Thưa tiến sĩ Adler,
Tôi nghe nói tới thuật ngữ chủ nghĩa xã
hội tiệm tiến hơi nhiều trong vài năm qua. Trong chừng mực tôi có thể hiểu, đó
là một chiêu bài dễ gây bất đồng ở một số người chống đối lại những cải cách
kinh tế và xã hội được tiến hành ở Mỹ từ 1933. Tôi cho rằng ý tiệm tiến là nói
tới sự phát triển dần dần của những cải cách này. Nhưng còn chữ chủ nghĩa xã
hội thì muốn nói tới điều gì? Tôi không nhìn ra cái gì có tính xã hội chủ nghĩa
trong những chuyện như bảo hiểm xã hội và qui định về công nghiệp và lao động.
Tất cả những điều này không phải là những cải tiến trong khuôn khổ chủ nghĩa Tư
bản sao? Thuật ngữ chủ nghĩa xã hội tiệm tiến có ý nghĩa thuần lý gì, nếu nó
có?
P.G.
P.G.
thân mến,
Trong
thế kỷ này, và đặc biệt 30 năm qua, các nền dân chủ phương Tây đã thông qua một
chương trình thể chế hóa kinh tế và xã hội đầy tham vọng. Ngày nay chúng ta đã
coi là những chuyện đương nhiên như bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp tuổi già,
luật về lương tối thiểu, và các loại cơ quan nhà nước điều tiết hoạt động kinh
tế. Những biện pháp mới ấy đã có tác dụng chuyển hóa đối với nền kinh tế một
tác dụng vừa được chào đón vừa bị chống đối.
Nhiều
người ủng hộ những biện pháp mới này cho rằng chúng đã cải cách và thậm chí cứu
vãn chế độ tư bản chủ nghĩa. Những chính sách mới, họ bảo, đã xóa bỏ những bất
công và phi nhân từng tràn ngập trong chủ nghĩa Tư bản thế kỷ 19. Những biện
pháp an sinh xã hội cũng khiến chủ nghĩa Tư bản hữu hiệu hơn bằng cách bảo đảm sức
mua đủ mạnh để mua các sản phẩm của nền sản xuất, và gia tăng kiểm soát kinh tế
để ngăn chặn những cuộc suy thoái tai hại. Những người chống đối cho rằng những
chính sách mới này đang dẫn chúng ta vào con đường đi đến chủ nghĩa Xã hội bằng
những bước chậm rãi và hầu như không ai nhận ra từ đó mới có tên gọi chủ nghĩa
xã hội tiệm tiến. Điều chúng ta có hiện nay, họ nói, là một nền kinh tế hỗn hợp
đa thành phần - có phần tư bản chủ nghĩa và có phần xã hội chủ nghĩa. Họ e rằng
kết quả sau cùng của cái này sẽ là một nền kinh tế hoàn toàn xã hội chủ nghĩa,
trong đó nhà nước sở hữu và điều hành mọi tư liệu sản xuất. Những người xã hội
chủ nghĩa dân chủ ôn hòa từ lâu đã chủ trương một chương trình tiệm tiến về an
sinh kinh tế như vậy và những cách kiểm soát như một con đường để đi tới chủ
nghĩa Xã hội mà không cần đến cách mạng bạo lực. Ở Anh, đây là chính sách của
đảng Xã hội chủ nghĩa Fabian và đảng Lao động. Tại Mỹ, chương trình New Deal
của Franklin D. Roosevelt đã thể chế hóa một loạt những biện pháp an sinh, mà
theo lãnh tụ xã hội dân chủ Norman Thomas, đã từng được đề xuất trong Cương
lĩnh của Đảng Xã hội năm 1932.
Cho
đến gần đây, những người chủ trương phương cách tiệm tiến đã nghĩ về chủ nghĩa
Xã hội Tiệm tiến là tiệm tiến suốt con đường đi tới nền kinh tế hoàn toàn xã
hội chủ nghĩa, trong đó có cả việc tiêu hủy sở hữu cá thể các phương tiện sản
xuất. Thực tế, họ chấp nhận nền kinh tế hỗn hợp mà hiện đang hoạt động hữu hiệu
ở phương Tây như là một tiệm cận hữu hiệu đối với các lý tưởng xã hội và vẫn cố
gắng cải cách kinh tế mạnh hơn nữa để tiến gần hơn đến nhà nước phúc lợi mà họ
mơ ước. Ngược lại, nhiều phát ngôn nhân của chủ nghĩa Tư bản cũng đã chấp nhận
một nhà nước phúc lợi. Chính phủ Bảo thủ Anh đã tán đồng và mở rộng những biện
pháp an sinh xuất phát từ các chính phủ Lao động và Tự do. Tại Mỹ, chính phủ
của đảng Cộng hòa đã đồng ý và tiến hành nhiều biện pháp được đề xuất bởi chính
phủ Dân chủ trong những năm từ 1932 đến 1952. Như thế, lịch sử có vẻ đã tạo ra
những bạn đồng hành kỳ lạ ngoài ý muốn, trong đó những người xã hội chủ nghĩa
dường như chấp nhận sở hữu cá thể về tư bản cùng với lợi nhuận từ tư bản đó, và
người tư bản chủ nghĩa chấp nhận các biện pháp an sinh vốn tạo thành những mũi
tiến công vào lợi nhuận của họ.
Sau
cùng, chúng ta đối mặt với hai câu hỏi then chốt:
(1)
Liệu có thể ngăn không cho chủ nghĩa Xã hội tiệm tiến của 30 năm qua tiến dần
theo con đường đến chủ nghĩa Xã hội hoàn toàn hay không? Một số người ủng hộ
nền kinh tế hỗn hợp nghĩ rằng có thể làm được chuyện đó, nhưng cũng có những
người rất e ngại chuyện nền kinh tế hỗn hợp tất yếu sẽ thành chủ nghĩa Cộng
sản.
(2)
Một chế độ Tư bản chủ nghĩa đích thực có thể thay thế nền kinh tế hỗn hợp bằng
các xu hướng Xã hội chủ nghĩa hay không?
Tôi
nghĩ rằng có thể thực hiện điều này nếu chúng ta phục hồi quyền sở hữu và lan
tỏa sự sở hữu cá thể về tư bản càng rộng rãi càng tốt. Chúng ta có thể đạt tới
công bằng và an sinh kinh tế cho tất cả mọi người, nếu mọi công dân sở hữu đủ
tư bản để có được độc lập và quyền lực kinh tế.
Nguồn: sách Các tư
tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại