Nguyên nhân cách mạng Pháp

Posted on
  • Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015
  • by
  • Minh Anh
  • in
  • Nhãn:
  • A. NGUYÊN NHÂN CHÍNH TRỊ: 
    1) Sự cai trị chuyên chế của các vị vua Bourbon. Để dễ tiếp cận, chúng ta chia nguyên nhân Cách mạng Pháp thành ba loại hình chính: kinh tế, chính trị và tư tưởng. Đương nhiên, sự phân chia này có phần nào tương đối, vì không có loại nào hoàn toàn đặc biệt. Nguyên nhân tư tưởng, chẳng hạn, và ở một số mức độ nào đó cũng là nguyên nhân chính trị, phần lớn có nguồn gốc kinh tế. Tuy nhiên, vì mục đích đơn giản hóa tốt nhất nên tách riêng để nghiên cứu. 
    Một trong những nguyên nhân chính trị quan trọng đã được đề cập. Đó là sự cai trị chuyên chế của các ông vua Bourbon. Trong gần 200 năm, chính quyền ở Pháp phần lớn là một thể chế một người. Trong các thế kỷ 14, 15, và 16 một loại nghị viện gọi là Estates General, bao gồm các đại biểu của giải tăng lữ, giải quý tộc, và thường dân, gặp nhau trong thời gian cách quãng không đều. Nhưng sau 1614 không còn nhóm họp nữa. Từ đó về sau, nhà vua là người duy nhất được ký thác nắm quyền quốc chủ. Trong nghĩa này, nhà vua là nhà nước. Nhà vua có thể giải quyết mọi vấn đề theo ý độc đoán của mình, không sợ bị buộc tội hoặc hạn chế lập pháp theo một hình thức bất kỳ. Không hề có vấn đề tính hợp hiến hay quyền tự nhiên của thần dân khiến nhà vua phải băn khoăn. Nhà vua tống giam người khác vào ngục không cần xét xử bằng sắc lệnh của hoàng gia, hay lettres de cachet. Nhà vua ngăn chặn sự phê bình chính sách bằng cách áp đặt chế độ kiểm duyệt gắt gao đối với báo chí hoặc bằng cách hạn chế tự do ngôn luận. Tuy nhiên phải nói rõ sự chuyên chế của các vua Pháp thường bị phóng đại quá mức. Trong thực tế, có sự can thiệp tương đối ít của những người viết hay nói, nhất là trong triều vua Louis XV và Louis XVI. Không có hành động nào của những nhà vua này kiềm chế sự hóm hỉnh châm chọc chua cay của Voltaire hoặc tịch thu số sách cấp tiến của Rousseau[1]. Trái lại, sự công kích của những người này và các triết gia khác làm gia tăng tính độc hại khi cuộc Cách mạng đang đến gần. Dĩ nhiên, giải thích không phải là do chủ nghĩa tự do của Louis XV và người cháu trai tối dạ của ông mà đúng ra là do thái độ thờ ơ trong việc chính sự.
    2) Đặc điểm phi lý trong chính quyền Pháp. Một nguyên nhân chính trị thứ hai của Cách mạng Pháp là đặc điểm phi lý và không hệ thống của chính quyền. Sự rối loạn gần như có ở mọi bộ ngành. Cấu trúc chính trị là kết quả của một sự phát triển lâu dài mà không đều có từ thời Trung cổ. Thỉnh thoảng có sự thành lập của nhiều bộ ngành mới để đáp ứng điều kiện cụ thể với sự thiếu quan tâm đối với bộ ngành hiện có. Do đó có quá nhiều sự chồng chéo trong chức năng hoạt động, và nhiều viên chức vô tích sự bòn rút tiền lương trong ngân khố nhà nước. Mâu thuẫn quyền thực thi pháp lý giữa các ban ngành kình địch thường làm chậm trễ hành động trong khâu giải quyết vấn đề, thậm chí kéo dài đến cả tháng. Gần như mọi nơi tính không hiệu quả, lãng phí và hối lộ là điều thường gặp trong hệ thống. Thậm chí trong các vấn đề tài chính cũng không khá hơn các ngành chính sách công khác. Không những chính quyền không có ngân sách, các tài khoản hiếm khi được duy trì, không có sự phân biệt rạch ròi giữa thu nhập của nhà vua và thu nhập của nhà nước. Tệ hơn cả là việc thu thu thập quốc khố vô cùng bừa bãi. Thay vì bổ nhiệm viên quan thu thuế chính thức, thì nhà vua sử dụng hệ thống La Mã cổ đại giao việc thu thuế cho các công ty tư nhân và cá nhân, cho phép họ giữ lại lợi nhuận mà họ moi ở dân quá mức quy định. Tình trạng vô tổ chức tương tự cũng phổ biến trong lĩnh vực pháp lý và quá trình xét xử. Gần như tỉnh nào ở Pháp cũng có luật riêng dựa theo lệ làng. Do đó một hành động có thể bị phạt như một tội ác ở miền nam Pháp, nơi có nhiều ảnh hưởng của La Mã, có thể được miễn trừ ở trung hoặc bắc Pháp. Thiếu sự thống nhất đặc biệt trơ tráo trong tầng lớp thương nhân, họ thường tham gia các vụ giao dịch ở những nơi xa xôi trong nước.
    3) Các cuộc chiến tranh tốn kém của các vua Pháp. Có lẽ mang tính quyết định nhất trong các nguyên nhân chính trị là những cuộc chiến đầy tai họa mà nước Pháp tham gia trong thế kỷ 18. Cách mạng không phải do những cuộc tấn công tự phát nhắm vào một hệ thống vẫn trong thời kỳ sung sức, cho dù một số chính sách của hệ thống có đàn áp thế nào đi nữa. Trước một cuộc biến động chính trị xã hội (vốn là cách chúng ta định nghĩa một cuộc cách mạng thật sự) xảy ra, dường như cần phải có tình trạng gần sụp đổ trật tự hiện hành. Một số vấn đề phải xảy ra để tạo ra tình trạng hỗn độn, để lộ sự bất lực và mục nát của chính phủ và tạo ra sự phẫn nộ và sự gian khổ mà nhiều người trong số những người trước đây ủng hộ chế độ cũ lúc này trở mặt chống lại. Không có biện pháp nào tốt hơn được nghĩ ra để đạt được những mục đích này ngoài mâu thuẫn với các cường quốc nước ngoài dẫn đến thất bại nhục nhã hoặc ít ra là sự đảo ngược nghiêm trọng. Do đó, hầu như không thể nghĩ đến một cuộc cách mạng vĩ đại nào trong thời hiện đại ngoại trừ những cuộc chiến kéo dài và thảm khốc[2]. Cuộc chiến đầu tiên chuẩn bị cho Cách mạng Pháp là Chiến tranh bảy năm (1756-1763), dưới triều vua Louis XV. Trong cuộc chiến này, Pháp bị rơi vào bẫy chống lại Anh và Phổ, mặc dù có sự giúp đỡ của Áo và có lúc cũng được Nga giúp, nhưng kết cục hoàn toàn thảm bại. Kết quả, người Pháp buộc phải từ bỏ gần như hầu hết thuộc địa của mình. Lẽ đương nhiên là, trên cơ sở hoàn toàn có thể biện minh, sự đổ lỗi cho tai họa này nhắm vào sự bất lực của chính phủ. Hậu quả của cuộc đại bại này càng thêm tệ hại khi năm 1778 Louis XVI quyết định can thiệp vào Chiến tranh giành độc lập của Mỹ. Mặc dù, nước Pháp lúc này đang ở phe thắng, nhưng chi phí duy trì hạm đội và quân đội ở Tây Bán Cầu trong hơn 3 năm hầu như làm cho chính phủ phải phá sản. Như chúng ta biết, chính tình trạng bất lực tài chính khi đối mặt với gánh nặng nợ không thể trả nổi trực tiếp dẫn đến sự bất hòa giữa nhà vua và tầng lớp trung lưu cũng như cách mạng bùng nổ tiếp theo sau.
