Phát biểu nhận Giải thưởng Tinh hoa Giáo dục Quốc tế - Bùi Văn Nam Sơn

Posted on
  • Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • LTS - Ngày 9.1.2007 vừa qua, tại Hà Nội, đã có cuộc họp mặt kỉ niệm một năm ngày ra mắt Nhà xuất bản Tri Thức và Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh. Nhân dịp này, Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh đã trao giải "Tinh hoa Giáo dục Quốc tế" cho Bùi Văn Nam Sơn, tác giả bản dịch và chú giải tác phẩm Phê phán lí tính thuần tuý của Immanuel Kant (nhà xuất bản Văn Học, 2004). Diễn Đàn đăng dưới đây bài phát biểu của người nhận giải. Sau khi nói tới tầm quan trọng của công tác biên dịch các tác phẩm tinh hoa của kho tàng tư tưởng thế giới, tác giả nói tới vai trò của Kant, nhà giáo dục.
    Kính thưa Quý vị,
    Trước hết, xin cho phép tôi kính gửi đến tất cả Quý vị lời chào trân trọng và lòng cám ơn chân thành trước tình cảm và các lời đánh giá đầy ưu ái của Quý vị.
    Thú thật, có nhiều lý do khiến tôi hết sức ngại ngùng khi được báo tin, và hôm nay, trong không khí trang trọng của buổi Lễ ra mắt Quỹ Dịch thuật, được vinh dự nhận “giải thưởng lớn” đầu tiên của Quỹ [1] dành cho việc dịch và chú giải quyển Phê phán lý tính thuần tuý của Immanuel Kant, một việc làm vốn âm thầm, riêng lẻ, tưởng đã rơi vào quên lãng của một người Việt lưu lạc lâu năm ở nước ngoài, chẳng biết làm gì để gọi là đóng góp chút ít cho quê hương. Nhưng, lại cũng có nhiều lý do buộc tôi phải “cung kính bất như tuân mệnh” khi hiểu rằng đây không chỉ là tấm lòng ưu ái của Quý vị trong Hội đồng giám định dành cho cá nhân tôi mà còn là cử chỉ tượng trưng nhằm khích lệ các nỗ lực theo tôn chỉ và mục đích của Quỹ, nhất là khi Quỹ Dịch thuật này do Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam chủ trương được mang tên nhà khai sáng Phan Châu Trinh. Ôi, Phan Châu Trinh của Chí thành thông thánh mà hình ảnh của Cụ như phảng phất đâu đây đang lặng nhìn chúng ta bằng ánh mắt nghiêm khắc lẫn tin cậy : “Chư quân vị tất vô tâm huyết?” (Các anh chị em hẳn không phải là không có tâm huyết?) [2] . Vì thế, khi được mang tên Cụ, thiết nghĩ Quỹ dịch thuật tự đặt cho mình trách nhiệm khá nặng nề, nếu không muốn nói to tát hơn, một “sứ mệnh văn hóa” trong bối cảnh hiện nay của đất nước. Với tất cả sự xúc động khi nhận giải thưởng mang tên Cụ và được tham dự buổi lễ đầy ý nghĩa hôm nay, xin cho phép tôi nhiệt liệt chào mừng sự ra đời của Quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh, và, nhân dịp quý báu này, tôi xin phát biểu vài suy nghĩ về việc tổ chức dịch sách kinh điển; và sau đó, trình bày đôi nét chung quanh chủ đề “Kant, nhà giáo dục”, khi được cho biết rằng Hội đồng giám định về giải thưởng đã đánh giá cao I. Kant ở tư cách này.
    Thưa Quý vị,
    Xây dựng “Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới” với sự tài trợ của Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh là điều được nhiều người quan tâm đến nền học thuật nước nhà mong mỏi từ lâu, nay mới có cơ hội thực hiện. Theo chúng tôi, việc cung cấp những bản dịch, giới thiệu, chú thích (và cả chú giải, nếu có) của những tác phẩm kinh điển thuộc nhiều ngành khoa học cơ bản khác nhau là điều cần thiết hiển nhiên, ít nhất ở các khía cạnh sau đây:
    1.    Đón trước yêu cầu cải cách việc dạy và học ở đại học, khi những tác phẩm đầu nguồn và đầu tay rồi sẽ trở lại giữ đúng vị trí của chúng như là tài liệu chính khóa chứ không chỉ là sách tham khảo, tương tự với thông lệ ở đại học các nước khác. Ở bất kỳ đại học hay thư viện nào ở nước ngoài, kể cả ở những nước có mức độ phát triển không hơn nước ta là bao, và đặc biệt trong các ngành khoa học cơ bản và khoa học nhân văn và xã hội, tuyệt đại bộ phận nguồn sách chính yếu vẫn là bằng ngôn ngữ bản địa và trong số đó phần không nhỏ là những bản dịch. Thực tế cho thấy không thể chờ đợi hay đòi hỏi sinh viên cấp cử nhân ở bất kỳ nước nào có khả năng đọc thẳng nguyên bản hay bản dịch viết bằng ngoại ngữ. Đối với nguyên bản viết bằng các ngôn ngữ khó như tiếng Phạn, tiếng Hy Lạp-Latinh, tiếng Hán cổ, tiếng Đức v.v…, ngay cả giáo sư hay những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp ở các nước vẫn chủ yếu sử dụng bản dịch của tiếng nước họ. Như thế, không có lý do gì khiến ta mãi mãi phải đọc bản dịch bằng tiếng nước khác, mặc dù vẫn cần khuyến khích người học nỗ lực am tường nhiều ngoại ngữ để có thể tiếp thu sâu sắc hơn.
