Phạm Văn Tuấn
Jean Jacques Rousseau là một nhà triết học kiêm nhà văn người
Pháp quan trọng bậc nhất của thời đại Lý Trí (the Age of Reason). Các tư
tưởng của J. J. Rousseau đã góp công vào các biến cố chính trị dẫn tới cuộc
Cách Mạng Pháp năm 1789 đồng thời các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng sâu rộng tới
nền văn chương và giáo dục của các thời đại kế tiếp.
J. J. Rousseau sinh tại Geneva, Thụy
Sĩ, trong một gia đình gốc Pháp theo đạo Tin Lành đã định cư tại nơi này trong
gần 200 năm. Bà mẹ qua đời sau khi đã sinh hạ cậu con Jean Jacques này. Cha của
Rousseau theo nghề thợ làm đồng hồ nhưng vì nhớ lại quá khứ danh giá cũ của gia
đình, ông ta đã đeo kiếm bên mình như vài nhà quý phái. Vì gặp rắc rối với
chính quyền địa phương do bản tính tự kiêu, ông Rousseau cha đã phải bỏ trốn,
chạy khỏi thành phố Geneva để không bị nhốt tù. Vì vậy cậu Jean Jacques đã
không được cả cha lẫn mẹ chăm sóc, cậu sống cuộc đời nghèo nàn với sự trợ giúp
của gia đình bên mẹ. Năm 16 tuổi, J. J. Rousseau đi khỏi thành phố Geneva và bắt
đầu một cuộc đời lang bạt, làm nhiều nghề trong các vương quốc Sadina vàPháp.
Tại thành phố Savoy, J. J.
Rousseau may mắn được gặp bà bá tước Louise de Warens. Bà góa giàu
có này đã cho J. J. Rousseau nơi ăn chốn ở và dùng như một kẻ hầu. Bà de Warens
gốc người Thụy Sĩ, đã cải sang đạo Cơ Đốc rồi sau khi chiếm được một số tiền lớn
của chồng, bà ta lẩn tránh sang thành phố Savoy, thường hay giao du với đám
chàng thanh niên theo đạo Tin Lành để cải đạo những người này. Cũng vì ảnh hưởng
của bà de Warens mà J. J. Rousseau đã theo đạo Cơ Đốc. Nhưng bà góa này đã từng
là một người đi du lịch nhiều, hiểu rộng và thông minh, nên đã huấn luyện J. J.
Rousseau từ một kẻ học nghề trở nên một nhạc sĩ, một nhà văn và một nhà triết học.
J. J. Rousseau đã mô tả thời kỳ hạnh phúc này trong tác phẩm tiểu sử tự thuật (autobiography)
danh tiếng, có tên là Các Lời Thú Tội (Confessions), viết ra vào
khoảng các năm 1765-70, xuất bản năm 1782, 1788.
Mặc dù đã từng là một người tình trẻ của bà de
Warens, J. J. Rousseau đã không duy trì tình cảm này được lâu nên bỏ đi vào năm
1740 và tới thành phố Paris vào năm 1742. Khi đến thủ đô này,
J. J. Rousseau muốn theo nghề âm nhạc và đã phát minh ra một hệ thống ký âm mới,
trình dự án lên Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp nhưng không được Hàn Lâm Viện chú ý.
Tại thủ đô Paris, J. J. Rousseau đã gặp gỡ
những nhà triết học (philosophers) và các nhà thông triết (philosophes),
các nhân vật sau này không phải là những nhà triết học khoa bảng, có thể giảng
dạy tại trường Đại Học Sorbonne, mà là các nhà trí thức, nhà tư tưởng,
nhà hoạt động chính trị tham gia vào phong trào phổ biến các tư tưởng khai sáng
(enlightenment), vào thời bấy giờ phần lớn tập trung tại nước Pháp. Các
nhà thông triết được nhiều người biết tới nhất gồm Voltaire, Diderot,
La Mettrie, Helvétius, Holbach, d’Alembert và Condorcet.
