Tầm quan trọng của độc lập Tư pháp

Posted on
  • Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Sandra Day O’Connor*
    Alexander Hamilton, một trong những Nhà soạn thảo Hiến pháp Hoa Kỳ, viết trên tờ Federalist, số 78 để bảo vệ vai trò của bộ máy tư pháp trong cấu trúc hiến pháp. Ông nhấn mạnh rằng: “Không thể có tự do nếu quyền xét xử không được tách khỏi quyền lập pháp và hành pháp… Tự do không e ngại gì một mình tư pháp, nhưng rất sợ sự liên minh của tư pháp với một trong hai cơ quan quyền lực kia”.
    Cách nhìn sâu sắc của Hamilton đã vượt ra ngoài biên giới Hoa Kỳ bất chấp sự khác biệt giữa hệ thống tư pháp của các quốc gia. Vì, chỉ khi tư pháp được độc lập thì sự thực và sự trung thành với Pháp quyền mới được đảm bảo cho người dân. Như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson viết, chính phủ cũng có thể “giữ lời hứa hoặc không tại tòa án của nó. Do vậy, đối với mỗi cá nhân, cuộc đấu tranh vì một chính phủ hoạt động theo hiến pháp thật sự là cuộc đấu tranh vì luật pháp lành mạnh và vì hệ thống tư pháp công bằng, độc lập và thông thái”. Chúng ta hãy ghi nhớ tầm quan trọng của tính độc lập để ngành tư pháp có thể hoạt động hữu hiệu.
    Nguyên tắc quy định rằng một hệ thống tư pháp độc lập mang tính cốt lõi để thực thi công lý được ẩn chứa trong các định chế pháp lý A-rập. Hầu như mọi định chế A-rập đảm bảo tính độc lập của tư pháp. Ví dụ, Hiến pháp của Vương quốc Bahrain quy định, tại điều 104, rằng: “Danh dự của tư pháp, cùng tính liêm trực và công bằng của quan tòa, là nền tảng của chính phủ và là sự đảm bảo các quyền và các quyền tự do. Không cấp chính quyền nào được đứng trên phán quyết của thẩm phán và không được can thiệp vào quá trình xét xử trong bất cứ hoàn cảnh nào. Luật pháp đảm bảo tính độc lập của tư pháp…”; Điều 65 Hiến pháp Ai Cập quy định: “Tính độc lập và quyền miễn trừ của tư pháp là hai đảm bảo cơ bản bảo vệ cho các quyền”. Hiến pháp của Jordan, tại điều 97, tuyên bố rằng: “Quan tòa được độc lập, và trong quá trình thực thi chức năng pháp luật của mình không chịu sự chỉ huy của quyền lực nào khác ngoài pháp luật”.
    Chúng tôi cũng thấy những khái niệm đúng đắn tương tự trong sáu Nguyên tắc Hành xử Tư pháp của Bangalore, được xây dựng dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa triển vọng tăng cường tính hoàn thiện của tư pháp. Nguyên tắc đầu tiên viết: “Tính độc lập của tư pháp là tiền đề cho sự cai trị bằng luật pháp và là sự đảm bảo cơ bản việc xét xử công minh. Do đó, quan tòa phải đề cao và làm gương về tính độc lập tư pháp trong mọi phương diện liên quan đến ngành tư pháp”. Bản Tuyên bố về Độc lập Tư pháp Cairo, được xây dựng trong Hội nghị thứ Hai ngành pháp lý A-rập tháng 2 năm 2003 nêu rõ: “Nhất trí rằng một cơ quan tư pháp độc lập là trụ cột chính hỗ trợ các quyền tự do dân sự, nhân quyền, các quá trình phát triển toàn diện, các cải cách trong chế độ giao thương và đầu tư, hợp tác khu vực và quốc tế, và việc xây dựng các định chế dân chủ”.