    2.    Việc tổ chức dịch sách kinh điển một cách có hệ thống, phấn đấu hướng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của tính chính xác, tính giáo khoa và tính khoa học phải là nỗ lực âm thầm, bền bỉ của nhiều thế hệ để góp phần xây dựng kho tàng thuật ngữ chuyên ngành và ngôn ngữ khoa học cho một đất nước. Kinh nghiệm các nước đã cho thấy sự rèn luyện và trưởng thành về ngôn ngữ khoa học đã tác động mạnh mẽ như thế nào đến phương pháp tư duy, đến đời sống tâm lý và cung cách ứng xử của một xã hội.
    3.    Đối với nước ta, công cuộc “tu thư” này càng bức thiết để nhanh chóng lấp khoảng trống về học thuật, bù lại những quãng thời gian và cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhằm tiếp cận một cách toàn diện hơn, chính xác hơn các trào lưu tư tưởng và thành tựu khoa học trên thế giới. Để không bị tràn ngập và lạc lối trong làn sóng bùng nổ thông tin hiện nay, nhất là để tận dụng được phần hữu ích và tinh tuý của nó, việc dịch thuật có hệ thống là con đường ngắn nhất trong việc “tiếp phát” văn hóa (acculturation). Nền học thuật, hay nói rộng hơn, các giá trị văn hóa của một dân tộc sẽ càng phong phú và sáng rõ khi có dịp cọ xát, thử thách và giao hòa với kho tàng tinh hoa của thế giới, nhất là với một đất nước vốn có truyền thống “tịnh hành” rất quý báu, tức để cho nhiều trào lưu tư tưởng được cùng tồn tại và phát triển như nước ta trước đây. Lịch sử tư tưởng thế giới đã cho ta biết bao ví dụ về sự tiến bộ hay tụt hậu của một xứ sở hay thậm chí của một tác giả do được tiếp thu sớm hay muộn thành tựu nghiên cứu của nước ngoài thông qua các bản dịch.
    Ý thức tầm quan trọng như thế của việc dịch và chú giải sách kinh điển (thậm chí có thể nói không ngoa rằng nếu không có được điều ấy, các phân khoa nhân văn và xã hội ở các nước chắc phải “đóng cửa” hết!), nên ở các nước phát triển, nhất là ở châu Âu, nơi có khá nhiều ngôn ngữ bản địa, công việc dịch thuật luôn sôi động. Mặt khác, do tính đặc thù của loại sách này, người ta biết rằng không thể phó thác hoàn toàn cho cơ chế thị trường mà cần có sự hỗ trợ đặc biệt từ phía nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Tên tuổi của các Quỹ dịch thuật và tu thư như của Toyota, Volkswagen, Rockefeller v.v.. đã quá nổi tiếng.
    Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh cũng ra đời trong bối cảnh ấy và chúng ta có cơ sở để tin tưởng vào nhiệt tâm và sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía. Riêng với đông đảo anh chị em Việt kiều ở nước ngoài – những người đã mong mỏi sự kiện này từ lâu và vui mừng đón nhận các dịch phẩm đầu tiên của Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới thông qua nhà xuất bản Tri thức ngay từ khi Quỹ dịch thuật đang trong quá trình được thành lập –, sự hân hoan và tán thưởng thể hiện ở việc ngày càng nhiều anh chị em giới thiệu sách mới, đề nghị danh sách nên dịch, hoặc trực tiếp tham gia vào việc dịch, chú giải, thẩm định, hiệu đính cũng như sẵn sàng tiếp tay, hỗ trợ cho việc xây dựng đội ngũ dịch giả đông đảo và vững mạnh trong tương lai. Anh chị em cũng đang nghĩ đến các hình thức hỗ trợ tài chính trong khả năng cho phép. Kết quả đầu tiên đáng phấn khởi mà hôm nay tôi rất hân hạnh được ủy nhiệm để thông báo đến Quý vị là sáng kiến đóng góp tài chính đầy nhiệt tình của một bạn trí thức Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Toronto, Canada: BS Trần Quang Khâm. BS Trần Quang Khâm sẽ đóng góp cho Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh 100.000 đô-la Canada (tương đương 1 tỷ 400 triệu đồng VN) vào đầu năm 2007 này và thêm 100.000 đô-la Canada vào hai năm sau đó để Quỹ dùng tiền lãi tiết kiệm của số vốn gần ba tỷ đồng Việt Nam này góp phần vào công việc tổ chức dịch thuật và hiệu đính. Mong rằng sáng kiến đóng góp tài chính rất có ý nghĩa này của BS Trần Quang Khâm sẽ được Quỹ Phan Châu Trinh sử dụng một cách hiệu quả và Quỹ sẽ thu hút ngày càng nhiều những hình thức ủng hộ và đóng góp tài chính từ các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Tôi hân hoan thay mặt BS Khâm xin kính trao số tiền tượng trưng là 5.000 đô-la Canada đến Ban lãnh đạo Quỹ Phan Châu Trinh trong số tiền 100.000 đô la Canada đầu tiên sẽ được chuyển đến Quỹ trong những ngày tới đây.
