Những phẩm chất đáng quý của nền kinh tế tự do - Phần 1/2

Posted on
  • Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn: ,
  • William L. Anderson
     Phạm Nguyên Trường dịch
    Tôi tin là cuộc họp của Hội Mont Pelerin năm nay, 1982, tổ chức ở Tây Berlin là phù hợp vì đây là nơi mà thực tế và sự khôi hài của nền kinh tế tự do và chủ nghĩa tập thể đứng cạnh nhau như bóng tối và ánh sáng, y hệt như bức tường đán áp ô nhục bao quanh thành phố tự do này giữa lòng đại dương của chủ nghĩa toàn trị. Nếu chúng ta cần chỉ ra tính ưu việt của chủ nghĩa tư bản so với với chủ nghĩa xã hội thì đây chính là vị trí khởi đầu thuận lợi hơn bất kì chỗ nào khác.
    Nếu tôi là luật sư biện hộ cho tự do kinh tế thì tôi sẽ cố gắng sử dụng Berlin như một thí dụ. Nói cho cùng, ai chả thấy là người Tây Berlin phát đạt về mặt kinh tế, đặc biệt là so với người Đông Berlin, những người bị ngăn chặn, không được tiếp xúc với phần phía Tây thành phố bằng hàng rào bằng bê tông, hàng rào kẽm gai, mìn và súng máy trong suốt hơn hai mươi năm qua. Ở phần Tây Berlin tự do, người dân có thể tự do đi khắp thành phố; trong khi ở vùng Đông Berlin cộng sản, cảnh sát có thể tự do quấy rối và đe dọa các công dân của mình. Thu nhập của người Tây Berlin cao hơn thu nhập của người đồng bào của họ ở miền Đông, lương của người Đông Berlin, cao nhất trong khối cộng sản, nhưng vẫn thấp hơn mức nghèo đói ở miền Tây. Không nghi ngờ gì rằng người Tây Berlin tự do hơn, giàu có hơn và hạnh phúc hơn đồng bào của họ ở miền Đông. 
    Trí thức ở phương Tây thường xuyên bôi nhọ chủ nghĩa tư bản
    Nhưng trí óc con người ta lại thường lúng túng và lầm lẫn trước vấn đề tự do kinh tế. Trong suốt hai thế kỉ qua phương Tây đã là nơi thể hiện tính ưu việt của tự do kinh tế, nhưng như nhà thần học Michael Novak đã chỉ ra: “Trong lịch sử trí tuệ phương Tây, thóa mạ chủ nghĩa tư bản là một trong số ít đề tài được nhiều người thảo luận nhất”[1]. George Gilder, trong tác phẩm khá uyên bác: Wealth and Poverty (Giàu và nghèo), đã buồn bã nhận xét rằng nhiều người có tư tưởng ủng hộ tự do kinh doanh không phải là vì họ đồng ý với bản tính của nó (họ cho rằng đấy là sự suy đồi về mặt đạo đức) mà đơn giản là vì lí do công lợi: nó tạo ra nhiều của cải hơn là chủ nghĩa tập thể có thể làm[2].  
    Nhưng, nếu chủ nghĩa tư bản tiếp tục là cái phần đầy sức sống của trật tự thế giới thì ngoài khả năng sản xuất vô cùng to lớn, nó còn phải được coi là có đức hạnh nữa. Những ai muốn coi tự do kinh tế là mục tiêu của sự tiến bộ của nhân loại, mục tiêu của công lý, của việc diệt trừ nạn đói trên thế giới, của bản thân nền tự do, thì họ phải coi chủ nghĩa tư bản không chỉ là nơi thể hiện lòng tham của con người mà chủ yếu là nơi thể hiện những hành vi mang tính đạo đức. Chủ nghĩa tư bản là cách sống không chỉ có thể giúp thúc đẩy sự thịnh vượng về mặt vật chất mà còn thúc đẩy sự thịnh vượng về mặt tinh thần nữa.