Một số lớn các nhà trí thức tại thành phố Paris đã hợp tác với nhau trong công
cuộc xây dựng nên bộ Từ Điển Bách Khoa Pháp với Diderot làm chủ
biên. Bộ từ điển lớn lao và quan trọng này đã chứa đựng những tư tưởng cấp tiến
(radical) và chống nhà thờ (anticlerical). Diderot và J. J.
Rousseau đã là hai nhân vật trung tâm của các nhà trí thức đương thời. Đặc biệt
J. J. Rousseau có các ý tưởng rất sáng tạo, khác lạ, với lối hành văn mạnh mẽ,
hùng biện, khiến cho quần chúng dễ nhận biết thứ trào lưu tư tưởng mới.
Trong thời gian cư ngụ tại Paris, J.J.
Rousseau đã được một số người giàu có trợ giúp rồi nhờ vậy, ông đã phục vụ tòa
Đại Sứ Pháp tại Venice với chức vụ thư ký từ tháng 9/1743 tới tháng 8/1744. Khi
trở về Paris vào đầu năm 1745, J. J. Rousseau đã luyến ái với cô hầu thất học,
làm việc trong khách sạn, tên là Thérèse Levasseur. Ông đã có 5 con
với cô hầu này trước khi làm lễ cưới chính thức vào năm 1768, tức là 23 năm về
sau, và các đứa con của cặp vợ chồng này bị gửi cho các nhà tế bần nuôi trẻ em
bị bỏ rơi. Cách trốn tránh trách nhiệm này đã là một lệ thường của thời đại đó.
Một khúc quanh đến với cuộc đời của J. J.
Rousseau khi ông đọc được một bản thông cáo về một kỳ thi do Hàn Lâm Viện Dijon tổ
chức. Hàn Lâm Viện này tặng một giải thưởng cho bài khảo luận hay nhất viết về
đề tài: Đâu là căn nguyên của các bất công của con người và luật thiên
nhiên có thể điều chỉnh được không. Khi suy nghĩ về đề tài này, J. J.
Rousseau đã nhìn lại các nguyên tắc khắc khổ mà chính mình đã
phải học hỏi trong thời niên thiếu tại nước cộng hòa Geneva theo chủ trương Calvinist và
ông đã viết ra một tác phẩm mang lại phần thưởng và danh tiếng, có tên là Bàn
Luận về Nguồn Gốc của sự Bất Công (Discours sur l’Origine de l’Inegalité, 1755) qua
đó ông phân biệt hai loại bất công: tự nhiên và nhân tạo. Loại bất công tự
nhiên là do bởi con người bẩm sinh đã khác biệt về sức mạnh, trí thông minh…
còn loại thứ hai do các quy ước của cộng đồng hay xã hội. J.J. Rousseau đã thiết
lập lại các giai đoạn kinh nghiệm sống ban đầu của con người trên mặt đất và
cho rằng khởi thủy, con người không phải là một con vật mang bản tính xã hội mà
hoàn toàn đơn độc (solitary) và về điểm này, J. J. Rousseau đồng ý với Thomas
Hobbes trong việc cắt nghĩa bản chất của thiên nhiên, nhưng không giống
quan điểm bi quan của nhà triết học người Anh kể trên, J. J. Rousseau cho rằng
con người sơ khai này dù có đơn độc nhưng mạnh khỏe, bản chất tốt, hạnh phúc và
được tự do, và ông cho rằng các tật xấu (vices) của con người nẩy sinh
ra kể từ khi họ lập nên các xã hội.
Khi các con người sơ khai dựng nên các chòi
lá, phương tiện này đã làm dễ dàng cách sống chung giữa các người nam và nữ, rồi
sau đó phát triển lối sống gia đình và cách liên lạc láng giềng. Thứ xã hội ban
đầu này, theo J. J. Rousseau, còn tốt đẹp và được coi là thời kỳ vàng son của
nhân loại. Nhưng đến khi sự ghen tuông xẩy ra do say mê, các nhóm người láng giềng
này bắt đầu so sánh khả năng và thành quả với các nhóm khác và như vậy, bắt đầu
sản sinh ra các bất bình đẳng (inequalities) đồng thời với các tật xấu.
Con người vào lúc này đòi hỏi tới sự nể trọng và muốn rằng chính mình tài giỏi
hơn các kẻ khác.