    Thưa Quý vị,
    Trở lại với chủ đề thứ hai trong bài phát biểu này, như đã có thưa ở trên, tôi được cho biết một trong các lý do chính yếu khiến tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý nói riêng được hội đồng giám định đánh giá cao là ở tính chất đào luyện tâm hồn của nó và ở ý nghĩa, vai trò nói chung của tác giả Immanuel Kant như là một nhà giáo dục. Vâng, hai trăm năm kể từ ngày Kant qua đời, bao thế hệ độc giả có thể còn tiếp tục tranh cãi và không đồng tình với nhau về không ít vấn đề trong triết học của ông, nhưng hình ảnh nguyên vẹn đọng lại trong lòng người đọc về Kant chính là hình ảnh nói trên; và hình ảnh ấy, tự nó, là một lời khen tặng bất hủ dành cho một nhà tư tưởng. Karl Jaspers, trong công trình nổi tiếng Những đại triết gia, nhận định như sau: “Không ai nắm vững Kant mà không phản đối ông ở những chỗ căn bản. Không ai hiểu ông mà không đòi chỉnh sửa nhiều câu của ông. Hiểu Kant có nghĩa là một sự nhất trí vô song với ông ở bề sâu, đồng thời là một sự nghiên cứu có phê phán mạnh mẽ ở bề ngoài. Sở dĩ như thế vì chính Kant, nói chung, đã đi vào một con đường thật sự mới mẻ. Khi phê phán ông, ta đã trở thành một con người khác, nghĩa là đã tự mình lặp lại cuộc cách mạng về tư duy của chính ông, để tự hỏi: ta phải hiểu từng câu từng lời như thế nào từ cùng một nguồn cội mà ta đã đạt được nhờ một bước nhảy của lề lối tư duy qua bản thân Kant” [3] .
    Ba hình ảnh quen thuộc được ta hình dung về một nhà giáo dục, đó hoặc là :
    1.    Một vị tôn sư, một bậc giáo chủ chiếm trọn trí óc, con tim và lòng tin cậy của ta để ta tự nguyện làm người đệ tử và hoan hỉ “tín, thọ, phụng, hành”;
    2.    Một nhà sư phạm chuyên nghiệp, đề ra cả một lý thuyết và một triết lý giáo dục, có ảnh hưởng quyết định đến quan niệm và tổ chức về giáo dục của một nước, một vùng văn hóa và kéo dài nhiều thế hệ;
    3.    Một nhân cách điển hình, chỉ thỉnh thoảng mới đề cập trực tiếp đến vấn đề giáo dục, - có khi như nhân tiện nói qua hay ở những chỗ… “lạc đề” - nhưng cuộc đời và hành trình tư tưởng của họ bảo chứng cho những lời nói ấy và có sức mạnh gợi hứng lâu bền cho người đời sau. Theo cái nhìn hạn hẹp của tôi, có lẽ đức Khổng tử và I. Kant thuộc về loại thứ ba này. Đức Khổng được tôn xưng là “mẫu người Thầy của muôn đời” (Vạn thế sư biểu), nhưng các phát biểu trực tiếp của Ngài về giáo dục chỉ vỏn vẹn vài mươi câu, được ghi lại một cách khá mỏng mảnh trong Chương đầu quyểnLuận ngữ (Chương “Học nhi”). Những lời ấy thật giản dị, chẳng hạn: “Quân tử bất trọng, tắc bất uy, học tắc bất cố” (Người quân tử không tự trọng thì chẳng uy nghiêm, việc học ắt không kiên cố) hay “Học nhi bất tư tắc võng; tư nhi bất học tắc đãi” (Học mà không suy nghĩ ắt sẽ sai lầm; suy nghĩ mà không học ắt sẽ mệt mỏi, rối trí, không mang lại kết quả gì). Những lời phát biểu trực tiếp về giáo dục của Kant cũng thế, nếu sưu tập lại, chắc không quá vài mươi trang giấy! Vì thế, sức nặng và sự hoằng đại của các câu nói ấy, - của Khổng, của Kant, - cần đặt trong toàn bộ tư tưởng cao thâm của các vị ấy. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng mất đi vẻ gần gũi, thân mật như là những lời nhắn nhủ của loại nhà giáo dục luôn tự xem là người đồng đẳng, người đồng học cùng với chúng ta. Nếu với hai loại trước, ta có loại hình nhà giáo dục tiên tri và loại hình nhà giáo dục chuyên nghiệp, thì ở đây, có thể nói, ta có loại hình nhà giáo dục dân chủ. Trong hàng ngũ các nhà giáo dục loại thứ ba này, có lẽ ta sẽ không chút ngần ngại để kể đến tên nhà khai sáng Phan Châu Trinh yêu quý của chúng ta.
