Chủ nghĩa hợp hiến

Posted on
  • Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • Greg Russell*
    “Tự do của con người trong một chế độ cai trị có nghĩa là sống theo một luật lệ bền vững, chung cho cả mọi người trong xã hội; luật lệ này phải được quy định bởi quyền lập pháp đã được thiết lập trong chế độ đó.”
                                              John Locke*

    Khái quát
    Chủ nghĩa hợp hiến[1] hay pháp trị có nghĩa là quyền lực của những người lãnh đạo và của các cơ quan chính quyền phải được hạn chế. Chủ nghĩa hợp hiến, như một chủ thuyết về chính trị hay về luật pháp, nói về một chính quyền mà nhiệm vụ trước hết là nhằm phục vụ cho toàn thể mọi người và bảo vệ quyền cá nhân. Chế độ quản lý nhà nước theo hiến pháp dựa theo các tư tưởng chính trị tiến bộ, xuất phát từ Tây Âu và Mỹ nhằm bảo vệ quyền sống và quyền tư hữu của cá nhân cũng như là quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận. Để bảo đảm các quyền đó các nhà soạn thảo hiến pháp đã nhấn mạnh những yếu tố như kiểm soát quyền lực của các ngành trong chính quyền, bình đẳng trước pháp luật, tòa án không thiên vị và tách rời quyền lực tôn giáo với quyền lực nhà nước. Những người tiêu biểu cho chủ thuyết này gồm thi sĩ John Milton [1], các nhà luật học Edward Coke [2] và William Blackstone [3], các chính khách như Thomas Jefferson [4] và James Madison [5], và các triết gia như Thomas Hobbes [6], John Locke [7], Adam Smith [8], Baron de Montesquieu [9], John Stuart Mill [10], và Isaiah Berlin [11].
    Những vấn đề trong việc cai trị theo hiến pháp của thế kỷ XXI có lẽ sẽ là các vấn đề hiện hữu ngay trong các chính quyền được coi là dân chủ. Hiện nay có hiện tượng là các “chế độ dân chủ phi tự do”[12] càng ngày càng được coi là hợp pháp và do đó càng ngày càng mạnh hơn. Lý do là vì các chế độ đó có vẻ như khá dân chủ. Chế độ dân chủ phi tự do – nghĩa là chế độ dân chủ trên danh nghĩa nhưng lại thiếu phần chủ nghĩa tự do theo hiến pháp – là một chế độ không những thiếu sót mà lại còn nguy hiểm bởi vì nó sẽ dẫn tới sự băng hoại quyền tự do, lạm dụng quyền lực, chia rẽ chủng tộc, thậm chí có thể gây ra chiến tranh. Sự quảng bá dân chủ trên thế giới thường không đi đôi với sự quảng bá của chế độ tự do theo hiến pháp. Một số nhà lãnh đạo được bầu lên theo thể thức dân chủ đã dùng quyền lực của mình để giới hạn các quyền tự do.
    Ngoài việc có bầu cử công bằng và tự do hay gia tăng cơ hội phát biểu về chính trị, một truyền thống sinh hoạt tự do chính trị thực sự còn phải cống hiến những yếu tố khác nữa. Chế độ dân chủ tự do còn phải đặt nền tảng pháp lý cho việc phân chia quyền lực để gìn giữ quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng và quyền tự do sở hữu tài sản.

    Chủ nghĩa hợp hiến: nền tảng lịch sử
    Các lý thuyết chính trị tiến bộ hiện đại đã thể hiện trên thực tế qua quá trình đấu tranh chochủ nghĩa hợp hiến. Thắng lợi sớm nhất, và có lẽ cũng là lớn nhất, là thắng lợi đạt được tại Anh. Giai cấp thương nhân ngày càng lớn mạnh, trước kia ủng hộ chế độ quân chủ Tudor 13 trong thế kỷ XVI, đã lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng trong thế kỷ XVII và thiết lập được quyền tối cao của Quốc hội và sau đó là quyền tối cao của Hạ nghị viện. Đặc điểm của chủ nghĩa hợp hiến hiện đại xuất phát từ cuộc đấu tranh đó, không phải là việc đòi hỏi nhà vua cũng phải tuân theo luật pháp. Tuy quan niệm này là một đặc tính cốt yếu của chủ nghĩa hợp hiến nhưng thực ra nó đã được hình thành rõ rệt từ thời Trung cổ. Điểm độc đáo (của chế độ này) là việc thiết lập các phương tiện kiểm soát chính trị hữu hiệu để thi hành chế độ pháp trị. Chủ nghĩa hợp hiến hiện đại được khai sinh với đòi hỏi là đại diện chính quyền phải lệ thuộc vào sự ủng hộ của nhân dân.
    Hơn thế nữa, chủ nghĩa hợp hiến hiện đại liên quan mật thiết với kinh tế và chủ thể của nguồn tài chính, tức là những người đóng thuế để nuôi chính quyền phải được đại diện trong chính quyền đó. Nguyên tắc nguồn cung cấp kinh tế phải gắn liền với việc sửa sai các điều khiếu nại là điều cốt yếu trong chủ nghĩa hợp hiến hiện đại. Sự suy giảm nguồn thu của nhà vua trong chế độ phong kiến, sự lớn mạnh của các định chế đại diện cho dân và sự gia tăng tinh thần đoàn kết dân tộc – thay vì là sự thần phục có tính chất tượng trưng đối với nhà vua và triều đình – đã khiến cho việc giới hạn quyền lực của vua trở thành hiện thực và hữu hiệu.