Cách bắt đầu duy trì tài sản là
bước thứ hai dẫn tới sự bất bình đẳng. Sự bất công đã sinh ra khi con người bắt
đầu tạo ra xã hội và cạnh tranh với nhau, và tuy biết rằng xã hội con người
không thể trở về trạng thái thiên nhiên, nên J. J. Rousseau chỉ khuyên mọi người
làm sao giảm bớt các bất công xã hội. Kể từ nguyên thủy, con người đã trải qua
các giai đoạn từ sự thật thà sơ khai tới cách tham nhũng hoàn chỉnh. Như vậy J.
J. Rousseau đã giải oan cho thiên nhiên và kết tội xã hội là căn nguyên của các
tật xấu. Xã hội có mục đích là cung cấp sự hòa bình cho mọi người, bảo vệ quyền
lợi và tài sản cho những người nào may mắn có tài sản và nếu như vậy, xã hội có
lợi cho người giàu còn kẻ nghèo hèn bao giờ cũng bị thua thiệt vì kiếm được lợi
lộc ít hơn. Xã hội đã khiến cho con người ghen ghét lẫn nhau và có người che dấu
sự căm ghét này bằng cái mặt nạ lịch sự. Giống như Plato, J. J.
Rousseau tin tưởng vào một xã hội đúng đắn (a just society) trong đó mỗi
con người được đặt vào đúng chỗ.
Vào năm 1752, một đoàn vũ kịch Ý (opera) tới
thành phố Paris để trình diễn các nhạc kịch của Pergolesi, Scarlatti,
Vinci và Leo cùng vài nhà soạn nhạc Ý khác. Sự việc
này đã đưa tới việc chia rẽ trong dân chúng người Pháp vào thời bấy giờ, thành
những người ủng hộ loại vũ kích mới của Ý và những người ưa thích nền vũ kịch cổ
điển của Pháp. Trong số các nhà thông triết (philosophes) thuộc
nhóm Bách Khoa, có J. J. Rousseau, d’Alembert, Diderot và
d’Holbach cổ động cho loại vũ kịch Ý, nhưng J. J. Rousseau là người đã
lo xếp đặt các quảng cáo âm nhạc của Pergolesi tại Paris, và ông cũng hiểu rõ đề
tài này hơn những người đương thời, bởi vì ông đã từng làm việc trong tòa Đại Sứ
Pháp tại Venice trước kia, đã từng tham dự nhiều cuộc trình diễn vũ kịch Ý. Người
đứng đầu phe ủng hộ vũ kịch Pháp là nhạc sĩ Jean Philippe Rameau.
Vào thời bấy giờ, Rameau là đối thủ hơn hẳn J.
J. Rousseau về uy tín âm nhạc. Vào tuổi 70, Rameau là một nhạc sĩ hàng đầu,
thành công do sáng tác dồi dào và cũng là tác giả của cuốn sách âm nhạc lừng
danh Khảo Sát về Hòa Âm (Traité de l’Harmomie, 1722) cũng như nhiều
tác phẩm khác. Trái lại, Rousseau trẻ hơn 30 tuổi, là một người mới bước chân
vào nền nghệ thuật âm thanh, lại không được huấn luyện âm nhạc căn bản. Hơn nữa
đề nghị cải tiến âm nhạc của Rousseau đã bị Hàn Lâm Viện Khoa Học Pháp bác bỏ
trong khi các tư tưởng mới của Roussau viết trong bộ Từ Điển Bách Khoa chưa được
phổ biến.
Cuộc tranh chấp giữa Rameau và Rousseau không
những chỉ về âm nhạc mà còn mang tính triết học, vì thế nhạc sĩ
Rameau đã phải đối đầu một đối thủ đáng sợ. Trong cuộc tranh luận, Rousseau cho
rằng nền âm nhạc của nước Ý vượt hơn nền âm nhạc của nước Pháp do tiết điệu (melody)
phải chiếm ưu tiên hơn hòa âm (harmony), trong khi đó Rameau chủ trương
ngược lại. Cách biện hộ cho tiết điệu của Rousseau đã dẫn tới một đặc tính mà
sau này được coi là một nét chính của trường phái lãng mạn, theo đó tinh thần
sáng tạo nghệ thuật phải hoàn toàn được tự do, không bị gò bó bởi
các luật lệ và truyền thống cổ điển. Cách bênh vực của Rameau hướng về nguyên tắc
của trường phái cổ điển Pháp với mục đích duy trì trật tự trong cách diễn tả,
tính thuần lý trong các luật lệ, để tránh bớt sự hỗn loạn trong các kinh nghiệm
của con người.
