Phạm Văn Tuấn
1. Cuộc đời của Plato
Plato chào
đời tại Athens, Hy Lạp, vào năm 428 hay 427 trước Tây Lịch (TL). Plato thuộc
gia đình quý phái cả về phía cha lẫn phía mẹ. Cha của Plato tên là Aristongiòng
giõi Codros, vị vua cuối cùng của thành Athens và
được coi là con cháu của thần Poseidon. Mẹ của Plato là Perictione có
họ hàng với Solon, nhà luật học lừng danh của Hy Lạp. Plato có một
người chú tên là Critias, là một trong 30 nhân vật thuộc Hội Đồng
Hoạt Đầu (conseil oligarchique).
Theo phong tục của các đại gia đình Hy Lạp,
Plato được đặt tên của ông nội làAristocles vào ngày Thứ Sáu sau
khi chào đời, còn tên Plato là biệt hiệu, có lẽ vì vóc người to lớn hoặc vì vầng
trán cao rộng. Plato có một người chị và hai anh là Adeimantus và Glaucon mà
tên còn được nhắc nhở trong cuốn sách Nền Cộng Hòa (The
Republic) trong vai người đối thoại của Socrates.
Sau khi Plato chào đời được ít lâu, cha của
ông qua đời, mẹ tái giá với Pyrilampes, một người chú họ ngoại và
cũng là người bạn, người ủng hộ nhiệt thành Pericles, một chính
khách đã điều hành tốt đẹp thành Athens trong các năm 400 trước TL. Tại nhà của Pyrilampes,
Plato được mẹ chăm sóc tới năm lên 7 tuổi, rồi được theo trường học. Thời bấy
giờ, trẻ em được huấn luyện tới năm 14 tuổi về tập viết, tập đọc và tập làm
toán. Sau đó tới năm 18 tuổi là thời gian theo học phần thể dục, chuyên rèn luyện
thân thể.
Thời gian đầu của Plato là những năm tàn phá
do trận chiến tranh Peloponnesian mang tới. Do còn quá trẻ, Plato chưa được làm
quen với chế độ dân chủ đế quốc (imperial democracy) của Pericles cũng
như phong trào ngụy biện (sophistic movement), nhưng do những người
trong họ hàng như Critias và Charmides, hai người
bạn cố tri của Socrates, Plato được nghe nói nhiều về nhà Đại Hiền Triết
Socrates.
Năm 18 tuổi, Plato học hỏi với
các triết gia và các nhà ngụy biện (sophistists). Từ năm 20 tuổi Plato
theo học Socrates trong 8 năm liền, chấp nhận nền triết học
căn bản của Socrates cùng cách tranh luận theo thể văn biện chứng (dialectic
style). Đây là cách tìm hiểu sự thật bằng các câu hỏi, câu giải đáp và các
câu hỏi kế tiếp. Vì quá ham thích Triết Học, Plato đã đem đốt hết các tập thơ
trữ tình và các bản bi kịch do ông sáng tác lúc thiếu thời.
Trong bức thư thứ bẩy, chính Plato đã
tự nhận rằng tham vọng ban đầu của ông là Chính Trị. Ông đã tham dự vào hàng
ngũ những người hoạt đầu mà Critias là một trong các thủ lãnh, vì ông mong muốn
thiết lập lại công bằng xã hội, tạo dựng hạnh phúc cho toàn dân bằng cách tự sửa
lại cá nhân. Nhưng rồi cách bạo hành và chính thể chuyên chế của Hội Đồng Hoạt
Đầu và nhất là sự lên án Socrates một cách bất công đã khiến cho Plato từ bỏ ý
định về chính trị. Sau khi Socrates bị bắt uống thuốc độc chết vào năm 399 trước
TL, có lẽ vì lo sợ cho sự an toàn của mình rồi lại do lòng công phẫn, Plato
cùng vài môn đệ của Socrates đã tới ẩn náu tạm thời tại Megara, nơi đây Plato
theo học Euclid, nhà toán học danh tiếng.
Năm 396 trước TL, Plato trở lại
thành Athens và theo như luật định, ông phục vụ trong hàng ngũ kỵ binh tham chiến
trong trận Corinth và trận này kết thúc bằng sự thất bại của xứ
Athens trước xứ Sparta. Vào thời đó, người miền Athens thường hay
đi lại nhiều nơi và vì ghê tởm cuộc chiến tranh vừa qua, Plato tìm đường sang
Ai Cập. Ông đã mang theo rất nhiều thùng dầu để bán dần khi đi đường. Đầu tiên,
ông dừng lại tại Crete rồi Cyrene. Ở nơi này ông nghiên cứu Toán Học với Theodorus,
sau đó có lẽ vào năm 390, Plato mới tới Ai Cập. Tại Heliopolis, Plato đã học hỏi
về Thiên Văn, Tôn Giáo và Hiến Pháp. Nhờ thời gian sống tại Ai Cập, Plato đã quan
sát kỹ lưỡng các phong tục rồi suy tưởng và sau này, ông đã bàn luận về những
điều này trong các tác phẩm của ông.