    Tuy nhiên, như ta có thể thấy qua các điều khoản của Đạo luật về quyền năm 1689 (Bill of Rights, 1689), cuộc cách mạng ở Anh đã được diễn ra không phải chỉ để bảo vệ quyền sở hữu tài sản (theo nghĩa hẹp) mà còn thiết lập các quyền tự do mà những người tiến bộ cho là có giá trị tinh thần thiết yếu cho phẩm cách của con người. “Các quyền con người” được nêu trong Đạo luật về quyền của nước Anh dần dần được phổ biến ra ngoài biên giới của nước Anh, nhất là trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776 (American Declaration of Independence, 1776) và trong Tuyên ngôn Nhân quyền của Pháp năm 1789 (Declaration of the Rights of Man, 1789). Thế kỷ XVIII chứng kiến sự xuất hiện của chế độ chủ nghĩa hợp hiến tại Mỹ và Pháp; và tới thế kỷ XIX thì chế độ này lan ra tới các nước Đức, Ý và các nước phương Tây khác với những mức độ thành công khác nhau.

    Chủ nghĩa hợp hiến và di sản của các bậc khai quốc Hoa Kỳ
    Trật tự theo hiến pháp của xã hội Mỹ đặt cơ sở trên sự ưng thuận của mọi người có lương tri, nam cũng như nữ. Sự ưng thuận này được biểu hiệu bằng một “khế ước xã hội” ấn định việc ủy thác để thực hiện một số mục đích giới hạn. Các lý thuyết về “khế ước xã hội” được thịnh hành nhiều nhất vào thế kỷ XVII và XVIII tại châu Âu, và thường được gắn liền với các triết gia người Anh như Thomas Hobbes và John Locke, và triết gia Pháp Jean Jacques Rousseau [14]. Các nhà tư tưởng này cho rằng, vì lợi ích riêng cho mình và vì lẽ phải, cá nhân phải có nghĩa vụ chính trị đối với tập thể. Các nhà tư tưởng đó nhận thức được các ưu điểm của một xã hội dân sự trong đó các cá nhân vừa có quyền và vừa có nghĩa vụ, so với các khuyết điểm của một “nhà nước tự nhiên” là tình trạng giả định trong đó hoàn toàn không có một thẩm quyền cai trị nào cả. Ý tưởng “khế ước xã hội” phản ánh nhận thức cơ bản là một tập thể sinh động – chứ không phải chỉ là một chính quyền – phải được thành lập thì mới có được một chính thể tự do trong đó con người được bảo vệ để chống lại sự tấn công của các ý tưởng mê muội gây ra sự hỗn loạn, nạn chuyên chế và tình trạng nổi loạn chống lại trật tự hợp lý của con người. Trong Luận cương Liên bang số 2 (Federalist Paper No. 2), John Jay [15] nhận xét rằng cá nhân phải nhường một số quyền tự nhiên của họ cho xã hội thì chính quyền mới có quyền lực cần thiết để hành động nhằm bảo đảm lợi ích chung. Do đó, sự tham gia của công dân vào một nền dân chủ theo hiến pháp cũng đòi hỏi người công dân phải có trách nhiệm tôn trọng các luật và các quyết định của tập thể trong các hoạt động công cộng, ngay cả khi cá nhân hoàn toàn không đồng ý với các luật và quyết định đó. Cả “người-vật” – như các kẻ tin vào thuyết hư vô và bọn vô chính phủ – lẫn những “người tự coi mình là thần thánh” – như những kẻ có khuynh hướng độc tài, toàn quyền thao túng pháp luật – cả hai loại người này đều bị Aristotle [16], Spinoza [17] cho là phải được trấn áp và xua đuổi ra khỏi xã hội. Hobbes, Locke và các bậc Khai sáng ra nước Mỹ cũng hưởng ứng quan điểm đó. Đó là điều kiện cốt yếu của một xã hội dân sự, không có nó thì xã hội dân sự không thể tồn tại. Các luật lệ và chính sách của một chính quyền theo hiến pháp không những chỉ có tầm mức giới hạn và căn cứ vào sự thỏa thuận mà còn phải có nhiệm vụ phải phục vụ cho sự an sinh của mọi người trong xã hội nói chung và còn cho cả từng cá nhân trong xã hội đó. Các chính khách Mỹ – từ những nhà cách mạng đến những người soạn thảo Hiến pháp – đều coi đó là di sản của lịch sử Hoa Kỳ. Di sản đó đã bắt đầu xuất hiện từ Tuyên ngôn Độc lập (1776), qua các Điều khoản của Liên bang (1781) (Articles of Confederation,1781), tới khi kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng (1787) (Revolutionary War, 1783), lúc hình thành Hiến pháp (1787) và việc phê chuẩn Bộ luật về quyền (1791) (Bill of Rights, 1791). Sau đây là một số các chủ đề chung tiêu biểu cho công cuộc tranh đấu cho tự do và chế độ hiến pháp tại Mỹ.