Như vậy qua Âm Nhạc, J. J. Rousseau đã biện hộ tính
tự do, đã dùng các nhà sáng tác âm nhạc người Ý làm các mẫu mực để noi
theo. Các vũ kịch (opera) có tên làThầy Bói Làng (Le Devin du
Village, 1752) của J. J. Rousseau trình diễn lần đầu tiên tại Fontainebleau, đã
hấp dẫn được sự tán thưởng của nhà vua và triều đình Pháp, và thành công của J.
J. Rousseau đã làm thay đổi các thái độ của dân chúng Pháp thời bấy giờ, khiến
cho người kế tiếp Rameau, trở nên nhà sáng tác vũ kịch quan trong bậc nhất tại
nước Pháp, là Christoph W. Gluck (1714-87), đã phải xác nhận
việc đi theo đường hướng của J. J. Rousseau. Về sau, W. A. Mozart (1756-
91) khi viết ra bản vũ kịch ngắn một hồi Bastien und Bastienne, đã
căn cứ vào vũ kịchThầy Bói Làng của J. J. Rousseau. Nền âm nhạc của
châu Âu từ lúc này đã đi theo một chiều hướng mới.
Mặc dù thành công và có danh tiếng do bản vũ kịch
kể trên, J. J. Rousseau đã không sáng tác âm nhạc nữa bởi vì cảm thấy cần phải
tranh đấu về mặt luân lý, ông đã dồn nỗ lực vào hai phạm vi văn chương và triết
học.
1. Tác Phẩm Nàng Eloise Mới
Vào năm 1754, J. J. Rousseau trở lại thăm viếng
Geneva và để lấy lại quyền công dân của thành phố này, ông đã trở lại đạo Tin
Lành rồi qua năm 1756, định cư tạiMontmorency là nơi ông bắt đầu viết
cuốn tiểu thuyết có tên là Julie hay La Nouvelle
Héloise (The New Eloise = Nàng Eloise Mới) xuất bản
năm 1761. Tác phẩm này được rất nhiều người chú ý và khen ngợi. Các năm cư ngụ
tại Montmorency là thời kỳ sáng tác văn học rất phong phú của J. J. Rousseau.
Trong vòng 12 tháng, Rousseau lại viết xong cuốn Khế Ước Xã Hội (The
Social Contract, 1762), một tác phẩm danh tiếng nhưng đã gây nên rất nhiều
kẻ thù, nhất là từ hai giới quan tòa và giáo sĩ. Các tư tưởng chống đối các thế
lực đương thời đã khiến cho J. J. Rousseau phải bỏ trốn, nhưng nhờ sự giúp đỡ
và can thiệp của một số bậc nữ lưu giàu có và quyền thế, J. J. Rousseau đã
không bị cầm tù như Voltaire và Diderot.
Khác hẳn chủ đích của cuốn Khế Ước Xã
Hội, luận đề của cuốn tiểu thuyết Nàng Eloise Mới liên
quan tới thứ hạnh phúc gia đình tương phản với cuộc sống xã hội.