    Cách mạng Pháp không phải là hệ quả của sự khổ sở, nghèo đói của dân chúng. Trở lại các nguyên nhân kinh tế trong Cách mạng Pháp, trước tiên chúng ta phải ghi nhận rằng sự đau khổ lan tràn trong đại bộ phận dân chúng không phải là nguyên nhân. Người ta cho rằng Cách mạng xảy ra vì đa số người dân đang chết đói muốn có bánh mì, và do hoàng hậu phát biểu, “Cứ để họ ăn bánh ngọt” là không đúng với thực tế lịch sử. Mặc dù mất đế quốc thuộc địa, nhưng vào thời điểm cách mạng, nước Pháp vẫn còn là một quốc gia giàu có, thịnh vượng. Trong hơn hai thế kỷ, giai cấp tư sản béo bở do các khoản lợi nhuận thu được từ mở rộng mậu dịch, trong khi các giai cấp lao động chỉ nhận được một vài mẩu bánh vụn còn sót lại trên bàn ăn của người giàu. Quả thật, quan điểm của giới học giả hiện đại cho rằng nông dân Pháp trong thế kỷ 18 khá hơn nông dân ở một nước châu Âu khác bất kỳ ngoại trừ nước Anh[3]. Tình trạng của họ được cải thiện thật sự qua bằng chứng số lượng nông nô giảm sút trong thế kỷ trước Cách mạng, và tỉ lệ nông dân trở thành chủ đất ngày càng tăng. Chắc chắn vẫn còn tình trạng khổ sở ở số cư dân sống trong các khu ổ chuột Paris, nhất là trong mùa đông khắc nghiệt 1788-1789. Nhưng những người này không làm Cách mạng, họ tham gia cách mạng sau khi người khác phát động. Cũng không nên quá nhấn mạnh rằng phong trào của tầng lớp trung lưu đã tạo ra Cách mạng Pháp. Mục tiêu ban đầu của phong trào này chủ yếu là vì lợi ích của giai cấp tư sản. Vì lãnh đạo giai cấp này cần sự hỗ trợ của một tỉ lệ phần trăm dân chúng đông hơn, đương nhiên họ cũng nhận biết sự than phiền của nông dân. Nhưng giai cấp vô sản nghèo gần như bị phớt lờ.
    B. NGUYÊN NHÂN KINH TẾ THẬT SỰ. 
    1) Sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu. Vậy nguyên nhân kinh tế thật sự là gì? Có lẽ chúng ta nên đặt ở đầu danh sách sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu vươn đến vị trí quyền lực và uy tín đặc biệt. Sự xuất hiện của một nhóm kinh tế mới hiểu được sự than phiền và nhận biết được sức mạnh và tầm quan trọng của chính mình dường như là điều kiện cần thiết để nổ ra một cuộc cách mạng bất kỳ. Tầng lớp này không bao giờ bao gồm những cặn bã đáng thương của lòng nhân đạo - người khốn cùng, chết đói và vô vọng. Trái lại, trong tầng lớp này luôn có cảm giác tự tin được truyền cảm hứng từ sự thành công trước đó và được củng cố bằng suy nghĩ cho rằng nếu cố gắng nữa sẽ mang lại nhiều cái lợi hơn trong tương lai. Trong những năm thịnh vượng trước Cách mạng, giai cấp tư sản Pháp phát triển thành giai cấp kinh tế thống trị. Ngoài đất đai ra, gần như toàn bộ cua cải sinh lợi đều nằm trong tay giai cấp tư sản. Họ kiểm soát các tài nguyên mậu dịch, sản xuất và tài chính. Ngoài ra, thành viên trong giai cấp này qua từng năm trông có vẻ ngày càng giàu hơn. Năm 1789, ngoại thương của Pháp đạt đến mức 1.153.000.000 francs[4], một con số chưa từng có. Nhưng tác động chính của sự thịnh vượng ngày càng tăng này làm cho giai cấp tư sản thêm bất đồng. Cho dù một thương nhân, nhà sản xuất, chủ ngân hàng hoặc luật sư kiếm nhiều tiền cách mấy đi nữa, thì họ vẫn không có đặc quyền chính trị. Hầu như không có thế lực gì trong triều, không được hưởng danh dự cao nhất, và ngoại trừ trong sự tuyển chọn trở thành quan chức địa phương cấp thấp, thì họ cũng không có quyền biểu quyết. Ngoài ra, giới quý tộc nhàn rỗi, phù phiếm thường xem họ là kẻ hạ cấp. Thỉnh thoảng, một số bá tước hoặc công tước hợm hĩnh đồng ý cho con trai mình lấy con gái của một thị dân giàu có, nhưng thường có thông lệ ám chỉ cuộc hôn nhân là “bón phân ở ruộng [mình]”. Khi tầng lớp trung lưu có nhiều thế lực và ý thức tầm quan trọng của chính mình, thì họ phẫn nộ trước sự phân biệt đối xử trong xã hội. Nhưng trên hết, do yêu cầu của giới lãnh đạo thương mại, tài chính và công nghiệp muốn quyền lực chính trị phải tương xứng với vị thế kinh tế của mình làm cho giai cấp tư sản trở thành một giai cấp cách mạng.