    Chủ quyền về nhân dân
    “Chúng tôi Nhân dân… quy định và lập ra Hiến pháp này.” Những từ đó trong phần Dẫn nhập của Hiến pháp diễn tả chủ thuyết chủ quyền về nhân dân, hay là nhân dân cai trị. Các nhà lập hiến đã soạn thảo và đệ trình nhân dân phê chuẩn một văn kiện dùng để cai trị, dựa trên quan niệm là quyền chính trị tối hậu không phải thuộc về chính quyền hay bất cứ một viên chức nào trong chính quyền, mà là thuộc về nhân dân. “Nhân dân chúng tôi” là người sở hữu chính quyền, nhưng dưới chế độ đại diện dân chủ, chúng ta giao quyền cai quản công việc hàng ngày cho một tập thể các đại diện dân cử. Tuy nhiên, sự ủy quyền này không hề cản trở hay giảm bớt quyền và trách nhiệm của nhân dân với tư cách là người có thẩm quyền tối cao. Tính chất chính danh của chính quyền vẫn còn thuộc về người dân được cai trị, và người dân vẫn giữ quyền bất khả xâm phạm là họ có thể thay đổi chính quyền một cách hoà bình hay thay đổi Hiến pháp của họ.

    Chế độ pháp trị
    Tuy nhiên, theo chủ nghĩa hợp hiến, chính quyền phải ngay thẳng và theo lẽ phải, không những theo quan điểm của đa số quần chúng mà còn theo với một luật cao hơn mà bản Tuyên ngôn Độc lập gọi là “Luật Tự nhiên hay Luật Thượng đế của Tự nhiên”. Bộ Luật Tuyên cáo năm 1766, theo đó Quốc hội Anh tuyên bố quyền chiếm hữu thuộc địa Mỹ “…để ràng buộc (họ) trong bất cứ mọi vấn đề gì”, đã làm nổi bật sự tương phản giữa cai trị theo luật pháp và cai trị bằng luật pháp. Cai trị theo luật pháp hàm ý là phải hướng lên một nền công lý và luật pháp ở mức cao hơn (có tính chất siêu việt mà ai cũng hiểu) là mức bình thường của con người hay của luật mà các chính trị gia nhất thời ban hành. Các nhà lập quốc (Mỹ) tin rằng chế độ pháp trị là dòng máu nuôi sống trật tự xã hội Mỹ và các quyền tự do cơ bản của con người. Chế độ pháp trị cho rằng nếu quan hệ giữa chúng ta (và với nhà nước) được chi phối bởi một số luật lệ tương đối không thiên vị – thay vì bởi một nhóm người – thì sẽ bớt khả năng là chúng ta trở thành nạn nhân của một chế độ cai trị độc đoán hay chuyên quyền. Ở điểm này, cần ghi nhận là nghĩa vụ chính trị bao hàm trong pháp trị áp dụng không những cho các quyền và tự do của những người chịu quyền cai trị và công dân mà còn áp dụng cho cả những người có quyền cai trị và người lãnh đạo. Khi không cho cả cá nhân lẫn nhà nước vượt qua luật tối cao của đất nước các nhà soạn thảo hiến pháp lập ra một lớp chắn bảo vệ cho quyền và tự do cá nhân.

    Phân chia quyền lực và hệ thống kiểm soát và cân bằng
    Các nhà lập quốc (Mỹ) đã phải trả lời câu hỏi: vì cần có con người mới làm được công việc cai trị, thì làm sao thiết lập được một chế độ cai trị theo luật chứ không phải cai trị theo người? Tựu chung là vì các vị đó cũng là những nhà chính trị thực tế nên muốn gắn liền tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến vào những đặc điểm độc đáo đương thời của mình. Vấn đề nan giải vừa có tính chất triết lý vừa có tính chất thực tiễn này có lẽ được diễn tả rõ nhất bởi James Madison trong Luận cương Liên bang số 51. Madison nói rằng phải dùng tham vọng để trị tham vọng. Tư lợi của con người cần phải được gắn liền vào quyền do hiến pháp quy định. Chỉ cần hiểu biết một chút ít về bản chất của con người cũng cho ta thấy rằng “cần phải có những cơ chế như vậy mới ngăn chặn được sự lạm dụng quyền lực của chính quyền”. Nếu con người đều là thần thánh cả thì sẽ không cần có các cơ chế bên trong và bên ngoài để kiểm soát chính quyền. Nhưng Madison là con người thực tế. Cũng theo lời của Madison, chủ nghĩa hợp hiến đòi hỏi phải có một chính sách “dùng các sự mâu thuẫn và đối nghịch trong tư lợi để khai thác những điểm yếu của (luôn luôn có ngay cả trong) các động cơ cao thượng”. Một thể chế hợp hiến, xây dựng trong tinh thần khôn ngoan tôn trọng con người, cần phải cho chính quyền có thể kiểm soát được những người dưới quyền cai trị của chế độ. Tuy nhiên, đi đôi với điều đó, nhưng không kém phần quan trọng, là phải có một cơ cấu đề phòng để kiểm soát và giữ quân bằng ngay trong chính quyền (chính quyền tự kiểm soát lấy mình).
    Bằng cách chia công việc cai trị ra cho ba ngành độc lập, các nhà soạn thảo Hiến pháp Mỹ muốn giữ cho các quyền lực chính – lập pháp, hành pháp và tư pháp – không bị độc quyền nắm giữ bởi bất cứ một ngành nào. Phân bổ quyền cai trị cho ba ngành khác nhau cũng ngăn chặn việc chính quyền quốc gia lấn át quyền của các tiểu bang. Quyền lực và trách nhiệm của chính quyền đều được cố ý để cho chồng chéo lên nhau. Một thí dụ là quyền hạn làm luật của Quốc hội có thể bị chặn lại bởi quyền phủ quyết của tổng thống. Nhưng quyền phủ quyết này lại có thể bị bác bỏ bởi 2/3 số phiếu của cả hai viện. Tổng thống nắm quyền tổng tư lệnh quân đội nhưng chỉ có Quốc hội mới có quyền lập ra và hỗ trợ quân đội và có quyền chính thức tuyên chiến. Tổng thống có quyền bổ nhiệm thẩm phán liên bang, đại sứ và các viên chức cao cấp trong chính quyền, nhưng mọi sự bổ nhiệm phải có sự tham vấn và chấp thuận của Thượng viện. Không một luật nào có hiệu lực nếu không được cả hai viện thông qua.