    Tuy nhiên, hiện nay người ta – ngay cả nhiều người Tây Berlin – trong khi tìm kiếm những giá trị mà họ cho là xứng đáng lại đang từ bỏ con đường dẫn tới tự do kinh tế và thay vào đó, ủng hộ những biểu hiện của chủ nghĩa tập thể. Nhưng đấy là con đường, như Walter Lippmann từng viết: “Sẽ dẫn tới vực thẳm của chế độ chuyên chế, đói nghèo và chiến tranh triền miên”[3]. Mục đích của tiểu luận này là khảo sát sự ruồng bỏ chủ nghĩa tư bản ở phương Tây và chứng minh rằng nền kinh tế tự do - phương án thay thế cho chủ nghĩa tập thể - là lựa chọn đầy đức hạnh và xứng đáng cho từng cá nhân cũng như cho các dân tộc.  
    Nghịch lý của tự do
    Nền kinh tế tự do là một đối tượng đầy mâu thuẫn. Người ta chống lại nó trong những cuộc thăm dò dư luận và ủng hộ nó khi cầm một nắm tiền trong tay. Các chính phủ theo đường lối tập thể để nó đứng đầu danh sách những kẻ thù không đội trời chung nhưng lại quay sang nhờ nó cứu chữa những căn bệnh trong nền kinh của mình[4]. Giới tăng lữ bảo rằng tinh thần của chủ nghĩa tư bản là vô luân, nhưng chính nền tảng của thị trường tự do lại phụ thuộc vào cái mà Novak gọi là “việc áp dụng một số tiêu chí đạo đức”[5]. Thị trường tự do dường như đã trở thành một một con điếm xã hội: những người có mức thu nhập khác nhau, trình độ học vấn và văn hóa khác nhau cùng công khai lên án nó vì những tội lỗi mà họ qui kết cho nó đồng thời lại tìm kiếm nó khi có nhu cầu về mặt kinh tế.
    Đấy có lẽ không phải là điều đáng ngạc nhiên. Xét đến cùng thì nền tảng pháp lí và tri thức của chủ nghĩa tư bản, rằng cá nhân là người tự do, có khả năng (và trách nhiệm) thực hiện những lựa chọn đạo đức và có một số quyền mà chính phủ không thể tước đoạt,đã đi ngược lại với những giáo lí đã ăn sâu bén rễ vào tư duy phiếm thần cổ truyền vốn từng thống lĩnh tâm trí của con người kể từ ngày xuất hiện nền văn minh. Cốt lõi của tư duy cổ truyền này - dù nó có được phát ngôn hay không bởi Plato, Khổng Tử, Rousseau, Castro hay Mao - là khẳng định rằng bản sắc của một người không phải bắt đầu từ chính anh ta mà bắt đầu từ cộng đồng, phường hội, bộ lạc, giai cấp xã hội, được xác định từ trước của anh ta, hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là từ nhà nước của anh ta[6].
    Trong khi đúng là Thiên chúa giáo (và đặc biệt là đạo Tin lành) đã làm suy yếu tư duy cổ truyền– và đã tạo cảm hứng cho sự vùng lên của chủ nghĩa tư bản – thì trong thời Trung Cổ, hệ tư tưởng mang tính phiếm thần của cộng đồng nhấn mạnh “tính chất quí phái”, trật tự xã hội và những quyền và đặc quyền đặc lợi dành cho người thuộc các đẳng cấp khác nhau đã được chính thức hóa cùng với Thiên chúa giáo. Cuộc cải cách của đạo Tin lành cũng như những học thuyết mà nó tạo ra cũng không thay đổi được ngay lập tức quan niệm về “quí” và “tiện” đã tồn tại trong xã hội từ bao đời nay[7].