    2) Phản đối chính sách trọng thương. Yêu cầu muốn có quyền lực chính trị không chỉ là kết quả duy nhất của sự thịnh vượng ngày càng tăng trong tầng lớp trung lưu, ngày càng có nhiều lời kêu gọi bãi bỏ chính sách trọng thương. Trong thời gian đầu, giới thương nhân và các nhà sản xuất hoan nghênh chính sách trọng thương vì tạo ra nhiều thị trường mới và khuyến khích mậu dịch. Nhưng lúc bắt đầu Cách mạng thương nghiệp, việc kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế. Khi thương mại và công nghiệp phát triển mạnh trong những thế kỷ tiếp theo sau, giai cấp tư sản ngày càng tự tin vào khả năng có thể tự mình đứng vững nếu kết hợp. Kết quả là ngày càng có khuynh hướng xem sự điều tiết trong chính sách trọng thương là những hạn chế kìm hãm. Thương nhân không thích độc quyền đặc biệt ban cấp cho các công ty hưởng ân huệ và cản trở quyền họ được tự do mua bán trong các thị trường nước ngoài. Các nhà sản xuất tức giận đối với luật kiểm soát tiền lương, cố định giá, và hạn chế việc mua nguyên liệu bên ngoài nước Pháp và các thuộc địa của Pháp. Đây chỉ là một số trong nhiều chính sách điều tiết gây khó chịu do chính phủ thực thi, hoạt động theo hai mục đích chế độ gia trưởng và kinh tế tự cung tự cấp. Có lẽ không có gì lạ khi tầng lớp trung lưu cho rằng tự do kinh tế thuần túy là một thiên đường, cần phải giành lấy cho dù phải trả giá khủng khiếp. Bằng mọi giá, gần như chắc chắn rằng mong muốn của giới thương nhân muốn bãi bỏ chính sách trọng thương là một trong nhiều nguyên nhân chính dẫn đến Cách mạng Pháp.
    3) Đặc quyền còn tồn tại: 
    Đẳng cấp thứ nhất. Một yếu tố thứ ba, chủ yếu mang đặc điểm kinh tế, góp phần không nhỏ trong việc nổ ra cách mạng Pháp là hệ thống đặc quyền bám rễ trong xã hội của chế độ cũ. Trước Cách mạng, dân chúng Pháp chia thành ba giải cấp hoặc đẳng cấp: đảng cấp thứ nhất gồm giáo sĩ, thứ hai là quý tộc và thứ ba là thường dân. Đẳng cấp thứ nhất thật sự chỉ gồm 2 nhóm khác nhau: giáo sĩ cấp cao gồm hồng y giáo chủ, tổng giám mục, giám mục, và cha trưởng tu viện; và giáo sĩ cấp thấp hoặc giám mục giáo xứ. Mặc dù tất cả những người phụng sự cho Giáo hội này được cho là thành viên của một nhóm đặc quyền, nhưng thật ra giữa hai nhóm có một khoảng cách đáng kể. Giáo sĩ cấp thấp thường nghèo cũng như giáo dân thân phận hèn mọn nhất, và nói chung rất đồng cảm với thường dân. Trái lại, giáo sĩ cấp cao sống ở những nơi đất đai màu mỡ nhất, thường giao du với nhà vua và triều thần. Chưa đến 1% dân số, nhưng họ sở hữu khoảng 20% diện tích đất, chưa kể đến số của cải khổng lồ dưới dạng lâu đài, tác phẩm hội họa, vàng bạc châu báu. Một số giám mục và tổng giám mục có thu nhập lên đến hàng trăm ngàn francs. Đương nhiên, hầu hết số giáo sĩ cấp cao giàu có này ít quan tâm đến chuyện đạo. Một số tham gia chính trị, giúp nhà vua duy trì sự cai trị chuyên chế. Những người khác cờ bạc hoặc dành thời gian, sức lực của mình cho các thói hư tật xấu gây nhiều tai tiếng. Mặc dù không thể cho rằng tất cả đều sa đọa, và thờ ơ chuyện đạo, nhưng khá nhiều người tham nhũng, độc đoán, hống hách và ác ý làm cho nhiều người nghĩ rằng nhà thờ đã bị mục nát tận xương tuy và những người lãnh đạo giáo hội phạm tội cướp bóc người dân và lãng phí tài nguyên quốc gia.
    Đẳng cấp thứ hai. Đẳng cấp thứ hai, gồm giới quý tộc thế tục, cũng chia thành hai đẳng cấp phụ. Đầu tiên là quý tộc cầm gươm, danh hiệu này có từ các bá chủ phong kiến thời Trung cổ. Dưới họ là quý tộc áo thụng, có tổ tiên nắm giữ chức vụ xét xử đối với một người có danh hiệu quý tộc; “áo thụng” là áo của quan tòa hoặc thẩm phán. Mặc dù thường bị đạo hữu có dòng dõi lâu đời hơn xem thường, nhưng quý tộc áo thụng là những thành viên cấp tiên, có học nhất trong giới thượng lưu. Một số trở thành những nhà cải cách nồng nhiệt, trong khi một số khác đóng vai trò nổi bật trong cuộc Cách mạng. Trong số họ cũng có nhà phê bình nổi tiếng như Montesquieu, Mirabeau và Lafayette. Chính số quý tộc cầm gươm cấu thành một giới đặc quyền trong đẳng cấp thứ hai. Cùng với giáo sĩ cấp cao, họ độc quyền trong các chức vụ lãnh đạo trong chính phủ, công việc thường giao cho thuộc cấp. Trong khi nắm trong tay số điền trang bao la, nhưng thường xuyên sống ở Versailles và thường dựa vào quản gia hoặc chấp hành viên tòa án để moi tiền ở nông dân cung phụng nhu cầu tiêu xài xa xỉ của mình. Thật ra chỉ có một ít người lười biếng, vô tích sự, sinh ra đã là quyền quý, thực hiện một chức năng có ích cho xã hội. Họ hoạt động như thể nghĩ rằng trách nhiệm duy nhất của mình đối với xã hội là phải nịnh hót vua, tận dụng sự trọng đãi của cuộc sống cung đình, và đôi khi bảo trợ cho nghệ thuật cổ điển đã suy tàn. Đúng ra, hầu hết trong số họ là những vật ký sinh vô giá trị tiêu thụ của cải mà người khác phải lao động vất vả mới có.
    4) Hệ thống đánh thuế không công bằng. Trong số những đặc quyền đáng giá nhất của giới tăng lữ và quý tộc là đặc quyền đánh thuế. Một hệ thống đánh thuế không công bằng có thể được xem là nguyên nhân kinh tế thứ tư của Cách mạng Pháp. Thuế ở Pháp, có từ trước 1789 rất lâu, gồm hai loại chính. Thứ nhất là thuế trực tiếp, gồm taille, hoặc thuế đánh vào tài sản thật và tài sản cá nhân, capitation, hoặc thuế thân, và vingtième, hoặc thuế thu nhập, lúc đầu ở mức 5%, nhưng vào thế kỷ 18 thường ở mức 10 hoặc 11%. Thuế gián tiếp, hoặc thuế cộng vào giá hàng hóa và do người tiêu thụ sau cùng trả, chủ yếu là thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài và thuế đánh vào hàng hóa vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác trong nước Pháp. Ngoài ra, còn có gabelle, hoặc thuế muối, có thể xem là một loại thuế gián tiếp. Đôi lúc, sản xuất muối là độc quyền của nhà nước, mỗi cá nhân phải mua ít nhất mỗi năm 7 cân Anh muối của chính phủ. Thuế cao cộng vào giá thành sản xuất, kết quả người tiêu dùng thường mua muối với giá cao gấp 50 đến 60 lần giá trị thật. Trong khi vô cùng phiền toái, thuế gián tiếp nói chung không được tính công bằng. Dĩ nhiên, đối với một người bất kỳ, bất kể địa vị xã hội, khó tránh được việc đóng thuế. Tuy nhiên, trong trường hợp của hầu hết các loại thuế trực tiếp, tình hình diễn ra ngược lại đối với giới giáo sĩ, do quy định từ thời trung cổ rằng nhà nước không được đánh thuế tài sản của Giáo hội, được miễn cả taille lẫn vingtième. Quý tộc, nhất là quý tộc cấp cao, thường gây áp lực với nhà vua để được miễn tất cả các khoản thuế trực tiếp. Do đó, nhiệm vụ chính cung cấp ngân quỹ cho chính phủ chuyển cho thường dân, hoặc thành viên trong đẳng cấp thứ ba. Do một ít thợ thủ công và người lao động có thể bị đánh thuế, nên gánh nặng chính thuế về nông dân và giai cấp tư sản.