Sau khi rời Ai Cập, Plato sang Đại Hy Lạp, tới
Tarentum và quen với Archytas. Thời gian lưu trú tại Tarentum đã
giúp cho ông rất nhiều nhờ trao đổi tư tưởng với Archytas là một nhà triết học
kiêm chính khách, một người đã thành công trong việc duy trì tại Tarentum một
chính phủ có quyền hành đặt nền tảng trên Khoa Học và Triết Học.
Các cuộc đi xa đã giúp cho Plato nhiều cơ hội
làm quen với một số nhà sáng lập ra vài trường phái học thuật như Pythagoras,
Heraclitus cũng như các nhà triết học Eleatic. Từ những nhận xét thực
tế và các điều học hỏi từ Socrates, cộng với sở thích liên quan tới các vấn đề
chính trị, Plato đã đi tới kết luận rằng chỉ những người có kiến thức và các phẩm
chất đạo đức mới đáng được giao phó quyền lực để điều khiển các người khác. Lý
tưởng triết học của Plato đang cần có các cơ hội để áp dụng.
Vào thời bấy giờ, xứ Sicily đang
chìm đắm trong một hoàn cảnh chính trị hỗn loạn.Dionysius đã thành
công trong việc lật đổ nền cộng hòa và thiết lập tại Syracusemột chế
độ chuyên chế. Dion, một người học trò và cũng là bạn của Plato, đã
thúc dục Plato nên đảm nhận việc giáo dục Dionysius, đồng thời bạo chúa của
thành Syracuse này cũng mời ông qua Ý Đại Lợi. Đây là một cơ hội để Plato thử
áp dụng lý thuyết về chính quyền vào một hoàn cảnh thực tế. Plato tới Syracuse,
được triều đình của nơi này coi như thượng khách. Về sau có lẽ do sự trả lời bạo
chúa một cách vụng về hoặc vì tình bằng hữu của Plato đối với Dion mà ông bị bạo
chúa ghét bỏ. Plato bị tống giam và bị trao cho viên thuyền trưởng Pollis, người
xứ Sparta. Pollis đã bán Plato tại Egina như một tên nô lệ. Plato được Anniceris,
một nhân vật thuộc trường phái triết học Cyrenaic, chuộc ra với giá
20 mines. Ông trở lại thành Athens vào năm 387.
Trong thời gian này, nhiều môn đệ của Socrates
đã thiết lập các trường học. Platocũng muốn giảng dạy về Triết Học
và Khoa Học. Ông liền thiết lập ngôi trườngAcademos tại đầu kinh
thành, gần Clone. Ngoài Triết Học, nhà trường còn chú trọng tới Khoa Học, Luật
Pháp, Thiên Văn, Sinh Học, Toán Học và Lý Thuyết Chính Trị. Ngôi trường
này có thể coi là một trường Đại Học chuyên đào tạo các học viên đủ khả năng
cai trị theo đúng Pháp Luật. Trường Academos hay Hàn
Lâm Viện có ban giảng huấn gồm các giáo sư chuyên khoa như Theatetus,
ông tổ của môn học không gian. Nhờ các bậc thầy tài giỏi, nhà trường nhanh
chóng tạo được các kết quả tốt đẹp, học trò từ bốn phương đổ về theo học rất
đông. Aristotle đã là học viên xuất sắc nhất của trường.
Trường Academos nổi danh hơn cả ngôi trường của Isocrates. Trường
Academos tiếp tục hoạt động trong hơn 8 thế kỷ, là một trung tâm nghiên cứu và
phổ biến nền triết học của Plato (Platonic philosophy). Tại trường học
này, Plato thường diễn giảng mà không cần tới bản thảo và các bài toán được
đề nghị cho các sinh viên cùng nhau giải đáp. Trong thời gian giảng dạy, Plato
đã viết ra nhiều tác phẩm vấn đáp (dialogues), phần lớn những tài liệu
giảng huấn này đã được lưu trữ và dịch sang nhiều ngôn ngữ. Vài tác phẩm lừng
danh ban đầu của Plato gồm: Charmides, Euthyphro, Ion và Laches.