    Trong khuôn khổ một bài phát biểu ngắn, tôi không dám dài lời, nên chỉ xin đề cập đến một khía cạnh trong tư duy giáo dục của Kant, đó là: giáo dục như là con đường của sự khai sáng với hai điểm nhấn mạnh: vai trò của triết học trong đời sống xã hội và của tính công khai.
    Vai trò của triết học trong đời sống xã hội
    Kant xem sự tồn tại lịch sử của con người chúng ta như là một điểm nhỏ trên con đường dài mà ta không thể biết được điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Điểm khởi đầu thì ta chỉ có thể phỏng đoán, còn định hướng cho tương lai thì ta chỉ có thể dùng các “lòng tin” của lý trí – mà ông gọi là “các Ý niệm tất yếu” - để soi sáng. Còn bước đi trên con đường ấy là tiến trình của sự khai sáng. “Khai sáng là việc con người đi ra khỏi sự không trưởng thành do chính mình tự chuốc lấy” [4] . Không trưởng thành là sự bất lực, không biết dùng đầu óc của mình mà không có sự hướng dẫn của người khác. Còn tự mình chuốc lấy là do thiếu dũng khí, thiếu lòng kiên quyết và thói quen an nhàn, thoải mái. Vì thế, khẩu hiệu của sự khai sáng là: sapere aude! (Hãy dám biết!), hãy có gan dùng chính đầu óc của mình! Con người rất thích ở yên trong tình trạng không trưởng thành, vì mọi việc đã có người khác chỉ dẫn, sắp đặt, lo liệu. Thoát khỏi “những xiềng xích êm ái” ấy, con người thấy bơ vơ và lúng túng vì không quen suy nghĩ và vận động tự do. Vì thế, Kant bảo: “Chỉ có ít người thành công trong việc vừa trưởng thành về tinh thần, vừa tự đi được một cách vững chắc”. Nhưng, tiến trình khai sáng vẫn cứ tiếp diễn, tuy chậm chạp. Một cuộc cách mạng có thể lật đổ kẻ độc tài nhưng không phải dễ dàng mang lại sự cải cách đích thực về lề lối tư duy. Các định kiến mới chỉ thay chỗ cho các định kiến cũ, vì lề lối tư duy khó mà được thay đổi một cách đột ngột.
    Chính tình hình đó mới cần đến tư duy lý tính, cần đến triết học, – được ông hiểu vừa như là sự phê phán, vừa như là “kỷ luật” tự nguyện của tư duy tự chế ước chính mình. Ông hiểu triết học phê phán của mình như là một đóng góp cho đời sống chính trị-xã hội, trong chừng mực bản thân nó có nhiệm vụ tham gia tích cực vào tiến trình khai sáng; đồng thời như là một triết học về chính trị-xã hội, trong chừng mực tư duy chính trị-xã hội cần được suy tưởng như con đường đi đến sự tự nhận thức tự do. “Chính trong tư duy như thế, ta thấy sự căng thẳng giữa một bên là ý thức về sự yếu đuối, bất lực nhất thời, và bên kia là lòng tin tưởng mạnh mẽ, lớn lao về diễn trình của trí tuệ nhân loại” (Sđd, tr. 563).