    5) Tàn tích chế độ phong kiến còn sót lại. Nguyên nhân kinh tế sau cùng của Cách mạng là tàn tích chế độ phong kiến còn sót lại ở Pháp đến cuối 1789. Trong khi chế độ phong kiến đã bị xóa sổ từ lâu nhưng tàn tích vẫn tồn tại, được dùng như công cụ thuận tiện để duy trì quyền lực của nhà vua và vị thế đặc quyền của giới quý tộc. Ở một số vùng thôn quê lạc hậu, vẫn còn tình trạng nông nô, nhưng sự phổ biến của thể chế này không phải là phóng đại. Số lượng nông dân làm nông nô theo đánh giá ở mức cao nhất là 1.500.000, trong số toàn bộ dân cư nông thôn ít nhất là 15.000.000. Đa số nông dân là người tự do. Một tỉ lệ đáng kể sở hữu đất mình đang canh tác. Số khác là tá điền hoặc lao động làm thuê, nhưng tỉ lệ phần trăm lớn nhất là người lĩnh canh, canh tác trên đất của giới quý tộc để hưởng tỉ lệ hoa màu khi thu hoạch, thường từ 1/3 đến 1/2. Tuy nhiên, thậm chí những nông dân này hoàn toàn tự do nhưng vẫn thực hiện nghĩa vụ có từ thời phong kiến. Một trong những nghĩa vụ đáng ghét nhất là phải nộp tô hàng năm cho lãnh chúa trước đây kiểm soát mảnh đất này. Nghĩa vụ khác là biếu giới quý tộc ở địa phương một số tiền nhận được khi bán được đất. Ngoài ra, nông dân phải đóng góp banalités, hoặc phí được cho là sử dụng nhiều phương tiện khác nhau của giới quý tộc. Trong thời Trung cổ, phải đóng banalités vì đã sử dụng nhà máy xay bột, máy ép nho và lò nướng của lãnh chúa. Vào thế kỷ 18, mặc dù có nhiều nông dân tự mình mua sắm được dụng cụ này và không sử dụng máy của lãnh chúa nữa nhưng vẫn phải đóng banalités như lúc trước.
    Corvée và đặc quyền săn bắn của giới quý tộc. Có lẽ điều gây bực tức nhất trong tất cả tàn tỉnh chế độ phong kiến là Corvée và đặc quyền săn bắn của giới quý tộc. Corvée, trước đây là yêu cầu lao động trên đất lãnh chúa, và làm cầu đường trong trang viên thái ấp, lúc này là trách nhiệm của chính phủ. Mỗi năm, nông dân buộc phải gác lại chuyện riêng của mình để làm đường cho chính phủ trong nhiều tuần. Các giai cấp khác được miễn thi hành nghĩa vụ này. Thậm chí sự phiền toái nhiều hơn mà người dân nông thôn phải chịu đựng là đặc quyền săn bắn của giới quý tộc. Từ thời xa xưa, quyền được tự do thay đổi hướng săn đuổi được cho là đặc trưng của giới quý tộc. Người sinh ra trong dòng dõi quyền quý có quyền tự do vô hạn trong việc theo đuổi thú tiêu khiển đầy phấn khích này ở bất kỳ nơi nào mình muốn. Lẽ đương nhiên, không có những chuyện vớ vẩn như quyền của nông dân đối với tài sản cản trở cuộc săn bắn. Ở một số nơi, nông dân bị cấm làm cỏ hoặc gặt lúa trong mùa sinh sản để không làm kinh động ổ gà gô. Thỏ, quạ và cáo cũng không được giết cho dù chúng phá hoại mùa màng hoặc ăn gà vịt nuôi và gia súc nhỏ đi nữa. Ngoài ra, nông dân được cho là phải chấp nhận để cho ngựa của thợ săn quý tộc do vô tình giẫm phải trên ruộng lúa vào bất kỳ thời điểm nào.
    C. NGUYÊN NHÂN TƯ TƯỞNG:
     Học thuyết tự do và dân chủ. Tất cả biến động quan trọng trong xã hội ở thời hiện đại đều phát triển từ cơ sở nguyên nhân tư tưởng. Trước khi một phong trào đạt đến mức độ của một cuội cách mạng thật sự, nhất thiết phải được một tập hợp quan điểm ủng hộ, không những cung cấp mốt chương trình hành động mà còn đưa ra một tầm nhìn thắng lợi của trật tự mới sẽ đạt được. Ở mức độ rộng, những quan điểm này là kết quả của tham vọng chính trị và kinh tế, nhưng có lúc mang ý nghĩa của các yếu tố độc lập. Nguyên nhân phụ và phái sinh ban đầu sau cùng trở thành nguyên nhân chính. Sau cùng, việc thực hiện quan điểm được chấp nhận như là phương tiện và thu hút lòng trung thành của người khác giống như phúc âm của một tôn giáo mới. Nguyên nhân tư tưởng trong Cách mạng Pháp chủ yếu là kết quả của Thời kỳ Khai sáng. Phong trào này tạo ra hai học thuyết chính trị hấp dẫn, ảnh hưởng sâu rộng chưa từng có. Thứ nhất là thuyết tự do của các nhà văn như Locke và Montesquieu, và thứ hai là thuyết dân chủ của Rousseau. Trong khi cả hai về cơ bản trái ngược nhau, thì lại có chung nhiều thành phần. Cả hai dựa vào giả định cho rằng nhà nước là một điều xấu cần thiết và chính phủ dựa vào cơ sở giao kèo. Mỗi thuyết đều có học thuyết chủ quyền nhân dân, mặc dù cách giải thích trái ngược nhau. Và sau cùng cả hai tán thành quyền cơ bản của cá nhân.