Qua năm 366 trước Tây Lịch, khi đang nổi tiếng
là người đứng đầu ngôi trường Academos, Plato lại được Dion mời
qua làm ổn định tình hình chính trị tại thành Syracuse. Vào thời gian này,
Dionysius Già đã chết, Dionysius Trẻ (Dionysius theYounger) lên
thay thế khi gần 30 tuổi. Vì bị cha ngăn cách với chính trị, Dionysius Trẻ đã sống
một cuộc đời lêu lổng. Dion đã mời Platon vì muốn danh tiếng của ông có thể làm
cho Dionysius Trẻ kiêng nể, vì muốn nhà đại hiền triết đảm nhiệm việc giáo dục
vị vua còn trẻ này, và cũng vì muốn tránh sự lấn quyền của xứ Carthage trên đất
Sicily.
Do tình bạn với Dion, Plato miễn cưỡng phải
sang Syracuse nhưng khi đến nơi, Dion đã bị lưu đầy, Vua Dionysius Trẻ đã đón
tiếp Plato rất huy hoàng nhưng lại không chịu để Plato hướng dẫn, cũng như từ
chối các lời khuyên bảo. Không biết vì sao, Dionysius Trẻ đã lưu giữ được nhà đại
hiền triết trong gần một năm trường và chỉ để ông ra đi với lời hứa sẽ trở lại.
Trở về Athens, Plato tiếp tục dạy học. Trong thời gian này, ông đã soạn các cuốn
sách đặc sắc như The Republic, The Sophist vàTheaetetus...
Tới năm 361 trước TL, Dionysius Trẻ phái một
con tầu qua xứ Athens, nhắc lại lời hứa khi xưa và mời Plato sang
Syracuse. Dionysius còn hứa sẽ đón Dion trở về từ nơi lưu đầy. Plato đã nhận lời
vì nghĩ tới Dion, vì muốn khuyên nhủ Dionysius đừng nô lệ hóa Sicily
hay áp chế một xứ sở nào mà phải cai trị nơi đó bằng Luật Pháp. Plato đã được
Dionysius đón tiếp tại Syracuse một cách rất nồng hậu nhưng mặc dù những lời
tha thiết của Plato, Dion vẫn không được trả tự do. Hơn nữa, bạo chúa này còn từ
chối thi hành một cách ngay thẳng và đã không để
cho Triết Học và quyền hành thực sự gặp nhau. Plato muốn bỏ ra về một
lần nữa, ông bị bắt giam. Sau nhờArchytas of Tarentum can thiệp,
ông mới được phép rời khỏi Syracuse.
Trở về Athens, Plato nhất định không bao giờ
dính líu vào chính trị nữa mặc dù nhiều học viên thuộc trường Academos của ông
đã gia nhập vào công cuộc viễn chinh của Dion chống lại Dionysius vào năm 357
mà kết quả là sự sụp đổ của chế độ bạo tàn.
Trong các năm cuối đời, Plato sống tại thành
Athens và đã soạn ra các tác phẩm nhưTimaeus, Crito và cuốn sách
dang dở The Laws. Plato qua đời vào năm 348 hay 347 trước Tây Lịch,
giữa thời kỳ nước Hy Lạp bị Philip II, vua miền Macedonia, xâm chiếm.
2. Các tác phẩm của Plato
Các tác phẩm còn lưu truyền tới ngày nay của Plato gồm
35 tập đối thoại (dialogues) và 13 bức thư, một số tập này và bức thư bị
nghi ngờ về tính đích thực. Đối thoại là một hình thức viết văn trong đó trình
bày hai hay nhiều nhân vật, đặt ra một vấn đề, bàn luận các chỉ trích và các
tương phản giữa các ý tưởng triết học. Các nhân vật trong tác phẩm với các cá
tính khác nhau, quan điểm khác nhau đã thảo luận cũng như tranh cãi cùng nhau về
nhiều mặt đối nghịch của một đề tài. Plato đã dùng phương pháp biện chứng của
Socrates để trao đổi các ý tưởng. Trong các đối thoại,Socrates đã gặp
gỡ một người tự cho là hiểu biết nhiều, đặt các câu hỏi cho người này rồi dần dần
đưa tới phần kết luận là người này chưa đủ hiểu biết. Socrates như vậy đã hiện
dần ra như một người khôn ngoan (the wiser) bởi vì ít nhất, ông ta đã biết
rằng ông không biết gì cả.
Các tập đối thoại ban đầu của Plato gồm tác phẩm Charmides,
một cố gắng định nghĩa sự điều độ (temperance), tác phẩm Lysis thảo
luận về tình bạn (friendship),Laches là cuốn sách đi tìm ý nghĩa của
lòng cam đảm, Protagoras bảo vệ luận đề cho rằng đức tính là
kiến thức (virtue is knowledge) và sự kiện này có thể giảng dạy được,
tác phẩm Euthyphro khảo sát bản chất của lòng tôn kính (the
nature of piety) và tập I của cuốn The Republic (Nền Cộng
Hòa), một khảo sát về công lý (justice).
