức Dục?
Nông
Duy Trường
Lời
Mở Đầu
Đức
Dục là một môn học mà hầu như nước nào cũng có, tuy tên gọi có khác nhau tùy
theo từng nước; có nước gọi là đạo đức học, có nơi lại gọi là giá trị học. Tại
31 nước Âu châu, có nước bắt buộc học sinh phải học, có nước cho vào môn nhiệm
ý bắt buộc (Korim & Hanasova, 2010). Trong chương trình giáo dục của các nước
Đông Nam Á, gồm 11 nước, cũng có môn đức dục (Southeast Asian Ministers of
Education Organization – SEAMEO). Riêng tại Việt Nam, môn luân lý đã được đưa
vào trong chương trình giáo dục tiểu học từ năm 1941 với cuốn Luân Lý Giáo Khoa
Thư lớp sơ đẳng do Nha Học Chính Đông Pháp ấn hành. Giáo dục, nói chung, có thể
quy vào ba lãnh vực chính là trí dục, thể dục, và đức dục. Ai cũng nhận thấy tầm
quan trọng của đức dục; nhà nước nào cũng hô hào phải dạy dỗ và rèn luyện nhân
cách, đức tính cho con em từ thuở nhỏ. Nhưng trong những thập niên gần đây, hầu
như trên toàn thế giới đều xảy ra một hiện tượng đáng báo động là tình trạng
“hư hỏng” của học sinh, thí dụ như bạo lực, gian lận thi cử, hỗn láo trong học
đường tại Nhật Bản trong cuối thập niên 1990, tại Indonesia và Việt Nam trong
những năm gần đây khi báo chí tường thuật những vụ bạo hành, đánh lộn, gian lận
thi cử trong giới học sinh (Tsuneyoshi, 2001; Postscript, 2011).
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)