    Tòa án tối cao có quyền tối hậu hủy bỏ các hành động trái với hiến pháp của cả lập pháp lẫn hành pháp. Đây là nguồn gốc của vai trò duyệt xét luật pháp và trao quyền cho giới thẩm phán liên bang tại Hoa Kỳ sau vụ Marbury kiện Madison (1803). Quyền duyệt xét lại luật pháp không phát xuất từ văn bản của Hiến pháp Mỹ (trong Hiến pháp không có minh thị đề cập tới thẩm quyền này) nhưng là từ một số phán xét của tòa vào những năm cuối của thế kỷ XVIII. Đặc điểm chung của tất cả các vụ phán xét đó là mối liên hệ giữa việc duyệt xét luật pháp và luật tối cao, ít ra là làm cơ sở có tính chất triết lý hay đạo đức để biện minh cho thẩm quyền của tòa án. Người Mỹ thời bấy giờ chắc đã tin theo một lời dạy của người xưa cho rằng nếu luật của con người đưa ra không thuận với luật tự nhiên thì không còn được coi là luật nữa mà đã trở thành một luật đã bị hủ hoá. Ý tưởng này đã được James Otis (18) diễn đạt một cách ngắn gọn trong bài “Quyền của các thuộc địa Anh quốc đã được khẳng định và chứng minh” (Rights of British Colonies Asserted and Proved (1764)) như sau:
    “Luật tự nhiên không phải do con người tạo ra, mà con người cũng không có quyền sửa đổi luật đó. Con người chỉ có thể hoặc tuân theo và thi hành luật đó hoặc chống lại và vi phạm luật. Nhưng không bao giờ hành động chống lại hoặc vi phạm như vậy lại không bị trừng phạt; ngay cả trong cuộc đời này, sự trừng phạt đó có thể dưới hình thức khiến cho con người cảm thấy mình trở thành sa đọa, hay cảm thấy mình, vì sự điên rồ và ác độc của mình, đã bị đào thải ra khỏi tập thể của những người tốt và đạo đức (và bị đẩy) xuống hàng thú vật, hay là từ cương vị là người bạn, và có lẽ là người cha, của đất nước đã biến thành loài hung bạo như sư tử, hùm beo”[19].

    Thể chế liên bang
    Các nhà lập quốc (Mỹ) cũng quyết định là quyền lực phải được phân chia giữa các cấp chính quyền toàn quốc và tiểu bang. Sự thất bại của Các Điều khoản của Liên minh (1781-1787) để lập ra một chính phủ có thể hoạt động được tại thuộc địa Mỹ đã khiến cho các đại biểu trong cuộc Đại hội về Hiến pháp tại Philadelphia năm 1787 đặt thêm quyền lực tại trung tâm của chính quyền.
    Các Điều khoản của Liên minh là một cách sắp xếp chuyển tiếp từ hệ thống chính quyền đầu tiên lập ra bởi Đại hội Toàn châu trong thời kỳ cách mạng sang hệ thống chính quyền liên bang lập ra bởi Hiến pháp Mỹ năm 1787. Vì đã từng thấy quá rõ tính chất áp chế của chính quyền trung ương nước Anh, nên các nhà soạn thảo Các Điều khoản của Liên minh cố tình lập ra một “liên minh” gồm các tiểu bang có chủ quyền. Tuy nhiên, các Điều khoản không cho Quốc hội có quyền buộc các tiểu bang phải đóng góp tiền và quân đội theo yêu cầu của Quốc hội nên tới cuối năm 1786, chính quyền đã mất hữu hiệu và trở nên hoàn toàn tê liệt.
    Theo Hiến pháp Mỹ, thể chế liên minh (confederation) sẽ được thay thế bằng thể chế liên bang (federation), trong đó quyền lực sẽ được chia sẻ giữa một chính quyền toàn quốc và nhiều chính quyền tiểu bang. Chính quyền toàn quốc có quyền tối cao trong một số lĩnh vực nhưng tiểu bang không phải chỉ thuần tuý là các đơn vị hành chính của chính quyền trung ương. Quyền của các tiểu bang được bảo vệ bằng nhiều cách. Trước hết, bản Tu chính thứ 10 của Hiến pháp nói rõ là một số lĩnh vực hoạt động được dành riêng cho các tiểu bang. Chẳng hạn, chính quyền tiểu bang phần lớn chịu trách nhiệm quản lý ngân sách của mình và thực thi luật pháp trong nhiều lĩnh vực trực tiếp ảnh hưởng tới dân cư ngụ trong tiểu bang. Thứ hai là quyền đại diện của các tiểu bang tại Thượng viện cũng được bảo vệ. Mỗi tiểu bang, dù lớn hay nhỏ, đều có hai nghị sĩ. Thứ ba là Cử tri đoàn (electoral college), tức là tổ chức chính thức bầu ra tổng thống, là một tập hợp của các cử tri do tiểu bang chọn, mỗi tiểu bang được quyền có tối thiểu ba người. Thứ tư là chính thể thức tu chính Hiến pháp cũng phản ánh quyền lợi của các tiểu bang, vì bất cứ một tu chính Hiến pháp nào cũng cần phải có sự chấp thuận của viện lập pháp của 3/4 số tiểu bang và 2/3 của đại diện dân cử của cả hai Viện. Các điều bảo vệ đó đều được ghi rõ trong Hiến pháp để giữ cho các tiểu bang nhỏ không bị lấn át bởi các tiểu bang lớn. Sự chia sẻ quyền lực giữa chính quyền tiểu bang và chính quyền toàn quốc là một sự kiểm soát có tính chất cơ cấu trong một hệ thống kiểm soát và cân bằng rất tinh tế.

