Vai trò của Tư pháp độc lập

Posted on
  • Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Philippa Strum*
    “Nhiều luật gia tại Hoa Kỳ cho rằng việc tòa xét duyệt các luật liên quan tới quyền con người là một điểm son và là niềm tự hào của nước ta. Tôi đồng ý”                  
    (Ruth Bader Ginsburg, Thẩm phán Tòa Tối cao Liên bang)
    Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 ở Mỹ cứ dằng dai mãi khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Các phiếu có tính chất quyết định đã được bỏ ở Florida, nhưng một thời gian dài sau ngày bầu cử người ta còn đặt ra câu hỏi là do trục trặc về máy móc không biết một số phiếu tại Florida đã được đếm chưa mà nếu chưa đếm thì phải xử trí ra sao. Viện Lập pháp Florida và cả một số thẩm phán của tiểu bang cũng tham gia vào cuộc tranh luận. Viên chức của Bộ Nội vụ bang Florida (Florida’s Secretary of State) và các đại biểu Quốc hội Mỹ tranh luận rất gay gắt. Cả hai phe ủng hộ hai ứng viên George W. Bush và Al Gore đều biểu tình ở Florida và các nơi khác khắp nước Mỹ. Trong khi cuộc tranh chấp đang diễn ra gay gắt thì nội vụ được đưa lên Tòa Tối cao để xét xử. Rốt cuộc Toà tuyên bố là Bush đã thắng Gore. Thế là xong. Gore đọc diễn văn mừng Bush. Những người biểu tình đi về nhà. Các nhà chính trị của đảng đã mất quyền tổng thống lên truyền hình tuyên bố bây giờ là lúc phải đoàn kết để tiếp tục làm việc cho quốc gia. Hiển nhiên là không phải ai cũng hài lòng với quyết định của tòa nhưng hầu như là ai cũng chấp nhận. Tuy có dư luận cho rằng một số thẩm phán có thiên kiến chính trị nhưng không ai nghi ngờ là quyết định của tòa là một quyết định không độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các nhân vật chính trị nào khác. Tính chất độc lập của ngành tư pháp liên bang và việc xã hội đồng ý tôn trọng phán xét của ngành tư pháp là một điểm son cho hệ thống chính trị Hoa Kỳ. Thực vậy, trên thế giới không có một tòa án nào khác mà lại có quyền lực khác thường như toà Tối cao trong việc quyết định về các cuộc tranh chấp trong xã hội, giải thích Hiến pháp và ấn định chính sách. William Rehnquist, chánh thẩm của tòa Tối cao vào lúc có cuộc bầu cử, trước đó vài năm đã nhận định rằng ngành tư pháp Hoa Kỳ là “một trong những viên ngọc quý của hệ thống chính quyền của chúng ta.” Câu hỏi thường đặt ra cho ngành tư pháp Hoa Kỳ gồm có hai phần. Phần thứ nhất là: Tại sao Hoa Kỳ lại chấp nhận một cơ chế cho một vài vị thẩm phán được bổ nhiệm (suốt đời) chứ không phải được bầu ra có quyền bảo các ngành chính quyền khác là điều họ làm có hợp pháp không? Phần thứ hai là: Làm sao mà cái quyền có tính chất định chế đó lại có thể đi đôi được với quyền quyết định của đa số trong một thể chế dân chủ? Câu trả lời cho phần thứ nhất nằm trong quan điểm của Hoa Kỳ về bản chất và vai trò của chính quyền.