    Nguyên tắc này cũng củng cố vị trí của tư pháp ở Hoa Kỳ. Những người sáng lập ra nước Mỹ nhận thấy rằng, để cho ngành tư pháp hoạt động có hiệu quả, ngành này nhất thiết không chịu sự chi phối của cơ quan khác của chính phủ. Để đạt được mục đích này, Hiến pháp Hoa Kỳ thành lập cơ quan tư pháp liên bang độc lập bằng cách tách chức năng lập pháp của ngành lập pháp khỏi vai trò áp dụng luật pháp của ngành tư pháp. Sự tách biệt quyền lập pháp và tư pháp đã tỏ ra có vai trò cốt tử để duy trì Pháp quyền. Khi vai trò của những nhà lập pháp và quan tòa được trao cho hai cơ quan khác nhau, sự quản lý tùy tiện sẽ không còn. Khi quyền làm luật được tách khỏi quyền hiểu và áp dụng luật thì chính nền tảng của Pháp quyền sẽ được tăng cường – khi đó các tranh chấp được điều chỉnh trên cơ sở luật đã được xây dựng từ trước.
    Một ngành tư pháp độc lập đòi hỏi rằng cả quan tòa phải được độc lập khi thực thi quyền lực của họ và rằng ngành tư pháp cũng phải độc lập, lĩnh vực hoạt động của ngành phải được bảo vệ trước mọi ảnh hưởng của các cơ quan khác của chính phủ, bất kể công khai hay bí mật. Theo ngôn từ của các Nguyên tắc Bangalore, tính độc lập của tư pháp bao hàm cả khía cạnh “cá nhân và tập thể bộ máy tư pháp”.
    Bàn về tính độc lập của cá nhân quan tòa, có hai cách đảm bảo tính độc lập: Một là, quan tòa phải được bảo vệ không bị đe dọa trả thù, để phán quyết của họ không bị nỗi lo sợ điều khiển. Hai là, các phương pháp lựa chọn quan tòa và các nguyên tắc đạo đức áp dụng đối với họ cần phải được xây dựng sao cho hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tham nhũng và ảnh hưởng khách quan.
    Ở Hoa Kỳ, sự bảo vệ để khỏi bị trả thù được thực hiện trước hết bằng cách để mức lương và vị trí của quan tòa ngoài tầm chi phối của các sức mạnh bên ngoài. Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng quan tòa Liên bang được hoạt động “trong thời kỳ có hành vi tốt”. Điều này có nghĩa là suốt đời phải giữ gìn không có vi phạm nghiêm trọng. Hiến pháp cũng đảm bảo rằng khoản bù đắp cho các quan tòa Liên bang không bị cắt giảm trong khi họ tại chức. Cùng với điều đó, các quy định này đảm bảo rằng quan tòa không sợ thi hành pháp luật theo cách họ hiểu. Độ an toàn về tài chính và vị trí cho phép quan tòa thực thi phán xét pháp lý ở mức tốt nhất khi áp dụng luật một cách công bằng đối với các bên. Vương quốc Bahrain cũng áp dụng phương pháp tương tự để đảm bảo rằng các thành viên của Tòa án Hiến pháp được an toàn ở vị trí của họ, thông qua Điều 106 của Hiến pháp quy định rằng thành viên của Tòa “ít có khả năng bị sa thải” trong thời gian làm việc.
    Các biện pháp cũng được tiến hành để đảm bảo các quan tòa thực thi quyền lực của họ một cách vô tư và không bị bất cứ quyền lợi cá nhân nào hoặc ảnh hưởng từ bên ngoài chi phối. Quan tòa không được phép thiên vị hay chống lại bên nào, cũng không được gây ảnh hưởng cá nhân lên kết quả của vụ xử cụ thể. Quan tòa sẽ không bao giờ được công dân tin cậy nữa nếu họ quy phục trước hối lộ. Bất cứ khi nào một quan tòa đưa ra phán quyết để thu lợi cá nhân, hoặc để bợ đỡ ai đó, hoặc vì thiên vị cá nhân, hành động đó đã bôi nhọ pháp quyền. Việc lựa chọn quan tòa và các nguyên tắc đạo đức điều khiển hành vi của họ trước hết luôn phải chú ý đến những yếu tố này.