Các tác phẩm viết ra trong các thời kỳ giữa cuộc
đời của Plato đã phản ánh cách phát triển triết học, dù cho
Socrates vẫn còn là nhân vật trong đa số các đối thoại. Thuộc thời kỳ giữa là
tác phẩm Gorgias, một khảo sát nhiều câu hỏi đạo đức (ethical
questions), Meno thảo luận bản chất của kiến thức (knowledge) còn
trong tác phẩmApology, Socrates tự biện hộ tại tòa án chống lại lời buộc
tội vô thần (atheism) và tội làm hư hỏng giới trẻ của thành Athens, tác
phẩm Crito là lời bào chữa của Socrates về việc tuân theo các
luật lệ của quốc gia, Phaedo mô tả cảnh từ trần của Socrates
và trong tác phẩm này, Plato đã thảo luận lý thuyết Hình Thức (the
theory of Forms), bản chất của linh hồn (soul) và câu hỏi về tính bất
tử (immortality). Tác phẩmSymposium là một công trình xuất sắc
gồm nhiều bài nói chuyện về vẻ đẹp và tình yêu, The Republic (Nền
Cộng Hòa) là một công trình lớn lao, khảo cứu môn chính trị và đây là một
thành quả triết học xuất sắc qua đó Plato thảo luận từng chi tiết bản chất của
công lý (justice), đặt ra các câu hỏi như thế nào là một quốc
gia chính đáng(what is a just state), thế nào là một cá nhân chính
đáng (what is a just individual).
Các tác phẩm thuộc thời kỳ cuối cuộc đời của Plato gồm: Theaetetus,
một phủ nhận điều cho rằng kiến thức do các cảm nhận giác quan, Parmenides là
tác phẩm lượng giá lý thuyết Hình Thức (the theory of Forms), Sophist là
cuốn sách cứu xét lý thuyết về các ý tưởng (the theory of Ideas), Philebus thảo
luận sự liên hệ giữa khoái lạc và điều tốt lành (pleasure and the good), Timaeus cho
thấy quan điểm của Plato về Khoa Học Thiên Nhiên và Vũ Trụ Học, và tác phẩm The
Laws (Luật Pháp) đã phân tích thực tế các vấn đề chính trị và
xã hội.
3. Tác phẩm Nền Cộng Hòa của Plato
Danh từ Nền Cộng Hòa mà Plato
xử dụng mang ý nghĩa một xã hội dân sự (a civilsociety) hay một đất
nước (a state) mà không ám chỉ tới một chính quyền có đại diện (representative
government) hay một hình thức chính quyền theo hiến pháp.
Vào thời đại của tác giả, xã hội Hy Lạp còn là
một nơi coi trọng người đàn ông và tác giả Plato đã là sinh viên thuộc thế kỷ
thứ 5 trước Tây Lịch của nhà triết học Socrates(v.k. năm
469 – 399 trước TL). Socrates thường hay đặt các câu hỏi cho nhiều người, rồi
sau đó thêm vào các câu hỏi phụ căn cứ vào các câu trả lời của những người đối
thoại, để dẫn tới cách định giá (đúng hay sai) các giá trị và niềm tin của các
người đối thoại.
Phương pháp của Socrates, còn được
gọi là phương pháp biện chứng (dialectic) đã gây nên
nhiều kẻ thù bởi vì họ bị bối rối, bị dẫn tới các câu kết luận mà họ không ưa
thích. Nhà triết học Socrates sau đó đã bị kết án, phải uống thuốc độc vào năm
399 trước TL vì tội làm hư hỏng các thanh niên của thành phố Athens, tức là đã
gợi lên trong những người trẻ này các ý tưởng chính trị và xã hội không được
nhiều người chấp nhận.
Plato đã dùng nhân vật giả tưởng Socrates
trong cuốn sách, khi thảo luận với các người quen biết, tại căn nhà của Cephalus nằm
trong thành phố Piraeus và đây là thành phố hải cảng thuộc phía nam của thủ đô
Athens, xứ Hy Lạp. Cephalus là một thương gia cao tuổi, giàu có và đã về hưu.
Đã có vào khoảng hơn 10 người tụ họp nhân một ngày nghỉ lễ của nữ thần Bendis.
Các nhân vật trong đối thoại gồm:
– Glaucon: một người trẻ tuổi, nhậy
cảm, linh lợi nhưng còn thiếu chiều sâu tư tưởng.
– Adeimantus: một công dân biết
tranh luận vững chắc. Glaucon và Adeimantus là hai người anh của Plato, họ thường
đặt ra các câu hỏi quan trọng trong các đối thoại với Socrates.
– Polemarchus: con trai của chủ
nhà Cephalus, là người trả lời mau lẹ nhưng không suy nghĩ rõ ràng.