    Công cuộc tranh đấu cho quyền cá nhân
    Phần dẫn nhập của Hiến pháp đi tìm một trật tự chính trị mới dựa trên các nguyên tắc sau đây: để thành lập một sự liên minh hoàn thiện hơn, để tạo ra một hệ thống phòng vệ chung, để lập ra một chế độ công bằng, và để đảm bảo những niềm hạnh phúc tự do cho các thế hệ hiện tại và mai sau. Ngay cả trước đó, bản Tuyên ngôn Độc lập đã nói tới các “quyền bất khả xâm phạm” cố hữu trong bản chất của con người mà không một chính quyền nào có thể tước bỏ. Vào thời đó, mà ngay cả cho tới bây giờ, đã diễn ra những cuộc bất đồng ý kiến gay gắt giữa các phe phái về vấn đề làm thế nào để đảm bảo những niềm hạnh phúc tự do đó. Khi mới được soạn thảo và đưa ra các tiểu bang để phê chuẩn, Hiến pháp không nói gì tới quyền tự do cá nhân. Một cách giải thích cho sự khác thường này là bởi các nhà soạn thảo Hiến pháp cho rằng quyền lực của chính quyền quốc gia mới được lập ra đã được giới hạn một cách cẩn thận đến mức không cần phải có thêm các bảo vệ khác cho quyền cá nhân. Hơn nữa, có nhà chủ trương thể chế liên bang lập luận rằng nếu kể rõ thêm các quyền thì cũng có thêm một điều đáng ngại nữa là có những quyền được coi là thiết yếu nhưng nếu không được nêu ra thì có thể bị chính quyền xâm phạm.
    Mặc dầu phe chống Liên bang thua trong vòng tranh đấu khi soạn thảo Hiến pháp 1787, nhưng họ cũng đã có thể bắt buộc đối phương phải nhượng bộ. Vì e ngại quyền lực của chính quyền toàn quốc mới (quá mạnh), họ đòi hỏi là phải ghi vào trong Hiến pháp một loạt điều bảo vệ cụ thể cho quyền cá nhân. Tại một số đại hội ở cấp tiểu bang, họ được các lãnh tụ của phe Liên bang hứa là sẽ ủng hộ thông qua những tu chính Hiến pháp thích hợp. Một số tiểu bang còn đe dọa sẽ không phê chuẩn Hiến pháp trừ phi họ được đảm bảo là phải thông qua một đạo luật về quyền. Phe chủ trương Liên bang đã giữ lời hứa. Năm 1789, Quốc hội đầu tiên của Mỹ đã chấp thuận 10 tu chính đầu tiên của Hiến pháp. Tới năm 1791, Bộ luật về quyền, gồm 10 điều tu chính này, đã được đủ số tiểu bang phê chuẩn. Hơn thế nữa, Tu chính số 9 – minh thị bảo vệ các quyền cơ bản không được nêu rõ trong Hiến pháp – cũng khiến cho phe chủ trương Liên bang không còn e ngại là liệt kê những quyền được bảo vệ sẽ làm phương hại tới các quyền khác không được liệt kê ra một cách rõ rệt như vậy.
    Bộ luật về quyền cũng giới hạn khả năng chính quyền xâm phạm vào quyền cá nhân, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và tự do tín ngưỡng. Bộ luật này cũng cấm Quốc hội thông qua các luật về việc thiết lập một tôn giáo chính thức, nghĩa là ưu đãi một tôn giáo này hơn một tôn giáo khác. Gần 2/3 số điều khoản trong Bộ luật về quyền là nhằm bảo vệ quyền của những người bị nghi là phạm tội hay bị truy tố vì có hành vi phạm pháp. Các quyền này bao gồm các điều như áp dụng thủ tục đúng theo luật pháp quy định, xử án công bằng, không bị ép buộc phải nhận tội, không phải chịu các hình phạt độc ác hay khác thường hay bị xử hai lần cho cùng một tội. Khi mới được thông qua, Bộ luật về quyền chỉ áp dụng cho các hoạt động thuộc chính quyền liên bang.