    Sự lựa chọn quan tòa theo thành tích của ứng cử viên tất nhiên có vai trò mấu chốt để đảm bảo rằng vị quan tòa đó sẽ hành xử công minh. Những yếu tố khác ngoài thành tích khiến một người hoạt động chính trị chỉ định một quan tòa (hoặc bỏ phiếu bầu quan tòa) rất có thể chính là những yếu tố ngăn cản vị quan tòa này phán quyết một cách công minh, không thiên vị. Nhận thấy rằng những quyền lợi này được tôn trọng bằng sự lựa chọn quan tòa từ nhiều ứng cử viên có thành tích tốt, Tuyên bố Beirut của Hội nghị A-rập lần thứ nhất về Pháp lý khuyến nghị rằng: “Việc bầu chọn quan tòa không được phân biệt chủng tộc, mầu da, giới tính, tín ngưỡng, ngôn ngữ, quốc tịch xuất xứ, địa vị xã hội, xuất thân, tài sản, đảng phái chính trị hay bất cứ yếu tố nào khác. Đặc biệt khi bầu chọn quan tòa, nguyên tắc cơ hội công bằng phải được tôn trọng để đảm bảo tất cả ứng viên cho vị trí quan tòa được đánh giá một cách khách quan”. Hơn thế, Tuyên bố cũng khuyến nghị “không được phép phân biệt nam – nữ khi cân nhắc trách nhiệm tư pháp”. Chú ý đến những khuyến nghị này không chỉ phục vụ yêu cầu lựa chọn từng ứng viên về mặt thành tích, mà còn kiềm chế được những thiên vị có tính định chế có thể xảy ra nếu bên tư pháp hoàn toàn đồng nhất với nhau.
    Trung thành với các nguyên tắc độc lập tư pháp không phải không có khó khăn. Một khi quan tòa được chỉ định, vấn đề phiền toái nhất là căng thẳng sẽ xuất hiện giữa độc lập trước sức ép chính trị và độc lập trước sự cám dỗ đối với cá nhân. Bảo vệ bộ máy tư pháp khỏi sự chi phối của các cơ quan khác của chính phủ và của chính các bộ phận khác trong bộ máy tư pháp, ví dụ như thông qua việc đảm bảo vị trí suốt đời và chế độ lương bổng, sẽ tránh vi phạm kỷ luật. Nếu một quan tòa không trung thành với những yêu cầu cơ bản của tính độc lập – như nhận hối lộ chẳng hạn – thì người đó chắc chắn sẽ bị buộc rời khỏi cương vị. Thiếu những hành động kiên quyết đó, kỷ cương khó được đảm bảo.
    Ở Hoa Kỳ, duy trì một hệ thống tư pháp công bằng và độc lập có nhiều thành công đáng kể thông qua những chuẩn mực đạo đức tự quản. Nói theo cách của cựu Thẩm phán Harlan Stone: “Sự kiểm soát duy nhất đối với việc thi hành quyền lực của chính mình chính là sự tự kiềm chế”. Tư pháp của mỗi bang hay Liên bang ở Hoa Kỳ đều có bộ Quy tắc Ứng xử khuyến khích sự trung thành ở mức cao nhất với các nguyên tắc đạo đức. Ngay tiêu chuẩn đầu tiên của bộ Quy tắc Ứng xử đối với quan tòa Liên bang đã nhắc nhở các quan tòa “nêu cao tính liêm chính và độc lập của tư pháp”. Bộ Quy tắc Ứng xử giải thích: “một hệ thống tư pháp độc lập và đáng kính trọng là không thể thiếu được đối với công lý trong xã hội chúng ta”.