    Quí là giới tăng lữ, giáo sư đại học, hoàng thân quốc thích, chính khách và sĩ quan cao cấp; còn tiện là nông nô, thương nhân (những người bị khinh khi nhất) và những thị dân không thuộc tầng lớp quí tộc. Người ta có thể tưởng tượng được rằng trật tự “đạo đức” như thế rất được những tầng lớp trên ưa chuộng, vì ngoài việc là những người thừa kế tự nhiên địa vị lãnh đạo đối với quần chúng, họ còn có quyền tự do áp đặt những giá trị “cao quí” của họ cho các thần dân và điều đó có nghĩa là áp đặt những đạo luật hạn chế chi tiêu và hàng ngàn điều luật chi phối hoạt động kinh doanh khác[8].
    Nhà sử học Arthur M. Schlesinger Jr. chắc chắn là đã đồng cảm với trật tự tiền tư bản khi ông viết về nước Anh thời theo thuyết trọng thương[9] như sau: “Nắm quyền lực là để áp đặt trách nhiệm, và tất cả các giai tầng trở nên gắn bó trong một cộng đồng hài hòa nhờ ý thức về nghĩa vụ đối với nhau”[10]. Tuy nhiên, như đã thấy, hàng loạt cuộc nổi dậy của nông dân thường xuyên đe dọa nền tảng của chế độ phong kiến. Rõ ràng là quần chúng không chấp nhận quan điểm đầy hào hứng của Schlesinger về tình trạng khốn khó của họ. Họ cảm thấy bất mãn, số phận của họ thật là đáng thương. Các tầng lớp dưới lúc đó cũng nghèo xơ xác chẳng khác gì những người nhà quê nghèo khổ nhất trong các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba cùng quẫn hiện nay.
    Rất nhiều điều luật nhằm kiềm chế giá cả, ngăn chặn nguồn cung và quá trình sản xuất – mà trước hết là cản trở cạnh tranh – đã trở thành rào cản hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự phát triển về mặt kinh tế. Chỉ có giới quí tộc mới có thể là những người giàu có; nói cho cùng thì tầng lớp thượng lưu tin rằng tài sản là cố định, chỉ có thể đem ra chia chứ không thể gia tăng được. Người ở tầng lớp hạ lưu không thể nào tưởng tượng được là anh ta có thể có của cải. Cho nên trong thế giới cũ, “thế giới trần tục”, như Lippman viết, muốn giàu có thì “phải cướp bóc”[11]. Hàng xóm cướp của hàng xóm, thành phố này cướp của thành phố kia, còn các dân tộc thì thường xuyên cướp bóc lẫn nhau.
    Chẳng có gì lạ là các giai cấp thượng lưu quí tộc trong giai đoạn hậu-trọng-thương ở châu Âu không những không lường được mà còn không hiểu được cuộc cách mạng xã hội và cách mạng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Nói cho cùng thì khi đọc tác phẩm Tài sản của các quốc gia (The Wealth of Nations) người ta hiểu rằng Adam Smith phát triển quan niệm của Quyền tự do Tự nhiên là để làm lợi cho người nghèo chứ không phải làm lợi cho người giầu. Giới quí tộc, như Lippmann viết, không hiểu được một thực tế rằng “Nguyên tắc vàng là nguyên tắc có cơ sở vững chắc về mặt kinh tế”[12]. Họ không tưởng tượng được lợi ích mà thương nhân tạo ra khi họ được tự do phục vụ những người khác, họ cũng không chấp nhận việc thương nhân không chỉ làm giàu mà còn có cả địa vị xã hội nữa. Trên thực tế, Cách mạng Công nghiệp là cuộc cách mạng của người bình dân, còn những người có thời từng có tiếng nói quyết định ở chốn công cộng thì nay, trong chủ nghĩa tư bản dân chủ, lại bị tụt lại phía sau.
