Phía
Trước: Tiến sĩ Nguyễn Quang A, đại diện của Diễn đàn Xã hội Dân sự, là một
trong những trí thức đi đầu cho phong trào dân chủ trong nước hiện nay. Ông
không phải chỉ là một trí thức bàn giấy, ông là một trí thức dấn thân. Phía Trước
đã có buổi phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A về chủ đề: “Vai trò của trí thức –
văn nghệ sĩ với xã hội”
Phía
Trước: Trong những năm gần đây, tiếng nói của các
trí thức trong tiến trình đổi mới đất nước trở nên rất mạnh mẽ. Bản thân ông
cũng là một trí thức cấp tiến trong công cuộc ấy, mong ông có thể giúp cho các
độc giả của Phía Trước biết được những gì các trí thức cấp tiến đã làm trong thời
gian vừa qua để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở Việt Nam?
T.S
Nguyễn Quang A: Giới trí thức Việt Nam đã có một số
đóng góp tích cực vào việc phản biện chính sách và các dự án lớn mà điển hình
là dự án Bauxite Tây Nguyên (BTN) và dự án đường sắt cao tốc (ĐSCT).
BTN
là một dự án lớn (thực ra là để cho Trung Quốc vào đầu tư). Một tổ chức NGO đã
dàn xếp cho nhà văn Nguyên Ngọc và cựu đại sứ Nguyễn Trung đi thực địa tìm hiểu
(2 lần, mỗi lần vài tuần lễ) trên cơ sở những nghiên cứu của các nhà khoa học độc
lập, gồm các anh Nguyên Ngọc và Nguyễn Trung, đã thúc đẩy nhiều cuộc tiếp xúc với
các chính quyền địa phương, vạch rõ cho họ những nguy hại của dự án, đã cùng
các nhà khoa học tổ chức nhiều hội thảo phản biện và có một báo cáo dài gửi cho
các cơ quan hữu trách. Tuy nhiên, có vẻ như dự án vẫn tiếp tục, cho nên các trí
thức đã vận động báo chí vào cuộc và tiếng nói phản đối ngày càng lên cao. Nhiều
kiến nghị của tri thức đã được công bố và gửi cho các cơ quan hữu trách. Từ đó
trang Bauxite Việt Nam ra đời và đến nay vẫn hoạt động tích cực
Dưới
sức ép của tri thức, của dư luận, Nhà nước đã phải hạn chế dự án (lẽ ra là cả
chục nhà máy với sự đầu tư của Trung Quốc trên quy mô rất lớn) ở mức thí điểm ở
2 nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ (và nhà đầu tư là TKV). Có thể thấy sự phản đối
này đã có kết quả không nhỏ, tuy không dừng được toàn bộ. Tất cả các ý kiến phản
biện đến nay đều tỏ ra đúng và là một khích lệ lớn cho việc lên tiếng của giới
trí thức.
ĐSCT
là một dự án khổng lồ với tổng vốn đầu tư dự tính khoảng 60 tỷ USD. Giới trí thức
cũng đã lên tiếng mạnh mẽ phản bác bằng ý kiến, hội thảo, kiến nghị và huy động
báo giới vào cuộc. Tuy người ta nói đến công nghệ TGV của Pháp và Shinkansen Nhật
Bản nhưng họ đã đưa nhiều đại biểu quốc hội và lãnh đạo địa phương đi thăm tàu
cao tốc Trung Quốc. Và rất có thể nếu dự án được thông qua thì sẽ là tàu và bằng
tiền vay Trung Quốc.
Sự
lên tiếng đã mạnh mẽ đến mức Quốc hội đã quyết định không thông qua dự án.
Còn
có thể nhắc đến nhiều dự án mà tiếng nói của giới trí thức đã mang lại kết
quả (như dừng dự án thủy điện xâm hại đến rừng quốc gia Cát Tiên, vân vân).
Giới
trí thức cũng có vai trò tích cực đến quá trình dân chủ hóa mà điển hình là Kiến
nghị 72 về sửa đổi hiến pháp đã dấy lên một phong trào tìm hiểu, học tập về hiến
pháp chưa từng có trong lịch sử Việt Nam (và đấy mới là mục đích chính của KN72
chứ không phải là để thay câu đổi chữ trong hiến pháp; tất nhiên nếu có sự thay
đổi thì càng tốt, nhưng đó không phải là 3 hay 4 mục tiêu đầu tiên của KN72).