    Việc thành lập ngành tư pháp
    Các vị lập quốc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 và Hiến pháp Mỹ năm 1789 đều tin tưởng rằng quyền của nhân dân đã có trước khi có chính quyền. Các vị đó tuyên bố trong Tuyên ngôn rằng con người ta sinh ra là đã có quyền và mục đích của chính quyền là bảo vệ và phát huy các quyền đó. Chẳng hạn, chính quyền phải bảo vệ sự an sinh và tài sản của nhân dân. Đó là lý do tại sao phải có luật về tội phạm và phải có nhân viên chính quyền để thi hành luật. Nhưng các nhà soạn thảo Hiến pháp lại hỏi: nếu chính quyền (mới thành lập vào lúc đó) bảo vệ người dân khỏi xâm phạm tới nhau thì ai là người để bảo vệ cho dân khỏi bị chính quyền xâm phạm? Chính quyền có thể sai, chính quyền có thể chuyên chế, chính quyền có thể lạm dụng lòng tin của nhân dân và tước bớt quyền của nhân dân. Một trong những yếu tố then chốt của tư tưởng chính trị Hoa Kỳ là điều tin tưởng rằng tất cả mọi định chế đều có khả năng hủ hóa và tất cả mọi người làm chính trị đều có thể hủ hóa. Không những là họ có thể bị cám dỗ cụ thể là bởi tiền bạc mà nguy hại hơn nữa là họ có thể bị mê hoặc bởi lòng tự cao tự đại. Những người có quyền thế thường dễ mắc vào lỗi lầm là tin rằng những điều gì họ muốn làm đều có nghĩa là điều đúng. Điều này lại càng dễ xảy ra trong một nền dân chủ vì các nhà chính trị cứ tự nhủ rằng họ được dân bầu ra tức là dân đã tin tưởng là họ phải có giải pháp đúng. Do đó các nhà soạn thảo Hiến pháp mới muốn làm sao cho chính quyền vừa đủ mạnh để bảo vệ dân chúng nhưng lại không quá mạnh để đến nỗi trở thành một thành lũy quyền lực không kiềm chế được. Câu trả lời của các vị đó là chia quyền để kiểm soát. Sẽ có ba ngành chính quyền: quyền tổng thống, quyền lập pháp (Quốc hội) và quyền tư pháp. Quốc hội không thể ra luật nếu không có sự đồng ý của tổng thống; tổng thống không thể thi hành chính sách nếu Quốc hội không thỏa thuận; và cả hai ngành này đều phải chịu trách nhiệm trước ngành tư pháp. Ngành tư pháp đánh giá các hành động của hai ngành này căn cứ theo các quyền lực quy định cho từng ngành trong Hiến pháp. Ngành tư pháp là cơ quan tối hậu để giải thích Hiến pháp, tức là đưa ra nhận định cuối cùng về ý của nhân dân có chủ quyền muốn chính quyền làm gì và giới hạn quyền lực của chính quyền như thế nào. Nếu hai “ngành chính trị” – tức là tổng thống và Quốc hội – muốn vượt quá các nguyên tắc chỉ đạo đó thì dân chúng có thể dựa trên Hiến pháp mà đưa ra tòa xét xử. Lúc bấy giờ ngành tư pháp sẽ can thiệp vào và bác bỏ những đạo luật trái với Hiến pháp.
    Như một nhà soạn thảo Hiến pháp đã nói, ngành tư pháp không có thế lực của tiền tài cũng như của võ khí. Ngành tư pháp không thể điều động quân đội hay cảnh sát để thi hành các điều lệnh của mình và cũng không có quyền phong tỏa ngân sách của các ngành kia. Tất cả những gì mà ngành tư pháp có thể làm được là chứng tỏ mình độc lập về chính trị và muốn bảo vệ quyền công dân tới mức mà cả các nhà chính trị lẫn dân chúng đều tự cảm thấy là phải tuân theo phán xét của ngành tư pháp. Muốn cho ngành tư pháp có thể có tiếng nói không thiên vị, không sợ hãi, muốn cho ngành tư pháp được thực sự độc lập thì nó phải được thành lập ngoài quyền kiểm soát của hai ngành kia. Vì vậy, Hiến pháp Mỹ đã quy định việc thành lập Toà Tối cao. Hiến pháp cũng giao cho Quốc hội nhiệm vụ thành lập các tòa liên bang cấp dưới; thẩm phán của các tòa này do tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Thượng viện. Quốc hội đầu