    Và mặc cho sự gia tăng khủng khiếp về mặt tài sản và sức mạnh mà chủ nghĩa tư bản đã đem lại cho thế giới phương Tây, mặc cho những bước tiến vĩ đại trong việc xóa bỏ cảnh nghèo đói từng là hiện tượng phổ biến trong các nước đã công nghiệp hóa, thị trường tự do vẫn bị nhiều người bên ngoài lĩnh vực kinh doanh nguyền rủa – họ là giai cấp mới, đấy là nói theo lời của Kristol, là những người đang tìm cách quyết định “chương trình nghị sự xã hội”. Đấy là những người có thái độ thù địch đối với việc kinh doanh, nhưng theo tôi, lí do của lòng thù hận lại ít liên quan tới những bất bình đẳng về mặt kinh tế và xã hội hiện đang tồn tại trong xã hội chúng ta. Nói cho cùng, những xã hội truyền thống mà nhiều người phê phán chủ nghĩa tư bản có cảm tình lại thường là những xã hội nghèo xác xơ, còn bất bình đẳng là chuyện bình thường. Như Kristol đã nói, họ ghét thị trường tự do là vì chế độ tư bản tự do, cá nhân chủ nghĩa, không cho họ nhiều quyền lực chính trị và xã hội[13]. Trong xã hội mà thị trường tự do có thể tồn tại được, quyền lực nằm ngay tại thị trường, và “được phân tán trong rất nhiều người dân chứ không chỉ tập trung trong tay tầng lớp tinh hoa nắm quyền”[14].
    Novak, trong khi bình luận về lòng căm thù chủ nghĩa tư bản mà dường như giới tăng lữ đang nuôi trong lòng, đã viết:
    Trong những xã hội cổ truyền, người đứng đầu nhà thờ (dù ở Rome hay ở Geneva thì cũng thế) có quyền áp đặt những giá trị của họ lên toàn thể xã hội dân sự. Trong một xã hội đã phân hóa, người đứng đầu nhà thờ khó mà có thể đóng được vai trò như thế.  Vì vậy mà ta mới thường thấy sự thèm khát bí mật, thấy lòng hoài cổ còn rơi rớt lại về một xã hội được kế hoạch hóa, tức là cái xã hội lại cho phép những người đứng đầu nhà thờ liên kết với những người lãnh đạo dân sự nhằm buộc toàn bộ xã hội phải chấp nhận những giá trị của họ.  Quan điểm của ông vua La Mã thế kỉ thứ IV[15] lại tái xuất với tên gọi là chủ nghĩa xã hội và nhà nước tập quyền trong nền kinh tế hỗn hợp[16].
    Chế độ dân chủ trên thương trường
    Những người phê phán hệ thống tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là những người có những thành kiến mang tính gia trưởng của giai cấp mới mà Kristol nói tới, đơn giản là không thích chế độ dân chủ vốn là một thành phần cố hữu trong hệ thống thị trường. Giới quí tộc không bao giờ tin các định chế dân chủ, đặc biệt là trong thời kì tiền tư bản; hậu duệ của họ - mặc dù có thể phải chấp nhận niềm tin vào quyền bình đẳng trong chế độ dân chủ - giống như cha ông họ, cũng không mấy tin tưởng vào quyền tự do lựa chọn. Vì vậy, khi họ nói về quyền bình đẳng thì họ không nói về sự bình đẳng trước pháp luật mà nói về sự bình đẳng do pháp luật tạo ra. Tôn giáo của họ đòi hỏi rằng bình đẳng là do giới tinh hoa cầm quyền ban phát.