    Vai trò của triết học trong đời sống chính trị-xã hội xuất phát từ cách hiểu như thế về triết học. Theo Kant, việc thiết lập, lãnh đạo và quản lý đời sống chính trị-xã hội – được ông gọi là “hiến chương dân sự” – là công việc của những nhà chính trị. Điều cần có nơi họ là: “quan niệm đúng đắn về bản tính của một hiến chương khả hữu”, “một sự dày dạn từng trải” và sau cùng “một thiện chí để kết hợp được hai điều ấy lại”. Họ không phải là những nhà triết học chuyên nghiệp, vì Kant không chờ đợi và cũng không mong muốn mô hình của Platon: vua phải là triết gia và triết gia phải… làm vua, bởi ông biết rằng “việc nắm giữ quyền lực khó mà không làm hư hỏng phán đoán tự do của lý tính”. Tuy nhiên, theo cách nói của ông, “bậc vương giả” hay “các dân tộc vương giả” (königliche Völker) - tức các dân tộc biết tự cai trị chính mình theo các quy tắc của sự bình đẳng – cần lắng nghe những nhà triết học. Trong khi phác họa các “điều khoản" cho một “nền hòa bình vĩnh cửu”, Kant đề nghị ghi thêm một “điều khoản bí mật”, đó là: “Các quốc gia vũ trang cần phải tham vấn các châm ngôn của các nhà triết học về các điều kiện để bảo đảm hòa bình”. Tại sao phải là điều khoản “bí mật”? Vì thật bất tiện khi yêu cầu kẻ cầm quyền phải công khai “hạ cố” tham vấn các triết gia! Cho nên, điều kiện để thực hiện “điều khoản bí mật” ấy chỉ là hãy để cho các triết gia được ăn nói tự do và công khai. Một mặt, ông biết rằng trong lịch sử (nói riêng ở châu Âu), vị trí của triết học vốn khiêm tốn và chông chênh. Nó không những đứng sau pháp gia [nhà cầm quyền] mà còn bị thần học [hệ tư tưởng chính thống] bắt làm “con sen” nữa. “Chỉ có điều không rõ là “con sen” này có nhiệm vụ cầm đèn đi trước soi đường hay lẽo đẽo đi sau nâng váy cho bà chủ”! Mặt khác, ông lại thấy các triết gia – do bản chất tự do của công việc suy tưởng của họ – không bao giờ hình thành nên một phe nhóm hay tầng lớp, nghĩa là không hề có quyền lực. “Trong nhân dân, họ không thỏa thuận riêng với nhau (như tầng lớp giáo sĩ) mà chỉ đề ra các dự phóng với tư cách là người công dân” và “họ chứng minh một cách hoàn toàn không khả nghi rằng họ chỉ quan tâm đến chân lý mà thôi”. Các ý tưởng rất nghiêm túc đằng sau cách nói hóm hỉnh ấy về vị trí và vai trò của triết học trong đời sống cộng đồng xuất phát từ quan niệm rất sâu sắc của ông về bản chất của triết học. Ông nêu mấy đặc điểm sau đây:
    1. “Ta không bao giờ có thể học triết học mà cùng lắm chỉ là học cách triết lý”    
    Tất nhiên, ta vẫn có thể và cần học triết học với tư cách là một kiến thức vững chắc và chính xác về lịch sử tư tưởng. Nhưng, kiến thức lịch sử về triết học chưa chứng tỏ được năng lực phán đoán từ chính nhận định của mình. Ta chỉ được “đào tạo theo lý trí của người khác” như một “khuôn dấu sống” [5] mà thôi. Do đó, ai muốn học cách triết lý thì phải xem “mọi hệ thống [tư tưởng] chỉ như là lịch sử về việc sử dụng lý tính” mà thôi và ta hãy dùng chúng như là đối tượng cho sự rèn luyện của chính mình. “Người học trò không học những tư tưởng mà học tư duy”, và vì thế, “thật là một sự lạm dụng chức trách sư phạm khi thay vì mở rộng năng lực suy nghĩ của học sinh và đào luyện họ để có được sự thức nhận trưởng thành trong tương lai thì lại làm cho họ tưởng rằng đã có sẵn một kho kiến thức đã hoàn tất khiến từ đó nảy sinh sự ngộ nhận về khoa học”.
    2. Kant phân biệt giữa triết học như là “quan niệm trường ốc” với triết học như là “quan niệm toàn hoàn vũ”
    Triết học trường ốc là chỉ đi tìm “một hệ thống kiến thức với mục đích duy nhất là tính hoàn chỉnh về lôgíc”, tức chỉ nhằm đưa ra các quy tắc sử dụng lý trí cho bất kỳ mục đích nào, hầu mang lại kỹ năng, tài khéo chứ không cần biết kiến thức ấy đóng góp gì vào cứu cánh tối hậu của lý tính con người và hạnh phúc của nhân loại. Ngược lại, triết học “toàn hoàn vũ” là khoa học về các cứu cánh tối hậu của con người, là quan niệm mang lại “phẩm giá, tức giá trị tuyệt đối” cho triết học. Mục đích của ta thì có nhiều, nhưng cứu cánh tối hậu thì chỉ có một, đó là toàn bộ vận mệnh của con người, và nền triết học về điều này chính là đạo đức học theo nghĩa rộng nhất. Vì thế, với tư cách là quan niệm “toàn hoàn vũ”, triết học “liên quan đến mọi con người". Nó cao xa nhưng giản dị, vì “không có một nền triết học cao siêu nào có thể hướng dẫn cho ta bằng sự hướng dẫn mà Tự nhiên đã phú bẩm cho lương năng bình thường nhất” (Sđd, B859).
    3. Triết học hợp nhất quan niệm trường ốc và quan niệm toàn hoàn vũ chính là học thuyết về sự hiền minh với tư cách là khoa học. 
    Vì “khoa học là khung cửa hẹp dẫn đến học thuyết về sự hiền minh” [6] . Không có sự hiền minh, khoa học là vô nghĩa; còn sự hiền minh sẽ không hiện thực nếu không có khoa học. Các ngành khoa học riêng lẻ tự chúng là đáng ngờ về mặt giá trị, bởi chúng không tự biện minh được giá trị của mình. Khoa học chỉ có thể có được một giá trị nội tại đích thực với tư cách là cơ quan của sự hiền minh, và giá trị nội tại ấy sẽ do triết học mang lại. Và cũng bởi lẽ thông qua triết học mà các ngành khoa học có được trật tự và sự liên kết, nên hầu như triết học sẽ khép lại vòng tròn tuần hoàn khoa học như là chiếc “vương miện của tinh thần con người”.