tiên đã thiết lập hệ thống tư pháp liên bang đó, bao gồm các tòa xử án và các tòa kháng cáo cấp trung gian; trên hết là Tòa Tối cao tức là tòa phúc thẩm cấp cao nhất. Thẩm phán tại tòa liên bang các cấp đều được bổ nhiệm suốt đời (và theo luật thì không được giảm tiền lương của thẩm phán). Vì vậy, các tư pháp không sợ bị bãi nhiệm nếu họ đưa ra một phán xét mà mọi người không ưa thích. Một vị thẩm phán có thể tự ý ra khỏi ngành tư pháp để làm việc khác hay từ chức thẩm phán để ra tranh cử (tuy nhiên việc này ít xảy ra). Một thẩm phán ở tòa liên bang cấp dưới có thể mong muốn được bổ nhiệm vào tòa ở cấp cao hơn. Nhưng một thẩm phán cũng có thể đưa ra các phán quyết và luôn luôn biết chắc là dù phán quyết đó có thể làm cho các nhà chính trị hay dân chúng phẫn nộ như thế nào chăng nữa thì chức vụ của họ vẫn được bảo đảm suốt đời. Nói như vậy thì có vẻ nghịch lý. Một mặt thì các thẩm phán được bổ nhiệm để bảo đảm là ý muốn của nhân dân, thể hiện trong Hiến pháp, là trên hết. Mặt khác, khi được bổ nhiệm suốt đời lại có nghĩa là thẩm phán có thể đưa ra các phán quyết mà nhân dân cho là sai và đi ngược lại ý muốn của quần chúng. Hơn nữa, nếu thẩm phán lại do tổng thống và cơ quan lập pháp bổ nhiệm thì phán quyết của thẩm phán có thể phản ánh ý thích của đảng phái nhiều hơn là ý nguyện của đa số hay các điều chỉ đạo của Hiến pháp chăng? Hỏi như vậy tức là đặt ra vấn đề xem việc bổ nhiệm thẩm phán trên thực tế thực hiện như thế nào.

    Thể thức bổ nhiệm và tư thế độc lập của ngành tư pháp
    Tổng thống là người đề cử người vào chức vụ thẩm phán liên bang kể cả thẩm phán Tòa Tối cao và lẽ dĩ nhiên là các tổng thống có khuynh hướng lựa các người có triển vọng làm thẩm phán có quan điểm triết lý hợp với mình. Hai cấp dưới của toà liên bang có thẩm quyền trong một địa bàn cụ thể; do đó, vì các thượng nghị sĩ thường chiều theo ý thích của các bạn đồng viện khi xác nhận việc đề cử nên các tổng thống thường tham khảo ý kiến của thượng nghị sỹ đại diện một vùng trước khi bổ nhiệm thẩm phán cho vùng đó. Nhưng bổ nhiệm thẩm phán của Tòa Tối cao lại là chuyện khác vì thẩm quyền của các vị này là trên toàn quốc. Thêm nữa từ cuối thế kỷ 20 các tổng thống thường cân nhắc các yếu tố khác như vùng địa dư, tôn giáo, chủng tộc và phái tính khi đề cử những người làm thẩm phán Tòa Tối cao vì cho rằng như vậy là làm tăng uy tín và lòng tin cậy vào tòa trong thời đại ngày nay.
    Tuy nhiên, nhiệm kỳ suốt đời cũng giới hạn ảnh hưởng của các tổng thống đối với các thẩm phán của Tòa Tối cao. Căn cứ vào các điều mà họ đã quyết định khi còn là một nhà chính trị hay là một thẩm phán ở toà cấp dưới, người ta có thể nhận định về những quan điểm mà các thẩm phán đó có thể đưa ra khi họ được bổ nhiệm vào Tòa Tối cao. Nhưng điều này không hẳn là như vậy. Thí dụ như năm 1953, khi Tổng thống Dwight Eisenhower bổ nhiệm Earl Warren làm chánh thẩm tòa Tối cao, tổng thống biết là ông Warren trước kia, khi là Bộ trưởng Tư pháp tại California, chính là người đã chủ trì việc đưa các người Mỹ gốc Nhật tại bang này vào trại tập trung trong Thế chiến thứ hai; ông cũng là một công tố viên và một thống đốc rất cứng rắn đối với vấn đề phạm tội và các tội phạm. Nhưng khi làm chánh thẩm tòa Tối cao ông Warren đã giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Tòa Tối cao nhất trí chấp thuận quyết định tuyên bố việc cách ly chủng tộc trong các trường công là trái Hiến pháp. Và trong những năm 1960, phần lớn cũng do ảnh hưởng của ông Warren