– Thrasymachus: một nhà ngụy biện
(a sophist), tức là một nhà giáo về triết học, ngôn ngữ và tu từ pháp (rhetoric),
thường hay chế riễu Socrates.
Vào thời đại đó, các nhà ngụy biện (sophists) là
những người có một thứ kiến thức bách khoa, hiểu biết nhiều nền văn hóa và tin
tưởng rằng: (a) kiến thức do kinh nghiệm mà có, (b) kiến thức về sự thật (knowledge
of truth) thì khác nhau với mỗi người. Các nhà ngụy biện đã huấn luyện cho
người dân Athens nói năng rõ ràng và hùng hồn. Socrates đã phản đối họ, vì họ
có thể làm cho điều không đúng (unjust) có vẻ đúng (just), điều xấu
có vẻ tốt. Trong tác phẩm Nền Cộng Hòa, Plato là nhân vật ẩn khuất
sau những lời biện hộ của nhân vật Socrates.
Nền Cộng Hòa là
cuốn sách được phổ biến nhất và có lẽ nổi tiếng nhất trong các đối thoại của
Plato. Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết hay một vở kịch, nó không có cốt
truyện (plot), tất cả các thảo luận đã xẩy ra trong một căn phòng. Nền Cộng
Hòa không phải là một khảo cứu khô khan về triết học, mà gồm các ý tưởng (ideas),
các lý luận (arguments) nhưng lại là một cách phối hợp của văn chương,
bi kịch (drama) với triết học, và nhờ tác giả Plato, những gì trừu tượng
(abstract) đã trở nên linh hoạt (alive) và mang kịch tính (dramatic).
Nền Cộng Hòa là
tác phẩm cứu xét về “đời sống tốt lành” (the Good Life) và Plato có
vẻ như tin tưởng rằng chỉ có thể theo đuổi một đời sống hoàn toàn (a perfect
life) trong các điều kiện hoàn toàn tức là trong một xã hội hoàn toàn, một
đất nước lý tưởng (an Ideal State). Ý tưởng về đất nước lý
tưởng này có thể giống như một thể chế quân chủ được khai sáng (an
enlightened monarchy) và không phải là một thể chế cộng hòa như hiện nay.
Phần lớn tác phẩm dành cho công việc thảo luận
về giáo dục (education), cũng có phần nói về nghệ thuật và văn chương,
nhưng phần quan trọng nhất và là phần trung tâm của các đối thoại thuộc về “thuần
túy triết lý” (pure philosophy) hay “siêu hình”(metaphysics).
Tác phẩm Nền Cộng Hòa gồm 10
cuốn sách (10 Books):
– Sách 1: Bản chất của sự công bằng (justice)
– Sách 2-4: Sự công bằng trong đất nước và
trong cá nhân.
– Sách 5-7: Nhà Vua Triết Học (the
Philosopher-King).
– Sách 8: Sự suy thoái của xã hội.
– Sách 9: Người chân chính (the just man)
thì hạnh phúc hơn người không chân chính (the unjust man).
– Sách 10: Nghệ thuật, sự bất tử của linh hồn,
truyền thuyết của Er.
Trong Sách 1, Polemarchus cho
rằng sự công bằng (justice) là trả lại thứ gì thuộc về người chủ
nhưng Socrates đã đặt câu hỏi khiến cho Polemarchus đã đổi định nghĩa về sự
công bằng thành ra ý nghĩa giúp đỡ các bạn bè và làm hại các kẻ thù. Socrates lại
lý luận rằng bởi vì sự công bằng là một đức tính (a virtue) nên không thể
làm hại kẻ khác, vì vậy Polemarchus đã công nhận rằng định nghĩa về công bằng của
ông ta còn chưa hoàn hảo.
Thrasymachus, vốn là một nhà tu từ học (a rhetoric),
cho rằng sự công bằng là lợi dụng kẻ yếu, vì thế các nhà cai trị đã làm ra luật
pháp vì tư lợi và gọi đó là sự công bằng; đức tính và sự khôn ngoan (wisdom) là
các tài khéo (skills) và khả năng thực hiện các điều không công bằng.
Ông ta lý luận rằng các kẻ không chân chính (the unjust) thì hơn các kẻ
chân chính (the just) về tính chất và trí thông minh, sự bất công mang lại
sức mạnh, hạnh phúc, phúc lợi.
Mặt khác, Socrates lại cứu
xét vấn đề quan trọng, đó là: không xét về một người có bao nhiêu tài sản hay
quyền lực, mà là người đó thực hiện hạnh phúc ra sao. Nhà triết học nhấn mạnh tới
phần quan trọng của cá nhân, đó là linh hồn của người đó (his soul). Nếu
một linh hồn không chân chính, người đó sẽ không có hạnh phúc.