    Ngoài việc áp dụng những biện pháp có thể nhìn thấy để hạn chế hành vi của một vị quan tòa như cấm quan tòa phán quyết về vụ án mà trong đó người này có quyền lợi cá nhân, bộ Quy tắc Ứng xử công nhận tầm quan trọng của các phán xét của tư pháp. Nhận hối lộ, thiên vị hoặc những hành vi thiếu đạo đức khác làm cho cho xã hội mất lòng tin vào chính hệ thống pháp luật và uy tín của pháp quyền. Quan tòa không chỉ phải tránh những hành vi không đúng mực mà cả biểu hiện của sự không đúng mực nếu muốn duy trì lòng tin của công chúng vào tư pháp. Do vậy, bộ Quy tắc Ứng xử dành cho các quan tòa Liên bang quy định rằng quan tòa phải tránh xa hành vi mà có thể làm người ta hiểu rằng khả năng thực thi nhiệm vụ tư pháp của vị này một cách liêm trực, công minh và đúng thẩm quyền là rất kém. Bằng việc kiên quyết đòi hỏi quan tòa phải thiết lập, duy trì và củng cố hành vi đúng mực ở mức cao, các quy định về đạo đức tư pháp được thiết kế để đảm bảo tính công minh và vụ xử án nào cũng là phiên tòa công minh.
    Tuyên bố Cairo thúc giục các chính phủ trong khu vực A-rập “áp dụng bộ quy tắc về đạo đức một cách nhất quán với sứ mạng cao cả của ngành tư pháp”. Một cách đơn giản nhưng hấp dẫn để thực hiện điều này là áp dụng Nguyên tắc Bangalore, một bộ quy tắc về chuẩn mực đạo đức đã được nghiên cứu kỹ. Những nguyên tắc này được tổ chức xung quanh sáu giá trị cốt lõi: độc lập, công minh, liêm chính, đúng mực, bình đẳng và đúng thẩm quyền. Nội dung mỗi giá trị đều có các hướng dẫn chi tiết và cụ thể. Tôi tin rằng bộ nguyên tắc này, được áp dụng ở đâu, sẽ đóng một vai trò hữu hiệu như bộ Quy tắc Ứng xử thực hiện ở Hoa Kỳ.
    Tới giờ, tôi đã bàn về các cơ chế đảm bảo cho cá nhân các quan tòa có đủ khả năng thực thi công việc của mình không bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối. Nhưng một ngành tư pháp độc lập cũng cần có sự bảo vệ trước ảnh hưởng có tính hệ thống hơn từ các cơ quan khác của chính phủ. Một khía cạnh cơ bản của định chế độc lập là phải đảm bảo rằng tư pháp có đủ nguồn tài chính cũng như sự đảm bảo về lương cho quan tòa để họ có thể duy trì được độc lập. Các vấn đề cung cấp tài chính tổng thể có thể ảnh hưởng đến cả hệ thống tư pháp. Tuyên bố Bei-rut khuyến nghị rằng “nhà nước phải đảm bảo một ngân quỹ độc lập cho hệ thống tư pháp, bao gồm tất cả các chi nhánh và định chế thuộc hệ thống này. Ngân quỹ này phải được coi là một mục nằm trong ngân sách quốc gia và được quyết định sử dụng theo tư vấn của hội đồng tư pháp cao hơn của các cơ quan tư pháp”. Tuyên bố Cairo thúc giục các chính phủ “đảm bảo tính độc lập tài chính của các cơ quan tư pháp”. Đảm bảo đầy đủ và vô điều kiện về tài chính, theo các khuyến nghị của bản Tuyên bố này, là một bước trọng yếu làm cho hệ thống tư pháp cách li được khỏi những ảnh hưởng tiêu cực.