Nhân vật chính trong tác phẩm là Saint-Preux, một gia sư thuộc giai cấp trung
lưu, đã yêu thương cô học trò Julie thuộc giai cấp thượng lưu. Cô thiếu nữ này
cũng yêu lại người tình nhưng sự khác biệt về giai cấp đã cản trở cuộc hôn
nhân. Cha của nàng Julie là bá tước d’Etange đã hứa gả nàng cho một nhà quý
phái tên là Wolmar. Là người con hiếu thảo, nàng Julie đã kết hôn với Wolmar
còn chàng Saint-Preux đành đi du lịch vòng quanh thế giới với Bomston, một nhà
quý tộc người Anh. Nàng Julie đã quên bớt mối tình đầu, trở nên người vợ, người
mẹ và bà chủ của một tòa lâu đài nhưng 6 năm sau, Saint-Preux trở về sau chuyến
đi xa, đã thành gia sư cho những người con thuộc gia đình Wolmar này. Tất cả mọi
người đều vui sống trong hòa hợp nhưng vào cuối câu chuyện, sau khi cứu một đứa
con khỏi bị chết đuối, Julie mới thấy rằng mối tình đầu của mình không thể tàn
phai được.
Một trong các chủ đích trong tác phẩm của J.
J. Rousseau là muốn diễn tả rằng trong khi người đàn ông ngự trị thế giới của đời
sống công cộng, thì người đàn bà điều khiển cuộc sống riêng tư. Các nhân vật
trong gia đình Wolmar được mô tả là sinh sống trong khung cảnh hạnh phúc đúng
theo lý tưởng quý phái, họ biết vui hưởng đời sống đồng quê, các cảnh đẹp của xứ
Thụy Sĩ và của miền Núi Alps, nhưng mặc dù vẫn ủng hộ thứ trật tự của
xã hội đương thời, tác phẩm Nàng Eloise Mới của J. J. Rousseau
đã diễn tả các cảm xúc tự do, các tế nhị cao độ, các
tình cảm sâu kín, tất cả các yếu tố này đã ảnh hưởng sâu rộng tới
độc giả và tới cách khai triển văn chương.
2. Tác Phẩm Khế Ước Xã Hội
Tiếp theo cuốn Luận Bản về Nguồn Gốc của
sự Bất Công trong đó cắt nghĩa con người đã bị mất tự do như thế nào,
J. J. Rousseau viết thêm tác phẩm Du Contrat Social [Khế Ước
Xã Hội] để đề nghị cách thức làm sao thu hồi được sự tự do trong tương
lai. Tác giả đã mô tả một nơi chốn kiểu mẫu, đó là thành phố Geneva mà Calvin
đã phác họa ra. Tác phẩm Khế Ước Xã Hội bắt đầu bằng
câu:Con người được sinh ra với bản chất tự do nhưng ở mọi nơi, con người đã
bị xiềng xích. Như vậy nếu một xã hội dân sự hay một quốc gia biết dùng tới
thứ khế ước đích thực, trái nghịch với khế ước xã hội giả tạo đã được mô tả,
thì mọi người sẽ hưởng thụ được thứ tự do chính trị thực sự. Định nghĩa về tự
do chính trị của J. J. Rousseau đã gây ra nhiều vấn đề. Một cá nhân được tự do
khi chỉ tuân theo đúng các luật lệ mà cá nhân này đặt ra cho chính mình và như
vậy, cá nhân có ý muốn đơn (a single will). Trái lại,
xã hội là một tập thể gồm nhiều người với nhiều ý muốn riêng lẻ, tương phản
nhau và như thế, cần tới một ý muốn chung (a general will) và nước
cộng hòa là sản phẩm của ý muốn chung này trong đó các cá nhân phải tôn trọng
thứ khế ước mà đôi khi tương phản với các quyền lợi cá nhân.
Về luận điểm kể trên, J. J. Rousseau gần giống
với Thomas Hobbes theo đó được coi là hợp lý khi con người tham gia vào xã hội,
đã từ bỏ mọi quyền lợi tự nhiên (natural rights) để lấy các quyền lợi
dân sự (civil rights) và sự chấp nhận sức mạnh của cộng đồng. Nhưng đứng
trước cộng đồng, J. J. Rousseau đã không cho rằng phải dùng sức mạnh bắt con
người phải tuân theo ý muốn chung của xã hội, tức là đã không biện hộ cho chế
độ toàn trị (totalitarianism) mà con người sẽ xử dụng sau này trong thế kỷ
20.
J. J. Rousseau đã đề cập tới hai thứ luật: luật
thực (true law) và luật hiện thời (actual law). Qua tác phẩm trước,
tác giả cho rằng thứ luật hiện thời chỉ bảo vệ hiện trạng (the status quo).