mà Tòa Tối cao đã giải thích Hiến pháp theo nghĩa bắt buộc phải có hệ thống để bảo vệ các người bị truy tố chặt chẽ hơn thường lệ khi các người này được đưa ra xét xử bởi hệ thống tư pháp hình sự. Khi Tòa Tối cao dưới thời ông Warren bác bỏ truyền thống cho dân trong vùng nông thôn có ảnh hưởng hơn dân thành thị trong các cuộc bầu cử đại diện các viện lập pháp, có người nói rằng điều này đã làm Tổng thống Eisenhower tức giận đến nỗi ông nói rằng nếu biết như vậy thì ông đã chẳng bao giờ đề cử Warren làm chánh thẩm. Lý do khiến ông Warren đưa ra những phán quyết như vậy một phần cũng là do tính của ông, nhưng sự kiện hình như ông đã thay đổi triết lý cai trị cũng phản ánh một hiện tượng người ta thấy rõ trong cuộc đời sự nghiệp của nhiều vị thẩm phán Tòa Tối cao. Có nhiều vị đã từng làm việc trong các chức vụ dân cử; tại các chức vụ này vì phải làm hài lòng cử tri và vì phải tái tranh cử nên họ đã phải tập trung vào các vấn đề chính trị địa phương. Đó là điều mà các nhà soạn thảo Hiến pháp muốn tránh bằng cách đặt ra chức vụ thẩm phán bổ nhiệm trọn đời. Các vị thẩm phán khác thì đã làm thẩm phán tại tòa tiểu bang, là nơi không cần phải giải thích Hiến pháp liên bang, hay tại tòa liên bang cấp dưới, là nơi mà họ biết chắc rằng nếu họ hiểu sai Hiến pháp thì đã có Tòa Tối cao sửa lại. Tuy nhiên, khi đã lên Tới Tòa Tối cao thì các thẩm phán không còn phải chiều theo ý thích nhất thời của quần chúng nữa. Các vị thẩm phán ý thức được ngay rằng họ là những người trọng tài tối hậu của đạo luật cơ bản của quốc gia – không còn có tòa nào cao hơn để sửa lại những lỗi lầm của họ – do đó họ thường suy nghĩ theo đường hướng mới về những lời cao xa trong Hiến pháp để suy ra ý nghĩa và đường lối hành động (bao hàm trong Hiến pháp). Bổ nhiệm trọn đời cũng giúp cho tư thế độc lập của ngành tư pháp. Những vấn đề khiến cho tổng thống muốn bổ nhiệm người này hay người khác làm thẩm phán tòa Tối cao có thể không liên hệ gì với các chương trình chính trị trong suốt thời gian mấy chục năm tại chức của thẩm phán. Có những vấn đề không ai nghĩ tới khi thẩm phán được bổ nhiệm nhưng lại thành nên những vấn đề quan trọng gây tranh luận trong những năm sau. Tổng thống không thể nào lường trước được sự biến chuyển của các hiện tượng như vậy. Khi tổng thống Richard Nixon bổ nhiệm thẩm phán tòa liên bang cấp dưới Warren Burger vào chức Chánh thẩm tòa Tối cao năm 1969, vấn đề nam nữ bình quyền không có trong lịch trình phán xét của Toà. Tổng thống Nixon Không thể nào tiên liệu được vấn đề đó sẽ là vấn đề then chốt trong thời gian ông Burger làm Chánh thẩm Tòa Tối cao vào những năm 1970; mà (lúc bổ nhiệm) ông Nixon cũng không thể nào lựa chọn được một vị thẩm phán có quan điểm thế này hay thế khác về vấn đề này. Trong một xã hội tự do, thẩm phán cũng chỉ là một công dân như bao nhiêu người khác. Như tất cả mọi người trong chúng ta, hành động của các thẩm phán cũng phản ánh các niềm tin quan trọng (của xã hội) khi họ lớn lên. Đồng thời họ cũng là thành viên của một xã hội trong đó, như trong các xã hội khác, các giá trị luôn luôn tiến hóa và có những thay đổi về kỹ thuật làm phát sinh ra các vấn đề pháp lý mới. Khi không làm việc ở Tòa, họ cũng nói chuyện với những người khác, cũng đọc báo, xem ti-vi. Họ cũng biết là vấn đề gì đã trở nên quan trọng trong xã hội tới mức đã nhảy lên hàng đầu trong các chương trình chính trị của Quốc hội, của tổng thống và của viện lập pháp ở các tiểu bang. Khi các thẩm phán phải đối diện với những