    Thuyết chính trị tự do của John Locke. Cha đẻ của thuyết tự do trong thế kỷ 17 và 18 là John Locke (1632-1704), mặc dù một số thuyết được cho là lấy từ tác phẩm của John Milton (1608-1674), James Harrington (1611-1677) và Algernon Sydney (1622-1683). Triết học chính trị của Locke chủ yếu nằm trong Second Treatise of Civil Government, do ông công bố năm 1690. Trong chuyên luận này ông phát triển một lý thuyết chính phủ hạn chế được sử dụng để biện minh cho một hệ thống cai trị theo nghị viện mới được thiết lập ở Anh sau Cách mạng vinh quang. Ông cho rằng ban đầu mọi người sống trong nhà nước tự nhiên trong đó tự do và bình đẳng tuyệt đối chiếm ưu thế, và không có chính phủ nào thuộc loại khác. Luật duy nhất là luật tự nhiên, mỗi cá nhân tự mình thực thi để bảo vệ quyền tự nhiên đối với sinh mạng, tự do và tài sản. Tuy nhiên, nó tồn tại không lâu, cho đến khi con người bắt đầu nhận thức rằng sự bất tiện của nhà nước tự nhiên nhiều hơn thuận tiện. Mỗi cá nhân cố gắng thực thi quyền của riêng mình, thì sự bất an và hỗn độn là kết quả chắc chắn xảy ra. Do đó, con người nhất trí với nhau trong việc thành lập một xã hội dân sự, thiết lập một chính phủ, và nhường một số quyền lực cho chính phủ. Nhưng họ không làm cho chính phủ trở nên chuyên chế. Quyền lực duy nhất mà họ ám chỉ là quyền hành pháp đối với luật tự nhiên. Vì nhà nước không gì khác hơn quyền lực chung của tất cả thành viên trong xã hội, nên thẩm quyền của nhà nước “không gì khác hơn thẩm quyền của những người đã sống trong nhà nước tự nhiên trước khi họ bước vào xã hội và nhường thẩm quyền này cho cộng đồng”[5]. Tất cả quyền lực không phải giao nộp hoàn toàn mà được giữ lại dành riêng cho chính nhân dân. Nếu chính phủ vượt quá hoặc lạm dụng thẩm quyền được nêu rõ ràng trong giao kèo chính trị, thì nhà nước sẽ trở thành chuyên chế, khi ấy nhân dân có quyền giải tán hoặc nổi loạn và lật đổ.
    Lên án chính thể chuyên chế của Locke. Locke lên án chính thể chuyên chế trong mọi hình thức. Ông lên án chính thể quân chủ chuyên chế, nhưng ông phê phán quyền tuyệt đối của quốc hội không gay gắt bằng. Mặc dù ông bênh vực uy quyền tối cao của ngành lập pháp, với ngành hành pháp chủ yếu là một cơ quan của lập pháp, tuy nhiên ông không cho đại biểu của dân có quyền lực vô hạn. Lập luận rằng chính phủ được hình thành ở những người muốn bảo vệ tài sản (điều ông thường định nghĩa theo nghĩa bao hàm sinh mệnh, tự do và động sản)[6] ông phủ nhận uy quyền của một cơ quan chính trị bất kỳ xâm phạm quyền tự nhiên của một cá nhân. Luật tự nhiên, thể hiện những quyền này, là sự giới hạn tự động đối với tất cả các ngành trong chính phủ. Cho dù đa số đại biểu của dân nhiều cách mấy đi nữa yêu cầu hạn chế tự do ngôn luận hoặc tịch thu và tái phân phối tài sản, thì không có hành động nào như thế mang tính hợp pháp. Nếu được tiến hành một cách phi pháp thì sẽ biện minh cho biện pháp phản đối hiệu quả ở đa số công dân. Locke quan tâm nhiều đến việc bảo vệ tự do cá nhân hơn vấn đề thúc đẩy tính ổn định hoặc tiến bộ xã hội. Nếu phải chọn, có lẽ ông thích những cái xấu của tình trạng vô chính phủ hơn là những cái xấu của chế độ chuyên quyền dưới bất cứ hình thức nào.
    Ảnh hưởng của Locke. Ảnh hưởng của một vài triết gia chính trị trong lịch sử thế giới không nhiều hơn ảnh hưởng của Locke. Không những thuyết của ông về quyền tự nhiên, chính phủ hạn chế, và quyền chống đối chế độ chuyên chế trở thành một nguồn quan trọng trong thuyết Cách mạng Pháp mà còn được nhiều người ở Mỹ chấp nhận. Tư tưởng của ông cung cấp hầu hết nền tảng lý thuyết cho cuộc nổi dậy của thuộc địa chống lại sự đàn áp của Anh, được phản ánh rõ nét trong Tuyên ngôn độc lập với toàn bộ các đoạn văn trong văn kiện ấy gần như sao chép từ Second Treatise of Civil Government. Nguyên lý Locke cũng có nhiều ảnh hưởng trong việc soạn thảo Hiến pháp và nhất là lập luận của Hamilton, Madison và Jay đưa ra trong Federalist thúc giục sự phê chuẩn. Sau này, khi chính phủ mới ban hành luật Ngoại kiều và nổi loạn, chủ yếu dựa vào thuyết của Locke, do Madison và Jefferson đưa ra trong các Giải pháp Virginia và Kentucky yêu cầu một số Bang chống lại sự tiếm quyền.
    Thuyết chính trị tự do của Voltaire. Ở Pháp, đại biểu nổi bật nhất trong thuyết chính trị tự do là Voltaire (1694-1778) và nam tước Montesquieu (1689-1755). Như đã nêu, Voltaire xem đạo Cơ Đốc chính thống là kẻ thù tệ hại nhất của nhân loại, nhưng ông cũng khinh miệt chính phủ chuyên chế. Trong thời gian sống lưu vong ở Anh, ông nghiên cứu tác phẩm của Locke, rất ấn tượng trước những khẳng định quả quyết về tự do cá nhân. Trở về Pháp trong khi vẫn còn khá trẻ, ông dành hết phần đời còn lại của mình để đấu tranh cho tự do tư tưởng, tín ngưỡng và chính trị. Giống với Locke, ông xem chính phủ là một điều xấu cần thiết, phải giới hạn quyền lực ở mức thực thi quyền tự nhiên. Ông cho rằng mọi người khi sinh ra đều có quyền bình đẳng về tự do, tài sản và sự bảo vệ của luật pháp. Nhưng Voltaire không phải là một người dân chủ. Ông có khuynh hướng nghĩ về một hình thức chính phủ lý tưởng như một chế độ quân chủ khai sáng hoặc một nền cộng hòa do tầng lớp trung lưu chi phối. Gần cuối đời ông vẫn còn ít nhiều sợ quần chúng. Thậm chí ông sợ rằng sự chỉ trích của mình đối với tôn giáo có tổ chức sẽ kích động vô số hành động bạo lực. Người ta kể rằng sau khi ông bị một số nông dân vào nhà cướp, ông đi lễ trong một mùa liên tục để thuyết phục những người quê mùa nghĩ rằng ông vẫn tuyệt đối tin ở Chúa.