Cuốn Khế Ước Xã Hội đã đề cập tới thứ luật thực khi mọi người,
do cách quản trị tập thể, làm ra thứ luật cho chính mình, vì vậy thứ luật này
không thể bất công. Tuy nhiên J. J. Rousseau đã gặp phải một sự kiện là đa số
con người trong xã hội không hẳn là những công dân thông minh, vì vậy màý muốn
chung đôi khi cũng gặp phải các nhầm lẫn và để tránh khuyết điểm, ông
khuyên xã hội nên dùng tư tưởng của những nhà làm luật sáng suốt như Solon,
như Lycurgus hay Calvin, để xây dựng nên một
hệ thống luật pháp và các nhà làm luật này có thể dùng tới thứ mặc khải thần
quyền để khiến cho đa số dân chúng với đầu óc tầm thường, chấp nhận và tuân
theo các luật lệ. Tuy nhiên, J. J. Rousseau cũng cho rằng việc làm ra luật pháp
không nên giao phó cho một người hay một nhóm nhỏ.
Lời đề nghị của Rousseau đối với cách tổ chức
xã hội đã phản ảnh một phần tư tưởng của Niccolo Machiavelli, một
nhà lý thuyết chính trị mà ông rất ngưỡng mộ và rất cùng quan điểm về một chính
quyền cộng hòa. Cũng do bởi ảnh hưởng này, J. J. Rousseau đã viết trong chương
liên quan đến ngành tôn giáo dân sự (civil religion) rằng mặc dù sự thật
hay chân lý mà Thiên Chúa giáo đã mang lại, nhưng nếu tôn giáo này được dùng
làm tôn giáo của nước cộng hòa thì nó sẽ trở nên vô dụng bởi vì đạo Thiên Chúa
hướng dẫn con người về một thế giới vô hình, không hề dạy bảo cho người công dân
các đức tính cần thiết để phục vụ xã hội, chẳng hạn như lòng can đảm, lòng ái
quốc, tính dũng cảm, và tác giả đã đề nghị rằng ngành tôn giáo dân sự phải chứa
đựng rất ít giáo lý và không được ngăn cản, như Thiên Chúa giáo đã cản trở, việc
trau dồi các đức tính quân sự (martial virtues). Chương viết về tôn giáo
này đã bị phản đối dữ dội do các người có quyền hành tại thành phố Geneva bởi
vì họ cho rằng nhà thờ quốc gia trong đất nước nhỏ bé của họ là một ngôi nhà thờ
chân chính và cũng là một cái nôi của lòng ái quốc.
Tác phẩm Khế Ước Xã Hội của
J. J. Rousseau đã là một cột mốc trong lịch sử của bộ môn chính trị học (political
science) bởi vì tác giả đã cho thấy các quan điểm của ông đối với chính quyền
và các quyền lợi của các công dân.
1762 là năm tác phẩm Khế Ước Xã
Hội được xuất bản và cũng là năm J. J. Rousseau từ bỏ ý muốn định cư tại
Geneva. Ông trở về Paris, làm bạn với các nhà trí thức thuộc nhóm Từ Điển Bách
Khoa nhưng chẳng bao lâu ông cãi nhau với họ, bất hòa với đại nhạc sĩ Rameau
trong một vụ tranh luận khi xây cất một rạp hát, bởi vì ông cho rằng rạp hát chỉ
là một cơ sở làm hại thứ xã hội trong lành. Khi xuất hiện tác phẩm Bức
Thư gửi ông d’Alembert về vấn đề Rạp Hát (Letter to Monsieur d’Alembert on the
Theatre, 1758), J. J. Rousseau đã rời thành phố Paris để theo đuổi một lối
sống gần với thiên nhiên hơn, ông dọn về một nông trại gầnMontmorency của
bà bạn d’Epinay. Tuy nhiên lòng hiếu khách của bà d’Epinay đã mang
tới thứ xã hội phiền nhiễu, giống như của thành phố Paris, nên J.