Trước
KN72 giới trí thức đã đưa ra nhiều kiến nghị khác về nhân quyền nhưng nổi bật
hơn trong số đó là kiến nghị thực thi quyền dân sự và chính trị vào tháng
9-2013 đi kèm với sự ra đời của Diễn đàn Xã hội Dân sự (CSF).
Mục
tiêu của CSF là thúc đẩy sự phát triển của XHDS ở Việt Nam; góp phần vào sự
chuyển đổi ôn hòa từ chế độ độc tài toàn trị hiện nay sang chế độ dân chủ (với
hệ thống đa đảng, bầu cử tự do và nền pháp trị thực sự), bằng phương pháp bất bạo
động; hoạt động theo phương châm của 4 khẩu hiệu với 16 chữ vàng thật:
1)
Thực thi dân quyền
2)
Nâng cao dân trí
3)
Chấn hưng dân khí
4)
Cải thiện dân sinh
Đây
là những khẩu hiệu dựa hoàn toàn (3 khẩu hiệu sau) vào tư tưởng của cụ
Phan Châu Trinh cách đây 1 thế kỷ (có cải biến cho phù hợp với hiện nay). CSF
tôn xưng cụ Phan Châu Trinh là cha đẻ tư tưởng của mình và bổ sung thêm ý tưởng
hiện đại về nhân quyền. Người dân có các quyền tự nhiên, bẩm sinh của mình mà
đã được Tuyên Ngôn Nhân quyền long trọng ghi nhận, thậm chí cũng được Hiến pháp
hiện hành ghi nhận. Biết được quyền của mình người dân cứ thế thực hiện, cứ như
chúng ta ở trong một nước thực sự tự do dân chủ, và không cầu xin bất cứ ai (kể
cả Nhà nước) ban cho, không cần bất cứ sự cho phép của bất cứ ai. Việc hạn chế
một quyền nào đó chỉ để nhằm bảo vệ quyền của những người khác, và phải được
quy định tường minh trong luật (chứ không phải quy định pháp luật). Nhà nước phải
có NGHĨA VỤ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân thực thi quyền của mình.
Hiểu như vậy dẫu chưa có luật người dân vẫn cứ thực thi các quyền của mình (từ
quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, lập đảng, biểu tình, vân vân) mà không
đợi sự cho phép của bất kể ai (nhà nước có thể yêu cầu đăng ký nhưng nếu thủ tục
đăng ký ngăn cản việc thực thi các quyền đó thì LÀ LỖI CỦA NHÀ NƯỚC, chứ không
phải lỗi của người dân.
Thực
hiện 4 khẩu hiệu trên, nhất là khẩu hiệu thứ nhất vận động mọi người dân tìm hiểu
để biết quyền của mình và thực thi các quyền đó ngay lập tức, cũng góp phần
nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, là công việc lâu dài, bền bỉ. Và theo tôi
số phận của chúng ta do chính chúng ta quyết định, việc thực hiện 4 khẩu hiệu
trên là hết sức thiết thực cho cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta cũng như vận
mệnh của cả dân tộc.
Phía
Trước: Nhiều người cho rằng trí thức không nên
dính dáng đến chính trị, ông nghĩ sao về quan điểm này?
T.S
Nguyễn Quang A: Nếu hiểu chính trị theo nghĩa rộng
là mọi hoạt động liên quan đến các quyết định tập thể, thì không ai không thể
dính đến chính trị, và dính đến chính trị là rất tốt, là nghĩa vụ và trách nhiệm
của mỗi người dân. Và tôi rất tích cực tham gia chính trị theo nghĩa rộng đó.
Còn
hiểu theo nghĩa hẹp về chính trị: tham gia đảng phái chính trị với mục đích nắm
quyền lực thì lại khác. Tôi cũng không muốn dính đến cái chính trị theo nghĩa hẹp
này. Quyền lựa chọn là của mỗi người và chúng ta nên tôn trọng lựa chọn của họ.
Và việc tham gia vào chính trị theo nghĩa hẹp này cũng rất cần thiết cho xã hội,
thiếu nó xã hội không thể phát triển.