    Quan điểm như thế về pháp luật – ngăn chặn một số người và thả lỏng một số người khác – không phải xuất phát từ tinh thần bình đẳng được chủ nghĩa tự do thế kỉ XIX tuyên xưng mà là xuất phát từ não trạng chuyên chế của tinh thần bộ lạc cổ xưa. Vì vậy mà kết quả của hệ thống pháp luật bình đẳng do dùi cui tạo ra – trong đó có thuế lũy tiến, tái phân phối thu nhập, trợ cấp nhà ở, tem phiếu lương thực thực phẩm và những chương trình phúc lợi xã hội khác hay kết quả khủng khiếp của chủ nghĩa tập thể mà ta chứng kiến trong suốt 50 năm qua ở Liên Xô và ở châu Á – phản ánh không phải là lòng từ bi xã hội hiện đại mà là cú nhảy giật lùi trở về thời đại của những ông vua tự cho mình là đang cai trị bằng luật lệ của Chúa trời[17]. Cần phải nhấn mạnh rằng não trạng như thế đã bác bỏ quan điểm của chủ nghĩa tự do về quyền bình đẳng trước pháp luật rồi. Vì ở đâu mà bất bình đẳng trước pháp luật trở thành hiện tượng phổ biến thì ở đó bóng ma của chế độ chuyên  chế, của bạo ngược, nghèo đói, và mất tự do cá nhân sẽ trở thành phổ biến.
    Henry Hazlitt, Gilder, Kristol và những người khác đã khẳng định một cách đầy trí tuệ rằng những chương trình chống nghèo đói của chính phủ dựa trên sự bất bình đẳng hợp pháp thực ra là rào cản trước những lợi ích kinh tế tiềm tàng mà người nghèo có thể nhận. Nhưng họ vẫn chưa chỉ ra được mối liên hệ giữa sự tập trung vào tay nhà nước và tinh thần gia trưởng của thời cổ đại. Đây chính là điều mà các nước có thể học được từ quá khứ vì sự kiện lịch sử rõ ràng là bất bình đẳng trước pháp luật, tình trạng cô lập ép buộc về kinh tế (gọi là tự cấp tự túc) và điều tiết thị trường đã dẫn đến không phải là những mục tiêu đáng mong ước mà ngược lại. Chỉ có phân công lao động một cách tự do, thị trường tự do và bình đẳng trước pháp luật mới có thể dẫn người ta tới tự do và phát triển kinh tế mà thôi. Con người truyền thống đã phải đấu tranh rất lâu trước việc lựa chọn giữa tự do và bánh mì, nhưng trải nghiệm tự do đã cho thấy điều ngược lại. Tự do làm cho người ta có nhiều bánh mì hơn và có nhiều thứ khác nữa.
    Cuối cùng, cả tự do lẫn thịnh vượng, tức là những tính chất cố hữu của chế độ dân chủ tư sản, đã làm cho những người vẫn bám vào những lí tưởng xưa cũ của xã hội không tin vào thị trường tự do. Vì tự do trong chế độ này tạo điều kiện cho những người đã từng phải làm việc dưới quyền của những bạo chúa được tự cai quản lấy mình, còn thịnh vượng do thị trường tự do mang lại thì tạo điều kiện cho những người đã từng là những người khố rách áo ôm tự nuôi sống được mình và không còn phụ thuộc vào thói đỏng đảnh mang tính gia trưởng của tầng lớp quí tộc nữa. Lippmann nhận xét về những người đang đi tìm trật tự cũ như sau:
    . . công cụ thúc đẩy tiến bộ duy nhất mà họ tin tưởng là những biện pháp cưỡng bức của chính phủ. Họ không thể tưởng tượng nổi một cái gì khác hơn, họ cũng không thể nhớ được rằng rất nhiều điều mà họ coi là tiến bộ lại là kết quả của sự giải phóng khỏi quyền lực chính trị, của sự giới hạn quyền lực, của việc giải phóng năng lực cá nhân khỏi uy quyền và sự cưỡng bức mang tính tập thể[18].