câu trong Hiến pháp viết từ năm 1787 như “giao thương giữa các tiểu bang” hay “đầy đủ theo như luật pháp quy định” và phải áp dụng những câu đó vào các trường hợp cụ thể, thì họ không thể nào làm cách nào khác hơn là phải xem “giao thương” nghĩa là gì trong một thời điểm nào đó hay thế nào là “đầy đủ theo như luật pháp quy định” trong xã hội đương thời. Tuy được bảo vệ để không bị chi phối bởi các thị hiếu nhất thời của xã hội và bởi tham vọng của con người, nhưng các thẩm phán hầu như là không thể nào sống và làm công việc phán quyết của mình trong trong khoảng không gian trống không. Độc lập tư pháp, dù có nghĩa là phải giữ cương vị đứng ngoài cuộc trong một mức độ nào đó, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn cách ly khỏi ý muốn của dân chúng và lòng ước nguyện của đa số. Còn có hai cơ chế nữa để ngăn chặn quyền lực của tư pháp trong hệ thống chính trị tại Mỹ. Đó là tuy các thẩm phán liên bang được coi là giữ chức vụ suốt đời, nhưng trên thực tế họ được bổ nhiệm vì “là người có tư cách”. Do đó nếu họ có những hành vi phạm pháp hay không thể chấp nhận được thì có thể bị Quốc hội xử và cách chức. Ngoài ra Quốc hội còn có thể thông qua các đạo luật ấn định những lĩnh vực luật pháp không thuộc thẩm quyền phúc thẩm của Tòa Tối cao; chẳng hạn Quốc hội có thể quyết định là Toà không có quyền xét các đơn kháng cáo từ tòa dưới trong những vụ liên quan tới vấn đề kỳ thị tôn giáo hay kỳ thị chủng tộc. Tuy có một vài thẩm phán tòa liên bang cấp dưới đã bị Quốc hội cách chức, nhưng chưa có một thẩm phán Tòa Tối cao nào bị bãi nhiệm mặc dầu có nhiều đại biểu Quốc hội đã kịch liệt đả kích nhiều phán quyết của Tòa Tối cao. Quốc hội cũng rất ít khi sử dụng quyền lực giới hạn thẩm quyền phúc thẩm của Tòa Tối cao. Sở dĩ như vậy chủ yếu là do cách làm việc của Tòa Tối cao.

    Toà Tối cao và việc giải thích Hiến pháp
    Hiến pháp được viết trong giai đoạn lịch sử của nước Mỹ khi mà quyền lực của chính quyền liên bang được coi như là rất giới hạn. Sau cuộc cách mạng Hoa Kỳ năm 1776, 13 thuộc địa cũ của nước Anh họp lại thành một Liên hợp quốc gia và tự tuyên bố là các quốc gia độc lập có toàn quyền cai trị. Sau khi đã thắng trận, họ nhận thấy rằng cần thống nhất về đối ngoại và cần phải có sự đồng nhất trong các tiêu chuẩn giao thương toàn quốc. Tuy nhiên, họ cho rằng một chính quyền toàn quốc do họ thành lập để thực hiện các chức năng đó sẽ không có vai trò quan trọng cho cuộc sống của dân chúng. Các bang sẽ giữ quyền kiểm soát các sinh hoạt hàng ngày như an ninh công cộng, giáo dục, an sinh, y tế và thương mại địa phương. Do đó Hiến pháp chỉ mô tả một cách tổng quát nhiệm vụ do nhân dân giao phó. Chẳng hạn, một trong những nhiệm vụ đó là cho Quốc hội có quyền quy định sự giao thương với nước ngoài và “giữa nhiều tiểu bang”. Vào thế kỷ 18, khi phần lớn hoạt động thương mại đều có tính chất địa phương thì câu “giữa nhiều tiểu bang” có nghĩa là các hoạt động thương mại thực sự ra ngoài biên giới của tiểu bang. Nhưng với cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 19, rồi cuộc cách mạng kỹ thuật trong thế kỷ 20 và bây giờ là hiện tượng toàn cầu hóa của thế kỷ 21 thì nghĩa của câu đó đã không rõ rệt như trước. Hầu hết các sản phẩm bán trong cửa hàng tại một tiểu bang bây giờ đều sản xuất tại bang khác (hay nước khác) và dân Mỹ đều lệ thuộc vào sự giao thương giữa các bang và giữa các nước để có được các sản phẩm nhu yếu. Các công ty không còn tính chất địa phương mà đã trở thành