Trong Sách 2- 4, Thrasymachus tin
tưởng rằng phần lớn mọi người đều ích kỷ và hiếu chiến, và các người yếu đã
dùng luật pháp để kiềm chế các kẻ mạnh. Socratesthì cho rằng sự
công bằng không những đã mang lại các phần thưởng mà tự nó còn là một điều tốt
lành. Một đất nước thành phố (a city-state) cần tới một giới chiến sĩ (a
class of warrior) hay giới bảo vệ (the guardians) để che
chở đời sống tốt lành của người dân. Sự giáo dục giới chiến sĩ này rất cần thiết.
Không nên dạy cho họ các huyền thoại hay các câu chuyện về các hình ảnh xấu của
thần thánh (gods). Âm nhạc và huấn luyện thân thể cần phải đơn giản và
không nhiều. Tất cả phải cân bằng (in balance). Giới bảo vệ cần được
giáo dục cho tới tuổi 20, những người vượt qua được các kỳ thi sẽ trở thành những
nhà cai trị (rulers), những người khác là người trợ giúp, tất cả được xếp
hạng theo tài năng (talents).
Socrates cho
rằng giống như một thành phố, một linh hồn có ba phần: lý trí (reason),
tinh thần (spirit) (hay các cảm xúc như sợ hãi, tức giận) và lòng ham muốn
(appetite), chẳng hạn như các nhu cầu về ẩm thực, sinh lý, lòng tham tiền
bạc và quyền lực. Khi lý trí và tinh thần kiểm soát lòng ham muon, sẽ có các
hành động công bằng và sự bất công sẽ xẩy ra khi lòng ham muốn kiểm soát ngược
lại.
Sách 6-7 bàn luận về nhà vua triết học. Socrates cho
rằng người nam mạnh hơn và có khả năng hơn người nữ nhưng sự khác biệt này
không liên hệ tới chính trị. Đối với xã hội, Socrates xác nhận rằng một nhà triết
học nên cai trị xứ sở bởi vì chỉ có các triết gia là biết phân biệt giữa thế giới
thực (the real world) và các thể hiện (appearances). Một nhà vua
triết học cần tới cách huấn luyện đặc biệt. Sau nền giáo dục dành cho giới bảo
vệ, nhà vua cai trị tương lai phải trải qua 15 năm để học hỏi thêm toán học và
đạo đức (moral philosophy) bởi vì mục đích tối thượng của nhà cai trị là
kiến thức về điều tốt lành (the knowledge of the Good). Điều tốt lành,
giống như mặt trời, là nguồn sáng khiến cho người ta nhìn thấy sự vật.
Socrates đã
dùng tới “Câu chuyện biểu tượng của hang động” (the Allegory of the
Cave) để mô tả sự đi lên của tâm hồn (the mind’s ascent). Hãy tưởng
tượng một số tù nhân bị xiềng xích, sống trong một hang động, cổ và chân của họ
bị khóa chặt, khiến cho họ chỉ có thể nhìn về phía trước. Đằng sau họ là một ngọn
lửa lớn và trước ngọn lửa là các con người, thú vật và đồ vật, tất cả được ngọn
lửa chiếu lên trên vách và các tù nhân chỉ có thể nhìn thấy các hình bóng đen
chiếu lên trên vách đó. Bây giờ, nếu một tù nhân được mở khóa và được dẫn ra khỏi
hang động, anh ta sẽ bị lóa mắt vì ánh sáng và rồi sẽ nhận ra rằng mặt trời mới
thực là nguồn sáng. Người tù kể trên sẽ nhận thực được rằng quyền lực (power)
và uy tín (prestige) chỉ là các hình bóng vô dụng (useless shadows).
Sách 8 đề cập tới sự suy đồi của xã hội. Socrates đã
mô tả 4 loại thành phố bị hư hỏng (corrupted) và các nhà cai trị liên hệ.
Trong chế độ phú hào (timocracy), nhà cai trị đã ham danh vọng (honor),
khi đó quân đội chế ngự thành phố và giáo dục, nghệ thuật suy yếu đi. Sự ham muốn
tiền bạc đưa tới chế độ hoạt đầu (oligarchy), đất nước bị cai trị
do nhóm người giàu có và sẽ có sự cách biệt giữa kẻ giàu và người nghèo. Chế độ
hoạt đầu này yếu dần do lòng tham và người nghèo sẽ nắm quyền kiểm soát và kết
quả là sẽ có chế độ dân chủ (democracy) trong đó mọi ham muốn sẽ đồng
đều. Cuối cùng, thể chế vô chính phủ (anarchy) là do lòng tham muốn
tự do (love of liberty), sẽ dẫn tới “chế độ độc tài” (dictatorship)
hay “nền bạo chúa”(tyranny).