J. Rousseau lại lui về ở ẩn trong một căn nhà lá nhỏ gần đó, gọi tên là Montlouis,
dưới sự che chở của Thống Chế Luxembourg. Chính tại nơi vắng vẻ,
yên tĩnh này, J. J. Rousseau đã soạn xong tác phẩm Emile, một khảo
sát về nền giáo dục.
3. Tác Phẩm Emile
Trong khi cuốn Khế Ước Xã Hội bị
coi là bêu xấu các người theo đạo Calvinist tại Geneva, thì khi tác phẩm Emile xuất
hiện vào năm 1762, các tín đồ thuần thànhJansenists của quốc hội
Pháp đã nổi giận. Tại Paris cũng như tại Geneva, nhà cầm quyền đã hạ lệnh đốt bỏ
các sách của J. J. Rousseau và tống giam tác giả. Thống Chế Luxembourg chỉ còn
một cách giúp đỡ nhà văn kiêm nhà thông triết này bằng một chuyến xe ngựa, đưa
đi trốn sang nước Anh. J. J. Rousseau đã trải qua các năm cuối đời sống lẩn
tránh từ nơi này qua nơi khác.
Nếu tác phẩm Khế Ước Xã Hội đề
cập tới các vấn đề làm sao thực hiện được sự tự do (freedom) thì cuốn tiểu
thuyết Emile lại quan tâm tới hạnh phúc và sự khôn ngoan.
Trong trường hợp này, tôn giáo lại đóng một vai trò khác. Tác giả Rousseau đã
phác họa ra một thứ tôn giáo cá nhân (a personal religion),
một loại tôn giáo được đơn giản hóa, không dính dáng gì đến tính mặc khải (revelation),
tới các giáo điều quen thuộc của nhà thờ. Về giáo dục, tác giả Rousseau xác nhận
rằng trẻ em cần được dạy bảo bằng sự hiểu biết và lòng kiên nhẫn để trở thành
các cá nhân không bị mê tín và bị thành kiến. Ông khuyên các thầy giáo nên hấp
dẫn sự quan tâm của học sinh, tránh bớt các bài giảng buồn tẻ và thứ kỷ luật
nghiêm khắc, và tác giả vẫn cho rằng cần phải kiểm soát các tư tưởng và hành vi
của các trẻ em. Qua tác phẩm, J. J. Rousseau đề cập tới nền giáo dục cần thiết
cho công dân của một nước cộng hòa và ông đã hiểu rõ nguyên tắc căn bản của
ngành Tâm Lý học mới theo đó một đứa trẻ không phải là một người trưởng thành
thu nhỏ, và tuổi thơ là thời gian sửa soạn cho tuổi thành nhân với các đặc tính
phát triển tại mỗi lứa tuổi.
J. J. Rousseau tin tưởng rằng con người không
phải là một con vật xã hội. Mọi người nếu sống trong hoàn cảnh thiên nhiên, xa
cách và không có ngôn ngữ, sẽ tử tế với nhau và không có khuynh hướng làm hại lẫn
nhau. Tuy nhiên, nếu sống chung vào một cộng đồng, một xã hội, con người sẽ trở
thành xấu. Xã hội đã làm xấu con người, khiến cho con người trở nên ích kỷ và
hay gây hấn.
J. J. Rousseau không nghi ngờ sự hiện hữu của
Thượng Đế (God), tin tưởng sự bất tử của linh hồn nhưng ông
cho rằng Thượng Đế hiện hữu rõ nhất nơi thiên nhiên, đặc biệt nơi các rặng núi
và các cánh rừng không bị con người xâm phạm. Ông cũng coi lương tâm là tiếng
nói linh thiêng của linh hồn trong con người và ông đã phản đối nền đạo
đức thuần lý (rationalistic ethics) và cuốn Thánh Kinh lạnh lùng của nhà
thẩm quyền tôn giáo. Vào thời kỳ đó, các giáo sĩ không ưa J. J. Rousseau vì bị
chỉ trích, đồng thời các nhà thông triết (philosophes) vô thần của thành
phố Paris cũng không thích các tư tưởng mới của ông. J. J. Rousseau càng ngày
càng cô đơn, bị dày vò và phải lẩn trốn. Qua tác phẩm mỏng Các Bức Thư
viết từ Miền Núi(Letters written from the Mountain, 1764), tác giả
Rousseau đã buộc tội chế độ cầm quyền của thành phố Geneva, không coi nơi đây
là một quốc gia cộng hòa kiểu mẫu nữa, mà là nơi cai trị bởi 25 bạo
chúa (twenty-five despots).