    4. Triết học phê phán của Kant thường được cảm nhận như là sự phá hủy triết học cổ truyền.   
    Ông trả lời: sự phá hủy có tính tiêu cực và phủ định ấy chỉ gây tổn hại và mất mát đối với các trường phái giáo điều, chứ không phải cho bản thân triết học. Bằng sự minh định các ranh giới để buộc lý tính thuần túy phải tuân thủ “kỷ luật của tư duy”, sự phê phán mở ra không gian cho cái tích cực: mang lại bước đi vững chắc cho khoa học cũng như cho lòng tin vào lý trí con người. Nếu chủ nghĩa giáo điều bao giờ cũng kết thúc ở chủ nghĩa hoài nghi và sự mất lòng tin, thì sự phê phán sẽ dẫn đến khoa học và sự xác tín.
    5. Tác dụng tiêu cực, phủ định của triết học phê phán, do đó, chỉ là một phương diện của toàn bộ triết học.      
    Những nhà khoa học riêng lẻ đều chỉ là những nhà chuyên môn, thiện nghệ trong việc sử dụng lý tính. Nhưng, “đứng lên trên tất cả còn có một Bậc Thầylý tưởng sử dụng họ như những công cụ phục vụ cho sự tăng tiến của các cứu cánh cơ bản của lý tính con người. Chỉ có bậc thầy lý tưởng này mới xứng danh là “Triết gia”, song lại không tồn tại thật sự ở đâu cả. Tuy nhiên, ý niệm về quyền năng ban bố luật lệ của Triết gia vẫn lắng đọng trong đáy sâu tâm hồn của mỗi người chúng ta… Trong ý tưởng cao cả này, thật quá tự cao nếu tự xưng mình là triết gia và dám cho rằng mình đã đứng ngang hàng với hình ảnh nguyên mẫu của bậc triết nhân chỉ có thể có trong Ý niệm” [7] . Vậy, theo Kant, “Nhà hiền triết đích thực” – như là bậc thầy của sự hiền minh bằng chính hình ảnh mẫu mực của mình – là lý tưởng để được mãi mãi vươn tới của nền giáo dục nhân bản và khai phóng.    
    Tính công khai của triết học và khoa học.
    Tôi xin bước sang điểm thứ hai: tính công khai của triết học và khoa học.
    Đối với “hiến chương của đời sống cộng đồng”, tính công khai là yếu tố quyết định, bởi vì bản chất của lý tính là tính có thể thông báo được một cách không bị hạn chế đối với chính mình và với người khác. Triết học hiểu tầm quan trọng ấy nên luôn tạo ra “ý chí thông báo”. Lý tính sẽ chết ngạt nếu không có bầu không khí của sự truyền thông. Đi vào chi tiết, Kant vạch rõ rằng mọi hình thức của lý tính đều cần đến tính thông báo công khai: những khái niệm (khoa học) là đều có thể thông báo được, khác với những cảm giác riêng tư của ta. Phán đoán về hành vi luân lý cũng “cần được thông báo một cách phổ biến bằng những khái niệm nhất định của lý tính thực hành, chẳng hạn: tốt, xấu, thiện, ác. Phán đoán thẩm mỹ tuy không cần đến “khái niệm của lý trí” nhưng vẫn được tiến hành nhờ vào Ý niệm về một “cảm quan chung”, hầu như là phán đoán nhân danh lý tính chung của con người.
    Chỉ bằng sự thông báo công khai thì việc mở rộng và kiểm tra đối với lý tính mới có thể thực hiện được. Do đó, tính công khai là điều kiện của tính người, của tính nhân văn (Humanität), hay nói cách khác, tính nhân văn chính là tính có thể truyền thông được cho nhau. Trong các châm ngôn của lý trí con người, bên cạnh sự “tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình” và “suy nghĩ nhất quán với chính mình”, Kant còn nhấn mạnh đến châm ngôn: “suy nghĩ từ vị trí hay quan điểm của người khác”. Đó là nguyên tắc của “lề lối suy tư được mở rộng”, vượt ra khỏi “các điều kiện riêng tư, chủ quan của phán đoán” [8] .
    Vậy, tự do của sự thông báo là điều kiện của tự do tư duy. Không có sự thông báo thì tư duy bị dồn vào góc hẹp của cá nhân và trong sự nhầm lẫn chủ quan. Ông viết: “Quyền lực bên ngoài nào tước đoạt sự tự do thông báo công khai tư tưởng của con người thì cũng tước đoạt sự tự do suy nghĩ của họ”.