Sách 9 xác nhận rằng người chân chính (the
just) thì hạnh phúc hơn người không chân chính (the unjust). Socrates đã
dùng hình ảnh của nhà độc tài để mô tả điều kể trên. Ông cho rằng mọi người đều
có các dục vọng (desires) cần thiết và không cần thiết. Nhà độc tài dù
cai trị như thế nào, cũng không có các bạn hữu và luôn luôn phải canh chừng các
kẻ thù, bởi vì có lạc thú (pleasure) khi linh hồn do lý trí điều khiển
và nhà độc tài là người không chân chính (unjust) nên không có lạc thú
này. Ngoài ra, Socrates còn nhấn mạnh rằng sự công bằng (justice) mang lại
nhiều hạnh phúc hơn sự bất công.
Sách 10 liên quan tới nghệ thuật, sự bất tử của
linh hồn và truyền thuyết về Er. Trong cuốn sách này, Socrates không
tin tưởng vào nghệ thuật (art) vì cho rằng thứ này làm cho con người nhầm lẫn vẻ
ngoài với hiện thực (reality) và ảnh hưởng tới cảm xúc khiến cho lý trí
bị gạt sang một bên. Socrates cũng xác nhận rằng sự bất công (injustice)
là điều xấu của linh hồn. Theo Socrates, các linh hồn sẽ không bao giờ chết đi
và sau một đời sống lương thiện, các linh hồn sẽ được tưởng thưởng.
Socrates đã
kể về truyền thuyết của Er (the Legend of Er). Er là một chiến sĩ can đảm,
đã chết ngoài mặt trận nhưng trong khi thi thể còn nằm trên dàn thiêu thì Er đã
sống lại và kể cho mọi người nghe về những gì anh ta nhìn thấy ở thế giới bên
kia.
Sau khi linh hồn của anh ta rời khỏi xác, anh
ta đã bay đến một nơi xa lạ nằm giữa đất và trời. Có hai pháp quan (judges)
ngự trị tại nơi này. Các linh hồn chân chính (just soul) khi tới trước
pháp quan, sẽ được đưa về cửa bên tay phải để được dẫn tới thiên đường, hưởng một
cuộc sống hạnh phúc, còn các linh hồn không chân chính bị đưa qua cửa bên trái,
dẫn tới trung tâm của trái đất để rồi phải trả gấp 10 lần các tội lỗi khi trước.
Các linh hồn quá xấu xa, như của các kẻ giết người, các bạo chúa, sẽ không bao
giờ được phóng thích. Sau bẩy ngày, anh chàng Er với các linh hồn khác đã đến
trước các thần định mệnh (the Fates) là thần có quyền cho các linh hồn
những thân thể mới. Mỗi linh hồn được quyền chọn lựa đời sống của mình. Sau khi
đã chọn lựa rồi, các linh hồn uống nước của Giòng Sông Quên Hết (the River
of Lethe) nhưng Er đã không uống thứ nước đó. Sau một trận động đất lớn,
các linh hồn được đưa đi tái sinh nhưng vào lúc này, anh chàng Er tỉnh dậy và
thấy mình nằm trên dàn thiêu.
Trở về cuốn sách Nền Cộng Hòa, bằng
cách dùng “Câu chuyện biểu tượng của hang động”, Plato đã mô tả
bóng tối (darkness) là sự ngu dốt (ignorance), nhờ vào nền giáo dục
mà con người được dẫn tới kiến thức là thứ giống như ánh sáng (light =
knowledge), với cách suy luận đi từng bậc, từ bậc 1 = trí tưởng tượng (imagination),
qua bậc 2 = niềm tin (belief), hai giai đoạn học hỏi này thuộc về ý kiến
(opinion). Bước sang bậc 3 = lý luận (reasoning) và bậc 4 = hiểu
biết (understanding), đây là giai đoạn của kiến thức.
Đối với công việc học hỏi về vật thể (objects),
con người phải trải qua giai đoạn 1 = hình ảnh (images), giai đoạn 2 = vật
thể (objects), giai đoạn 3 = toán học (mathematics) và giai đoạn
4 = hình thức (the Forms).
Plato tin rằng các vật thể (objects) mà
chúng ta nhìn thấy được chỉ là bản sao (copies) của các mẫu (patterns)
không thay đổi, bất diệt (eternal). Những mẫu này được gọi là các hình
thức (the Forms). Hình thức thì trừu tượng và không có cỡ, có chiều (nondimentional),
chỉ có trong ý tưởng (idea), được biểu hiện do trí óc mà không bằng giác
quan (senses).