công ty quốc gia (và quốc tế) và có đủ thế mạnh để mang sản phẩm đi nơi khác nếu các tiểu bang thi hành những quy định nhằm bảo vệ sự an toàn và an sinh của dân chúng. Như vậy thì ai là người sẽ bảo vệ người tiêu thụ chống lại (việc sản xuất và bán) các sản phẩm tồi hay có hại cho sức khỏe? Từ thời kỳ đầu của những năm 1930, câu trả lời của Tòa Tối cao là Tòa hiểu điều khoản về giao thương có nghĩa là chính quyền liên bang có thể đưa ra các quy định cho các giao thương trong đó có một thành phần liên tiểu bang, dù lớn hay nhỏ, nhưng chủ yếu là về khía cạnh an sinh công cộng nhiều hơn là khía cạnh thuần túy thương mại. Kết quả cụ thể là chính quyền liên bang có thể kiểm soát các điều kiện vệ sinh trong một xí nghiệp nếu có nguyên liệu hay sản phẩm của xí nghiệp có xuất xứ từ bang khác hay sẽ được chuyên chở sang bang khác. Tiền lương và giờ làm việc của nhân viên trong xí nghiệp và cơ xưởng cũng chịu sự kiểm soát của liên bang vì lý do là sản phẩm của xí nghiệp sẽ được bán ở tiểu bang khác. Thực phẩm và dược phẩm cũng không được bán ra tại Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính quyền liên bang cũng vì lý do là các sản phẩm đó đi qua biên giới các tiểu bang. Thực vậy, khi giải thích điều khoản giao thương một cách mơ hồ như vậy, Tòa Tối cao đã ấn định chính sách quốc gia và đã giúp hình thành trong một chừng mực nào đó một hình thức của một quốc gia phúc lợi, trong đó chính phủ có nhiều trách nhiệm về y tế, an toàn và sự an sinh của dân chúng.
    Các điều khoản khác trong Hiến pháp cũng được Tòa Tối cao giải thích một cách rộng rãi như vậy. Qua nhiều thế kỷ, Tòa Tối cao đã giải thích các điều Hiến pháp trước kia quy định cho thích hợp với yêu cầu của xã hội theo như nhận định của Tòa và trong đường lối giải thích tôn trọng truyền thống Hiến pháp của Hoa Kỳ. Đường lối giải thích này đã đưa tới hai kết quả. Kết quả thứ nhất là vì Hiến pháp đã được Tòa Tối cao giải thích theo chiều hướng tiến hóa nhưng vẫn tôn trọng truyền thống nên dân chúng thấy cũng không cần phải tu chính Hiến pháp. Hiến pháp hiện nay chỉ có 27 tu chính, trong đó có 10 tu chính đã được thực hiện trong Quốc hội đầu tiên. Với tình trạng nước Mỹ hiện nay khác nhiều với nước Mỹ hồi thế kỷ 18, thì số tu chính đó quả thực là rất ít. Kết quả thứ hai là vì cử tri nói chung hài lòng với cách giải thích của Tòa Tối cao nên Tòa đã đạt được vị thế gần như thiêng liêng. Như đã thấy trong sự kiện toàn quốc chấp nhận việc toà tuyên bố người thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, người ta đương nhiên cho rằng không có cơ quan nào có thể giải thích các điều lệnh của Hiến pháp bằng Tòa. Mỗi khi Tổng thống và Quốc hội thi hành một đạo luật thì điều hợp lý là người ta cứ coi là các cơ quan đó, vì đã hiểu rõ các quy định của Hiến pháp, tin là luật mà họ ban bố đã phải hợp với Hiến pháp. Nhưng nếu Tòa Tối cao không đồng ý và bác bỏ luật vì đã vượt quá phạm vi quyền hạn của chính quyền quy định trong Hiến pháp thì luật sẽ trở nên không có giá trị. Vì các thẩm phán của Tòa Tối cao viết ra các ý kiến về phương diện pháp lý giải thích lý do bác bỏ nên đôi khi các cơ quan lập pháp cũng sửa lại các luật đã bị bác bỏ để cố gắng làm theo phán quyết của Tòa. Trong những trường hợp như vậy, đối với cử tri thì chỉ có cách chính là Tu chính Hiến pháp – nhưng như ta đã thấy điều này ít khi xảy ra. Lý do là vì dân chúng tín nhiệm Tòa Tối cao, mà sự tín nhiệm đó phần lớn phát xuất từ đường lối Tòa đã bảo vệ quyền của cá nhân.