    Và Frederic Bastiat đã tiên đoán một cách đầy thuyết phục kết quả sẽ đến với những người tìm kiếm cưỡng bức dưới chiêu bài tự do:
    Đồng vốn - dưới tác động của học thuyết đó – sẽ ẩn nấp, chốn tránh và bị phá hủy. Còn người công nhân, những người làm việc cho những kẻ thề nguyền là yêu thương họ một các chân thành và sâu sắc nhưng vô minh đó, sẽ như thế nào? Họ có được ăn uống tốt hơn khi sản xuất nông nghiệp ngưng trệ hay không? Họ có được mặc tốt hơn khi không còn ai nghĩ đến việc xây nhà máy nữa hay không? Họ có nhiều công ăn việc làm hơn khi đồng vốn không còn hay không?[19]
    (còn tiếp)
    Nguồn:http://thitruongtudo.org.vn/detail/nhung-pham-chat-dang-quy-cua-nen-kinh-te-tu-do-phan-1.191
    ________________________________________
    [1] Michael Novak, “The Economic System: The Evangelical Basis of a Social Market Economy,” The Review of Politics, Vol. 43 (July, 1981), p. 355.
    [2] George Gilder, Wealth and Poverty (New York, 1981), p. 4.
    [3] Walter Lippmann, The Good Society (Boston, 1937), p. 204.
    [4] Chính sách Kinh tế mới của Lenin năm 1923, việc Stalin áp dụng mức lương khác nhau và những cách làm khác của “chủ nghĩa tư bản vào năm 1931 và việc khuyến khích các công ty tư nhân nhỏ bé ở nước Trung Hoa cộng sản hiện nay là những thí dụ dễ thấy của việc các chính phủ độc tài, theo đường lối tập thể, tìm kiếm sự trợ giúp của thị trường tự do.
    [5] Novak, p. 365.
    [6] J. Kautz thể hiện lí tưởng truyền thống trong tác phẩm Die geschichtliche Entwickelung tier Nationökonomik xuất bản năm 1860, khi ông mô tả những quan điểm phiếm thần của Hindu giáo. “Trước hết”, Kautz viết, “nền tảng của toàn bộ lí thuyết kinh tế và xã hội của Ấn Độ là sự tự chế và hi sinh, thừa nhận vô điều kiện và đề cao chế độ chuyên chế tuyệt đối, sự phủ nhận giá trị của chính con người…”
    [7] Tác phẩm của phái Calvin Westminster Confession of Faith, được viết từ năm 1643 đến năm1648, bàn về Lời răn thứ 5 (Kính trọng cha mẹ) đã tìm cách mở rộng khái niệm cha mẹ để đưa vào đó cả “những người đứng đầu” xã hội nữa.
    [8] Thí dụ trong chế độ quân chủ Pháp từ năm 1666 đến năm 1730 ngành công nghiệp dệt Pháp phải đương đầu với một núi luật lệ chứa trong 4 tập sách dày 2.200 trang và 3 cuốn phụ lục nữa.
    [9] Mercantilist, Mercantilism – Thuyết theo đó nhà nước phải hạn chế nhập khẩu, khuyến khích xuất khẩu để giữ trong kho càng nhiều kim loại quí thì càng tốt. 
    [10] Arthur M. Schlesinger, Jr., “Neo-Conservatism and the Class Struggle,” The Wall Street Journal, June 2, 1981, p. 30.
    [11] Lippmann, p. 194.
    [12] Tác phẩm đã dẫn.
    [13] Irving Kristol, Two Cheers for Capitalism (New York, 1978), p. 28.
    [14] Robert Heilbroner, quoted from Time, April 21, 1980, “Is Capitalism Working?” Heilbroner là người ủng hộ xã hội kế hoạch hóa.
    [15] Dịch thoát ý từ Constantinianism.
    [16] Novak, Toward a Theology of the Corporation (Washington, D.C., 1981), pp. 11-12.
    [17] Xem: “Inside North Korea, Marxism’s First ‘Monarchy,’” Reader’s Digest, Feb., 1982.
    [18] Lippmann, p. 5.
    [19] Trích theo William H. Peterson, “Creating a ‘Negative-Sum’ Society,” Business Week, November 16, 1981, p. 32
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org