Vấn
đề ở đây là hiểu thế nào là chính trị mà thôi. Tôi ủng hộ và tôn trọng sự tham
gia, sự dính líu đến chính trị của tất cả mọi người dù hiểu theo nghĩa rộng hay
nghĩa hẹp.
Phía
Trước: Tôi thấy rằng trí thức luôn ở vị thế rất
khó có được sự ủng hộ của số đông, sở dĩ bởi bản tính ôn hòa và thích những
hành động ôn hòa. Điều này khiến cho nhiều bên đánh giá là kém dấn thân. Xin
ông cho biết ý kiến của ông?
T.S
Nguyễn Quang A: Hoàn
toàn ngược lại. Nếu trung thực, thẳng thắn, chân thành và biết cách, trí thức
hoàn toàn có thể có sự ủng hộ của số đông. Chính bản tính ôn hòa và
thích hành động ôn hòa là thế mạnh vô song của trí thức. Sự dấn thân đích thực
hoàn toàn chẳng liên quan gì đến đặc tính đó cả.
Phía
Trước: Trong rất nhiều bài viết và nhiều lần nói
chuyện, ông đều nhắc đến những thay đổi rất nhỏ, nhưng lại mang ý nghĩa lớn
lao. Đó có phải là hiệu ứng Domino? Và liệu đó có phải là những hoạt động mà
ông và đồng sự đang thực hiện?
T.S
Nguyễn Quang A: Không phải tất cả những thay đổi rất
nhỏ đều có ý nghĩa lớn, nhưng tôi ủng hộ tất cả những thay đổi nhỏ nhất theo hướng
cải thiện cuộc sống của người dân, nếu theo hướng cải thiện thì những thay đổi
nhỏ dễ thực hiện hơn, khả thi hơn, sát sườn hơn, thực tế hơn và người dân cảm
thấy luôn và như thế nó khuyến khích những việc như vậy. Nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo
ra thay đổi lớn.
Tất
nhiên phải tận dụng mọi cơ hội để có những thay đổi lớn theo hướng cải thiện và
ngăn những thay đổi lớn theo hướng ngược lại.
Xã
hội là một hệ thống rất phức tạp và những thay đổi (nhất là thay đổi chính trị)
luôn rất khó lường. Chúng ta có thể dự đoán xu hướng dài hạn khá dễ, song trong
ngắn hạn, hầu hết những dự đoán đều rất khó. Và những biến đổi có ý nghĩa to lớn
không thể xảy ra nếu không có vô vàn những thay đổi nhỏ xảy ra trước đó, rồi đột
ngột nó “lật” trạng thái (mà người ta hay gọi là “cách mạng” nhưng tôi
ghét từ này). Người ta đã nghiên cứu rất nhiều và khá kỹ hiện tượng “lật” trạng
thái như vậy trong các hệ thống phức tạp dưới các thuật ngữ như tipping
phenomenon (hiện tượng lật).
Hiểu
là hiệu ứng domino như bạn nói cũng có phần đúng, song tôi không thích dùng từ
đó, tôi ưa tipping hơn, giống như cái cân nhạy ở trạng thái
cân bằng chỉ cần cho thêm một chút vào một bên là nó lật nghiêng sang bên đó.
Hiện
tượng tipping rất quan trọng trong bất kỳ hệ thống phức tạp
nào và vô cùng quan trọng trong những thay đổi xã hội và chính trị. Cho nên tôi
khuyên các bạn hãy tìm hiểu kỹ nó. Hãy kiên trì làm những việc nho nhỏ và nó có
thể mang lại những ý nghĩa hết sức lớn (vì không có chúng thì không thể có sự
thay đổi lớn có ý nghĩa và thiếu chúng thì sự thay đổi lớn chưa chắc đã bền vững).
Phía
Trước: Những cản trở từ chính quyền Việt Nam hiện
nay cho thấy rằng họ không những không chấp nhận những cuộc chuyển đổi lớn, mà
ngay cả những chuyển dịch từ từ như các hoạt động xã hội dân sự cũng bị đặt vào
nguy cơ cần phải đối phó. Theo ông nguyên nhân do đâu? Có phải chỉ vì họ không
muốn thay đổi? Hay còn vì một mâu thuẫn bấy lâu nay giữa chính quyền và giới
trí thức?