    Ngành tư pháp liên bang và nhân quyền
    Những quyền được bảo vệ trong Hiến pháp Hoa Kỳ và Hiến pháp của nhiều quốc gia – như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do không bị bắt giữ một cách độc đoán, quyền được xét xử công bằng theo chế độ tư pháp hình sự… cho thấy rằng thành phần đa số thường là kẻ thù của quyền con người. Nếu đa số tin tưởng một cách cuồng nhiệt vào một ý tưởng nào đó thì nó sẽ không đón nhận các phát biểu ý tưởng trái ngược và lại có khuynh hướng ém nhẹm những ý tưởng đó. Nói cho cùng thì sự an sinh của một tập thể cộng đồng bao giờ cũng bị chi phối bởi niềm tin của những người trong cộng đồng. Nếu đa số người trong một nước đều tin tưởng mãnh liệt vào một tôn giáo thì sự hiện hữu của các tôn giáo khác có vẻ như mang tính thách thức lại tôn giáo đó và sẽ không được mọi người ưa thích, chẳng khác gì các tư tưởng không được hâm mộ khác.
    Nhưng như ta đã thấy, khởi điểm của hệ thống chính trị Hoa Kỳ là cá nhân và quyền cá nhân. Hiến pháp đã ấn định giới hạn phạm vi hoạt động của chính quyền và, nói rộng ra, giới hạn phạm vi mà đa số có thể kiểm soát một cá nhân. Khi bao gồm các quyền thì Hiến pháp thực ra là đã định ranh giới các lĩnh vực trong cuộc sống mà chỉ có cá nhân mới có quyền quyết định thế nào mà họ cho là tốt nhất như: đồng ý hay không đồng ý với ý tưởng của đa số, thờ phụng cái gì mà họ thấy là thích hợp, v.v… Như vậy câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra khi điều mà các cá nhân coi là quyền lại mâu thuẫn với ý muốn của đa số? Liệu ta có thể tin là đa số sẽ cố nén cái điều mà họ tin tưởng mãnh liệt để tôn trọng nguyên tắc quyền cá nhân không? Câu trả lời của các nhà soạn thảo Hiến pháp, như ta đã thấy, là giao việc bảo vệ quyền cho nhóm đa số hay cho chính quyền được đa số bầu lên là một điều ngây thơ. Cần phải lập ra một ngành tư pháp độc lập không có e ngại gì trong việc kiên quyết khẳng định quyền con người dù đa số có kịch liệt phản đối. Các tòa liên bang đã nhận vai trò bảo vệ quyền con người – mà ở Mỹ thường gọi là quyền tự do của công dân hay quyền công dân – với thái độ rất nghiêm túc. Khi hành động như vậy các tòa đó đã nới rộng các quyền đó ngoài sự trù liệu của các nhà soạn thảo Hiến pháp. Thí dụ như tuy trong Hiến pháp không có nói đến “quyền riêng tư” nhưng Tòa Tối cao đã thấy Hiến pháp có ý muốn bảo vệ quyền riêng tư trong những điều khoản về bảo đảm không bị khám xét một cách không hợp lý hay bảo đảm quyền tự do thông đạt. Quyền tự do ngôn luận đã được Toà giải thích rộng ra và bao gồm không những lĩnh vực truyền hình và mạng lưới mà gồm cả những cách phát biểu không dùng ngôn ngữ như cách diễn đạt trong nghệ thuật và cách biểu lộ bằng những biểu tượng chính trị. Khi khẳng định quyền của nhân dân, ngành tư pháp liên bang đã vừa thi