J. J. Rousseau đã trốn sang nước Anh. Tại nơi
này nhà triết học gốc Tô Cách Lan làDavid Hume đã giúp đỡ ông và xin cho
ông một món tiền trợ cấp của Vua George III. Nhưng khi đã sống trên
nước Anh rồi, J. J. Rousseau thấy rằng mình bị các nhà trí thức Anh chế riễu và
ông đã nghi ngờ cả David Hume. Ông đã mắc phải một số triệu chứng của bệnh
hoang tưởng (paranoia), nên ông đã âm thầm trở về nước Pháp, tại nơi đây
khi đã 56 tuổi và thấy rằng mình chỉ có nàng Thérèse là người có thể nhờ cậy,
ông đã thành hôn với cô người hầu này vào năm 1768.
J. J. Rousseau là một nhà tư tưởng chủ trương
một xã hội nông nghiệp đơn giản trong đó các tham vọng nên bị giới hạn, các động
lực tình dục và ích kỷ cần phải được kiểm soát và các năng lực phải hướng về đời
sống cộng đồng. Ông cũng phác họa ra các định chế cần thiết để thiết lập một nền
dân chủ nhờ vậy mọi công dân đều tham dự vào chính quyền. Nhưng cũng theo
Rousseau, mọi chính quyền đều dần dần xấu đi và sự suy thoái này cần phải được
kiểm soát bằng các tiêu chuẩn luân lý và bằng cách loại bỏ các nhóm có quyền lợi
riêng. Chính các ý tưởng về quốc gia của J. J. Rousseau đã ảnh hưởng tới Robespierre và
các nhà lãnh đạo của cuộc Cách Mạng Pháp 1789, tới các nhà xã hội và một số
nhân vật cách mạng Cộng Sản như Karl Marx và V.I.
Lenin.
Qua các tác phẩm và đời sống cá nhân, J. J.
Rousseau đã chủ trương và đi trước tinh thần của trường phái Lãng Mạn (Romanticism)
do ông đề cao cảm xúc hơn lý trí, tính tự do, tức thời hơn kỷ
luật, và ông đã dẫn đưa quan niệm tình yêu thực sự và say đắm vào trong loại tiểu
thuyết Pháp, đã mô tả và ca ngợi bản chất thiên nhiên.
Từ cuối thế kỷ 17, thần quyền của các nhà vua
tại châu Âu đã bị một số nhà tư tưởng phê phán và bác bỏ, trong số các nhà trí
thức này có ba nhân vật chính, đó là John Lock với tác phẩm Hai
Khảo Sát về Chính Quyền (Two Treaties of Government, 1690), Bá Tước de
Montesquieu với tác phẩm Tinh Thần Luật Pháp (The Spirit of
Laws, 1748) và J. J. Rousseau với cuốn Khế
Ước Xã Hội (The Social Contract, 1762).
Jean Jacques Rousseau đã phổ biến các tư tưởng hoàn toàn cách
mạng, trực tiếp thách đố các quyền lực của nhà vua, của nhà thờ Cơ Đốc và Tin
Lành, và của tầng lớp quý tộc. Trong giai đoạn đầu của cuộc Cách Mạng Pháp
1789, tư tưởng của J. J. Rousseau đã được đề cao để bảo vệ lý tưởng Dân
Chủ nhưng rồi về sau, các nhà cách mạng Jacobin đã
dùng phương tiện khủng bố khiến cho hai chữ Tự Do bị
lạm dụng và tinh thần tôn trọng Thiên Nhiên bị
quên lãng.
Nguồn:http://www.vietthuc.org/j-j-rousseau-1712-1778-v%E1%BB%9Bi-cac-t%C6%B0-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-c%E1%BA%A5p-ti%E1%BA%BFn/