Khi bàn về “triết lý chính trị” (political
philosophy), Plato cho rằng đất nước do các cá nhân tạo
nên, nên phản ảnh các đặc tính của các cá nhân này. Có 3 loại người trong xã hội,
giống như 3 phần của linh hồn: (a) giới thợ thủ công (craftsmen) tượng
trưng cho phần ham muốn (appetite), (b) giới bảo vệ (guardians)
là phần tinh thần (spirit), còn (c) giới cai trị (rulers) đại diện
cho phần lý trí (reason). Công lý chỉ được thực hiện khi cả ba phần này
hoàn thành công việc của mình và chính quyền sẽ trở nên thối nát khi bị thúc động
do lòng ham muốn tiền bạc.
Cũng theo Plato, vai trò chính yếu
của nhà triết học (the philosopher) là giáo dục dân chúng. Nhà triết học
có thể phân biệt giữa các bóng tối và các hiện thực, và nền giáo dục đã dẫn dắt
nhà cai trị (the ruler) qua các trình độ kiến thức. Platon tin rằng nhà
triết học phải nhận lãnh trách nhiệm cai trị để cho công lý (justice) được
thi hành trên đất nước.
Nền Cộng Hòa là
cuốn sách liên quan tới công việc tạo nên một xã hội lý tưởng bởi vì tác phẩm
này đã đề cập tới các đề tài đạo đức, chính trị, giáo dục, nghệ thuật và thế giới
vật lý bên ngoài. Tác phẩm này cũng tìm cách định nghĩa về nhà triết học, đặt vấn
đề liên quan tới sự cảm nhận hiện thực (reality) của chúng ta cũng như
mô tả nhiều loại định chế (institutions) cùng với các ưu và khuyết điểm.
4. Ảnh hưởng của nhà Đại Hiền Triết Plato
Sau khi Plato qua đời, người
cháu của ông tên là Speusippus trở thành Viện Trưởng của trường Academos.
Trường Đại Học này tiếp tục hoạt động cho tới năm 529 sau Tây Lịch, khi Hoàng Đế Byzantine là Justinian
I ra lệnh đóng cửa vì cho rằng trường phổ biến các lời giảng dạy tà
giáo (pagan teachings). Tuy nhiên ảnh hưởng của Plato đã được lan truyền
khắp nơi.
Nền triết học của Plato đã thể hiện qua tác phẩm
của Philo Judaeus, nhà triết học Do Thái, cư ngụ tại thành
Alexandria vào thế kỷ thứ 1 sau Tây Lịch. Vào thế kỷ thứ 3, nhà triết học Plotinus đã
khai triển nền triết học Plato-Mới (Neoplatonism) tại kinh thành Rome.
Các nhà thần học Clement of Alexandria, Origen, Boethius và
ThánhAugustine là những người chịu ảnh hưởng của nền triết học
Platonic đồng thời các ý tưởng của Plato đã đóng vai trò chính yếu trong việc
phát triển nền thần học Thiên Chúa giáo (Christian theology) cũng như
các tư tưởng Hồi giáo (Islamic thoughts) của thời Trung Cổ.
Qua thế kỷ 13, Aristotle đã
là nhà triết học Cổ Hy Lạp gây nên nhiều ảnh hưởng mạnh nhất trong thế giới tư
tưởng Thiên Chúa giáo nhưng bước sang thời kỳ Phục Hưng (the Renaissance),
Hàn Lâm Viện Florantine do gia đình Medici thiết
lập, lại chú trọng vào nền triết học của Plato. Được thành lập vào thế kỷ 15 gần
thành phố Florence, các nhân viên của Hàn Lâm Viện này dưới sự điều khiển của Marsilio
Ficino, đã nghiên cứu các tác phẩm của Plato viết bằng tiếng Hy Lạp.
Tại nước Anh, học thuyết của Plato đã
sống lại vào thế kỷ 17 do Ralph Cudworth và các người cộng
tác, những học giả này được gọi là The Cambridge Platonists(nhóm
theo Plato thuộc trường Đại Học Cambridge). Họ cố công dùng các lời giảng dạy của
Plato và cách diễn đạt của nhóm Neoplatonist để làm hòa hợp lý
trí (reason) với tôn giáo. Qua thế kỷ 20, các nhà tư tưởng như Alfred
North Whitehead cũng nghiên cứu và phổ biến các công trình của Plato.
Các tác phẩm đối thoại của Plato đã
được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau và được phổ biến bằng nhiều ấn bản. Một
trong các bản dịch được nhiều học giả biết tới nhất là của ông Benjamin
Jowett, thuộc trường Đại Học Oxford, nước Anh./.
Nguồn:http://www.vietthuc.org/plato-427-%E2%80%93-347-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-tl-d%E1%BA%A1i-hi%E1%BB%81n-tri%E1%BA%BFt-c%E1%BB%95-hy-l%E1%BA%A1p/