    Kiềm chế khả năng nhà nước xâm phạm quyền tự do của công dân là đề tài của các tu chính án số 13 (1865), 14 (1868) và 15 (1870), được mệnh danh là các Tu chính án kiến thiết (Reconstruction Amendments), được thông qua sau cuộc Nội chiến để giải thể các định chế của chế độ nô lệ. Trong hơn 100 năm qua, nhiều quyền tự do quy định trong 10 tu chính án đầu tiên đã được bao gồm trong tu chính thứ 14 với điều bảo đảm là không một nhà nước nào có thể không cho công dân được hưởng quyền xét xử theo luật định và quyền được luật pháp bảo vệ. Nhất là từ sau những năm 1920, mười tu chính đầu tiên của Hiến pháp đã giữ một vai trò ngày càng tích cực và ngày càng có ý nghĩa trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn trong chính sách công – từ tính chất hợp hiến của việc đọc kinh trong trường học và luật thử ma túy cho tới các vấn đề như kiểm soát sinh đẻ và hình phạt tử hình. Các nguyên tắc cơ bản như “công bằng” hay “tự do” cũng như các phương châm của Hiến pháp như “xét xử theo luật định” và “quyền được luật pháp bảo vệ một cách bình đẳng” đã được các thế hệ kế tiếp cho những ý nghĩa mới. Những phát triển đó, thường đi kèm theo các phong trào phản đối và bất tuân luật pháp của quần chúng, phản ánh những thay đổi trong cảm nhận của con người và của tập tục xã hội Hoa Kỳ trong 200 năm vừa qua.
    Sự biện minh có tính chất triết lý cho rằng Bộ luật về quyền đã đặt một số quyền tự do ra ngoài tầm kiểm soát của khối đa số. Điều này căn cứ vào tiền đề là tước bỏ quyền cơ bản của công dân sẽ làm giảm tư cách công dân của họ và thực chất là làm giảm ngay cả tư cách con người của họ. Cái tập hợp lớn gồm các quyền được Bộ luật về quyền và Hiến pháp bảo vệ họp thành kết cấu thiết yếu của một chính quyền tự do. Quyền công dân có thể phát sinh trực tiếp từ quyền tự nhiên hay gián tiếp qua các xếp đặt chính trị trong một xã hội được xây dựng với sự thỏa thuận của dân chúng thể hiện trong Hiến pháp, qua các tiền lệ của thông luật và qua các luật lệ. Sự thành công của Madison và những đồng nghiệp của ông trong Đại hội Hiến pháp (Constitutional Convention) và trong Quốc hội đầu tiên phản ánh quy cách mà các vị đó đã tiến hành để dựng lên các quy trình và cơ cấu có khả năng tự điều chỉnh để thi hành quyền một cách hợp pháp và đưa ra những tiêu chuẩn thực hiện các quyền đó ở nước Mỹ.

    Chủ nghĩa hợp hiến, tự do và trật tự thế giới mới
    Sự kết thúc của Chiến tranh lạnh cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và các nước phụ thuộc tại Đông Âu đã đưa tới một cảm giác chiến thắng và lạc quan trước triển vọng tốt đẹp của các ý tưởng tự do dân chủ và thể chế cai trị theo hiến pháp. Tháng 12 năm 2000, tổ chức Freedom House (Nhà Tự do), một tổ chức phi lợi nhuận với mục đích phát triển dân chủ trên thế giới, đã phổ biến một tài liệu nghiên cứu quy mô về tình trạng hiện tại về quyền chính trị và quyền tự do của 191 nước trên thế giới. Tập tài liệu nghiên cứu, có tiêu đề là Tự do trên Thế giới năm 2000-2001, cho thấy xu hướng tự do gia tăng từng mức độ nhỏ kéo dài suốt 10 năm vẫn còn tiếp tục trong năm 2000. Theo nghiên cứu hàng năm của tổ chức này, 86 quốc gia gồm 2,5 tỷ (tức 2.500 triệu) người (hay 40,7 % dân số thế giới, tỷ số cao nhất từ khi tổ chức này làm điều tra nghiên cứu) được đánh giá là “có tự do”. Người dân ở những nước này được hưởng một số quyền tự do rộng rãi. Năm mươi chín quốc gia, gồm 1,4 tỷ người (23,8%) được coi là “tự do một phần”. Trong các quốc gia đó quyền chính trị và quyền tự do bị giới hạn hơn. Các quốc gia đó cũng là những nước có các đặc điểm như tham nhũng, đảng cầm quyền có tính chất áp chế và một số nước có xung đột về tôn giáo hay chủng tộc. Cuộc điều tra nghiên cứu cũng cho thấy có 47 quốc gia, gồm 2,2 tỷ người (35,5 %) thuộc loại “không có tự do”. Người dân tại những nước này không có các quyền chính trị và quyền tự do cơ bản.
    Cuộc điều tra nghiên cứu của Nhà Tự do củng cố sự tin tưởng rất phổ biến hiện nay rằng không còn có một chế độ nào khác tốt hơn chế độ dân chủ. Chế độ này đã trở thành một tường thành bảo vệ trong thời hiện đại. Tuy nhiên một phần di sản khác của thời kỳ Chiến tranh lạnh đã trở thành một vấn đề thử thách và nan giải cho cả những nhà làm chính sách lẫn các nhà tư tưởng về chính trị. Các chế độ được bầu lên theo thể thức dân chủ và thông thường ngay cả những chế độ đã được bầu lại hay được xác nhận lại qua các cuộc trưng cầu dân ý, lại không để ý đến những giới hạn quy định trong hiến pháp và do đó đã không cho người dân được hưởng các quyền cơ bản và quyền tự do. Tại nhiều vùng trên thế giới ta thấy phát sinh hiện tượng ngày càng gia tăng của chế độ dân chủ phi tự do.