    Ảnh hưởng của Montesquieu. Một nhà tư tưởng chính trị sâu sắc và có hệ thống hơn Voltaire là người cùng thời với ông nhưng lớn tuổi hơn, nam tước de Montesquieu. Mặc dù, như Voltaire, là học trò của Locke và cũng là người thán phục các thể chế ở Anh, Montesquieu là một nhân vật độc đáo trong số nhiều triết gia chính trị trong thế kỷ 18. Trong Spirit of Laws (Tinh thần của luật pháp) nổi tiếng, ông mang đến nhiều phương pháp và khái niệm mới trong thuyết nhà nước. Thay vì cố gắng tìm một ngành khoa học cai trị bằng cách suy luận thuần túy, ông áp dụng phương pháp của Aristotle nghiên cứu hệ thống chính trị thực tế được cho là đã hoạt động trước đây. Ông thường xem nhẹ quan điểm của Locke về quyền tự nhiên và nguồn gốc giao kèo của nhà nước, và cho rằng ý nghĩa của luật tự nhiên phải được tìm thấy trong thực tế lịch sử. Ngoài ra, ông phủ nhận rằng không có hình thức chính phủ nào hoàn hảo thích hợp cho mọi người dân trong mọi hoàn cảnh. Trái lại, ông cho rằng các thể chế chính trị muốn thành công phải phù hợp với điều kiện cụ thể và trình độ tiến bộ xã hội của quốc gia mà chúng phục vụ. Vì thế ông phát biểu rằng chế độ chuyên quyền thích hợp nhất với các nước có lãnh thổ rộng, chế độ quân chủ hạn chế thích hợp với quốc gia diện tích vừa, và chính phủ cộng hòa thích hợp có diện tích nhỏ. Đối với quê hương ông, nước Pháp, ông nghĩ rằng chế độ quân chủ hạn chế là hình thức thích hợp nhất, vì ông cho rằng nước Pháp quá lớn không thể xây dựng chính thể cộng hòa trừ phi dựa vào một số loại kế hoạch liên bang.
    Phân chia quyền lực, kiểm tra và cân bằng. Montesquieu đặc biệt nổi tiếng với thuyết phân chia quyền lực. Ông công khai thú nhận rằng khuynh hướng tự nhiên của con người là phải lạm dụng quyền lực người khác giao phó cho mình, do đó mỗi chính phủ, cho dù thuộc hình thức nào đi nữa, cũng có khả năng thoái hóa thành chế độ chuyên quyền. Để tránh kết quả như thế, ông lập luận rằng uy quyền của chính phủ nên được phân nhỏ thành 3 phần tự nhiên lập pháp, hành pháp và tư pháp. Bất kỳ lúc nào hơn hai ngành này được phép kết hợp trong cùng một sự kiểm soát, thì ông tuyên bố tự do đã đến hồi kết. Phương pháp hiệu quả duy nhất để tránh sự chuyên chế là làm cho mỗi ngành trong chính phủ có khả năng hành động kiểm tra đối với hai ngành còn lại. Chẳng hạn, ngành hành pháp phải có quyền lực bằng cách biểu quyết hoặc kiềm chế sự vĩ phạm của ngành lập pháp. Đến lượt ngành lập pháp có thẩm quyền buộc tội để kiềm chế ngành hành pháp. Và sau cùng, có một bộ máy tư pháp độc lập được quyền bảo vệ quyền cá nhân chống lại hành động tùy tiện của ngành lập pháp hoặc hành pháp. Dĩ nhiên, kế hoạch ưa thích này của Montesquieu không phải nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho chế độ dân chủ. Thật ra, mục đích của kế hoạch này phần lớn trái lại: ngăn uy quyền tuyệt đối của đa số, được thể hiện như thông thường thông qua đại biểu của dân trong ngành lập pháp. Đây là minh họa điển hình của thái độ không ưa mà giai cấp tư sản thường dành cho chính phủ chuyên chế trong mọi hình thức, cho dù một vài hoặc nhiều người. Nguyên tắc phân chia quyền lực của Montesquieu không phải là không gây được ảnh hưởng. Nguyên tắc này được kết hợp trong các chính phủ đầu tiên được thành lập trong Cách mạng Pháp, và được thay đổi rất ít trong Hiến pháp nước Mỹ[7].
    Thuyết chính trị dân chủ. Quan điểm thứ hai trong số các quan điểm chính trị có vị trí quan trọng trong cơ sở tư tưởng của Cách mạng Pháp là quan điểm dân chủ. Trái với chủ nghĩa tự do, chế độ dân chủ ít quan tâm đến việc bảo vệ quyền cá nhân như thực thi sự cai trị của dân. Do đó, trong ý nghĩa lịch sử ban đầu, chế độ dân chủ không thể tách rời với quan điểm chủ quyền thuộc về quần chúng. Điều mà đa số công dân mong muốn là luật uy quyền cao nhất đối với đất đai, vì tiếng nói của nhân dân là tiếng nói của Chúa. Người ta thường cho rằng trong chế độ dân chủ thiểu số sẽ tiếp tục được hưởng trọn quyền tự do phát biểu tư tưởng, nhưng sự giả định này không hẳn đúng. Quyền cao nhất duy nhất của thiểu số là quyền trở thành đa số. Với điều kiện là một nhóm cụ thể vẫn còn là thiểu số thì thành viên trong nhóm không thể yêu cầu quyền hành động cá nhân bất kỳ vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước. Nhiều đại biểu của chế độ dân chủ trong thế hệ hiện nay phủ nhận rằng phát biểu này là đúng và sẽ kiên quyết cho rằng sự quyết tâm của họ đối với với tự do ngôn luận và tự do báo chí là quyền mà chính phủ không thể vi phạm hợp pháp được. Nhưng thái độ này xuất phát từ thực tế quan điểm hiện hành thường kết hợp với chủ nghĩa tự do. Quả thật, chế độ dân chủ và chủ nghĩa tự do lúc này được sử dụng như thể giống hệt nhau về nghĩa. Tuy nhiên, ban đầu là hai quan điểm hoàn toàn khác biệt. Chế độ dân chủ trong lịch sử cũng bao gồm quan điểm sự bình đẳng tự nhiên của mọi người, trái với đặc quyền cha truyền con nối, và niềm tin không đổi vào sự sáng suốt, đức hạnh của quần chúng.