    Một vấn đề phức tạp hơn là quan hệ qua lại giữa các quan chức tư pháp và quan chức hành pháp. Trước đây tôi đã đề cập đến sự căng thẳng tồn tại giữa, một mặt là tính độc lập với các bộ phận khác của chính phủ, mặt khác là sự đảm bảo các quan tòa không thỏa hiệp và quy phục trước thiên vị cá nhân hoặc áp lực hối lộ. Ở Hoa Kỳ, chúng tôi rất quan tâm đến phương diện thứ nhất và hầu như để cái thứ hai cho các nguyên tắc tự điều chỉnh của tư pháp. Hoàn cảnh khác nhau có thể đòi hỏi phải cân đối giữa hai khía cạnh ở đâu đó. Tuy vậy, người ta phải thận trọng để đảm bảo rằng tính độc lập của quan tòa không thể thỏa hiệp với những hành động được ngụy trang bằng việc kỷ luật quan tòa không chịu nghe lời.
    Tính độc lập của tư pháp không phải là mục đích tự thân mà là phương tiện để đạt mục đích. Cốt lõi của pháp quyền là mang lại cho công dân lòng tin rằng luật pháp sẽ được áp dụng công minh và bình đẳng. Không đâu mối quan tâm này được bộc lộ rõ hơn trong việc bảo vệ nhân quyền của tư pháp. Tính độc lập tư pháp cho phép quan tòa có thể đưa ra những phán quyết không được nhiều người đồng tình. Quan tòa Liên bang ở Hoa Kỳ đôi khi phải chống lại ý muốn của đa số. Ví dụ, quyết định của Tòa án Tối cao năm 1954 trong vụ Brown kiện Bộ Giáo dục tuyên bố rằng điều kiện học tập riêng biệt cho trẻ em thuộc các chủng tộc khác nhau về bản chất là không bình đẳng, đã khơi dậy làn sóng chỉ trích khắp đất nước. Tuy vậy, phán quyết này là thời khắc quan trọng có tính quyết định công nhận quyền dân sự và quyền chính trị ở Hoa Kỳ.
    Tính độc lập của tư pháp cũng cho phép quan tòa đưa ra những phán quyết đi ngược lại quyền lợi của các ngành khác của chính phủ. Tổng thống, các bộ trưởng và các nhà làm luật đôi lúc phải vội vã tìm giải pháp tiện lợi chỉ mang tính tình thế cho một vấn đề nào đó. Một bộ máy tư pháp độc lập được đặt vào vị trí độc nhất vô nhị phải phản ánh về tác động mà những giải pháp tình thế kia tác động lên các quyền và tự do như thế nào. Nó phải hành động để đảm bảo rằng những giá trị kia không bị đánh đổ. Tính độc lập là chỗ dựa khơi nguồn cho lòng dũng cảm cần thiết để phụng sự chức năng pháp quyền.
    Mỗi nước sẽ đóng dấu ấn riêng của mình lên hệ thống luật pháp nó tạo ra nhưng một số nguyên tắc vượt lên trên những khác biệt giữa các quốc gia. Tầm quan trọng của một bộ máy tư pháp độc lập và vững mạnh là một trong những nguyên tắc đó. Nhưng trong khi có thể dễ dàng nhất trí rằng tính độc lập của tư pháp là cốt yếu nhằm tôn trọng pháp quyền, nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều là biến những ý tưởng này thành hiện thực.


    * Sandra Day O’Connor là Phó Chánh án Tòa án Tối cao Liên bang Hoa Kỳ. Đây là bài phát biểu của bà tại Diễn đàn Tư pháp Arập, tổ chức ở Manama, Bahrain, ngày 15 tháng 9 năm 2003.
    Biên dịch: Đỗ Kim Thư, Trần Lương Ngọc, Nguyễn Hồng Liên, Nông Duy Trường
    Hiệu đính: Nguyễn Trang Nhung, Vũ Công Giao
    Nguồn:https://cungviethienphap.wordpress.com/2013/02/07/tam-quan-trong-cua-doc-lap-tu-phap-sandra-day-oconnor/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org