    Cốt lõi của vần đề này nằm ở sự khác biệt giữa chế độ dân chủ và chủ nghĩa hợp hiến. Vấn đề này khó được nhận rõ vì ở phương Tây, ít ra là trong một thế kỷ, dân chủ thường là đi đôi với tự do. Trên lý thuyết, sự liên hệ của tự do với một chủ nghĩa hợp hiến thực ra khác với liên hệ của tự do với chế độ dân chủ. Từ thời đại của Platon và Aristotle, dân chủ đã có nghĩa là chính quyền của nhân dân. Quan niệm như vậy về dân chủ, tức là quá trình lựa chọn chính quyền, đã được trình bày rõ ràng bởi các học giả từ Alexis de Tocqueville [20] tới Joseph Schumpeter [21] và Robert Dahl [22]. Nhà chính trị học Samuel Huntington [23] đã giải thích tại sao lại có tình trạng như vậy: bầu cử – công khai, tự do và công bằng – là điều thiết yếu, không thể thiếu được trong chế độ dân chủ. Tuy nhiên chính phủ được bầu lên có thể không hữu hiệu, thối nát, thiển cận, vô trách nhiệm, bị chi phối bởi các đặc lợi, và do đó không thể thi hành được những chính sách theo đúng với lợi ích chung. Những điều đó khiến cho các chính phủ không được ưa chuộng nữa nhưng không phải vì thế mà các chính quyền đó không dân chủ. Dân chủ là một đặc trưng tốt cho xã hội nhưng nó không là đặc trưng duy nhất. Sự liên hệ của dân chủ với các đặc trưng tốt cũng như xấu khác của xã hội chỉ có thể hiểu rõ hơn nếu ta tách rời dân chủ ra khỏi những đặc trưng khác của các hệ thống chính trị. Nhưng chế độ bầu cử và sự hậu thuẫn của quần chúng không phải lúc nào cũng bảo đảm một chế độ tự do và cai trị theo hiến pháp. Càng ngày người ta càng cảm thấy không yên tâm trước sự lan tràn của các cuộc bầu cử có nhiều đảng phái tham gia tại miền nam trung tâm châu Âu, tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, có lẽ vì những điều gì đã xảy ra sau khi bầu cử. Một số lãnh tụ được lựa chọn do bầu cử sau đó đã qua mặt quốc hội và cai trị bằng sắc lệnh của tổng thống và do đó đã làm băng hoại các thể thức cai trị theo hiến pháp.
    Lẽ dĩ nhiên cũng có những mức độ khác nhau trong các chế độ dân chủ phi tự do: từ những chế độ vi phạm nho nhỏ cho tới chế độ gần như là chuyên chế. Tại châu Mỹ La tinh có những chế độ đã tồn tại hàng thập niên qua các hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn mà vẫn không gặp phải sự chống đối công khai nào của giới quân đội cũng như của các đảng chống chính phủ. Nhưng các chế độ đó vẫn chưa được củng cố. Có nhiều nước vẫn tồn tại mặc dầu vẫn còn yếu kém về phương diện định chế hóa các cơ cấu chính thức của chế độ dân chủ. Tuy nhiên, củng cố dân chủ không thể nào hoàn tất được nếu không có chế độ tự do theo hiến pháp. Ngoài việc thỏa thuận về các quy tắc cạnh tranh quyền lực, về cơ bản còn cần phải có những cơ chế tự kiểm soát việc thực thi  quyền lực. Một hậu quả của việc quá nhấn mạnh dân chủ thuần túy như một trắc nghiệm tối hậu để xem có tự do hay không là có ít nỗ lực trong việc làm ra các hiến pháp sáng tạo cho các quốc gia đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp. Chỉ đưa ra lịch trình bầu cử thường xuyên hay làm bảng liệt kê các quyền cũng chưa đủ mà phải xây dựng một hệ thống để đảm bảo các quyền đó không bị xâm phạm. Chính thể theo hiến pháp không thể chỉ giới hạn trong việc ấn định thể thức lựa chọn chính quyền mà phải nhìn xa hơn để tạo ra các cơ cấu có cân nhắc kỹ lưỡng, không bị chi phối bởi các tình cảm sôi nổi của quần chúng, để bảo vệ quyền tự do cá nhân và chế độ pháp trị. Điều này đòi hỏi phải có sự cam kết hỗ tương giữa các thành phần tinh hoa của đất nước – qua cơ chế điều hợp của hiến pháp, qua các định chế chính trị liên hệ và thường là qua cả các sự thỏa hiệp hay dàn xếp giữa các thành phần tinh hoa nữa – để cho chính quyền có thể duy trì trật tự bằng cách thành lập các liên minh giữa các đảng chính trị và các nhóm lợi ích. Mục đích là để có thể thực hiện được các giới hạn đối với chính quyền, dù là chính quyền đó dưới sự kiểm soát của bất cứ đảng nào và vào bất cứ lúc nào. Vào đầu thế kỷ 20, Tổng thống Woodrow Wilson muốn thế giới an toàn để thực thi dân chủ. Sự thử thách trong thế kỷ sắp tới có thể sẽ là phải làm sao cho dân chủ an toàn đối với thế giới.

    Chú thích:
    1. John Milton (1608-1674): Thi sĩ lớn tại Anh, tác giả thiên trường ca nổi tiếng Paradise Lost (1667)
    2. Edward Coke (1552–1634): Luật gia nổi tiếng trong lịch sử luật pháp tại Anh.
    3. Sir William Blackstone (1723-1780): Luật gia và giáo sư luật nổi tiếng của nước Anh. Tác giả của tác phẩm nổi tiếng về thông luật có tiêu đề là Commentaries on the Laws of England (1765–1769).