    Rousseau, người sáng lập chế độ dân chủ. Người sáng lập chế độ dân chủ theo mô tả trên là Jean – Jacques Rousseau (1712- 1778). Vì Rousseau cũng là cha đẻ của chủ nghĩa lãng mạn, nên chúng ta nghĩ rằng tình cảm sẽ ảnh hưởng đến đánh giá chính trị của ông. Ngoài ra, tính nhất quán không phải lúc nào cũng là đặc điểm nổi bật trong lập luận của ông. Có ý nghĩa quan trọng nhất trong các tác phẩm của ông về thuyết chính trị là Social Contract và Discourse on the Origin of Inequality. Trong cả hai tác phẩm này, ông ủng hộ luận điểm phổ biến cho rằng con người lúc đầu sống trong nhà nước tự nhiên. Nhưng trái với Locke, ông cho rằng nhà nước tự nhiên này là một thiên đường thật sự. Không ai chịu đựng sự bất tiện khi duy trì quyền của riêng mình chống lại người khác. Quả thật, có rất ít khả năng xảy ra xung đột trong mọi hình thức, vì tài sản riêng không tồn tại trong thời gian dài, và mọi người đều bình đẳng như hàng xóm. Tuy nhiên, sau cùng, điều xấu phát sinh, chủ yếu là do một số người dời cọc cắm ở lô đất của mình và tự nhủ, “phần đất này là của tôi”. Chính hành vi như thế phát triển nhiều mức độ không công bằng khác nhau, do đó, “thủ đoạn lừa gạt”, “phô trương xấc láo” và “tham vọng khôn cùng” ít lâu sau chi phối mối quan hệ ở con người[8]. Hy vọng an toàn duy nhất lúc này đối với con người là phải thiết lập một xã hội dân sự và giao nộp tất cả quyền của mình cho cộng đồng. Họ làm điều này bằng giao kèo xã hội, trong đó mỗi cá nhân đồng ý với toàn bộ tập hợp cá nhân phục tùng nguyện vọng, ý kiến của đa số. Vì thế nhà nước ra đời.
    Quan niệm của Rousseau về quyền tối thượng. Rousseau phát triển một quan niệm về quyền tối thượng khác với quan niệm của những người theo chủ nghĩa tự do. Trong khi Locke và môn đệ cho rằng chỉ một phần nhỏ quyền lực tối cao nhường cho nhà nước thì phần còn lại phải do nhân dân nắm giữ, Rousseau quả quyết quyền tối thượng không thể phân chia, và tất cả chủ quyền nay được giao cho cộng đồng khi thành lập xã hội dân sự.
    Ông nhất mực cho rằng mỗi cá nhân trong khi trở thành một đối tác trong giao kèo xã hội từ bỏ tất cả quyền của mình cho người khác và đồng ý hoàn toàn quy phục ý kiến chung của tập thể. Tiếp đến quyền lực tối cao của nhà nước không hề bị giới hạn. Ý kiến chung của tập thể, được thể hiện qua sự biểu quyết của đa số, là phán quyết sau cùng. Những gì đa số quyết định luôn luôn đúng theo nghĩa chính trị thì hoàn toàn ràng buộc mọi công dân. Nhà nước, trong thông lệ thực tế nghĩa là đa số, theo luật định có quyền tuyệt đối. Nhưng theo Rousseau, điều này không có nghĩa là tự do cá nhân hoàn toàn bị xóa bỏ. Trái lại, khuất phục trước nhà nước có tác động thúc đẩy tự do thật sự. Cá nhân khi nhường quyền của mình cho cộng đồng đơn thuần chỉ là sự trao đổi sự tự do của động vật trong nhà nước tự nhiên với sự tự do thật sự của sinh vật có lý trí trong việc chấp hành luật pháp. Ép buộc cá nhân tuân thủ ý kiến tập thể chỉ đơn thuần “buộc cá nhân ấy tự do”.
    Cũng phải hiểu rằng khi Rousseau ám chỉ nhà nước như một cộng đồng tổ chức chính trị, có chức năng tối cao trong việc thể hiện ý kiến của tập thể. Uy quyền của nhà nước không thể được đại diện, nhưng phải được thể hiện trực tiếp thông qua việc chính nhân dân ban hành các luật cơ bản. Mặt khác, chính phủ đơn thuần chỉ là cơ quan hành pháp của nhà nước. Chức năng của chính phủ không phải là phát biểu có hệ thống ý kiến tập thể mà chỉ đơn thuần là thực hiện ý kiến này. Ngoài ra, cộng đồng có thể thành lập chính phủ hoặc xóa sổ “bất kỳ khi nào mình thích”.
    Ảnh hưởng của Rousseau. Ảnh hưởng thuyết chính trị của Rousseau không hề phóng đại chút nào. Quan điểm sự bình đẳng và quyền tối cao của đa số là những cảm hứng chính cho giai đoạn thứ hai trong Cách mạng Pháp, đặc biệt đối với những người cấp tiến giáo điều như Robespierre cùng với môn đệ cuồng nhiệt nhất của mình. Nhưng ảnh hưởng của Rousseau không chỉ giới hạn trong nước. Một số thuyết của ông phát triển sang Mỹ và được chấp nhận trong một số nguyên tắc Chế độ dân chủ Jackson - dĩ nhiên, mặc dù có lẽ cực đoan khi những người ủng hộ Jackson chưa hề nghe tên Rousseau. Những người theo chủ nghĩa duy tâm lãng mạn Đức, vào đầu thế kỷ 19, ca ngợi nhà nước như “Chúa trong lịch sử” có vẻ cũng vay mượn một số quan điểm triết học trong The Social Contract[9]. Từ học thuyết của Rousseau nhà nước có quyền lực vô hạn hợp pháp, và tự do thật sự bao gồm sự quy phục ý kiến tập thể, đây không phải là bước quá khó khăn để ca ngợi nhà nước như một mục tiêu tôn thờ và làm cho cá nhân thu nhỏ thành một bánh răng đơn thuần trong guồng máy chính trị[10]. Cho dù Rousseau có quan điểm rằng đa số bị kiềm chế đạo đức hạn chế và nhất mực dựa vào quyền của nhân dân để ''hạ bệ'' chính phủ, thì những giới hạn này chưa đủ làm mất tác dụng khi ông nhấn mạnh đến quyến lực cao nhất tuyệt đối.
    Ảnh hưởng của thuyết kinh tế mới. Như một nguyên nhân tư tưởng sau cùng làm bùng nổ Cách mạng Pháp, ảnh hưởng của thuyết kinh tế mới ít nhất cũng dành cho sự chú ý ngẫu nhiên. Trong nửa sau thế kỷ 18, có nhiều nhà văn lỗi lạc bắt đầu công kích những giả định truyền thống cho rằng nhà nước kiểm soát sản xuất và mậu dịch. Mục tiêu đặc biệt của sự chỉ trích nhắm vào chính sách trọng thương. Ở mức độ rộng, kinh tế học mới dựa trên những quan niệm cơ bản trong Thời kỳ Khai sáng, đặc biệt là tư tưởng vũ trụ theo thuyết cơ giới do những định luật bất biến chi phối. Khái niệm này lúc bấy giờ thịnh hành cho rằng lĩnh vực sản xuất và phân phối của cái theo luật không thể cưỡng lại cũng như định luật vật lý và thiên văn. Thuyết kinh tế mới cũng được xem là trung hòa chủ nghĩa tự do chính trị. Mục đích chính của cả hai hoàn toàn như nhau: giảm quyền lực của chính phủ xuống mức tối thiểu thích hợp với sự an toàn và bảo vệ cá nhân bằng những biện pháp tự do càng nhiều càng tốt trong việc theo đuổi phương sách của mình.