    Tiến trình khai sáng thoát thai từ sự tự do của lý tính và tạo nên sự tự do ấy trong toàn bộ đời sống chính trị-xã hội bằng hai bước: sự khai sáng cho quần chúng nhân dân và sự khai sáng đối với nhà cầm quyền.
    Với quần chúng nhân dân, sự khai sáng đòi hỏi nhân dân “phải sử dụng lý trí của mình một cách công khai trong mọi lĩnh vực”. Ông phân biệt: một viên chức, một binh sĩ, phải biết tuân lệnh trong công việc. Nhưng, với tư cách là “học giả”, họ lại có quyền tự do phát biểu công khai về những sai lầm của bộ máy quân sự, của bộ máy hành chính. Và nếu họ thấy chức trách không còn phù hợp với lương tâm nữa thì hãy từ chức. Nói cách khác, “trong “công việc” thì phải tuân lệnh, nhưng trong phát biểu công khai của lý trí thì mọi sự giới hạn là phản lý trí”. Đối với nhà cầm quyền, sự khai sáng thực chất là phải bắt đầu ở họ vì họ là những người có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đối với xã hội.
    Tính công khai trong đời sống chính trị là điều kiện của luật pháp và pháp quyền. Không có tính công khai, không thể thực hiện được sự công chính. Người công dân phải được phép tiền giả định rằng người cầm quyền không muốn vi phạm quyền hạn hợp pháp của mình. Với tiền giả định ấy, việc vi phạm quyền công dân được hiểu là do nhầm lẫn hay không am tường các hậu quả nào đó của luật pháp. Vì thế, người công dân phải có quyền phát biểu công khai về điều mà họ cho vi phạm pháp luật ấy. Như thế, “tự do của ngòi bút là vị thần linh duy nhất của dân quyền”. Các giới hạn của sự tự do này chỉ có thể là do chính lý tính tự đặt cho chính mình mà thôi: đó là sự tôn trọng hiến chương dân sự, tôn trọng lề lối tư duy tự do và sự làm chủ tinh thần phê phán của lý tính.
    Các luận điểm cơ bản trên đây của Kant dẫn đến các vận dụng cụ thể trong lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục, xoay quanh các chủ đề còn rất thiết thực với chúng ta ngày nay: bảo vệ quyền tự do nghiên cứu của nhà khoa học, vun bồi tinh thần phê phán và khả năng tự đề kháng của người học, và hướng đến nền giáo dục toàn diện và khoan dung để “làm công dân thế giới”.
    - Từ nhận định: “thật là một điều hết sức phi lý khi muốn nhờ lý tính mang lại sự khai sáng, mà ngay từ đầu, các bạn lại bắt buộc nó phải nhất thiết đứng về một phía [chính đề hay phản đề do các bạn quyết định]”. Do đó, không có lựa chọn nào khác ngoài việc: “hãy để yên cho mỗi nhà tư tưởng tự đi riêng con đường của họ; hãy để cho họ thể hiện hết tài năng, để họ minh chứng các tư tưởng thâm trầm và mới mẻ, nói ngắn, hãy để họ chứng tỏ họ làm chủ sức mạnh của tư duy, và như vậy, rút cục, chỉ có lý tính bao giờ cũng là người thắng cuộc. Còn nếu các bạn dùng các phương tiện khác như ràng buộc dư luận, kềm hãm suy tư, lên án phản nghịch, kích động đám đông (…) rồi tập hợp lực lượng theo lối chữa lửa thì chỉ tự biến mình trở thành kỳ cục, làm trò cười cho thiên hạ mà thôi” [9] . Vì ông tin rằng: “lý tính đủ sức dùng chính lý tính để tự thuần phục và tự kiềm chế nó trong các giới hạn hợp lý, khiến các bạn không cần phải huy động một lực lượng canh giữ nhằm đề kháng lại nó” (nt).