T.S
Nguyễn Quang A: Thực ra ở Việt Nam trong một phần tư
thế kỷ qua đã có những thay đổi rất lớn. Chính quyền nào cũng muốn giữ quyền
cai trị của mình, họ chỉ buộc phải từ bỏ khi bị sức ép (do luật định trong các
nước dân chủ khi thua trong bầu cử, do cạnh tranh, do sức ép của nhân dân và quốc
tế). Tôi không thấy vấn đề và giải pháp ở phía chính quyền, hoàn toàn ngược lại
nó ở phía chúng ta: nhân dân.
Chúng
ta chịu để cho chính quyền làm vậy thì chính quyền tất nhiên sẽ làm vậy vì lợi
ích của họ xui khiến họ làm vậy. Nếu chúng ta sợ hãi, thụ động và để mặc chính
quyền làm trái pháp luật vi hiến thì chúng ta đành phải cam chịu với số phận nô
lệ thôi. Hãy đừng đợi có một ông vưa hiền hay một ông đảng chân chính nào đó
ban cho chúng ta tự do. Tự do, dân chủ phải giành lấy, nó không phải là của bố
thí!
Hãy
lên tiếng, hãy gây sức ép lên chính quyền 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần,
chính quyền nào cũng sẽ thay đổi, không sớm thì muộn. Chính vì thế hãy tích cực
thực hiện khẩu hiệu số 1 của chúng tôi: đừng sợ và hãy thực thi quyền của mình (dù
đó là quyền kinh tế, sức khỏe, văn hóa hay chính trị). Tương lai của chúng ta
là hoàn toàn do chúng ta chứ không phải ở chính quyền.
Phía
Trước: Vị thế của giới trí thức bấy lâu nay luôn bị
đánh giá thấp, đặc biệt là sau sự kiện Nhân văn giai phẩm. Theo ông, liệu giới
trí thức có thể lấy lại vị thế quan trọng của mình hay không? Các điều kiện nào
cần thiết để người trí thức của thể phát huy được hết khả năng cho vai trò của
mình?
T.S
Nguyễn Quang A: Tôi không tin vậy. Trí thức luôn là tầng
lớp đi đầu. Chỉ có những kẻ điên mới đánh giá thấp trí thức. Điều kiện nào ư?
Hãy tạo ra các điều kiện ấy, còn nếu chờ nếu có điều kiện thế này thế nó thì
chúng tôi mới phát huy được vai trò là hoàn toàn sai. Người luôn nghĩ như thế vẫn
là một nô lệ, dẫu là trí thức cũng là trí thức nô lệ (mà không ít đâu vì cái chế
độ này nó có động cơ tạo ra các văn nô, nhà khoa học nô như vậy). Trí thức phải
đi đầu trong dẫn dắt nhân dân hiểu và thực thi quyền vốn có của mình, khi đó họ
có vai trò lãnh đạo, còn vẫn chờ ai đó tạo điều kiện thì đó chưa phải là trí thức
thật.
Phía
Trước: Rất mong ông chia sẻ những kỳ vọng của ông
về lớp trí thức trẻ của Việt Nam trong 10, 20 năm nữa?
T.S
Nguyễn Quang A: Tôi rất tin vào họ và mong họ chăm chỉ
làm ăn, học tập, cải thiện cuộc sống của bản thân mình và gia đình mình, sống
vui, sống khỏe (đừng tưởng những việc bình thường và có vẻ “chẳng dấn thân”
chút nào đó là không quan trọng, chúng vô cùng quan trọng.) Không phải đặt mục
tiêu quá to tát làm gì. Hãy thực tế, đặt ra cho mình những mục tiêu vừa sức vì
mục tiêu viển vông sẽ chắc chắn thất bại và làm bạn nản lòng. Và tất nhiên tôi
cũng chúc họ tham gia chính trị (theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp) một cách tích
cực, nhất là trong việc vượt qua nỗi sợ, nỗi ám ảnh và cứ thế thực thi các quyền
của mình và một điều cuối đừng sợ cả thất bại nữa.
Xin
chân thành cảm ơn ông!
Nguồn:http://phiatruoc.info/tien-si-nguyen-quang-a-tri-thuc-that-su-khong-bao-gio-lam-no-le/