hành sứ mạng do Hiến pháp giao phó – mà không bị chi phối bởi các cuồng vọng của quần chúng, theo một đường lối độc lập mà những tòa khác ít độc lập hơn không thể làm được – và vừa tự xác định cho mình là một định chế nằm trong nếp sinh hoạt “có qua có lại” của một hệ thống chính trị. Vào năm 1954, khi Tòa Tối cao do Chánh thẩm Earl Warren chủ trì nhất trí phán quyết rằng phân chia chủng tộc trong nhà trường là vi phạm quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật do Hiến pháp bảo đảm, tức là Tòa đã mặc nhiên công nhận và khích lệ phong trào quyền công dân lúc đó đang phát sinh. Về sau, Tòa cũng nhận ra rằng không thể nào giải thích là Hiến pháp cấm kỳ thị chủng tộc trong lĩnh vực tư, nhưng phán quyết của Tòa đã khuyến khích Quốc hội thông qua luật quy định như vậy. Và khi các đạo luật đó bị đưa ra khiếu nại trước tòa thì Tòa Tối cao đã ủng hộ các đạo luật đó. Khi phiên toà của Chánh thẩm Warren Burger lần đầu tiên phán rằng vấn đề nam nữ bình quyền là một vấn đề thuộc Hiến pháp thì thực ra là Tòa đã công nhận sự thay đổi cương vị của phụ nữ và bảo đảm cho phong trào phụ nữ đang phát sinh lúc bấy giờ rằng những đòi hỏi của họ sẽ được ít ra là một ngành trong chính quyền coi trọng. Điều mà Tòa khẳng định là những người không được đa số ủng hộ, những người khác biệt và những người thách thức trật tự hiện hữu dù sao cũng sẽ được nghe trần tình đầy đủ khi họ nói rằng quyền của họ đã bị xâm phạm.
    Đây là lý do sâu xa nhất biện minh cho việc bổ nhiệm thẩm phán và cho họ chức vụ trọn đời. Như đã thấy trong cuộc bầu cử tổng thống nói trên, dân chúng có thể không đồng ý với một quyết định cụ thể của Tòa Tối cao. Tuy nhiên, tư cách độc lập của ngành tư pháp bảo đảm cho cử tri là Tòa sẽ hầu như luôn luôn quyết định căn cứ vào luật pháp chứ không phải theo chính trị đảng phái và theo các nguyên tắc chỉ đạo về dân chủ chứ không phải theo cảm nghĩ nông nổi nhất thời. Vai trò tối hậu của ngành tư pháp độc lập là để thực thi một niềm tin của người Mỹ rằng đa số cai trị mới chỉ là một khía cạnh của dân chủ thực sự. Điều quan trọng là dân chủ cũng bao gồm việc bảo vệ quyền của cá nhân. Nhiệm vụ hàng đầu của ngành tư pháp liên bang là cung cấp sự bảo vệ đó.


    * Giáo sư Chính trị học tại Trường Brooklyn, Đại học New York, đồng thời là giáo sư thỉnh giảng về Luật Hiến pháp tại Wayne State University. Tác giả đã xuất bản nhiều tác phẩm và viết nhiều bài báo trong lĩnh vực chính quyền tại Mỹ, trong đó có các đề tài về ngành tư pháp của Mỹ.
    Biên dịch: Đỗ Kim Thư, Trần Lương Ngọc, Nguyễn Hồng Liên, Nông Duy Trường
    Hiệu đính: Nguyễn Trang Nhung, Vũ Công Giao

    Nguồn: https://cungviethienphap.wordpress.com/2013/02/07/vai-tro-cua-tu-phap-doc-lap-philippa-strum/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org