    Học thuyết của phái Trọng nông. Người đầu tiên trong số các chiến sĩ hàng đầu có thái độ xét lại các vấn đề kinh tế là thành viên trong một nhóm gọi là phái Trọng nông. Nổi bật nhất là François Quesnay (1694-1774), tác giả của Tableau Economique, kinh thánh của phái Trọng nông; Dupont de Nemours (1739-1817), tổ tiên của dòng họ Dupont ở Mỹ; và Robert Jacques Turgot (1727-1781), bộ trưởng tài chính trong thời gian ngắn dưới triều vua Louis XVI[11]. Từ đầu, phái Trọng nông lên án học thuyết của chính sách trọng thương. Một trong những mục đích chính của họ là việc chứng minh dự án nông nghiệp, khai khoáng và đánh bắt cá trong thiên nhiên đối với quốc gia còn quan trọng hơn thương mại. Thiên nhiên theo họ là nguồn mang lại của cải thật sự, vì thế những ngành công nghiệp này hàng năm khai thác tài nguyên thiên nhiên và thu được những sản phẩm có giá trị nhất cho con người. Mậu dịch về cơ bản vô ích, vì chỉ đơn thuần chuyển hàng hóa có sẵn từ người này sang người khác. Cùng với thời gian, những học thuyết này không quan trọng bằng quan điểm khác mà phái Trọng nông cho rằng quan trọng hơn hết, đó là sự tự do hóa hoạt động kinh tế từ thoát khỏi sự bóp ngạt do nhà nước áp đặt. Phái Trọng nông yêu cầu chính phủ nên hạn chế mọi hành động can thiệp vào việc kinh doanh, ngoại trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ sinh mạng và tài sản. Trước nay chưa hề có hành động nào cản trở hoạt động của luật kinh tế tự nhiên. Học thuyết này được tóm tắt trong châm ngôn kỳ quặc, Laissez faire et laissez passer, le monde vade lui-même (Cứ làm đi và cứ để mặc họ, mọi chuyện sẽ tự diễn tiến tốt đẹp). Tư tưởng laissez faire ít lâu sau được thể hiện trong các khái niệm như tính bất khả xâm phạm tài sản cá nhân và quyền tự do ký hợp đồng và tự do cạnh tranh. Vì thế đây chính là sự đối lập với chính sách trọng thương hạn chế.
    Kinh tế học của Adam Smith. Nổi tiếng nhất trong số các nhà kinh tế học trong Thời kỳ Khai sáng và cũng là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của mọi thời đại là Adam Smith (1723-1790). Là người Scotland, Smith bắt đầu sự nghiệp của mình trong tư cách giảng viên văn học Anh ở đại học Edinburgh. Từ đại học này, và sau đó không lâu ông, được đề bạt chức giáo sư luận lý học ở Học viện Glasgow. Ông nổi tiếng lần đầu tiên trong năm 1759 khi công bố Theory of moral Sentiments. Mặc dù đôi lúc ông quan tâm đến vấn đề kinh tế học chính trị nhưng sự quan tâm này được kích thích một cách hiệu quả sau hai năm cư trú ở Pháp trong khi làm thầy dạy kèm công tước trẻ tuổi xứ Buccleuch. Ở Pháp ông trở thành thành viên lãnh đạo của trường phái Trọng nông và thích thú khi nhận thấy một số thuyết của họ phù hợp với thuyết của mình. Ông mô tả kinh tế Quesnay, với tất cả những điểm chưa hoàn thiện như “sự tiếp cận chân lý gần nhất chưa được công bố về nguyên tắc của khoa học đó”.
    Nhưng Smith không hề gia nhập theo tiêu chuẩn của phái Trọng nông, mặc dù phần lớn học thuyết của họ chắc chắn có ảnh hưởng đối với ông. Năm 1776, ông công bố Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, thường được cho là chuyên luận về kinh tế học có nhiều ảnh hưởng nhất từ trước đến nay. Trong chuyên luận này, ông cho rằng lao động chứ không phải nông nghiệp hoặc sự hào phóng của tự nhiên, là nguồn tạo ra của cải đích thực. Trong khi nói chung ông chấp nhận nguyên tắc laissez faire, thì lại thú nhận rằng sự thịnh vượng của mọi người tốt nhất bằng cách để cho mỗi cá nhân theo đuổi sự quan tâm của riêng mình, tuy nhiên ông thừa nhận một số hình thức can thiệp của chính phủ cũng là điều đáng mong muốn. Nhà nước nên can thiệp để tránh bất công và đàn áp, vì sự tiến bộ của giáo dục và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và nhằm duy trì những dự án cần thiết vốn không bao giờ tư nhân bỏ tiền đầu tư. Dù sao những hạn chế của quan điểm này vẫn còn dựa trên nguyên tắc laissez faire, Wealth of Nations của Smith được các nhà kinh tế học thế kỷ 18 và 19 chấp nhận xem như Kinh thánh. Ảnh hưởng của nó trong Cách mạng Pháp mang tính gián tiếp nhưng không phải là không sâu xa, cung cấp câu trả lời sau cùng đối với lập luận trọng thương, và do đó làm tăng thêm tham vọng của giai cấp tư sản đối với một hệ thống chính trị tiếp tục cản trở con đường tự do kinh tế.


    [1] Voltaire bị tống giam một khoảng thời gian, sau đó bị trục xuất sang Anh vì các bài viết đả kích cay độc của mình, nhưng đây chỉ là thời gian đầu trong sự nghiệp của ông. Hầu hết những lời phê phán đanh thép của ông đối với chính quyền và nhà thô đều diễn ra sau khi từ Anh trở về Pháp.
    [2] Dĩ nhiên, sự phân biệt rút ra giữa cách mạng thật sự và bất đồng trong cung đình, thường phổ biến ở bán đảo Balkan và các nước châu Mỹ Latin, thật ra không gì ngoài việc thay cho các cuộc bầu cử.
    [3] L. R. Gottschalk. The Era of the French Revolution, trang 30-31.
    [4] Sách đã dẫn
    [5] Second Treatise of civil Government (Everyman Library biên tập), trang 184.
    [6] Sách đã dẫn.
    [7] Muốn biết ảnh hưởng của Montesquieu đối với những người sáng lập chính phủ Mỹ, nên đọc E. M. Burns, James Madison: Philosopher of the Constitution, trang 180-83.
    [8] Discourse on the Origin of Inequality (Everyman Library), trang 207.
    [9] The social contract (Everyman Library), trang 88.
    [10] Muốn biết thêm phần luận thuyết chính trị của những người Duy tâm lãng mạn, xem trong phần Thời kỳ Chủ nghĩa lãng mạn và Phản động.
    [11] Một nhà kính tế học khác là Vincent de Gournay (1712-1759), có nhiều ảnh hưởng đối với phái Trọng nông, nhưng thật ra ông chưa hề là thành viên của trường phái này. Người ta thường cho rằng chính ông là người đưa ra cụm từ laissez faire (đừng bận tâm).
    Nguồn: http://www.bachkhoatrithuc.vn/
     
    Xem trang web chính thức tại Tinhthankhaiminh.org