    - Đối với người học, ông đặt câu hỏi: “phải chăng đối với các bạn trẻ đang được phó thác cho việc giảng dạy ở nhà trường, ta cần khuyến cáo họ tránh xa các tác phẩm ấy [tức các tác phẩm của sự tự do nghiên cứu], ngăn cản không cho họ biết được lập trường nguy hiểm này chừng nào ta cho rằng phán đoán của họ chưa đủ vững vàng, và học thuyết mà ta muốn nhồi nhét cho họ chưa đủ bám rễ sâu trong trí não để tự họ đủ sức chống lại các quan điểm đối nghịch bất kể từ đâu đến?”. Rồi ông tự trả lời: “Tất nhiên, nếu bản thân ta tiếp tục đứng mãi trong phương pháp giáo điều (…) và chẳng biết cách nào để giải quyết cuộc tranh biện ngoài cách chọn hẳn một phía để chống lại phía kia, có lẽ trước mắt, chỉ có hạ sách ấy. Nhưng về lâu dài, không gì vô lý và kém hiệu quả bằng muốn giữ mãi tinh thần của thanh niên dưới sự giám hộ càng lâu càng tốt để tránh cho họ khỏi phạm sai lầm. Vì, sớm muộn họ cũng sẽ tiếp cận với các tác phẩm trên, và liệu họ có giữ vững niềm tin của thời trai trẻ? Những thanh niên không được trang bị gì khác ngoài những vũ khí giáo điều, không thể phát hiện được sự sai lầm tiềm tàng ngay trong những quan điểm của mình cũng như của đối phương, sẽ thấy các luận điểm của đối phương là hấp dẫn, mới mẻ hơn những gì họ đã được học, điều ấy tất sẽ gợi lên trong lòng họ sự nghi ngờ và bất mãn rằng trước đây những người lớn đã lợi dụng lòng ngây thơ, cả tin của họ. Họ nghĩ rằng không có cách nào tốt hơn để chứng minh sự trưởng thành là vứt bỏ mọi lời răn dạy, giáo huấn – có thể đầy thiện ý trước đây – rồi vì chỉ quen với lối suy tư giáo điều, họ hăng say nốc từng hơi dài ly thuốc độc cũng không kém giáo điều, để hủy diệt những tín điều trước đây của họ!” [10] . Ông đề nghị: “Do đó, trong giáo dục, người ta nên đi con đường hoàn toàn ngược lại, với điều kiện tiên quyết là hãy huấn luyện thuần thục cho thanh niên tinh thần và phương pháp của việc phê phán lý tính”… Tinh thần và phương pháp phê phán lý tính không gì khác hơn là làm mất hết khả năng gây ảo tưởng” (B784) của những lập luận giáo điều của chính mình và của đối phương, điều kiện căn bản cho sự tăng tiến về nhận thức lý thuyết. Rồi bằng khả năng phân tích, so sánh những hành vi một cách tỉnh táo, không định kiến, con người tự vun bồi năng lực hành động luân lý cho chính mình. Thêm vào đó, việc rèn luyện năng lực phán đoán vô vị lợi trong lãnh vực thẩm mỹ, con người “dọn mình” để cảm thụ cái đẹp, cái cao cả trong tự nhiên và nghệ thuật. Tất cả các điều ấy mở rộng chân trời của con người, chuẩn bị cho họ làm người “công dân thế giới” với đầy đủ sự tự trị và chủ quyền. Theo Kant, đó là viễn tượng của “lịch sử phổ quát” của nhân loại trong một “nền hòa bình vĩnh cửu” mà mục đích tối cao của nó là phát huy hết “mọi tiềm lực của con người”. Đó là một giấc mơ, tất nhiên. Nhưng, theo Kant, đó cũng là một vấn đề đặt ra như một nghĩa vụ.
    Thưa Quý vị,
    Tôi không dám lạm dụng hơn nữa thời gian và sự kiên nhẫn của Quý vị và cũng không có tham vọng trình bày nhiều hơn về di sản tinh thần đồ sộ của nhà đại giáo dục này. Đến với những khuôn mặt lớn trong quá khứ, ta không mong muốn gì hơn là có dịp để sọi rọi lại chính mình, để rút ra những bài học bổ ích cho hiện tại. Có lẽ đó cũng là tinh thần “ôn cũ biết mới” của Văn Thiên Tường khi ông kết thúc bài thơ trường thiên “Chính khí ca” của mình sau khi điểm lại những tấm gương trong lịch sử, bằng câu: “Cổ đạo chiếu nhan sắc”. Cụ Phan Bội Châu đã dịch sang thơ Việt:
    Đạo xưa rạng tỏ muôn đời
    Như hình rọi lại lên nơi mặt mình
    “Rọi lại” giúp ta biết giật mình để đi tới, biết hổ thẹn để phấn đấu.
    Bùi Văn Nam Sơn
    Nguồn:http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/giai-thuong-tinh-hoa-giao-duc-quoc-te-cho-bui-van-nam-son/


    [1] Giải “Tinh hoa giáo dục quốc tế” cho tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý của triết gia Đức Immanuel Kant do Bùi Văn Sơn Nam dịch (Nhà xuất bản Văn Học, 2004), giá trị giải thưởng 15 triệu đồng.
    [2] Chí thành thông thánh :
    Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
    Giang sơn hòa lệ khấp anh hùng
    Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
    Bát cổ văn chương túy mộng trung
    Tùng thử bách niên cam thóa mạ
    Bất tri hà nhật thoát lao lung
    Chư quân vị tất vô tâm huyết
    Thí bả tư văn nhất khán thông
    (Phan Châu Trinh) 
    [3] Karl Jaspers, Die grossen Philosophen, Piper, München, 2004, tr. 584-585.
    [4] Immanuel Kant:  Khai sáng là gì ?
    [5]  I. Kant: Phê phán lý tính thuần túy, B864.
    [6] I. Kant: Phê phán lý tính thực hành, A292.
    [7] I. Kant: Phê phán lý tính thuần túy, B867.
    [8]I. Kant: Phê phán năng lực phán đoán, B158.
    [9] I. Kant: Phê phán lý tính thuần túy, B774-775.
    [10] I. Kant: Phê phán lý tính thuần túy, B783.
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org