    4. Thomas Jefferson (1743-1826): Tổng thống thứ ba cùa Hoa Kỳ trong giai đoạn 1801-1809.
    5. James Madison (1751-1836): Tổng thống thứ tư cùa Hoa Kỳ trong giai đoạn 1809-1817.
    6. Thomas Hobbes (1588-1679): Triết gia chính trị của nước Anh. Tác phẩm nổi tiếng là Leviathan (1651).
    7. John Locke (1632-1704): Triết gia nổi tiếng của nước Anh. Các tư tưởng của ông về cai trị với sự thỏa thuận của nhân dân, quyền tự nhiên của nhân dân (quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu tài sản) có ảnh hưởng rất nhiều đến triết học chính trị.
    8. Adam Smith (1723-1790): Nhà kinh thế chính trị và triết gia về đạo đức của Scotland. Tác phẩm nổi tiếng của ông (Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations), giúp tạo ra khoa kinh tế học và đưa ra các lý luận nổi tiếng về tự do mậu dịch và chủ nghĩa tư bản.
    9. Charles-Louis de Secondat, Baron de La Brède et de Montesquieu (1689-1755): Thường được gọi là Montesquieu, nhà tư tưởng chính trị của Pháp, sinh trưởng trong Thời kỳ Khai sáng (thế kỷ 18). Ông nổi tiếng là người chủ trương phân chia quyền lực trong chính quyền.
    10. John Stuart Mill (1806-1873): Triết gia và chính trị kinh tế gia của nước Anh, một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng của trường phái tự do cổ điển.
    11. Sir Isaiah Berlin (1909-1997): Triết gia chính trị và sử gia về tư tưởng, một trong những nhà tư tưởng tiến bộ nổi tiếng trong thế kỷ 20.
    12. Tức là chế độ dân chủ không có tự do.
    13. Thời đại Tudor trong lịch sử nước Anh kéo dài 118 năm từ 1485 tới 1603.
    14. Jean-Jacques Rousseau (1712-1778): Triết gia, nhà văn hào và lý thuyết gia chính trị, người Pháp gốc Thụy Sĩ. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Social Contract (Khế ước xã hội).
    15. John Jay (1745-1829): Chính trị gia và luật gia nổi tiếng của Mỹ. Thẩm phán đầu tiên và cũng là ít tuổi nhất của Toà án Tối cao Mỹ từ 1789 tới 1794.
    16. Aristotle (384-322 trước Công nguyên): Triết gia cổ Hy Lạp, môn đệ của Plato và thầy dạy của Alexander Đại đế (Alexander the Great).
    17. Benedictus de Spinoza (1632-1677): Triết gia thuộc môn phái duy lý vào thế kỷ 17. Tác phẩm nổi tiếng là Đạo đức học (Ethics).
    18.James Otis (1725-1783): Luật sư tại Massachusetts khi Mỹ còn là thuộc địa của Anh. Ông thuộc trong số những người sớm đưa ra những quan điểm chính trị mở đường cho cuộc Cách mạng tại Mỹ.
    19. “Hà chính mãnh ư hổ giã” (sách lược trị quốc trị hà khắc còn ghê gớm hơn cọp) – Khổng Tử.
    20. Alexis-Charles-Henri Clérel de Tocqueville (1805-1859): Nhà tư tưởng chính trị và sử gia của Pháp. Tác phẩm nổi tiếng của ông là “Dân chủ tại Mỹ” [Democracy in America, 1835 và 1840] và “Chế độ cũ và cuộc Cách mạng” [The Old Regime and the Revolution (1856)].
    21. Joseph Alois Schumpeter (1883-1950): Kinh tế gia người Áo, nổi tiếng về các tác phẩm về lịch sử tư tưởng kinh tế.
    22. Robert Dahl: Giáo sư danh dự tại phân khoa Chính trị học, Đại học Yale, hội viên Viện hàn lâm Khoa học quốc gia, Hội triết học Hoa Kỳ và viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ.
    23. Samuel P. Huntington: Giáo sư Đại học Albert J. Weatherhead III, tốt nghiệp Đại học Yale khi 18 tuổi, tham gia quân đội, lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Harvard và bắt đầu giảng dạy tại đại học này khi mới 23 tuổi.


    Greg Russell là Giám đốc chương trình nghiên cứu sinh tại phân khoa Chính trị học, Đại học Oklahoma, Hoa Kỳ. Ông là tác giả của các tác phẩm: Hans J. Morgenthau and the Ethics of American Statecraft, John Quincy Adams and the Public Virtues of Diplomacy, và Reconciling Internal Rights and External Wrongs: The Force of Arms and Ideas in War. Ông cũng viết nhiều bài cho các tạp chí về các đề tài như triết lý chính trị, lịch sử ngoại giao của Mỹ và bang giao quốc tế. Ông đã hoàn tất bản thảo tác phẩm về thuật trị nước của Theodore Roosevelt.
    * Trích trong “Luận thuyết về Chính quyền Dân sự”, Tập 2, Chương 4.
    [1] Tương tự như bài trên, từ dùng trong bản gốc của bài này là constitutionalism và được dịch là hiến pháp trị. Tuy nhiên, ở đây chúng thay bằng từ chủ nghĩa hợp hiến cho phù hợp với cách gọi ở Việt Nam – BT.
    Biên dịch: Đỗ Kim Thư, Trần Lương Ngọc, Nguyễn Hồng Liên, Nông Duy Trường
    Hiệu đính: Nguyễn Trang Nhung, Vũ Công Giao

    Nguồn:https://cungviethienphap.wordpress.com/2013/02/06/chu-nghia-hop-hien-greg-russel/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org